Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Học thuyết “Lục Quân Hải Chiến” của Đô đốc Harry Harris - Nguyễn Vĩnh Long Hồ

Nguyễn Vĩnh Long Hồ (Danlambao) - Trước đây, các chiến lược gia của Mỹ chỉ bàn về học thuyết tác chiến mang tên “Không - Hải chiến” (Air - Sea Battle Operational Concept). Học thuyết quân sự nầy tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Không quân & Hải quân. Air - Sea Battle vận hành bộ máy chiến tranh tổng lực, mục tiêu của học thuyết nầy là khu vực châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy lớn mạnh của Tàu Cộng.<!> 
Ngũ Giác Đài đang nỗ lực hoàn chỉnh chiến thuật này để đập tan chiến lược “A2/AD” (Anti Access/Area Denial) và phá bỏ năng lực trên của quân đội TC.

Từ ngày 15-22/9/2014, Quân đội Mỹ đã tổ chức cuộc diễn tập phối hợp quy mô giữa Không quân & Hải quân mang tên “Valiant Shield 2014” tại quần đảo Mariana và các vùng biển phụ cận chung quanh đảo Guam và Tinian. Mặc dù đây là một trong những cuộc diễn tập của quân đội Mỹ trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng các nước khác không hề nắm rõ nội dung cuộc diễn tập thực tế. Theo tờ Stars and Stripes của Mỹ có bài viết về cuộc diễn tập “Không - Hải Hợp đồng tác chiến” để rút kinh nghiệm sự thống nhất chiến đấu của lực lượng Không quân & Hải quân khi đối mặt với lực lượng PLA của TC, từng bước tiêu diệt Không & Hải quân cùng với phương tiện chiến tranh của TC.

Theo thông tin của “Defence News”, Mỹ đã huy động tổng cộng 200 chiến đấu cơ, 19 tàu chiến tham gia diễn tập, bao gồm cả 2 nhóm tác chiến HKMH USS Carl Vinson và USS George Washington, B-52 đóng tại đảo Guam, chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-15C, MV-22 Osprey, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler... Trọng tâm của cuộc diễn tập này là sự đột phá hợp đồng tác chiến của Không quân và Hải quân. Đầu tiên, Mỹ sẽ huy động lực lượng hacker tấn công mạng làm tê liệt mạng lưới radar và thông tin của TC, sau đó chiến đấu cơ F-22 sẽ tiêu diệt tên lửa đạn đạo chống HKMH của Mỹ và tên lửa hành trình của địch, mở đường cho HKMH tiếp cận. Tiếp theo đó, F-22 và tên lửa hành trình sẽ tấn công các trạm radar trên mặt đất của địch. Cuối cùng dưới sự yểm trợ của máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler, các chiến đấu cơ cất cánh từ HKMH sẽ tiến hành không kích vào lãnh thổ đối phương.

Giáo sư Aeron Fiedberg - chuyên gia Nghiên cứu về “Air - Sea Battle” thuộc đại học Princeton - cho biết, mũi nhọn của hình thức tác chiến này, không phải là lục quân hay không quân mà chính là các hacker, tức các “chiến binh Cyber”. Khi chiến tranh mở màn, Mỹ sẽ dùng chiến thuật làm mù đối phương rồi tấn công vào hệ thống mạng và hệ thống vệ tinh dùng để chỉ huy, kiểm soát các loại tên lửa và các phương tiện tác chiến khác của địch. Ngoài ra, họ còn đồng loạt tấn công từ trên không và trên biển vào “mục tiêu mềm” của TC như hệ thống radar.

Giai đoạn tiếp theo sẽ tấn công tàu chiến, tên lửa đạn đạo cơ động và một số trang bị trên biển và trên mặt đất. Các loại máy bay của lực lượng không quân & hải quân, TQLC sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ, bao gồm cả việc ném bom trên lãnh thổ TC.

Học thuyết “Lục Quân Hải Chiến” của Đô đốc Harry Harris

Như đã kể trên chiến thuật “Air - Sea Battle”, Không quân & Hải quân là 2 binh chủng chủ lực của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên mới đây, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Tây Thái Bình Dương là Đô đốc Harry Harris cho rằng, lực lượng “Lục Quân Hoa Kỳ” cũng nên đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thành lập những đội tác chiến gọi là “Lục Quân Hải Chiến”, đặc trách việc tiêu diệt chiến hạm của đối phương. Nguyệt san The Diplomat có trụ sở tại Nhật trong số ra tháng 12/2016 đã có bài nêu bật học thuyết mới nầy.

Trước hết, The Diplomat nhắc lại sự kiện Đô đốc Harry Harris, ngày 15/11/2016, trong một tham luận đọc tại Washington, đã cho biết ông muốn Lục quân Mỹ thành lập các đơn vị mới chuyên trách nhiệm vụ diệt hạm để răn đe chiến hạm đối thủ của Mỹ tại khu vực Thái Bình Duơng, bao gồm cả Biển Đông lẫn Hoa Đông.

Đối với Đô đốc Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy trong đó có việc “tiêu diệt các chiến hạm địch bằng các sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm đặt ở trên bờ”. Theo ông, đúng với truyền thống, Lục quân sẽ mang đến những thế mạnh của họ: “nhân lực - hỏa lực và năng lực”. Lực lượng TQLC cũng có thể đóng vai trò tương tự trong tương lai. Các yếu tố trung tâm của một chiến lược phòng thủ như vậy sẽ được bố trí chung quanh các hòn đảo có thể án ngữ lối ra vào ngoài biển khơi Thái Bình Dương của các đối thủ tiềm năng như Hải quân TC chẳng hạn.

Đô đốc Harris giải thích: “Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng Thái Bình Dương mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí ở nhiều chỗ, các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Nhật Bản vào vòng nguy hiểm... Tôi cho rằng đây là một khái niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực.” Ông đã nêu bật các hoạt động của TC ở Biển Đông và biển Hoa Đông: “Tôi rất quan ngại trước các động thái quyết đoán của TC, đặc biệt là ở vùng Biển Đông và cả ở vùng biển Hoa Đông...”

Biến tên lửa địa đối địa thành địa đối hải:

Các hệ thống vũ khí có thể được triển khai bao gồm loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục Quân. Hệ thống nầy sẽ được nâng cấp để có thể tấn công các mục tiêu di động trên đất liền và trên biển... Bộ trưởng BQP Mỹ Ashton Carter ghi nhận: “Một khi gắn một thiết bị dò tìm có sẵn lên mũi tên lửa, có thể bắn trúng mục tiêu di động cả trên đất liền lẫn trên biển. Với khả năng này, những gì trước đây chỉ là một hệ thống tên lửa địa đối địa của Lục Quân, nay có thể được bắn đi từ bờ biển đến những mục tiêu ngoài khơi cách đó đến 300 km (186 miles)”.

Bước tiếp theo là phải giúp cho Lục quân Mỹ hiểu rõ địa bàn vùng biển là mục tiêu và điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong học thuyết của Lục quân Mỹ. Theo chuyên gia Steven Stashwick đã giải thích vào tháng 10/2016 vừa qua, Lục quân Mỹ đã bắt đầu làm quen với khái niệm gọi là “Chiến tranh Đa Miền” (Multi-Domain Battle): “Sử dụng lực lượng trên bộ để vừa khai thác, vừa cho phép hành động trên không, trên biển, trên mạng trên không gian và bao quát toàn bộ quang phổ điện tử.”

Ở Tây Thái Bình Dương, điều đó được thực hiện hóa thành một cái ô chống tiếp cận và truy cập A2/AD hình thành từ các cơ sở đặt trên đất liền và bao trùm chuỗi đảo đầu tiên. Điểm quan trọng cần lưu ý là mọi vai trò phòng thủ bờ biển mới được giao cho Lục quân Mỹ, đều phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực. Vào tháng 8/2016, Nhật Bản cũng tuyên bố là đã phát triển hệ thống dàn pháo và tên lửa nhằm bảo vệ hải đảo và vùng ven biển và sẽ phát triển loại tên lửa địa đối hải để củng cố hệ thống phòng thủ các hải đảo xa bờ mà Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông.

M65 - Khẩu pháo có thể san bằng cả thành phố bằng một phát đạn:

Theo Military Factory, M65 là loại pháo lớn nhất của quân đội Mỹ, có thể bắn cả các đầu đạn thông thường và hạt nhân. Có cái tên ban đầu là “Able Annie”, trước khi đổi thành “Atomic Annie”, đây là một cỗ pháo cỡ nòng 280 mm, có tầm bắn hơn 32 km. Đầu những năm 1950, có 20 khẩu M65 được sản xuất. Đến tháng 5/1953, 2 khẩu pháo được đưa tới khu thử nghiệm Frenchman Flat tại Nevada để phô diễn uy lực. Tại cuộc thử nghiệm này, một quả đạn pháo hạt nhân có sức công phá 15 kiloton, tương đương quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima đã được bắn đi ở cự ly 11,2 km, tạo thành một cột khói hình cây nấm và thổi bay mọi nhà cửa, xe cộ, vật dụng trong khu thử nghiệm. Dù trọng lượng tới 47 tấn, Annie có thể di chuyển cơ động trên hầu hết mọi điều kiện địa hình nhờ hai đầu kéo ở phía trước và phía sau.

Quân đội Hoa Kỳ đã cho nghỉ hưu các khẩu pháo hạt nhân vào năm 1991 khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc. Các khẩu pháo hạt nhân 155 mm và 203 mm cuối cùng được tháo dỡ năm 2004. Hiện nay, có ít nhất 8 trong tổng số 20 khẩu siêu pháo M65 vẫn còn được trưng bày trên khắp nước Mỹ. Với học thuyết mới của Đô đốc Harry Harris, biết đâu Mỹ sẽ tái sản xuất siêu pháo M65 với một cái tên khác, giao cho Lục Quân Mỹ sử dụng để trấn giữ các eo biển chiến lược.

Trong Thế chiến II, năm 1944, trong quần đảo Hy Lạp, một cuộc chiến đấu dữ dội diễn ra giữa toán biệt đội Anh và đội quân trú phòng tiền phuơng của Phát xít Đức. Tại hòn đảo Navarone, quân Đức đã thiết lập một pháo đài vô cùng kiên cố để kiểm soát sự lưu thông của các tàu chiến của đồng minh di chuyển trên eo biển trọng yếu nầy. Vào thờ điểm đó, khó có một tàu chiến nào của quân đội đồng minh nào qua trót lọt được vùng biển nầy an toàn. Sau cùng, một toán biệt động Anh đã được thành lập với sứ mạng, đổ bộ lên hòn đảo nổi tiếng bất khả xâm phạm nầy để tiêu diệt 2 khẩu đại pháo nầy của Phát xít Đức đặt trên đảo Navarone và họ đã thành công.

Hai khẩu đại pháo của Đức đặt trên đảo Navarone là một trong những siêu đại pháo của Phát xít Đức trong Thế chiến II. Những khẩu siêu pháo đáng sợ nầy không chỉ là vũ khí mạnh nhất mà còn trang bị công nghệ rất hiện đại của Đức lúc bấy giờ. Phải kể đến siêu đại pháo hạng nặng GUSTAV dài 45,7 m, cao 12,2 m và nặng 1500 tấn là loại pháo được chế tạo bởi gã khổng lồ trong ngành luyện thép của Đức là KRUPP A.G.

Các kỹ sư của công ty Krupp đã hiệu chỉnh lại thiết kế của siêu pháo Gustav bằng cách tăng kích cỡ nòng của nó từ 21 lên 28 cm. Điều chỉnh tầm bắn hiệu quả, giảm từ 128,7 km xuống còn 64,3 km. Kể từ năm 1936, tập đoàn Krupp đã sản xuất hơn 20 khẩu pháo Gustav. Loại pháo siêu khủng nầy đã phá hủy 1.500 tấn đạn và làm hư hỏng các tàu chiến của đồng minh và nã hơn 5.500 viên đạn vào quân đổ bộ Mỹ trên bờ.

Thành phố cảng chiến lược Sevastopol ở Crimea là một trong những mục tiêu chiến lược của cuộc xâm lược Nga. Đây chính là cửa ngỏ cho Hải quân Nga tiến ra Địa Trung Hải và các thành trì phòng thủ của Liên Xô ở đây là mục tiêu tấn công hoàn hảo của siêu pháo Gustav. Siêu pháo Gustav đã bắn tổng cộng 48 phát đạn chủ yếu vào các pháo đài của Liên Xô ở Sevastopol. Sau đó nó không còn được sử dụng thêm lần nào nữa.

Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), các chỉ huy quân sự Nga đã sử dụng chiến lược, sử dụng hỏa lực pháo binh trên bờ để yểm trợ cho hải quân trên biển, khiến tàu chiến Nhật phải giữ khoảng cách xa bờ. Có điều là các khẩu pháo của Nga vào thế kỷ 19 có tầm bắn hiệu quả hạn chế, chỉ vài cây số nên các tàu chiến Nga chỉ thật sự an toàn khi hoạt động gần bờ biển.

Lục quân Mỹ sẽ được giao nhiệm vụ phong tỏa các eo biển chiến lược

Tạp chí Nghiên cứu chiến lược (Journal Of Strategic Studies) đăng một bài phân tích của nhà nghiên cứu Mỹ là Sean Mirsky về khả năng Hải quân Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa Hải quân TC trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông Mirsky khẳng định sự phong tỏa là giải pháp chiến lược nòng cốt tốt nhất khi xảy ra các tình huống cuộc xung đột quân sự, đây là phương pháp chiến đấu tối ưu chống lại Tàu Cộng. Nó cho phép phá hủy hoàn toàn tiềm năng kinh tế của Bắc Kinh và buộc họ chấp nhận thất bại.

Nếu Ngũ Giác Đài chấp thuận học thuyết của Đô đốc Harry Harris “Lục quân Hải chiến” như đã kể trên, Mỹ thừa sức khóa chặt các hải trình huyết mạch, điển hình là eo biển Malacca để bóp nghẹt nền kinh tế TC vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập cảng dầu hỏa và thương mại hàng hải. Mirsky cho rằng, việc phong tỏa là phương án khả thi đối với một cuộc xung đột vũ trang “quy mô lớn” giữa Mỹ và TC. Ông cũng cho rằng với một cuộc xung đột quy mô lớn như vậy, sẽ không dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sean Mirsky nhận định rằng, phương án phong tỏa Đại Lục được thực hiện khi xảy ra các cuộc xung đột vũ trang và các hoạt động tác chiến giữa Mỹ và TC, đóng vai trò quyết định trong giới hạn không gian tác chiến. Nền kinh tế TC phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động kinh tế thương mại với nước ngoài, 90% được thực hiện thông qua vận tải hàng hóa bằng đường biển, TC cũng nhập cảng khoảng 60% lượng dầu đáp ứng nhu cầu kinh tế trong nước, thương mại vận tải containers tập trung đến 80% ở 10 hải cảng lớn nhất nước này.

Yếu tố sống còn của nền kinh tế, ngay cả trong trường hợp vòng vây phong tỏa không đạt được 100% hiệu quả. Hậu quả của nó cũng sẽ dẫn đến sự tiêu diệt nền kinh tế TC. Yếu tố chính trị then chốt mà từ đó phụ thuộc vào sự thành công của phong tỏa. Theo Sean Mirsky, đó là khả năng Mỹ lôi kéo được các nước láng giềng với TC tham gia mà trước hết đó là Nga. Với Nga mối quan hệ Nga-Mỹ, Sean Mirsky cũng thừa nhận ra rằng với tình hiện nay, sự tham gia của Nga trong chiến dịch phong tỏa TC có vẻ như xa vời, nhưng ông hy vọng về việc xích lại gần nhau vì những lo ngại của Nga về TC trong nhiều lãnh vực khác nhau. 

Sự chuyển hướng của Nga liên minh với Mỹ sẽ có ý nghĩa quyết định. Tại sao không? Vì điện Kremlin cảnh giác tham vọng của Bắc Kinh đang dòm ngó miền Viễn Đông và một phần lãnh thổ Siberia của Nga, có thể gây ra mối đe dọa với các vùng lãnh thổ xa xôi và thưa thớt dân cư Nga.

Mới đây, Tổng thống tân của Donald Trump đã công bố một bức thư của Tổng thống Putin gởi đến ông. “Một lá thư rất tốt đẹp từ Vladimir Putin; những suy nghĩ của ông ấy thật là đúng.” Ông Trump nói về bức thư đề ngày 15/12/2016. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đã kêu gọi tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Giới chuyên gia tin rằng, ông Putin hy vọng rằng tổng thống sắp kế nhiệm của Mỹ sẽ gở bỏ lệnh trừng phạt kinh tế mà Bộ Tài chánh Hoa Kỳ áp dụng với các quan chức Nga, sau khi họ đưa quân sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.

Cơ cấu lực lượng phong tỏa đường biển được quyết định bởi sự tăng cường mạnh mẽ của “Lục quân Hải Chiến” theo học thuyết của Đô đốc Harriy Harris, khả năng cô lập hóa các eo biển chiến lược như eo biển Malacca chẳng hạn. Lục Quân sẽ đãm trách nhiệm vụ sử dụng các loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục quân... sẽ kiểm soát khóa chặt các eo biển chiến lược, theo kinh nghiệm của Phát xít Đức khi quyết định đặt 2 khẩu đại pháo trên đảo Navarone để kiểm soát các chiến hạm của Đồng minh khi di chuyển trên vùng biển nầy.

Lục quân Mỹ có thể biến các địa thế trên bờ biển thành lợi thế bằng cách triển khai các hệ thống pháo thực hành, tên lửa chống hạm và phòng không dọc chuỗi đảo thứ nhất để tấn công các chiến hạm TC. Theo đó, quần đảo Ryukyu ở phía Nam và những nhóm đảo của Nhật sẽ trở thành căn cứ tên lửa lợi hại. Chuổi đảo Ryukyu từng được chuyên gia quân sự Kyle Mizokami đánh giá là căn cứ quan trọng nhất của Nhật trong chiến lược phong tỏa cửa ngỏ ra vào của các chiến hạm TC. Với đảo lớn là Okinawa, chuổi đảo Ryukyu trải dài theo hướng tây nam từ Kyushu đến gần đảo Đài Loan. Theo Mizokami hoàn toàn có thể chặn đứng mọi nổ lực của các chiến hạm TC muốn đi qua hành lang hiểm trở nầy. Ngoài ra, Mỹ và liên minh truyền thống có thể cài đặt thủy lôi tại các eo biển ở khu vực, góp phần hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ ngoài khơi.

Học thuyết của Đô đốc Harris sẽ được chấp thuận vì thích hợp với hành động “chống Tàu cộng” của Tổng thống Donald Trump

Nhà cầm quyền Bắc Kinh và truyền thông nước nầy đang lo sợ hành động “chống Tàu Cộng” của TT Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ông Trump vừa mới đề nghị bổ nhiệm một người mà Bắc Kinh cho là có nhiều hành động tích cực “Chống Tàu Cộng” quyết liệt làm cố vấn chính sách thương mại. Bắc Kinh cảnh báo cả hai nước sẽ bị thiệt hại nếu mối quan hệ thương mại Trung-Mỹ bị phá vỡ.

Không chỉ được ông Trump chọn trở thành “Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc Gia”, giáo sư Peter Navarro cũng được ông Trump tin tưởng giao cho phần việc liên quan đến chính sách thương mại và nông nghiệp. Chuyên gia kinh tế Peter Navarro người nổi tiếng với tư tưởng chống Tàu Cộng làm cố vấn thương mại cho chính quyền mới, tờ China Daily viết trong một bài xã luận. 

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump nói việc tạo ra “Hội đồng Thương mại Quốc gia” là hành động thể hiện sự quyết tâm của Tổng thống Trump quyết làm cho ngành sản xuất của Mỹ mạnh mẽ thêm một lần nữa.” Giáo sư Navarro là người viết nhiều sách chỉ trích việc giao thương với TC đang làm thiệt hại nền kinh tế của Mỹ, ông cũng cho rằng hàng hóa giá rẻ của TC đang đầu độc nhân dân Mỹ. Tờ China Daily khẳng định: “Navarro là một người luôn chống lại TC được chọn trở thành một nhân vật quan trọng trong chính quyền kế tiếp của Mỹ, đây không phải là chuyện đùa”.

Ông Peter Navarro, học giả 67 tuổi, tiến sĩ Đại học Harvard, nổi tiếng với cuốn sách “Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action” (Chết dưới tay Tàu Cộng: Đương đầu với rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu) như một mối đe dọa đối với nước Mỹ. Ông Navarro còn mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Đầu năm ngoái, ông xuất bản cuốn sách về quân sự “Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World” (Ngọa hổ: Hệ lụy của chủ nghĩa quân phiệt Tàu Cộng đối với thế giới), phân tích về khả năng nổ ra xung đột Mỹ-Trung.

Chủ đề nầy cũng được đề cập đến trong một cuốn sách khác của ông có tên “The Coming China Wars: Where They Will Be Fought and How They Can Be Won” (Những cuộc chiến tranh với TC sắp xảy đến: Chúng sẽ diễn ra ở đâu và làm thế nào để chiến thắng). Vào tháng 11, Navarro đã cùng với một cố vấn khác là Alexander Grey chấp bút một bài viết trên tờ Foreign Policy vạch ra viễn kiến “Hoà bình thông qua sức mạnh” của ông Trump ở khu vực châu Á - TBD, cổ vũ cho việc tăng cường sức mạnh hải quân.

J. Kazianis trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí The National Interest, bình luận các bài viết của ông: “Navarro điểm mặt chỉ tên Bắc Kinh vì các hành động gây hấn ở khắp châu Á-TBD. Ông ấy không chỉ viết về sự trỗi dậy trong cách hành xử hung hăng về kinh tế của TC mà còn cả về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của họ. Peter hiểu được điều gì đang lâm nguy ở châu Á trước những nỗ lực dồn dập của TC nhằm hăm dọa và thống trị các nước láng giềng, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực...”.

Kết luận

Thật ra, học thuyết mới “Lục Quân Hải Chiến” của Đô đốc Harry Harris là do ông rút kinh nghiệm từ chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) và Thế chiến II. Học thuyết nầy sẽ được Ngũ Giác Đài nghiên cứu và thực hiện vì nó phù hợp với tư tưởng chống Tàu Cộng của TT Trump và Tiến sĩ Peter Navarro. Từ học thuyết nầy, Lục quân Hoa Kỳ sẽ không giữ nhiệm vụ thuần túy là lính đánh bộ chỉ hoạt động chủ yếu trên đất liền, được trang bị vũ khí cá nhân để chiến đấu trên bộ, tiêu diệt địch quân, đánh chiếm mục tiêu chiến thuật và chiến lược trên mặt trận và giữ vững trận địa.

Lục quân là binh chủng cổ nhất trong lịch sử và thường là binh chủng đầu tiên được xây dựng trong các quân đội. Pháo binh là lực lượng yểm trợ hỏa lực chủ yếu của Lục Quân, thường được trang bị các loại đại bác từ 105 đến 155 ly, tên lửa địa đối địa, địa đối không, súng phòng không... Trong học thuyết mới “Lục Quân Hải Chiến”, bộ binh sẽ chiến đấu hiệp đồng binh chủng Không Quân & Hải Quân và được trang bị những khẩu siêu đại pháo hiện đại, tên lửa địa đối hải tiên tiến... với nhiệm vụ chiến lược là phong tỏa các eo biển, đánh chận các chiến hạm của Tàu Cộng khi chúng muốn vuợt qua các nơi nầy.

Học thuyết này ra đời nhằm cảnh báo Bắc Kinh muốn nắn gân tân Tổng thống Donald Trump khi một tàu chiến TC đã bắt một thiết bị không người lái của Mỹ tại Biển Đông, sự việc xảy ra vào ngày 15/12/2016 trong lúc tàu khảo sát USS Bowditch của Mỹ đang làm nhiệm vụ lấy mẫu và thu thập dữ liệu ở Biển Đông gần vịnh Subic ở Philippines.

Bắc Kinh có thói quen thử thách hay nắn gân xem phản ứng của các tân Tổng thống Mỹ như thế nào? Sự kiện đảo Hải Nam diễn ra ngày 01/4/2001 khi Bắc Kinh cố tình để một vụ va chạm xảy ra trên không giữa chiếc EP-3E ARIES II của Hải quân Mỹ và chiến đấu cơ tiềm kích đánh chặn J-8II của TC. Kết quả chiếc J-8 rơi xuống biển và phi công được xem như đã chết. Còn chiếc EP-3 bị thiệt hại nặng, hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Sau đó 24 nhân viên phi hành đoàn bị bắt và chỉ được thả sau 11 ngày bị giam giữ. Đây được xem là hành động Bắc Kinh thử trắc nghiệm Tổng thống George W. Bush, 3 tháng sau khi ông Bush vừa nhậm chức.

Học thuyết “Lục Quân Hải Chiến” ra đời nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho chiến lược “Không-Hải Chiến” của Mỹ. Hãy chờ xem phản ứng của quân đội PLA của Tàu Cộng có dám vuốt râu hùm ở Biển Đông hay không? Một tân Tổng thống Donald Trump được mô tả là nhân vật có tính khí khó lường, Tập Cận Bình có lẽ đang rét vì họ đang lỡ bắt giữ một thiết bị không người lái của Hải quân Mỹ, Bắc Kinh thì muốn trả mà ông Donald Trump không muốn thu hồi thiết bị kể trên. Xin hãy chờ xem, sau ngày 20/1/2017, khi ông Donald Trump chính thức trở thành “Tổng thống thứ 45” của Hoa Kỳ, sự việc sẽ được giải quyết như thế nào đây? 

30.12.2016

Tổng hợp & nhận định:

Không có nhận xét nào: