Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 27/12/16 - Lê Minh Nguyên

Nga: Mỹ vũ trang cho quân nổi dậy Syria là một 'hành động thù địch'
Hôm thứ Ba, Nga nói quyết định của Hoa Kỳ gỡ bỏ một số hạn chế về vũ trang cho quân nổi dậy Syria đã mở đường cho việc chuyển giao các hỏa tiễn phòng không vác vai, một động thái mà Nga nói sẽ trực tiếp đe dọa các lực lượng Nga ở Syria.<!>
Hồi năm ngoái, Moscow đã phát động một chiến dịch không kích ở Syria để giúp cho Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng chính phủ trong cuộc xung đột với quân nổi dậy, trong đó có một số nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói sự thay đổi chính sách trong việc nới lỏng một số hạn chế về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy đã được đặt ra trong dự luật chi tiêu quốc phòng mới của Hoa Kỳ và Moscow xem đây là một hành động thù địch.

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký thành luật dự luật chính sách quốc phòng hàng năm của Mỹ.

Trong một tuyên bố, bà Zakharova nói: "Chính quyền của ông Obama phải hiểu rằng bất kỳ vũ khí nào được bàn giao sẽ nhanh chóng rơi vào tay của các phần tử thánh chiến."

Trong chiến dịch tranh cử của ông, ông Trump cho biết ông sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ với Moscow và phát biểu tích cực về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.

Những lời qua tiếng lại giữa ông Trump và ông Putin về vấn đề vũ khí hạt nhân hồi tuần trước đã thách thức lời hứa của ông Trump trong việc cải thiện các quan hệ với Nga.
Chính quyền của Tổng thống Obama và tình báo Mỹ đã cáo buộc Nga là tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ qua các cuộc tấn công vào các trang web của Đảng Dân chủ. - VOA

2.
Hàn Quốc: Đảng cầm quyền bị tách đôi vì vụ truất phế tổng thống

29 nghị sĩ đảng Saenuri đang cầm quyền tại Hàn Quốc, ngày 27/12/2016 đã chính thức rời bỏ đảng, đồng thời tuyên bố thành lập một đảng mới. Theo hãng AFP, các nghị sĩ này tách khỏi đảng cầm quyền vì không đồng ý với một số người trong đảng vẫn trung thành với tổng thống Park Geun Hye, bất chấp vụ bê bối chính trị liên quan đến bà « cố vấn pháp sư » Choi Soon Sil. 
Đảng mới được thành lập có tên tạm là « Đảng Tân Bảo Thủ Vì Cải Tổ », dự kiến ra mắt vào ngày 24/01/2017. Nhóm sáng lập viên cho biết họ muốn thu hút các cử tri bảo thủ không còn ủng hộ đảng cầm quyền Saenuri vì bất mãn với chính quyền của bà Park Geun Hye sau vụ bê bối.

Nhóm nghị sĩ ly khai tố cáo giới trung thành với bà Park trong đảng là đã quên đi những giá trị thật sự của chủ nghĩa bảo thủ, đánh mất lòng tin của người dân. Theo họ, các đồng minh của nữ tổng thống đã phớt lờ nguyện vọng dân chúng để mù quáng bảo vệ bà Park.
Với việc mất đi 29 nghị sĩ, đảng Saenuri cầm quyền chỉ còn 99 ghế dân biểu trong Quốc Hội, và như vậy đứng sau đảng Dân Chủ đối lập, vốn nắm giữ 121 ghế. Quốc Hội Hàn Quốc có tổng cộng 300 ghế nghị sĩ.

Các sáng lập viên của « Tân Bảo Thủ » hy vọng sẽ còn chiêu mộ được thêm đảng viên là nghị sĩ. - RFI

3.
Vụ tấn công Berlin: tài xế 'bị bắn nhiều giờ trước'

Tài xế người Ba Lan Lukasz Urban đã bị bắn vào đầu một vài giờ trước khi kẻ tình nghi là chiến binh thánh chiến Anis Amri đâm xe tải của ông vào một đám đông hôm 19/12, truyền thông Đức trích dẫn kết quả khám nghiệm tử thi.
12 người bao gồm cả ông Urban thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Ông Urban bị đâm và được ca ngợi là người hùng do những thông tin rằng ông đã ngăn Amri gây ra nhiều cái chết hơn nữa.

Nhưng các bác sĩ bác bỏ khả năng ông còn tỉnh táo, tờ báo Bild cho biết.
Các kết luận từ việc khám nghiệm tử thi ông Urban cho thấy ông đã bị bắn vào đầu giữa 16:30 và 17:30 và mất rất nhiều máu, theo bản báo cáo. Chủ xe, cũng là anh họ của ông Urban cho biết đã mất liên lạc với ông ấy vào khoảng 16:00.

Cuộc tấn công vào khu chợ tại Breitscheidplatz diễn ra ngay sau 20:00, và ông có thể vẫn còn sống lúc ở ghế hành khách, tuy vậy không có khả năng nắm tay lái, tờ báo Bild cho biết thêm.

Lukasz Urban, 37 tuổi, đã đậu chiếc xe tải 40 tấn tại Berlin, chờ đợi để dỡ một lô hàng thép dầm vào ngày hôm sau. Một đơn thỉnh cầu kêu gọi trao giải thưởng sau khi qua đời cho ông đã thu được 38.000 chữ ký vào thứ Ba.
Anis Amri, sinh ra tại Tunisia, 24 tuổi, cuối cùng đã bị bắn chết bởi một viên cảnh sát Ý gần Milan vào ngày 23 tháng 12, sau khi anh ta đi từ Berlin qua Pháp. Anh ta đăng một đoạn video cam kết trung thành với người đứng đầu nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các nhà điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem anh ta có đồng phạm hay không, và cảnh quay CCTV đã cho thấy anh ta tại nhà ga Lyon Part-Dieu, trước khi anh ta dường như đã lên một chuyến tàu đi qua Chambery để đến Milan.
Không rõ cách Amri đi từ Berlin qua Pháp mà không bị cảnh sát phát hiện. Vé tàu được mua bằng tiền mặt được tìm thấy trên thi thể của anh ta sau khi anh ta bị bắn chết bởi một viên cảnh sát Ý.

Cảnh sát đã đưa ra một tấm ảnh của Amri tại nhà ga trung tâm Milan, ba giờ trước khi anh ta chĩa súng vào một cảnh sát bên ngoài Milan và đã bị bắn chết. 

Họ đã chắp nối cuộc hành trình của anh ta từ lúc đầu tiên đến Turin, sau đó đi một tàu khác tới Milan, nơi anh ta đi xe buýt đường dài tới vùng ngoại ô phía đông bắc của Sesto San Giovanni.

Nhà chức trách đang cố gắng tìm hiểu xem anh ta có liên lạc với bất kì ai ở Ý không và điểm đến tiếp theo là gì.

Ba người đang bị giam giữ bởi chính quyền Tunisia, trong đó có một người cháu trai, người đã liên lạc với Amri qua ứng dụng mạng xã hội Telegram.
Yêu cầu tị nạn của Amri ở Đức bị từ chối và mặc dù anh ta được chỉ định bởi các cơ quan chức năng là một mối nguy hiểm tiềm năng, họ đã mất dấu anh ta.
Anh ta được phân hạng là "gefaehrder", được coi là một nguy cơ nghiêm trọng nhưng không có bằng chứng cụ thể. Chính quyền Đức đã cho 549 người vào danh sách cảnh báo này. - BBC

4.
Cam Bốt lại kết án tù lãnh đạo đối lập Sam Rainsy

Một tòa án tại thủ đô Phnom Penh vào hôm nay 27/12/2016 đã kết án lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Rainsy 5 năm tù về một tài liệu đăng trên trang Facebook của ông. Theo tư pháp Cam Bốt đây là một tài liệu giả mạo nhằm xuyên tạc hiệp ước biên giới đã ký với Việt Nam. Hai người trong nhóm phụ trách mạng xã hội của ông cũng bị án 3 năm tù.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong thời gian qua, ba người nói trên đã cho đăng trên trang Facebook của ông Sam Rainsy bản hiệp ước biên giới Việt Nam-Cam Bốt năm 1979, trong đó có ghi là Việt Nam và Cambốt nhất trí xóa bỏ biên giới chung. Theo tư pháp Cam Bốt đây là một tài liệu hoàn toàn giả mạo.
Tuy nhiên cả ba bị cáo đều vắng mặt tại phiên tòa hôm nay. Ông Sam Rainsy thì đã chạy qua sống lưu vong ở Pháp từ tháng 11 năm 2015 để tránh một bản án tù về tội vu khống, trong lúc hai người còn lại là Ung Chung Leang và Sathya Sambath thì cũng được cho là đã trốn ra nước ngoài. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt của ông Sam Rainsy cho biết là không có tin tức gì về nơi ở của hai người này.

Theo hãng tin Pháp AFP, bản án tù vào hôm nay nằm trong khuôn khổ một chiến dịch đàn áp đối lập mở ra từ một năm nay, do chính quyền Hun Sen thực hiện và thường được các tòa án hỗ trợ. Phe đối lập cho rằng ông Hun Sen đang tìm cách trấn áp những người đối kháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử địa phương vào năm 2017, và cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Tại Cam Bốt, do tâm lý bài Việt Nam rất nặng, vấn đề biên giới Việt Nam-Cam Bốt hết sức nhạy cảm, và luôn luôn được các phe, đặc biệt là phe đối lập, sử dụng làm chiêu bài vận động tranh cử và tấn công ông Hun Sen, bị tố là quá thân Việt Nam. - RFI

5.
Đài Loan cảnh báo về mối đe dọa Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hôm nay, 27/12/2016, cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh điều động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đi vào Biển Đông ngang qua khu vực gần Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bên.
Báo chí Trung Quốc cho biết, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các chiến hạm tháp tùng sẽ mở cuộc tập trận đầu tiên ở vùng Thái Bình Dương.

Theo thông báo của bộ Quốc phòng Đài Loan, sau khi đi ngang qua khu vực phía Nam Đài Loan, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và 5 tàu chiến khác của Trung Quốc hôm qua cũng đi ngang qua quần đảo Đông Sa hiện do Đài Bắc quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Hôm nay, bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố rằng các mối đe dọa từ « kẻ thù » gia tăng từng ngày. Ông cũng xác nhận Đài Loan đã gởi máy bay do thám RF-16 đến theo dõi các chiến hạm của Trung Quốc.

Cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các chiến hạm tháp tùng được xem như là một cuộc biểu dương lực lượng của Bắc Kinh vào lúc mà quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng như quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi, sau cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Donald Trump với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trước đó, ngày 10/12, lần thứ hai chỉ trong vòng chưa tới một tháng, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay sát Đài Loan trong một cuộc thao dượt trên không.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã ngày càng xấu đi kể từ bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 01/2016. Khi lên nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, bà Thái Anh Văn đã từ chối tuyên bố chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất.

Vào thời chính phủ trước của Đài Loan, chiếu theo văn kiện gọi là « đồng thuận 1992 », hai bên đã đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng không nói rõ ai là đại diện hợp pháp của nước Trung Quốc duy nhất đó. Bắc Kinh đã cắt đứt mọi kênh liên lạc chính thức với chính phủ của bà Thái Anh Văn.

Hiện giờ Trung Quốc vẫn là mối đe dọa quân sự chủ yếu đối với Đài Loan, với hơn 1000 tên lửa đặt hướng về hòn đảo này, theo bộ Quốc phòng Đài Loan. - RFI

6.
Tìm thấy hộp đen máy bay Nga TU-154 rơi tại Biển Đen

Theo AFP, hôm nay, 27/12/2016, hộp đen chính của chiếc máy bay quân sự Nga Tupolev TU-154 bị rớt tại Biển Đen đã được tìm thấy. Hộp đen sẽ được chuyển về Matxcơva để phân tích. Hiện tại, cơ quan an ninh Nga ưu tiên giả thuyết trục trặc kỹ thuật hoặc sai lầm của tổ lái. 
Theo bộ Quốc Phòng Nga, « chiếc hộp ghi âm chính của chuyến bay đã được tìm thấy ở độ sâu 17 mét, cách bờ khoảng 1.600 mét ». Chiếc phi cơ quân sự Nga bị rớt xuống Biển Đen hôm Chủ nhật, 25/12, cùng với 92 người, trong đó có phi hành đoàn và hơn 60 nghệ sĩ của dàn nhạc Hồng Quân nổi tiếng.

Khoảng 3.500 người, 45 tàu, 15 tàu lặn, 12 máy bay, năm trực thăng và nhiều máy bay không người lái, đã được triển khai để tiến hành tìm kiếm tại khu vực máy bay rớt cả ngày lẫn đêm. Việc vớt được hộp đen nói trên là một bước tiến quan trọng cho phép phục dựng lại các diễn biến trước khi máy bay rơi.
Các hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục để truy tìm chiếc hộp đen thứ hai, cũng như thi thể những người còn lại. Vẫn theo bộ Quốc Phòng, « hiện tại đã có 12 thi thể và 56 phần thi thể được tìm thấy ». Theo các ê kíp tìm kiếm, các mảnh máy bay rơi tản mát xung quanh một khu vực có bán kính khoảng 500 mét. Nhiều mảnh vỡ đã được tìm thấy ở độ sâu 27 mét.

Hôm qua, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định : « giả thuyết về khủng bố không phải là hướng ưu tiên ». Về phần mình, cơ quan an ninh Nga FSB khẳng định không thấy « bất cứ yếu tố hay sự kiện nào » cho phép đi theo giả thuyết này.
Các nhà điều tra cho rằng nguyên nhân tai nạn có thể là do « có một vật thể lạ xâm nhập vào động cơ, một loại nhiên liệu chất lượng kém khiến máy bay hụt năng lượng, một sai lầm của tổ lái, hoặc một trục trặc kỹ thuật của máy bay ». 

Theo bộ Quốc Phòng Nga, chiếc máy bay đã được khai thác từ 33 năm nay và trải qua 6.689 giờ bay, được sửa chữa hồi tháng 12/2014 và kiểm tra lại vào tháng 9 vừa qua.

Vụ rớt máy bay gây chấn động mạnh tại Nga, bởi trong số các nạn nhân, có các thành viên dàn hợp xướng Hồng Quân, đã trở thành một biểu tượng của nước Nga. Dàn hợp xướng này từng biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Trên máy bay còn có 9 nhà báo và một bác sĩ, bà Elizaveta Glinka, người nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo, được người Nga đặt biệt danh là « Bác sĩ Liza ».
Máy bay Tupolev biến khỏi màn hình vào lúc 2 giờ 27 phút sáng chủ Nhật, ngay sau khi cất cánh từ sân bay Sotchi, để bay đến căn cứ không quân Hmeimim, Syria, do Nga quản lý. Dàn hợp xướng Hồng Quân dự kiến sẽ cử hành Noel với các binh sĩ Nga đóng tại Syria, đang tham gia các chiến dịch quân sự hậu thuẫn cho chế độ Bachar al-Assad, đồng minh của Matxcơva. - RFI

7.
Tòa án Indonesia xét xử thống đốc Jakarta về tội báng bổ

Một tòa án Indonesia hôm thứ Ba ra phán quyết xúc tiến vụ án gây tranh cãi để xét xử đô trưởng Jakarta, một người theo Kitô giáo, về tội báng bổ Hồi giáo. Đây được xem là một trắc nghiệm về quyền tự do tôn giáo ở một đất nước nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Đô trưởng Basuki Tjahaja Purnama bị buộc tội nói xấu Hồi giáo và làm ô uế kinh Koran khi ông trích dẫn một câu trong sách Koran để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử nhằm duy trì chức vụ trong thêm một nhiệm kỳ nữa. Các cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Hai năm 2017.

Một hội đồng gồm năm vị thẩm phán đã bác bỏ lập luận của các luật sư bảo vệ cho ông Purnama, yêu cầu bãi bỏ bản cáo trạng vì nó thiếu chính xác. Phiên điều trần sẽ tiếp tục vào ngày thứ Ba tới.
Trong những lập luận để biện hộ, ông Purnama nói những phát biểu của ông không phải là nhằm diễn giải kinh Koran, mà đơn thuần chỉ đề cập tới các chính khách “đã diễn giải sai lệch lời kinh Koran bởi vì họ không muốn phải cạnh tranh một cách công bằng trong các cuộc bầu cử”.

Đô trưởng Jakarta được chính thức nêu tên là một nghi phạm sau khi hàng trăm ngàn người tham gia các cuộc biểu tình trong những tháng gần đây để đòi bắt giữ ông.

Ông Purnama, một đồng minh của Tổng thống Joko Widodo, có thể bị kết án tới 5 năm tù nếu bị xét là có tội. Hầu hết các vụ án về tội báng bổ tôn giáo ở Indonesia đều dẫn đến phán quyết buộc tội.
Ông Purnama là đô trưởng Kitô giáo đầu tiên của Jakarta trong hơn 50 năm. - VOA

Tin Hoa Kỳ
8.
Ông Trump bổ nhiệm thêm hai người nữa vào những chức vụ quan trọng --- Tổng chưởng lý NY: Ông Trump không thể giải thể quỹ từ thiện đang bị điều tra

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Ba bổ nhiệm một người dày dạn kinh nghiệm từ thời Tổng thống George W. Bush vào nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông và một người từ Tổ chức Trump để thương thuyết những thoả thuận quốc tế.
Thomas Bossert sẽ trở thành trợ lý tổng thống đặc trách an ninh nội địa và chống khủng bố. Một thông cáo từ nhóm chuyển tiếp của ông Trump cho biết ông Bossert sẽ cố vấn cho tổng thống về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chống khủng bố và an ninh mạng, và điều phối quá trình của Nội các soạn thảo và thi hành chính sách trong những lĩnh vực này.

Vị trí này "đang được nâng tầm và được khôi phục trở lại tư cách độc lập của nó bên cạnh cố vấn an ninh quốc gia," thông cáo nói. Những nhà hoạch định chính sách từ lâu đã tranh luận về việc liệu những chức vụ an ninh quốc gia như vậy có nên hoạt động độc lập với Tòa Bạch Ốc hay không.
Ông Bossert sẽ làm việc chặt chẽ với người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng hồi hưu Michael Flynn. Ông Bossert hiện là chủ tịch công ty tư vấn quản lý rủi ro CDS. Trước đây ông từng làm phó trợ lý tổng thống về an ninh quốc gia dưới thời ông Bush.

Tổng thống đắc cử cũng bổ nhiệm một trong những cố vấn chính của ông về quan hệ Mỹ-Israel làm đại diện đặc biệt cho những cuộc đàm phán quốc tế. Jason Greenblatt từng làm việc cho Tổ chức Trump suốt hơn hai thập niên qua và hiện là phó chủ tịch điều hành và giám đốc pháp lý.
Trong thông cáo này, ông Trump nói ông Greenblatt "có bề dày thành tích thương lượng những giao dịch đáng kể, phức tạp thay mặt tôi," và có chuyên môn trong việc "đưa các bên lại với nhau và xây dựng sự đồng thuận ở những chủ đề khó và nhạy cảm."

Ông Trump gần đây đã bổ nhiệm một cố vấn khác của ông về Israel, David Friedman, làm đại sứ Mỹ ở Israel.

Cánh Tây Tòa Bạch Ốc của ông Trump đang dần hình thành nhiều trung tâm quyền lực. Chánh văn phòng Reince Priebus và cố vấn cao cấp Steve Bannon sẽ làm việc như "những đối tác bình đẳng," theo lời ông Trump, và cố vấn Kellyanne Conway dự kiến cũng sẽ có quyền tự chủ. Con rể có nhiều ảnh hưởng của ông Trump, Jared Kushner, cũng sẽ có một đường dây liên lạc trực tiếp với tổng thống.

Ông Trump lâu nay vẫn khơi lên sự ganh đua giữa nhân viên của ông trong lĩnh vực kinh doanh và trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhưng làm như vậy trong Tòa Bạch Ốc có thể gieo rắc sự khó hiểu và làm chậm quá trình đưa ra quyết định.
Tổng thống đắc cử đang dành những ngày nghỉ lễ tại khu nghỉ dưỡng của ông ở bang Florida, nơi ông vẫn đều đặn tổ chức những cuộc họp với những nhân viên cao cấp, cố vấn và giám đốc điều hành công việc kinh doanh của mình. Một số chức vụ chủ chốt trong chính phủ của ông vẫn còn bỏ trống; nhóm chuyển tiếp của ông nói ông sẽ trám đầy những vị trí này trong những ngày tới. - VOA

***
Ông Donald Trump không thể xúc tiến kế hoạch giải thể quỹ từ thiện của mình bởi vì các công tố viên cấp bang còn đang điều tra xem liệu Tổng thống đắc cử có đích thân hưởng lợi từ chi tiêu của tổ chức này hay không, văn phòng tổng chưởng lý bang New York cho biết hôm thứ Ba.
"Quỹ Trump vẫn đang bị văn phòng này điều tra và không thể giải thể một cách hợp pháp cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất," bà Amy Spitalnick, phát ngôn viên của Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman, nói.

Phát biểu này được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố ông muốn giải thể Quỹ Donald J. Trump. Nhóm chuyển giao quyền hành tổng thống của ông nói rằng đây là một phần trong nỗ lực nhằm triệt tiêu bất kỳ mâu thuẫn lợi ích nào trước khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Nhưng hoạt động bên trong của quỹ này vẫn là mục tiêu điều tra của ông Schneiderman từ nhiều tháng qua và có thể vẫn là một vấn đề gai góc cho chính quyền sắp tới của ông Trump. Những người theo Đảng Dân chủ khắp cả nước đã nói rằng họ sẵn sàng nêu lên bất kỳ vấn đề pháp lý hay đạo đức nào từ “đế chế” kinh doanh toàn cầu của ông Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tổ chức từ thiện của ông Trump đã thừa nhận họ đã vi phạm những quy định của Sở Thuế vụ cấm sử dụng tiền hoặc tài sản của họ để làm lợi cho ông Trump, gia đình ông, những công ty của ông hoặc những người đóng góp đáng kể cho quỹ này.

Thừa nhận của Quỹ Donald J. Trump được đưa ra trong hồ sơ khai thuế năm 2015 được công bố sau cuộc bầu cử tổng thống. Hồ sơ tiết lộ rằng ông Trump đã sử dụng tổ chức từ thiện này để dàn xếp những vụ kiện tụng, đóng góp 25.000 đôla cho mục đích chính trị và mua những vật phẩm, chẳng hạn như một bức chân dung của ông, được trưng bày tại một trong những bất động sản của ông.
Hồ sơ thuế năm 2015 được đăng trên website giám sát phi lợi nhuận GuideStar vào ngày 18 tháng 11 bởi một người nào đó sử dụng một địa chỉ email từ công ty luật của quỹ này, Morgan, Lewis & Bockius, theo lời phát ngôn viên GuideStar Jackie Enterline Fekeci.

Trong hồ sơ thuế, quỹ này thừa nhận rằng họ đã sử dụng tiền hoặc tài sản vi phạm những quy định không chỉ trong năm 2015 mà còn trong những năm trước. Nhưng hồ sơ thuế không cung cấp chi tiết về những hành vi vi phạm.

Ông Schneiderman, theo Đảng Dân chủ, mở cuộc điều tra nhắm vào tổ chức từ thiện này sau khi những bài báo của tờ The Washington Post thu hút sự chú ý đến một số vụ mua sắm của quỹ này.
Ông Trump viết trên Twitter vào cuối ngày thứ Hai rằng quỹ của ông được điều hành đàng hoàng.
"Quỹ DJT, không giống như hầu hết quỹ khác, không bao giờ trả lệ phí, tiền thuê nhà, tiền lương hoặc bất kỳ chi phí nào," Tổng thống đắc cử viết. "100% số tiền được tặng cho những tổ chức từ thiện tuyệt vời." - VOA

9.
Mỹ yêu cầu du khách cung cấp thông tin tài khoản mạng xã hội

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu yêu cầu một số du khách nước ngoài cung cấp thông tin tài khoản mạng xã hội của họ trong một nỗ lực nhằm xác định những kẻ khủng bố tiềm năng.
Kể từ tuần trước, người nước ngoài đến Mỹ theo chương trình miễn thị thực được yêu cầu xác định những nền tảng mạng xã hội mà họ sử dụng và tên tài khoản của họ.

Mặc dù yêu cầu này không mang tính bắt buộc và giới chức Mỹ nói rằng họ sẽ không từ chối nhập cảnh bất cứ ai từ chối tiết lộ những thông tin này, song việc này đã gây nên phản ứng dữ dội từ những tổ chức vận động cho quyền dân sự và ngành công nghệ cao.
Những tổ chức như Liên minh Những Quyền Tự do Dân sự Mỹ và Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cảnh báo rằng yêu cầu này có thể cho chính phủ "cổng vào một số lượng khổng lồ những biểu đạt và những liên hệ trên mạng của người dùng, có thể phản ánh những thông tin hết sức nhạy cảm về quan điểm, niềm tin, danh tính và cộng đồng."

Những người chỉ trích cũng cảnh báo rằng chương trình này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào người Ả-rập và người Hồi giáo và khiến họ bị săm soi quyết liệt.
Hiệp hội Internet, tổ chức đại diện những công ty như Facebook, Twitter và Google, lập luận rằng chính sách mới đe dọa quyền tự do biểu đạt.
Hiện du khách đến từ 38 quốc gia có thể sử dụng chương trình miễn thị thực cho phép họ du hành và ở lại Mỹ cho đến 90 ngày mà không cần visa. - VOA

10.
Carrie Fisher, công chúa trong phim Star Wars qua đời

Carrie Fisher, người trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng quốc tế nhờ vai Công chúa Leia trong phim Star Wars, đã qua đời ở tuổi 60.
Bà Fisher bị nhồi máu cơ tim vào tuần trước khi bà đang trên chuyến bay đến Los Angeles 15 phút trước khi nó hạ cánh. Một nhân viên y tế trên máy bay thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi cho nữ diễn viên này cho đến khi bà có thể được đưa vào bệnh viện. Hôm Chủ nhật, gia đình bà cho biết tình trạng của bà đã ổn định.

Con gái của bà, Billie Lourd, đưa ra một tuyên bố thông qua người phát ngôn loan báo cái chết của bà Fisher hôm thứ Ba.
Bà Fisher, con gái của đôi uyên ương Hollywood là nữ diễn viên Debbie Reynolds và ca sĩ Eddie Fisher, xuất hiện trong phim truyện đầu tay Shampoo vào năm 1975 mà trong đó bà đóng cặp với tài tử Warren Beatty. Bà cũng đóng vai chính trong những bộ phim ăn khách khác, bao gồm Austin Powers, The Blues Brothers, Hannah and Her Sisters, và When Harry Met Sally.

Nhưng bà được nhớ tới nhiều nhất với vai Công chúa Leia rắn rỏi, cương trực và đầy uy quyền trong phim Star Wars nguyên bản năm 1977. Câu nói bất hủ của nhân vật này là: "Help me Obi-Wan Kenobi. You're my only hope'' (Giúp tôi Obi-Wan Kenobi. Ông là hy vọng duy nhất của tôi).
Sau đó trong sự nghiệp của mình, bà Fisher cũng được biết đến như một tác giả viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn hồi ký The Prince Diarist.

Mẹ của bà hôm thứ Ba đăng lên Facebook thông điệp này: "Cảm ơn mọi người đã đón nhận những món quà và tài năng của đứa con gái yêu quý và tuyệt vời của tôi, tôi cảm tạ những suy nghĩ và những lời cầu nguyện của quý vị mà vào lúc này đang dẫn dắt nó đến điểm dừng chân tiếp theo của mình."
"No words #Devastated,'' bạn diễn Mark Hamill của bà trong Star Wars viết trên Twitter.

Gần bốn thập kỷ sau khi Star Wars trình chiếu lần đầu tiên, bà Fisher xuất hiện trong vai diễn mang tính biểu tượng của mình trong Star Wars: The Force Awakens vào năm 2015. Bà cũng được tái hiện bằng kỹ thuật số để xuất hiện vài phút ngắn ngủi với hình tượng Leia thời trẻ trong phim Rogue One đang trình chiếu, một phim ăn theo của Star Wars. - VOA

11.
Ở Estonia, ông McCain nhấn mạnh sự cần thiết của NATO nhằm răn đe Nga

Một thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ nói với những nhà lãnh đạo của các nước vùng Baltic rằng họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ tiếp tục của Mỹ từ chính quyền sắp tới của ông Donald Trump trong trường hợp xảy ra bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga.
Thượng nghị sĩ John McCain, một thành viên trong Đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Trump, cũng phát biểu ở thủ đô Tallinn của Estonia rằng ông không nhìn thấy trước bất kỳ sự nới lỏng chế tài nào đối với Nga sau khi nước này sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

"Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Estonia nói lên rằng chúng ta tin vào những gì mà Tổng thống Ronald Reagan tin tưởng, và đó là hòa bình thông qua sức mạnh," Thượng nghị sĩ bang Arizona nói. Ông đang đi thăm ba nước Baltic trong tuần này cùng với Thượng nghị sĩ đồng đảng Lindsey Graham.
"Và cách tốt nhất để ngăn chặn hành vi sai trái của Nga là có một quân đội đáng tin cậy, hùng mạnh và một liên minh NATO hùng mạnh mà Estonia là một phần rất quan trọng trong đó," ông McCain nói. NATO trong năm nay đã loan báo kế hoạch triển khai một lực lượng răn đe 4.000 binh sĩ ở vùng Baltic và Đông Âu.

Các nhà lãnh đạo của Estonia, Lithuania và Latvia - tất cả đều từng là những nước cộng hòa thuộc Liên bang Soviet cũ và đã gia nhập NATO - đang lo lắng về việc Nga chiếm cứ những vùng biên giới ở Ukraine và Gruzia cũng như việc Moscow tăng cường quân sự gần biên giới của họ ở vùng đất Kaliningrad của Nga nằm lọt thỏm giữa những nước này.

Ông Trump càng làm tăng cảm giác bất an khi ông đề nghị trong chiến dịch vận động tranh cử rằng những cam kết của Mỹ với các nước đồng minh NATO có thể tùy thuộc vào việc các nước thành viên chi bao nhiêu tiền cho quốc phòng của họ.

Ông Zygimantas Pavilionis, cựu đại sứ của Lithuania ở Mỹ, nói với hãng tin Reuters rằng những nhà lãnh đạo Baltic đang lo lắng về những phát biểu công khai tích cực của ông Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Có sự lo sợ rằng... những chế tài nhắm vào Nga sẽ giảm đi hoặc bị bãi bỏ, và không được tăng cường như Quốc hội mong muốn," ông nói.
Ông McCain, người đã kêu gọi chế tài nghiêm khắc hơn để đáp lại những hành động bị nghi là của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay, nói ông không hay biết về bất kỳ kế hoạch nào nhằm giảm bớt những chế tài này. "Đó chắc chắn không phải là điều mà tôi biết hiện thời," ông nói.

Hai ông McCain và Graham theo lịch trình sẽ có mặt ở Latvia vào ngày thứ Tư và Lithuania vào ngày thứ Năm. - VOA

12.
Obama: ‘Làm tổng tư lệnh là một đặc ân’

Tổng thống Barack Obama hôm Chủ nhật nói được làm tổng tư lệnh Mỹ là “một đặc ân” của đời ông và nói ông vẫn sẽ biết ơn và có nghĩa vụ với các binh sĩ và thân nhân của họ. 
Trong chuyến thăm căn cứ Thủy quân lục chiến ở Hawaii vào ngày Giáng sinh, ông Obama nói trước hàng trăm người tụ họp trong một phòng ăn được trang trí bằng cây thông và vòng hoa Giáng sinh rằng "Mặc dù đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện với mọi người trong tư cách tổng thống, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng với tư cách là một công dân, tôi vẫn rất biết ơn và có nghĩa vụ sát cánh với mọi người trên mỗi bước đường, điều đó sẽ không chấm dứt”.

Ông Obama nói việc phát biểu mừng lễ các binh sĩ và gia đình của họ, trong khi một số người cầm điện thoại chụp ảnh trong lúc ông nói, là một trong những truyền thống yêu thích của ông. Ông cho biết hôm trước đó, ông đã gọi cho các binh sĩ ở nước ngoài và nói với họ rằng người Mỹ ở quê nhà biết là họ đang chiến đấu cho tự do.
Đứng bên cạnh Tổng thống Obama là đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Ông Obama nói khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng, ông sẽ không trở thành một người xa lạ đối với những binh sĩ đóng quân ở Hawaii, nơi ông đã được sinh ra và vẫn thường đến đây trong các kỳ nghỉ.

“Chúng tôi mong muốn được gặp các bạn trong những năm tới, bởi vì tôi biết là tôi vẫn có chút cấp bậc là cựu tổng thống”, ông Obama đùa. “Vì vậy, tôi vẫn được sử dụng phòng tập thể dục ở căn cứ, và tất nhiên là cả ở sân golf nữa”. - VOA

Tin Việt Nam
13.
Biển Đông căng thẳng, ngư dân Việt Nam đổ sang Úc đánh cá lậu

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông coi như cũng đã lan tới lãnh hải của Úc, với việc nhà chức trách nước này đang phải đối phó với tệ nạn ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép ở ngoài khơi miền bắc nước Úc, theo thông tin của trang Financial Review hôm nay, 27/12/2016. 
Tính từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 150 ngư dân Việt Nam trên 10 tàu cá bị bắt trong lãnh hải nước Úc vì đánh cá trái phép, trong khi vào năm ngoái không hề có ngư dân Việt Nam nào bị bắt vì tội này.

Ngư dân Việt Nam đã buộc phải quay sang vùng biển nước Úc để kiếm sống, vì tàu tuần dương của Trung Quốc nay ngăn chận họ đến đánh bắt cá ở những vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo mà B¡c Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Không chỉ ở Biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã áp dụng nghiêm ngặt hơn lệnh cấm đánh cá ở vùng Vịnh Bắc Bộ, một hành động mà Hà Nội xem là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực vào đầu tháng 7 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã tuyên bố, kể từ nay những ngư dân nào bị bắt giữ vì đánh bắt « trái phép » trong vùng biển của Trung Quốc sẽ có thể bị phạt tù 1 năm, chứ không chỉ bị tịch thu tài sản, ngư cụ, rồi được thả đi như trước đây.

Trong khi đó, những quốc gia khác, đặc biệt là Indonesia, cũng đã tăng cường bảo vệ các vùng biển của họ. Từ tháng 12/2014 đến nay, Indonesia đã đánh chìm 234 tàu đánh cá của nước ngoài bị bắt giữ vì đánh cá trái phép trên vùng biển của nước này.
Nhà chức trách Úc cũng đã tỏ ra cứng rắn với các ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép. Theo Financial Review, trong tháng 11 vừa qua, 16 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ với 3 tấn hải sâm đã bị tòa án ở Darwin xử phạt từ 2 đến 4 tháng tù. Trong những vụ khác thì tòa đã xử phạt hàng ngàn đôla đối với chủ của những chiếc tàu bị phát hiện đánh bắt hải sản trái phép.

Dù có nguy cơ bị xử phạt nặng như vậy, các chủ tàu cá Việt Nam vẫn buộc phải đi đánh bắt ở vùng biển các nước khác, đặc biệt là vùng biển nước Úc, vì nếu chỉ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, không biết bao giờ họ mới trả được món nợ đã vay để đóng tàu cá.

Theo lời của ông Peter Venslovas, thuộc cơ quan quản lý ngư nghiệp của Úc, ngoài các tàu cá Việt Nam, cũng như những năm trước, nhiều tàu cá từ Indonesia và Papua New Guinea cũng bị bắt giữ ở các vùng biển của Úc. Trong tài khoá 2015- 2016, tổng cộng đã có 20 tàu các nước ngoài bị bắt giữ, trong khi chỉ có 6 chiếc bị bắt trong tài khóa 2014-2015.
Một chuyên gia về ngư nghiệp, giáo sư Colin Simpfendorfer thuộc Đại học James Cook, bang Queensland, cho biết là chính phủ Úc phải chi ra hàng triệu đô la để bắt giữ các tàu đánh cá trái phép, tạm giữ họ trong các trại và phá hủy các tàu cá. Ấy là chưa kể những hủy hại đối với những vùng bảo tồn biển của Úc. - RFI

14.
Thủ tướng đề nghị giới khoa học nghiên cứu, tư vấn thiết thực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/12 đã “đặt hàng” với giới khoa học về “các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý” và “nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia”.
Báo chí Việt Nam cho biết những đề nghị của thủ tướng Phúc được đưa ra khi ông dự một hội nghị của Viện Hàn lâm khoa học xã hội (VASS) và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (VAST).

Nạn khai thác khoáng sản tràn lan, mất kiểm soát ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã được báo chí trong nước đưa tin nhiều trong những năm gần đây. Thủ tướng Phúc muốn hai viện hàn lâm đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, nhằm nâng cao giá trị và giảm lãng phí đất đai và tài nguyên.
Về việc “nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia”, ông Phúc nhấn mạnh đến “nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất các dược liệu thế hệ mới, và công nghệ nano”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh “sứ mệnh của các nhà khoa học trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà”. Theo ông, hiện doanh nghiệp Việt Nam đang phải chi trả những khoản lớn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn của nước ngoài, vì có những vấn đề trong nước không giải quyết được. 

Theo VNExpress, “vấn đề nằm ở chỗ nhiều nhà khoa học mải nghiên cứu cao siêu mà không để ý các nhu cầu ứng dụng thực tế, nên chưa thể thành địa chỉ tư vấn tin cậy cho doanh nghiệp”. 
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, một giảng viên tại Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT, nói với VOA rằng nghiên cứu khoa học chưa có sự kết nối tốt với đời sống ở Việt Nam vì các yếu tố: thiếu tin tưởng giữa các doanh nghiệp và giới nghiên cứu, không có thị trường đủ mạnh cho các sản phẩm khoa học-công nghệ, và sự sính ngoại. Ông cho rằng sẽ cần đến nhiều năm để Việt Nam thay đổi điều này:

“Nó cần một khoảng thời gian phát triển, sống thật trong kinh tế thị trường để sao cho những con người trong đấy họ tối ưu hóa hành vi của họ, họ hiểu rất rõ những nguyên lý của kinh tế thị trường không phải bằng lời. Cái đấy tôi không nghĩ 10, 15 năm mà hình thành được. Ở trong khoa học-công nghệ, tôi nghĩ là cũng phải có những quy luật của thị trường từ từ nó tác động để điều chỉnh hành vi”.

Thủ tướng Phúc cho biết hôm 27/12 rằng dự toán ngân sách 2017 dành cho VAST là 1.661 tỷ đồng, còn dành cho VASS là 615 tỷ đồng để thực hiện nghiên cứu và các hoạt động khác. Các con số này tương đương gần 99 triệu đôla Mỹ.
Tiến sĩ Hoàng nói con số này vẫn còn nhỏ so với mức cần thiết cho các nghiên cứu:

“Báo có nói con số 1700 tỷ đồng đầu tư cho khoa học. Số lượng đầu tư cho khoa học rất là khiêm tốn. Không bằng một phần rất nhỏ ngân sách hoạt động của trường đại học Harvard một năm. Đừng quá nghĩ rằng đó là cái gì ghê gớm, trong khi phải thấy một sự thật là mình tiêu tốn cũng kinh khủng, những con đường, những con đê, những công trình, những cầu cống. Nói chung rất nhiều thứ mình tiêu cũng rất kinh khủng”.

Ông Hoàng cũng cho rằng cần phải có cơ chế để loại bỏ việc có những người xưng danh làm khoa học để tiêu tiền ngân sách song không đi đến kết quả có ích nào. - VOA

15.
Anh Thạch mong lập 300.000 tủ sách trong năm 2017 

Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng và duy trì chương trình “Sách hóa nông thôn” ở Việt Nam, cho VOA biết trong năm 2017 sắp tới, anh mong lập được 300.000 tủ sách trong tất cả các lớp học trên toàn quốc. Để đạt mục tiêu này, anh nói sẽ “thúc đẩy” sự tham gia của toàn xã hội, và sẽ cần đến số tiền 30 triệu đôla.
Trong năm 2016, chương trình của anh Thạch đã lập được hơn 12.000 tủ sách có trị giá khoảng 40 tỷ đồng, tương đương gần 2 triệu đôla, với sự đóng góp từ nhiều người trong đó có những người Việt ở nước ngoài. Nỗ lực này của anh đã được bạn đọc của báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh. Họ đã bầu chọn anh là Nhân vật của năm 2016. 

Trong danh sách các ứng viên của cuộc bầu chọn, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng về hoạt động cứu trợ lũ lụt Phan Anh và xạ thủ đạt huy chương vàng Olympic Hoàng Xuân Vinh đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Anh Thạch nói về ý nghĩa khi đứng vị trí thứ nhất:
“Đó cũng là một biểu thị nhận thức của cộng đồng là bây giờ người ta đã tập trung vào hướng tới khai trí là quan trọng. Khi mà chúng ta bị gặp các biến động xã hội, tầng lớp trung lưu cấp tiến trong xã hội bắt đầu nghĩ phải làm gì đấy để thay đổi. Người ta hướng tới việc khai trí đấy là việc tích cực. Người ta đánh giá, quan tâm đến người đóng góp vào tiến trình góp phần vào nâng cao dân trí thì tôi nghĩ là một chỉ số tích cực của xã hội của chúng ta”.

Những biến động xã hội mà anh Thạch nhắc đến là thực trạng Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam, các thảm họa ô nhiễm môi trường trong nước và những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, kinh tế, chính trị khác. Anh Thạch cho rằng đây là giai đoạn “người Việt thức tỉnh mạnh nhất” và “hành động vì sự bền vững của đất nước”.

Chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch, 41 tuổi, lập ra cách đây 20 năm và từ đó đến nay anh dành công sức to lớn để phát triển. Về những mục tiêu lâu dài của chương trình, anh chia sẻ:
“Chiến lược của chương trình sách hóa nông thôn là đánh thức nhân tâm và trách nhiệm của xã hội. Tôi thường nói rằng người Việt chúng ta phải đi đến số phận, tương lai đất nước của mình. Chúng ta phải đánh thức trái tim của mình để tất cả những trái tim tổng hợp tạo thành một tâm lực lớn, để tác động ra đến quy mô xã hội, thậm chí còn tác động ra thế giới bên ngoài nữa. Dần dần chúng ta sẽ có đủ năng lực xây dựng ra một xã hội nhân văn và sáng tạo, góp phần vào làm cho đất nước mình được tôn trọng, được cường thịnh, và có năng lực đóng góp vào sự phát triển của nhân loại”.

Thành công của chương trình cũng đã đưa anh Thạch trở thành người Việt đầu tiên đoạt một giải thưởng của UNESCO trong năm 2016 về tôn vinh những người có nỗ lực xóa mù chữ và khai trí.

Anh Thạch đã hai lần đi xe đạp và đi bộ xuyên Việt trong các năm 2010 và 2015 để vận động và quảng bá cho chương trình. Anh cho VOA biết vì điều kiện sức khỏe, anh dự định đi xe lăn xuyên Việt trong năm 2017 để tiếp tục vận động cho chương trình. - VOA

16.
Tòa phúc thẩm y án các bị cáo chính trong đại án Agribank

Sáng ngày 27/12, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm, tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội.
Trước phiên tòa xét xử phúc thẩm, 17 bị cáo, trừ ông Đỗ Tiến Long đều xin kháng cáo. 

Ông Đỗ Tiến Long có đơn xin xét xử vắng mặt do đang phải điều trị ở bệnh viện. Ông Long được cho là bị ung thư và đã liệt nửa người.
Bản án phúc thẩm

Truyền thông trong nước đưa tin phiên tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo chủ chốt. Theo tuyên án của tòa:
Bà Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, lĩnh 30 năm tù. 

Bà Chử Thị Kim Hiền, nguyên Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội, lĩnh 30 năm tù
Ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank, lĩnh 22 năm tù. 
Bị cáo Lê Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT công ty CP Lifepro Việt Nam và Vietmade, đã không kháng cáo, và lĩnh án 15 năm tù. 

Riêng ông Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ Phòng tín dụng, Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội), người không có mặt tại tòa do bị ung thư phổi, liệt nửa người, đã được tòa giảm nhẹ một phần hình phạt. Ông Long bị tuyên án 14 năm tù, ít hơn hai năm so với án sơ thẩm là 16 năm.
Các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Nguyễn Thị Nguyệt Thanh, ông Nguyễn Hữu Thanh, bà Kiều Trọng Tuyến, cựu cán bộ của Agribank cũng không được tòa phúc thẩm chấp nhận.
Tòa phúc thẩm cũng giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo từ 1-2 năm tù gồm: Đỗ Tiến Long - cựu cán bộ phòng tín dụng, Đặng Quang Trung - cựu Phó trưởng phòng Phụ trách phòng tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và Phan Qúy Dương - cựu chuyên viên ban Tín dụng doanh nghiệp. 

Riêng bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền - cựu trưởng phòng tín dụng vẫn giữ nguyên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Bốn bị cáo là cựu cán bộ công chức Hải quan được chuyển từ án giam sang án treo, hoặc án giam bằng thời gian tạm giam. 
Về mặt dân sự, tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm cho số tiền bồi thường của bị cáo Bà Phạm Thị Bích Lương xuống còn gần 1.400 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ đồng so với mức 1.600 tỷ trong tuyên án ở tòa cấp sơ thẩm.

Bà Chử Thị Kim Hiền chịu bồi thường hơn 382 tỉ đồng, được trừ đi 1,6 tỉ đồng đã nộp.
HĐXX buộc hai công ty của ông Lê Minh Hiếu phải trả nợ gốc và lãi. Công ty CP Lifepro Việt Nam phải trả nợ gốc là 354 tỷ đồng, lãi 125 tỷ đồng. Công ty Vietmade 66 tỷ gốc và lãi 22 tỷ đồng. 
Ngân hàng Agribank, nguyên đơn dân sự của vụ án, được quyền xử lý tài sản là vật chứng bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu dệt may, bán thành phẩm trong các kho xưởng, toàn bộ máy móc thiết bị, hạng mục công trình kiến trúc gắn liền với đất và các hạng mục đầu tư lắp đặt tại nhà máy.

Chiếc xe Bentley của bà Phạm Thị Bích Lương vẫn bị tạm giữ để đảm bảo thi hành án và các tài khoản của bà này đã bị phong tỏa. 
Theo VietnamNet, HĐXX cũng kiến nghị Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính "xử lý vi phạm đối với các công ty để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các công ty chân chính và ngăn chặn lừa đảo của các công ty muốn chiếm đoạt tài sản Nhà nước".

Nội dung vụ án

Tháng 10/2015, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng đối với 18 cá nhân, gồm 13 cán bộ ngân hàng Agribank, 4 cán bộ hải quan và 1 giám đốc doanh nghiệp. Họ đã gây thất thoát gần 2.500 tỷ đồng cho ngân hàng Agribank.
Theo VietnamNet, từ 2007 đến tháng 9/2012, công ty cổ phần Enzo Việt (sau này đổi thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) do một số thương nhân người nước ngoài làm chủ đã hợp tác với Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống để vay tiền của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Các hồ sơ vay vốn để mua máy móc, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang đều được tạo lập khống để vay tiền.
Các cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với công ty liên doanh Lifepro Việt Nam. Họ cho công ty này vay mà không thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay.

Các cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây đã cho thông quan số hàng hóa của công ty Lifepro, gây thất thoát tiền thuế nhập khẩu cho nhà nước Việt Nam. Họ đã giúp các bị can người nước ngoài lập các bộ tờ khai hải quan không trung thực để lừa dối Agribank Nam Hà Nội giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Năm người nước ngoài bị quy kết đã chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng trong thương vụ này. Họ được cho là đã trốn khỏi Việt Nam. - BBC

17.
TBT Nguyễn Phú Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ 72 ngành công an Việt Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công an phải làm tốt 'công tác bảo vệ Đảng'.

Ông Trọng, người đã tham gia Đảng ủy Bộ Công an với tư cách ủy viên, nhắc ngành công an Việt Nam rằng:
"...lực lượng Công an phải làm tốt công tác bảo vệ Đảng. Bảo vệ Đảng là bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng...

"Bảo vệ các cơ quan đầu não, không để sơ hở, không để kẻ địch, bọn phản động, phần tử xấu thâm nhập..."
Như các phát biểu với cơ quan, ban ngành khác dịp cuối năm, Giáo sư Trọng nhắc lại chủ đề 'chống tự diễn biến' khi đọc diễn văn với hội nghị ngành công an tại Hà Nội hôm 26/12 vừa qua.

"Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử dụng các biện pháp "mềm", tập trung làm chuyển hóa về chính trị tư tưởng, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", kích động chia rẽ, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; bôi nhọ hòng phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng..." ông Trọng nhận định.

'Còn Đảng còn mình'

Trước tình hình đó, ông chỉ đạo ngành công an phải "là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa".
GS Trọng cũng xác nhận công an là ngành gắn liền với sự sống còn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, theo nguyên văn bài phát biểu đăng trên trang Quân đội Nhân dân chiều 26/12:
"Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết 'còn Đảng, còn mình'."

Về các biện pháp tiến hành bảo vệ an ninh trật tự xã hội, nhất là tại các vùng biên giới, vùng dân tộc ít người, vùng có nhiều tín đồ tôn giáo, GS Trọng nêu lại nhu cầu làm tốt công tác dân vận, và " tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở" mà công an phải đóng vai trò chủ đạo.

Trước đó, hôm 19/12/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đến Tổng cục Tình báo Quốc phòng và phát biểu tương tự về nhu cầu 'tuyệt đối trung thành với Đảng' của cơ quan này.
"Phải luôn khẳng định, Tình báo Quốc phòng là lực lượng tuyệt đối trung thành, đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân."
Nhưng để làm được điều đó, ông nhắc về tính trung thực:

" Phải quan tâm giữ gìn sự tin cậy đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với Tình báo Quốc phòng, mà quan trọng nhất để có được điều đó chính là sự trung thực, giữ đúng nguyên tắc công tác và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ."
Ngoài ra, ông nêu nhận định và cũng là chỉ thị:

"Tổng cục II - Bộ Quốc phòng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, không để bị động, bất ngờ chiến lược."

Quốc phòng và an ninh

Có vẻ như những nhắc nhở của Tổng bí thư Trọng được nêu ra trong bối cảnh các chuyển biến lớn trên thế giới trong năm 2016 mà ông đã nói tới trong cả hai bài phát biểu với ngành công an và Tổng cục II.
Điều này cho thấy nhu cầu ứng phó tốt hơn trước các xu hướng thay đổi cơ bản trên trường quốc tế và trong chính xã hội Việt Nam những năm tới cho các cơ quan an ninh, tình báo và quốc phòng Việt Nam ngày càng phải được nâng cao, theo ý kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Cũng liên quan đến an ninh và quốc phòng Việt Nam, cùng ngày TBT Trọng đến hội nghị ngành công an 26/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Hội đồng này đã thảo luận chỉ thị "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới" và chỉ đạo cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện "các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2017 và những năm tiếp theo".

Báo Quân đội Nhân dân khi tường thuật về phiên họp này vẫn nêu quân hàm Đại tướng của Chủ tịch Trần Đại Quang dù trong bức hình chỉ thấy ông Quang mặc complê chứ không mang quân phục. - BBC

18.
Một số câu hỏi trên mạng về kết quả điều tra vụ Yên Bái

Sau khi công an công bố kết quả điều tra vụ hai lãnh đạo đầu tỉnh Yên Bái bị bắn chết ngày 18/8, một số câu hỏi được các công dân mạng đặt ra.
Kết quả điều tra nói hai ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy, và Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, bị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh dùng súng bắn chết vì 'bức xúc cá nhân về sắp xếp cán bộ'.

Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức họp báo chiều thứ Hai 26/12 để công bố kết quả điều tra.
Vụ bắn người vào bốn tháng trước đã gây chấn động dư luận.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Luật sư Lê Công Định đặt ra vấn đề pháp lý về số tiền 100.000 USD trong két sắt ở phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, được vợ ông giải thích là tài sản tích cóp từ nhiều năm làm việc của gia đình.

Ông Định đặt câu hỏi về nguồn gốc số ngoại tệ, cũng như liệu chủ nhân số tiền này khi còn sống có biết luật quản lý ngoại hối của Việt Nam hay không.
"Những giao dịch nào của ông bà lúc ông sinh thời được thanh toán bằng ngoại tệ vậy? Hoặc nếu ông được thanh toán bằng tiền đồng, thì vì sao ông quy đổi sang ngoại tệ để cất giữ? Ông không tin vào giá trị đồng bạc Việt Nam sao hay còn lý do nào khác?"

Theo luật sư Định, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc điều tra mở rộng liên quan đến nguồn gốc ngoại tệ của "số tiền tích cóp" đó.

Về phần mình, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói nếu tùy tiện trao tài sản ấy cho gia đình ông Tuấn là sai pháp luật.

"Cần điều tra làm rõ các tang vật đó liên quan đến vụ án như thế nào. Khi không tìm ra sự liên quan thì phải điều tra xem tài sản đó có thuộc về ông Tuấn không (phải có bằng chứng xác minh), nếu không phải thì nó thuộc về cơ quan nơi ông Tuấn làm việc."
'Khẩu súng trong ngăn tủ'

Ông Chênh cũng đặt nghi vấn về nhân vật thứ tư, được nói là tài xế tên H., người "đứng bên ngoài phòng ông Tuấn nghe tiếng súng nổ, mở cửa phòng vào thấy ông Tuấn và ông Minh đều trúng đạn gục ngã xuống, súng nằm trên tay ông Minh. Thấy vậy tài xế H. lại lấy súng ra khỏi tay ông Minh rồi cất đi".
Ông cho rằng sự xuất hiện của nhân vật thứ tư này rất đáng ngờ, cần phải được xem xét kỹ.

Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ vụ án vì nghi phạm duy nhất là ông Đỗ Cường Minh đã tự sát chết.
Báo Dân Trí đi sâu vào chi tiết khẩu súng K59, hung khí gây án, nằm trong ngăn tủ làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn.

Theo cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái, họ đã lấy lời khai của ông Âu Văn H., lái xe của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng thời là người phát hiện sự việc.
Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả điều tra hôm 26/12 cho biết, khoảng 7h25 ngày 18/8, ông Đỗ Cường Minh xách cặp đi một mình đến phòng ông Ngô Ngọc Tuấn thì gặp ông H. ở ngoài cửa. 

Lúc đó ông Tuấn đang có khách, khi khách ra về thì ông Minh đi vào phòng ông Tuấn và khép cửa lại, ông H. đứng ở bên ngoài chờ. Hơn một phút sau, ông H. nghe tiếng súng nổ phát ra từ phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn và nghe thấy tiếng gọi "anh H. ơi".
Báo Dân Trí thuật lại tường trình của cảnh sát điều tra cho hay ông H. vội chạy vào phòng thì thấy ông Ngô Ngọc Tuấn ngồi dựa lưng vào tường, người có nhiều vết máu; còn ông Đỗ Cường Minh nằm ở giữa phòng, xung quanh chảy nhiều máu, tay phải áp lên trên khẩu súng và vẫn đang thở dốc.

Sợ ông Minh bắn tiếp nên ông H. đã cầm khẩu súng cất vào tủ phòng làm việc của ông Tuấn. Sau đó, ông H. đỡ ông Tuấn nằm xuống rồi chạy ra ngoài cửa hô hoán mọi người.
Sau đó cả ông Ngô Ngọc Tuấn và ông Đỗ Cường Minh đều đã qua đời.

Các báo có khác nhau trong chi tiết ông Minh bắn vào đầu mình bao nhiêu phát, nhiều báo nói 1 nhưng có báo nói 3. - BBC

Không có nhận xét nào: