“Biệt Đội Thiên Nga:”
Giữ Gìn Một Lịch Sử Trung Thực cho Đời Sau
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
H1: Bằng tưởng lục của Nghĩ sĩ Lou Correa cho những đóng góp của Nguyễn Thanh Thủy trong cộng đồng. Hình_Olivier Glassey-Trầnguyễn.
LGT: Sau đây là bài phát biểu của tác giả tại buổi RMS “Biệt Đội Thiên Nga” của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga thuộc Khối Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hoà; hiện là Hội trưởng Kế nhiệm của Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Buổi RMS do Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nam California tổ chức tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Westminster, lúc 2 giờ đến 5 giờ chiều thứ Bảy, mồng 7 tháng 7, 2018. Chương trình gồm có phần phát biểu của Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Viện CSQG; tác giả; Nhà văn Toàn Như - Nhữ Đình Toán, cũng là đồng môn tốt nghiệp Khoá 1 CSQG với Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ; và Nhà thơ Trạch Gầm. Để có sách, xin liên lạc Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ tại thienngathanhthuy@gmail.com hay 714 837 5998, 714 952 5009.
Xin trân trọng kính chào quý vị,
Tôi rất hân hạnh được phát biểu đôi lời trong buổi ra mắt sách “Biệt Đội Thiên Nga" hôm nay. Trước hết, tôi xin chân thành chúc mừng Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ đã góp thêm một sử liệu quý báu cho Cộng đồng người Việt hải ngoại và cho dòng lịch sử dân tộc. Tôi xin phép được gọi Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thuỷ là Cô Thuỷ cho thân mật. Tôi quen Cô Thuỷ đã hơn hai mươi năm nay, nên tôi biết, quyển sách này đã được Cô đã ấp ủ từ rất lâu, nay mới chính thức ấn hành. Và cũng trong năm nay, gia đình Cô đã mừng đón bé Nathan, cháu nội đích tôn, chào đời. Quyển sách này chính là một di sản thiêng liêng Cô để lại cho cộng đồng và cho con cháu. Một lần nữa, tôi xin kính chúc mừng Cô và gia đình, có hai niềm vui lớn trong một năm, cùng nối dài đời sống và lịch sử của người Việt chúng ta.
Trong phần phát biểu của mình, tôi xin phép không nói nhiều về nội dung của quyển sách để giữ sự thích thú cho độc giả khi đọc sách, mà chỉ xin hướng đến 3 điểm chính.
- Thứ nhất, những đóng góp của quyển sách “Biệt Đội Thiên Nga" vào dòng lịch sử dân tộc cận đại, và nhất là lịch sử quân sự của Việt Nam Cộng Hoà và lịch sử của người Việt hải ngoại.
- Thứ hai, quyển sách “Biệt Đội Thiên Nga" góp phần ghi lại kinh nghiệm của người phụ nữ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là những người nữ cảnh sát.
- Thứ ba, quyển sách “Biệt Đội Thiên Nga" là một di sản quý báu cho những thế hệ mai hậu.
H3: Các Thiên Nga được Hội Cảnh Sát Quốc Gia vinh danh trong ngày RMS "Biệt Đội Thiên Nga".jpg
Người ta thường nói, “It's the text that survives.” Sau khi chúng ta ra đi, thì chỉ còn chữ nghĩa ở lại. Hùm chết để da, người ta chết để… chữ. Chữ nghĩa của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ không chỉ còn lại với người Việt chúng ta, mà tôi mong là đối với cả những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam cận đại và vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn này. Sau đây, tôi xin nói cách chi tiết về việc kinh nghiệm lịch sử cá nhân của cô Thuỷ đã đóng góp cho lịch sử của người Việt hải ngoại, không chỉ trong sinh hoạt tư duy dòng chính tại Hoa Kỳ, mà ở nhiều nơi trên thế giới.
Lần đầu tôi gặp Cô Thuỷ là cuối thập niên 1990s, khi tôi ghé tiệm Food-To-Go Thiên Nga nằm ở góc đường Heil và Brookhurst để phỏng vấn Cô cho Dự án nghiên cứu Việt Mỹ Vietnamese American Project, gọi tắt là Dự án VAP. Khi đó, tôi đang học cử nhân tại Đại học Cal State Fullerton. Tôi đã dùng student loans mượn của chính phủ để sáng lập và một mình thực hiện Dự án VAP tại Trung Tâm Lịch Sử Truyền Khẩu và Cộng Đồng, Center for Oral & Public History, thuộc Đại học Cal State Fullerton. Sau một thời gian ngắn, Dự án đã nhận được nhiều sự tưởng thưởng và giải thưởng, giúp tôi có thêm ngân sách để tiếp tục công việc. Dự án VAP nhằm ghi lại lịch sử của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt qua phương pháp Lịch sử truyền khẩu (oral history) và nghiên cứu trực tiếp trong cộng đồng (ethnography). Vào thập niên 90, thì những tài liệu về người Mỹ gốc Việt còn rất ít, và không có nghiên cứu nào đi sát với kinh nghiệm cộng đồng như Dự án VAP. Trong công việc nghiên cứu về người Việt hải ngoại trong 24 năm nay, tôi vẫn quan tâm đến việc chạy đua với thời gian của những cộng đồng di dân mới hình thành. Vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa, những sử liệu cần thiết và quan trọng của những cộng đồng này thường không được thu thập và giữ gìn. Cộng đồng Việt hải ngoại cũng vậy, vẫn cần rất nhiều những Dự án nghiên cứu đi sát với kinh nghiệm cộng đồng, với tâm tư của người dân, với lịch sử của một dân tộc. Tâm huyết của tôi vẫn là việc thực hiện những Dự án này.
Cô Thuỷ là một trong những người Mỹ gốc Việt được tôi phỏng vấn nhiều lần và đưa chứng từ của Cô vào nhiều tài liệu chuyên đề được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh từ những ngày đó. Một buổi chiều cuối năm 1999, khi tôi đến tiệm Thiên Nga Deli, thì tiệm sắp đóng cửa. Chú Long và Cô Thuỷ đang loay hoay cất thức ăn và dọn dẹp. Cô tươi cười đón tôi và mời tôi ăn món bánh mì chiên đồ biển mà Cô rất hãnh diện khoe là ‘món đặc sản’ của Cô. Tôi nóng lòng muốn phỏng vấn, nên cám ơn Cô, rồi xin phép bấm máy phỏng vấn ngay. Thời đó, còn dùng băng cassette. Tôi đem theo cái máy thu âm Radio Shack dài ngoẵng, cứ mỗi 30 phút tôi phải trở mặt băng, cứ một tiếng thì để băng mới vô. Tuy tôi luôn phỏng vấn theo chiều dài cuộc đời của mỗi người, nhưng Cô Thuỷ đã chủ động nhấn mạnh một điều (xin trích): “Tôi xin nói là tôi đã trải qua ở Việt Nam là hết 13 năm tù vì tôi đã làm việc cho chánh quyền cũ với cấp bậc Thiếu tá Cảnh sát Đặc biệt từ năm 1965 cho tới ngày 30 tháng tư năm 1975. Và sau đó thì tôi phải ở tù Cộng Sản từ năm 75 cho tới tháng hai năm 1998” (hết trích).
Tôi đã trở lại lần thứ hai để phỏng vấn Cô Thuỷ, và tiếp tục liên lạc với Cô sau khi đánh máy cuộc phỏng vấn và mời Cô coi lại lần cuối trước khi đưa vào văn khố làm tài liệu nghiên cứu cho học giả ở khắp nơi. Tôi đã ghi lại kinh nghiệm của Cô Thuỷ và đưa cuộc phỏng vấn với Cô vào nhiều tài liệu nghiên cứu tôi đã xuất bản, cũng như các sinh hoạt tại các trường đại học và trong cộng đồng. Xin điểm qua một vài sinh hoạt chính:
- Năm 2002, trong bài nghiên cứu nhan đề "From Childhood Storytelling to Oral History Interviews," do Oral History Review xuất bản với California University Press.
- Tháng Tư năm 2002, tại Diễn Đàn Lịch Sử Truyền Khẩu (An Oral History Ethnic Forum) với nhan đề “Vietnamese Americans: A People Looking Forward" (Người Mỹ Gốc Việt: Một Dân Tộc Đang Đi Tới) tại Titan Theatre, Đại học Cal State Fullerton.
- Tháng Tư năm 2004, trong bài viết “Quận Cam, Sử Vàng - Orange County, Yellow History,” đoạt giải quán quân trong kỳ thi nghiên cứu thường niên của hệ thống Đại học công lập CSU.
- Cuối năm 2004, trong bài nghiên cứu “Quận Cam, Sử Vàng - Orange County, Yellow History,” được chọn làm chương mở đầu cho số đặc biệt mang tên “Global Perspectives, Hidden National Treasures, and Local Digital Projects,” do Hội Văn Khố Hoa Kỳ - Journal of the Society of American Archivists - ấn hành.
- Tháng Tư, năm 2012, Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” (Black April, Bright April), nói lên những tang thương, mất mát, và hy vọng trong đời sống tình cảm của người Việt hải ngoại qua sự bảo trợ của tiểu bang California cho Chương trình Báo chí về Y tế Sức khỏe (CEHJF), và do Trường Báo chí và Thông tin Annenberg của Đại học University of Southern California tổ chức.
- Tháng Tám năm 2002 và 2013, trong chương trình huấn luyện mùa hè “Southeast Asia Institute" và “Vietnam Institute" tại Đại học Cal State Fullerton dành cho thầy cô giáo đang giảng dạy tại các trường công lập của Mỹ.
- Và hàng chục bài phát biểu của tôi tại các đại hội chuyên đề ở khắp nơi trên thế giới trong suốt 20 năm qua, tại Hoa Kỳ và Châu Âu, như Đại học Stanford, Đại học Columbia, Đại học USC, Đại học UC San Diego, Đại học UC Riverside, Đại học Old Dominion, Đại học Stockholm và Đại học Lunds ở Thuỵ Điển, Đại học Klaipeda ở Lithuania, các đại hội ở Los Angeles, Houston, San Francisco, Salzburg, Berlin, Stockholm, và rất nhiều nơi khác.
H4: Nguyễn Thanh Thủy giữ chặt tình thân với đồng... tại hải ngoại. Photo_Olivier Glassey-Trầnguyễn
Kính thưa quý vị,
Tôi ôn lại chặng đường dài hơn hai thập niên mà tôi đã cùng đi với Cô Thuỷ trong nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt, để cám ơn Cô Thuỷ đã cho phép tôi đưa lịch sử cá nhân của Cô vào đóng góp cho dòng lịch sử của người Việt hải ngoại. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi muốn qua đó đưa ra những thí dụ mà chúng ta có thể làm để giữ gìn một nền lịch sử chung và trung thực. Xin mỗi quý vị cùng giữ lại lịch sử của quý vị và gia đình quý vị cho chính con cháu mình. Hãy kể cho con cháu quý vị nghe về đời sống của quý vị, của quê hương ngày trước, của hành trình tự do. Vì cho đến hôm nay, đại đa số con em của chúng ta tại hải ngoại vẫn còn rất mơ hồ về cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trước 1975 tại miền Nam và hành trình tự do từ ngày miền Nam thất thủ. Hơn nữa, nếu các em đọc phải những tài liệu cố ý xuyên tạc miền Nam Cộng Hoà, thì các em sẽ có cái nhìn sai lệch về thế hệ ông bà cha mẹ, nhất là những video và bài viết theo luận điệu tuyên truyền của chế độ hiện nay, phỉ báng quân dân cán chính miền Nam, và vu khống cho những người đã tận trung với chính nghĩa quốc gia cái tội ‘phản quốc' và ‘giết hại đồng bào.’ Chính quyền Cộng Sản đã đô hộ đất nước Việt Nam trong gần tám thập niên qua. Xin đừng để Cộng Sản đô hộ tâm thức con em chúng ta trong những thập niên tới. Hãy cho các em một di sản cần thiết nhất, đó là một dòng lịch sử chân chính và trung thực.
Chúng ta đang hiện diện tại Little Saigon, thủ đô tỵ nạn của người Việt hải ngoại. Tôi vẫn ưu ái gọi Little Saigon là một ‘phố cổ,’ vì Tiểu Sài Gòn có một nền văn hiến và một lịch sử tiềm ẩn mà mỗi chúng ta đều có một phần trong đó. Mà không chỉ Little Saigon của Quận Cam, mà tất cả những Sài Gòn Nhỏ và những khu sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nơi giữ hồn người và tình đất Việt, vẫn bừng nở muôn sắc sau hơn bốn thập niên khai mạch trên xứ người. Điều quan trọng là cộng đồng người Việt hải ngoại cần chủ động trong việc viết và giữ lại lịch sử của chính mình cho con cháu đời sau, mà không chỉ lịch sử hải ngoại, mà cả một dòng lịch sử chân chính của dân tộc Việt Nam. Lịch sử không thuộc về kẻ thắng hay người thua, mà thuộc về sự thật. Trong bài nghiên cứu chuyên đề “Quận Cam, Sử Vàng - Orange County, Yellow History,” tôi đã dùng những chứng từ của nhiều cá nhân khác nhau để ghi lại một phần lịch sử của Quận Cam. Đây là một việc tuy tốn công nhưng ai cũng có thể làm trong khả năng của mình. Trong các khoá Tu nghiệp Việt Ngữ trong cộng đồng cũng như trong các chương trình tu nghiệp sư phạm cho thầy cô giáo trường công lập, tôi đều khuyến khích thầy cô ra đề tài cho các em viết về lịch sử gia đình, để chính các em sẽ tìm hiểu và gắn bó với gia đình và cộng đồng hơn.
Tôi muốn nói việc giữ gìn lịch sử của cộng đồng và của từng gia đình là một trách nhiệm của mọi người và mỗi người chúng ta, nhất là những thế hệ sinh trưởng trước và ngay sau cột mốc 1975. Tôi chủ trương đưa ra kinh nghiệm của thế hệ đi trước, như một cuộc hành hương cho thế hệ đi sau và tất cả những ai quan tâm, cùng tìm về một miền đất đã nhiều lần bị chế độ toàn trị niêm phong. Chúng ta tìm về, để thứ nhất, truy nhận một mảng lịch sử đau thương, không chỉ cho những ai bị đọa đày, trù dập, mà cho cả một dân tộc phải trải qua những ngày tháng như thế. Thứ hai, chúng ta tìm về, là để bày tỏ sự biết ơn với thế hệ đi trước. Nếu thế hệ cha mẹ, ông bà đã không kiên trì, vượt khổ từng ngày, thì không biết thế hệ chúng tôi đang trôi dạt nơi nào trong thế kỷ 21 này. Thứ ba, chúng ta tìm về, là để đưa ra ánh sáng những sự thật mà vì tân toan của kiếp tha phương, vẫn chưa được tỏ bày sau hơn bốn thập niên bị chôn giấu. Tôi biết, rất nhiều bậc ông bà cha mẹ đã ra đi, và chứng từ của họ đã mãi mãi đi vào lòng đất.
Nhưng trên hết, chúng ta tìm về, là để đi tìm công bằng và công lý – cho dù nó là một ánh công lý từ xa – cho những vị đã qua những năm khổ sai của hỏa lò, cho những con dân Việt đã sống qua cái thời ô nhục hậu chiến ấy. Sự công bằng nằm ở chỗ là cuối cùng, tiếng nói của họ được thế hệ đi sau gìn giữ và trân trọng, và đưa vào những diễn đàn thế giới. Công lý ở chỗ những bất công họ chịu và những kinh nghiệm thừa chết thiếu sống được nhắc lại, để mọi người cùng soi rọi, và cùng thấy mình trong đó, cho phép người Việt khắp nơi trên thế giới có thể gắn bó với nhau qua việc ôn lại lịch sử, như qua quyển “Biệt Đội Thiên Nga" mà chúng ta được đón nhận hôm nay.
Một lần nữa, tôi xin chúc mừng Thiếu tá Thiên Nga Nguyễn Thanh Thuỷ. Xin chân thành cảm ơn quý vị đã theo dõi. Xin trân trọng kính chào.
{H6: Nguyễn Thanh Thủy xem hồ sơ của hàng trăm góa phụ VNCH xin giúp đỡ từ Việt Nam. Hình_Benjamin Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét