Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Chuyện tình của cha tôi - Nguyễn Văn Thọ


                   Hoạ sĩ Nguyễn Văn Thiệu

1 - Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ được nói chuyện với ông. Mà thực ra tôi nào muốn vậy, bởi tiếng gọi của bầy đàn cùng phố, những chuyến du hí, bơi vượt sông Hồng sang bãi ngô, rà xoát tất cả các vườn ổi trái mùa ở Thanh Nhàn, Nghi Tàm và, dăm củ niễng trắng muốt, ròn, thanh, tìm được trên ruộng nước, hay thú bắn chim bằng súng cao su, vặt lông, nướng lửa trên các làng, cánh đồng quanh Hà Nội! Ông, như trăm ngàn người cha khác hồi ấy, cực nhọc kiếm sống, quanh năm suốt tháng lọ mọ trong xưởng vẽ, mọp đầu trên bàn chấm bài cho sinh viên. Bắt đầu hơi biên biết, muốn gần thì tôi lại xa ông.
<!>
Mười một năm li biệt. Tôi nhận được đâu khoảng chục lá thư của ông trong chiến tranh. Hầu hết các thư ấy đều bốc cháy trong lần tự tay tôi đốt, cháy lên ngọn lửa, sưởi cho một đồng ngũ bị trọng thương, trong một căn hầm lở loét giữa mưa đêm đại ngàn, cùng với thơ, truyện cắt ra từ báo, từ tạp chí. Cũng như mọi người cha khác, gửi thư cho con trai nơi mặt trận, thư ông, là dặn dò giữ sức khoẻ, là chuyện mẹ tôi và anh chị em trong nhà. Nhớ thương! Có khoảng hai, hay ba lá thư rất dài, ăm ắp bốn năm trang po-luya, trên vẻn vẹn mấy dòng, báo tin ông và mẹ tôi vẫn khoẻ, ai cũng khoẻ, còn lại, dầy đặc là thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch, của ông nôm na viết... Ngày đó, tôi không hề biết, đó là những lá thư viết sau ngày mẹ tôi mất.

Năm tôi từ rừng về lại phố, ông không còn dậy ở Đại học kiến trúc nữa, nên bắt đầu bố con được gần nhau. Bạn tới thăm, đa phần là giáo viên và học trò, còn lại là các họa sĩ cùng lứa ở Boda (1) như ông Ngôn, ông Ngọc, ông Yên. Rồi ông trổ tài đàn dân tộc, bạn ông lại nhà có thêm các ca kĩ như bà Hồ, bà Phúc, chị Khuê. Đám hát kéo thêm thi sĩ, nhà văn già và nhạc sĩ, cả mấy ông về hưu. Người tôi biết như ông Văn, chú Khoát, người chỉ nghe danh… và theo sau cả đám lau nhau như anh Triều Dương v.v...

Những buổi khó quên. Bữa ăn tối nhà tôi thường đói và lễnh loãng, nhưng sau đó, từ gác nhỏ tràn giữa cái khu chợ Giời ngày ồn ã, giờ tom chat, chát tom, ăm ắp tiếng cười, xâm xấp giọt đàn và thăm thẳm tiếng hát của các kì nhân đã mõm mòm mom.

Tôi là con thứ, nhưng được ông yêu, đôi khi lăng xăng lo việc hầu trà. Cũng là sở thích nghe lỏm, hóng hớt, lứa già sống ra sao. Nhưng xem ra, sự tò mò của tôi không đã. Các câu chuyện của khách, thường như lạc lõng với đám thị dân lứa chúng tôi, tách biệt thời sự, cả những điều hôi hổi của cuộc sống, như cơm, áo, gạo, tiền. Cũng không mấy khi các ông ôn cổ tri tân. Người kể cho tôi về ông, xưa thế nào, duy nhất là bác Ngôn. Còn rặt chuyện vẽ của bè bạn, cồn đống Đông Dương cũ, cả lớp trẻ, giờ vẽ ra sao. Tự chuyện yêu của bác Ngôn thì hồn nhiên và hấp dẫn vô cùng tận. Có lẽ lứa trí thức xưa ít ngồi đôi mách lẻo, nên chuyện riêng tư kẻ vắng mặt, thậm hiếm. Câu ngắn, nhớ lâu của bác Ngôn, chỉ hai chữ về ông: hiền và kĩ.

Có một bữa, bác Ngôn tới, kể về chuyến bay Đà Lạt và mối tình với thiếu nữ kém ông 50 tuổi. Hoàng Lập Ngôn với họa là con đại kì lân, với tình là con rồng xanh đi mây về gió. Gần đẫy thế kỉ mà vẫn chưa già! Lúc nào, người bạn ấy của cha tôi cũng phơi phới, tung tăng. Ông kể, mỗi chuyến bay, bác chỉ thở Yoga, chục nhịp là hạ cánh xuống Sài Gòn!? Cha tôi tập Yoga vào mỗi sớm, để tự cân bằng từ ngày mẹ tôi mất. Ngày nào ông cũng thiền, mỗi khi thức dậy và tự xoa bóp trước khi đi nằm. Không bay bằng Yoga như bác Ngôn, 40 năm, ông vui sống giữa chợ Giời náo nhiệt, làm nơi đi về cho con cháu quây quần.

Hai người khác hẳn nhau, vậy mà nhận nhau làm anh em kết nghĩa từ lúc còn xanh.

Buổi ấy, ông Ngôn cứ ngả nghiêng bên cha tôi tủm tỉm. Khách về, tôi ngồi nán lại trên căn gác nhỏ, quanh những chiếc đàn tuổi cũng chẳng non tơ. Tôi đánh bạo hỏi: "Bác Ngôn hay thật! Cậu xưa yêu thế nào? Cậu lấy mợ là do ông tìm cho. Nhưng thời học trên Hà Nội, cậu không yêu ai à?" "Có chứ. Thanh niên như chúng mình, ai chả một lần yêu!" "Cậu yêu ai? Bà ấy thế nào? Đẹp không?" Tôi dồn. Ông không trả lời và tủm tỉm. Lại với chiếc đàn đáy trên tường xuống nhẩn nha chơi.

Tôi quen rồi! Khép cửa, bước ra ngoài sân thượng cho ông được một mình.

Bữa ấy ông chơi đàn rất khuya. Ai đã nghe đàn đáy nhiều hẳn biết. Đàn đáy có ba dây mà khá nhiều giọng điệu. Sự nhấn nhá của nghệ sĩ, trên các cung phím lõm, ngón đàn diệu nghệ tạo nên những âm thanh mơ hồ, song đầy biểu cảm, sâu sắc. Những âm thanh dầy và ấm, cao và trong hòa nhau, có lúc hệt như tiếng người.

Năm 1985, khi ấy đời sống khó khăn. Tôi và em trai góp tiền lại, mới đủ mời ông đi Sài Gòn một chuyến. Chả là trong ấy ông còn vài người bạn, xa nhau từ 1954. Một nguyên nhân nữa, muốn tìm lại bức sơn dầu 18 mét vuông, vẽ năm 1952, theo đơn đặt hàng của chính phủ Bảo Đại. Thế thôi.

Bay tới Sài gòn, khi thì tôi lấy ô tô cơ quan, khi thì xe máy đưa ông đi khắp nơi. Ông gặp lại bè bạn, đa phần là dân mỹ thuật và kiến trúc. Những câu chuyện mặn, nhạt! Tôi nhớ nhất một kiến trúc sư đã hưu, am tường hoá chất, khoe với ông những điếu ba số giả như thật. Tôi hút thử một điếu, thơm và tàn trắng tới tận cuống đầu lọc. “Nhóm học kiến trúc hồi ấy, có người vẫn là Hoàng thân, có người giữ quyền lớn và có người như ông ấy! Số phận cả con ạ!” Ông nói. Rồi qua bè bạn cũ chỉ dẫn, tìm được bức tranh xưa, treo ở Nha kiến trúc hay Sở lục lộ gì đó của Sài Gòn cũ. Ông cẩn thận mang theo mấy tấm ảnh, chụp ông đứng trên dàn giáo, vẽ bức tranh ấy.

Người đại diện giám đốc của cơ quan mới, cũng là lứa học trò ông, mừng lắm khi được tiếp tác giả bức tranh. Anh nói: “Thầy kí cho em một chữ vào đây. Qua mấy chế độ, bao đời tổng thống, họ đã cạo tên tác giả đi, vì nghe nói, thời ông Diệm, họ biết tác giả ở ngoài Bắc, thành ra chúng con không rõ tranh của ai. Thấy đẹp, nên cứ để nguyên như khi tiếp quản”. Tôi nhìn, bức sơn dầu choán giữa tường đại sảnh của tòa nhà lớn, vẽ một cây đa cổ thụ rủ xuống đất rễ con và rễ cái. Mấy người nông dân, nữ mặc yếm hai dây, quanh gốc đa. Nổi trên đại cảnh là bác nông dân, vai vác bừa, dắt trâu mộng. Ra xa là cổng làng, xanh xanh đồng lúa. Cảnh trí và nhân vật hoàn toàn Bắc Bộ! Tên tranh là Quê hương.


Họa sỹ Nguyễn Văn Thiệu đang vẽ tranh Quê Hương (1952)

Tôi để yên cho ông tới nửa giờ nhìn lại tranh xưa, có tuổi hơn cả tuổi em Thước tôi. Tôi hiểu ông đang xúc động. Ông ngồi lặng trên xa-lon. Ông đứng dậy, đi lại, nghiêng ngó, ngắm các góc sáng, rờ tay lên mặt tranh, chỗ góc phải, nơi ai đã cạo tên ông. Nhưng rồi, ông không kí vào đấy như lời đề nghị.

Đó là một buổi tối Sài Gòn, trăng buồn, đầy, cao và xanh. Gió hây hây đùa trên mái tóc còn đen của tôi, khi hai cha con đi dạo bên bờ sông lấp lánh ánh điện mầu, hắt xuống từ những dãy nhà bên bờ, ông chợt bảo: “Mai con dẫn cậu tới bà N. nhé!” Bà N. là thế nào với nhà ta hở cậu? Không biết trong đêm tối nét mặt ông ra sao. Yên lặng một lát, ông nói: “Cậu chẳng dấu. Hồi ở mĩ thuật, bà N. học sau cậu một khoá.” Người yêu cũ của cậu à? Tôi cười khẽ, đủ lan ra trên mặt sóng lăn tăn. "Cái thằng này!"

Câu chuyện ông và người đàn bà kia cũng chỉ năm sáu chục bước chân. "Cậu và bà ấy yêu nhau. Học xong, ông nội con gọi cậu về quê dạy học, coi sóc gần chục mẫu ruộng, và vẽ. bà N. vào Nam. Gia đình nhà ấy rất giầu. Thời trước, phải rất giầu mới đủ tiền cho con ăn học Boda. Nhà mình không giầu. Ông phải nợ nần và bán dăm mẫu ruộng thóc cho một năm dự bị. Sau, học chính thức, cậu có học bổng toàn phần mới đỡ. Năm 1952, khi sinh đứa con mà ta xem hồi sớm, vợ chồng đưa xe ra tận chân máy bay đón cậu. Ông chồng cũng là bạn chung, dân kiến trúc Boda, sau sang Pháp học thêm". Tôi không dám hỏi vì sao ông không yêu đến cùng, mà lại lấy mẹ tôi. Có vậy! Vâng, sớm mai con sẽ đưa cậu tới!

2 - Sớm hôm sau tôi đưa ông đi bằng Hon đa.
Cái bưu thiếp ố vàng có dòng địa chỉ, mực đã phai mầu, ông móc ra từ túi áo vét từ thời Pháp cũng đã sờn, làm tôi đọc mãi mới ra. Sài Gòn vẫn lạ và rộng. Vòng vèo cả giờ, tôi đưa ông đến một biệt thự cổng cao rào kín ven ngoại. Chiếc cổng sắt long hết sơn và chuông điện ấn mãi không thèm kêu. Mất điện! Tôi nói và đập mạnh vào cửa sắt. “Ấy, con đừng làm thế, nhẹ tay thôi!”

Một lát, phải chừng chục phút, tôi mới nghe thấy tiếng chân ra. Đúng hơn là, tôi nghe ra tiếng lá khô vỡ, chạm vào nhau theo một nhịp đều đều. Cái lỗ tròn bên cửa sắt lay động và vật chắn cụng cựa. Giọng một người đàn bà cất lên sau cửa: “Xin lỗi. Các ông hỏi ai vậy?” “Thiệu đây. Thiệu đây mà!” Giọng cha tôi vẫn rất ấm. Ông ngừng một tí, lấy hơi rồi tiếp: “Có phải N đấy không?” Tôi thở thượt khi tiếng then cài lách cách kêu. Ba chục năm! Thật may! Tôi nghĩ.

Cánh cửa ken két mở ra. Trước mắt tôi là một bà già da đã nhăn nheo, mặc áo nâu dài nhà Phật. Bà gầy, dong dỏng. Khuôn mặt thanh thoát và hơi xanh. Tôi có cảm giác, bà mong manh như gió từ đâu thổi lại, chứ không phải một thân xác hiện hữu, bằng da thịt đang đứng trước mặt cha con tôi. Đôi mắt này xưa đẹp nhưng buồn. Tôi thầm nhận xét. Có thể bà vẫn rất đẹp trong cái tuổi cổ lai hy của một thế hệ, nhưng ngay lúc đó, tôi không thể nhận ra, để nay nhớ lại, tả kĩ hơn về bà; hay là với tôi, mẹ tôi là người đẹp nhất. Mẹ tôi dáng cao thanh, tóc rất dài mượt. Mắt bà đẹp hiền và thăm thẳm. Năm nào, từ Trường Sơn tạt về thăm nhà, giữa trưa đẩy cửa bước vào, thấy mẹ tôi bật dậy trên ghế ngựa. Chao ơi! Mớ tóc dài xăm xắm, mới xa nhau hai năm mà giờ thành trắng xoá, xổ tung chảy xuống nền đá hoa…

Cha tôi mỉm cười, đầu hơi cúi xuống, rồi như muốn vươn tới. Vẫn là câu ban nãy: “Thiệu đây, Thiệu đây. N. có nhận ra Thiệu không?”

Người đàn bà đôi mắt ánh lên, thoáng chớp ngạc nhiên, nheo lại như muốn nhìn cho thật rõ cha tôi,. Nhanh lắm, đôi mắt lại lập tức trở lại bình thường. Nhưng tôi vẫn nhận ra, vẫn còn bàn tay như cái lá, gân xanh run rảy. “Anh Thiệu! Anh vào bao giờ thế này?” Giọng run run, miệng tươi lên một chút, dâng hai tay mời cha con tôi vào nhà. “N. nhận ra ngay. Bao nhiêu năm rồi! Mô Phật! Sao anh vẫn nhớ nhà mà tới thế này?” Ông đưa tay lên, rồi rụt lại.

Theo chân họ, đôi tình nhân cũ thủa nào, tôi đi dọc con đường nhỏ lát gạch hoa, xiên qua một vườn cây, dẫn tới cửa biệt thự màu vôi đã cũ, nhưng kiểu dáng, đúng là nhà của một kiến trúc sư thời Tây. Bà đi trước. Không, bà lướt nhẹ trên đường thì đúng hơn, như ngọn gió màu nâu thổi nhẹ, thong thả dẫn ông và tôi tới một phòng khách bầy bộ xa-lon nhung ở chính giữa. Hai cha con tôi ngồi xuống xa-lon sau lời mời của bà. Bà xin lỗi, ra phòng trong một lát. Tôi đoán, bà đi lấy nước? Chỉ lát sau bà quay lại ngay, vẫn trang phục hồi nãy và ngồi xuống đối diện. “Đây là cháu thứ tư của Thiệu!” Mở đầu câu chuyện, ông giới thiệu. Người đàn bà xa lạ nhìn sang tôi, ánh mắt như cười thân thiện: “Cháu đi chơi với với ông?” “Dạ, không ạ, cháu đi công tác, tiện đưa cậu cháu vào chơi trong này” Bà quay sang ông: “N. nhớ rồi, hồi ra thăm anh, cậu ấy còn bé tẹo!” Vậy là, họ gặp nhau đã hai lần. Tôi thoáng nghĩ và cảm thấy vô duyên vô cùng khi ngồi bên ông trong cuộc gặp gỡ này. 

Chưa biết tìm cách tháo lui, để đôi nhân tình xưa tự nhiên hơn, thì "phịch", cửa phòng sau bật mở. Tôi quay lại. Một cô gái nom đôi mươi, mặt tươi sang, rạng rỡ cả góc nhà, bước vào với một khay nước trên tay.
- Đây là cháu út của N. Con rót nước mời bác và anh.
- Cháu chào bác ạ! Cô gái nói giọng Bắc, không tạp pha tẹo nào, như mấy chị tôi di cư lứa 54. Cô cúi đầu, nhẹ chào tôi và rót nước. Cái li sứ men nâu nhạt đặt ngay trước mặt, tôi được chiêm ngưỡng cận cảnh cổ tay cô gái hầu trà. Còn thứ da thịt nào mịn màng hơn da thịt cổ tay tròn thon nhỏ kia, mà tay áo dài cố che đi, giờ lộ ra, cách mắt tôi hơn hai chục xangtimet? Tôi tủm tỉm, ngước mắt lên, chạm đúng vào ánh mắt của cô gái, con bà, con người tình xưa của cha tôi. Đấy là một khuôn nhan tuyệt vời, quý phái và lộng lẫy. Có những vẻ đẹp, tôi đã gặp mà cứ truội đi, trôi qua. Còn khuôn mặt ấy, tận giờ vẫn nằm lại trong trí não của tôi. Tôi quay sang, cố dấu ánh mắt mình, để ngắm bà rõ hơn một lần nữa. Đó là những phiên bản của tạo hoá, mà thời gian và những gì trong đó, đã phũ phàng đổi thay, tưởng là vô can? Thảo nào, thảo nào! Tôi tủm tỉm.

Bà cũng cười thoáng và bảo, anh và cháu trưa nay ở lại đây dùng cơm với mẹ con N. Cha tôi quay sang nhìn tôi và tôi yên lặng. Trưa nay ông giám đốc phía Nam sẽ mời cơm chúng tôi. Nhận rồi! Nhưng sao khi ấy, tôi không có sáng kiến, để cha tôi ở lại, cho dài thời gian họ gặp nhau? Sự lạnh lùng của tôi sau cái nhìn của ông, làm nên lời từ chối: “Thiệu ngồi đây với N chút nữa. Trưa nay cháu nó có việc. Thôi hẹn dịp khác!” Ông cười rất tươi như xin lỗi, vốn không bao giờ cất lên thành lời ở những người bạn quá thân với ông. “Vậy thì. Thôi! Thế cũng được.” Bà ngập ngừng rồi lại tươi lên: “Anh vẫn thích uống Cointreau với đá đấy chứ? Dùng trà xong. Anh và cháu uống với N một li vậy” Ông lại cười.

Trời ơi, bao nhiêu năm rồi, nhà tôi chỉ có những vỏ chai rượu ngoại lăn lóc trên sân thượng. Những vỏ chai nhãn rất đẹp, có cái cổ chai bọc giấy bạc, có cái bọc dầy thứ kim loại mềm như thiếc. Rồi năm sáu mươi gì đó, mẹ tôi cũng vơ hết, bán sạch cho đồng nát lấy tiền đong gạo. Tôi chợt nhớ, để đưa ông vào đây, chúng tôi gom góp tiền. Em trai tôi nhét thêm vào hành lí 6 chai sâm banh Nga nặng chịnh và dặn, anh chịu khó xách theo, tới Sài Gòn bảo D. bạn em mang ra chợ bán, lấy tiền lãi, thêm cho cậu đi chơi. Chán thật, thế hệ chúng tôi khi ấy sống như vậy, sao mà bà biết được.

Hoá ra, họ cũng từng chơi rượu với nhau, theo kiểu riêng bốn năm chục năm xưa, mà tận hôm nay, bà nhớ mà điều đó mách bảo cho tôi biết.

Rượu mầu, ngọt vị cam được rót ra ba cái li pha lê, rưới lên những viên đá trong suốt, lóng lánh như kim cương. Cũng vẫn là búp tay ấy, cẩn thận dể dòng rượu vàng cam nhuộm lên các viên đá một mầu thật chẳng phai. Tôi ngước lên, được dịp galant: “Bác cho phép, em lấy thêm cái li nữa!” “Xin phép anh và cháu.” Bà xưng tôi. “Tôi bấy nay theo phật tại gia. Bỏ thuốc và rượu. Nhưng bữa này. Mô phật! N. uống một tẹo thôi với anh và cháu.” Rồi quay sang con gái: “Con lấy thêm cho mợ một li”

Tôi nhâm nhi thứ rượu ngọt, mà tận sau này, ra nước ngoài, tôi mới hiểu tí chút về dăm bảy loại rượu. Hương Cointreau làm cho môi người đàn bà rất thơm và không có mùi ô trọc gây ra từ loại men vớ vẩn. Câu chuyện của ông và người tình cũ chả có gì sôi nổi, xốn xang. Toàn là ông hỏi hết người này người khác và bà chậm rãi kể về những ai đấy trong suốt bao nhiêu năm xa cách. Đôi khi họ lắc đầu, xuýt xoa, hay gật gù. Nhưng vẫn là một cuộc gặp lại vô cùng trầm lắng.

Ngồi cả vài chục phút vậy, tôi thấy căng thẳng, toát cả mồ hôi trán. Có thể là Sài Gòn bữa ấy trở mình, sắp mưa? Những giọt mồ hôi đã cứu tôi bứt khỏi sự vô duyên nếu còn ở đó. Bà chợt ngừng chuyện với cha tôi và ân cần nói: “Cháu nóng lắm phải không?” Quay sang, bà phân trần: “Máy lạnh có đấy nhưng mất điện anh Thiệu ạ!” Tôi nói dối ngay: “Thưa bác, cháu khó ở từ hôm qua. Cháu xin phép ra ngoài hít thở một lát”. “Phải rồi, con dẫn anh ra sau vườn, ở đó có bàn ghế. Hai anh em ra đó trò chuyện” Tôi mừng rú. Lại còn người đẹp thế kia được bên tôi. Tôi đứng ngay dậy.

Hoá ra sau nhà còn một khoảng vườn khá lớn. Một chiếc bàn đá, bộ ghế nhà vườn bằng sắt lót đệm mây, dưới cây hoàng lan rủ bóng. “Em tên là gì nhỉ?” Tôi cất tiếng, sau khi ngồi xuống ghế…

Chúng tôi ngồi với nhau bên gốc Lan. Tôi chủ động bắt chuyện. Cô gái cũng tự nhiên.

Những chùm nắng loang lổ mặt vườn, trên những đám hoa dại và đám cây mộc, nguyệt quế, ngâu v.v… ẩn hiện, đủ lộ ra cả một khu vườn, xưa chắc người chủ của nó phải kì khu sắp đặt, giờ bắt đầu tàn tạ. Cỏ dại xanh ngời vươn lên từ các mép tường, kẽ gạch. Sâu tí nữa, có một chiếc am nhỏ. "Mẹ em thường tụng kinh ở đó, bà sợ tiếng mõ làm cả nhà mất ngủ." Thì ra, cha cô mất đúng năm mẹ tôi mất. Ba anh chị em nữa của cô gái, xưa quây quần ở đây, giờ người đi Mỹ, người ở Pháp. Riêng nàng ở lại với mẹ.

Chúng tôi nói về Sài Gòn. Tôi trả lời cô về nhiều việc Hà Nội. Tả rất kĩ về cái phố Chanceaulme-Triệu Việt Vương, mà hình như cô rất quan tâm. Thi thoảng, cô khẽ nói: thích nhỉ, làm cho chuyện tôi hứng khởi hơn. Cô bảo, thể nào em cũng ra đó. Tôi khen khéo ngay: “Em còn quá trẻ và đẹp, còn đi nhiều!” “Anh nghĩ em bao nhiêu tuổi mà trẻ?” Cô gặng. Hai mươi! “Hai mươi?” Cô cúi xuống cười, má lúm đồng tiền: “Trời ạ, em ba mươi hai rồi. Nhưng chẳng ăn thua với mợ em đâu. Năm bà gần sáu chục. Nhiều thanh niên đi sau còn trêu”. Tôi thực lố, cười trừ, hoá ra cô chỉ kém tôi dăm tuổi. Người ta bảo, nhất dáng nhì da. Cô được cả hai!

Nhẽ ra, tôi còn ngồi với nàng lâu hơn một giờ đã trôi qua, nhưng có tiếng rì rầm và bước chân của ông và bà. Quay lại, thấy hai người từ trên vườn trước đã tới vườn sau.

Họ tới bên chúng tôi. Bà bảo, mình ngồi đây cho thoáng anh ạ. Cha tôi kéo ghế cho bà. Bà quay sang con gái, giọng nhẹ như gió: “Mợ vừa ở vườn trước. Có mùi mít chín con ạ. Ta ra xem có đúng không, trẩy rồi mang ra mời bác và anh!” Dạ! Cô gái đứng dậy và đi vào nhà.

Tôi lại yên lặng bên hai người già yên lặng. Không biết câu chuyện của họ trong phòng ra sao chỉ thấy giờ ông không nói, châm thuốc, để làn khói mỏng tang bay lên cây Hoàng lan đầy hoa vàng đang chầm chậm nhả hương khắp vườn. Thơm quá! Hồi nào… Ông cất tiếng: “Thế mà thoắt cái, như một tiếng vỗ tay!”

Bà không đáp lời. Cái am của bà, khi ấy lộ rõ, nổi bật trong vườn, trong ánh sáng của mặt trời chiếu đúng bức tường phía trước. Bà nghiêm ngắn ngồi kia, tà áo nâu dài buông gần chạm đất và nét mặt bình yên như gỗ tạc. Cô gái cũng thoắt trở lại với chiếc đĩa lớn đựng quả mít trên tay.

Trái mít nhỏ, bé hơn cái ấm giành pha trà cúc mà cô gái mang ra tiếp tôi hồi nãy. Cô gái tách vỏ, hiện ra một chùm múi núc nỉu bám quanh cuống, dài rủ xuống như chùm quả. Cô cầm cuống mít lắc nhẹ, rũ ra “quả vàng” rụng đầy đĩa men trắng muốt. Lập tức không khí tràn ra nưng nức mùi quyến rũ.

“Mời anh và cháu trái mít vườn nhà. Anh thực có duyên, anh Thiệu ạ. Từ ngày anh ấy mất, cây Tố nữ này tịnh không cho quả. Năm nay thế nào, sau mười năm, nó lại bói ra một quả. Sớm nay nghĩ sao, tôi thắp hương cho anh ấy về. Còn trái Tố nữ này, lại như chờ đúng ngày anh vào thì chín”

Tôi lặng người. Tất cả tĩnh lặng, chúng tôi im lặng, cả khu vườn cũng dường như cũng lặng yên hơn, sau câu nói của bà. Và, khuôn mặt hiện hữu của bà ngày ấy nhoà đi, tận giờ còn lại hương Tố nữ vẫn quấn quýt theo tôi, suốt bao nhiêu năm phiêu bạt sau đó.

3 - Mười năm được sống bên ông chấm dứt.
Đời sống, luôn có những khúc quanh chẳng đợi. Năm 1988 tôi đi xuất khẩu. Thế là lại thi thoảng mới gặp. Mỗi chuyến về thăm ông, biết bao sự chuyện, nên chẳng khi nào nhắc lại bà N. Một lần, tôi về ăn Tết. Hai cha con đưa nhau lên Hồ Tây thưởng đào Nghi Tàm. Khi về, rẽ qua chùa Kim Liên vãn cảnh. Lễ Phật xong, ra cửa chùa nghỉ ở quán nước.

Vườn nhà quán rất hẻo, dài bên rào đơn điệu, nhưng có lẽ vì gần chùa, nên tôi cảm giác nó gợi và nên thơ, thanh tịnh. Những trái khế vàng ươm, lá soi nắng nhạt hây hây. Mộc vừa chín thoang thoáng trong gió Tây hồ vươn lên, làm cho người ta cảm thấy sảng hoá, cởi mở chăng?
- Con còn nhớ bữa cậu và con ở vườn nhà bà N. không? Ông đột ngột hỏi. Tôi ngạc nhiên vô cùng.

Bấy lâu nay, hai cha con chưa một lần nói về bà N. Nghĩ gì tới cái vườn mà tôi kể ở trên? Bấy nay, ông cũng từ chối mọi lời mời của học trò, của bè bạn, của con cái, họ hàng vào lại Sài Gòn dù miễn phí. Tôi cũng không có dịp tiện hỏi, vì sao và không hỏi về bà N. nữa, bởi dầu khăng khít, cảm thôneeeg lắm, tôi vẫn cần coi trọng sự tư riêng của ông. Người ta cần có những bí mật của đời sống cần bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là dù ông đôi khi, coi tôi là bạn tâm tình, tôi cũng không nên quên cái ngưỡng không bao giờ được phép vượt qua... Cho vậy, không chỉ việc bà N. Ở ông, nhiều sự kiện không rõ trong quá khứ, ảnh hưởng tới đời sống sau này của các con ông. Những sự kiện cuộc đời như, vì sao từ cương vị Chủ tịch kháng chiến liên xã ông lại dinh tê (1), làm lại việc cho Pháp ở Sở lục lộ. Vì sao làm việc cho Pháp mà ông vẫn viết bìa báo cho Tờ báo bí mật nội thành? Vì sao, có vé máy bay cả nhà di cư ông lại không nhận, từ chối cả biệt thự dành sẵn trong Nam đợi ông, ở lại mà không hề oán trách một ai trong cả bao nhiêu năm, để trải qua một giai đoạn sóng gió sau hoà bình! Những quá khứ ấy, có điều ghi rõ trong lí lịch khi nhập ngũ của tôi, có cái không có và có những sự kiện, gây nên một chuỗi những năm tháng cơ cực trong gia đình tôi cứ hiện lên, hiện lên ở buổi chiều hôm đó.

Tôi nhớ lại những lá thư của ông dấu nỗi đau vợ mất trong thư cho con trai ở chiến trường. Tôi tưởng tượng ra cảnh, qua cháu ruột tôi kể, mẹ tôi chết trong nhà tắm vì xuất huyết não. Sáu mươi tuổi ta. Bà gầy như xác ve, nằm cong queo trong phòng tắm lạnh. Và, ngay sau đám tang, hàng chục người chòm xóm tới đòi nợ. Nợ phải trả, từ ba bơ gạo, góc nước mắm, tới tiền chục, tiền trăm. Cái giỏ tiền viên chức lưu dung của cha tôi cực nhỏ, lại khi chiển tranh, phải xẻ nát để chi bao nhiêu việc. Còn bà, toàn ăn vớ ăn vẩn, thì sao mà làm được cái hom? Biết bao gia cảnh như vậy, cứ gì chỉ nhà tôi. Cũng chả có văn tự gì, nhưng con cái trong nhà phải trả họ, đúng với tinh thần áo rách phải giữ lấy lề. Những việc ấy, đều đáng để tâm hơn là việc bà N. Vậy mà tôi, dầu cả nghĩ, vẫn chỉ căn cứ vào thời cuộc mà tự rút ra những lí giải để gần ông hơn. Chúng tôi, con cái trong nhà, sau cái chết của mẹ, thường bảo nhau, chăm sóc đầy đủ về vật chất cho ông. Đời sống khá dần lên, từ dâu tới rể ai cũng quan tâm, “nhất” phải là ông!

“Bà N. mất rồi đấy!” Ông cất tiếng cắt ngang dòng suy tưởng của tôi.

Bà N. mất rồi hả cậu! Khi nào? Tôi quay sang nắm lấy bàn tay ông. Bàn tay khẳng khiu, đầy gân xanh quấn quanh những đốt xương, nhưng luôn ấm. “Hai tháng trước Tết. Không ốm đau gì. Bà ấy đi, thế là thanh thản, nhẹ nhàng.” Nói tới đấy thì trên đôi mắt đã đục của ông ứa ra hai hàng nước mắt. Tuổi già hạt lệ như sương! Bao nhiêu năm nay, tôi không hề thấy ông khóc. Kể cả những khi đau đớn nhất. Vậy mà bây giờ ông lại khóc, chắc hẳn mối tình cũ của ông với bà N. vẫn nặng nợ lắm sao? Tôi trách ông, nhưng thương ông, mà vẫn xiết thêm mớ xương âm ấm trong lòng tay của tôi. Cái xiết của tôi quá mạnh chăng, làm ông bừng tỉnh, và đưa tay quyệt dòng sương. Tôi lấy giấy thấm Zewa chấm nốt giọt nước mắt cuối cùng của đời ông. Yên lặng, yên lặng quá!

Cô chủ quán nạ giòng nhưng mặt đôn hậu, chắc lạ quá vì bố con nhà nào, sao năm hết tết đến lại mang nhau tới cửa chùa mà khóc thế kia? Cất lời: "Cụ với ông có chuyện gì không may?" Không không, chả có chuyện gì cả, cám ơn chị. Tôi xua tay và trả tiền, cầm tay ông đứng dậy, tha thần dắt xe máy tới bên bờ Tây hồ.

- Cậu thực có lỗi lớn với mẹ con.- Tôi nghẹt tim. Lúc này, tôi không chờ những điều về tình yêu tư riêng với bà N., khi ông lại còn nhắc tới mẹ tôi, nhưng vẫn lặng thinh để ông nói. “Cậu là vô tâm nhất. Bao nhiêu năm, cứ để mợ quán xuyến hết việc nhà. Tới khi mợ con mất mới chẻ hoe là nợ chất chồng nợ, mười năm chiến tranh. Toàn bộ lại đè nặng lên anh chị em các con, ăn không đủ lại còng lưng trả nợ. Lỗi ở cậu. Ngày cuối cùng tỉnh táo của mợ con, từ trường sơ tán, cậu không về kịp, ở bên mà chia sẻ, thì có quyền chia sẻ gì với bà N? Người tri kỉ một thời trẻ xưa, chắc cũng vui lòng. Cậu tin vậy!” Những sự gian truân của người đàn ông, do thời cuộc hay số phận, cuối cùng đều đè nặng lên đôi vai người đàn bà trong một gia đình.

Tại sao lại là số phận? Có cái cũng mình gây ra chứ? Tôi hỏi, giọng rất nhẹ. Ông là người hiểu tôi, nên hiểu cả câu hỏi bất nhẫn của tôi khi đó. Ông nghiêm túc, chậm rãi kể: “Tham gia Việt Minh, cậu bị giặc Pháp bắt hai lần. Lần thứ nhất trốn thoát cùng hai du kích nữa. Lần thứ hai, tên quan ba Pháp, tàn ác nhất Thái Bình, trưởng bốt Quỳnh Lang, hoá ra lại là thằng đam mê hội họa. Bắt được cậu, đối cận, tên cầm đầu Việt Minh trong vùng, nói tiếng Pháp lầu lầu là họa sĩ Boda. Nó cũng chưa tin! Bọn nông dân Anamit sao có thứ tài hơn nó, một người Pháp lỡ dở vì thế chiến II, trở thành thằng lính chỉ đâm và giết! Sang Việt Nam viễn chinh, máu giết lại hăng hơn! Rõ về cậu, nó rượu chuyện với cậu tới gần sáng, quẳng sơn, cọ, vải, buộc cậu vẽ rồi tha ngay và, để sớm sau tỉnh rượu, nó lùa ngay gần hai trăm mạng dân lành, du kích vào nhà thờ Quỳnh Lang phóng lửa đốt sống. Ai tin cậu nữa? Ai có thể tin vào câu chuyện nửa may nửa họa như vậy?

Tôi bình tĩnh ngồi nghe ông. Hình dung thấy, trong ánh dầu bập bùng cháy, ông biết mai chết, vẫn bình thản vẽ chân dung kẻ xâm lược, tàn bạo hôm nay. Bức chân dung, màu rượu vang đỏ sậm là màu chủ đạo. Ánh lửa đỏ như máu, chập chờn soi rõ khuôn mặt đầy ưu tư của chàng trai Paris dang dở đường tài, đường yêu. “Nó giơ bức chân dung của nó lên con ạ. Nhìn mãi và quát nhặng lên, sặc sụa hơi rượu: “Biến, biến ngay!” “cậu chạy… chạy khi nó theo sau hua súng lục, bắn lọan xạ sau lưng! Chả ai hiểu gì cả, cậu cứ đinh ninh có một phát nó dành vào lưng! Tới Cầu Dầu xuống rửa mặt, uống ngụm sông và, tự hỏi: Chút nữa, lúc chiều, mình tự lao xuống đoạn sông này, cái mũi lê cứ gạt cậu vào giữa. Được sống! Ai mà chẳng sợ chết?"

Con tin cậu không? Ông nói. Bà N. cũng không tin, khi cậu quay về thành. Chẳng một ai tin cả! Chỉ có người duy nhất tin cậu là mẹ của con thôi, thế mà…

Tôi im lặng. Nhưng không thể cất lên lời rằng, con tin cậu! Hai chúng tôi yên lặng và có lẽ mỗi người đuổi theo một ý nghĩ.

Ông có nói gì nữa, tai tôi cũng thấy mọi sự mơ hồ. Bàn tay ông bỗng đặt lên vai tôi: Bấy nay, mọi việc đều qua lâu rồi. Con sang đấy đừng thức mà không làm gì! Cậu nghiệm ra, tài năng của mỗi con người đều hữu hạn, nên có khi quên cả cái tình vốn vô hạn. Con có làm bất kì điều gì, nhớ giữ cái tình! Mất nó, là nợ. Nợ tình, đời ông tới đời cha, thậm chí tới đời con, cháu phải trả.

Ơ! Cái tình là cái tình chi? Ông nói vậy, là khối tình của ông với mẹ tôi, hay là với bà N. Hay là, khối tình ấy suốt cuộc đời ông thủy chung với ai?

Chuyến về ấy, theo tôi lúc ra đi là cả tình cảm vô bờ của ông với thằng con ngỗ ngạo nhất nhà. Trong hành lí sách tay đi Đức, có hai cuốn sổ dầy, một to, một nhỏ. Nét mực còn tươi, nắn nót chép toàn bộ những điều cơ bản nhất của đạo phật, kinh dịch và dưỡng sinh theo cách hiểu của ông...

Năm 2000 ông đau nặng. Ông cố chờ tôi về, qua cái tết mới đi. Tính ra tuổi ta ông tròn 90 năm vui sống. Ông yên nằm, nét mặt tươi, không cần tô vẽ, thản nhiên trong cỗ quan mộc như trăn trối! Quân quầy bên ông là những bức tranh hầu hết vẽ cảnh trí Việt, Cổng làng, Hồ Gươm, những người yêu ca trù, Ô Quan Chưởng v.v…là ba cây đàn dân tộc tự chế và, chúng tôi, những đứa con của ông.


Cổng làng (1956)


Xuân Hồ Gươm (1952)


Ô Quan Chưởng (1951)

Bạn ông đi trước cả. Còn mỗi chú Văn và bác Ngôn tới. Hoàng Lập Ngôn, chín mươi ba xuân mếu máo gọi: “Thiệu ơi!…”

Bốn ngày sau. Tôi và chị cả sắp xếp căn xép cũ. Tiền ở khắp nơi! Cả những gói tiền tôi biếu ông từ 1990, nguyên thếp, dính chặt vào nhau. Cả những tờ trăm ngàn, thơm mùi mực em trai tôi hôm nao lĩnh tiền giải thưởng Phim v.v... Tổng số 17 triệu! Lại sổ tiết kiệm, cũng có tiền của một lương hưu còm, vài trăm ngàn một tháng.

Tôi không khóc, trân trân nhìn vào miếng vàng 1 ki lo, mà bữa nào còn xông xênh, tôi mang về đưa cho ông dặn, cần gì, ông cứ “thiên nhiên” nhé! Nhớ lắm! Khi ấy ông cười và đạp thẳng bàn chân vào...

Nguyễn Văn Thọ
Berlin- đông 2007
29-12-07

1- Boda- Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Họa sỹ Nguyễn Văn Thiệu (1912-2000) tốt nghiệp khoá 3, năm 1936.

Không có nhận xét nào: