Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

‘Quán’ thế nào mới không bị ‘triệt’? - Trần Văn

Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016.
Từ 1 tháng 2 đến 5 tháng 2, ông Vũ Mão (cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN - BCH TƯ đảng CSVN - suốt từ khóa 5 tới khóa 9, cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam liên tục trong ba khóa 9, 10 và 11) đưa lên trang facebook của ông năm bài trong loạt bài có tựa là “Một thời Đông Bắc” (1).Ông Mão giải thích, ông viết “Một thời Đông Bắc” vì đã cận kề 17 tháng 2, thời điểm mà cách nay đúng 40 năm, Trung Quốc xua đại quân tràn sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tuy không nhiều nhưng “Một thời Đông Bắc” có không ít chi tiết cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ tử tế, kể cả khi đang giúp Việt Nam đánh Mỹ.<!>
Từ khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” hồi đầu thập niên 1990, đây có lẽ là lần đầu tiên, một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, tường thuật công khai về cuộc chiến vệ quốc, ca ngợi những cá nhân hữu công trong việc kháng cự cuộc xâm lược của Trung Quốc.
***
Cũng thời điểm này, ông Nguyễn Đình Bin (một cựu Ủy viên khác của BCH TƯ đảng CSVN, đồng thời từng là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam), cũng dùng trang facebook của mình để “Kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc”.
Khác với ông Mão, ông Bin không kể nhiều, bình nhiều mà trích dẫn hai bài phát biểu của Fidel Castro. Một vào ngày 26/7/1978 – bảy tháng trước khi Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam. Một vào ngày 21/2/1979 – lúc quân đội Trung Quốc đang phá sạch, đốt sạch mọi thứ, giết sạch những người Việt cư trú sát biên giới, không kịp chạy trốn.
Trước khi quân đội Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ông Castro đã nhấn mạnh: Chẳng ai không biết, phía sau chủ nghĩa cực đoan Campuchia là chủ nghĩa Maoist và bè lũ cầm quyền Trung Quốc. Không ai không biết bè lũ cầm quyền ấy đứng sau các cuộc khiêu khích chống phá Việt Nam.
Sau đó, lúc quân đội Trung Quốc đang gieo rắc đau thương trên lãnh thổ Việt Nam, ông Castro nhấn mạnh, nỗ lực “dạy cho Việt Nam một bài học” ấy của Trung Quốc là một trong những hành vi đáng tởm nhất, hèn hạ nhất, khốn nạn nhất mà chúng ta chưa từng chứng kiến và nó sẽ khó lòng bị kẻ khác vượt qua…
***
Đã có không ít người hoan nghênh ông Mão, ông Bin. Một số người khác thì tin rằng, hệ thống… đèn của Ban Tuyên giáo thuộc BCH TƯ đảng CSVN vẫn còn… xanh, chưa chuyển sang… đỏ. Trung tuần tháng trước, từng có rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức lên án Trung Quốc cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách nay 45 năm.
Ở Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển Đông, không phụ thuộc vào yếu tố có ái quốc hay không mà lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống… đèn tín hiệu của giới lãnh đạo đảng CSVN. Không chịu nhìn… đèn là… vỡ mặt.
Cũng bởi như thế, cách nay năm năm, ông Đoàn Văn Thuận, nhân viên Đội Trật tự giao thông và giữ xe của Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, mới được Chủ tịch TP.HCM tặng bằng khen vì “xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống biểu tình phản đối Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tháng 5 năm 2014” (3).
Hệ thống… đèn tín hiệu lúc xanh, lúc đỏ trong việc đụng đến Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, chưa phải là yếu tố duy nhất khiến dân chúng Việt Nam thập phần hoang mang, không biết đường nào mà lần. Thực tế cho thấy, sự… “tài tình” của giới lãnh đạo đảng CSVN nằm ở chỗ, ngay cả khi đèn đang… xanh, muốn đi tới cũng phải nhìn trước, ngó sau.
***
Trung tuần tháng trước, giữa lúc mạng xã hội và hệ thống truyền thông chính thức cùng nhau tưởng niệm, bày tỏ sự tri ân 75 người Việt hi sinh tính mạng khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, cách nay đúng 40 năm (19/01/1974 – 19/01/2019), một số sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như ông Hoàng Kiền, Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong các Anh hùng Lực lượng vũ trang, đăng đàn, khẳng định, “cần lên án mạnh mẽ, vạch trần tội lỗi” của cả chính quyền lẫn quân đội… “ngụy Sài Gòn” và “ghi vào quốc sử” vì đã để mất quần đảo Hoàng Sa.
Ông Kiền phê phán mạnh mẽ một số nhà sử học, nhà báo, cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam, không chịu tìm hiểu kỹ, nhận thức chưa đúng nên “hùa theo giọng điệu” các đối tượng chống đối đảng CSVN. Việc ca ngợi những tử sĩ bỏ mình cách này 40 năm là “sai lầm nghiêm trọng, cần bác bỏ”, thậm chí “ai đòi vinh danh ‘chúng’ là phản bội tổ quốc” (4).
Năm ngoái, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ấn phẩm đầu tiên hệ thống hóa những dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị thu hồi cũng vì phản ứng dữ dội của một số ông tướng quân đội như ông Hoàng Kiền.
Cho dù chính quyền Việt Nam từng thành lập một hội đồng cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) nhưng chỉ cần một số ông tướng quân đội cáo buộc, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”… tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta” thì bất kể ai thẩm định, thẩm định kỹ lưỡng cỡ nào cũng… vô giá trị.
***
Kể về “Một thời Đông Bắc”, ông Mão nhận định, dẫu Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam cả khi chống Pháp lẫn lúc chống Mỹ nhưng “nhìn sâu vào vấn đề, có thể thấy họ không muốn các thế lực đế quốc đánh thắng Việt Nam để áp sát biên giới phía Nam của Trung Quốc (6)”.
Rõ ràng không thể bảo một người như ông Mão thiếu vững vàng về... tư tưởng và thiếu kiên định về… lập trường, song nếu ông Mão đúng và nhìn lại quá khứ, đúng là ông Mão không sai thì phải xếp những cá nhân thuộc giới lãnh đạo đảng CSVN, liên tục bày tỏ sự biết ơn vô hạn với Trung Quốc vì đã giúp đỡ Việt Nam tận tình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc vào loại nào?
Tại sao giới lãnh đạo đảng CSVN luôn ca tụng Fideo Castro nhưng lại bỏ ngoài tai những cảnh báo của Castro về Trung Quốc cách nay 40 năm. Thậm chí hết ông tướng quân đội này đến ông tướng quân đội khác, đồng thanh minh định, sự tương đồng ý thức hệ (một đảng lãnh đạo) là “di sản quý báu của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc” như tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Những ông tướng như ông Vịnh còn không ngừng nhắc đi, nhắc lại, “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước” bởi “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những tuyên bố kiểu đó khác gì chửi cha Fidel Castro?
***
Người Việt giờ chẳng lạ gì hai chữ “quán triệt” nhưng cách nhìn, lối hành xử với Trung Quốc đầy mâu thuẫn, phức tạp và khó hiểu như vậy thì phải “quán” thế nào mới không bị “triệt”?
Chú thích
16x9 Image

Trân Văn

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Khoan vội 'cám ơn tuyên giáo'!

14/02/2019

Một nghĩa trang thuộc Lạng Sơn gần biên giới với Trung Quốc.
Việc báo chí được bật đèn xanh đăng các hồ sơ nhân 40 năm sự kiện 17-2-1979 (Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam) đang được không ít người vỗ tay “hoan hô Tuyên giáo”. Có người thậm chí “cám ơn anh Võ Văn Thưởng!”. Có nhiều điều để phân tích động thái thuần túy mang tính chính trị đối ngoại này, ở thời điểm cụ thể này, với bối cảnh chính trị khu vực này. Dù ý nghĩa chính trị của nó như thế nào thì cũng thấy động thái trên không phải là dấu chỉ cho thấy Tuyên giáo cởi trói báo chí.
Chẳng hề có chuyện báo chí được cởi trói. Báo chí vẫn tối mò mò. Một số nhà báo ăn lương có lương tâm vẫn tiếp tục úp úp mở mở bày tỏ ấm ức trên mạng ở các vấn đề thời sự để khỏi mất thời giờ sáng mai vào phòng biên tập “giải trình” “tại sao viết như thế” và “ý thức chính trị ở đâu mà phát biểu như vậy”… Đèn xanh chỉ được bật lên ở một góc giao lộ. Toàn bộ tuyến đường và toàn bộ khu vực vẫn nhấp nháy bất tận đèn đỏ. Mà xanh cũng có “mức độ” của xanh, trong khuôn khổ chừng mực và được phép, chưa kể sự giới hạn của yếu tố thời gian. Ngày mai người ta bảo, thôi, xanh như thế là đủ, thế là phải thôi. Dám cãi!?
Tôi dám cá nếu một cô người mẫu mất tích ở Thái Lan thì báo chí sẽ “vào cuộc” quyết liệt như thế nào. Sẽ có rất nhiều “phóng viên điều tra” sang tận khách sạn nơi cô người mẫu mất tích để chụp hình và thực hiện các cuộc phỏng vấn “nhân chứng” một cách rất chuyên nghiệp.. Tòa soạn sẵn sàng chi tiền để phóng viên “bám trụ địa bàn” cho đến khi nào tìm ra manh mối vụ mất tích kỳ bí. Thế nhưng báo chí đã im phăng phắc trước vụ mất tích quái đản của một người có thể được xem là đồng nghiệp – nhà báo Trương Duy Nhất. Ngay cả một hàng tin ngắn: “ông Trương Duy Nhất, một người Việt Nam, đã biến mất một cách kỳ lạ ở Thái Lan” cũng chẳng báo nào dám đăng.
Khoan vội “hoan hô Tuyên giáo” và đừng quá nhanh miệng trong việc “cám ơn anh Thưởng”. Thậm chí còn tệ hơn cách đây vài thập niên khi báo chí vừa đi vừa dò đường, báo chí ngày nay không bao giờ dám đi đâu trước khi được chỉ đường. Chẳng riêng vụ ông Trương Duy Nhất, báo chí chẳng dám viết về bất cứ gì hoặc bất cứ ai dù có khi rõ ràng đèn xanh đã “xanh như thế” ở các vấn đề chẳng hạn “chống tham nhũng”. Chưa có tờ báo nào đụng đến “cậu” Lê Trương Hải Hiếu, huống hồ sờ đến ba của cậu là “bố già” Lê Thanh Hải. Báo chí đang chống tham nhũng, cả xã hội đang vào cuộc, sao lại không thể đề cập chân tướng những gương mặt tham nhũng đại gian? Khoan! Tuyên giáo đã nói gì đâu. Cứ chờ đấy. Hóng hớt xem thế nào rồi tính. Đừng có mà ngu cầm đèn chạy trước ôtô, bị cán chết tươi bây giờ!
“Anh nhớ xóa đoạn chat và đừng nói với ai những gì tôi vừa kể với anh” – một nhà báo đã cẩn thận nhắn cho tôi sau khi trao đổi một vài “bí mật hậu trường” ở một số vấn đề thời sự. “Cái hãng hàng không ấy, tôi nói anh nghe, kinh hoàng luôn; cái lão ấy, tôi nói anh biết, kinh khủng không thể tưởng; cái vụ ấy, tôi nói anh nhé, không như báo chí nói đâu; cái tên bộ trưởng ấy, con lão ấy đang du học ở Luân Đôn đấy…” – tôi vẫn nghe một số bạn nhà báo kể những câu chuyện tương tự. Họ biết rất nhiều nhưng họ không thể viết vì viết không thể đăng bởi đăng thì báo bị “giết” tức khắc. Cách đây ít nhất 10 năm, tôi đã nghe không biết bao nhiêu tình tiết ly kỳ về Dương Thị Bạch Diệp, bà trùm bất động sản, một mafia đúng nghĩa của từ này. Chẳng báo nào dám viết trong suốt thời gian dài bà Diệp làm mưa làm gió, cho đến mới đây, khi bà bị bắt với tội lừa đảo. Điều tệ hại nhất của tình trạng này là sự thật không bao giờ đến được độc giả. Có vô số sự kiện bây giờ người ta chỉ có thể biết bằng cách đọc “báo phản động” hoặc xem các “đài phản động” như VOA hoặc RFA. Độc giả biết tin sự kiện Lộc Hưng từ báo chí nhà nước hay từ “báo chí phản động”? Điều tệ hại nữa của tình trạng này là để tồn tại, báo chí đành phải sống bằng những vụ té xe trầy chân người nổi tiếng hoặc đại loại, dẫn đến một “môi trường báo chí” ô nhiễm và thậm chí ảnh hưởng đạo đức xã hội.
Đừng vội vỗ tay hoan hô Tuyên giáo trước một hoặc vài sự kiện được bật đèn xanh. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” Tuyên giáo. Cá nhân Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của Đảng vẫn là “tôn chỉ” xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Các bài viết về sự kiện 17-2 gần đây không nằm ngoài điều đó. Còn có quá nhiều chi tiết liên quan sự kiện, ngoài môtíp tường thuật quen thuộc “ta thắng, địch thua”, vẫn chưa được phép lật lại để cho “sòng phẳng với lịch sử” như cách diễn đạt phổ biến của nhiều người ngày nay. Việc được bật đèn xanh lần này chỉ cho thấy một điều tích cực: làng báo Việt Nam không thiếu người làm báo giỏi. Bài “Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc” của VNExpress là một ví dụ. Làng báo Việt Nam thật ra không thiếu người tài. Báo chí Việt Nam lý ra không lôi thôi như đang thấy, nếu Tuyên giáo được đóng cửa và người tài được sử dụng. Có lẽ ít người quan tâm đến sự thật rằng hệ thống báo chí đang bị khống chế bởi một “quy định” bất thành văn trong đó cấm tiệt một số nhà báo được phép viết cho báo chí nhà nước, dù họ (chẳng hạn Phạm Đoan Trang) tài giỏi như thế nào.
16x9 Image

Mạnh Kim

Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt.

1 nhận xét:

Unknown nói...

bạn mở trang rộng hơn khổ rộng của màn hình, nên khó đọc quá ví phải di chuyển con chuột suốt thôi. bye bạn