Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Nước Mỹ không chống những chế độ độc tài - Lê Mạnh Hùng



Khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, một trong những điều ông Trump làm khiến cho nhiều người Mỹ giận dữ phản đối là việc ông tỏ ra thích thú và còn có thể nói là thán phục các nhà độc tài và ủng hộ cho các chế độ độc tài. Người ta cho rằng làm như vậy là đi ngược với truyền thống và các giá trị Hoa Kỳ; nói một cách khác thái độ đó của ông Trump bị coi như là “un-American” ' Nhưng thực tế thì hành dộng của ông Trump có thể nói là chỉ kế thừa một chính sách ngoại giao lâu đời của nước Mỹ. Người Mỹ có thành ngữ để gọi những cái gì đặc biệt Mỹ là “Mỹ như cái bánh pie nhân táo” (as American as apple pie) và trong việc này có thể nói là thái độ của ông Trump thì cũng Mỹ như là “apple pie” vậy.<!>

Tháng 11 năm 1979, bà Jeane Kirkpatrick, lúc đó đang là giáo sư tại Viện đại học Georgetown và sau này trở thành đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hiệp quốc dưới triều tổng thống Ronald Reagan viết một bài đăng trên tạp chí Commentary dưới tựa đề “Dictatorships and Double Standards.” Trong đó bà chỉ trích rằng Mỹ đã trở thành quá thụ động trên thế giới. Trong cái nhìn của bà Kirkpatrick, chính quyền Carter đã chấp nhận việc lật đổ chế độ Anastasio Somoza tại Nicaragua và Hoàng đế Iran vì lầm lẫn tin tưởng rằng những thay đổi này là hậu quả của những tác động lịch sử nhằm hiện đại hóa các xã hội này mà Hoa Kỳ không có khả năng kiểm sóat. Ngoài ra bà nói thêm còn có một ước muốn của các quan chức Mỹ tránh không ở bên phía sai của lịch sử.

Bài báo đưa ra một luận đề chống lại các ông tổng thống Mỹ (đặc biệt lúc đó là ông Jimmy Carter) vốn tin tưởng một cách ngây thơ vào những cam kết của các phong trào cách mạng (trong truờng hợp này là phong trào Sandinistas) xây dựng một hệ thống kinh tế chính trị công bằng hơn mà không để ý đến những nguy cơ mà những nhóm này tạo ra cho Hoa Kỳ vì những quan hệ của họ với Liên Sô. Nằm ở giữa cái ngây thơ của chính quyền Carter theo bà Kirkpatrick là môt tiêu chuẩn kép ghê sợ: khi những đồng minh đáng tin cậy, tuy rằng độc tài phải đối phó với những chống đối của dân chúng, Hoa Kỳ đầu tiên áp lực họ phải cải tổ ngay vào giữa một cuộc khủng hỏang và sau đó, trên thực tế bỏ rơi họ, bỏ rơi những quốc gia từng là đồng minh của mình vào tay các kẻ độc tài khác chống lại Mỹ mà tổng thống Jimmy Carter và những cố vấn của ông chấp nhận như là hậu quả tất yếu của tiến trình hiện đại hóa xã hội.

Sau khi định bệnh, đơn thuốc mà bà Kirkpatrick đề nghị thì rất đơn giản, gạt bỏ các lý thuyết về hiện đại hóa mà chẳng có giá tri bao nhiêu, và nhận thức rằng Liên Sô là thế lực đứng đằng sau hầu hết các phong trào cách mạng của thế giới đang phát triển. Tổ chức Sandinistas không phải là một phần của tiến trình lịch sử hiện đại hóa xã hội Nicaragua những là công cụ của Moscow và cần phải bị cương quyết chống lại.

Bà Kirkpatrick chỉ trích chính sách ngoại giao của ông Carter thực ra không hoàn toàn đúng. Các vị tổng thống Hoa Kỳ từ Ronald Reagan, George H.W Bush, Bill Clinton, Barack Obama cũng như những tổng thống trước thời ông Carter đã chứng minh rằng ủng hộ các chế độ độc tài không phải là một chuyện hy hữu trong chính sác ngoại giao của Hoa Kỳ. Trước khi có Duterte thì ta có Ferdinand Marcos; trước khi có al Sisi thì ta có Hosni Mubarak, trước khi có Mohammed bin Salman (MBS) thì ta đã có một lọat các ông chú của ông thái tử này. Tất cả những cái đó cho thấy quan hệ của Washington với các chế độ độc tài vẫn có và có khi còn rất mật thiết.

Ông Trump lên làm vua nước Mỹ với một số ý niệm đơn giản về thế giới mà chắc hẳn chúng ta nay đều đã quen thuộc: không thể tin vào Trung Quốc; các đồng minh lợi dụng sự rộng rãi của nước Mỹ, di dân phá hoại trật tự xã hội; trật tự quan trọng hơn nhân quyền; Hồi giáo và những tín đồ Hồi giáo có khuynh hướng bạo động. Và điều này đã dẫn đến việc ông Trump ủng hộ những nhà độc tài như Viktor Orban của Hungary, Rodrigo Duterte của Philippines, Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập và Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vv.. Trên phương diện này, ông Trump đi theo truyền thống của nước Mỹ. Những nhà độc tài này có thể là những đồ “chó đẻ” nhưng là đồ “chó đẻ” của chúng ta.

Điều ông Trump đi xa hơn các vị tổng thống khác là ông còn thân thiết với cả những kẻ thù của nước Mỹ nữa. Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đi từ đứng số 1 trong danh sách những kẻ cần phải bị trừng trị của ông Trump sang một đồng bạn họp thượng đỉnh mà không hề cần phải thay đổi chút gì trong chính sách hạch nhân của mình. 

Ngoài ra còn có những quan hệ cá nhân mật thiết của ông Trump với các nhân vật như Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, dù rằng hai người đầu là đối thủ toàn cầu của Hoa Kỳ và người thứ ba, ngoài mặt là đồng minh nhưng thực tế tích cực họat động để phá họai chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Các chính quyền Mỹ trước đây ít nhất còn có sự bảo vệ thể diện của một quốc gia dân chủ hàng đầu là dấu không phô trương những quan hệ với các nhà độc tài, nhưng ông Trump thì công khai khoe khoang những quan hệ này. Và đó lại là một điều đáng lo ngại nữa khi mà chúng ta bước vào một giai đọan mà dân chủ đang lùi bước trong lúc ông tổng thống Hoa Kỳ lại là người ủng hộ cho những người có trách nhiệm chính trong việc đẩy lùi dân chủ này.

Lê Mạnh Hùng
May 2019

Không có nhận xét nào: