Tùy theo cách gọi của mỗi miền, lợn (Bắc), heo (Trung và Nam) nhưng trong thực phẩm thì gọi khác nhau: Bánh da lợn, thịt lợn giả cầy, bánh lỗ tai heo, bún bò giò heo và đều gọi chung là thịt heo quay, phim con heo… Hoa cứt lợn (còn có tên là hoa ngũ sắc, hoa ngũ vị). Có nhiều từ ngữ gọi các loại heo (lợn) theo thói quen: Heo nái (lợn cái nuôi để đẻ); Lợn sề (lợn nái già); Heo nọc (heo đực để truyền giống); Lợn bột, heo sửa (còn bú sữa); Lợn hạch (lợn đực đã thiến); Lợn lang (lông đốm đen trắng); Lợn mọi (nhỏ con); Lợn lòi (lợn rừng); Lợn nái (lợn nuôi để đẻ); Lợn sữa (lợn con còn bú); Lợn bột (lợn mới lớn); Lợn cấn (lợn đực nuôi làm giống); Lợn ỉ (lông đen tuyền nhỏ con ở miến Bắc VN); Hoạn lợn (người thiến heo)…<!>
Heo gạo (thịt heo có ấu trùng của sán lá); Heo lang, heo bông (heo đen có xen đốm trắng), Heo voi (heo nhà loại lớn con); Heo nưa (heo vàng mỡ)… Lái heo (người buôn heo); Heo đất hay lợn bỏ ống (con em bỏ tiền dành dụm)...
Người theo Hồi Giáo bị cấm không được ăn thịt lợn, theo kinh Qur'an. Người theo Do Thái Giáo cũng bị cấm ăn thịt lợn, theo luật Kashrut.
Trong bài viết của Trần Đỗ Cẩm cho biết: “Riêng tiếng Mỹ thì rất lỉnh kỉnh. Chữ "pig" chỉ được dùng đề gọi loại heo nhỏ dưới 120 lbs, heo lớn hơn được gọi là "hog". Còn người Anh thì bắt chước Việt Nam, gọi chung heo lớn nhỏ là "pig". Tiếng Mỹ còn gọi con heo nái là "sow", heo đực là "boar". Heo nái còn tơ chưa chịu đực gọi là "gilt", heo thiến còn tơ gọi là "barrow". Heo thiến già gọi là "stag". Danh từ "stag movie" để chỉ "phim ảnh con heo" hay XXX bắt nguồn từ chữ này. Theo giới lái heo, trước khi những đấng "heo nọc" được dưa vào lò sát sinh, họ thường "biến" những "lão tướng" lừng danh chiến trận này thành "stag" để thịt đỡ hôi! Kể về các loại heo, bên Việt Nam chúng ta chỉ có một loại thuần nhất, đó là "heo bụng ỏng" tiếng Cờ Hoa gọi văn hoa là "pot-bellied pig"…”
Trong Lục Súc Tranh Công (trước năm 1975 ở miền Nam VN, giảng dạy ở lớp Đệ Thất), heo sau cùng, ai bảo ngu ngốc, cũng nói lên công trạng của mình:
"Như các chú lao đao đã đáng,
Heo thong dong ăn nhảy mặc heo.
Nội hàng trong lục súc với nhau,
Ai sánh đặng mình heo béo tốt?
Vua ngự lễ Nam Giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
Kìa những việc hôn nhân giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trơn trải.
Phải chăng, chăng phải,
Nghĩ lại mà coi,
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.
Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt,
Nên phải phân ít chuyện mà nghe.
Dễ heo nào có dạ dám khoe?
Khắn khắn cũng lo làm việc phải.
Heo cũng biết đền ơn báo ngãi,
Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai,
Toái thân phấn cốt chi nài?
Nát thịt tan xương bao quản?
Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng.
Thân mình này ví bẵng như không.
Tại chú gà lời nói khùng khùng,
Mới sinh sự so đo trường đoản.
Vậy chủ bèn phân đoán,
Phê một câu khúc tận kỳ tình:
"Gà biết chữ xả sinh thủ ngãi;
Heo đặng câu tịnh sinh, tịnh dục "
(Chú thích: đại đột: lớn lao, vô hồi: hết thảy, toái thân phấn cốt: thịt nát xương tan, khúc tận kỳ tình: rõ cả tình lý một cách khúc chiết, xả sinh thủ ngãi: bỏ đời sống để giữ lấy nghĩa, sát thân thành nhân: giết mình để làm tròn đạo nhân, tịnh sinh, tịnh dục: cùng sống cùng sinh sản ra cho nhiều).
Heo, lợn có từ nghìn xưa qua bao truyền thuyết ở Ấn Độ, Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa, Âu Châu… qua hình tượng điêu khắc và trong mỹ thuật. Ở Việt Nam với tranh Đông Hồ.
Trong ca dao, thành ngữ dân gian đem con heo so sánh có tính cách ví von với con người:
“Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”
“Nuôi heo thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nợp cheo cho làng”
"Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"
"Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi"
“Người ta thách lợn, thách gà
Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang”
“Trai tơ vớ phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”
“Mẹ em tham thúng xôi chiêm
Tham con lợn béo tham tiền hoa viên”
“‘Nuôi con chẳng dạy chẳng răn
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy tiền”
“Gái không biết nuôi heo là gái nhác
Trai không biết nuộc lạt là trai hư”
So sánh tướng xấu giữa lợn & người:
“Con lợn trắng mắt thì nuôi
Con người trắng mắt là người bỏ đi”
Lợn nọc, ám chỉ đàn ông háo sắc. Heo nái ám chỉ đàn bà lang chạ.
Chuyện buôn vua của Lã Nất Vi, theo ghi chép trong Sử Ký Tư Mã Thiên, nước Tần vào thời Chiến Quốc, Lã Bất Vi mang Lao Ái vào hoàng cung để hầu hạ thái hậu Triệu Cơ
Lao Ái là người có dương vật lớn thường hay lấy làm trò vui, có thể đem tra vào bánh xe gỗ đồng mà đi. Lã Bất Vi phao tin đến Triệu Cơ. Thái hậu nghe chuyện, khoái chí muốn được riêng Lao Ái. Theo nguyên tắc phải thiến để làm hoạn quan nên thái hậu bày trò kẻ giả bị thiến này làm chức Cấp Sự Trung. Thái hậu bèn ngầm cho kẻ coi việc thiến nhiều tiền. Viên quan coi án lại luận tội vờ, nhổ râu mày làm cho hoạn quan Lao Ái nhờ vậy được vào hầu thái hậu.
Heo nọc Lao Ái cùng Triệu Cơ gian dâm, sinh được hai con trai, sợ người ta biết chuyện, bèn vờ xem bói nói nên tránh mùa dời cung sang đất Ung. Lao Ái thường đi theo được thưởng rất hậu, việc gì cũng do Lao Ái quyết định. Lao Ái được ân sủng, tôi tớ nhiều vô kể, các khách cầu làm quan, làm môn hạ cho ông đến hơn nghìn người.
Tần Vương Chính lên ngôi đã ngoài 20 tuổi. Phát giác Lao Ái thực không phải là hoạn quan, thường tư thông với thái hậu, sinh hai con đều giấu đi. Lao Ái còn mưu với thái hậu: hễ Tần Vương Chính chết thì dùng con mình làm vua.
Tần Vương Chính liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình. Giết ba họ nhà Lao Ái, lại giết hai con do thái hậu đẻ ra và đày thái hậu sang đất Ung. Nhà cửa các môn hạ của Lao Ái đều bị tịch thu và họ bị đày sang đất Thục.
Vào thời kỳ Pháp thuộc, người dân ghét “Quan Lớn” bợ đít Tây, hà hiếp dân chúng gọi là “Quan Lợn” (không gọi là “Quan Heo”) nhưng tham nhũng tạp như heo.
Mập như heo chế diễu một ai đó mập
Háu ăn như heo: Chế diễu ai đó ham ăn.
Heo, lợn là một trong số 12 con giáp, Hợi là con giáp cuối cùng, tượng trưng cho chu kỳ 12 năm của địa chi, gắn liền với địa chi Hợi. Theo tử vi thì sinh vào năm Hợi rất tốt “nằm đợi mà ăn”, cuộc sống được an nhàn, bình yên, không thích tranh chấp, an phận thủ thường.
Cũng theo tử vi, tuổi Hợi với Tam Hạp: hạp với tuổi Mẹo (con mèo) và tuổi Mùi (con dê). Tứ Xung: khắc tuổi Dần (con cọp), tuổi Thân (con khỉ) và tuổi Tỵ (con rắn).
Theo tử vi, sinh năm Kỷ Hợi 2019 có số may mắn, tài vận của gia đình được hanh thông, tốt đẹp làm gì cũng thành, mọi điều suôn sẻ, tài lộc cho gia đình... Những nhân vật nổi tiếng sinh vào năm Hợi có thể kể: Thomas Jefferson, Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ, tác giả của "Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ", Andrew Johnson, Tổng Thống thứ bảy của Mỹ, James Buchana, Tổng Thống thứ 15 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan, Tổng Thống thứ bốn mươi của Hoa Kỳ, Thủ Tướng Lý Quang Diệu, Ngô Thì Sĩ (tác giả Đại Việt Sử Ký), Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, Lucille Ball, Humphrey Bogart, Wolfgang Amadeus Mozart, Ernest Hemingway, Alfred Hitchcock, Mahalia Jackson, David Letterman…
Trong quyển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân vào thế kỷ 16 ở Trung Hoa, bốn hình tượng nhân vật của tác phẩm này như Đường Tăng (Tam Tạng), Tôn Ngô Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng trong công cuộc thỉnh kinh tuy hoang đường nhưng trở thành “nhân vật sống” rất hấp dẫn thu hút người đọc.
Nhân vật Trư Bát Giới xuất hiện vào chương 18 và 19 của Tây Du Ký. Câu chuyện được tóm lược:
Khi Tam Tạng và Tôn Ngộ Không đến xóm Cao Lão, nước Ô Tư gặp Cao Tài, gia tướng của Cao Thái Tông. Theo lời Cao Tài, “Gia chủ có một người con gái, tuổi mới hai mươi, ba năm trước bị một con yêu a vào làm rể, ông tôi không ưng bụng, rước thầy ếm đối cũng không linh. Con tinh ấy giận bắt con gái chủ tôi cầm tại nhà sau, không ai thấy mặt, nên chủ tôi trao bạc rước thầy chùa, thầy pháp tới hoài. Thầy chùa gõ mõ mà rủa yêu, thầy pháp đuổi yêu cho rầy xóm…
Theo lời Cao Thái Tông: Tôi tuổi tác chừng nầy, vô hậu không trai nối nghiệp, sanh ba đứa con gái. Con lớn gọi là Hương Lan, con giữa gọi là Ngọc Lan, con nhỏ tên là Túy Lan. Hai đứa lớn dựng vợ gã chồng, cũng người trong một xóm, chàng đâu thiếp đó, nhà cửa tư riêng. Còn con Túy Lan là tuyệt sắc và lại thông minh trí tuệ. Tốt nết lành nghề, thêu phụng vẽ rồng, khảy đàn đọc sách, tính tôi lại vô nam thì dụng nữ, rể thảo cũng như trai, nên không định chữ vu quy mà để trông cậy mâm cơm vò nước, muốn kén đông sàn mà dưỡng lão, để nhờ khi nghẹn nước đắng cơm. Cách ba năm nay: Có người họ Trư ở núi Phước Lăng tới xin làm rể, coi cũng phải người quân tử, đáng bực anh hào, nên tôi mới gả con, dụng bê bắt rể. Khi mới, ở ăn phải cách, đi đứng nên người, đến sau khác mặt khác mày, dị hình dị tướng…
Ban đầu nó mập và đen, sau lại mỏ dài tai lớn. Sau ót mọc lông gáy, trước mặt giống con heo, mà bao tử lớn lung, ăn uống nhiều lắm. Nói cho phải, nó dùng những đồ chay đồ lợt, phải như ăn thịt cá, thì tôi hết cửa hết nhà…”
Người ấy chẳng phải là yêu, ấy là Thiên Bồng nguyên soái mắc đọa. Rủi đầu thai xuống trần nhằm heo rừng nên diện mạo xấu xa.
Tôn Ngộ Không dùng phép thuật khống chế được gã họ Trư nầy và được Tam Tạng cầu xin Phật Bà Quan Thế Âm cứu độ cho gia nhập vào Đường Tăng để cùng đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Trước khi lên đường Trư Bát Giới ngỏ lời: “Tôi xin kính lời cùng nhạc phụ, nhạc mẫu và đại di nhị di cùng bà con ở lại bình an, nay tôi đi tu làm hòa thượng, không kịp từ giã, xin rộng dung miễn chấp, xin trượng nhân coi chừng giùm ở nhà tôi, nếu tôi đi thỉnh kinh không xong, thì sẽ trở về như cũ”.
Từ hình tượng Thiên Bồng nguyên soái bị đọa xuống trần làm heo tham ăn, háo sắc, lười biếng mê ngủ được hóa độ làm người trở thành Trư Bát Giới cải tá quy chính, tuy ngốc nghếch nhưng chân thực, hiền lành, trung thành… xấu người nhưng đẹp nết.
Có phải vì hình ảnh Trư Bát Giới chăng mà nảy sinh ra món Trư Vương? Bữa tiệc Xuân năm 1874 của Từ Hy Thái Hậu bất ngờ khác bởi sự xa xỉ và cầu kỳ trong cách chế biến và thưởng thức, như món Trư Vương (món heo sữa hầm đại bổ). Tương truyền, trư vương là một giống heo quí báu sống ở vùng Phúc Châu. Giống heo này thường ăn một loại củ có hình dáng tương tự như củ hoàng tinh (củ cơm nếp) mọc tại khu vực đồi núi Châu Tịch Xương nên cho thịt thơm ngon hảo hạng. Loại củ này là một loại củ vô cũng quý hiếm và chỉ xuất hiện tại khu vực Châu Tịch Xương, nếu đem trồng nơi khác cây sẽ không sống được. Món mầy rất bổ âm và bổ dương nên nửa thế kỷ trị vì dùng món Trư Vương cho thỏa mãn tính hoang dâm của bà.
Theo Edmund Backhous, người tình ngoại quốc trong cuốn tự truyện Thái Hậu & Tôi, người đàn ông này tiết lộ rằng, mối quan hệ đặc biệt giữa mình và Từ Hy bắt đầu vào năm 1902, khi đó ông mới chỉ 29 tuổi, còn Từ Hy Thái Hậu đã bước vào tuổi 67. Ông viết: “Từ Hy Thái Hậu mặc dù đã gần bước sang tuổi 70 nhưng vẫn có một khuôn mặt sáng đẹp và trẻ trung. Vóc dáng bà thon nhỏ, duyên dáng, đôi bàn tay với những ngón thon dài, mềm mại, mái tóc dài vẫn đen mượt. Khi bà cười thì khiến ai cũng si mê… Chính vì thế mặc dù tuổi tác chênh nhau đến vài chục tuổi nhưng Từ Hy luôn khiến người tình thỏa mãn dục vọng bởi sự mãnh liệt của ham muốn cũng như từ sắc vóc trời cho bên ngoài”. Khi làm tình bà như Lợn Đại Bạch (Yorkshire) cuồng nhiệt và chủ động. Edmund còn tiết lộ, khi cao hứng, thậm chí bà còn bắt người tình thực hiện vô vàn những tư thế khó khiến người tình trẻ cũng bơ phờ. Ngoài món Sâm Thử (chuột bao tử sống) còn món Trư Vương để thỏa mãn dục vọng điên cuồng của lão bà.
Trong thơ văn Việt Nam đã từng đề cập khá nhiều và được nhắc qua các bài viết vào dịp năm Hợi. Nay nói khái lược qua phim.
Hollywood thực hiện cuốn phim Charlotte’s Web, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên dành cho thiếu nhi của nhà văn E.B White, Charlotte’s Web. Hình ảnh cô bé Fern Arable (diễn viên nhí Dakota Fanning) ở trang trại nuôi heo nước Mỹ. Khi lứa heo sinh ra, Fern Arable xin cha một con để nuôi làm bạn trong nhà. Fern và heo Wilbur trở thành bạn thân. Thời gian trôi qua, Wilbur được chuyển đến cho một nông dân nuôi. Fern thường xuyên đến chăm sóc, nhưng Wilbur nhận ra số phận cuối cùng của nó cũng như những con heo khác trở thành thực phẩm ở trên bàn ăn tối của con người. Những gia súc trong trang trại, đặc biệt là nàng nhện cái Charlotte tốt bụng đã hết sức giúp đỡ Wilbur an toàn để mãi là bạn của con người.
Và, trong nhiều thập niên qua, phim con heo, gọi là phim sex, phim khiêu dâm đồi trụy… hình thành và phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Tại sao gọi là phim con heo. Nó bắt nguồn từ chữ Pháp “le cochon”. Tiếng Pháp cochon nghĩa là con heo (lợn). Chữ cochon có nghĩa bóng là bẩn thỉu, tục tĩu như “histoire cochonne” (chuyện tục tĩu); “C’est un cochon” (đồ con heo!). Film cochon (phim con heo) là loại khiêu dâm đồi trụy (film pornographique). Vì tác hại của nó nên cấm trẻ em dưới 18 tuổi.
Loại heo Yorkshire nhập vào Việt Nam từ lâu, nhảy nọc rất khỏe đê gây giống, có lẽ người Pháp thấy loài heo nọc nầy lúc “lâm trận” vừa lây vừa táo bạo quá nên liên tưởng đến người thực hành qua phim cũng vậy nên gọi là cochon?
Trên truyền thông đại chúng ít khi đề cập đến loại phim con heo, nhất là diễn viên trong phim đếu giấu tên tuổi, nó chẳng hay ho gì để chằng mặt ra trước công chúng. Thế nhưng, trong thời gian qua lại xuất đầu lộ diện trên truyền thông, chẳng hạn Hoa Kỳ bởi vụ kiện tụng sách nhiễu tình dục. Cô đào chuyên đóng phim khiêu dâm tố “Tông Tông” từng ngoại tình với cô. Luật sư của “Tông Tông” đã chuyển số tiền hơn trăm nghìn Mỹ kim cho cô và dùng hợp đồng để buộc cô giữ kín vụ ngoại tình hơn mười năm về trước. Cô đào được phỏng vấn trên truyền hình và báo chí. Bàng dân thiên hạ tò mò để xem “cho biết sự tình” phim XXX do cô đào đóng ra sao! Hơn mười năm trước cũng có mấy cô đào tố “Tông Tông” thời trai trẻ hãm hiếp nhưng được truyền thông phớt lờ.Hàng loạt vụ “sách nhiễu tình dục” được tung ra trong giới điện ảnh, trong chính giới… nhan nhản trên xứ Cờ Huê. Ngay cả chuyện anh tài tử hạng siêu sao, đẹp trai đóng vai một tổng thống trong loạt phim truyền hình rất ăn khách bị ông tài tử tuổi sồn sồn, tố là cách đây đâu hai, ba chục năm, khi anh mới vào nghề, bị anh chàng nầy rờ mó mà không dám hó hé. Anh chàng nhận tội, rồi thú nhận anh là dân đồng tính bí mật. Các nữ diễn viên mới vào nghề muốn được xuất hiện trong phim cũng phải bị bàn tay đạo diễn… lên tiếng tố cáo! Thua xa nhà văn Mai Thảo qua 4 câu thơ Chỗ Đặt.
“Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào”
Ở xứ Cờ Hoa nầy, đôi khi đàn ông như “sợi chỉ treo mành” tuổi trẻ vô tội vui chơi, lỡ tay vỗ mông, khi thành danh bị tố cũng thân bại danh liệt. Huống hồ chuyển qua email phim con heo thì “tận cùng bằng số”!.
Trở lại chuyện con heo, trong mấy năm qua bút ký của Echo Wang do Marie Gil Migullas chuyển sang tiếng Anh: Pigs on the Loose: Chinese Tour Groups (Bầy Heo Xổng Chuồng: Bọn Du Khách Tàu) gây xôn xao trong công luận.
Cô Yunmei (Echo) Wang, sinh viên đang theo học Master tại Assumption University ở Bangkok, Thái Lan. Khi chứng kiến thành phố Chiang Mai ở miến Bắc Thái Lan, cổ kính, đẹp, yên tĩnh của đất nước cô đã bị đoàn du khách Hoa Lục du lịch, chẳng khác nào từng bầy heo từ rừng rú tràn vô quậy phá làm người dân kinh tởm. Chứng kiến tất cả hình ảnh ấy, cô viết bút ký nầy.
Sách gồm 14 chương, hai chương đầu nói về du khách ở Hoa Lục rồi kế tiếp với những chương: Heo tại sân bay; Heo trên máy bay; Heo trong nhà hàng; Heo ô nhiễm; Heo di chuyển; Heo mua sắm; Heo và tôn giáo; Hình ảnh Heo trên mạng điện tử; Những người chăn Heo; Heo ở nhà.
Trong phần Giới Thiệu, tác giả cho biết: “Trước kia, tôi thường hãnh diện về gốc Hoa của mình và mỗi khi người ta lầm tưởng tôi là người Hàn, Thái, Việt Nam hay Philippines, tôi luôn luôn sửa họ và nói rằng tôi là người Hoa. Thế nhưng, bây giờ thì tôi giấu kín quốc tịch thật và nếu người ta có lầm tôi với người nước khác thì tôi cứ mặc kệ… Cuốn sách này hy vọng cho thấy lý do tại sao lại phải cảm thấy ngượng mỗi khi nói “Tôi đến từ Hoa Lục”.
Theo ghi nhận của tác giả, đa số những du khách này thuộc thành phần nông dân thất học, có một ít tiền sau khi bán đất đai nên quyết định đi du lịch nước ngoài. Ở làng quê, họ có thể ra đồng, ra sông, ra hồ để giải quyết một vài nhu cầu của cơ thể thì ra nước ngoài họ lại cứ thế mà làm. Bởi thói quen đó, họ tự nhiên thoải mái cởi quần áo tắm rửa ở ngay tại các vòi phun nước, tiểu tiện ở các góc phố, đại tiện xuống hồ bơi. Đến ăn ở các tiệm buffet thì mang theo bao giấy, lấy đồ ăn mang về khách sạn. Đi ngoài đường thì thoải mái ngoáy mũi, xỉa răng, khạc nhổ bừa bãi, ăn uống xì xụp, nhai ồn ào, lớn tiếng gây gổ với nhau bất cứ ở đâu kể cả tại các nơi tôn nghiêm.
Người dân Chiang Mai rất ghê tởm những cách hành xử của những toán du khách Hoa Lục từ lối ăn nói ồn ào, lỗ mãng, không chịu xếp hàng chờ đến phiên mình, xô đẩy nhau, la lối om sòm, sả rác xuống sàn nhà, mặt đường, vi phạm tất cả những luật lệ của thành phố, ngay cả trong những chuyến họ đi thăm di tích văn hóa, chùa chiền, đại học… bọn họ coi như nơi rừng rú.
Du khách Hoa Lục di chuyển bằng đường bộ qua Lào đến Chiang Mai, Thái Lan dễ dàng nên con số “bầy heo xổng chuồng” khoảng 50 ngàn người mỗi tháng. Các cơ quan du lịch của thành phố kêu gọi phải giáo dục những du khách này trước khi đến Thái Lan nhưng bọn thất học nầy bị tiêm nhiễm văn hóa suy đồi đã lâu, không thể giáo dục nếp sống văn minh xứ người!
Trước đây, tác giả Bá Dương sinh ra tại Hoa Lục, lớn lên ở Đài Loan, từng sống ở cả hai nơi, dù cảm thấy đau lòng cho gốc gác của ông nhưng phải viết cuốn Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân (Người Trung Quốc Xấu Xí) phơi bày tất cả thói hư, tật xấu làm xấu hỗ của đất nước đã tự hào có nền văn hóa lâu đời từ mấy nghìn năm trước.
Tất cả hình ảnh xấu xa đó, tác giả Chiang Mai đã phơi bày sự thật qua từng chương. Ở trong nước, người dân cũng chứng kiến “bầy heo xổng chuồng” nhan nhản khắp nước. Điển hình như ở Nha Trang, báo chí đã đăng tải bọn nầy vào ở khách sạn, trước khi trả phòng, vơ vét từ bàn chải đánh răng, xà phòng, drap trải giường… Vào Hè, người dân địa phương ngại ra bãi biển vì bọn nầy vừa tắm biển vừa phóng uế! Giới chức địa phương vì nguồn lợi du lịch nên phó thác cho bầy heo tác quái.
Từ đời nhà Đường ở Trung Hoa, chàng Trư bị đọa xuống trần, con người đầu heo nhưng biết hướng thiện nên trở thành con người lương thiện, nay cũng trên đất nước nầy, con người lại biến thành heo. Chỉ mong bọn súc vật nầy đừng đầu thai trên mảnh đất quê hương.
Vương Trùng Dương
(Bài nầy đã đăng trên Giai Phẩm Xuân Kỷ Hợi 2019 của Saigon Nhỏ)
(Tác giả gởi)
(Bài nầy đã đăng trên Giai Phẩm Xuân Kỷ Hợi 2019 của Saigon Nhỏ)
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét