Thưở nhỏ, tôi thường cùng chúng bạn đi xem những trận
‘đá gà cá độ’ do người lớn tổ chức. Những chú gà chọi được trang bị những cái
móng sắt để có thể hạ gục đối phương bằng cách đau đớn nhất
<!>. Người ta chia ra
thành hai nhóm để cổ vũ cho hai chú gà chọi nhau, người ta vui sướng hò hét khi
hai chú gà tung ra những đoàn quyết tử cày xới da thịt nhau (dù rằng những chú
gà không hề thù hận gì nhau)… Và cuối cùng, một trong hai chú gà thua trận, có
khi tả tơi lông lá, có khi gục chết bên vũng máu của mình, đó cũng là lúc thiên
hạ kết thúc một trận hả hê…
Sử sách truyền rằng, sau khi chinh phạt Kalinga bằng
cuộc chiến đẫm máu và hung tàn nhất trong thời gian trị vì của mình, khi khói
lửa cuộc chiến chưa tan, tiếng gươm đao vừa dứt; Aśoka cỡi ngựa dạo quanh một
vòng chiến trường để tận mắt chứng kiến chiến công oanh liệt của mình, và trong
mắt ông Kalinga bấy giờ chỉ còn là những căn nhà cháy rụi, xác người vương vãi
khắp nơi, cô nhi quả phụ khóc than đi tìm xác người thân vừa mất, chiến tượng
binh mã gục đầu bên những xác chết, tử khí oan hồn bao quanh chiến địa, v.v.
Aśoka đau đớn thốt lên rằng “Ta đã làm gì thế này!”, rồi thề vứt bỏ đao kiếm,
sám hối những bạo tàn do chính mình gây ra. Aśoka giã từ chinh chiến với nỗi
thống khổ của người thắng trận trong phút giây bi hùng như vậy! Cũng kể từ đó,
Aśoka từ một bạo chúa (Chandashoka) dần chuyển hóa trở thành vị minh quân hộ pháp
(Dharmashoka) trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ.
Dường như tôi và bạn đã đôi lần biến thành những chú ‘gà
chọi’, hay trở thành những ‘chiến binh’ trong những cuộc chơi của kẻ khác? Khi
đã lâm vào cái vòng lẩn quẩn hơn - thua, dù thắng hay bại, cả hai đều mang thương tích trên người hay đâu đó trong tâm
hồn. Kẻ thắng bị oán ghét - người thua
ôm hận thù, đã là chuyện của muôn đời. Vậy tại sao chúng ta không tỉnh thức
thoát khỏi thân phận những con ‘gà chọi’ đang mua vui cho kẻ khác? Tại sao
chúng ta không dừng lại trước khi tiếp tục làm tổn thương cho nhau? Và tại sao
chúng ta không tự làm một Aśoka cho chính cuộc đời mình?
Mến tặng những người bạn của tôi câu Pháp cú 201 thay
cho lời khuyên ‘Hãy dừng lại!’:
“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau.
Sống tịch tịnh an lạc,
Bỏ thắng bại phía sau…”
(Jayam veram pasavati
dukkham seti parajito
upasanto sukham seti
hitva jayaparajayam.)
North
Carolina, một ngày cuối Thu 2016
LÊ BÍCH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét