Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Ngọt ngào hương vị Phở + Sau "nem", "phở" và "bò bún" đi vào từ điển Pháp

Ngọt ngào hương vị Phở
 
Phở từ món "quà sáng" đã trở thành món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Việt. 

 Phở là món quà có thể ăn suốt ngày, như nhà văn Nguyễn Tuân từng viết : "thứ quà sáng, ăn chắc bụng bữa trưa, ăn lót dạ trước bữa tối". Thời bao cấp ở Hà Nội, phở là món ăn xa hoa nên với trẻ nhà nghèo chỉ khi nào... ốm mới được ăn phở, từ đó mà có câu « ốm phở ».
Phở được « xuất khẩu » đến bất kỳ nơi nào có người Việt sinh sống. Tại Pháp, từ « Phở » được đưa vào từ điển Le Petit Robert năm 2014, sau đó xuất hiện trong ấn bản 2017 của từ điển Le Petit Larousse, với giải thích : « Là một từ tiếng Việt, dùng để chỉ một món ăn được chế biến từ nước hầm xương bò với bánh phở ».<!>
Với nhiều người Việt lần đầu đến Pháp, khi nhâm nhi một tô phở ở « Chợ Tầu » quận 13 Paris, họ không khỏi bất ngờ trước bát phở lớn gấp ba lần so với ở Việt Nam. Tên gọi mỗi cửa tiệm, nhà hàng trong quận 13 Paris cũng ngắn gọn để khách hàng dễ nhớ tên : Phở 13, Phở Bờm, Phở Hòa Pasteur, Phở Mùi, Phở Nam Bộ… giống như cách đặt tên thường thấy ở Việt Nam : theo tên hoặc đặc điểm hình thể chủ quán, vị trí của cửa hàng hoặc gọi bằng tên tự…
Anh Trương Anthony, chủ nhà hàng Phở 13, chia sẻ với RFI tiếng Việt cách làm một nồi nước lèo đậm chất để thu hút thực khách :
« Cũng phải qua nhiều thử nghiệm mới có được như ngày hôm nay, có nghĩa là phải làm rất nhiều lần. Khi nấu qua rất nhiều lần thì mình nắm được công thức, cũng giống như một món phở bình thường, chứ không có gì đặc biệt hơn người khác : có xương, có thịt chín, có hồi, có nhiều thứ lắm. Chỉ có độ lượng căn bằng hơn người ta thôi.
Khi đạt đúng được mức gia vị, thì mình giữ công thức giống như vậy để làm hoài. Cũng giống như mọi người, cũng nấu bình thường, nhưng ăn thua ở độ lượng bỏ vào và cân nước : bao nhiêu nước, bao nhiêu thịt thì đã có một căn bản sẵn rồi thì ra như vậy thôi ».
Bên cạnh miếng chanh, quả ớt cắt nhỏ, còn có nhiều loại rau ăn kèm, ngò gai, rau húng, giá đỗ, rồi thêm lọ tương đen. Vị phở cũng khác so với vị phở « cổ điển », nước có mầu hơi đục, vị béo và ngậy thơm, còn bánh phở và thịt luôn đầy đặn hơn. Phở quận 13 Paris rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách từ Á đến Tây. Ngoài phở tái, phở chín hay tái chín, còn phải kể để phở gà hoặc bò đặc biệt thêm thịt bò viên, phở tái chín gầu... và « sáng tạo » gần đây nhất là phở bò sa tế, lạ mà vẫn có hương vị quen. Anh Trương Anthony giải thích :
« Phở có nhiều lựa chọn, như phở đặc biệt thì có đủ thứ thịt trong đó, có sách, có gầu, có tái, có gân, có bò viên. Còn có khách có thể lựa chọn phở tái, hoặc không ăn cái này không ăn cái kia, tùy khách.
Ở đây đa số khách du lịch Việt Nam, khoảng 80% qua là ghé đây ăn phở. Khi người nhìn thấy tô phở, người ta… sợ bởi vì nó quá to so với những tô phở bên Việt Nam. Khách ăn hết, to nhưng mà khi nước lèo ngon, thì người ta vẫn ăn hết bình thường ».

Nguồn gốc Phở
Phở xuất hiện trong danh mục ẩm thực Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Theo nhà văn Thạch Lam, rồi đến nhà văn Nguyễn Tuân, có lẽ phở bắt nguồn từ món « Ngưu nhục phấn » của Trung Quốc, lặng lẽ len vào bếp Việt. Tên gọi « phở » dường như được đọc trại từ chữ « phấn ».
Phở có mặt ở khắp nơi từ đầu ngõ, trên vỉa hè hay ngoài chợ và thường ngồi cố định một chỗ. Người bán chỉ cần đôi quang gánh, một bên là bếp than với nồi nước phở bốc hơi nghi ngút, bên kia là rổ bánh phở, nguyên liệu cắt sẵn cùng với chồng bát đũa, thêm mấy chiếc ghế đẩu được cài quanh gánh, vừa dùng làm ghế ngồi vừa làm nơi để bát. Một số nhà có địa điểm cố định nên bày bàn ghế đàng hoàng ; nồi nước phở to hơn, chồng bát cũng cao hơn và tủ đựng thịt gà, thịt bò cũng lớn hơn.
Vị phở ngạt ngào từ đầu phố được nhà văn Thạch Lam miêu tả trong tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943) như sau :
« Nồi nước sôi sùng sục, tỏa mùi thơm ra khắp phố. Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, và hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn bát thứ hai ».
Món phở bò, qua ngòi bút miêu tả của nhà văn-nhà báo Vũ Bằng trong cuốn Miếng ngon Hà Nội (1952), gộp đủ ngũ vị hương, cay cay ngòn ngọt khó cưỡng nổi :
« Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt ; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học... ».

Bí quyết nồi nước phở
Phở có khắp nơi trên nước Việt, hương vị nước dùng và nguyên liệu ăn kèm ở mỗi miền cũng khác nhau, nhưng có lẽ phở Hà Nội vẫn giữ nét cổ điển hơn cả. Cùng nguyên liệu bánh phở, thịt bò hay gà, hành lá, chanh ớt, gừng củ, hành tây... nhưng phở mỗi nhà lại có vị khác nhau : Ngon-dở hoàn toàn tùy thuộc vào nước dùng, độ mềm của thịt. Vì vậy, mỗi nhà có một bí quyết riêng cho nồi nước dùng và họ giấu còn hơn giữ của.
Vẫn trong cuốn Miếng ngon Hà Nội (1952), nhà văn Vũ Bằng nêu vài « tương truyền » để có nước dùng vừa trong vừa ngọt :
« Thuyết cho đường nhất định là bị loại rồi. Có người cho rằng phải có nhiều đầu cá mực bỏ vào; có người chủ trương cần phải có thứ nước mắm tốt, lại có người quả quyết với tôi rằng muốn có nước dùng ngọt, không thể thoát được món cua đồng - cua đồng giã nhỏ ra, lọc lấy nước, cho vào hầm với nhiều xương ống, nhưng phải chú ý tẩy cho thật khéo, mà cũng đừng ninh kỹ quá sợ nồng ».
Trong một chương trình ẩm thực Việt và bàn về phở, nghệ nhân Ánh Tuyết, chủ nhân ngôi nhà cổ số 22 và 25 Mã Mây, cho biết :
« Không dùng xương sườn, chỉ ninh xương ống trong suốt 12 tiếng, đến khi xương bạc trắng như vôi mới đạt yêu cầu mà lại phải bỏ tủy để tránh cholesterol, nước mắm phải là loại ngon, mang vị ngọt thanh, không nêm mỳ chính. Nước dùng không mỡ, thơm mùi gừng nướng, quế, hồi, thảo quả..., xương bò được tẩy kỹ càng để nước không còn gây mùi bò. Bánh phở phải chọn loại mỏng, mềm. Thịt bò phải thái mỏng để sau khi đặt vào bát và chan nước nóng lên thì những miếng thịt rủ xuống, hòa quyện vào nhau ».

Phở « cải cách »
Trong những năm 1930-1940, lối sống của người Hà thành bắt đầu thay đổi, làn sóng canh tân xã hội có lẽ cũng đẩy phở theo trào lưu chung. Người ta thử « cải cách » phở, theo hồi tưởng của nhà văn Vũ Bằng :
« Họ cho nào dầu, nào đậu phụ vào phở. Sau còn có người làm phở cho cà rốt thái nhỏ, hay làm phở ăn đệm với đu đủ ngâm giấm hoặc cần Tây… Một chú khách ở chợ Hôm, chuyên về lối « phở nhừ », bánh thì thái to, thịt thì thái con cờ hầm chín, nước cho húng lìu, một dạo cũng đã làm cho người nói tới, song những người sành phở chỉ dùng một vài lần thôi, vì không những đã không có vị phở, thịt ăn lại bã, mà nước thì đục mà ngấy quá ».
Dù vậy, phở vẫn tiếp tục được canh tân. Phở nước không chỉ còn dừng ở các loại phở bò và phở gà, mà còn có thêm phở sốt vang, phở nghêu, phở ngan, phở chay, thậm chí giờ còn có phở đà điểu… Phở khô xuất hiện muộn hơn nhưng chiếm ngay được cảm tình của khách hàng. Bên cạnh bát phở khô có giá trụng, thịt bằm và hành phi là một bát nước súp có thịt bò thái mỏng, điểm thêm chút tiêu và hành lá. Cuối cùng phải kể đến phở cuốn, phở áp chảo, phở chiên phồng, phở trộn, phở chua ngọt…
Khác với thất bại canh tân cách đây vài chục năm, phở đã biến hóa đa dạng hơn theo thay đổi của xã hội, nhưng luôn tôn trọng những hương vị căn bản của phở gốc. Có lẽ vì thế, thực khách ngày nay, dù khó tính, dần chấp nhận những kiểu phá cách mới của phở.

Thu Hằng
---------------------------------------------------
Sau "nem", "phở" và "bò bún" đi vào từ điển Pháp
 
media 
"Phở" được đưa vào từ điển Le Petit Larousse 2017 của Pháp. CC/khamtran.com
Ngày 26/05/2016, ấn bản Le Petit Larousse cho năm 2016-2017 sẽ ra mắt công chúng. Ấn bản mới lần này sẽ có thêm một số từ tiếng Việt lần đầu tiên được xuất hiện trong cuốn tự điển được cho là bán chạy nhất mỗi dịp khai trường. Đặc biệt, năm 2017 sẽ đánh dấu 200 năm ngày sinh của nhà ngôn ngữ học Pierre Larousse (sinh ngày 23/10/1817), người phát minh cuốn từ điển mang tên ông.
Nghệ thuật nấu ăn châu Á đang trở thành trào lưu ẩm thực tại Pháp trong những năm gần đây và nhanh chóng được cập nhật trong từ điển. Điển hình là trong ấn bản Le Petit Larousse 2017, từ "phở" của Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào cuốn từ điển. Phở được giải thích là một từ tiếng Việt, dùng để chỉ một món ăn được chế biến từ nước hầm xương bò với bánh phở. Tuy nhiên, cả hai từ "phô" (phở) và "bo bun" (bò bún) đã được định nghĩa trong từ điển Le Petit Robert từ năm 2014.
Theo giải thích trong cuốn từ điển Le Petit Robert, "bò bún" là một món ăn được chế biến khéo léo để "tái biến" thức ăn còn lại, song lại trở thành một món ăn không thể bỏ qua. Bò bún gồm bún, thịt bò hay thịt gà xào, ăn kèm với dưa chuột, rau bạc hà, hành phi, giá đỗ, cà rốt, lạc (đậu phộng), mùi (rau ngò).
Sau này, "bò bún" trở thành danh từ chung để chỉ các món ăn có cách chế biến tương tự nhưng có thể thay đổi thành phần theo gu ẩm thực riêng tại từng nước. Điều này giải thích tại sao nhiều nhà hàng tại Pháp phục vụ thêm món "bò bún au poulet" (bò bún thịt gà), không có thịt bò mà thay vào đó là thịt gà xào.
Trước đó, món ăn "nem" cũng được định nghĩa trong Larousse. Theo đó, nem là « một đặc sản của Việt Nam, là loại bánh làm từ bột gạo có nhân (gồm giá đỗ, thịt, miến…) được cuộn tròn và chiên giòn ». Từ "nem" sau được biến tấu và được sử dụng để chỉ bất kỳ món ăn nào có cách làm tương tự. Thậm chí, từ một món ăn mặn, nem trở thành một món ngọt để tráng miệng hay món ăn nhẹ với nhân là sôcôla, như "nem au Nutella" (nem sôcôla Nutella) hay "nem à la banane et au Nutella" (nem chuối sôcôla).

 Ngoài ra, từ "nuoc-mâm" (nước mắm) cũng được định nghĩa trong từ điển Le Petit Larousse là « gia vị của Việt Nam, có được từ quá trình ngâm cá trong muối ». Hay từ "Têt", được Le Petit Larousse ghi là « viết tắt của từ Têt Nguyên Dan (ngày đầu tiên của năm). Tại Việt Nam, ngày lễ đầu năm tính theo âm lịch có nguồn gốc Trung Quốc, thường bắt đầu trong khoảng thời gian từ 20 tháng Giêng đến 19 tháng Hai dương lịch ».

Không có nhận xét nào: