Nhạc:
1. Chiếc Lá Cuối Cùng: Tuấn Khanh - Sĩ Phú
<!>
2. Mộng Ban Đầu: Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương - Ngọc Hạ
3. Đêm Trao Kỷ Niệm: Hùng Cường sáng tác & trình bày (Thu âm trước 1975)
4. Giọt Lệ Thiên Thu: Trịnh Công Sơn sáng tác & trình bày (Thu âm trước 1975)2. Mộng Ban Đầu: Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương - Ngọc Hạ
3. Đêm Trao Kỷ Niệm: Hùng Cường sáng tác & trình bày (Thu âm trước 1975)
Tình thân,
.............................. .............................. .............................. .......
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Cô Tư SàiGòn: Đánh tan quân phương Bắc
Lịch sử dân tộc Việt Nam là triền miên kháng cự quân Phương Bắc, từ xa xưa là thời Phù Đổng nhổ tre đánh tan giặc Ân, cho tới các trận vang danh thời vua Quang Trung thời Tây Sơn... Trong đó, có một người chỉ huy 2 đợt đánh tan quân Phương Bắc: Vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ngày 7/12 trong tuần này là sinh nhật của vua Trần Nhân Tông.
Một số người liệt kê ra rằng Việt Nam đã đánh tan quân Phương Bắc tới hơn chục lần, kể từ cổ đại cho tới các trận do Vua Quang Trung chỉ huy.
-- Năm 1218 trước Tây lịch, Giặc Ân vào VN, bị quân Phương Nam do Ngài Phù Đổng đánh tan.
-- Năm 214 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư dẫn 50 vạn quân xâm lăng đất Việt. Bị quân Việt đánh tan, Đồ Thư bị giết.
-- Năm 181 trước Tây lịch, nhà Hán sai tướng Chu Táo kéo quân đánh Nam Việt, thua chạy về bắc.
-- Năm 40 Tây lịch, Hán Quang Vũ đưa binh chiếm, cai trị đất Nam. Dân Việt kháng chiến dưới cờ bà Trưng Trắc, chiếm lại 65 thành.
-- Năm 541 Tây lịch, Lý Bôn khởi nghĩa, giành độc lập, năm 544 xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.
-- Năm 938 Tây lịch, nhà Hán sai Hoằng Tháo kéo quân xâm lăng, bị Ngô Nam Đế, tức Ngô Quyền, dàn trận cọc gỗ bọc sắt trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân Hán, giết Hoằng Tháo.
-- Năm 981, Lê Đại Hành đánh tan quân nhà Tống, với trận Chi Lăng, giết Hầu nhân Bảo.
-- Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết kéo hơn 30 vạn quân vào Nam xâm lăng, bị Tướng Lý Thường Kiệt đánh tan ở sông Như Nguyệt.
-- Năm 1257-58, quân Mông Cổ tấn công Đại Việt, chiếm Thăng Long, đốt phá và giết quân dân trong thành. Vua Trần thái Tông với tướng Trần Thủ Độ chỉ huy quân Nam, đánh tan quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ rút và bị chận đánh ở Qui Hóa.
-- Năm 1284, quân Nguyên Mông đưa các danh tướng Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng nước Nam. Vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Diên Hồng, toàn quôc kháng chiến, cùng các tướng Hương Đaọ Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều danh tướng đánh tan quân phương Bắc, giết Toa Đô ở Tây Kết, dẫn đại quân chiếm lại bến Vạn Kiếp, Thoát Hoan chạy kịp về Tàu.
-- Năm 1287-88, quân Nguyên Mông hai đường thủy bộ, kéo thêm 50 vạn quân xâm lấn, với hơn 800 chiến thuyền, cùng với đoàn tàu 100 chiếc chở lương thực đánh chiếm nước Nam, chiếm được Thăng Long. Tháng 3/1288, cạn lương, Thoát Hoan sai Ô mã Nhi mở đường theo sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương dùng kế đóng cọc bịt sắt xuống sông Bạch Đằng, diệt hoàn toàn thủy quân của giặc Nguyên. Thoát Hoan bỏ chạy, bị quân Nam đánh tan ở Lạng Sơn.
-- Quân nhà Minh chiếm nước Nam từ 1406, bắt đầu đồng hóa dân ta với dân Tàu... Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Năm 1427, giặc Minh đưa thêm 2 đạo quân vào Nam. Các tướng quân Bắc do Liễu Thăng, Mộc Thạnh chỉ huy. Liễu Thăng bị giết ở Chi Lăng. Mộc Thạnh bỏ chạy.
-- Nước Nam lại bị quân Nhà Thanh chiếm từ 1788, do Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân chia làm 3 đạo, đánh Đại Việt, chiếm Thăng Long. Năm 1789, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mộ được 10 vạn quân binh, 100 con voi, đánh thần tốc, chỉ trong mấy ngày, quân Tây Sơn thắng liên tục, qua Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi... Mùng 5 Tết, quân Tây Sơn vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc giáp, lên ngựa chạy, quân Tàu chạy, chết đuối chật sông Hồng.
Bây giờ, nghe chuyện Biển Đông, lòng bỗng bùi ngùi...
Còn chuyện Hiệp định Thành Đô nữa...
Có phải lịch sử đang đổi hướng?
(ii) Phạm Đoan Trang: Fidel Castro, Hồ Chí Minh, và vấn đề "tính chính danh"
Gửi những bạn yêu mến Fidel Castro, “cha già dân tộc” của nhân dân Cuba: Bài viết dưới đây đặc biệt dành cho các bạn. Nếu có bình luận gì, xin các bạn lưu ý: Mình chưa từng nói bất cứ ai ủng hộ quốc tang Fidel là ngu dốt, thần kinh…, nên mong các bạn cũng đừng dùng lập luận “chỉ có lũ vô ơn, vong ân bội nghĩa mới không tán thành quốc tang”. Ngoài ra, để kể về tình cảm và ân nghĩa giữa đảng và nhà nước Cuba với đảng và nhà nước Bắc Việt thì mình kể hay hơn dư luận viên nhiều, cho nên cũng không cần phải nhắc mình về điều đó.
Bài viết sẽ giải thích vì sao ở Việt Nam, yêu mến lãnh tụ cộng sản lại được xem là một phẩm chất tốt đẹp. Nó liên quan đến vấn đề “tính chính danh của nhà cầm quyền”.
* * *
Tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng. Tóm lại, chính quyền có chính danh tức là việc cầm quyền của họ là phù hợp, thích đáng trong suy nghĩ của người dân, và (vì thế) người dân chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.
Làm thế nào để một tổ chức có được tính chính danh để trở thành chính quyền? Theo nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920), có ba cách:
1. Nhờ truyền thống (cha truyền con nối);
2. Nhờ có sức hấp dẫn của lãnh tụ, lãnh đạo;
3. Nhờ được thành lập và vận hành hợp pháp và hợp lý (dân chủ).
Trong đó, cách 2, chính danh nhờ có lãnh tụ kiệt xuất, là cách phổ biến ở các nhà nước độc tài. Các chính thể ở đó được công nhận là chính danh nhờ sự hấp dẫn của một cá nhân nào đó được công chúng sùng bái, và cá nhân đó đóng vai trò lãnh tụ, lãnh đạo. Ví dụ như các chính quyền Napoleon (Pháp), Mussolini (phát xít Ý), Hitler (Đức quốc xã), Fidel Castro (Cuba cộng sản), Khomeini (Hồi giáo Iran), Lenin, Staline (Liên Xô), Mao Trạch Đông (Trung Quốc cộng sản), dòng họ Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên),Hồ Chí Minh (Việt Nam cộng sản)..
Nói cách khác, những chính quyền đó có được tính chính danh nhờ việc họ có một gương mặt cá nhân nào đó có sức hấp dẫn to lớn đối với dân chúng, được ngợi ca bởi công đức trời biển, được tôn vinh như “tiên đế”, “cha già dân tộc”, “khai quốc công thần”. Chừng nào nhân vật ấy còn được sùng bái, chừng đó chính thể còn có tính chính danh, và ngược lại, khi sự sùng bái của người dân đối với lãnh tụ kiệt xuất bị suy giảm thì khi ấy, tính chính danh của chính thể bắt đầu lung lay. Đến khi lòng kính trọng, tin yêu của dân chúng đối với lãnh tụ hoàn toàn chấm hết, thì chế độ không còn lý do để tồn tại. Đó là lý do vì sao các chính quyền cộng sản như Liên Xô, Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam… phải sống chết bảo vệ hình ảnh vị “cha già dân tộc” của mình, kể cả hàng chục năm sau khi ông ta mất. Ở những xã hội này, sự kính trọng, tin yêu đối với lãnh tụ được xem như đạo đức. Nói xấu, phỉ báng lãnh tụ bị coi là trọng tội và bị pháp luật trừng phạt.
Đến đây xin kể lại với các bạn về một chuyện xảy ra vào tháng 10 năm ngoái:
Vào ngày 12/10/2015, Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết lúc 7h tối tại bệnh viện Bạch Mai sau hai tháng bị công an huyện Chương Mỹ tạm giam ở Trại tạm giam số 3 (Công an TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết, Đỗ Đăng Dư bị bạn tù là Vũ Văn Bình đánh vì “rửa bát bẩn”. Đêm 12/10 sau khi Dư chết và thi thể được đưa vào nhà xác, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đã đến bệnh viện Bạch Mai an ủi, giúp đỡ gia đình và lên án công an bạo hành dân. Ngày hôm sau, 13/10, facebooker Nguyễn Lân Thắng đăng tải trên trang cá nhân một bức hình chụp ông cầm chiếc đĩa sứ có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm bình luận: “Ngày xưa ông ấy rửa bát bẩn trên tàu thì Việt Nam đâu đến nỗi”. Bức hình được gần 5000 người “like” và hơn 300 người chia sẻ, nhưng nó cũng gây phẫn nộ lớn trong cộng đồng những người “yêu Đảng yêu Bác”. Vào ngày 17/10, ông Trần Nhật Quang, một nhân vật trong đội ngũ dư luận viên Hà Nội, tuyên bố thành lập nhóm phản ứng nhanh để “săn lùng” và “hỏi tội” “những tên phản động” mà trước mắt là Nguyễn Lân Thắng vì tội “xúc phạm Bác Hồ”. Nhiều độc giả của ông Nguyễn Lân Thắng, tuy ủng hộ ông hoạt động xã hội, đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không tán thành việc ông “đem Bác Hồ ra làm trò cười”.
Tuy vậy, cũng không ai giải thích được tại sao kính trọng lãnh tụ lại là một thứ đạo đức.
Nhưng chắc đến lúc này thì các bạn có câu trả lời rồi: Đó chính là bởi vì tâm lý sùng bái lãnh tụ trong dân chúng Việt Nam còn rất nặng, mà tâm lý ấy là kết quả của sự tuyên truyền không ngừng nghỉ của đảng Cộng sản về ông Hồ Chí Minh như vị cha già dân tộc.
VẶN CỔ DÂN MÌNH ĐỂ ĐI GIÚP NGƯỜI
Câu chuyện Fidel Castro với Cuba cũng vậy, và rộng ra là với người dân Việt Nam cũng vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn phải ép toàn dân chịu quốc tang Fidel Castro, mặc dù nước Cuba của Fidel thực chất chỉ giúp một nửa nước Việt Nam; và cũng chẳng phải là nhân dân Cuba tự nguyện giúp. Để làm được việc đó, Fidel đã bóp cổ, bóp hầu bóp họng chính người dân của mình. Cũng giống như Trung Quốc giúp Việt Nam trong chiến tranh – cung cấp lương khô, quân trang, quân dụng, vũ khí – trong khi chính thời gian đó, đất nước này điêu linh vì cách mạng văn hóa, đại nhảy vọt v.v.
Bạn sẽ bảo là “giúp người trong lúc chính mình khó khăn mới là nhân nghĩa”. Vâng, cứ cho là việc họ bóp cổ dân, bắt dân ăn đói mặc rách để họ làm nghĩa vụ quốc tế, là điều tốt, là nhân nghĩa đi. Nhưng các bạn cũng chớ quên, chính cái chính quyền Trung Quốc ấy, khi trở mặt (hoặc bị Việt Nam trở mặt, theo cách hiểu của họ), đã đem cả bát mẻ, bát sứt ra mời cơm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các bạn, nhân chuyến thăm Trung Quốc của ông Giáp vào năm 1976. Ba năm sau, họ kéo quân sang “dạy cho Việt Nam một bài học”, giết chóc, tàn sát…
Sự cực đoan không bao giờ là điều tốt. Sự cực đoan của lãnh đạo càng kinh khủng hơn.
Chính quyền ở cả Trung Quốc, Việt Nam, Cuba lẫn Bắc Hàn đều cố dạy cho dân rằng kính trọng lãnh tụ là một thứ đạo đức. Từ lâu, chắc bạn cũng đã tin như thế. Nhưng trên thực tế, sùng bái cá nhân đã chỉ đưa đến và củng cố chế độ độc tài và nô lệ. Không xã hội nào tiến bộ về đạo đức và văn hóa chính trị nhờ việc dân chúng sùng bái lãnh tụ.
*** Lê Nguyễn Hương Trà: Mất chức vì... ông Fidel!
Ngày 26.11, lãnh tụ cách mạng của Cuba ông Fidel Castro qua đời. Tối ngày 27, sau khi đi… nhậu về, anh Phùng Hiệu – Quyền đại diện báo Nhà báo & Công luận (Cơ quan TW Hội nhà báo Việt Nam), đã viết trên FB cá nhân vầy nha:
“Xin thắp cho ông Fidel Castro một nén nhang, chúc cho dân tộc của ông bước sang một trang sử mới. Sau gần 50 năm cai trị đất nước Cuba với sự độc tài, bảo thủ và tôn thờ chủ nghĩa Marx một cách mê muội, ông Fidel Castro đã để lại một Cuba nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe Lada cũ kỹ thời Xô Viết và những chiếc tivi màn hình đen trắng.
Mấy hôm nay báo chí và nguời dân nuớc tôi cứ ngây thơ ca ngợi, tiếc thuơng ông mà không xót xa cho một đất nước hơn nửa thế kỷ chìm đắm, ngủ quên trong lạc hậu và bị cô lập, cấm vận; mất cả quyền tự do, bình đẳng. Rất may nguời em của ông đã nhìn thấy và kịp vực dậy, đưa dân tộc thoát dần ra khỏi tối tăm. Hy vọng sau khi ông mất nguời dân Cuba sẽ hòa nhập vào thế giới tiến bộ của con nguời.”…
Ngày 29.11, tòa soạn đã bảo Phùng Hiệu xóa stt và cho hay, BanTuyenGiao Trung Ương đang làm căng. Đến sáng 1.12, trong buổi giao ban báo chí với Bộ 4T, Phùng Hiệu bị đưa ra giữa cuộc họp, và cho rằng đã có lời lẽ phỉ báng, châm biếm, thiếu nhạy cảm chính trị và sai về lập trường quan điểm với lãnh tụ Fidel trên facebook. Chủ tịch Hội Nhà Báo và Thứ trưởng Bộ 4T đã yêu cầu cơ quan chủ quản của Phùng Hiệu xử lý nghiêm về mọi mặt.
Hôm nay 2.12, Phùng Hiệu đã nhận được quyết định cắt… cu (Quyền) Đại diện báo Nhà Báo & Công Luận ở Tp.HCM, đồng thời đình chỉ công tác và mất …chiến sĩ thi đua. Như vậy, sau nhà báo Đỗ Hùng – Thanh Niên, thì đây là trường hợp tiếp theo của giới báo chí được Ban Tuyên Giáo cho là phỉ báng và châm biếm các lãnh tụ Cộng Sản trên mạng xã hội! Anh Phùng Hiệu cho biết: “Năm nay tam tai mà, nhưng tôi chỉ nói đúng sự thật thôi. Với lại 10 năm làm báo là quá đủ rồi. Báo tôi bán đâu ai mua, làm thằng đại diên phía Nam phải chạy vạy làm ra tiền nuôi cả chục anh em, rồi phải chạy chỉ tiêu cả tỉ bạc hàng năm cho cơ quan. Mỗi lần đi xin quảng cáo các doanh nghiệp tôi thấy quá xá nhục. Thôi, sẵn dịp này bỏ nghề luôn!”. P/s: Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã đặt ra một số tiêu chí cho nhà báo và CB-CNV về việc xài facebook, thậm chí có tòa soạn còn cấm cả phóng viên… like/comment các stt bàn về những vấn đề chính trị – xã hội.
(iii) Ns Tuấn Khanh: Thế kỷ ánh sáng
Những năm tháng là sinh viên, tôi hay tò mò về việc phân chia đất nước Đại Hàn. Một bên theo Tư bản và một bên theo Cộng sản. Nhất là vào những năm 80 và 90, tôi luôn ấn tượng về phong trào sinh viên Nam Hàn xuống đường biểu tình đòi thống nhất, ủng hộ Bắc Hàn. Truyền hình đưa tin sinh viên đụng độ với cảnh sát, lập chiến lũy, bị truy bắt… là những câu chuyện khiến tôi háo hức tìm đọc rất nhiều thứ về đất nước bị chia cắt đó. Lý do tôi muốn biết, vì Đại Hàn cũng tương tự với một Việt Nam trong lịch sử.
May mắn thay, tôi lại có cơ hội bạn bè với nhiều sinh viên Nam Hàn. Trong đó có một nam sinh viên là Oh và một nữ sinh viên là Kim. Những người này hay ngạc nhiên hỏi tôi là vì sao cứ hỏi những chuyện không ai hỏi, và họ bày tỏ cũng rất chân thành suy nghĩ của mình.
Oh từng xuống đường biểu tình nhiều lần, và bị cảnh sát Nam Hàn đánh tơi tả. Anh nói là anh xuống đường không vì chính trị mà vì bạn bè mình đã đi, mình cũng phải đi. Và bị đánh thì phải đánh trả. Còn Kim thì ngồi suốt với tôi và anh Đỗ Trung Quân ở một quán nhỏ ở Binh Thạnh, nói về lý tưởng. Kim nói cô thần tượng lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, tức ông nội và cha của Kim Chính Ân, lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay. Cô sinh viên Nam Hàn này xuống đường biểu tình, đòi thống nhất với Bắc Hàn, chống chính quyền Nam Hàn đến mức bị truy tìm, phải bỏ trốn ra nước ngoài, rồi cô đến Việt Nam vì cô nghĩ rằng Việt Nam gần và thân thuộc với Bắc Hàn.
Tôi còn nhớ mình và anh Đỗ Trung Quân im lặng nghe cô Kim ngợi ca về chủ nghĩa Cộng sản. Anh Quân cố hỏi vài câu thăm dò rồi sau đó, cả hai thoái thác không gặp lại Kim nữa. Khác với cô sinh viên Nam Hàn ấy, trong muôn vàn ảo tưởng của đời người, tin vào chủ nghĩa Cộng sản như Bắc Hàn là điều chúng tôi đã may mắn, sớm bước qua từ tuổi 20.
Nhiều năm sau, tôi có gặp lại Oh, và cũng nghe nói về cô Kim ấy. Họ vẫn ở Việt Nam vì đã có cơ sở làm ăn và quen cuộc sống ở đây. Nhưng không ai muốn nhắc về những gì của tuổi trẻ của họ khi còn ở trong đất nước. Oh thì cười xòa, nói “thôi thôi”. Còn cô Kim thì không còn nói gì về Bắc Hàn hay thống nhất nữa. Thời đại mới với truyền thông tự do khắp nơi, đủ để lan truyền về một Bắc Hàn thật sự ra sao. Và giờ đây, tôi cũng không còn thấy những cuộc biều tình đòi thống nhất của giới sinh viên cánh tả Hàn Quốc trên truyền hình nữa. Tin tức thì lại hay nói về những phong trào chuyển lương thực, đồ chơi và tin tức bằng bong bóng qua biên giới Bắc Hàn, giúp cho người dân khốn khổ ở sau đường biên của chế độ độc tài.
Tôi nhớ câu nói của Martin Luther King (1929-1968), câu nói hay làm tôi nghĩ ngợi “Chúng ta phải biết sống chung với nhau như là anh em, hoặc tiêu tan cùng nhau như những kẻ ngu muội”. (We must learn to live together as brothers or perish together as fools). Chắc là rất nhiều người Nam Hàn đã tìm mọi cách để đem sự thật đến cho thế hệ mình và sau nữa. Họ sống với tinh thần như những người anh em với nhau. Thật kiên nhẫn và đáng quý. Họ đã làm được, để thế hệ Nam Hàn hôm nay đủ nhận biết về các ảo tưởng cách mạng và những kẻ độc tài biên kia Bàn Môn Điếm, để tương lai người Nam Hàn sống với nhau mà không tàn phá nhau, không rửa nát trong ngu muội.
Nhiều thập niên trước, tôi cũng thần tượng Fidel Castro và cách mạng Cuba. Thầy dạy sử của tôi kể say mê rằng Fidel Castro đã thành huyền thoại khi tự mình đứng trước tòa bào chữa cho mình, và chế độ độc tài Batista buộc phải trả tự do cho ông. Nhưng rồi nhiều năm sau, tôi cũng tự hỏi một nền tư pháp của chế độ độc tài ấy, vì sao có thể tuyệt vời đến nhường ấy khi nhìn ra công lý để trả tự do cho Fidel.
Trong khi 47 năm cầm quyền của Fidel Castro, tòa án là vô nghĩa, hàng chục ngàn người phải lưu đày, tù ngục hoặc bỏ trốn khỏi nước. Hàng trăm người hành quyết công khai bởi các nhóm xử bắn lưu động nhưng không có cơ hội nào được tự bào chữa như Fidel Castro đã từng. Huyền thoại về công lý ở Cuba từng cứu sống Fidel, và rồi bị bóp chết bởi chính ông.
Tôi cũng muốn sống với thế hệ mình, và thế hệ mai sau như những người anh em, để chúng ta không rửa nát trong ngu muội. Vì vậy, tôi đã cố viết và nói, như có sự thúc giục không ngừng trong mình, rằng chúng ta phải tồn tại trong lẽ phải và sự thật. Chúng ta không thể rửa nát bằng sự tưởng tượng hay niềm tin bất cần lịch sử của những khổ đau mà con người đã gánh chịu.
Như một con cua phải tự lột vỏ mỉnh, hết sức đau đớn, nhưng để sống còn, tôi đã bước qua những ngày tháng thiếu niên, mệt mỏi tự truy vấn để thôi ôm ấp những giấc mơ về Stalin, Lenin hay Fidel Castro, cũng không khác gì việc tôi đã tự mình chạy ra khỏi những hội hè mang tên Lê Văn Tám, Bảy Lốp… giữa những e dè và tổn thương của người quen, bạn bè trong suốt một giai đoạn dài. Nơi tôi đến, là sự thật. Mà sự thật thì không thể lẫn lộn mơ mộng hay thần tượng những kẻ dựng nên đền đài của mình bằng sinh mạng và máu của người khác.
Nhưng vì tôi tin rằng chúng ta là anh em, là đồng bào. Và chúng ta sẽ tồn tại cùng nhau chứ không thể cùng rửa nát trong sự ngu muội. Và đôi khi, tôi biết, thật đau đớn khi phải lột bỏ những gì đã học, đã biết, đã tin để bước ra cánh cửa, nhận ra sự thật mới mẻ. Nhưng đó là cách cuối cùng để chúng ta hay con cháu chúng ta không rửa nát, không trở thành kẻ đáng thương trong thế kỷ ánh sáng.
(iv) RFI: Trump và Putin, cặp bài trùng
Đây là nhận định của Frederic Autran, thông tín viên của tờ Libération, tại Washington trong số báo ra ngày 25/11/2016. Trong số tất cả các nước trên thế giới, dường như Nga là quốc gia hài lòng nhất về thắng lợi của Donald Trump, với hy vọng hâm nóng lại mối quan hệ song phương có lợi cho Matxcơva. Cũng có thể đó là nước duy nhất. Vào giữa tháng 10/2016, vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, viện Gallup đã hỏi gần 50 ngàn công dân thuộc 45 nước bầu chọn Hillary Clinton hay Donald Trump. Ở khắp nơi, ứng viên của đảng Dân Chủ đều giành thắng lợi áp đảo, trừ tại Nga. Tại đây, nhà tỷ phú đã dẫn đầu, vượt đối thủ hơn 20 điểm.
Nếu như tại Nga, triển vọng thời kỳ Trump làm tổng thống có sức « quyến rũ » hơn là gây lo ngại, đó là bởi vì nhiều người coi đây là một cơ hội sưởi ấm mối quan hệ giá lạnh giữa Matxcơva và Washington, vốn xuống rất thấp kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Vả lại, ngày 14/11, sau cuộc điện đàm đầu tiên, Vladimir Putin và Donald Trump cũng không nói điều gì khác. Theo điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo « có cùng nhận định không mấy hài lòng về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ và cả hai cùng tuyên bố sẽ làm việc tích cực với nhau để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước ». Về phần mình, nhóm cộng sự của tổng thống Mỹ tương lai đã nhấn mạnh đến quyết tâm của Trump xây dựng « mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững với Nga và với nhân dân Nga ».
Phải chăng nhà tỷ phú phần nào phải chịu ơn Matxcơva về thắng lợi của mình ? Không thể khẳng định được điều này một cách chắc chắn và nếu nghĩ như vậy thì dường như lại quá coi trọng ảnh hưởng của Putin. Thế nhưng, có một điều chắc chắn : từ trước đến nay, chưa bao giờ bóng ma nước Nga lại ám ảnh chiến dịch tổng thống Mỹ, một đối thủ lớn của nước Nga, đến như vậy. Donald Trump –không hề che giấu sự kính nể và một số người còn nói đến sự ngưỡng mộ - đã có những phát biểu tốt đẹp dành cho Vladimir Putin.
Donald Trump đã thường xuyên nhấn mạnh, « ông ta (Putin) là một nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống của chúng ta », và đề cao hình ảnh toàn trị của chủ nhân điện Kremlin để chỉ trích những điểm được cho là yếu kém của Barack Obama. Rồi còn có những hành động tấn công của tin tặc Nga đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ và của John Podesta, lãnh đạo chiến dịch vận động tranh cử của Hillary Clinton, và sau đó bị WikiLeaks tung lên mạng. Đầu tháng 10/2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc chính phủ Nga đứng sau các vụ tấn công tin học và tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử tại Mỹ. Trong một thông cáo hiếm thấy, các cơ quan tình báo liên bang nhấn mạnh : « Do quy mô và mức độ nhậy cảm của các ý đồ, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những quan chức cao cấp của Nga mới có thể cho phép những hoạt động này ».
« Chuyện tầm phào »
Bất chấp những kết luận của tình báo Mỹ, mà Nga coi là « chuyện tào lao, tầm phào », Trump đã từ chối thừa nhận vai trò của Matxcơva trong các vụ tin tặc này. Đối với một số người, sự chối bỏ này lại càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối quan hệ bí mật giữa chính phủ Nga và chiến dịch tranh cử của Trump. Vả lại, ngay sau khi nhà tỷ phú đắc cử, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergeui Ryabkov thừa nhận là đã có những « tiếp xúc » với nhóm cộng sự của Trump trong thời gian vận động tranh cử.
Ông Ryabkov nói : « Đương nhiên, chúng tôi quen biết phần lớn những người trong nhóm thân cận của ông Trump ». Phát ngôn viên của Trump đã kiên quyết bác bỏ những phát biểu này. Dẫu sao, thì cũng có những nghi ngờ đối với Paul Manafort, phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám và đặc biệt là có liên quan đến các nhóm thế lực Ukraina thân Nga.
Cũng như trên nhiều hồ sơ khác, tiên đoán chính sách của Trump đối với Nga chỉ là một sự diễn dịch, ngoại suy. Cuộc gặp đầu tiên của Trump với Putin, cho dù ở Matxcơva hay Washington, sẽ được theo dõi rất chặt. Về phía Nga, người ta đang mường tượng ra điều mà Kremlin hy vọng có được từ phía tân chính quyền Mỹ : trước tiên là bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga, kể từ sau vụ sáp nhập Crimée. Nếu Trump lao theo hướng đó, thì sự đồng thuận vốn mong manh giữa châu Âu và Mỹ trên hồ sơ này chắc chắn sẽ tan vỡ. Cũng trong hồ sơ Ukraina, liệu vị tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể đi xa đến mức chính thức thừa nhận việc sáp nhập Crimée vào Nga hay không ? Dù thế nào đi chăng nữa thì hồi tháng Bẩy vừa qua, Trump đã tuyên bố : « Theo những gì mà tôi nghe thấy, thì người dân Crimée mong muốn thuộc về nước Nga ».
Mariya Omelicheva, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Kansas dự báo, « chính phủ Trump chắc sẽ giảm mức độ ủng hộ Ukraina, Gruzia và các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác, điều này sẽ giúp cho Nga được tự do hơn trong việc theo đuổi bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình tại những quốc gia này. Bãi bỏ trừng phạt giáng vào Nga do sáp nhập Crimée và liên tục ủng hộ phiến quân ở miền đông Ukraina, sẽ là phần thưởng quý nhất đối với Nga ».
« Những khác biệt tinh tế »
Trong vấn đề Syria, Trump đã nhiều lần tuyên bố mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Matxcơva để chống lại các lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo có hiệu quả hơn. Trump trấn an là có một « kế hoạch bí mật » đối với khu vực này, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuy vậy, ông lại hàm ý rằng phe đối lập ôn hòa Syria, được chính quyền Obama ủng hộ, không nằm trong kế hoạch nói trên. Gần đây, trên Wall Street Journal, ông nói : « Chúng ta ủng hộ phe nổi dậy chống lại chế độ Syria nhưng chúng ta không hề biết họ là ai ». Việc xích lại gần Nga mà Trump chủ trương, nếu điều này được khẳng định, có thể làm dấy lên những rối loạn trong phe Cộng Hòa, bởi vì nhiều người – kể cả phó tổng thống Mike Pence – rất phàn nàn về thái độ của Matxcơva ở Đông Âu và Syria. Việc gia tăng hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa các trao đổi quân sự và thông tin tình báo và đây là điều mà nhiều quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Ngoài ra, Max Boot, thuộc Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức tư vấn chuyên về chính sách đối ngoại, chỉ trích trò chơi hai mặt của Matxcơva. Ông nói, các vụ tấn công vào Aleppo « cho thấy là Nga có ý định tiêu diệt phe nổi dậy Syria hơn là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bởi vì Matxcơva cho rằng phe nổi dậy ôn hòa cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Bachar Al Assad. Thế nhưng, đối với vị tổng thống đắc cử (Donald Trump) chắc là không có những khác biệt tinh tế này ».
Có một điều chắc chắn : Trump sẽ không phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tìm cách tạo ra một xung khí mới cho quan hệ Mỹ-Nga. Trước ông ta, George W Bush và Barack Obama – với ý định tái khởi động – đã hồ hởi tiến hành nhưng không thành. Các nỗ lực của họ đã tiêu tan do Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, rồi Ukraina năm 2014. Nếu xẩy ra một cuộc xâm lược thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có thể Donald Trump sẽ không phật ý.
*** Thanh Hà (RFI): Putin thêm bạn bớt thù
Tổng thống Philippines coi Vladimir Putin là “thần tượng”. Với Donald Trump, ông Putin là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ càng mạnh tay đàn áp đối lập chừng nào, quan hệ giữa Ankara và Matxcơva, vốn nguội lạnh, sẽ chỉ càng thêm nồng thắm. Ông Putin lại sắp có thêm bạn mới nếu như tháng 5/2017, François Fillon hay Marine Le Pen đắc cử tổng thống Pháp.
Tại thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế APEC-Lima, trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với Vladimir Putin, ông Duterte không bỏ lỡ cơ hội tỏ lòng ngưỡng mộ tổng thống Nga, ca ngợi chủ nhân điện Kremlin là “một nhà lãnh đạo có tầm cỡ” và nếu như Nga và Trung Quốc thành lập một trật tự mới trên thế giới, thì Philippines sẵn sàng đi theo đường Matxcơva và Bắc Kinh. Buổi làm việc song phương giữa hai lãnh đạo Philippines và Nga ở Lima đã kéo dài trong 45 phút. Trong khi đó Vladimir Putin và Barack Obama chỉ có đúng 4 phút để từ giã, như thể Nga và Mỹ không còn gì để nói với nhau, cho dù Matxcơva và Washington cần phối hợp để giải quyết từ khủng hoảng Syria hay Ukraina đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trump : “Putin có bản lĩnh hơn Obama”
Cử tri Mỹ vừa giúp Vladimir Putin nhổ đi một cái gai : người sắp lên thay thế Barack Obama không phải là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton mà lại là ông vua địa ốc Donald Trump. Với tổng thống Nga, Trump là một người “thông minh và tài ba”. Còn trong nhãn quan của tổng thống Mỹ tương lai, thì Vladimir Putin “có tài lãnh đạo và có bản lĩnh hơn hẳn Barack Obama”.
Hạ Viện Duma của Nga đã đón nhận tin ông Trump đắc cử bằng một tràng pháo tay. Mọi người chờ đợi, với tính thực dụng vốn có, tổng thống Trump sẽ nhanh chóng xóa bỏ cấm vận trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina. Đơn giản là vì những biện pháp trừng phạt đó có hại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ -Nga, còn quá sớm để kết luận rằng Matxcơva và Washington chóng cải thiện quan hệ dưới thời tổng thống Donald Trump. Chính Vladimir Putin sau khi gửi điện chúc mừng Donald Trump đã hai lần thổ lộ với các cộng tác viên thân cận rằng con đường còn dài để Nga -Mỹ xích lại gần nhau.
Pháp sắp là một người bạn mới của Nga ?
Cuối tuần này, cánh hữu ở Pháp bỏ phiếu chọn người đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR ra tranh cử tổng thống vào năm 2017. Ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua là cựu thủ tướng François Fillon, một người nổi tiếng thân Nga. Ở vòng một, François Fillon đã bất ngờ loại cựu tổng thống Nicola Sarkozy và bỏ xa đối thủ Alain Juppé. Báo chí Matxcơva hài lòng trước việc “một người bạn của nước Nga” có triển vọng trở thành tổng thống Pháp tương lai.Tổng thống Putin nóng lòng hợp tác với Fillon, một chính trị gia “chuyên nghiệp”. Số là ứng cử viên của đảng LR này luôn chủ trương “tái cân bằng” quan hệ giữa Paris và Matxcơva. Trên hồ sơ Syria, cựu thủ tướng Pháp cho rằng không cần thiết phải loại bỏ tổng thống Bachar Al Assad ra khỏi bàn cờ chính trị của Damas. Đây cũng là lập trường của Nga.
Quan điểm của ứng cử viên Fillon và thiện cảm mà Putin dành cho ứng viên này khiến báo giới nêu lên khả năng Nga “hậu thuẫn” cho cuộc đua vào điện Elysée của ông François Fillon.
Trên bàn cờ chính trị Pháp, sau khi đảng Mặt Trận Quốc Gia –FN của bà Marine Le Pen thân Nga, nhất là khi đảng này được một ngân hàng Nga “tạo điều kiện tài chính” để tham gia vận động tranh cử tổng thống 2017, đến lượt “con ngựa về ngược của đảng LR” được hậu thuẫn của điện Kremlin ?
Sức thu hút của Vladimir Putin với các nền dân chủ Tây Âu
Trong một bài bình luận, tạp chí kinh tế Challenges giải thích vì sao Vladimir Putin có sức thu hút với các nền dân chủ Tây Âu. Tác giả bài viết Bernard Guetta nêu ra những lý do như sau : thứ nhất ông Putin còn trẻ, khỏe và lại thích “phô trương cơ bắp”, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vladimir Putin luôn chủ trương lãnh đạo đất nước với đường lối cứng rắn, và ông cũng đã khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa để huy động đông đảo quần chúng. Mô hình cứng rắn, nếu không nói là độc tài về chính trị, nhưng lại cởi mở cho kinh tế đó, đang trở nên hấp dẫn tại các nền dân chủ đang mất hướng đi.
Thứ hai là về mặt xã hội, nước Nga của Vladimir Putin dựa vào Giáo Hội Chính Thống Giáo, vào những giá trị đạo đức truyền thống và bảo thủ. Matxcơva đã tuyên chiến với những tổ chức bảo vệ người đồng tính, thu hẹp vai trò của phụ nữ trong “xó bếp”. Mô hình xã hội đó của nước Nga đang trở nên hấp dẫn đối với một phần công luận tại các nước phương Tây chống hôn nhân đồng tính, chống phá thai, và trông thấy thế thượng phong của nam giới trong xã hội, ở công sở và ngay cả trong gia đình … bị phụ nữ đe dọa.
Phải chăng vì vậy mà từ Âu sang Á, từ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, từ một người ít kinh nghiệm chính trị như tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đến các chính trị gia lão luyện như cựu thủ tướng Pháp François Fillon hay lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen đều nhìn thấy ở Vladimir Putin một người bạn lý tưởng?
(iv) Trần Trung Đạo: Máu Cuba trong cơ thể Việt Nam
Báo Thanh Niên ngày 27 tháng 11 đăng một bài viết của Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ CSVN tại Cuba với tựa “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. Câu nói đó là của Fidel Castro phát biểu để ủng hộ CS Bắc Việt trong chiến tranh thôn tính miền Nam. Năm 1973, khi trở lại Việt Nam lần thứ ba, Castro đã lần nữa lập lại lời cam kết sẵn sàng góp máu.
Trước khi trình bày việc “góp máu” Cuba, thiết nghĩ nên lượt qua tình trạng và số lượng tù nhân chính trị tại Cuba vì số lượng tù ảnh hưởng đến số lượng máu.
Theo nhà xã hội học Juan Clark, chuyên gia hàng đầu về tình trạng áp bức tại Cuba, đã có khoảng 60 ngàn tù nhân bị giam trong các trại “cải tạo” khắp Cuba trong thập niên 1960. Cuba có hơn 550 nhà tù trên khắp đảo. Theo cơ quan mật vụ Đông Đức Stasi, nhà cầm quyền CS Cuba giam giữ 15 ngàn tù nhân. Tuy nhiên, cơ quan Stasi không tính các nhà tù quân sự, trong đó giam khoảng 25 ngàn tù nhân thuộc giới đồng tính, lãnh đạo các tôn giáo, các thành phần “chống phá cách mạng”, v.v.. Mặc dù chiếm Cuba từ tháng Giêng 1959, mãi đến 2006, nhà cầm quyền CS Cuba vẫn còn giam giữ khoảng từ 339 đến 1000 tù nhân chính trị.
Trở lại với tuyên bố của Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. Đó không phải là câu để cổ võ tinh thần mà là câu nói thật. Cuba đã từng “đóng góp” máu của người Cuba để chuyền cho thương binh CSVN trong thời chiến. Tuy nhiên, có hai điểm chính của sự kiện góp máu Fidel Castro cố tình che giấu; thứ nhất, đó không phải là máu của dân Cuba tự nguyện hiến mà là máu của những tù nhân bị chế độ CS Cuba kết án tử hình, và thứ hai, không phải máu tặng không mà CS Bắc Việt phải trả lại Cuba 50 đô-la cho mỗi túi. Với 7 túi máu, mỗi tử tù đem lại cho nhà nước CS Cuba một thu nhập 350 đô-la. Như đã viết ở trên, Cuba có nhiều ngàn tử tù bị hành quyết tập thể; do đó, thu nhập từ xuất cảng máu hàng năm không phải nhỏ.
Tin tức này rất dễ gây xúc động cho các thương binh miền Bắc nên người viết xin ghi nguồn thật chi tiết. Độc giả chỉ cần google là đọc được nguyên văn. Theo điều tra của Wall Street Journal ngày 30 tháng 12, 2005, bà Mary Anastasia O'Grady đăng lại báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ Châu (InterAmerican Human Rights Commission) ngày 7 tháng Tư, 1967:
"Vào 27 tháng Năm, 1966, 166 người Cuba, gồm dân sự và quân sự, bị tử hình, và phải tiến hành thủ tục y tế rút máu trung bình bảy túi mỗi người. Lượng máu này được bán cho Cộng Sản Việt Nam với giá 50 đô-la mỗi túi với hai mục đích vừa kiếm tiền đô và vừa đóng góp vào cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Cộng."
“Mỗi túi máu tương đương nửa lít. Việc trích một lượng máu như vậy từ một người bị kết án tử hình gây cho nạn nhân tình trạng mất máu não, không còn ý thức, và tê liệt. Khi máu được trích xong, nạn nhân được hai người lính đặt lên cáng và khiêng tới địa điểm hành quyết.”
Chủ trương rút máu này có lịch sử bắt đầu từ nước CS anh em Đông Đức trước đây khi cơ quan an ninh nổi tiếng tàn ác Stasi rút máu tù để bán cho Hồng Thập Tự Bavarian. Cộng Sản Cuba áp dụng phương pháp của CS Đông Đức nhưng với tầm mức quy mô hơn.
Đề án Cuba Archive, một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận trích lời một cựu tù nhân Cuba bị tù từ 1963 đến 1968 tại nhà tù Boniato, Santiago de Cuba kể lại: “Nhà tù Boniato vào năm 1963 có khoảng 5,000 tù nhân. Mỗi buổi sáng hai hay ba tù nhân trên đường ra pháp trường phải ghé lại trạm rút máu của bịnh viện nhà tù, phía sau phòng đóng kín. Bởi vì tôi là một tù nhân tật nguyền, không thể đi bộ nên tôi bị giữ tại bịnh viện nhà tù. Dù họ không cho thấy nạn nhân, tôi chỉ đứng cách đó 20 mét và có thể nghe mọi thứ. Chúng làm tương tự như thế cho mọi tù nhân bị tử hình.”
Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS) trong báo cáo vào tháng Tư 1967 cũng đã tố cáo thực tế rút máu tù nhân tại nhà tù La Cabaña Fortress. Ngoài máu tử tù, thân nhân của tù nhân cũng phải bị “hiến máu” trước khi được phép thăm viếng. Con số thân nhân thăm tù và bị rút máu lên đến nhiều chục ngàn người.
Rút máu trong cơ thể người sống trước khi bắn chết là hành động dã man, phi nhân và vi phạm mọi luât quốc tế trong đó có The Code of Ethics of Blood Donation and Transfusion thuộc International Society of Blood Transfusion (ISBT) đã được Liên Hiệp Quốc chấp nhận.
Tử hình tập thể chấm dứt vào khoảng năm 1967 sau khi có cuộc nổi dậy của nông dân, nhưng kỷ nghệ xuất cảng máu của Cuba vẫn được tiến hành và nhận mức thu trung bình 30 triệu đô-la từ năm 1995 đến 2012. Giới cầm quyền CS Cuba không chỉ xuất cảng máu sang Việt Nam mà còn sang nhiều quốc gia khác trong đó có Canada.
Trong một bài viết ngắn trên Facebook mới đây, người viết có nhấn mạnh với những tội ác tày trời như thế, lẽ ra Fidel Castro, dù cao tuổi bao nhiêu, cũng phải sống để đối diện với sự thật và trả lời những câu hỏi của người dân Cuba. Người dân bao giờ cũng là những người thực sự có quyền phán xét cuối cùng. Không một lãnh tụ thế giới nào tránh khỏi bị kết án nếu họ làm sai. Nhưng không, Fidel Castro chết nhẹ nhàng, chết êm thấm sau khi thọ đến 90 năm. Castro qua đời mà không bị ai rút hết máu trong người cho đến khi bất tỉnh, như trường hợp anh nông dân 24 tuổi Angel Moisés Ruíz Ramos hay không đau đớn như trường hợp cô gái Lydia Peacuterez 25 tuổi có thai 8 tháng, bị cai tù đá vào bụng, máu của cô và của hài nhi cùng chảy cho đến khi hai mẹ con cùng chết trong nhà tù Cuba.
Nhiều người phê bình nhà cầm quyền CSVN tổ chức “Quốc tang” đúng ra nên gọi là đảng tangdành cho Fidel Castro, nhưng nghĩ cho cùng việc Nguyễn Phú Trọng và giới cầm quyền CSVN khóc cho Fidel Castro, lãnh tụ CS cuối cùng của thế kỷ 20 còn sót lại, cũng phải. Họ khóc cho Castro và cũng khóc cho chính họ. Castro có may mắn chết già nhưng liệu giới cầm quyền CSVN có được may mắn như thế hay không. Chưa chắc.
*** Châu Đoàn: Máu nào quý hơn?
Để quốc tang Fidel Castro một ngày, chính quyền Việt Nam muốn thể hiện cho nhân dân Việt Nam và cả thế giới thấy tình hữu nghị giữa hai nước, tình cảm trước sau như một với một lãnh tụ đã tuyên bố “vì Việt Nam Cu Ba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình” trong cuộc chiến về ý thức hệ giữa 2 miền khi Trung Quốc, Liên Xô chống lưng phía Bắc, Mỹ chống lưng phía Nam. Do vậy, nếu nói chính xác thì là “vì miền Bắc Việt Nam”.
Điều này có thể hiểu và thông cảm được nếu chính quyền Viêt Nam cũng làm những việc rất đáng làm như sau:
1. Hàng năm nên dành một ngày tưởng niệm mấy trăm ngàn nạn nhân vô tội đã bị giết hại trong cuộc cải cách ruộng đất từ 1953-1956. Ai đó có thể nói trong một biến cố lịch sử thì xương máu vô tội là thường nhưng hãy nhớ rằng cuộc cải cách điền địa do ông Ngô Đình Diệm làm trong cùng một thời gian không có ai bị giết và được báo chí phương Tây ca ngợi một trong những thành tựu của thế kỉ 20.
2. Một ngày tưởng niệm cho hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng, bị hãm hiếp cướp bóc bởi hải tặc và ngư dân biến thành hải tặc của Thái Lan, bởi bão tố, đói khát đến nỗi phải ăn thịt đồng loại đã chết để tồn tại. Có kẻ nói đấy là do họ tự bỏ đi, họ phải chịu. Đấy là một kiểu nói rũ bỏ trách nhiệm. Tại sao những con người biết chắc là gặp nguy hiểm thông qua tin tức những người đi trước, qua BBC, VOA mà vẫn quyết bỏ quê hương để dấn thân ra đại dương mù mịt? Mà việc này đã diễn ra nhiều năm.
Tôi không dám nêu ra một ngày tưởng niệm những nạn nhân đã bị chết trong những trại cải tạo sau năm 1975, bởi điều này có thể là không thể và quá khó với những tư duy thù hận, “địch ta” của những người cộng sản. Hãy nhớ rằng khi cuộc nội chiến Bắc Nam của Mỹ kết thúc năm 1865, tổng thống Lincoln đã cho những người lính miền Nam trở về nhà như những người dân bình thường. Khi anh em một nhà đánh nhau, không có bên thắng, bên thua mà cả dân tộc thua. Việc ngược đãi những người đã cầm súng cho Việt Nam Cộng Hoà là câu chuyện lịch sử, nhắc lại để tránh những hành xử phi nhân đạo cho tương lai. Giả sử nếu có một sự thay đổi chính trị nào đó thì chúng ta cũng nên hành xử văn minh, tất cả cùng nhau xây đắp một tương lai tươi sáng, thay vì dẫm vào vết xe đổ của thù hận, sỉ nhục và giết chóc man rợ. Máu của người Việt đã đổ quá nhiều trong u mê, vậy hãy tránh điều ấy trong từng ứng xử của hiện tại.
Vậy các ông đã quyết làm quốc tang cho Fidel Castro, là những người cầm quyền, các ông bắt gì dân chẳng phải theo, nhưng đừng quên những bài học lịch sử đau đớn hàng triệu lần kia. Những bài học mà máu của người Việt đã quằn quại trong từng luống cày, đã nhuộm đỏ cả biển Đông, đã làm lương tri của hàng triệu người Việt chết trong câm lặng và sợ hãi.
Đừng mang súng đạn và nhà tù ra dọa dẫm những tiếng nói của lương tri. Hãy nhìn thực trạng đau khổ, hãy nhìn chỗ đứng của chúng ta trên thế giới, xem chúng ta đã sánh vai được với những cường quốc nào? Người dân Việt Nam bước ra thế giới có dám ngẩng cao đầu không? Khi người cầm quyền chinh phục được nhân tâm của dân chúng, ấy là khi đất nước đi lên thịnh vượng, còn trấn áp bằng súng đạn và nhà tù thì đường đi sẽ đầy bất trắc. Tôi tự hỏi mình có đa cảm quá không khi nhỏ nước mắt viết những dòng này? Có lẽ tôi là người đa cảm, do vậy mà tôi không thể làm người cộng sản được chăng?
(v) Tưởng Năng Tiến: Đêm Havana & Ngày Hà Nội
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây?
Mỗi tấc đất có một người qùi gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người …(Phùng Quán)
Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội, và cũng chưa bao giờ cảm thấy có chút xíu nào hào hứng khi nghĩ đến chuyện phiêu lưu tới một nơi xa xôi, lôi thôi và tai tiếng (tùm lum) như thế. Đã thế, đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ!
Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nghĩ sao là nói vậy. Và cứ như vậy mà nói, chắc chắn, sẽ làm mích lòng cả đống người. Tôi biết vậy nhưng không thể nào nói khác vì những điều mà tôi được nghe kể về Hà Nội (thường) không có gì là đàng hoàng hay tử tế – đại loại như:
“Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:
- Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.
- Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…”
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá. (Phạm Xuân Đài. Hà Nội trong mắt tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).
Trời đất, đó là chuyện nhỏ và chuyện cũ (rích) rồi – từ hồi thế kỷ trước lận – bới móc ra làm chi nữa, cha nội ?
Thì rành rành là chuyện bây giờ, thế kỷ XXI đây nè, Hà Nội vẫn cứ y chang như hồi đó – chớ có khác (mẹ) gì đâu:
“Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi….”
“Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này” (Bùi Bích Hà, “Nhìn lại quê hương,” Thế Kỷ 21, Sep. 2003:63-65).
Phạm Xuân Đài và Bùi Bích Hà, nói nào ngay, không phải là người Hà Nội. Họ là dân bá vơ, tha phương cầu thực, cù bơ cù bất, ở tận California hay đâu đâu đó. Cả hai chỉ tạt ngang, ghé chơi Hà Nội năm ba ngày hay vài ba tuần lễ gì thôi. Biết (khỉ mốc) gì đâu mà nói hành nói tỏi (nghe thấy ghét) dữ vậy chớ?
Nguyễn Huy Thiệp thì khác à nha. Ông ta là niềm hãnh diện của Hà Nội (nói riêng) và của cả nước Việt (nói chung). Ổng có dư thẩm quyền và thừa tư cách để nói về thủ đô “mến yêu của ta.” Trong tác phẩm Tuổi hai mươi yêu dấu, nhà văn đã mượn lời một nhân vật để tuyên bố như sau:
“Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy.”
Ý, trời đất, quỉ thần, thiên địa ơi! Giữa Thời đại Hồ Chí Minh (quang vinh), và trong lòng thủ đô Hà Nội – nơi mà cách đây chưa lâu người ta vẫn còn phải nhai rón rén khi ăn – mà thằng chả nói năng ồn ào, lạng quạng và bạt mạng (quá cỡ) như vậy thì kể như là… hết thuốc!
Và Hà Nội không phải là nơi duy nhất hết thuốc (chữa) như thế trên thế giới này. Tôi nghe kể là ở thủ đô của Cuba – một nước anh em xã hội chủ nghĩa – tình trạng cũng bết bát, và bệ rạc không kém:
“Ở La Havanne vài ngày dần dần bạn hiểu cái khang trang, sầm uất ở những nơi có du khách chỉ là bộ mặt bên ngoài che không nổi một xã hội lở lói, mệt mỏi… Cuba có hai thế giới, thế giới tưng bừng náo nhiệt của du khách, của những người có tiền xanh, bên cạnh thế giới mệt nhoài của dân địa phương. Sau 50 năm cách mạng, cái mơ của đa số dân Cuba là vượt biển qua Miami hay có bà con thỉnh thoảng gởi về một cái ngân phiếu” (Trần Công Sung,” Cuba Sí, Cuba No,” Thế Kỷ 21, Dec. 2003:78).
Đó cũng là cái ước mơ thê thảm, vượt quá tầm tay, của rất nhiều người dân Việt – bây giờ! Trong quá khứ, Cuba và Việt Nam cũng có rất nhiều điểm (bất hạnh) tương tự như nhau. Hai quốc gia này đều có thời gian dài là thuộc địa, và cả hai đều đã tin tưởng rằng sẽ giành lại được độc lập và tự do bằng con đường… cách mạng! Chung cuộc, cả hai đều sống dở (và chết dở) trong lòng cách mạng!
Ví von mà nói thì Havana và Hà Nội như hai cô bé lọ lem, song sinh, trong một gia đình khánh tận. Cả hai cùng có chung ước mơ là lấy được một tấm chồng đàng hoàng, lương thiện nhưng (chả may) đều phải lòng đúng đồ phải gió, và đã trao duyên lầm… tướng cướp! Và quí vị tướng cướp này đang làm cái công việc mà họ mệnh danh giữ hoà bình cho thế giới – nếu trích theo nguyên văn lời của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước Việt Nam:
“Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ…”
Havana, tuy thế, vẫn còn “có phước” hơn Hà Nội. Bi kịch của La Havanne chỉ xẩy ra vào lúc có mặt trời – theo lời của Trần Công Sung:
“Đêm xuống, dân Cuba quên cái cực nhọc ban ngày, đổ ra đường nhộn nhịp… Quên dollars, quên cách mạng, quên những bài diễn văn dài tám giờ, quên embargo, người ta đàn hát nhẩy múa náo nhiệt. Không phải chỉ ở những khu du khách, ngay cả ở những khu bình dân, đen tối, trong những tiệm cà phê rẻ tiền…, đâu đâu cũng có tiếng nhạc, giọng hát…”
Nói cách khác là ban đêm thì dù Việt Nam có gác hay không, Cuba vẫn nghỉ. Cho nó khoẻ!
Vẫn theo như nhận xét của Trần Công Sung thì ở Havana “có một cái gọi là cái hồn (“âme”). Cái hồn này đang nâng đỡ cho mọi người sống qua những ngày tháng cơ cực, đắng cay của thời mạt kiếp. Tôi còn tin rằng nó cũng sẽ giúp cho dân tộc Cuba hồi sinh chóng vánh, sau khi họ chôn xong cái Chủ nghĩa Xã hội (đang muốn “chuyển qua từ trần”) ở đất nước này.
Hà Nội (dường như) không có một cái hồn như thế để chuẩn bị hồi sinh, dù CNXH cũng chỉ còn sống thoi thóp ở nơi này. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến có một đêm nào đó (dù chỉ một đêm thôi) người dân Hà Nội đã đổ ra đường, đàn hát, nhẩy múa nhộn nhịp, một cách hồn nhiên và vô tư như vậy cả.
Tình trạng của Hà Nội có vẻ tuyệt vọng hơn, theo như nhận xét của nhà văn Bùi Bích Hà – qua bài báo thượng dẫn: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thưở đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.”
Cách đây không lâu – trên diễn đàn talawas – khi được hỏi “phải hình dung thế nào về văn hiến Thăng Long,” giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã (rơm rớm nước mắt, tôi đoán thế) kể lại rằng: “Gần đây có một vị viện sĩ định nghĩa văn hiến là văn học để hiến dâng cho Đảng.”
Thiệt, nghe mà… hết hồn luôn! Havana là một thành phố non trẻ, mới có mặt từ đầu thế kỷ thứ XVI mà khí phách và hồn phách vẫn còn lai láng qua từng bước chân nhún nhẩy của người dân – dù nơi đây công an (chắc) không ít hơn Hà Nội. Không lẽ mảnh đất ngàn năm văn vật, lừng lẫy cỡ như Thăng Long, mới đụng chuyện với cường quyền và bạo lực (có vài chục năm) mà đã “mất hồn mất vía” và “chết tiệt” hết thế sao?
Tôi không tin như vậy đâu. Và tôi cũng không chịu như vậy nữa. Đảng CSVN quả thực đã hớp được hồn của một mớ “viện sĩ” ở Bắc Hà nhưng những chú lính gác cửa của Bắc Kinh (hay còn có tên gọi mới, dễ thương hơn, là “những kẻ canh giữ cho hoà bình thế giới”) chưa bao giờ thực sự nhìn ra được cái hồn của đất Thăng Long, chớ đừng nói chi đến chuyện họ “đụng” được tới nó.
Do tình cờ, tôi có lần (may mắn) cảm thấy được cái hồn của Hà Nội trong một căn hộ nhỏ – ở ngõ Ánh Hồng, cạnh một nhà xí công cộng, luôn luôn ngập ngụa cứt đái – của một người đàn bà tên Sợi. Chị Sợi có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Chị không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.
Chị Sợi bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên – đôi lúc – buộc phải bán cả thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày. “Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi. Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.
Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.
Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi…Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.
- Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.
Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:
- Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.
Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.
- Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.
Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê ....
Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói:
- Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết.
Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi! Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:
- Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.
- Em biết quê bà ở đâu mà tìm?
- Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.
Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó…”
Chị Sợi, anh què – cũng như bà Mít – cho đến lúc chết vẫn chưa có đêm nào ôm đàn ngồi hát, hay đổ ra đường nhẩy nhót nhộn nhịp, như những người dân ở Havana. Ngày cũng như đêm họ sống ẩn nhẫn, thầm lặng trong những con hẻm hôi thối luôn ngập ngụa phân người giữa lòng Hà Nội. Chính ở những nơi tăm tối này, họ đã giấu kín được nguyên vẹn cái hồn của cả một dân tộc qua từng nhịp thở và nhịp đập của tim. Và tôi cũng cảm được cái hồn lai láng (như thế) khi viết những dòng chữ này, dù nơi tôi đang sống cách xa Việt Nam hơn nửa vòng quả đất.
Sau khi đọc xong “Truyện không tên”, tôi đã viết thư cảm ơn tác giả vì đã mở cho tôi thấy cái hồn của dân tộc Việt. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời của chị Sợi, theo như lời chính chị tâm sự – thế thôi.
Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què vẫn còn đang sống tại Hà Nội. Nơi đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay gặp một ông (hoặc một bà) tiến sĩ. Đôi khi, chúng ta vẫn gặp được những mảnh hồn của mảnh đất này nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.
II.Văn nghệ
(i) Trịnh Thanh Thủy: Phỏng vấn nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của “Chiếc lá cuối cùng”
“Lá trên cành một chiếc cuối bay xa”. Hình ảnh chiếc lá vàng cuối rời cành, cuốn vào gió, theo chân người tình trong một chiều ly biệt, là một hình ảnh lãng mạn nhưng đắng lòng. Nó cũng là một lời tiễn đưa câm, dấu chấm than của câu chuyện tình đã kể xong. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” đã chấm hết ca khúc của ông bằng câu hát này. Ông cũng là tác giả của nhiều tình khúc buồn da diết và day dứt khác như “Nhạt nhoà”, “Nỗi Niềm”, “Dưới giàn hoa cũ” hay “Hoa Soan bên thềm cũ”, “Quán nửa khuya”..v..v..
Tuấn Khanh, tên thật Trần Ngọc Trọng, sinh năm 1933 Ngoài viết nhạc, ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Trần Ngọc. Năm 1953, ông giành giải nhất của đài phát thanh Hà Nội về giọng hát. Nhạc phẩm đầu tiên của ông là "Đò ngang" (viết cùng Y Vân). Ông định cư tại California, Hoa Kỳ. Tại đây, ông mở một tiệm phở mang tên "Hoa soan trên thềm cũ". Ông còn có các bút danh khác nhau như, Thương Hoài, Trần Kim Phú, Hoàng Mộng Ng…v..v..
Trịnh Thanh Thủy: T được biết chú học vĩ cầm từ nhỏ và được giải nhất của đài phát thanh Hà Nội năm 1953 về giọng hát. Chú có thể kể kỷ niệm đáng nhớ ngày chú đoạt giải nhất không?0
Tuấn Khanh: Ngày ấy cuộc thi có 120 người phải qua 3 vòng thi: Sơ kết(chọn ra 25 thí sinh), bán kết(chọn ra 8), chung kết(chọn hạng 1,2,3) và gia đoạn cuối biểu diễn. Qua hai vòng đầu tôi đạt giải nhất và cô Thanh Hằng đoạt giải nhì. Khi đến vòng chung kết và biểu diễn chỉ còn 8 người thì tôi gặp chuyện rắc rối, xui xẻo. Nguyên nhân, sau này do ông Thẩm Oánh kể lại tôi mới biết. Số là tác giả bài hát “Tan Tác” lúc ấy là Tu Mi vì muốn đền ơn, trả nghĩa cho cô Thanh Hằng đã giới thiệu cô bạn gái cho ông, nên ông nhúng tay vào phá bỉnh trong phần biểu diễn của tôi. Ông Tu Mi có quen một chuyên viên âm thanh lo phần kỹ thuật cho đài phát thanh Hà Nội. Ông ta bảo với người ấy rằng cứ đi đi để ông ấy trông nom hộ. Khi dự thi tôi mang số báo danh là 1, cô Thanh Hằng là 2. Người mang số 8 thi đầu, người kế tiếp mang số 7, và cứ thế tiếp tục. Mọi chuyện đều xảy ra tốt đẹp tuy nhiên đến lúc tôi cầm micro hát chót thì có chuyện. Tôi hát bài “Cánh chim giang hồ” của Ngọc Bích. Khi tôi mới cất lời “Lờ lững cánh chim giang hồ bay.”, thì micro tắt tị. Ngày ấy hệ thống âm thanh có những chiếc bóng đèn nhỏ thay vì các hàng nút. Chỉ cần xoay lỏng 1 trong những chiếc bóng đèn đó, thì âm thanh đã khác, hoặc tắt hẳn. Ông Tu Mi vặn cái bóng đèn lỏng ra, dòng điện lỏng bị ngắt nên micro không ra tiếng nữa. Tôi bị khớp và mất tinh thần. Ban kỹ thuật ra công sửa, xong tôi phải hát lại. Nhạc vừa dạo, tôi hát “Lờ lững cánh chim giang hồ bay, về phía chân trời xa tắp mây…”. Micro lại hỏng tiếp. Hồn vía tôi tiếp tục lên mây. Cứ thế , tất cả là 3 lần. Kết quả vòng biểu diễn tôi bị xếp hạng nhì. Một thời gian sau, ông kỹ thuật viên tiết lộ bí mật với ông Thẩm Oánh là phó giám đốc đài phát thanh kiêm chánh chủ khảo cuộc thi, việc ông Tu Mi đã cố tình nhúng tay vào. Khi di cư vào Nam, ông Thẩm Oánh gặp tôi có đến bắt tay xin lỗi, kể lại và cải chính lẽ ra tôi được hạng nhất mà vì lý do kỹ thuật đáng tiếc như vậy xảy ra.
TTT: Trong cuộc thi có Anh Ngọc và Hoàng Giác tham gia không chú?
TK: Cả hai đều không tham dự. Thời điểm đó người ta gọi ca sĩ nổi tiếng là tài tử hay danh ca. Ca sĩ Anh Ngọc lúc ấy đã nổi tiếng trong Nam được gọi là tài tử Anh Ngọc, trong khi ngoài Bắc có tài tử Ngọc Bảo. Cũng như trong Nam có danh ca Minh Trang(mẹ của ca sĩ Quỳnh Giao, vợ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), ngoài Bắc có danh ca Minh Đỗ(dì của Kim Tước). Hoàng Giác cũng đã nổi tiếng rồi. Khi ấy ông vừa sáng tác bài “Quê Hương”.
TTT: Sau khi đoạt giải và trở thành một ca sĩ nổi tiếng? Chú có tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình không và hát ở đâu? Bài nào chú hay hát thời đó? Giữa ca sĩ và nhạc sĩ, nếu phải chọn một chú nghiêng về phía nào hơn?
TK: Vào trong Nam tôi hát ở các ban nhạc như Bảo Chính Đoàn của Hoàng Trọng, Vũ Văn Tuynh, Vũ Nhân, Hoàng Hưng… Tôi bắt đầu sáng tác nhưng chỉ ngầm thôi. Người khai tâm âm nhạc cho tôi là bác sĩ Tuấn, anh tôi. Ngay từ lúc 10 tuổi tôi có thể cầm một bản nhạc mà xướng thanh ngay. Những bài tôi hát thuở đó thường là: “Mơ hoa” của Hoàng Giác, “Một chiều thu” của Nhật Bằng, “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh, “Người về” của Phạm Duy…Tôi hay hát chung với Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Mộc Lan, Tâm Vấn . . Khi ấy Tâm Vấn chưa phải danh ca. Bà có lối hát riêng nhún nhảy rất lẳng lơ, gợi cảm mà giới trẻ rất thích, nên các thanh niên chết mê mệt.
Từ năm 1955 đến năm 1970 tôi vừa làm ca sĩ và nhạc sĩ. Đến năm 1970, tôi quyết định giải nghệ không hát nữa, để chuyên tâm sáng tác. Ngoài ra, tôi chơi violon cho các nơi để sống. Tôi kéo violon và làm cho đài phát thanh Sài Gòn được 10 năm. Mỗi hợp đồng họ trả 200 đồng, sau lên 250 đồng. Ngày được 2 hợp đồng, có 500 rồi, mà ngày nào cũng có việc làm. Độc thân, thuê gác 500, cơm tháng 5000 một tháng, vừa đủ sống. Tôi cùng làm với nhạc trưởng Võ Đức Tuyết, nhạc sĩ Nguyễn Quí Lãm, Đặng văn Hiền đánh violon, thổi sáo.
TTT: Trước năm 75, Chú là một nhạc sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư ? Chú có đi quân dịch không?
TK: Tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp cho các đài phát thanh và đánh nhạc trong các ban nhạc quân đội hay tâm lý chiến. Khi họ gọi nhập ngũ tới lứa tuổi 20 thì tôi 21 tuổi, họ gọi 22, thì tôi 23, đều quá tuổi nhập ngũ. Cho đến khi Tổng Động Viên Tết Mậu Thân, các công chức làm trong đài phát thanh phải đi học quân sự năm tuần. Tôi bị gọi tham gia binh đoàn trừ bị để đến khi nếu có biến, cộng sản tiến chiếm đài phát thanh thì mình cũng biết bắn súng để giữ đài.
TTT: Chú có từng chạy theo khuynh hướng thời thượng hay ý thích của số đông đại chúng khi sáng tác không? Cảm nghĩ của chú khi đi ra khỏi đường lối sáng tác thông thường.
TK: Tôi có làm hai loại nhạc khác nhau. Loại nhạc có người nghe chọn lọc thường đuợc gọi là “nhạc sang”, tôi đề tên là Tuấn Khanh. Còn loại nhạc dành cho đại chúng, tôi lấy nhiều tên khác nhau như Thương Hoài Thương (Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói), Trần Kim Phú (Vì Lỡ Thương Nhau, Tỉnh Giấc), Hoàng Mộng Ngân (Tình Buồn Em Gái)….
Khi tôi viết loại nhạc đại chúng thì loại nhạc này bán rất chạy. Nó không những lợi về phần tài chánh mà còn lợi phần tiếng tăm nổi hẳn lên. Bởi lẽ giới bình dân đông trăm người, chỉ có một trí thức. Trong khi những tác giả có bằng âm nhạc đeo đầy ngực mà chẳng khi nào quần chúng biết tên. Sáng tác nhạc, không phải là học nhạc xong là có thể viết nhạc hay nổi tiếng mà nó đòi hỏi năng khiếu trời cho nữa. Bằng sáng tác của người dân cấp cho mới là cái bằng quan trọng nhất. Thời đó những bài loại này tôi vừa viết ra, quần chúng mua ào ào. Nhà in phát hành 5000 bản, chỉ 1,2 ngày là bán hết. Cứ 7 đồng một bản. Tôi là một trong vài ba tay tự in nhạc lấy không qua nhà xuất bản nào hết. Nhạc sĩ Lam Phương là người có nhạc bán chạy cũng tự in lấy. Nếu qua nhà xuất bản họ mua bản quyền 1 năm, trả mình 1500 đồng. Họ in bao nhiêu bản để bán mình không biết. Giả dụ họ nói in 2 ngàn bản nhưng thực ra in 10 ngàn bản rồi bán, mình cũng chẳng biết. Tuy nhiên in lấy phải có tiếng và có khách mới được, ngược lại chỉ lỗ tiền in. Một bản nhạc như “Quán nửa khuya” in đợt đầu và tái bản đã được 5 ngàn bản, sau lên 10 ngàn và đem được về 200 ngàn đồng. Nhà xuất bản Tinh Hoa điều đình mua lại bản quyền với giá 200 ngàn đồng. Lúc đó, bài hát đã bán chậm rồi nên tôi mừng lắm. Còn những bản nhạc ký tên Tuấn Khanh, nhà xuất bản mua một năm trả 1500 đồng đã mừng rồi, nếu họ mua 3 năm, 4500 thì mừng lắm. Khi đó một tô phở giá 3 đồng.
TTT: Quan niệm sống của chú với âm nhạc thế nào?Trong gia đình chú có ai học nhạc không? Chú có cho phép hay khuyến khích con cháu mình học và hành nghề ca nhạc sĩ không?
TK: Tôi sống và làm việc trong ngành này lâu nên tôi hiểu, phải có năng khiếu mới làm nhạc hay sáng tác hay. Con cái tôi thì có năng khiếu nhưng tùy thuộc vào độ nhiều hay ít. Tuy nhiên theo tôi phải thật nhiều mới nổi trội. Ngoài ra còn phải thật thích và có đam mê theo đuổi nữa, nên các con cháu tôi không ai đi ngành này cả.
TTT: Trong một bài hồi ký của ca sĩ Quỳnh Dao, bà có nhắc đến giai đoạn “Chu Mạnh Trinh”, tức thời gian chú sáng tác nhiều ca khúc rất hay khi chú cư ngụ tại ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh như: “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Một Chiều Đông”, “Mộng Đêm Xuân”, “Đồi Sim”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, và bài “Ngày Nào Con Trở Về”. Có phải đó là thời sáng tác hưng thịnh nhất của chú không? Chú có thể cho biết lý do tại sao? Điều gì đã thúc đẩy? và hình bóng người thiếu nữ dịu dàng, e thẹn, chờ đợi người con trai trở về có phải thật hay chỉ là hư cấu.
TK: Giai đoạn ấy à? Điều gì thúc đẩy? Thực ra khi tôi sáng tác toàn là có tâm sự mới sáng tác. Dĩ nhiên là quen người này, người kia rồi nảy sinh tình yêu, cảm xúc thật, mới viết được. Hình bóng các thiếu nữ phảng phất đâu đó đều là người thật, việc thật, không có hư cấu. Có lần cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên Paris By Night hỏi “Thế, tức 10 bài hát là 10 cô, 20 bài , 20 cô ?”. Thật ra với 1 cô, tôi có thể viết mấy bài rồi. Tôi để ý, hễ bài nào tôi viết cho người khác hay lấy tâm sự của người khác mà viết, gọi nôm na là “thương vay, khóc mướn” thì những bài ấy chẳng có bài nào để đời cả. Hoặc có thể nói là “có lửa mới có khói”.
TTT: Chú có thể kể lại một vài kỷ niệm vui buồn về đời sống quây quần chung quanh các bạn bè văn nghệ ở ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh ngày ấy như Phạm Duy, Anh Ngọc, Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Hoàng Anh Tuấn v..v..
TK: Ngày còn ở ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh, tôi thân nhất là gia đình Phạm Duy. Phạm Duy hay đi lưu diễn nên hay nhờ tôi trông nom dùm ban Hoa Xuân. Tôi còn soạn bài thâu thanh hay gọi ca sĩ hoặc giúp đỡ nhiều thứ cho Vũ Thành, Võ Đức Thu(ở gần đấy) ..v..v.. khi họ cần đến. Chuyện vui thì ngày ấy các con Phạm Duy nghịch phá nhất xóm. Ngày Tết cúng Giao Thừa mà để ngoài sân cúng, đóng cửa đi vào, đợi hết nhang ra thì con gà, trái dưa hấu, biến mất. Mùng hai Tết qua mừng tuổi Phạm Duy, tôi bảo “Năm nay xui quá anh ơi, giỗ Giao Thừa, tụi con nít vào bê mất con gà, quả dưa hấu” . Ông bảo “Em ơi, em đừng có chửi, có khi thủ phạm là con anh”. Tôi cũng buồn cười quá, chắc ông cũng biết rõ con ông nghịch phá như thế nào.
TTT: Chú biết nấu phở khi nào?
TK: Năm 1983, tôi vượt biên qua đến Hoa Kỳ thì trắng tay. Tôi liền ngẫm nghĩ cách mưu sinh giúp gia đình. Tôi bắt đầu nghiên cứu cách nấu phở bằng cách cố nhớ lại ngày còn bé được ăn phở thế nào, rồi bắt đầu thực tập. Một hôm tôi mời Duy Quang và bạn bè tới ăn phở tôi nấu. Ai cũng nức nở khen ngon. Trong đám bạn có một bà chủ tiệm phở ở Bolsa đến ăn phở và hỏi tôi có muốn đến giúp tiệm phở của bà không, bà trả 2500 đô một tháng. Số tiền này ngày đó lớn lắm, tôi mừng quá, tính chuẩn bị đi làm cho bà ấy. Tuy nhiên ông mục sư của Hội Thánh Tin Lành tôi quen khuyên, không nên làm vì nếu làm cho họ sau khi họ học hết nghề, sau 1 tháng họ sẽ cho nghỉ việc. Thế là tôi không đi làm cho bà nữa. Tôi lại nghiên cứu thêm một thời gian dài, nhưng chưa mở tiệm được vì chưa đủ tiền mà các con còn nhỏ. Tôi tiếp tục mở tiệm tại gia và mời bạn bè đến ăn. Phải kéo dài tới 14 năm mới ra mở được khi con cái đủ lớn và chúng có thể đảm đương việc mở tiệm.
TTT: Cảm ơn chú và chúc chú an bình cùng những sáng tác ngày càng sung mãn hơn.
(ii) Thơ Thái Bá Tân: Nói và làm
Ta, tôi và các bác,
Trong phòng ấm, an toàn,
Ta nói về dân chủ,
Môi trường và dân oan…
Ta nói chân thành lắm,
Nhiều lúc đến lâm ly.
Nhưng mà rồi chỉ nói,
Hầu như không làm gì.
Ta thương trẻ miền núi,
Nhưng quyên góp thì không.
Dân biểu tình ngoài phố.
Ta ngồi yên trong phòng…
Đại khái là như thế.
Ta, tầng lớp “tinh anh”,
Sống lương thiện, tử tế
Và cũng được học hành.
Ta kêu lên phấn khích
Thấy người dân Quê Choa,
Sáu trăm người một lúc,
Đi kiện Formosa.
Họ, những người nghèo khổ,
Không chém gió trên Phây,
Không nhận mình tài giỏi,
Không chửi bới hàng ngày.
Đúng, một tấn lý thuyết
Không bằng chỉ một gam
Của hành động cụ thể
Thế đấy, nói và làm.
Ta, tôi và các bác,
Nên nghĩ lại về mình
Khi thấy dân dũng cảm
Khiếu kiện và biểu tình.
.............................. .............................. .............................. ..................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét