Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 29/12 - Lê Minh Nguyên


Ông Kerry cảnh báo giải pháp hai nhà nước giữa Israel, người Palestine ‘đang gặp nguy’ --- Netanyahu lên án diễn văn của Kerry<!>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Tư đã trình bày những chỉ dẫn lớn cho một thỏa thuận hòa bình chung cuộc giữa Israel và người Palestine, và cảnh báo giải pháp hai nhà nước đang gặp "nguy hiểm nghiêm trọng."

Trong một bài diễn văn dài một tiếng tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kerry cũng bênh vực quyết định của Mỹ không biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tuần trước về một nghị quyết lên án những khu định cư của Israel trên lãnh thổ của người Palestine.
Cuộc biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc "là nhằm bảo tồn giải pháp hai nhà nước," ông Kerry nói, bác bỏ những chỉ trích rằng Mỹ đã phản bội đồng minh lâu năm Israel của mình. "Đó là điều mà khi đó chúng tôi đang bảo vệ - tương lai của Israel như một nhà nước Do Thái và dân chủ." Ông lưu ý rằng sự biểu quyết này "tuân theo" những giá trị của Mỹ.

Không có đề xuất lớn mới nào trong sáu chỉ dẫn được nêu ra trong bài diễn văn của ông Kerry. Thay vào đó, bài diễn văn nhắm mục tiêu bảo tồn thoả thuận khung mà các bên nhìn chung đã nhất trí về một giải pháp hai nhà nước vốn được một số chính quyền Mỹ gần đây ủng hộ.
Trong số những nguyên tắc này có một "biên giới an ninh được quốc tế công nhận" giữa Israel và một "nước Palestine tiếp giáp và khả thi," cũng như chấm dứt việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine. Ông Kerry cũng cho biết một giải pháp hai nhà nước thành công phải cung cấp một "giải pháp bình đẳng, được các bên đồng ý, công bằng và thực tế" cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Palestine, tuyên bố Jerusalem là thủ đô cho cả hai quốc gia, và đáp ứng nhu cầu an ninh của Israel.

Dù ông Kerry nhấn mạnh rằng Israel sẽ luôn là một đồng minh của Mỹ, ông cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép Israel lẻn vào trạng thái "chiếm đóng liên tục."

"Thực tế căn bản là thế này: Nếu sự lựa chọn là một nhà nước, Israel có thể là một nhà nước Do Thái hoặc là một nhà nước dân chủ, nhưng không thể là cả hai," ông Kerry nói, cảnh báo rằng hiện trạng đang dẫn tới một "thực tế một nhà nước không thể đảo ngược được" mà "hầu hết mọi người không thực sự mong muốn."
Lời khiển trách nghiêm khắc này đối với Israel, được đưa ra trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama, đã khơi lên phản ứng đáp trả dữ dội từ các nhà lãnh đạo Israel.

"Giống như nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà Kerry thăng tiến ở Liên Hiệp Quốc, bài diễn văn tối nay của ông ta thiên lệch chống lại Israel," ông Netanyahu nói trong một tuyên bố sau bài diễn văn. "Suốt hơn một tiếng, Kerry cứ chuyên chú nói tới những các khu định cư và hầu như không nhắc gì tới gốc rễ của xung đột - đó là sự chống đối của người Palestine đối với một nhà nước Do Thái ở bất kỳ ranh giới nào."

Trong tuyên bố của riêng mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tái khẳng định cam kết của ông đối với giải pháp hai nhà nước và nói rằng ông sẵn sàng tái khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình nếu Israel trước hết đồng ý đình chỉ xây dựng những khu định cư. - VOA

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án diễn văn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về các vấn đề Israel-Palestine.
Ông Kerry nói viễn cảnh có hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước đang gặp nguy hiểm.
Theo ông, việc Israel xây dựng trên vùng đất chiếm đóng là vấn đề lớn.
Thủ tướng Israel tuyên bố ông thất vọng vì diễn văn mà ông gọi là "không cân bằng".

Ông nói người Palestine đã từ chối thừa nhận quyền tồn tại của Israel nhưng ông Kerry "không nhìn ra sự thật đơn giản".
Trước đó, người sắp lên làm tổng thống Mỹ, Donald Trump, viết trên Twitter bày tỏ ủng hộ Israel, nói rằng ông không để Israel bị "khinh khi và thiếu tôn trọng".

Ông nói Israel hãy "vững vàng" cho đến khi ông nhậm chức vào tháng Giêng.

Hôm thứ Sáu, Mỹ không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi chấm dứt việc xây dựng các khu tái định cư của Israel trên vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Vấn đề các khu tái định cư Do Thái gây mâu thuẫn lớn giữa Israel và người Israel.

Hơn 500.000 người Do Thái sinh sống tại 140 khu tái định cư được Israel xây dựng kể từ khi Tel Aviv chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem vào năm 1967. Các khu tái định cự bị xem là phi pháp theo luật quốc tế, nhưng Israel không công nhận.
Giải pháp hai nhà nước là gì?

Giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và người Palestine, muốn nhìn thấy việc tạo ra một nhà nước Palestine độc lập bên trong làn ranh ngừng bắn trước 1967 ở Bờ Tây, Dải Gaza, và Đông Jerusalem, chung sống hòa bình với Israel.

LHQ, Liên đoàn Ả Rập, EU, Nga và Mỹ thường nhắc lại ủng hộ điều này.
Trong diễn văn, ông Kerry nói sự lên án của LHQ phù hợp với các giá trị Mỹ.
"Giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất đạt được hòa bình lâu dài và công bằng giữa người Israel và Palestine. Đó là cách duy nhất bảo đảm tương lai Israel như một nhà nước Do Thái và dân chủ. Tương lai đó nay gặp nguy hiểm."

"Thủ tướng Israel công khai ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng liên minh hiện thời của ông có lập trường cánh hữu nhất trong lịch sử Israel với nghị trình bị các thành phần cực đoan nhất dẫn dắt." - BBC

2.
Biển Đông: Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng sử dụng các hệ thống không người lái --- Biển Đông: Trung Quốc bất cần luật lệ (WSJ)

Vụ hải quân Trung Quốc thu giữ một tàu lặn không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong tháng này là vụ chưa từng có và nó báo hiệu những vụ tương tự trong tương lai, bởi vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đang sử dụng ngày càng nhiều các hệ thống không người lái ở vùng biển này, theo trang mạng The Diplomat hôm nay 29/12/2016.

Mặc dù hải quân Trung Quốc sau đó đã trao trả lại tàu lặn không người lái ( UUV ) cho phía Mỹ, nhưng vụ này vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Với hành động bị xem là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ( UNCLOS ), Bắc Kinh muốn áp đặt những giới hạn lên các hoạt động giám sát của Mỹ ở Biển Đông, vùng mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Nhân vụ thu giữ tàu lặn không người lái, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các hoạt động do thám ở vùng Biển Đông, mặc dù UNCLOS cho phép những hoạt động này. Ngoài việc biện minh cho việc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ, báo chí chính thức của Trung Quốc đã nêu lên nguy cơ các tàu lặn này thu thập không chỉ tin tình báo về các tàu ngầm Trung Quốc, mà cả những thông tin đáng giá hơn, bởi vì các tàu lặn không người lái của Mỹ tối tân hơn.

Vụ nói trên xảy ra vào lúc cả quân đội Hoa Kỳ lẫn quân đội Trung Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều hệ thống không người lái ở Biển Đông cũng như ở vùng Biển Hoa Đông.

Theo The Diplomat, quân đội Mỹ vẫn thường sử dụng các tàu lặn không người lái để thu thập các dữ liệu về đại dương. Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, Hoa Kỳ tiến hành ngày càng nhiều chuyến bay do thám với các máy bay không người lái ( UAV ), như Global Hawk, trên vùng biển này. Đã có thông tin là Trung Quốc nhiều lần tìm cách gây nhiễu sóng điện tử các chiếc Global Hawk.
Về phần mình, quân đội Trung Quốc cũng đã mở rộng việc sử dụng các hệ thống không người lái, không chỉ nhằm do thám mà còn nhằm thiết lập một sự hiện diện thường trực ở các vùng biển đang tranh chấp. Ngoài việc đưa máy bay không người lái vào cơ cấu của lực lượng, quân đội Trung Quốc còn triển khai một số tàu lặn không người lái và đang nỗ lực phát triển tàu mặt nước không người lái ( USV )

Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc nay có nhiều đơn vị với máy bay không người lái, mà dường như đã nhiều lần tham gia tuần tra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cũng theo The Diplomat, gần đây Trung Quốc đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển các máy bay không người lái tối tân hơn, kể cả với khả năng “tàng hình”, tức là khó bị radar phát hiện.

Theo nhận định của The Diplomat, việc sử dụng ngày càng nhiều hệ thống không người lái, những phương tiện mà không có hạn chế về nhân lực, cũng như không có rũi ro về tính mạng, sẽ giúp Bắc Kinh củng cố những đòi hỏi chủ quyền và nâng cao khả năng kiểm soát các vùng biển tranh chấp. - RFI
Vụ tàu Hải Quân Trung Quốc ngang nhiên thu giữ chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ (drone) ngày 15/12/2016 đã khiến giới quan sát phải ngỡ ngàng trước thái độ công khai coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh. Trong một bài viết ngày 19/12, nhật báo Mỹ Wall Street Journal phân tích : « Bắc Kinh chẳng quan tâm gì mấy đến tính chất hợp pháp khi chặn giữ một chiếc drone của Mỹ ».

Tờ báo ghi nhận : Trong một tin nhắn trên mạng Twitter, ông Donald Trump (tổng thống tân cử Mỹ) cho đấy là một hành vi ăn cắp. Nhiều chuyên gia pháp lý phương Tây đồng ý với ông : Việc thủy thủ trên một chiến hạm Trung Quốc chận đường rồi thu giữ một chiếc drone của Hải quân Mỹ, không khác gì một hành động cướp biển. Lầu Năm Góc gọi hành động đó là « phi pháp ».

Một lập luận khiến ai cũng sững sờ 

Ngày 19/12/2016, Trung Quốc đã trao trả lại chiếc drone, một hôm sau khi một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh là thủy thủ đoàn trên tàu Trung Quốc chỉ thu giữ một vật bị bỏ rơi ngoài biển,giống như người ta « nhặt một vật gì đó bị đánh rơi trên đường phố ».

Đối với nhật báo Mỹ, lập luận này quả là khó mà tin nổi. Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng mới, và một lần nữa cảm thấy cần phải biện minh cho hành động quyết đoán của họ ở Biển Đông bằng một cái khung pháp lý bao quát, cho dù dưới mắt Mỹ và các đồng minh, cách lý giải luật pháp đó có vẻ nông cạn, giả tạo và đáng tranh cãi.

WSJ tuy nhiên đã so sánh : Việc bám víu vào luật pháp, cùng với nỗ lực chinh phục khu vực với chính sách ngoại giao « hầu bao » - thương lượng tự do mậu dịch, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tín dụng với lãi suất thấp và các gói viện trợ - là điều phân biệt giữa Trung Quốc và Nga, nước đã công khai xem thường các chuẩn mực quốc tế khi chiếm Gruzia và phần nào phân mảnh Ukraina.

Trên thân chiếc tàu lặn có những ghi chú rõ ràng, và cũng rõ ràng là thiết bị đó đang trong tầm kiểm soát của chiếc tàu nghiên cứu USNS Bowditch gần sát đó. Nếu Trung Quốc đã có thể tóm lấy một tàu lặn không người lái thì họ hoàn toàn có thể chận giữ một chiếc tàu đang đi qua ? Trên vấn đề này, luật biển quốc tế không phân biệt loại tàu cũng như kích thước con tàu.
Đòn đáp trả các tuyên bố của Donald Trump ?

Trung Quốc một lần nữa lại làm cho người ta đặt nghi vấn về những tuyên bố theo đó họ không hề hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Các láng giềng đang lo ngại là Trung Quốc đang từng bước rời khỏi con đường từng tuyên bố là muốn vươn lên « một cách hòa bình ». Chỉ mới năm ngoái (2015), ông Tập Cận Bình đã nói là sẽ không quân sự hóa 7 hòn đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Biển Đông. Thế nhưng vừa qua, họ đã đặt hệ thống phòng không trên các đảo này, theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington.

Báo Wall Street Journal cho rằng sự cố tịch thu tàu lặn Mỹ có lẽ là một đòn đáp trả của Bắc Kinh nhắm vào ông Trump.

Trong con mắt của Bắc Kinh, tổng thống tân cử Mỹ đã thách thức nền tảng quan hệ Mỹ Trung khi nhận điện thoại của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và trên tài khoản Twitter của ông, đã đòi xét lại nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất » mà Bắc Kinh ôm ấp. Thế nên, bây giờ đến lượt Trung Quốc phá bỏ một điều cấm kỵ.
Một hành vi không cần giải thích bằng lý lẽ hợp pháp

Dĩ nhiên, không thể so sánh việc lấy đi một tàu lặn không người lái với việc Putin tấn công nước khác. Nhưng đây là một động thái khác đi theo một hướng nguy hiểm.
Vào năm 2001, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào một máy bay dọ thám Mỹ ở ngoài khơi Hải Nam khiến cho chiếc phi cơ Mỹ phải đáp xuống Hải Nam, Bắc Kinh đã than phiền là máy bay Mỹ đã dọ thám quá gần Trung Quốc một cách bất hợp pháp, và đã áp dụng cách diễn giải riêng của họ về luật quốc tế.

Lần này thì Bắc Kinh chẳng cần tìm cách đưa ra lý lẽ hợp pháp. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, ấn bản hải ngoại, cho là chiếc drone nằm trong « vùng biển thuộc thẩm quyền » của Trung Quốc, cho dù chiếc tàu lặn Mỹ nằm bên ngoài đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền khắp Biển Đông.

Hai bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc thì nói mơ hồ hơn là thiết bị Mỹ nằm trong « vùng biển đối diện với Trung Quốc ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 20/12 còn trách cứ Mỹ là hoạt động do thám sát gần lãnh thổ Trung Quốc.
Trong mọi trường hợp, cả khu vực hiện đã bị quân sự hóa.

Một số học giả Trung Quốc còn cho là việc thu giữ chiếc tàu lặn không người lái là một thông điệp : Bắc Kinh không chấp nhận việc Mỹ ngày càng sử dụng thiết bị không người lái cho hoạt động dọ thám dưới biển ở bất kỳ khoảng cách nào từ bờ biển Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc còn lâu mới lấn át được Mỹ 
Tuy nhiên, đối với Wall Street Journal, tranh chấp vũ trang tuy nhiên khó có thể xẩy ra : Quân Đội Trung Quốc còn lâu mới lấn át được siêu cường của thế giới.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh khi ông thông báo vào trung tuần tháng 12 việc triển khai chiến đấu cơ F-22 Raptor ở Úc. Ông đã nói : « Chúng tôi sẽ hợp tác khi có thể, nhưng sẽ sẵn sàng đối đầu khi cần thiết. »
Trung Quốc rất có thể sẽ diễn giải những quan điểm nói trên như một sự khiêu khích. Tờ Global Times, phản ứng trước những tin nhắn Twitter của ông Trump đã nói là nếu ông Trump tiếp tục khiêu khích khi ông vào Nhà Trắng, thì Trung Quốc sẽ không kềm chế nữa.

Trong thời chiến tranh lạnh, những quy tắc xử sự trên hiện trường đã được mọi bên tuân theo để phòng ngừa sự cố có thể dẫn đến xung đột Liên Xô-Hoa Kỳ. Mỹ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực làm việc trong chiều hướng đó. Thế nhưng hành vi phi pháp có vẻ được tính toán kỹ lưỡng xẩy ra hôm 15/12 đã thay đổi trò chơi.

Giũa ông Trump đã ngang nhiên đánh vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và thái độ mới của Trung Quốc xem thường luật lệ, thì những va chạm thường xuyên là điều cần phải dự kiến. Trung Quốc rõ ràng là đang thử quyết tâm của Mỹ.
Nếu quả thực là Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược, thì dĩ nhiên quyết định tịch thu tàu lặn Mỹ đến từ bên trên hơn là quyết định của một viên chỉ huy côn đồ cấp dưới. Thể nhưng khả năng thứ hai này cũng hiển nhiên không kém, và điều đó sẽ nêu bật vấn đề hiệu quả của chủ trưởng cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình tiến hành để áp đặt quyền kiểm soát rộng hơn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chính quyền Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng duy trì sự ổn định là nhiệm vụ quan trọng nhất cho năm 2017 trong khi kinh tế không sáng sủa. Bây giờ thách thức của ông Trump đối với Bắc Kinh đang đẩy hai quốc gia vào vùng nước vô định. Hải Quân của ông Tập như vậy vừa làm con tàu chao đảo, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. - RFI

3.
Duterte: Không quan ngại về đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông --- Ông Duterte: Tôi ném nghi phạm ra khỏi trực thăng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố rằng không gì đáng quan ngại nghiêm trọng về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này.
Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN hôm nay, 29/12/2016, tổng thống Duterte lập luận rằng việc Hoa Kỳ không ngăn chận Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông cho thấy đây không phải là mối quan ngại nghiêm trọng.

Ông Duterte cũng nhắc lại ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và nói rằng không có gì cấp thiết trong việc yêu cầu Bắc Kinh thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông, đưa ra vào đầu tháng 7 vừa qua, nhưng đã bị Trung Quốc bác bỏ.
Tổng thống Duterte còn nói là ông không có ý định thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của Philippines ở Biển Đông và theo ông cường quốc duy nhất có thể ngăn chận Trung Quốc xây đảo nhân tạo chính là Hoa Kỳ.

Tuy vậy, tổng thống Duterte xác định rằng nếu Trung Quốc bắt đầu khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền Philippines thì ông sẽ áp dụng phán quyết của Tòa Trọng tài để chống Bắc Kinh.
Trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hiện có nhiều mỏ dầu khí nhưng nước này chưa có đủ khả năng để khai thác, đồng thời lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền chồng lấn một số khu vực. - RFI

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa ném các quan chức tham nhũng khỏi máy bay trực thăng khi đang ở giữa không trung, nói rằng ông đã từng làm việc đó trước đây.
"Nếu các người thoái hóa biến chất, tôi sẽ đón các người bằng một chiếc máy bay trực thăng đến Manila và ném ra ngoài," ông Duterte, người đang tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng và ma túy nói.

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống là ông đã đích thân thực hiện những vụ giết người không truy tố.

Phát ngôn viên của ông Duterte giảm nhẹ những tuyên bố này, ông mô tả chúng là "truyền thuyết thành thị".
Đầu tháng này, phát ngôn viên Martin Andanar nói người sếp thẳng thừng của ông cần được xem xét một cách "nghiêm túc nhưng không phải theo nghĩa đen" khi ông nói ông đã bắn chết ba người đàn ông trong khi là thị trưởng thành phố Davao.

Ông Duterte phát ngôn những lời bình mới nhất trong một bài phát biểu tới các nạn nhân của một cơn bão ở trung tâm Philippines hôm thứ Ba. Văn phòng ông đăng một đoạn băng ghi lại những phát ngôn này.
Ông đe dọa dùng hình phạt trực thăng cho bất cứ ai có thể sẽ ăn cắp trợ giúp tài chính mà ông hứa hẹn.

"Trước đây tôi đã làm điều này rồi, tại sao tôi lại không làm một lần nữa?" ông nói trong tiếng vỗ tay.

Ông ám chỉ một hoặc một số nạn nhân của ông là những kẻ bắt cóc đã giết chết một con tin. Không rõ thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc.
Hôm thứ Năm, Tổng thống có vẻ chối bỏ với những nhận xét trước đây của ông.
"Ném một người ra khỏi trực thăng? Và nếu đó là sự thật, tôi sẽ không thừa nhận," ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ABS-CBN.

Tổng thống từng đưa ra một tuyên bố tương tự trong quá khứ - và có lịch sử trong việc mâu thuẫn với chính bản thân.
Vào ngày 16 tháng 12, ông nói với BBC rằng ông bắn chết ba nghi phạm hình sự trong khi ông là thị trưởng thành phố Davao.
"Tôi đã giết chết khoảng ba người bọn họ ... Tôi không biết có bao nhiêu viên đạn từ khẩu súng của tôi bắn vào cơ thể họ. Việc đó đã xảy ra và tôi không thể nói dối về nó."

Điều tra tuyên bố

Ông phát ngôn những lời tương tự với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Manila một vài ngày trước đó, khi ông nói rằng ông từng đi quanh Davao trên một chiếc xe máy "tìm kiếm những kẻ đối đầu để tôi có thể giết."

Ông Duterte là thị trưởng của thành phố miền nam Davao trong hai thập kỷ, tạo nên sự sụt giảm lớn trong số lượng tội phạm nhưng cũng bị cáo buộc tài trợ cho 'biệt đội tử thần'.
Là Tổng thống, ông cam kết diệt tận gốc ma túy và tham nhũng ở Philippines, với chi phí hàng triệu sinh mạng nếu cần thiết.

Gần 6.000 người được cho là đã bị cảnh sát, nhân viên trị an và lính đánh thuê giết chết ở Philippines kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy sau khi đắc cử vào tháng Năm.
Các chính trị gia đối lập và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi buộc tội ông, nhưng ông vẫn rất được lòng cử tri, những người muốn ông làm sạch đất nước.
Tuần trước, cơ quan giám sát nhân quyền độc lập Philippines cho biết họ sẽ điều tra các tuyên bố của Tổng thống Duterte rằng bản thân ông đã xử tử các nghi phạm ma túy. - BBC

4.
TQ: Đón năm Gà bằng tượng gà lấy cảm hứng từ Trump

Thủ tướng tân cử Donald Trump đã làm phật lòng Bắc Kinh với những lời chỉ trích về thương mại và các động thái với Đài Loan, nhưng dường như ông lại gây được ấn tượng với người dân Trung Quốc. 

Nhân dịp năm con gà đang tới, một bức tượng con gà có cảm hứng từ ông Trump được trưng bày ở một trung tâm mua sắm ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. 
Nhà thiết kế bức tượng này nói với truyền thông Trung Quốc rằng ông lấy cảm hứng từ mái tóc và cử chỉ tay đặc trưng của ông Trump.

Tết Âm lịch bắt đầu ngày 28 tháng Một năm 2017. 
Đây không phải là lần đầu nhà lãnh đạo tương lai của thế giới tự do được so sánh với một chú chim ở Trung Quốc. 
Một con gà rừng vàng ở sở thú Hàng Châu đã trở nên nổi tiếng trong thời gian ngắn hồi tháng 11 sau khi một người đi chơi vườn thú chỉ ra rằng bộ lông vàng mượt và đôi mắt xanh biếc của nó trông hơi giống với ông Trump.

Bắc Kinh chỉ trích ông Trump ngày càng nhiều. Ông Trump đã đề cử một người phê phán Trung Quốc kịch liệt vào một ví trí thương mại cao cấp; đàm thoại trực tiếp với Tổng Thống Đài Loan, vi phạm chính sách "Một Trung Quốc" mà Hoa Kỳ theo đuổi lâu nay, và còn buộc tội Trung Quốc đã lấy cắp một tàu ngầm drone của Hoa Kỳ. 
Theo tử vi Trung Quốc, ông Donald Trump cầm tinh con chó. Những người cầm tinh chó được cho là trung thành, thẳng thắn và hợp làm chính trị, dù bướng bỉnh và dễ nhìn đời với con mắt thù địch. - BBC

Tin Hoa Kỳ
5.
Thượng nghị sĩ Mỹ: Nga sẽ bị chế tài vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ

Lindsey Graham, một thượng nghị sĩ Cộng hòa có tiếng, nói rằng Nga chắc chắn đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi gần đây và sẽ phải chịu những chế tài mạnh tay của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Graham hôm thứ Tư nói rằng Quốc hội Mỹ vào năm 2017 sẽ điều tra về sự dính líu của Nga trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 giúp doanh nhân Donald Trump lên nắm quyền. "Tôi cho rằng sẽ có những chế tài nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng mà sẽ đánh mạnh vào Nga, đặc biệt là cá nhân [Tổng thống Vladimir] Putin," ông Graham nói mà không cho biết thêm chi tiết. "Giờ là lúc Nga cần hiểu là đã quá đủ rồi," ông Graham nói.
Moscow phủ nhận những cáo buộc nói rằng Tổng thống Putin đã đích thân chỉ đạo vụ tấn công tin tặc khiến đối thủ của ông Trump, ứng cử viên Đảng Dân chủ cựu và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, thất cử.

Báo The Washington Post hôm thứ Ba loan tin chính quyền Obama ngay trong tuần này có thể sẽ công bố những biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử. Giới chức Mỹ nói với tờ báo này rằng những biện pháp có thể bao gồm chế tài về kinh tế và phê phán về ngoại giao.

Ông Trump vẫn một mực khẳng định cuộc bầu cử hồi tháng trước không hề có sự can thiệp của Nga. Nhiều câu hỏi vẫn còn chưa được trả lời về việc làm thế nào mà tin tặc Nga có được những email từ ban vận động tranh cử của bà Clinton và công bố chúng thông qua WikiLeaks trong chặng cuối của chiến dịch tranh cử, trong một nỗ lực dường như để ảnh hưởng cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.
Thượng nghị sĩ Graham phát biểu tại thủ đô Riga của Latvia trong chuyến công du các nước láng giềng của Nga ở vùng Baltic. Thượng nghị sĩ đồng đảng John McCain cũng tham gia chuyến đi này, cũng như Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Amy Klobuchar. Chuyến đi của họ diễn ra giữa lúc có những nghi vấn về việc liệu ông Trump sẽ vạch ra đường hướng nào cho NATO khi ông nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. - VOA

6.
Nữ diễn viên Debbie Reynolds, mẹ của Carrie Fisher, qua đời

Diễn viên Debbie Reynolds, ngôi sao của bộ phim kinh điển năm 1952 “Singin’ in the Rain” đã từ trần, hưởng thọ 84 tuổi.

Con trai bà, Todd Fisher, cho biết bà Reynolds ra đi hôm 28/12, chỉ một ngày sau khi con gái bà, Carrie Fisher qua đời.
“Mẹ bây giờ đang ở bên cạnh Carrie, chúng tôi rất đau lòng,” Todd Fisher, từ trung tâm y tế Sinai, nơi mẹ ông được đưa đến cấp cứu, nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng cái chết của chị gái ông là “quá sức chịu đựng” đối với bà.
Khi chưa đầy 20 tuổi, nữ diễn viên Reynolds đã có cơ hội đóng một vai trong bộ phim nhạc kịch “Singin’ in the Rain.” Ngôi sao điện ảnh này còn được biết đến với vai diễn được đề cử giải Oscar trong bộ phim “The Unsinkable Molly Brown.”

Cuối những năm 1950, vụ ly hôn ầm ĩ giữa bà và nhạc sĩ Eddie Fisher là đề tài nóng cho các tờ báo lá cải lúc bấy giờ. - VOA

7.
Clinton, Obama dẫn đầu danh sách những người được ngưỡng mộ nhất

Dù thất cử nhưng bà Hillary Clinton vẫn là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất tại Mỹ cho năm thứ 15 liên tiếp, theo danh sách những người được ngưỡng mộ nhất mà Gallup công bố.
12 phần trăm những người được hỏi lựa chọn cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ. Bà Clinton đứng đầu danh sách này 21 lần, nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào.

Người phụ nữ được ngưỡng mộ thứ hai là Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama với 8 phần trăm.
Những người còn lại trong danh sách bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Oprah Winfrey, Ellen DeGeneres, Nữ hoàng Elizabeth, người vận động nhân quyền Malala Yousafzai, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren và cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin.

Tổng thống Mỹ Barack Obama là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất, theo Gallup. Tổ chức khảo sát này cho biết 22 phần trăm những người được hỏi chọn ông Obama, và 15 phần trăm chọn Tổng thống đắc cử Donald Trump cho vị trí thứ hai. Đây là lần thứ chín ông Obama đứng đầu danh sách này.
Tổng thống đương nhiệm thường là những người được ngưỡng mộ nhất, theo Gallup, nhưng đã có những trường hợp ngoại lệ. Năm 2008, ông Obama giành ngôi vị này của ông George W. Bush.
Trong số 10 người đàn ông được ngưỡng mộ nhất có Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, Mục sư Billy Graham, Bill Clinton, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bill Gates và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence. - VOA

Tin Việt Nam
8.
Hà Nội tìm cách chiêu dụ kiều bào Việt Nam

Giữa lúc lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2016 không đạt như kỳ vọng, chính quyền Hà Nội họp bàn để tìm cách chiêu dụ người Việt sinh sống ở nước ngoài. 
Theo báo Đại Đoàn Kết, hôm 27/12, ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì một hội nghị tìm cách thu hút kiều bào về đóng góp cho đất nước. Hà Nội vẫn mong thu hút kiều bào, đặc biệt là giới tri thức, nhưng với chính sách và luật lệ bất cập, số lượng Việt Kiều về đóng góp cho nền kinh tế trong nước không mấy cao. 

Trong hội nghị này, hai ủy viên Bộ Chính trị duy nhất được đào tạo ở Hoa Kỳ đã cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan đến kiều bào và lên kế hoạch tuyên truyền nhắm vào kiều bào thuộc thế hệ trẻ. Việt Nam cho rằng trí thức trẻ “mong muốn đóng góp sức mình cho quê hương, nhưng do tiếp cận nhiều thông tin trái chiều và tiêu cực về tình hình đất nước nên từ chối trở về.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA Việt ngữ, bác sĩ Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng người Việt quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, kiêm Trưởng ban Điều hành Hội đồng liên kết Quốc nội - Hải ngoại nói rằng nhiều kiều bào mong muốn quay về đóng góp cho dân tộc, cho đất nước, nhưng chính sách của Hà Nội trong nhiều năm qua đã thất bại do kiều bào đã mất niềm tin vào chính quyền, và theo ông, vấn đề cốt lõi là vì các chính sách của Việt Nam dựa trên một chế độ thiếu dân chủ và tự do: 

“Vấn đề mà muốn giúp đất nước, thì tất cả mọi người đều mong muốn giúp, người trong nước cũng như người ở hải ngoại. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản hiện nay, không có một nền dân chủ và tự do. Người cộng sản thì luôn giữ phần cho mình, cho đảng viên của họ. Nhưng họ không tin tưởng những ai mà thật tình muốn góp. Họ không tin vào những người không phải là đảng viên. Nếu có kêu gọi đến mấy cũng không ai tin những người cộng sản để mà giúp đất nước. Trong lòng thì họ rất muốn giúp. Nhưng không phải dưới một chế độ như vậy.”
Cũng theo báo Đại Đoàn Kết, đội ngũ trí thức kiều bào trên thế giới rất đông đảo, nhất là những người trẻ nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 200 - 300 người về nước lập dự án hoặc làm việc. 

Lượng kiều hối năm nay về Việt Nam giảm bất ngờ, khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng 12 tỷ USD. Các năm trước đây lượng kiều hối dồn về Việt Nam vào dịp cuối năm khá cao. Tuy nhiên, báo chí trong nước trích lời lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì đến cuối tháng 11 năm nay, lượng kiều hối gửi về thành phố HCM chỉ khoảng 4,3 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 10%. Được biết mỗi năm, Sài Gòn tiếp nhận khoảng 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. 
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần thay đổi chính sách như thế nào để thu hút kiều bào, bác sĩ Đỗ Văn Hội nói:

“Tôi nghĩ bây giờ một lời khuyên hay nhất để xây dựng đất nước thì nên thay đổi chế độ. Tức là chấp nhận một chế độ dân chủ tự do. Có như vậy người dân sẽ trở về và giúp nước, chứ không cần phải kêu gọi gì nữa.”
Ông Nguyễn Phú Bình, chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài được Báo Đại Đoàn Kết trích lời nói rằng theo ông thì các quy định luật pháp hiện nay đã tương đối đủ. Theo ông thì người Việt sinh sống ở nước ngoài khi về già, đều muốn mua một căn nhà để sống ở Việt Nam, nhưng vấn đề mua nhà đối với kiều bào rất phức tạp. Ông nói:

“Khi trở về nước làm thủ tục mua nhà thì cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt những quy định, điều kiện, giấy tờ thành ra bà con rất e ngại. Tôi cứ băn khoăn, luật đã cho phép Việt kiều có thể mua nhà, nhưng dường như những quy định vẫn còn rất 'o ép' gây khó khăn cho người dân. Tôi mong những rào cản chính sách hiện nay cần phải được giải tỏa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con Việt kiều.”

Hà Nội ước tính hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và nhìn nhận đây là nguồn lực lớn “không thể tách rời của dân tộc” để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhưng để tìm ra những giải pháp để thu hút kiều bào thật không dễ nếu Việt Nam không thật sự thay đổi từ hệ thống chính trị đến gầy dựng niềm tin trong lòng kiều bào. - VOA

9.
Viễn ảnh nhân quyền Việt Nam 2017 vẫn xám màu

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong năm 2016 vẫn tồi tệ về nhiều mặt. Đảng Cộng sản tiếp tục duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe dọa hay “bôi bẩn” các vị lãnh đạo.Việt Nam hạn chế gắt gao các quyền tự do phát biểu, lập hội và hội họp ôn hòa.
Các nhà tranh đấu cho quyền con người và các blogger bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và giam tù. Nông dân tiếp tục mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng; công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Trong năm 2016, bất chấp những khó khăn, nhiều nhà hoạt động và blogger công khai lên tiếng đòi các quyền tự do và dân chủ.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở Sài Gòn cho VOA biết Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam trong rất nhiều vấn đề, từ việc tuần tra ở Biển Đông đến việc trang bị các tàu tuần dương, xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, nhưng Việt Nam đã đáp lại không tương xứng, mà còn mạnh tay đàn áp, bắt giữ các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, và các blogger trong năm 2016. Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn chưa mạnh mẽ lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, điển hình như vụ cưỡng chế chùa Liên Trì ở thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9. Bác sĩ Quế nói điều này đã giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ bên ngoài và do đó chính quyền cứ tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền trong năm 2016, đặt biệt là sau khi được Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Bác sĩ Quế cho biết thêm:
“Tổng quát thì đến cuối năm đã có những sự gia tăng việc đàn áp dưới nhiều hình thức. Ví dụ gần đây nhất là vụ xử trung tá Trần Kim Anh 13 năm tù và Lê Thanh Tùng 12 năm tù, với tội danh ‘lật đổ chính quyền theo điều 79’, bắt giữ một số blogger như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Bác sĩ Hồ Hải, blogger trẻ nói lên sự thật của xã hội như Nguyễn Phúc Gia Huy, và mới đây nhất là blogger Nguyễn Danh Dũng ở Thanh Hóa. Nói chung tình trạng đàn áp, khống chế người tranh đấu và cả gia đình họ trong năm 2016 có gia tăng.”

Vị bác sĩ từng bị giam cầm hơn 20 năm dưới chế độ cộng sản dự báo rằng vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục chuyển biến theo hướng xấu trong năm 2017 khi nhiều quan chức nhà nước bất mãn chế độ, những người Hà Nội gọi là “tự diễn biến, tự chuyển hóa,” sẽ mạnh dạn lên tiếng đòi dân chủ:
“Sang đến năm 2017 thì tôi thấy rằng đặc biệt nhất chưa bao giờ lòng dân bất mãn như ngày hôm nay. Đó là một yếu tố quan trọng. Hiện nay những người đang ở trong bộ máy cầm quyền và đặc biệt là những vị cách mạng lão thành, về hưu hay không ra làm việc nữa, đã mạnh dạn lên tiếng đòi tự do dân chủ, tố cáo thẳng thậm chí thật sự hối tiếc vì đã cống hiến những năm tháng trai trẻ cho chính thể mà bây giờ chính thể đó quay ra đàn áp dân, hèn với giặc, ác với dân.”

Bất chấp áp lực và đàn áp trong năm 2016, các tổ chức xã hội dân sự vừa thành lập như Green Trees, Hội Giáo chức Chu Văn An, Hội Bảo vệ Nạn nhân bị Tra tấn, Hội Bảo vệ những Người Tranh đấu cho Nhân quyền... hoạt động rất hữu hiệu. Nhiều hội đã nỗ lực đồng hành với các nạn nhân của Formosa, giúp họ mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc gây ô nhiễm môi trường. Các tổ chức xã hội dân sự cũng đồng loạt lên tiếng phản đối luật tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam, và gần đây là phản đối bản án của Trần Kim Anh và Lê Thanh Tùng.

Bác sĩ Quế cũng tự tin khi ngày càng nhiều người trẻ có ý thức với phong trào đấu tranh dân chủ. Ông nhấn mạnh đến các hoạt động đào tạo chuyên môn cho các nhà hoạt động trẻ, nhất là đào tạo kỹ thuật thông tin:
“Trước trào lưu nhiều anh em trẻ tham dự, chúng tôi có tổ chức huấn luyện khá qui mô. Đó là những anh em trẻ, giỏi về kỹ thuật số và đồng thời biết đối phó với chính quyền cộng sản. Nói chung là số người hoạt động gia tăng, cũng như kỹ thuật hoạt động và kỹ thuật đối phó được đào tạo quá qui mô.”

Bác sĩ Quế cho rằng những chuyển biến của tình hình quốc tế hiện nay, cùng với sự trì trệ của Hiệp định Thương mại Đối tác Thái Bình Dương (TPP), chính phủ mới của Hoa Kỳ do ông Donald Trunp làm tổng thống, việc mất đoàn kết của Liên Minh châu Âu, và tính hung hăng bá quyền của Trung Quốc sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các nước về nhiều phương diện và đương nhiên các mối quan hệ quốc tế này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình nhân quyền Việt Nam. Nhìn chung, viễn cảnh nhân quyền Việt Nam trong năm 2017 vẫn xám màu. - VOA

10.
2016: Năm cán bộ ‘ra nước ngoài chữa bệnh’

Trong động thái mới nhất liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, hôm 28/12, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang, nơi ông Thanh công tác trước đây, công bố quyết định kỷ luật khiển trách đối với bí thư và nguyên bí thư của tỉnh này vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ”.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được cho là đang trốn ở nước ngoài, sau khi viện lý do “đi nước ngoài chữa bệnh” rồi biến mất. Ông Thanh bị cáo buộc là đã làm thất thoát hơn 3 nghìn tỷ đồng thời còn làm phó tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). 

Sau ông Thanh, hàng loạt cán bộ trong các tập đoàn doanh nghiệp khác tiếp tục “ra nước ngoài chữa bệnh” rồi mất tăm mất tích. Báo chí Việt Nam sau đó đưa tin những cán bộ này đều có dính líu tới các vụ thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, nói với VOA rằng hiện tượng cán bộ viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh để bỏ trốn “không có gì lạ ở Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Quang A, vì Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng nêu vấn đề này ra nên báo chí và truyền thông Việt Nam có dịp biến những vụ như vụ ông Trịnh Xuân Thanh và các vụ khác trở thành một “hiện tượng đặc sắc” của năm 2016. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Thực sự cái kiểu như thế đã có từ trước rồi chứ không phải là đặc điểm riêng của 2016. Nó là đặc điểm chung của nền kinh tế, chính trị của Việt Nam”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA nhận xét rằng hiện tượng quan chức bỏ trốn sau khi bị “lộ tẩy” ở Việt Nam là khá giống với Trung Quốc. Ông nói:
“Hiện tượng các quan chức sau khi vi phạm kỷ luật, thậm chí là có những tội cố ý làm trái pháp luật gây hiệu quả nghiêm trọng hay tham nhũng rồi trốn chạy khỏi, cái này thì tiền lệ rất rõ ở Trung Quốc rồi. Cho nên với cơ chế, thể chế tương đồng, cách làm cũng tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn và thấp hơn, thì dư luận cũng đang phán xét theo hướng đó. Trong thời gian anh buông lỏng quản lý cán bộ, rất nhiều những người có chức có quyền đã chuẩn bị sẵn một hậu phương ở một nước nào đó, cả tiền, cơ sở vật chất và thậm chí là tài sản ở một nước nào đó. Sau đó mà bị động một cái là họ có thể chạy ra nước ngoài”.

TS. Nguyễn Quang A thừa nhận hiện tượng quan chức bỏ trốn và phản ứng chống lại hiện tượng này ở Việt Nam có sự tương đồng với Trung Quốc, nhất là kế sách “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình và việc chống tham nhũng mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là “ta đánh ta”. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A nói hiện tượng này là nét chung của tất cả các quốc gia Cộng sản, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam và Trung Quốc.

“Nó là nét chung của tất cả các nước Cộng sản chứ không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc. Nó chỉ khác nhau về mặt mức độ. Những nước Cộng sản nào bắt đầu có nới về mặt kinh tế, thì những hiện tượng như thế luôn luôn xảy ra. Còn ở trong chế độ Cộng sản hoàn toàn kế hoạch hóa, thì vẫn có hiện tượng đó nhưng với phạm vi, quy mô khác. Tất nhiên, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước mở cửa về kinh tế có thể nói là đặc sắc nhất trong các nước XHCN và còn kéo dài theo thời gian. Kinh tế phát triển và điều đó tạo ra những cơ hội để những hiện tượng tham nhũng, lấy của công làm của tư, gây xung đột với lời nói của lãnh đạo đảng Cộng sản là phục vụ cho nhân dân. Chính vì vậy, những người cầm đầu phải tìm cách để trừng trị những người vi phạm như thế. Trong thực tế là trừng trị những phe cách địch thủ của mình. Ở khía cạnh như thế thì đúng là Việt Nam và Trung Quốc có những nét giống nhau. Nhưng nếu xét về động cơ đằng sau thì ở tất cả các nước Cộng sản đều như vậy, nhất là ở những nước Cộng sản có cải cách về mặt kinh tế”.

Cả hai nhà quan sát đều cho rằng các biện pháp đối phó với hiện tượng quan chức bị cáo buộc tham nhũng chạy ra nước ngoài hiện nay của Việt Nam là rất thiếu hiệu quả. 
TS. Nguyễn Quang A nói hãy khoan nói đến những vấn đề về dân chủ, chỉ cần giới lãnh đạo Việt Nam tuân thủ những yêu cầu cơ bản của luật pháp thì cũng đã đủ để có thể cải thiện công tác chống tham nhũng, vốn vẫn bị cho là luẩn quẩn và thiếu thực tế.

“Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách quản trị của những người cầm quyền. Nếu mà họ để cho cái gọi là pháp trị rất mạnh, tất cả mọi thứ đều minh bạch và có sự giám sát lẫn nhau, nếu những người Cộng sản Việt Nam họ học theo kiểu của Singapore chẳng hạn, thì tôi nghĩ rằng chắc chắn có thể cải thiện được rất nhiều tình hình chống tham nhũng”.
Theo số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ Việt Nam, chỉ nội trong thời gian từ 1/10/2015 đến 31/7/2016, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng. Cơ quan thanh tra cũng đã phát hiện vi phạm gần 93.000 tỷ đồng, 14.266 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 20.000 tỷ đồng và 6.508 ha đất. - VOA

11.
97 người bị bắt tại các tiệm làm móng tay ở Anh

Gần 100 người làm việc trong các tiệm làm móng tay ở nước Anh, đa phần là người Việt, đã bị bắt vì tình nghi nhập cư trái phép.
Đây là một phần trong chiến dịch chống lao động bất hợp pháp của chính phủ Anh.
Chính phủ cho biết chiến dịch này sẽ nhận diện và giúp các nạn nhân của tệ buôn người.
Các nhân viên phụ trách nhập cư đã kiểm tra các tiệm làm móng tay trên khắp nước Anh vào khoảng thời gian từ 27/11 tới 3/12.
14 người được xác định có thể là nạn nhân nạn buôn bán người. - VOA

12.
Năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015, đạt 84,5 triệu đồng/lao động (Tương đương khoảng 3853 USD/lao động). 
Báo cáo cho hay mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều từ năm 2011 nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia.
Nói cách khác, năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần ba và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn hai người Việt Nam. 

Trong một diễn biến khác, Việt Nam nay đã có ba tỷ phú USD sau khi ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland chuyên bất động sản, chính thức gia nhập đội ngũ tỷ phú vỏn vẹn có ba người.
Hai người trước là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup và ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC.

Hôm 28/12, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã chính thức niêm yết 590 triệu cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland với giá tham chiếu chào sàn là 50.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nhơn và gia đình nắm hơn 65% cổ phần Novaland, giá trị hơn 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. - BBC

Không có nhận xét nào: