ALHAMBRA, California (NV) – Cô Ngô An Chi, 26 tuổi, hiện đang là một trong ba họa sĩ chính vẽ phim hoạt họa cho Hasbro, Inc., một công ty lớn nhất nhì thế giới chuyên sản xuất phim và đồ chơi với doanh thu hằng năm ở mức $5.12 tỷ; và là họa sĩ Việt Nam duy nhất của công ty này. “Tụi con đang làm phim hoạt họa cho truyền hình có tên chung chung là ‘Transformer, the animated show.’ Con không được nói rõ hơn vì phim chưa được phát hành. Bây giờ, con chỉ có thể nói là phim rất công phu, do hàng trăm người cùng làm việc,” cô họa sĩ chính người Việt duy nhất của Hasbro nói.
<!>
Thích vẽ, luôn muốn sáng tạo
Là con gái đầu lòng của hai kiến trúc sư, An Chi lớn lên, đinh ninh mình sẽ thành kiến trúc sư như cha mẹ. “Con nhớ, có lần mẹ con nói, ‘Làm kiến trúc sư cực lắm. Con nên học trang trí nội thất, nhẹ nhàng hơn.’ Lúc đó con nghĩ mẹ nói cũng hợp lý, nhưng con chưa biết con sẽ làm gì trong tương lai,” An Chi kể.
Thích vẽ là thú vui của đa số trẻ em ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng với An Chi, vẽ không là một thú vui của một giai đoạn mà là niềm đam mê của một đời.
Niềm đam mê hội họa của An Chi không mãnh liệt và ồn ào. Ngược lại, sự ham muốn này nhẹ nhàng và dịu dàng, y như cá tính cô bé ít nói này.
Cô hồi tưởng: “Ngay từ hồi tiểu học, con thường bị thầy cô sắp vô ‘thành phần lười học’ vì con hay vẽ truyện bằng tranh trong giờ học rồi gởi cho bạn bè. Các bạn trong lớp thích đọc truyện của con lắm.”
Ở nhà, cô cũng bị cha mẹ la rầy vì chỉ mải mê vẽ mà không làm bài tập.
Tất cả hình ảnh do cô bé “nhiều chuyện” này vẽ đều từ trí tưởng tượng của cô. Cô không hiểu vì sao vẽ lại không tốt, nhưng cô không thể dẹp bỏ sự ham thích vẽ và lòng ham muốn sáng tạo được.
Đầu cô đầy ắp những hình ảnh sống động và đẹp đẽ nên cô phải chia sẻ với người khác. Cô không biết mình vẽ có đẹp hay không. Cô chỉ mơ hồ biết mình phải vẽ.
Mỗi lần vẽ, cảm giác thích thú len lén đến trong lòng An Chi. Rồi hết năm này đến năm khác, An Chi cứ cặm cụi vẽ. Hình ảnh cô vẽ phức tạp hơn và câu truyện cô muốn kể có nhiều tình tiết hơn.
Họa sĩ chính trẻ nhất của Hasbro
Rồi năm lên lớp Tám, An Chi rời Việt Nam, qua sống ở San Diego, California.
“Học ở Mỹ, trong trường có nhiều ‘project,’ con tham gia phần vẽ và được nhiều người thích lắm. Bên này, con không bị la vì vẽ trong giờ học nữa vì ai cũng nghĩ con chuẩn bị cho ‘project,’” An Chi cười lém lỉnh.
Vẫn chưa dám có ý nghĩ mình sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, cô bé “ngứa tay” này chỉ thực sự biết chắc 100% là mình có một niềm đam mê tha thiết cho hội họa năm đầu học ở đại học Orange Coast College (OCC).
“Học lớp minh họa ở đại học, con thích lắm, và lúc đó con mới biết mình có khiếu vẽ,” cô khoe. “Lúc này ba mẹ tuy không ngăn cản, nhưng rất lo cho con sẽ không tìm được việc làm với nghề vẽ.”
Sau hai năm ở OCC, khẳng định được sở thích và sở trường của mình, An Chi học thêm bốn năm chuyên ngành ở “ArtCenter College of Design” ở Pasadena, California.
Biết rằng Hasbro là một công ty rất khó xin việc, An Chi vẫn tự tin vào khả năng mình và nộp đơn. Cô kể: “Ông ‘Art Director’ của phân xưởng phim hỏi con có chịu làm ‘part time’ không, con chịu.”
Cô được phân công phải hoàn tất một số bản vẽ trong một tháng. Ba ngày sau, cô giao bài. Rồi họ giao công việc mà trung bình phải mất ba tháng, An Chi lại nộp ngay trong một tuần mà không có bất cứ chỗ nào cần phải sửa chữa cho hoàn chỉnh cả.
“Rồi con được nhận chính thức,” cô sung sướng nói.
Ngô An Chi hiện là họa sĩ Việt Nam duy nhất của công ty Hasbro. Và ở tuổi 26, cô là người trẻ nhất trong ba họa sĩ chính. “Hai người kia , ai cũng gấp đôi tuổi con,” cô cho biết.
Được vẽ cho Hasbro cả ngày, An Chi lại còn có những chương trình riêng cho mình. Những khi chờ máy tính làm việc, cô lại hí hoáy vẽ tiếp. “Con đang vẽ câu truyện một cô bé theo mẹ từ quê lên Sài Gòn sinh sống. Ở đây, cô học được bao nhiêu điều mới lạ và gặp phải vô số hiểm nguy rình rập,” An Chi tiết lộ một phần kịch bản của mình.
Nỗi vui vô cùng của An Chi, dĩ nhiên, là được vẽ cả ngày. “Nhiều khi con thấy có gì hơi ‘bất công’ khi con được làm điều mình đam mê mà lại được trả nhiều tiền nữa,” cô cười.
Nhưng cô bé “ngứa tay” lại còn một niềm vui nữa. “Ba mẹ con hết lo cho con rồi,” cô hãnh diện nói. (Đằng-Giao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét