Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :11/06/2024 - Duke Nguyễn



Gaza : Hội Đồng Bảo An thông qua Nghị quyết ngưng bắn do Mỹ đề xuất
Ngày 10/06/2024, các thành viên tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất về kế hoạch ngừng bắn cho dải Gaza. Văn bản đã nhận được 14 phiếu thuận, Nga vắng mặt. Phong trào Palestine Hamas « hoan nghênh ». Các thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua kế hoạch ngừng bắn tại Gaza lần đầu tiên, sau 8 tháng xung đột Israel- Hamas, ngày 10/06/2024, New York, Hoa Kỳ. AP - Eskinder Debebe Minh Anh
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật :
<!>
Với 14 phiếu thuận, riêng Nga bỏ phiếu trắng : đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến ở Gaza, đa số ở Hội Đồng Bảo An đứng về phía Mỹ và « ủng hộ » dự thảo của nước này, cho dù mới chỉ có những đường hướng chính của kế hoạch gồm ba giai đoạn mà tổng thống Joe Biden công bố cách nay 10 này.

Theo đó, giai đoạn đầu tiên dự trù thả một số lớn con tin và tạm ngưng các cuộc giao chiến; giai đoạn này sẽ kéo dài chừng nào vẫn cần thiết để đàm phán bước sang giai đoạn hai nhằm trả tự do cho tất cả các con tin, « rút hết toàn bộ binh sĩ Israel ra khỏi Gaza » và « hưu chiến liên tục ». Giai đoạn thứ ba kêu gọi tái thiết Gaza.

Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield giải thích : « Hội Đồng đã gởi đi một thông điệp rõ ràng đến Hamas : Hãy chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn này. Israel đã đồng tình và các cuộc chiến sẽ có thể chấm dứt hôm nay nếu Hamas thực hiện điều tương tự. »

Joe Biden liên tục nhắc lại rằng bản kế hoạch này « đã được phía Israel chấp thuận » nhưng mục tiêu chuyến thăm Israel hôm nay của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken là đến thuyết phục thủ tướng và bộ trưởng Quốc Phòng Israel vào lúc ông Benjamin Netanyahu cho biết vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến cho đến khi nào quét sạch được phe Hamas và sự chia rẽ chính trị trong nước có nguy cơ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Hội nghị tái thiết Ukraina ở Đức: Phục hồi khẩn cấp lĩnh vực năng lượng bị Nga phá hủy

Hội nghị bàn về tái thiết Ukraina diễn ra trong hai ngày, hôm nay 11/06 và ngày mai 12/06/2024 tại Berlin, Đức, với sự tham gia của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Trên mạng X hôm qua, 10/06, tổng thống Ukraina nhấn mạnh: ‘‘Ưu tiên số một của chúng tôi là các giải pháp khẩn cấp cho lĩnh vực năng lượng’’.


Hàng đầu: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong Hội nghị Tái thiết Ukraina, Berlin, Đức, ngày 11/06/2024. AP - Britta Pedersen
Trọng Thành
Tham dự hội nghị tái thiết Ukraina tại Berlin, có gần 600 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng, y tế hay cơ sở hạ tầng, cùng đại diện nhiều quốc gia trong đó có 10 lãnh đạo chính phủ. Đây là hội nghị tái thiết Ukraina lần thứ ba và là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Hai hội nghị trước được tổ chức tại Thụy Sĩ (2022) và Anh (2023). Theo The Guardian, hội nghị tại Berlin sẽ chuyển hướng từ mục tiêu bàn việc tái thiết sau chiến tranh sang các mục tiêu khẩn cấp, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng mất điện dự kiến kéo dài trên quy mô lớn trong mùa đông.

Bà Mattia Nelles, giám đốc điều hành của Văn phòng Đức-Ukraina, kêu gọi : “Hãy ngừng nói về mục tiêu tái thiết dài hạn không gắn gì với thực tế. Ngoài việc cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraina, cũng cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống năng lượng vững chắc có khả năng phục hồi nhanh chóng. Với hơn 50% sản lượng năng lượng quốc gia bị phá hủy hiện nay, tình hình đang ngày càng nghiêm trọng.”

Ukraina: Lãnh đạo cơ quan tái thiết từ chức để phản đối chính quyền
Tuy nhiên, thách thức với Ukraina không chỉ là các đầu tư về tài chính và phương tiện mà còn là tệ nạn tham nhũng. Trước thềm hội nghị tại Berlin, một diễn biến mới tại Kiev gây lo ngại cho các đối tác phương Tây. Hôm qua, 10/06, quan chức phụ trách tái thiết Ukraina, ông Mustafa Nayyem, quyết định từ chức, đồng thời cáo buộc chính quyền Zelensky ngăn cản ông thực thi phận sự.

Tường trình của thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev :

Cựu phóng viên Mustafa Nayyem, một hình tượng tiêu biểu của cuộc cách mạng Maidan, tham gia chính trị từ mười năm nay, với mục tiêu cải cách từ bên trong bộ máy hành chính công. Năm 2023, ông Mustafa Nayyem được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tái thiết, phụ trách điều phối trợ giúp quốc tế, cho phép phục hồi các cơ sở hạ tầng của đất nước. Thách thức là rất lớn trong lĩnh vực này. Đầu tư cho các tái thiết lên đến hàng tỉ đô la, trong lúc các cơ quan chống tham nhũng kiểm soát sát sát sao việc sử dụng các khoản tiền khổng lồ này để đề phòng tham nhũng.

Vài giờ trước khi hội nghị tái thiết Ukraina tại Berlin khai mạc, chính quyền đã cấmMustafa Nayyem đi Đức, nơi ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà đầu tư cho công cuộc tái thiết. Vài giờ sau đó, Mustafa Nayyem đã quyết định từ chức để phản đối việc các hoạt động của ông bị cản trở.

Tại Kiev, mọi cặp mắt đang dồn về Andriy Yermak, nhân vật đầy quyền lực đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraina. Andriy Yermak, bị cáo buộc là người thao túng các quyết định bổ nhiệm, tìm mọi cách để bố trí những người thân cận với phe tổng thống vào tất cả các vị trí quan trọng trong guồng máy quyền lực’.

Đối với các tổ chức thuộc xã hội dân sự, vụ việc rất nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại là những nhân vật thân cận với ông Zelensky quyết định can thiệp vào mọi lĩnh vực, có nguy gây ra các hiện tượng tham nhũng, thiên vị trong việc phân bổ các hợp đồng tái thiết.

Mỹ-Hàn thảo luận về chiến lược chung đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên

Các quan chức quốc phòng cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ đã gặp nhau hôm qua 10/06/2024 tại Seoul để thảo luận những đường hướng mới nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.


Thứ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Cho Chang Rae (T) và phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Vipin Narang họp báo sau cuộc họp Nhóm Tư Vấn Hạt Nhân (NCG) tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/06/2024. via REUTERS - JEON HEON-KYUN
Phan Minh
Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Tư Vấn Hạt Nhân đã đề ra các nguyên tắc và quy định trong việc duy trì và tăng cường chính sách và thái độ răn đe hạt nhân một cách “đáng tin cậy và hiệu quả”.

Vipin Narang, quyền trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về chính sách vũ trụ, người đồng chủ trì các cuộc đàm phán, cho biết “đường hướng vạch ra bao gồm các nguyên tắc và thủ tục tham vấn, đặc biệt trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bắc Triều Tiên”.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Trong cuộc họp cấp cao năm ngoái, Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp thêm thông tin cho Hàn Quốc về kế hoạch hạt nhân của Washington trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Triều Tiên.

Một số chính trị gia Hàn Quốc, trong đó có các lãnh đạo trong đảng của tổng thống Yoon Suk Yeol, đã kêu gọi Seoul tự phát triển vũ khí nguyên tử, thay vì dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, điều mà Washington một mực phản đối.

Cho Chang Rae, thứ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc, cho biết, quan chức cấp cao của hai nước sẽ tổ chức một cuộc tập trận mô phỏng trước khi có các cuộc tập trận thường kỳ vào mùa hè, tập trung vào khả năng Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vẫn tại bán đảo Triều Tiên, một số binh sĩ Bắc Triều Tiên, hôm 09/06, đã vô tình vượt qua biên giới và thâm nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc, khiến binh sĩ nước này bắn cảnh cáo.

Tổng thống Philippines yêu cầu quân đội sẵn sàng đối phó với các đe dọa

Hôm qua, 10/06/2024, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., trong chuyến thị sát tại một đơn vị đồn trú tại khu vực phía bắc nước này, đối diện với đảo Đài Loan, nhấn mạnh quân đội cần sẵn sàng đối phó với các đe dọa bên ngoài.


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong buổi tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tại phủ tổng thống, Manila, Philippines, ngày 19/03/2024. REUTERS - Evelyn Hockstein
Trọng Thành
Văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines hôm nay, 11/06 dẫn lại phát biểu của tổng thống: “Mối đe dọa từ bên ngoài giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn, đáng lo ngại hơn và đó là lý do tại sao chúng ta phải chuẩn bị”. Cuộc nói chuyện với các binh sĩ của tổng thống Philippines Marcos diễn tại căn cứ Melchor Dela Cruz, thuộc tỉnh Isabela, một trong bốn căn cứ quân sự mới của Philippines, mà quân đội Hoa Kỳ được quyền tiếp cận, theo một thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước hồi năm ngoái.

Philippines nằm sát hai ‘‘điểm nóng’’ của khu vực, Đài Loan và Biển Đông. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và đe dọa sẽ thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Theo báo Hồng Kông South Morning Post, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và Philippines, không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nhưng Washington và các đồng minh phản đối mọi nỗ lực nhằm xâm chiếm hòn đảo tự trị.

Tại Biển Đông, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh cũng gia tăng trong thời gian ít tháng gần đây tại các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc Philippines tiếp tế cho một đơn vị đồn trú tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-La tại Singapore hồi đầu tháng 6, tổng thống Philippines cảnh báo, nếu Trung Quốc cố tình sát hại dù chỉ một người Philippines, Manila sẽ coi đây là ‘‘hành động tuyên chiến’’.

Bầu cử Quốc Hội Pháp : Bốn đảng cánh tả đạt thỏa thuận về cử ứng viên

Hơn một ngày sau khi tổng thống Pháp quyết định giải tán Quốc Hội để bầu cử sớm, đại diện của bốn đảng phái chính của cánh tả và cực tả Pháp, gồm đảng Xã Hội, đảng Nước Pháp Bất Khuất, đảng Xanh và đảng Cộng Sản đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc lập một « Mặt trận Bình dân » mới để đồng thuận cử các ứng viên ngay từ vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội, sẽ được tổ chức vào ngày 30/06


Bí thư đảng Xanh Châu Âu (EELV), Marine Tondelier (giữa) trả lời báo chí sau cuộc họp với lãnh đạo các đảng cánh tả, Xã Hội (PS), Nước Pháp Bất Khuất ( LFI), đảng Cộng Sản (PCF), ngày 10/06/2024, tại Paris. AFP - DIMITAR DILKOFF
Trọng Thành
Cuộc thảo luận tìm tiếng nói chung giữa lãnh đạo bốn đảng phái cánh tả Pháp diễn ra tại trụ sở của đảng Xanh ở Paris, với sự tham gia của bà Marine Tondelier, đảng Xanh, ông Olivier Faure, đảng Xã Hội, ông Fabien Roussel, đảng Cộng Sản và ông Manuel Bompard, đảng Nước Pháp Bất Khuất. Theo báo Le Monde, vào lúc 22 giờ30 phút ngày 10/06/2022, trước cửa trụ sở, lãnh đạo bốn đảng thông báo đã đạt được thỏa thuận về việc lập ra một « Mặt trận Bình dân », tập hợp « tất cả các lượng cánh tả, cùng các nghiệp đoàn, hiệp hội… ».

« Mặt trận Bình dân », khẩu hiệu hành động cho phép lập liên minh giữa đảng SFIO (tiền thân của đảng Xã Hội) với các đảng cánh tả khác, đã dẫn đến chiến thắng lịch sử năm 1936. Dưới thời chính phủ Léon Blum, liên minh các đảng cánh tả thắng cử đã thông qua các luật tuần làm việc 40 giờ, ngày nghỉ được trả lương và nhiều tiến bộ xã hội khác.

Năm 2022, bốn đảng phái cánh tả nói trên từng đạt đồng thuận lập « Tân Liên minh Nhân dân Xã hội và Sinh thái – Nouvelle Union populaire Econologique et Sociale - NUPES, vì mục tiêu tranh cử, với kết quả 151 ứng cử viên NUPES đắc cử dân biểu (trên 577 ghế). Nhiều bất đồng sau đó đã khiến NUPES tan vỡ. Chiều hôm qua, trước thềm cuộc họp tại trụ sở đảng Xanh, ông Oliver Faure, lãnh đạo đảng Xã Hội, khẳng định liên minh mới giữa các đảng phái cánh tả sẽ không phải là sự kế tục của NUPES trước đây, và liên minh này sẽ mở rộng cho xã hội dân sự và các nghiệp đoàn, « điều chưa từng có ».

Đảng Xã Hội và đảng Place publique về thứ ba trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, với gần 14% phiếu bầu, và cũng là đảng cánh tả được nhiều cử tri ủng hộ nhất tại Pháp hiện nay.

Theo hai thăm dò dư luận công bố hôm qua, hiện tại từ 33 đến 34% cử tri dự định bầu cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc trong vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 30/06, nhiều hơn 15 điểm so với tỉ lệ ủng hộ cách nay 2 năm.

Số các vụ xung đột trên thế giới trong năm 2023 cao nhất kể từ 1946

Theo một nghiên cứu của Na Uy được công bố hôm qua 10/06/2024, thế giới vào năm 2023 đã chứng kiến số các vụ xung đột vũ trang lên tới mức cao nhất kể từ năm 1946, với nghịch lý là số các nước tham chiến giảm xuống.


Ảnh minh họa : Người dân chạy tìm nơi trú ẩn khi có báo động tên lửa Nga tập kích vào Kharkiv, Ukraina, ngày 25/05/2024. REUTERS - Valentyn Ogirenko
Phan Minh
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Prio), được AFP trích dẫn, năm 2023 trên toàn thế giới đã xảy ra 59 cuộc xung đột, gần một nửa (28 vụ) ở châu Phi.

Tuy nhiên, số nước tham gia xung đột đã giảm, từ 39 trong năm 2022 xuống còn 34 trong năm ngoái. Số người chết trong các xung đột cũng giảm một nửa, theo dữ liệu do đại học Uppsala của Thụy Điển thu thập từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và cuộc xung đột ở Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Palestine Hamas vẫn không có dấu hiệu chấm dứt, số người chết trên chiến trường vẫn ở mức cao thứ ba kể từ năm 1989.

Siri Aas Rustad, nhà nghiên cứu tại Prio và là tác giả chính của báo cáo về chiến sự trong giai đoạn 1946-2023, cho biết : “Bạo lực trên thế giới chưa bao giờ cao đến như vậy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.”

Theo chuyên gia này, số vụ xung đột gia tăng một phần là do nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đã lan rộng khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông và tình trạng này khiến “các tổ chức nhân đạo hay tổ chức xã hội dân sự ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc điều phối và cải thiện cuộc sống của người dân”.

Không có nhận xét nào: