Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

SÂM - BS Nguyễn Ý Đức


Nói đến sâm là phải nghĩ ngay tới nước Trung Hoa với vua Thần Nông. Đây là một nhân vật với nhiều huyền thoại, sống cách đây nhiều ngàn năm, vừa là một đấng minh quân vừa là một nhà nông kinh nghiệm, biết thêm về y lý trị bệnh. Nhà vua chỉ dẫn cho dân chúng về cách dùng dược thảo và đã viết một cuốn sách nói về cả trăm thứ cây thuốc mà ông đã khổ công đi đó đây để sưu tầm. Theo sách, thì vua Thần Nông là người đầu tiên đã nhận ra công dụng chữa bệnh của một loại rễ cây có hình dạng giống con người, mọc hoang trong rừng. Nhà vua đặt tên cho cây đó là Nhân Sâm.<!>

Nhân sâm đã được coi như một dược thảo hàng đầu (Sâm, Nhung, Quế, Phụ) ở nhiều quốc gia Á châu như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, và ở Nga. Trong những thập niên vừa qua, nhân sâm bắt đầu được sử dụng ở các quốc gia Âu Mỹ và cũng được khoa học thực nghiệm nghiên cứu về công hiệu chữa bệnh của một thảo mộc mà nhiều triệu người đã và đang dùng, do kinh nghiệm truyền cho nhau. Nhiều nhà bào chế thuốc đã xếp sâm vào nhóm những chất có tác dụng thích nghi (adaptogen) đối với nhiều chức năng của cơ thể và coi sâm như một chất dùng thêm có khả năng tăng cường sinh lực, giảm căng thẳng, ngăn ngừa một số bệnh tật và làm chậm tiến trình lão suy.

Nguồn gốc 

Nguyên thủy thì nhân sâm mọc hoang trên rừng núi, dưới bóng mát ở những nơi có khí hậu lạnh như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, miền Đông Liên Bang Sô Viết, Bắc Mỹ châu.

Người Trung Hoa được coi như dân tộc đầu tiên biết sử dụng sâm để trị các bệnh của tuổi già và họ giữ kín cho tới thế kỷ thứ 18 công dụng của sâm mới được các quốc gia Âu Mỹ biết tới. Thoạt đầu, các nhà thảo mộc Tây phương cũng không tin tưởng cho lắm vào công dụng của sâm như người Trung Hoa tả. Nhưng sau khi nhìn thấy tận mắt một số hiệu quả, thì họ tin theo.

Năm 1716, tu sĩ dòng Tên Petrus Jartoux truyền đạo ở miền Bắc Trung Hoa, viết một tài liệu cho hay sâm có thể mọc ở miệt rừng núi Gia Nã Đại vì môi trường giống nhau. Tu sĩ Lafitau ở Gia Nã Đại bèn cho người khai thác sâm hoang ở chung quanh vùng Montreal và xuất cảng sang Tầu để gây quỹ cho dòng tu. Cũng vào thế kỷ 18, một số nhà thám hiểm người Pháp thấy thổ dân Bắc Mỹ dùng một loại cây hoang để trị bệnh tiêu hóa, họ mang một ít về Âu châu để thử nghiệm và thấy công hiệu.

Các loại sâm 

Theo American Botanical Council thì có ba loại sâm chính: sâm Á châu, sâm Mỹ châu và sâm Siberian.

1- Sâm Á châu

Thường được gọi là nhân sâm, tên thực vật học là Panax ginseng C.A. Meyer. C.A. Meyer là tên nhà thảo mộc học đã nghiên cứu sâm đầu tiên vào năm 1842. Đây là loại sâm nổi tiếng của Trung Hoa, đã được coi là đứng đầu các vị thuốc bổ (sâm, nhung, quế, phụ), để tu bổ ngũ tạng, làm dịu cảm xúc, bớt náo động, loại trừ chất độc trong cơ thể, làm thị giác tinh tường, làm tăng trí nhớ và tinh thần minh mẫn và nếu dùng liên tục thì sẽ sống lâu. Panax do gốc Hy Lạp pan có nghĩa là tất cả, và alkos là chữa lành, tức là trị bá bệnh; còn ginseng theo nghĩa tượng hình Trung Hoa là “tinh túy của đất trong hình dạng người”.

Y học Á châu đã dùng nhân sâm từ nhiều ngàn năm. Tây phương biết đến nhân sâm là qua sự nhận xét và giới thiệu của một tu sĩ dòng tên Petre Jartoux vào khoảng năm 1714. Trong khi truyền giáo ở miền Bắc Trung Hoa, vị tu sĩ này thấy dân chúng dùng một loại rễ cây hoang để trị nhiều bệnh rất công hiệu, ông ta bèn viết một bài để giới thiệu với các thầy thuốc ở Âu châu. Từ đó, các nhà nghiên cứu ở Âu châu, Nhật Bản, Liên Xô, Hoa Kỳ đã để tâm nghiên cứu về loại dược thảo có hình người này.

Nhân sâm có thành phần hóa học như sau: hỗn hợp saponins, tinh dầu panaxen, phytosterol, tinh bột, đường, amino acid, acid phosphoric, vài sinh tố B1, B2 và vài khoáng chất. Hiện nay có khoảng 22 chất saponin được phân loại, gọi là ginsenosides hay panaxosides, là những dược liệu chính của sâm. Hóa chất này có công thức hóa học tương tự như loại kích thích tố mà cơ thể con người dùng để đối phó với căng thẳng của đời sống.

W.H Lewis cho hay chất triết của nhân sâm có tác dụng làm chậm sự phát triển của một vài tế bào u bướu, có vài tác dụng làm giảm đường trong máu. Nghiên cứu của V.W. Petkov và D. Staneva- Stoicheva ở Bulgarie cho hay nhân sâm có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, giảm huyết áp, giảm đường trong máu, kích thích hô hấp, hỗ trợ tế bào thần kinh đáp ứng với stress, tăng hồng huyết cầu và huyết tố, giảm cholesterol. Ng và H.W. Yeung cho hay nhân sâm có công dụng làm giảm thời gian phản ứng với các kích thích thính, thị giác; tăng sự lanh lợi, tập trung trí thuệ; tăng phối hợp giữa thị giác và cử động. Họ cũng cho hay nhân sâm có công dụng như chất antioxidant chống lại một vài bệnh về gan, mắt, vữa xơ động mạch. S. Shibata, O. Tanaka và H. Saito cũng cho rằng sâm làm tăng sự bền bỉ, chịu dựng của cơ thể với căng thẳng các loại, có tác dụng chống kinh phong hạ nhiệt, tăng chức năng bao tử, chống viêm tế bào.

Bên Đức, chính quyền cho phép nhân sâm được mang nhãn hiệu bán như một thuốc bổ, tăng cường sinh lực khi bị suy nhược, mệt mỏi, khi kém tập trung, và trong thời kỳ phục sức sau bệnh hoạn. Dược thư Liên Xô xuất bản năm 1961 công nhận nhân sâm là vị thuốc chính thức trong y học của Liên bang này. 

Cho tới nay, đã có cả trăm nghiên cứu khoa học về công dụng của nhân sâm. Sự nghiên cứu này cần được tiến hành lâu dài và có hệ thống hơn nữa để có thể xác định giá trị chữa bệnh của loại dược thảo này.

2- Sâm Mỹ châu: 

Sâm Mỹ châu được tu sĩ Joseph Francois Lafitau khám phá ra cách dây gần ba trăm năm, ở vùng Montreal, Gia Nã Đại, có tên khoa học là Panax quinquefolius. Vị tu sĩ này đã khai thác, xuất cảng rất nhiều sang Trung Hoa từ thế kỷ thứ 18.

Sâm Mỹ châu mọc hoang ở miền Đông Bắc Mỹ châu, từ Quebec, Ontario xuống Wisconsin, Minnesota, Florida, Alabama, Oklahoma. Không như sâm Á châu bị khai thác triệt để nên còn rất ít, sâm Mỹ châu hiện vẫn còn nhiều và được các quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Đại coi là cây hiếm quý cần được bảo vệ. 

Sâm Mỹ châu đã được Abraham Whisman ở Virginia bắt đầu trồng từ năm 1870. Hiện nay Gia Nã Đại đứng hàng đầu trong việc trồng và xuất cảng sâm này. Nước Mỹ cũng xuất cảng tới 30% tổng số sâm Mỹ châu trên thế giới. Năm 1995, có tới hơn 700,000 kí sâm trồng và 150,000 kí sâm mọc hoang được xuất cảng từ Hoa Kỳ. Trung Hoa và Đại Hàn dẫn đầu trong việc xuất cảng sâm các loại trên thế giới . 

Không có nhận xét nào: