Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Lá Thư Úc Châu Happy New Year 2017 - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc Xuân:
1.  Em Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi: Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn - Anh Khoa (Bản mới)
<!>
2. Bao giờ anh đưa em đi chùa Hương: Song Ngọc - Trần Vấn Lệ - Ý Lan - Vũ Khanh (Bản mới)
3. Nụ Tầm Xuân: Phạm Duy - Ý Lan - Vũ Khanh
4. Mùa Xuân Của Mẹ: Trịnh Lâm Ngân - Ngọc Hạ 
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ...
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Trần Nhật Phong: Tản mạn cuối năm
Dù bận rộn chuẩn bị khai trương cửa tiệm, tối qua về tới nhà, tôi nhận được inbox của một người bạn trẻ (28 tuổi), đang sinh sống ở Hà Nội hỏi tôi rằng “liệu sự thay đổi có làm cho Việt Nam tốt lên hay không? Hay thật sự sẽ tệ hơn tình hình hiện nay?” Người bạn này bên cạnh câu hỏi đã kể cho tôi nghe rằng cha mẹ của cậu đã trải qua thời kỳ ném bom oanh tạc của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, cậu mô tả rằng cha mẹ cậu rất kinh hoàng với quá khứ chiến tranh, nên sợ thay đổi sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh khác. Thật khó cho tôi khi phải viết một bài trả lời câu hỏi của người bạn trẻ này, vì câu trả lời này kể cả các bạn và tôi đều không có câu trả lời chính xác, tuy nhiên nếu nhìn về quá khứ, đối chiếu với những quốc gia xung quanh Việt Nam, có thể chúng ta sẽ có phần nào suy luận được kết quả của sự thay đổi.
Tôi nhớ khi còn bé (dường như mới 5 hay 6 tuổi), có một lần, bố tôi dẫn tôi ghé qua khu bưu chính ở Sài Gòn (nằm cạnh Nhà Thờ Đức Bà), khi đi ngang các kiot bán hàng bên ngoài khu bưu chính, tôi níu áo đòi bố tôi mua cho tôi một khẩu súng bằng nhựa, ông quay lại mua cho tôi, cùng lúc có một người ăn mày đang ngồi bên lề đường, ông móc ít tiền lẻ cho người ăn mày. Khi về đến nhà, bất chợt ông hỏi tôi, trong lúc tôi đang mân mê món đồ chơi mới ông vừa mua cho tôi, “nếu một ngày nào đó, con giống như người ăn mày kia, đã nhiều ngày không có hột cơm vào bụng, bỗng nhiên có một người đi ngang làm rớt ví tiền, con nghĩ con sẽ trả lại ví tiền cho người đó, hay sẽ lượm ví tiền để qua cơn đói?”
Bất ngờ trước câu hỏi của ông, ở cái tuổi chả biết gì cả, nhưng còn lúc bé tôi là một đứa trẻ “láu cá”, lại đang để tâm vào cây súng nhựa ông vừa mua, làm gì biết trả lời, tôi nói với ông rằng “bố cho con vài ngày, để con suy nghĩ rồi trả lời bố”, tuy nói vậy nhưng trong bụng tôi nghĩ sẽ kiếm mẹ tôi để tìm câu trả lời, không ngờ bố tôi xoa đầu tôi và mĩm cười “bố cho con 20 năm để kiếm câu trả lời”. Lúc đó tôi trố mắt nhìn bố tôi tưởng rằng ông đang nói chơi với tôi, nhưng thú thật cho đến ngày bố của tôi qua đời (2009) và đến nay, tôi vẫn chưa có một câu trả lời chính xác về câu hỏi của ông.
Những lúc tôi cực khổ ở trại tị nạn lúc vượt biển (trại Pulau Bidong), khi nằm giữa mùa bão tháng 10, vừa đói vừa rét, nghĩ đến câu hỏi của bố tôi, thời điểm đó tôi khẳng định rằng, tôi sẽ giữ lại ví tiền để qua cơn đói. Nhưng rồi khi định cư ở Hoa Kỳ, qua thời kỳ đầu khó khăn hội nhập, ổn định cuộc sống, thu nhập hàng tháng dư dả, khi nghĩ đến câu hỏi của ông, tôi lại có câu trả lời khác, lỡ như người đánh rớt ví tiền, trong đó là toàn bộ gia sản của người ta, và số tiền đó có thể là số tiền cứu mạng ai đó, nếu mình lấy đi thì có khác nào gián tiếp hại chết mạng người, tôi lại khẳng định là dù chết đói cũng trả ví tiền cho người làm rớt. 
Và cả hai câu trả lời của những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời đã đeo đẳng tôi đến ngay hôm nay, tôi vẫn chưa có câu trả lời chung cuộc.
Kể câu chuyện này cho các bạn nghe, tôi muốn nói rằng, tư duy con người luôn thay đổi theo từng chu kỳ, theo từng bối cảnh sinh sống để thích ứng với xã hội, và thúc đẩy sự tiến bộ.
Việt Nam kể từ sau năm 1975, các bạn hỏi tôi có thay đổi hay không? Câu trả lời của tôi là không, tất cả những cái mà các bạn nghĩ là thay đổi như những tòa cao ốc mọc lên, những đường xá được đắp thêm nhựa, những chiếc Iphone các bạn cầm trên tay, đó chỉ là sự chắp vá chứ không phải là thay đổi, hay nói một cách chính xác là những kẻ cầm quyền đang cố gắng xây nhà trên khối gỗ mục nát, có thể xập bất cứ giờ phút nào.
Các bạn có biết tại sao trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” hay không? Và Sài Gòn từng là niềm mơ ước của Singapore, Hàn Quốc hay Thái Lan. Ngoài trừ những kiến trúc mà người dân miền Nam và người Pháp xây dựng ra, Sài Gòn còn mang hình ảnh của con người, kinh tế, văn hóa và nền giáo dục khiến những quốc gia đó mơ ước. 
Con người ở Sài Gòn hội tụ những tinh túy của cả miền nam, mộc mạc, hiền hòa và hiếu khách.
Văn hóa ở Sài Gòn thời điểm 50,60 và giữa 70 được xem là phát triển rực rỡ, hàng ngàn nhạc phẩm, thi ca, văn chương sáng tác ở thời điểm đó, mãi đến bây giờ mọi người vẫn không ai quên, từ những nhạc phẩm trữ tình của Lam Phương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Ngô Thụy Miên, cho đến những tác phẩm văn học lừng danh của Nguyễn Thụy Long, Chu Tử, Duyên Anh. Và những đoàn trình diễn Cải Lương đêm nào cũng nghẹt rạp, đông khách như Thanh Minh Thanh Nga, Phụng Hảo, Kim Chung, Kim Chưởng. 
Kinh tế của miền nam Việt Nam chủ lực nhờ vào nông sản, với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, sông nước miền nam sạch sẽ, cá lội tung tăng thò tay là bắt được cá, lúa vàng óng ả, môi trường sinh sống không bị ô nhiễm.
Còn nền giáo dục thì quả thật Sài Gòn chính là giấc mơ của Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan, các bạn cứ nhìn câu chuyện tôi kể ở trên là hiểu, bố tôi là người được đào tạo trong nền giáo dục của miền nam Việt Nam, cái triết lý mà ông dạy tôi qua câu chuyện tôi vừa kể, cho thấy nền giáo dục đó tốt đẹp như thế nào, chưa kể đến các ngôi trường ở Sài Gòn, những nữ sinh, nam sinh đều có những sinh hoạt mang tính hướng thiện, chứ không có những trò “bề hội đồng”, chữi thề hay hỗn láo với trưởng bối. 
Tất cả những điều tôi kể trên đã làm nên một Sài Gòn hoa lệ, một Hòn Ngọc Viễn Đông đúng nghĩa, chứ không phải chỉ là những tòa kiến trúc làm nên một Sài Gòn, từng một thời là niềm mơ ước của Đài Bắc, của Seoul, của Bangkok hay của Singapore. 
Và hơn 40 năm nay đảng Cộng Sản cầm quyền, các bạn đã thấy điều gì thay đổi? Hoàn toàn không có, mà chỉ chắp vá dựa trên hạ tầng cơ sở của Sài Gòn cũ, giáo dục thì bế tắc, con người trở nên nhiều cái ác hơn cái thiện, văn hóa thì hoa hòe, 40 năm qua có được những sáng tác văn học nào ra hồn, ngoại trừ những thứ ca ngợi, tô hồng cho chủ nghĩa cộng sản. Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm khắp nơi.
Nói lịch sự là Việt Nam cần thay đổi, nhưng nói một cách trực tiếp thì Việt Nam cần môi trường xã hội hoàn toàn khác với hiện nay, nếu không nói là đối lập với những kẻ cầm quyền hiện nay, chỉ có xóa bỏ hoàn toàn, để xây dựng lại, Việt Nam không còn giải pháp nào khác là đào thãi cái đảng cầm quyền hiện tại. 
Bạn hỏi tôi thay đổi có mang đến chiến tranh hay không? Tôi hỏi lại các bạn ai sẽ gây chiến tranh? Từ quá khứ các bạn đã biết rõ ai là kẻ gây chiến, ai là kẻ dành quyền quản lý miền nam của chúng tôi, đảng cộng sản có nhiều “thế lực thù địch”, vì những điều tàn ác mà họ đã gây ra với người dân miền nam Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam và người dân miền nam thì hoàn toàn không có “thù địch” với ai cả. Do đó các bạn hiểu rõ, nếu thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam thì kẻ gây ra chiến tranh là ai. 
Vậy đi nhé các bạn trẻ thân mến, cuối năm tản mạn với các bạn những điều mà các bạn chưa hề biết, vì nó không nằm trong hệ thống giáo dục của đảng cộng sản, đơn giản là vì những điều tôi vừa nói với các bạn, mang tính nhân văn của người miền nam Việt Nam, sự nhân vân hoàn toàn không có trong chủ thuyết của đảng cộng sản.

(ii) Trọng Thành (RFI): Luật Magnitsky và Luật Tự Do Tôn Giáo 1151 : Thêm cơ hội cho nhân quyền Việt Nam
Ngày 23/12/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phê chuẩn Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu. Trước đó ngày, 16/12, Tổng thống Mỹ phê chuẩn Luật Tự Do Tôn Giáo H.R. 1115. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Virginia) phân tích những điểm mới của hai luật này, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của hai luật đối với các nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, mà những nhà hoạt động tại Việt Nam cần phải biết cách « khai dụng ».
Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), một phần của Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc Phòng năm 2017, được đánh giá là mang lại các chế tài nghiêm ngặt đối với các quan chức, thủ phạm của các vụ xâm phạm nhân quyền « nghiêm trọng », và vợ/chồng, con cái của họ, được đánh giá « là một sáng kiến kỳ diệu », theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. 
Trong khi đó, Luật H.R. 1115 mang tên nghị sĩ Frank Wolf, có thể gọi là « Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế » (bởi đã có luật về Tự Do Tôn Giáo trước đó) (1) đưa ra nhiều quy định mới buộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải nghiêm khắc hơn đối với chính quyền các quốc gia xâm phạm tự do tôn giáo, các tổ chức «tôn giáo quốc doanh », nếu tham gia đàn áp tôn giáo, cũng có thể bị luật này chế tài. 
Cũng trong Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế H.R. 1115, có một đoạn bổ sung ngắn, nhưng quan trọng, vào Luật 1998 : « (…) Quyền tự do về tư tưởng, ý thức và tôn giáo có nghĩa là niềm tin tôn giáo và không tôn giáo được bảo vệ, mỗi người có quyền tuyên bố không theo tôn giáo hay không thực hành tôn giáo nào (...) » (trang 2 của Luật). Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, việc luật mới của Hoa Kỳ chú ý bảo vệ những người có « niềm tin không tôn giáo » có thể mở rộng phạm vi đối tượng được bảo vệ, bao gồm cả những công dân, vì không chấp nhận ý thức hệ toàn trị mà bị đàn áp, ở Việt Nam thường gọi là « những người bất đồng chính kiến » (2).
RFI : Xin ông cho biết những điểm chính của hai luật nhân quyền quan trọng này.
TS Nguyễn Đình Thắng : Trước hết, về cái luật tạm gọi « Luật trừng phạt các thủ phạm đàn áp nhân quyền ». Điểm chính của luật này là đưa ra các biện pháp, trừng phạt cá nhân những giới chức chính quyền can dự vào các trường hợp đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng. Có hai biện pháp trừng phạt. Biện pháp thứ nhất là cấm không cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ, kể cả trong những trường hợp đi công vụ, vào Hoa Kỳ, đối với các thành phần « thủ phạm », và những người hợp tác, cộng sự viên của những thủ phạm ấy.
Biện pháp thứ hai là đóng băng tất cả các tài sản của những thủ phạm đã được đưa vào Hoa Kỳ, dưới tên mình, hoặc dưới tên bất kỳ ai khác. Đây là hai biện pháp đi song hành, để áp dụng, đối với những thủ phạm gây ra các cuộc đàn áp nhân quyền một cách « nghiêm trọng ».
Thế nào là đàn áp nhân quyền ? Định nghĩa rất là rộng. Thứ nhất là vi phạm tất cả những nhân quyền được quốc tế công nhận, tức Liên Hiệp Quốc công nhận. Thứ hai là những thành phần nào đi cưỡng đoạt tài sản của người dân. Chúng ta biết rằng tình trạng cưỡng chế đất ở Việt Nam rất phổ biến, gây nên hiện tượng dân oan. Thành phần thứ ba là những ai, những giới chức chính quyền nào can dự vào những vụ tham nhũng lớn, và rồi đàn áp để bịt miệng những người đã phanh phui những vụ tham nhũng ấy.
Luật thứ hai chúng tôi tạm gọi là « Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế », tăng cường bởi vì thực ra đã có luật tại Hoa Kỳ, tuy nhiên, có nhiều điểm rất lỏng lẻo. Cho nên, nó tạo điều kiện cho bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp dụng luật một cách khá tùy tiện. Như là đối với Việt Nam chẳng hạn, tình trạng vi phạm tự do tôn giáo rất trầm trọng, trong rất nhiều năm qua, nhưng bộ Ngoại Giao chỉ bày tỏ mối quan tâm, chứ không đưa Việt Nam vào danh sách phải bị chế tài, chúng ta quen gọi là danh sách « CPC » (tức Country of Particular Concern). Thứ hai là bộ Ngoại Giao khá rộng quyền để làm giảm bớt đi mức trầm trọng của Việt Nam, và trình bày với Quốc Hội rằng, Việt Nam « trầm trọng » đấy, nhưng chưa vượt ngưỡng để phải đưa vào CPC.
Với cái luật mới, thì không thể như vậy được nữa. Dù mấp mé dưới ngưỡng một tí, thì vẫn phải đưa vào danh sách « Cần theo dõi đặc biệt ». Nếu hai năm ở trong danh sách ấy mà không thay đổi, thì tự động rớt xuống danh sách CPC, để phải đối mặt với các chế tài.
Cái luật này cũng có thêm những điểm rất đặc biệt sau đây. Trước hết, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải lập ra danh sách để phúc trình cho Quốc Hội hàng năm, tất cả những trường hợp vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, kèm theo danh sách thủ phạm. Thứ hai là chỉ ra những « tác nhân ngoài chính phủ » (non-state actor), được sử dụng bởi chính phủ, hoặc tự động đàn áp tôn giáo. Ở Việt Nam, có những trường hợp các tổ chức « tôn giáo quốc doanh », các chức sắc và tổ chức của học, theo luật mới, cũng có thể trở thành « các thực thể phải quan tâm đặc biệt » (3).
Một điểm quan trọng khác trong luật này là bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hàng năm phải gửi danh sách những người bị đi tù vì lý do tôn giáo. Chẳng hạn ở Việt Nam, nếu có một danh sách khá dài, bộ Ngoại Giao phải báo cáo cho phía Quốc Hội cũng như Tòa Bạch Ốc. Nếu danh sách đó dài, thì rất khó để bộ Ngoại Giao bao biện cho Việt Nam như trước đây.
Một điểm cũng rất đặc biệt nữa là không những đương sự, thủ phạm bị chế tài, mà cả vợ/chồng, con cũng không được phép nhập cảnh Hoa Kỳ, và nếu đang có mặt tại Hoa Kỳ, sẽ bị trục xuất.
RFI : Đây là các chế tài mới chưa từng có, hay là những cải tiến về mặt kỹ thuật của việc thực thi luật ?
TS Nguyễn Đình Thắng : Việc chế tài các cá nhân rất nặng nề như vậy là một sáng kiến mới đây, do Quốc Hội Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng rất hãnh diện để trình bày rằng, một trong những người đưa ra sáng kiến rất sáng tạo này, chính là cựu dân biểu Cao Quang Anh. Người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở thành dân biểu của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ. Năm 2010, cùng lúc với thượng nghị sĩ John McCain, dân biểu Cao Quang Ánh đã đưa ra dự luật gọi là « Chế tài Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam », ông John McCain thì đưa ra đạo luật Magnitsky (4), nhắm vào Nga. Cùng tiến hành song song, nhưng không dự luật nào được thông qua cả. Sau đó, thượng nghị sĩ John McCain lại đưa ra dự luật vào Thượng Viện và được thông qua năm 2012. Tổng thống Obama trong thời gian gần đây đã áp dụng đạo luật này để chế tài một số giới chức chính quyền thân cận với tổng thống Putin ở Nga.
Cho đến cách đây ba năm, thượng nghị sĩ Ben Cardin ở Maryland đưa ra sáng kiến là, nếu chỉ giới hạn ở Việt Nam thôi, thì e rằng không huy động đủ sự ủng hộ trong Quốc Hội để thông qua. Ông Ben Cardin mới nghĩ ra cách nới rộng ra toàn cầu. Ở dưới Hạ Viện, dân biểu Christopher Schmit cũng cùng làm như vậy. Chính nhờ vậy mà đạo luật Magnitsky Toàn Cầu đã được thông qua.
Trên toàn thế giới, đây được xem là một sáng kiến rất kỳ diệu. Bởi vì từ trước đến giờ, chỉ có các biện pháp chế tài tập thể, đối với cả một chế độ. Nhiều người không hài lòng với việc ấy. Bởi khi chế tài tập thể có hai trở ngại. Thứ nhất là người dân thường bị ảnh hưởng nhiều hơn. Thủ phạm vẫn phây phây, bởi nó không tác động đến họ nhiều. Thứ hai là nó chỉ hiệu quả, khi rất nhiều quốc gia đồng lòng để chế tài, như đã xảy ra cho Nam Phi trước đây, hoặc Miến Điện gần đây. Ít khi nào nó có được yếu tố đó lắm. Nhưng mà luật chế tài từng cá nhân này nó đánh động đến tâm lý của những giới chức. Và nó không ảnh hưởng đến người dân, không ảnh hưởng đến các chương trình viện trợ, mậu dịch này kia giữa hai quốc gia.
RFI : Hai luật mới có ý nghĩa như thế nào với việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ?
TS Nguyễn Đình Thắng : Muốn khai thác hai luật này, tôi thấy ở trong nước những người đấu tranh, các cộng đồng tôn giáo độc lập, đang bị đàn áp, hoặc các cộng đồng sắc dân bản địa, đang bị đàn áp, sẽ cần phải tạo được cho mình một khả năng, để nhận diện ra những sự vi phạm. Và báo cáo về mỗi trường hợp vi phạm, theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế, của Liên Hiệp Quốc – được các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ công nhận. Mà muốn như vậy, thì những người chuyên về báo cáo phải được đào tạo. Đó là bước đầu tiên rất quan trọng. Bởi, chính quyền trung ương ở Hà Nội có cam kết, nhưng mà sự vi phạm xẩy ra tại các địa phương, và ở các địa phương như vậy, thì quốc tế làm sao theo dõi được. Chỉ có một cách là trong nước phải tạo được cho mình khả năng báo cáo. Và bên ngoài này, ở hải ngoại sẽ đóng được vai trò là nhịp cầu chuyển báo cáo ấy đến các vị dân biểu, thượng nghị sĩ, đặc biệt ở Hoa Kỳ (5).
Vào cuối năm 2016, các nỗ lực vận động quốc tế, đặc biệt là vận động Quốc Hội Hoa Kỳ đã đưa lại hai thành quả rất đáng khích lệ. Đó là hai luật về nhân quyền. Nhưng đó là các biện pháp, không phải là giải pháp. Chúng không tự dưng làm thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng đó là những biện pháp mà chúng ta phải sử dụng. Thành ra, trong năm mới, tôi thấy rằng, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cũng như đồng bào ở trong nước, sẽ còn phải đổ công nhiều hơn nữa so với trước đây, để mà khai dụng các biện pháp. Hiệu quả đến mức độ nào là tùy theo khả năng khai dụng của chính chúng ta (6).
RFI: Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là giám đốc Boat People SOS/ BP SOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển), đồng sáng lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới tại châu Á/Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia (CAMSA). Năm 2011, Sáng Hội Dân Chủ Đài Loan (Taiwan Foundation for Democracy) đã chọn Boat People SOS để trao giải Dân chủ và Nhân quyền Châu Á, do thành tích trợ giúp những người tỵ nạn tái định cư trên toàn thế giới. Trang nhà của BP SOS Truyền thông Mạch sống : http://www.machsongmedia.com/
1) Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế H.R. 1115 mang tên nghị sĩ Frank Wolf, vừa được thông qua, là nhằm điều chỉnh Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 1998.
2) Về điều này, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận xét thêm : « Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế có một khoản mới, nhấn mạnh rằng không nhất thiết (đối tượng bảo vệ) phải là niềm tin mang tính tín ngưỡng, liên quan đến một tôn giáo. Bất luận niềm tin nào, dù không dính dấp với tôn giáo nào, đã làm niềm tin thì phải được bảo vệ. Và các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân hoặc là chế tài tập thể áp dụng cho cả những trường hợp, mà những người, chỉ vì niềm tin ôn hòa của họ, mà bị đàn áp. Xin lấy một vài ví dụ : chẳng hạn như những người tin vào thể chế dân chủ, thay vì thể chế độc tài, họ tin vào cách tổ chức xã hội theo công thức ‘‘xã hội mở’’ chẳng hạn, tin rằng xã hội dân sự là người dân tập hợp lại với nhau, cần phải kiểm soát chính quyền. Hoặc là chúng ta thấy một số người trẻ trong nước bây giờ bắt đầu rộ lên, chưa thành phong trào, nhưng bắt đầu lan dần, một số người yêu mến thể chế Việt Nam Cộng Hòa trước đây chẳng hạn. Nếu họ không làm gì bạo động, ảnh hưởng đến người khác, mà chỉ vì niềm tin thôi mà họ bị đàn áp, thì cái Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng áp dụng cả cho những trường hợp như vậy ».
3) Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhiều năm theo dõi cho thấy, chính quyền Việt Nam muốn xóa bỏ các tôn giáo độc lập, như đạo Cao Đài, các hội thánh Tin Lành độc lập, bằng cách một mặt họ không công nhận những tổ chức, cộng đồng ấy, mặt khác họ lập ra, dựng nên các tổ chức tôn giáo do chính quyền kiểm soát và chỉ định. Ví dụ như bên Cao Đài, Hội Đồng Chưởng Quản do Nhà nước Việt Nam chỉ định thành lập đã chính tự họ, và thường là đi kèm với công an, đến để cướp, cưỡng đoạt các thánh thất Cao Đài còn độc lập. Đưa người đến bao vây, nhiều khi đánh đập các tín đồ Cao Đài độc lập, để rồi cướp luôn tài sản. Đối với đạo Hòa Hảo cũng vậy. Mới đây, có tin một số hội thánh Tin Lành « quốc doanh » ép buộc các tín đồ Tin Lành độc lập phải bỏ đạo, để chuyển sang các hội thánh « quốc doanh ».
4) Về luật Magnitsky, xem thêm bài « Vụ luật gia Magnitsky : Nga trả đũa Mỹ », RFI, ngày 07/12/2012.
5) Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thường thường khi nhận được hồ sơ như vậy, họ liên lạc với phía Việt Nam, qua Tòa đại sứ tại Mỹ, hoặc trực tiếp với bộ Ngoại Giao Việt Nam, yêu cầu phối kiểm thông tin. Phía Việt Nam phủ nhận thì rất khó, vì có các nhân chứng. Nếu Việt Nam công nhận, thì phải có biện pháp trừng trị giới chức cấp dưới, đã vi phạm, nếu không trừng trị, coi như có sự đồng lõa, thì giới chức ở cấp trung ương phải chịu trách nhiệm. Đây thường là những người mà bản thân họ hoặc thân nhân có tài sản, hoặc cư trú tại Hoa Kỳ. Nếu chính quyền chọn cách không trả lời, thì như vậy có sự toa rập, hoặc dung túng cho cấp dưới đàn áp.
6) Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết, kể từ năm 2014, đã phối hợp với hai hiệp hội tại châu Âu để huấn luyện làm báo cáo vi phạm cho một số cộng đồng tôn giáo độc lập, cộng đồng bản địa tại Việt Nam. Đến nay, đã huấn luyện được 800 người, hoàn thành 100 bản báo cáo, được gửi đến Liên Hiệp Quốc, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một số giới chức Quốc Hội Hoa Kỳ, một số quốc gia Liên Âu, Canada, Úc… 800 người được huấn luyện chủ yếu mới tập trung vào 20 cộng đồng. Vì đàn áp xảy ra ở từng địa phương, nên cần người ở cộng đồng. Cộng đồng nào muốn bảo vệ được chính mình phải đào tạo được người cho mình. Cho tới khi nào, rất nhiều cộng đồng phát triển được năng lực ấy, mới hy vọng đàn áp, vi phạm không xảy ra ở phần lớn địa phương ở Việt Nam.
(iii) Hồng Thủy (GDVN): Những nước cờ thần tốc của Donald Trump buộc Trung Quốc "thí quân cứu tướng"
Forbes ngày 23/12 đăng bài phân tích của tác giả Douglas Bulloch nhận định, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump là người không thể đoán trước, sẽ đẩy Trung Quốc từ thế công sang thế thủ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger năm 2011 đã từng ví von, Trung Quốc nuôi dưỡng tâm lý chiến lược khác với phương Tây. Nếu như phương Tây quen chơi cờ vua và giải quyết vấn đề bằng "chiếu tướng", thì Trung Quốc theo tư duy chơi cờ vây, chiếm đất vây thành để hạ đối thủ. Ví von của Kissinger gần như đã trở thành câu cửa miệng. Tuy nhiên nó được lưu ý rằng, ngoài cờ vây, môn cờ tướng cũng phổ biến không kém ở Trung Quốc. Điều quan trọng hơn nữa là, trong lập luận của Kissinger, cách chơi cờ tướng có xu hướng tấn công mạnh hơn, "gây hấn" hơn, nhanh gọn và quyết đoán hơn.
Thuật chơi cờ chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ?
Lý do đặt lại vấn đề này là vì, ngay bây giờ có một ván cờ đang diễn ra giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, luật chơi có thể sẽ thay đổi sau ngày 20/1/2017 khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức ngồi vào phía bên kia bàn cờ.
Động thái mở của ván cờ này đã bắt đầu từ trong chiến dịch tranh cử, với nhiều tuyên bố thẳng thừng từ phía Donald Trump. Khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, những nước cờ có giá trị hơn đã bắt đầu xuất hiện. Có thể kể đến là cuộc điện đàm giữa ông Trump với bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo đảo Đài Loan. Hay việc nhắc lại những tuyên bố rõ ràng về lập trường của Donald Trump đối với quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã được nêu ra trong lúc tranh cử.
Bắc Kinh tấn công trở lại bằng những đòn phát tín hiệu cảnh cáo, nhưng đồng thời vẫn tỏ ra kiên nhẫn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không thích nền dân chủ Mỹ, nhưng họ hiểu được nhu cầu phải tìm cách liên lạc với các nhóm đại cử tri khác nhau. Sau đó Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống vũ khí hỏa lực phòng không "đáng kể" trên đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, rồi "tịch thu" tàu lặn không người lái (UUV) của Mỹ đang hoạt động hợp pháp ở Biển Đông. Mỹ đã im lặng bất thường cho đến khi ông Donald Trump bất ngờ lên tiếng trên Twitter rằng: cứ để Bắc Kinh giữ lấy nó (UUV) - một nhận xét gợi lên sự báng nhạo đối với người Trung Quốc. Nhưng có một logic trong đó. Điều Donald Trump thực sự muốn nói không phải là Trung Quốc nên giữ hay không nên giữ lấy chiếc UUV, mà là Mỹ không cần phải làm gì để đòi lại nó. Không có lời xin lỗi, không một cái bắt tay, hãy gọi đó là hành vi trộm cắp và chờ xem Trung Quốc làm gì. 5 ngày sau, Trung Quốc trả lại chiếc UUV với đề nghị thân thiện về một "kênh phù hợp". 
Tuy nhiên một vài nhà quan sát đã sớm nhận ra rằng, Trung Quốc "tịch thu" chiếc UUV từ tàu khảo sát USNS Bowditch không vũ trang, nhưng họ phải trao lại chiếc UUV này cho tàu khu trục mang tên lửa USS Mustin vừa mới cập cảng Cam Ranh mấy hôm trước. Chiếc US Mustin đã được điều động trực tiếp từ Cam Ranh chạy thẳng ra khu vực gần bãi cạn Scarborough nhận lại UUV từ tàu hải quân Trung Quốc. Theo nguồn tin của tờ The Washington Times ngày 21/12, việc phái USS Mustin ra nhận chiếc UUV là có chủ ý và mang thông điệp cứng rắn với Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ định Peter Navarro là người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia mới. Navarro là một người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Ông là tác giả cuốn sách "Cái chết bởi Trung Quốc".
Trung Quốc "thí quân cứu tướng"
Douglas Bulloch nhận định, những động thái rất quyết đoán của Donald Trump có khả năng đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chuyển sang thế thủ. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn thích và quen lối chơi tấn công, nhưng bây giờ nhận họ thấy cần phải xem xét phản ứng của mình một cách cẩn thận. Truyền thông đã có những báo cáo rằng, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, làm suy yếu đồng USD trong khi nước này đang giữ lượng vàng lớn thứ 2, chỉ sau Nhật Bản. Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực này, đồng USD vẫn tăng giá, trong khi thị trường nợ giống như chất lỏng, còn bản thân Trung Quốc vẫn gặp những trục trặc nghiêm trọng trong thị trường trái phiếu của chính họ. Vài ngày qua, Henry Kissinger đã bất ngờ công khai dành cho Donald Trump những lời khen ngợi có cánh, rằng Trump đang mở ra cho nước Mỹ một cơ hội rất lớn, do cá tính không thể đoán trước của mình nên ông sẽ có thể hỏi rất nhiều "câu hỏi lạ". "Những câu hỏi lạ" sẽ nhắc nhở ai hâm mộ cờ vua về một vài nước đi di chuyển thần tốc, bất ngờ có thể kết thúc một ván cờ. Nó xuất hiện sau một thời gian dài duy trì lối chơi phòng ngự tinh tế, khiến mọi người đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Trong mọi trường hợp, phong cách phi truyền thống của Trump sẽ buộc Trung Quốc phải "thí quân cứu tướng" luôn tồn tại trong tâm trí ông, và ông chỉ còn vài tuần nữa là bước vào Nhà Trắng. 
*** Ls Lê Văn Luân: Chết Bỡi Trung Quốc
(Peter Navarro: Death by China - Confronting the Dragon - A Global Call to Action)
Chết bởi Trung Quốc - một cuốn sách công phu và đầy đủ của thời đại để chỉ rõ bộ mặt của Trung Quốc ngay trong chính nội tại của nó mà vốn được trông thấy như một con quái vật thực sự ra sao.
Tác giả, là một economics professor, đánh giá một cách toàn diện trong tầm nhìn khách quan và trung thực, trên cơ sở dữ liệu và các sự kiện lâu dài, để hoàn thành và bung nó ra khi Trump chắc chắn đắc cử vào vị trí tổng thống Hoa Kỳ.
Ở đây, tác giả đã chỉ rõ Trung Quốc là ai và làm ăn như thế nào để đạt được mục đích của mình. Họ sẵn lắm mưu đồ và đầy toan tính dắt trong các túi khi dàn trải tất cả các lĩnh vực của kinh tế để chia nhỏ và làm giảm giá thành nước Mỹ: họ cho Hoa Kỳ vay nhiều tiền bằng trái phiếu chính phủ, kéo các nhà máy sản xuất của các thương nhân, công ty lớn từ Mỹ về dựng lên trên đất Trung Quốc, rồi từ đây lại xuất khẩu sang cho Mỹ cũng như nhiều nươc khác trên thế giới. Và nhờ đó họ cũng đã đánh cắp được rất nhiều thông tin, tài liệu và công nghệ quý giá mà Mỹ đã không lường trước hoặc do quá tắc trách mà lơ là trong các thương vụ làm ăn quốc gia. Tác giả chỉ rõ một Trung Quốc là kẻ thù của nước Mỹ. Không những thế còn gây chia rẽ thế giới và tiến tới bành trướng quyền lực của mình bằng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", như Nhật Bản đã từng thất bại với giấc mộng "Đại Đông Á" của mình từ đầu thế kỷ 20.
Trong cuốn sách, tác giả đã chỉ rõ một Trung Quốc gian manh, lắm mưu đồ và với những toan tính thâm hiểm hơn người ta có thể tưởng tượng. Ông cũng chỉ rõ một đất nước mà chứa rất nhiều những bất công, gần như không có luật pháp, nhân quyền và việc làm ăn là của chính quyền chứ không phải là các doanh nghiệp thực sự - thương nhân, doanh nghiệp là sân sau và phục vụ mục đích chính trị lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ sẵn sàng dùng các thủ đoạn và đầu độc, giết chết những ai trái lợi ích của giới cầm quyền để duy trì quyền lực tuyệt đối của đảng. Tác giả đã cho rằng sự mềm mỏng có tính uỷ mị và thiếu quyết đoán của những người tổng thống tiền nhiệm chính là cơ hội để cho Trung Quốc lấn tới và đã có phần đạt được nhiều mục đích của mình.
Đọc cuốn sách này, tác giả đã nhắc tới chiến lược "Cây gậy lớn" của Theodore Roosevelt, vị tổng thống lừng danh thứ 26 của Hoa Kỳ mà đã vực dậy nước Mỹ khỏi khủng hoảng kinh tế và chiến tranh.
Chết bởi Trung Quốc, một góc nhìn toàn cảnh, trực diện và cương quyết dành cho những ai còn mơ hồ và ảo tưởng về một Trung Hoa vững mạnh, tử tế và có tinh thần nhân bản, văn minh. Mỹ, chắc chắn đã nhìn ra từ lâu và giờ là thời điểm họ hành động, mà như Trump đã quả quyết, đã đến lúc phải cứng rắn với Trung Quốc và bắt họ phải tuân thủ luật chơi quốc tế. Đã đến lúc cả hai cùng chơi một ván cờ, nhưng là người Mỹ chơi cờ vây của Trung Quốc, còn Trung Quốc lại tập chơi cờ vua của người Mỹ. (Nguồn: facebook.com/luatsuluanle)
(A feature-length documentary film based on the book, narrated by Martin Sheen and also titled Death by China, was released in 2012)
*** Đôi lời (DLB): Rất khó có thể tin Donald Trump vì giữa lời nói và việc làm của ông ta luôn mâu thuẫn với nhau. Nghe Trump nói, nhiều người nghĩ rằng ông ta sẽ đặt trọng tâm vào hai nguyên tắc “Mua hàng Mỹ và thuê lao động Mỹ”, nhưng thật ra công ty riêng của ông ta vừanộp đơn xin Bộ Lao Động Mỹ cho thuê công nhân nước ngoài vì giá công nhân rẻ. Còn đồ đạc Trump bán trong cửa hàng Saks Off Fifth ở Trump Tower thì toàn là hàng “Made in China” và các nước khác, không có hàng hóa sản xuất ở Mỹ. Làm sao có thể tin được Trump? Cho nên, xin mượn lời cố TT Nguyễn Văn Thiệu; “Đừng tin những gì Trump nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Trump làm”.
(CHARLOTTESVILLE, Virginia (NV) – Một bản tin của CNN hôm Thứ Sáu cho biết vườn nho và xưởng làm rượu chát ở Charlottesville, Virginia, do gia đình tổng thống đắc cử Donald Trump làm chủ, và hiện do ông Eric Trump, con trai ông quản lý, vừa nộp đơn xin Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho thuê mướn công nhân nước ngoài. Vườn nho ở Charlottesville cũng như ủy ban chuyển quyền của tổng thống tân cử từ chối không cho biết lý do vì sao phải sử dụng công nhân ngoại quốc...etc...).
(The New York Times: For the Trumps, ‘Made in U.S.A.’ May Be a Tricky Label to Stitch.
At Saks Off Fifth recently, an Ivanka Trump white polyester and spandex blouse made in Indonesia was marked down to $34.99, from $69. A few racks over, her black and white jacket came from Vietnam, while several blocks away, at Macy’s, her leather bootee manufactured in China sold for more than $100. At the Trump Tower on Fifth Avenue, a $35 blue cotton cap embroidered with “Trump National Golf Club” was made in Bangladesh. A Trump Tower hoodie from Pakistan set tourists back $50.
A majority of clothes these days are made anywhere, but in America...etc...)

(iv) Bùi Tín (VOA): Nguy cơ lớn, Thời cơ lớn
Năm 2017 đã đến. Tình hình thế giới mang nhiều yếu tố mới khác thường, đưa đến nhiều lo âu, hồi hộp, dự đoán trái ngược nhau. Nhiều nhà bình luận nói đến “Thế chiến mới đã khởi đầu”, bàn đến “Chiến tranh lạnh đợt II giữa phương Tây và nước Nga hậu Cộng sản của Putin”, đến “chiến tranh tôn giáo dai dẳng”, đến “chiến tranh nguyên tử khó tránh khỏi”. Trung Đông, Đông Âu, Ukraine và Crimea, Biển Đông Việt Nam, Biển Đông Trung Hoa, Eo biển Đài Loan là những khu vực có nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang. Trong khi đó mối đe dọa của chiến tranh kinh tế, tài chính – tiền tệ, hối đoái ngày càng nghiêm trọng, khủng hoảng môi trường sinh thái không ngừng lan rộng, thảm họa thuyền nhân – người di tản ở các châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Úc vẫn kéo dài.
Một nguy cơ nổi bật nhất là sự thay đổi quyền lực tối cao ở Hoa Kỳ, cường quốc số một của thế giới, với một nhà kinh doanh tỷ phú đôla chưa từng nắm giữ một chức vụ dân cử nào sẽ trở thành tổng thống trong 4 hay có thể 8 năm tới, một hiện tượng bất ngờ gần như tuyệt đối không hề được dự đoán trước. Sự lo lắng của phần lớn loài người là rất dễ hiểu. Ông Donald Trump tính khí thất thường, ăn nói xô bồ, bỗ bã, lại chọn ra một loạt cận thần vừa mị dân, vừa cực đoan, có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nặng về bảo hộ quyền lợi nước nhà trước hết, nhẹ về nghĩa vụ quốc tế, coi trọng lợi nhuận, coi nhẹ nhân quyền... Nếu được thực hiện, các chính sách của chính quyền mới này sẽ làm cho quan hệ quốc tế thêm hỗn loạn, rối rắm, nội tình nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng; các chủ trương kinh tế tài chính ngoại giao, quốc phòng, an ninh không nhất quán và thiếu đồng bộ sẽ biến mục tiêu trung tâm của ông Trump “Hãy làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” thành một khẩu hiệu mỉa mai, viển vông.
Đêm nằm lo nghĩ băn khoăn về những nguy cơ cực lớn sẽ diễn ra trong năm mới 2017 sắp đến cho cả loài người – mà Việt Nam là một thành viên – bỗng bừng lên trong tôi một niềm tin, một hy vọng lạc quan, khi nghĩ rằng con người là một động vật thông minh, có trí tuệ, do đó cuộc sống của loài người đã phát triển không ngừng nghỉ, đạt đến nền văn minh ngày nay. Khi con người luôn vượt qua chính mình để phát minh ra ngọn lửa, các loại kim khí, điện lực, tiếng nói, chữ nghĩa, nền khoa học kỹ thuật, nền văn hóa văn minh hiện tại, thì không có gì tốt đẹp hơn, văn minh hơn là không thể đạt.
Tôi không còn bi quan thất vọng như hồi đầu tháng 12. Chính ông Trump sau khi đắc cử không còn ăn nói hàm hồ, còn biết tỏ lời khen đối thủ của mình là bà Hillary Clinton, cám ơn Tổng thống Barack Obama về những góp ý trong giai đoạn chuyển giao chính quyền. Ông đã hạ thấp con số người nhập cư phi pháp sẽ bị trục xuất từ 15 triệu xuống 1 đến 2 triệu, ông không còn nói đến bức tường kiên cố ngăn đôi biên giới Hoa Kỳ – Mexico rất tốn kém, mà nói đến một kiểu hàng rào đơn giản hơn...
Ngay sau khi đắc cử, ông Donald Trump hứa sẽ là “tổng thống của mỗi công dân Hoa Kỳ”, trong số đó có hơn một nửa số đi bầu đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, và cũng có gần một nửa đã không đi bầu. Do đó thật ra ông Trump chỉ được sự tín nhiệm của chưa đến 25% tổng số cử tri Hoa Kỳ. Đây là một vết đen luôn luôn cảnh báo, nhắc nhở ông. Và cũng có thể nói đây là niềm lo âu lớn nhất của ông Trump, của đảng Cộng hòa, của các trợ lý và cố vấn thân tín nhất của ông, cũng như của đa số dân biểu, thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Ông không những mắc nợ những cử tri đã bầu cho ông – những công nhân da trắng ít học – mà ông cũng phải tranh thủ những người từng bỏ phiếu chống đối ông – những công dân đủ mọi màu da màu vốn là người nhập cư từ mọi châu lục, đang là lực lượng lao động nền tảng xây dựng nhà cửa, hệ thống giao thông, cầu cống, khai thác khoáng sản, làm dịch vụ đủ loại trên đất Mỹ. Ông phải ra sức đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp trung lưu ở các vùng thành thị và nông thôn – vốn là số đông áp đảo trong lao động và dịch vụ trong cả nước – đồng thời phải biết chăm chú lắng nghe các nhà trí thức, khoa học kỹ thuật, các nhà phát minh, các giáo sư, các nhà ngoại giao trong các think tank của nước nhà. Phần lớn các trí thức hàng đầu đều không đồng tình với cách suy nghĩ theo cảm tính của ông, và họ đã cùng nhau cam kết không để cho cái phần nguy hại trong quan điểm chính trị của ông được mang ra thực hiện, gây tai họa cho đất nước.
Hoa Kỳ là nước dân chủ cao độ, nhưng dân chủ cũng là một quá trình hoàn thiện không ngừng.
Do đó 4 hay 8 năm tới, thời gian cầm quyền của ông Trump là một quá trình phản biện quyết liệt, cọ xát các quan điểm bất đồng, đối lập có khi rất gay gắt, rất căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng hòa, giữa Cộng hòa và Dân chủ, giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa chính quyền và công luận, giữa nhà nước và báo chí truyền thông. Cuộc đấu tranh có thể sẽ rất quyết liệt, và có cả những tiên đoán rằng chức vụ tổng thống của ông Trump có thể bị phủ định, bị phế truất, nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất để cuối cùng Hoa Kỳ tìm lại được “sự vĩ đại” thật sự của mình.
Nhưng Nguy cơ lớn thường dọn đường cho Thời cơ lớn. Hai điều đó thường song hành với nhau. Trong cái họa lớn thường tiềm ẩn cái vận may lớn là thế. Mong rằng Hoa Kỳ sau cơn bàng hoàng sẽ tìm ra được sự đồng thuận quốc gia sáng suốt, dân chủ, bình đẳng, văn minh, nhằm hoàn thiện thể chế dân chủ đa nguyên và tham gia mạnh mẽ vào việc đẩy lùi các thể chế độc đoán tàn bạo, xứng đáng là cường quốc dân chủ văn minh tiêu biểu của loài người trên hành tinh tuyệt vời này.

(v) Trần Quốc Quân: Biết ơn Gorbachev vì có công khiến Liên Xô sụp đổ
Ngày này25 năm trước (25/12/1991), tôi ngẫu nhiên trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Tôi quan tâm chính trị từ rất sớm. Tôi còn nhớ như in năm 1968 khi còn là cậu bé 10 tuổi, tôi với ba người bạn cùng trại trẻ quân đội C12 đã xé tờ họa báo Trung Quốc, bôi phân gà lên ảnh Mao Trạch Đông để phản đối Cách mạng Văn hóa và ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ. Hành động này của chúng tôi đã bị cô giáo phạt úp mặt vào tường. Tất nhiên nhận thức của lũ trẻ chúng tôi lúc đó chỉ là do nghe lỏm chuyện người lớn, những người bố, sĩ quan chỉ huy của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chuyện với nhau.
Lý tưởng
Năm 1973, khi mới 15 tuổi, tôi suýt rơi nước mắt khi được nghe kể về Tổng thống Chile Salvador Allende với khẩu súng AK47 (quà tặng của Phidel Castro) trong tay chống lại cuộc tấn công đảo chính vào dinh tổng thống của quân đội tướng Pinochet và đã hi sinh anh dũng.
Năm 1983, tôi trở thành đảng viên cộng sản khi mới 25 tuổi. Thú thật, việc vào Đảng của tôi trước hết 50% do cơ hội. Lúc đó tôi công tác tại một cơ quan kinh tế đầu não Chính phủ, muốn thăng tiến dứt khoát phải là đảng viên. Nhưng bên cạnh đó, tôi có 50% là do say mê lý tưởng. Nếu không xuất ngoại năm 1988 và được mở mắt, dám chắc bây giờ tôi là một trong những dư luận viên kiên trung của Đảng.
Năm 1989, khi Ba Lan tiến hành Hội nghị Bàn tròn, hiệp thương giữa chính quyền Cộng sản và Công đoàn Đoàn kết và sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đầu tiên, tôi vẫn một lòng chống lại phe đối lập dân chủ, ủng hộ đảng "anh em".
Dao động
Chỉ đến khi kết quả bầu 100 ghế Thượng nghị viện, phái Cộng sản cầm quyền không được ghế nào tôi mới bắt đầu hồ nghi. Đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 1990, Walesa lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết thắng lợi vang dội thay Tướng Jaruzelski lên làm Tổng thống Ba Lan thì tôi hoang mang thực sự. Chứng kiến những thay đổi kì diệu trên đất nước Ba Lan từ khi chuyển sang thể chế mới, tôi dần thay đổi quan điểm chính trị.
Ngày 19/8/1991, tôi đang ở Việt Nam thực hiện phi vụ đánh áo gió sang Ba Lan. Cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm chào đón tôi thì đài truyền hình thông báo tin thời sự đặc biệt "Ủy ban tình trạng khẩn cấp Liên Xô thay thế Tổng thống Gorbachev tạm thời quản lí đất nước". Sáu đảng viên trong gia đình tôi gồm ba má và bốn người anh trai reo hò ủng hộ phái đảo chính, một mình tôi là út, đảng viên trẻ nhất ủng hộ Gorbachev và Yeltsin. Cuột xung đột tư tưởng với phần thắng đương nhiên thuộc về đa số gần như tuyệt đối. Tuy say sưa lý tưởng cộng sản từ khi còn trẻ nhưng tôi luôn thuộc phái cấp tiến, cổ vũ nhân tố mới. Chính vì thế, tôi ủng hộ Gorbachev từ khi ông còn là Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, hồi 1982. Khi Tổng bí thư Andropov chết, tôi nhiệt thành ủng hộ Gorbachev lên thay, nhưng tôi ghét cay ghét đắng Chernenko khi ông được chọn chứ không phải Gorbachev. May mà trị vì chỉ hai năm thì ông chết, nhường cơ hội đổi mới cho Gorbachev.
Có lẽ vì quá sùng bái tư tưởng Perestroika mà tôi luôn ủng hộ Gorbachev, kể từ việc nhỏ và có vẻ phi lí như cấm rượu trở đi.
Niềm tin bị đổ vỡ
Ngày 23/12/1991, phải đưa một xe tir áo gió sang Dom 5 cũ trên phố Ulianova Dmitria, Moscow tiêu thụ, tôi kí hợp đồng với hãng vận tải Ba Lan. Với dân nước này ngày Giáng Sinh rất thiêng liêng nên người lái xe tir bày ra kế hỏng cái gạt nước (trời mưa tuyết) để tới sau lễ mới chịu đi. Nhưng vì có khách hàng đặt trước nên tôi không nhượng bộ, chủ hãng xe sợ mất khách quen nên cũng gây sức ép bắt lái xe phải đi ngay trong ngày. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận mãi về điều này. Chiều tối ngày 24/12, xe tir gồm lái xe và một người áp tải tới Moscow. Tôi ngồi tàu hỏa sang sau.
Ngày 25/12, Gorbachev đọc thông điệp tuyên bố giải thể Liên Xô. Tôi vẫn còn nhớ cái chỉ tay của Yeltsin vào tờ giấy và ánh mắt bất bình của Gorbachev lúc đó.
Chính quyền tan rã, bộ máy nhà nước tê liệt cộng với Giáng sinh Chính thống giáo và năm mới nước Nga muộn hơn lịch Công giáo khiến ba chúng tôi phải vật vờ nằm chờ suốt hai tuần trong một căn hộ heo hút gần vành đai 2 Moscow. Nước Nga thời gian đó rất khó khăn, thiếu thốn. Có lần thèm thuốc lá, tôi phải lội tuyết dày tới nửa mét rồi ngồi tàu điện ngầm vào tận trung tâm mới mua được một tút Stolichnyje. Có tiền, muốn được ăn thịt, ăn cá chúng tôi chỉ có cách đi chợ nông trường. Vào cửa hàng trên phố tôi chỉ thấy các gương mặt lam lũ xếp hàng. Vào các quán ăn, bến tàu, bến xe tôi chỉ thấy dân say rượu vật vờ. Ra khỏi thành phố tôi thấy các nông trang tập thể với tên rất kêu "Con đường sáng" leo lét ánh đèn, xập xệ nếp nhà nhỏ run rẩy trong mưa tuyết. Thành trì của cách mạng thế giới đây ư? Chủ nghĩa xã hội với tôi lúc đó thật tăm tối. Niềm tin vào lý tưởng cộng sản của tôi sụp đổ từ đó. Và chính từ sự được chứng kiến tận mắt cái gọi là xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển đang trên đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản khiến tôi quyết định từ bỏ đội ngũ.
Cảm ơn "tội đồ" làm đổ vỡ Liên Xô Gorbachev! Nhờ ông mà Ba Lan, Đức và các nước Đông Âu có được cuộc sống dân chủ và thịnh vượng ngày hôm nay. Nhờ ông mà Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhờ ông mà đầu đạn hạt nhân nóng chĩa vào nhau được tháo ngòi dù chỉ là tạm thời.
Nhờ ông mà bản đồ thế giới đã được vẽ lại bằng các nét bút tích cực. Trong trái tim tôi, tượng đài ông được đúc bằng vàng.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một người đang sống tại Ba Lan. Bài được gửi cho BBC sau khi đã đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Trần Quốc Quân).

(vi) Xuân Thọ: Việt Nam & Do Thái
Hôm qua sau khi post clip bài „Cầu nguyện cho các bà mẹ“ của cô nhạc sỹ Do Thái Yael Deckelbaum, tôi nghe đi nghe lại bài hát đó để thưởng thức âm nhạc và tiếng Hebrew. Ngôn ngữ này có gì đó giống tiếng Ả-Rập với âm thanh kh..kh… phát ra từ cố họng.(Nghe ở đâyhttps://www.youtube.com/watch? v=YyFM-pWdqrY&feature=youtu.be )
Cần phải nói rõ: Hebrew từng là một tử ngữ, như tiếng Latin hiện nay, tức là 1 ngôn ngữ chỉ tồn tại trên văn tự cổ. Mọi hình thức sinh ngữ như văn học, nghệ thuật, ca nhạc, sách giáo khoa đã bị cấm từ hàng ngàn năm, khi người Do Thái bị mất tổ quốc trong cuộc chiến tranh Jerussalem năm 70 sau công nguyên. Người Do Thái phiêu bạt khắp thế giới, sống thành các cộng đồng bị khinh bỉ, bị hắt hủi trong các khu ổ chuột. Ở tất cả các nước họ phiêu bạt đến, người Do Thái phải chịu đựng một chính sách đồng hóa khốc liệt. Nạn diệt chủng của Hitler (Holocaus) chỉ là vụ tàn sát cuối cùng trong hàng ngàn thảm kịch của dân tộc Do Thái.
Vậy mà ngày nay, tại Israel, họ đã khôi phục tiếng Hebrew thành một sinh ngữ với những bài hát hay và rung động như bài hát trên đây. Nhà văn Shai Agnon còn đoạt giải Nobel về văn học, trong đó có nhiều tác phẩm viêt bằng tiếng Hebrew.
Dân tộc Việt cũng là một dân tộc có sức sống mãnh liệt, có thể so sánh với Do Thái nên mới gìn giữ được văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc riêng của mình sau 1000 năm Bắc thuộc và hơn 1000 năm âm mưu thôn tính sau đó.
Các đế quốc Nguyên-Mông, Mãn Châu, Tarta ở Trung Á đều đã từng xâm chiếm Trung Quốc, quê hương của nhưng chàng AQ. Nhưng rồi chúng lần lượt bị nền văn hóa khổng lồ của dân tộc này đồng hóa ngược lại. Do vậy việc ta vẫn nói tiếng ta, vẫn chơi đàn bầu, mặc áo dài và từng hò nhau „Đánh cho để đen răng, đánh cho để dài tóc“ là một bằng chứng về sức sống của dân tộc Việt.
Rõ ràng người Việt và người Do Thái có nhiều điểm tương đồng và vài điểm dị biệt mà tôi xin tóm lược ra đây:
Cả Việt Nam và Do Thái đều là những dân tộc thiện chiến. Do Thái 1948-1973 với 3 triệu dân, tả xung hữu đột trong hơn 100 triệu người Ả Rập như vào chỗ không người. Việt Nam 3 lần đại phá quân Nguyên, đánh tan hàng trăm ngàn quân Tống, Minh, Thanh, Xiêm-La v.v. Đó là chưa kể đến thành tích „đánh thắng ba đế quốc lớn“ thời hiện đại…
Cả Việt Nam và Do Thái đều giỏi về canh nông. Do Thái giỏi về canh nông bằng nước phun sương, rỏ giọt trên sa mạc, Việt nam giỏi trồng lúa nước trên quê hương 5 tấn.
Cả hai dân tộc đều thiên tả, thích xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Các công xã (Commune) làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, không dùng tiền bạc đầu tiên của loài người được thành lập tại Israel từ năm 1910 gọi là Kibbuz, trước cả khi đảng CS Đông Dương ra đời. Các Kibbuz ở Israel là các công xã thực sự, chỉ kết nạp các thành viên tự nguyện, không sử dụng tiền bạc trong nội bộ, không phân chia giai cấp. Tất cả các thành viên đều trung thành với tư tưởng công bằng, bác ái và đều có năng suất lao động cao. Ngày nay tại Israel vẫn tồn tại 272 công xã cộng sản loại này với 117.000 người tự nguyện. (Xem ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/ Kibbutz )
Việt Nam cũng quyêt tâm xây dựng ChuNghiaCongSan, tuy biết rằng cuối thế kỷ 21 này chưa chắc đã xong. Việt Nam không chấp nhận nền kinh tế cộng sản, vì vẫn tiêu tiền, vẫn tích tụ tư bản, nhưng có gần bốn triệu người thề thốt trung thành với lý tưởng CS! 
Việt Nam cũng đề cao công bằng và bác ái, nhưng có một số người công bằng hơn kẻ khác. Họ được chia nhau tài sản xã hội và để nhóm còn lại công bằng chia nhau cái nghèo.
Người Do Thái thiện chiến đang bành trướng đất nước họ, ngày càng xây dựng nhiều khu định cư, cướp quyền sống của người láng giềng Palestine, trong khi người Việt đang từ chỗ bành trướng lãnh thổ trong trong ba thế kỷ 16,17,18, nay đang để mất dần biển, đảo và nghe đâu cả Mục Nam Quan và Thác Bản Giốc.
Người Do Thái rất thông minh nhưng không chịu hiểu một chân lý đơn giản: Phải từ bỏ đối đầu, phải xây dựng nền hòa bình với người Palestine và tôn trọng quyền làm người của họ để bảo vệ sự thịnh vượng và chế độ dân chủ. Ông Abbas bảo: Họ không chịu hòa bình!
Người Việt Nam thông minh hơn, chịu yên phận để từ bỏ sự thịnh vượng và phát triển. Nói theo kiểu bà Phạm Chi Lan là: Không chịu phát triển!
So với chả sánh. Ai thấy đúng thì like, nếu thấy sai thì cãi nhé!

II. Văn Nghệ
(i) Nhà văn Đào Hiếu: Giáng Sinh muộn 2016
Lễ Giáng Sinh qua rồi tôi mới nhớ rằng mình đã không chúc tụng ai cả. Ngày Tết cũng vậy, sinh nhật, lễ lạt hội hè cũng vậy. Đời tôi gần như không quan tâm đến những dịp ấy.
Có lẽ vì tôi không có ngày sinh, vì tôi sinh ra trong chiến tranh nên không một ai trong gia đình nhớ cái ngày ấy, kể cả mẹ tôi. Ngày sinh ghi trong giấy khai sinh chỉ là ngày giả, một nhân viên hộ tịch xã đã lấy đại cái ngày đi làm giấy khai sinh làm sinh nhật tôi.
Nhưng có lẽ sẽ có người thân của tôi nhớ chính xác ngày mất. Ít ra là các con tôi. Cũng như tôi đã nhớ chính xác ngày giỗ cha mẹ tôi. Chỉ vì đó là những cuộc chia tay cuối cùng, là chuyến ra đi không trở lại.
Nhiều năm nay tôi vẫn nghĩ: đời mình không có ngày sinh nhật, không có ngày Tết, không có ngày lễ, không có Giáng sinh, không có Phật đản, không có Quốc khánh, không có giỗ tổ Hùng Vương…
Những ngày tưởng niệm các vị “anh hùng dân tộc”… đối với tôi còn vô nghĩa hơn nữa, vì tôi vẫn nghĩ: “giải phóng dân tộc” cũng chỉ là một cái nghề hái ra tiền như kinh doanh địa ốc, như nuôi bò sữa…Từ hàng ngàn năm nay, trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu chế độ, ngành kinh doanh này luôn mang lại siêu lợi nhuận, vượt xa sản xuất vũ khí, vượt xa khai thác dầu mỏ… bởi vì những nhà kinh doanh này không phải vay vốn ngân hàng, họ vay máu của nhân dân, và đến khi thành công, họ liền quay lưng, bỏ mặc đồng bào mình sống lầm than, đói rét, mặc dù những lợi nhuận mà họ thu được là kinh khủng, là “cao như núi, dài như sông”, là mênh mông như biển cả.
Cho nên tôi vẫn có tâm lý xa lánh những ngày đó.
Cho nên ngày tháng của tôi thật buồn tẻ, thật đơn điệu, như những chiếc lá tàn héo, rụng dần, trôi hững hờ trên dòng thời gian bất tận. Chỉ còn lại ngày giỗ cha mẹ tôi, tôi thường bắc ghế ngồi cạnh bàn thờ, rót một chén rượu nhỏ mời cha tôi cùng uống cạn.
Và đôi khi tôi khóc.
(ii) Thơ Thái Bá Tân
Việc Lành
Được Thần Phật, bố mẹ
Cho sinh ra làm người,
Tôi cũng chỉ được sống
Ngắn ngủi như mọi người.
      Cuộc đời ngắn ngủi ấy
      Dành hết cho thơ ca.
      Nay chỉ muốn sống nốt
      Chút còn lại tuổi già
Cùng thiên nhiên, cây cỏ,
Vui vầy bên cháu con.
Nhưng nếu cần, nếu được,
Để đất nước trường tồn,
      Tôi không ngần ngại chết,
      Không ngần ngại đấu tranh.
      Hy sinh cho Tổ Quốc
      Cũng là làm việc lành.
.............................. .............................. .............................. ...........
Kính
NNS

Không có nhận xét nào: