Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Thơ Phạm Đình Hổ - Đỗ Chiêu Đức


                                     
            Phạm Đình Hổ (chữ Hán: 范廷琥, 1768-1839) tên chữ là Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), hiệu: Đông Dã Tiều (東野樵), tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn và nhà thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
           Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) năm Giáp Ngọ (1774).
<!>
          Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.
          Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.
          Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
          Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.
          Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.
          Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.
         Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi. Ông để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng, tiêu biểu như các bài sau đây :

1. Bài thơ "Qúa Kim Liên Tự 過金蓮寺 ":

        Image result for Qua Chùa Kim Liên

                      Qúa Kim Liên Tự 
,   Bình ngạnh phiêu phù khách cố kinh,
。   Kim Liên Tự lý kỷ hồi kinh.
,   Tam thu thọ sắc liên thôn thúy,
。   Vạn khoảnh hồ quang nhất kính bình.
,   Ngõa tước sào biên tham định tướng,
。   Thạch lưu tùng bạn độ kinh thinh.
,   Phù sinh tự thị đa lao lộc,    
。   Thời hướng không môn đắc tịnh danh.
             范廷琥                                   Phạm Đình Hổ

 CHÚ THÍCH :
    * Kim Liên Tự 金蓮寺 : Là ngôi chùa nổi tiếng ở Thăng Long, nằm sát bên Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội.
    * Bình Ngạnh 萍梗 : Bình là Bèo, Ngạnh là Cành Nhánh; nên Bình Ngạnh là Cánh bèo có rể mà không nơi bám, thường dùng để ví với những người sống rày đây mai đó, không có chỗ ổn định.
    * Phiêu Phù 漂浮 : Phiêu là Trôi, Phù là Nổi; nên Phiêu Phù có nghĩa là Trôi Nổi Nôi Trôi.
    * Vạn Khoảnh 萬頃 : Một trăm mẫu là một KHOẢNH, nên Vạn Khoảnh là chỉ không gian hoặc mặt bằng rất to lớn.
    * Ngõa Tước 瓦雀 : Ngõa là Ngói, Tước là Chim Se Sẻ; Ngoã Tước là tên riêng của Chim Sẻ, vì loại chim này hay làm ổ và sống ở giữa rường nhà và mái ngói mà có tên Ngõa Tước. Nên, Ngõa Tước Sào chỉ có nghĩa là Tổ Chim Sẻ mà thôi.
    * Tham Định 參定 : là Tham thiền nhập định.
    * Thạch Lựu 石榴 : là Cây Lựu, Trái Lựu; ở đây vì muốn đọc cho đúng Luật Bằng Trắc nên mới đọc là Thạch Lưu. Thạch Lựu Tùng là Cái Khóm hoặc Cái Chòm cây lựu.
    * Độ Kinh 渡經 : là Hồi kinh siêu độ.
    * Tự Thị 自是 : là " Tự nó đã là ..."; nên có nghĩa là "Vốn Dĩ..."

 DỊCH NGHĨA :
                     Ghé Ngang qua chùa Kim Liên
        Như cánh bèo trôi nổi, nay ta lại làm khách của đất kinh thành cổ xưa nầy, nơi chùa Kim Liên mà ta đã mấy lần ghé qua. Đã ba mùa thu qua rồi, nhưng màu sắc của cỏ cây nơi đây vẫn xanh biếc đến cuối thôn, và mặt Tây Hồ mênh mông trước mắt vẫn như một tấm gương phẵng lặng loang loáng. Các nhà sư vẫn đang tham thiền nhập định vô sắc tướng bên các tổ chim sẻ ríu rít trên rường, và tiếng tụng kinh siêu độ thế nhân vẫn văng vẳng bên chòm thạch lựu trước hiên chùa. Kiếp phù sinh vốn dĩ đã nhiều lao nhọc rồi, cho nên đôi lúc ta cũng nên hướng về cửa không để tìm chút yên tĩnh nào đó cho tâm hồn.  
         Cảnh chuà Kim Liên thật yến ắng thanh tịnh, làm cho tâm hồn của người lãng tử phiêu bạt trôi nổi đó đây của Phạm Đình Hổ khi đi ngang qua đây cũng tìm lại được chút yên tĩnh của kiếp phù sinh vốn đã nhiều vất vả nổi chìm !

 DIỄN NÔM :

                 Qua Chùa Kim Liên

          Trôi nổi lại làm khách cố kinh,
          Kim Liên chùa cũ đến bao lần.
          Ba thu cây cỏ liền thôn biếc,
          Muôn khoảnh hồ gương phẳng nước xanh.
          Kinh độ thế nhân vang khóm lựu,
          Sư thiền nhập định ngẫm nhân sinh.
          Cuộc đời vốn dĩ nhiều lao nhọc,
          Tìm chút an nhàn chốn cửa không !
Lục bát :
           Nổi trôi làm khách cố kinh,
           Kim Liên Tự lại vô tình ghé ngang.
           Ba thu cây biếc thôn ngàn,
           Hồ Tây phẵng lặng mơ màng tợ gương.
           Sư thiền ổ sẻ trên rường,
           Tiếng kinh khóm lựu còn vương bụi trần.
           Phù sinh lao nhọc bao lần,
           Cửa không tìm chút an thân thanh nhàn.
                                                Đỗ Chiêu Đức

               Image result for Qua Chùa Kim Liên  

 2. Bài thơ Đông Ngạc Lữ Trung :
     東鄂旅中                      Đông Ngạc Lữ Trung
二十年來一旅人          Nhị thập niên lai nhất lữ nhân   
東風回首淚沾巾          Đông phong hồi thủ lệ triêm cân         
家鄉拋擲難爲孝          Gia hương phao trịch nan vi hiếu 
羈旅奔馳只為貧          Ký lữ bôn trì chỉ vị bần         
客裡又逢梅雨夜          Khách lý hựu phùng mai vũ dạ              
愁中猶夢故園春          Sầu trung do mộng cố viên xuân                何當歸訪林唐景          Hà đương quy phỏng Lâm Đường cảnh.  
坐聽松琴對白雲          Toạ thính tùng cầm đối bạch vân.                     
              範廷琥                                 Phạm Đình Hổ

* CHÚ THÍCH :
 - Lữ Nhân : Người lữ thứ, kẻ xa quê.
 - Đông Phong : Gió hướng đông là gió xuân.
 - Phao Trịch : Phao là Ném; Trịch là Liệng, nên Phao Trịch có nghĩa là Vứt Bỏ.
 - Ký Lữ : Chữ 羈 vừa đọc là Cơ, là Ki, là Ký, có nghĩa Cái mặt nạ chụp vào đầu ngựa và sợi dây cương ngựa, thường dùng để chỉ sự Trói Buộc hoặc Đi Xa. Nên KÝ LỮ là Xa nhà trường kỳ, gởi thân nơi đất khách lâu ngày.
 - Bôn Trì : Bôn là Chạy nhanh bằng chân; Trì là Chạy nhanh bằng ngựa. Nên BÔN TRÌ là giong ruổi, là Chạy ngược chạy xuôi, giống như từ Bôn Ba vậy.
 - Mai Vũ : là Những trận mưa giao mùa giữa xuân và hạ, cũng là thời khắc của trái mai(me) của xứ Giang Nam chín rộ, nên còn gọi là Hoàng Mai Thiên Khí 黃梅天氣.
 - Hà Đương : là Bao giờ, là Biết đến bao giờ.
 - Tòng Cầm : Đàn của Thông, là Tiếng Thông reo.

* DỊCH NGHĨA :
                         Thân Lữ Thứ Nơi Đông Ngạc
         Là kẻ tha hương lữ thứ suốt hai mươi năm nay, nên khi thấy gió xuân thổi, quay đầu nhìn về hướng quê xưa mà không ngăn được lệ nhỏ đầm khăn. Là kẻ dứt bỏ quê nhà để ra đi nên khó mà làm tròn chữ hiếu, và trường kỳ bôn ba ngược xuôi nơi xứ lạ quê người cũng chỉ vì nghèo mà thôi. Ở nơi đất khách xa xôi nầy mỗi lần gặp những đêm mưa giao mùa lại làm cho ta buồn nhớ và mơ về với những mùa xuân nơi đất mẹ. Biết đến bao giờ mới được về thăm lại cảnh cũ ở Lâm Đường mà nhàn nhã nghe tiếng thông reo và ngắm nhìn mây trắng trôi nổi ở ven trời.
            Image result for thông reo
* DIỄN NÔM :
       Hai mươi năm lẻ khách phương trời,
       Ngảnh lại gió xuân khiến lệ rơi.
       Nhà cửa xa xôi đâu hiếu để,
       Quê người lận đận chỉ nghèo thôi.
       Những sầu đất khách đêm mưa đổ,
       Lại nhớ làng quê mộng rối bời.
       Biết đến bao giờ về chốn cũ,
       Ngồi nghe thông réo ngắm mây trôi !?
 Lục bát :
       Hai mươi năm kiếp xa nhà,
       Gió xuân nhìn lại xót xa lệ trào.
       Xa quê hiếu khó trọn nào,
       Một thân trôi nổi nghèo sao lại buồn.
       Đêm nằm lắng hạt mưa tuôn,
       Sầu quê dằng dặc còn vương mộng hồn.
       Bao giờ về lại Lâm Đường,
       Ngắm mây trắng xóa đàn dường thông reo !?
                                                Đỗ Chiêu Đức    



3. Bài thơ Giao Hành :
  
     Image result for cây lệ chi
   郊行                  Giao hành

早起獨行行        Tảo khởi độc hành hành,
倦倚荔枝下        Quyện ỷ lệ chi hạ.
隔岸鳥一聲        Cách ngạn điểu nhất thanh,
江山光如畫。     Giang sơn quang như hoạ.
         範廷琥                                Phạm Đình Hổ

* CHÚ THÍCH :
   - Giao Hành : GIAO 郊 là Khoảng đồng trống sát bên thành trì, thành phố, ta gọi là Vùng Ngoại Ô. Nên GIAO HÀNH là đi tản bộ ở ngoại thành.
  - Độc : là Đơn độc có một mình.
  - Quyện : là Mõi mệt.
  - Ỷ : là Dựa, là tựa vào.
  - Lệ Chi : là Cây Vải, Trái vải.
  - Ngạn : là Bờ, là Bến.  

* DỊCH NGHĨA :
              Ngoại Ô Tản Bộ
     Sáng sớm thức dậy, ta một mình đi tản bộ ở ngoại thành. Khi đã mệt thì dựa vào dưới cây lệ chi mà nghỉ. Cách bờ bên kia một tiếng chim sáng hót lên, núi sông trước mắt chợt bừng sáng lên như một bức tranh vẽ. 
* DIỄN NÔM :
                   Tản Bộ Ngoại Thành

                  Sớm dậy một mình đi,
                  Mệt tựa lệ chi nghỉ.
                  Cách bờ tiếng chim kêu,
                  Núi sông như bừng dậy !
  Lục Bát :
                  Một mình dậy sớm bộ hành,
             Mỏi mê ngắm cảnh tựa cành lệ chi.
                  Cách bờ chim hót liền khi,
            Núi sông bừng sáng khác gì họa tranh !
                                                 Đỗ Chiêu Đức
              Image result for Núi sông bừng sáng khác gì họa tranh
     
4. Bài thơ Hạ Nhật Giao Hành :
  夏日郊行             Hạ Nhật Giao Hành

家鄉何處是           Gia hương hà xứ thị         
日在天之東           Nhật tại thiên chi đông       
注望不可見           Chú vọng bất khả kiến     
我心空沖沖           Ngã tâm không xung xung         
長空多白雲           Trường không đa bạch vân        
曠野多飄風           Khoáng dã đa phiêu phong   
跱立倍惆悵           Trĩ lập bội trù trướng              
無計寄征鴻。        Vô kế ký chinh hồng. 
       範廷琥                                Phạm Đình Hổ

* CHÚ THÍCH :
   - Hạ Nhật : là Ngày Hè, tức là Mùa Hè. Hạ Nhật Giao Hành là Mùa Hè đi dạo ở ngoại thành.
  - Chú Vọng : Chăm chú mà nhìn ngắm.
  - Trường Không : Bầu trời dài, ý chỉ Bầu trời rộng lớn.
  - Khoáng Dã : là Ngoài đồng trống.
  - Trĩ Lập : Đứng thẳng, đứng yên một chỗ.
  - Trù Trướng : là Bàng Hoàng, Ngơ ngẩn.
  - Vô Kế : là Không có kế sách gì cả, ý chỉ Không có cách chi, Không biết phải làm sao.
  - Chinh Hồng : là Chim hồng nhạn bay về cỏi trời xa. Ngày xưa dùng chim Hồng Nhạn để đưa tin, nên Tin Nhạn còn có nghĩa là tin thơ từ phương xa gởi đến.

* DỊCH NGHĨA :
                   Ngày Hè Đi Dạo Ở Ngoại Thành
      Quê hương ở tận nơi nào ? Mặt trời đang mọc ở hướng trời đông, ta dõi mắt trông về nơi đó mà không thấy được gì cả, làm cho lòng ta cảm thấy trống trải bồn chồn. Trên bầu trời rộng lớn nổi trôi nhiều mây trắng, và ngoài đồng trống mênh mông gió vi vút thổi nhiều. Ta đứng lặng nhìn mà lòng càng bàng hoàng ngơ ngẩn, vì không biết làm sao để gởi cánh chim hồng nhạn mang nỗi lòng của ta về tận quê nhà ! 

* DIỄN NÔM :
                    Ngày Hè Đi Dạo Ngoại Ô

                    Quê nhà nơi đâu nhỉ ?
                    Mặt trời rạng hướng đông.
                    Mõi mắt nhìn không thấy,
                    Lòng ta những phập phòng.
                    Mây trắng bay vội vả,
                    Gió lộng ngoài đồng không.
                    Đứng lặng nhìn cánh nhạn,
                    Làm sao gởi chút lòng !?
 Lục bát :
                  Quê hương ở tận nơi đâu ?
          Mặt trời chiếu sáng trên đầu hướng đông.
               Trông theo nào thấy mà trông,
          Lòng ta luống những nhớ mong bồi hồi.
               Về đâu mây trắng đầy trời,
         Gió ngoài đồng trống tựa lời thiết tha.
               Đứng yên ngơ ngẩn nhớ nhà,
           Làm sao gởi cánh chim xa bay về !?
                                                Đỗ Chiêu Đức

                     
           
5. Bài thơ Giang Lâm Mộ Tuyết:

    江林暮雪                 Giang Lâm Mộ Tuyết
漁舟反棹正黃昏       Ngư chu phản trạo chính hoàng hôn,
撒絮堆鹽塑景繁       Tát nhứ đôi diêm tố cảnh phồn. 
倒蘸晚霞金世界       Đảo trám vãn hà kim thế giới,
尋梅有客自前村。    Tầm mai hữu khách tự tiền thôn.
           範廷琥                                Phạm Đình Hổ
       Image result for 晚霞
* CHÚ THÍCH :
     -  Giang Lâm Mộ Tuyết : là Chiều Tuyết Xuống Cánh Rừng Ở Ven Sông.
     - Ngư Chu : là Thuyền cá, có nghĩa là Thuyền câu, Thuyền Chài của dân đánh cá.
     - Phản Trạo : là Trở mái chèo ngược lại, có nghĩa là Đi trở về.
     - Tát Nhứ Đôi Diêm : Tát Nhứ 撒絮 là Rải những sợi bông nhẹ mà trắng như bông gòn, bông liễu. Đôi Diêm 堆鹽 là Rắc muối cho thành đống. Đây là thành ngữ chỉ cảnh tuyết rơi trắng xóa phất phơ như rắc muối, như hoa liễu bay. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau :
     Thái Phó Tạ An đời nhà Tấn, có cháu gái là Tạ Đạo Uẩn, văn tài mẫn tiệp. Một hôm tuyết rơi. An hỏi : Tuyết rơi trông giống gì? Đứa cháu trai là Hồ Nhi đáp : 撒盐空中差可拟 Tát diêm không trung ta khả nghĩ, có nghĩa: Giống như là rắc muối trong không trung vậy. Đạo Uẩn thì đáp là : 未若柳絮因风起 Vị nhựơc liễu nhứ nhân phong khởi, có nghĩa : Chi bằng nói là Hoa liễu gặp gió bay đầy trời. Tạ An rất vui vì văn tài của hai cháu. Nên thành ngữ Tát Nhứ Đôi Diêm 撒絮堆鹽 hay Tát Diêm Phiêu Nhứ 撒盐飄絮 đều dùng để tả cảnh đẹp lúc tuyết rơi.
    - Đảo Trám : Chấm ngược trở xuống, chỉ cảnh phản chiếu của trời chiều.
    - Vãn Hà : là Ráng chiều, là mây ngũ sắc phía trời Tây khi mặt trời chen lặn.

* DỊCH NGHĨA :
              Chiều Tuyết Xuống Ở Cánh Rừng Ven Sông.
     Thuyền câu vừa trở mái chèo thì trời cũng vừa lúc hoàng hôn, Tuyết rơi trắng xóa như muối rắc hoa bay tạo nên một cảnh trí hổn độn. Ráng chiều chiếu xuống nước sông hắt nguợc trở lên làm cho thế giới như nhuốm một màu vàng rực rỡ. Có người khách nào đó tìm mai đang đến ở đầu thôn.

       Image result for 晚霞  
   
 * DIỄN NÔM :
          Thuyền câu trở mái lúc hoàng hôn,
          Muối rắc hoa bay tuyết đổ dồn.
          Phản chiếu nắng chiều vàng rực rỡ,
          Tìm mai có khách đến đầu thôn.
  Lục bát :
          Hoàng hôn trở mái thuyền câu,
          Tuyết như hoa muối rắc đâu lưng trời.
          Ráng chiều vàng rực khắp nơi,
          Đầu thôn có khách ngõ lời tìm mai !
                                           Đỗ Chiêu Đức
6. Bài thơ Xã Từ Hữu Hoài :
   社祠有懷             Xã Từ Hữu Hoài  
崇祠門外草芊芊,  Sùng từ môn ngoại thảo thiên thiên,
一度登臨一悵然。  Nhất độ đăng lâm nhất trướng nhiên.
荒樹舊傳歌舞地,  Hoang thọ cựu truyền ca vũ địa,
殘碑猶識景興年。  Tàn bi do thức Cảnh Hưng niên.
苔封石現呈新綠,  Đài phong thạch hiện trình tân lục,
霜染丹楓噪暮蟬。  Sương nhiễn đan phong táo mộ thiền.
旅次歸來何所見,  Lữ thứ quy lai hà sỡ kiến,
行行喬木正凌天。  Hàng hàng kiều mộc chánh lăng thiên.
              範廷琥                                Phạm Đình Hổ

          Image result for đền thờ từ đường
* CHÚ THÍCH :
   - Xã Từ Hữu Hoài : Hoài cảm trước đền thờ của xã.
   - Thảo Thiên Thiên : là Cỏ xanh um tùm.
   - Trướng nhiên : Bồi hồi xúc động.
   - Cảnh Hưng Niên : là Năm Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông(1740-1768).
   - Đài Phong : là Rêu phủ. Rêu mọc che kín
   - Sương nhiễm : là Sương nhuốm, mù sương nhuộm (Đan Phong: là Lá phong đỏ lên).
   - Mộ Thiền : là Tiếng ve kêu buổi chiều tà. 
   - Lữ Thứ : là Lữ hành Xa quê.
   - Kiều Mộc : là loại Cây cao bóng cả.
   - Lăng Thiên : là Vượt lên trên bầu trời.
* DỊCH NGHĨA :
                      Hoài Cảm Trước Đền Thờ Xã
        Ngoài cửa của đền thờ cao cao cỏ mọc um tùm, mỗi lần đến đây là mỗi lần ta cảm thấy xúc động bồi hồi. Chỗ cây mọc hoang vu ngày nay được biết đó là nơi ca múa của ngày xưa, và trên tấm bia đổ nát còn đọc được là của niên đại đời Cảnh Hưng. Rêu phủ đầy trên nền đá còn hiện rõ màu xanh mới, và sương rơi nhuốm hồng các lá phong trong tiếng ve chiều. Từ nơi lữ thứ trở về đây, ta thấy được gì đâu, chỉ có hàng hàng cây cao bóng cả đang đứng lặng yên mà vươn thẳng lên trời xanh.
* DIỄN NÔM :
                   Hoài Cảm Trước Đền Thờ Xã

                 Cỏ mọc um tùm trước cửa sân,
                 Mỗi lần đến viếng mỗi bâng khuâng.
                 Vườn hoang là chốn xưa ca múa,
                 Bia nát còn nhìn dấu Cảnh Hưng.
                 Rêu phủ đá xanh tươi sắc mới,
                 Sương pha lá đỏ rộn ve ngâm.
                 Người từ lữ thứ về quê cũ,
                 Chỉ thấy vút trời cây bóng râm !
 Lục bát :
              Um tùm cỏ kín từ đường,
              Về thăm mấy độ sầu thương bồi hồi.
              Vườn hoang xưa chốn vui chơi,
              Cảnh Hưng bia cũ càng khơi nỗi niềm.
              Rêu xanh phủ đá trước thềm,
              Sương pha lá đỏ buồn thêm ve sầu.
              Người về nào thấy chi đâu,
              Hàng hàng chỉ thấy cây cao vút trời !
                                             Đỗ Chiêu Đức
7. Bài thơ Quy Cố Viên Hương :
    歸故園鄉         Quy Cố Viên Hương

斷梗飄蓬歲兩周,  Đoạn ngạnh phiêu bồng tuế lưỡng chu,
衰瓢重作故鄉遊。  Thôi biều trùng tác cố hương du.
叢荊修竹相高下,  Tùng kinh tu trúc tương cao hạ,
幽草荒丘半有無。  U thảo hoang khâu bán hữu vô.
征鶩影和朝靄色,  Chinh vụ ảnh hòa triêu ải sắc,
孤蟬聲入夕陽秋。  Cô thiền thanh nhập tịch dương thu.
憑欄回想當年事,  Bằng lan hồi tưởng đương niên sự,
擬向蒼蒼問故吾。  Nghĩ hướng thương thương vấn cựu ngô.
            範廷琥                                Phạm Đình Hổ
        Image result for đồi hoang cỏ mọc
* CHÚ THÍCH :
    - Đoạn Ngạnh : Trong bài Qúa Kim Liên Tự của cùng tác giả, ta đã gặp từ BÌNH NGẠNH 萍梗 là Cánh bèo, nên Đoạn Ngạnh 斷梗 là Bèo rả cánh.
   - Thôi Biều : còn đọc là Suy Biều, có nghĩa là Trái bầu héo. 
   - Tùng Kinh : là Bụi cỏ gai, ý chỉ Cỏ dại. Tu Trúc : là khóm trúc được trồng tỉa cẩn thận.
   - U Thảo : là Cỏ mọc thâm u. Hoang Khâu : là Gò hoang.
   - Chinh Vụ : là Cánh cò xa xa. Ải Sắc : là Sắc trời buổi sáng sớm, ban mai.
   - Cô Thiền : là Tiếng ve cô đơn, lẻ loi.
   - Bằng Lan : là Đứng hoặc Ngồi dựa lan can.
   - Nghĩ : là Dự định, là Muốn.
   - Thương Thương : là Trời xanh.
   - Ngô : là Tôi, là Ta, là Tao...

* NGHĨA BÀI THƠ :
                             Trở Lại Cố Hương
     Như bèo rả cánh, ta trôi nổi suốt hai năm tròn, giờ thì như trái bầu đã héo úa tìm về lại cố hương. Đám cỏ gai hoang dại đã cao gần bằng với khóm trúc, và cỏ dại mọc thâm u phủ kín cả gò đất hoang trông như có như không. Cánh cò trắng xa xa chìm vào vầng mây sáng của buổi ban mai, và tiếng ve sầu đơn độc hòa vào trong ánh nắng chiều của buổi tàn thu. Đứng tựa vào lan can mà hồi tưởng lại những việc đã qua của những năm xưa, ta muốn hỏi trời xanh thăm thẳm về những việc của ta ngày ấy (sao lại như thê!).
       Xúc cảnh sinh tình, nổi trôi phiêu bạc, vất vả lang thang, tìm về lại cố hương không chút vinh quang mà lại buồn như " trái bầu héo ". Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ! Cỏ gai mọc cao gần bằng khóm trúc, cỏ dại phủ đầy không còn nhận ra được những gò đất của dạo nào; cánh cò đơn lẻ mất hút ở chân trời xa và tiếng ve sầu cô đơn của buổi chiều tàn thu. Cảnh trí và thiên nhiên đều nhuốm vẻ bi ai sầu muộn như tâm sự của kẻ lạc phách sa cơ chưa có được chút thành tựu nào trong sự nghiệp, chỉ còn biết có ngửa mặt than trời !

           Image result for đồi hoang cỏ mọc
* DIỄN NÔM :
             Trở Lại Quê Xưa
        Như bèo rả cánh đã hai năm,
        Thất chí quê nhà lại ghé thăm.
        Gai mọc trúc tre nào có thấy,
        Cỏ lan gò nổng biết đâu tầm.
        Cánh cò lẩnkhuất trong mây sớm,
        Ve tiếng đơn côi thu nắng râm.
        Tựa giậu nhớ về bao chuyện cũ,
        Hỏi trời sao lại nở đang tâm !?
 Lục bát :
        Bèo trôi rả cánh hai năm,
        Thất cơ lê bước về thăm quê nhà.
        Bụi gai cao lấn tre già,
        Gò cao cỏ dại mọc qua khó tìm.
        Cánh cò nắng sớm im lìm,
        Cô đơn rả tiếng ve thêm não nùng.
        Tựa lan can nhớ mông lung,
        Hỏi trời sao nở lạnh lùng đời ta !?
                           Đỗ Chiêu Đức

8. Bài thơ Hữu Sở Cảm :

      Inline image
  有 所 感                       Hữu Sở Cảm
          范廷虎                          Phạm Đình Hổ
 
長安小兒女,      Trường An tiểu nhi nữ;  
纖手丱丫鬟。      Tiêm thủ quán nha hoàn. 
深閨不知苦,      Thâm khuê bất tri khổ;  
猶掃落花看。      Do tảo lạc hoa khan. 

長安小兒女,      Trường An tiểu nhi nữ; 
眉黛月雙彎。      Mi đại nguyệt song loan.  
為愛梅花潔,      Vị ái mai hoa khiết;  
臨風不覺寒。      Lâm phong bất giác hàn.

長安小兒女,     Trường An tiểu nhi nữ;  
花前獨倚欄。     Hoa tiền độc ỷ lan.  
只怕檀郎聽,     Chỉ phạ đàn lang thính;  
橫琴笑不彈。     Hoành cầm tiếu bất đàn. 
 
--Bản dịch của Mailoc—
     Inline image
  
         Cảm Xúc 
(1)
Nơi Trường An một cô bé gái 
Tay thon thon hai mái bện dài .
Phòng khuê nào biết u hoài ,
Nhìn hoa rơi rụng sân ngoài quét chơi .
 
Nơi Trường An một cô bé gái ,
Đôi mày cong nguyệt hãy còn non .
Vì yêu mai đẹp trắng trong ,
Ngắm hoa quên lạnh gió đông rạc rào .
 
Nơi Trường An một cô gái nhỏ ,
Tựa lan can bên đóa mai vàng .
Ngại ngần động đến tai chàng ,
Nhoẻn cười không gẩy ôm đàn lặng yên .

(2)
Trường An một gái nhỏ ,
Ngón thon tóc bện dài  .
Phòng khuê nào biết khổ ,
Lặng nhìn quét hoa bay .
 
Trường An một cô bé ,
Trăng non mày cong cong .
Vì yêu nụ mai hé ,
Quên lạnh giữa gió đông .
 
Trường An cô gái nhỏ ,
Bên hoa tựa lan can .
Sợ chàng tai thính rõ ,
Không gẩy cười ôm đàn .
                    Mai Lộc
                  Inline image
                   CÓ NIỀM CẢM XÚC
                 Trường An cô thiếu nữ,
                 Tay ngọc bới tóc cao.
                 Phòng khuê nào biết khổ,
                 Quét hoa dạ chẳng nao !

                 Trường An cô thiếu nữ,
                 Mày trăng mới cong sao !
                 Thương mai hoa tinh khiết,
                 Gió bấc chẳng lạnh nào !

                 Trường An cô thiếu nữ,
                 Ngắm hoa tựa lan can.
                 Vì sợ chàng nghe ngóng,
                 Cười e ấp không đàn !


                                 Đỗ Chiêu Đức                            

Không có nhận xét nào: