Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

ĐIỂM TIN 16/02/2024 - Long Đỗ


Nhà đối lập Nga Navalny qua đời trong một nhà tù ở Bắc Cực
Ông Alexei Navalny, 47 tuổi, người thường được truyền thông mệnh danh là ‘‘nhà đối lập chính của điện Kremlin’’, đã qua đời tại một nhà tù vùng Bắc Cực, theo một thông báo của cơ quan quản lý nhà tù Nga hôm nay, 16/02/2024. Nhà đối lập Nga Alexei Navalny, trong phiên xử tại Tòa án Matxcơva, Nga, ngày 15/05/2018. Ông đã qua đời ngày 16/02/2024 trong một nhà tù vùng Bắc cực, Nga. REUTERS - Tatyana Makeyeva Trọng Thành Cơ quan quản lý trại giam vùng Iamal ở Bắc Cực ra một thông báo cho biết : ‘‘tù nhân Navalny đã cảm thấy khó chịu sau một cuộc đi dạo, và gần như bất tỉnh ngay lập tức". 
<!>

Nhân viên y tế của trại nhanh chóng có mặt, và đã gọi xe cấp cứu. Mọi biện pháp cấp cứu hồi sức tại chỗ đã được tiến hành, nhưng không mang lại kết quả tích cực. Các bác sĩ cấp cứu ghi nhận tù nhân qua đời. Hiện tại, "nguyên nhân tử vong đang được xác định".

Theo Reuteurs, điện Kremlin hiện tại chưa có thông tin về nguyên nhân cái chết của ông Alexei Navalny, và cho biết ‘‘các thẩm định đang được tiến hành’’.

Ông Navalny bị bắt đầu năm 2021, ngay khi từ Đức trở về, sau đợt điều trị nhiễm độc, mà ông cáo buộc là bị an ninh Nga đầu độc. Ông bị kết án 19 năm tù. Đầu tháng 12/2023, Navalny đột ngột biến mất khỏi nhà tù ở tỉnh Vladimir, cách Matxcơva 250 km, trong nhiều ngày trước khi thân nhân Navalny được thông báo ông bị đưa đến nhà tù vùng Bắc Cực băng giá.

Theo Đài Pháp France Info, ‘‘đây là tin chấn động tại Nga cũng như trên thế giới’’, ‘‘những người ủng hộ Navalny coi việc nhà cầm quyền đưa ông đến giam giữ tại một nơi xa xôi hẻo lánh là một thủ đoạn chính trị nhằm bịt miệng nhà đối lập vào thời điểm chỉ còn ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Nga.’’

Nhà hoạt động nhân quyền Olga Prokopieva, hiệp hội Nước Nga – Các quyền tự do, nhấn mạnh, khi đưa ông Navalny lên Bắc Cực, nhà cầm quyền mưu toan ‘‘sử dụng các điều kiện giam giữ hết sức khắc nghiệt để bẻ gãy tinh thần nhà đối lập’’.

Mới đây, từ trong tù, nhà đối lập Navalny phát đi lời kêu gọi phản kháng, hô hào mọi người xuống đường đông đảo trên toàn quốc ngay vào thời điểm cuộc bầu cử 15 đến 17/03 để phản đối chế độ Putin. Ông viết trên mạng X (tức Twitter cũ): ‘‘Hãy có mặt đúng vào giờ bỏ phiếu, vào buổi trưa. Buổi trưa chống Putin.’’

Khai mạc Hội nghị An ninh Munich, với trọng tâm ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’
Lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia, và 100 bộ trưởng các nước, tham gia Hội nghị An ninh Munich, tại Đức, khai mạc hôm nay, 16/02/2024 và sẽ kéo dài đến ngày 18/02.


Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, đến dự phiên khai mạc Hội Nghị An ninh Munich, ngày 16/02/2024, Munich, Đức. AP - Matthias Schrader
Trọng Thành
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 lấy mục tiêu ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’ làm trọng tâm, diễn ra vào lúc chưa bao giờ thế giới ‘‘cùng lúc phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đến như vậy’’ kể từ hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm, như nhận định của chủ tịch Hội nghị, nhà ngoại giao Đức Christoph Heusgen.

Từ Berlin thông tín viên Pascal Thibaut nhấn mạnh một số điểm chính của hội nghị Munich:

Hai nhân vật vắng mặt nhưng đóng vai trò trung tâm tại Munich. Thứ nhất là cựu tổng thống Donald Trump, với những tuyên bố mới đây về NATO, đã gây ra nhiều chỉ trích tại châu Âu. Phó tổng thống Mỹ có kế hoạch phát biểu vào chiều nay. Các nước châu Âu sẽ không bỏ lỡ dịp để phản ứng và nêu bật các thách thức cần phải hóa giải, nếu Donald Trump tái đắc cử.

Một sự vắng mặt quan trọng khác là tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng nhiều quan chức Nga không được hoan nghênh. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ tham dự hội nghị vào ngày mai, sau khi ký kết hai thỏa thuận an ninh song phương với Đức và Pháp, tại Berlin và Paris hôm nay.

Tổng thống Ukraina từng có mặt tại Munich cách nay hai năm, ít ngày trước cuộc xâm lăng của Nga. Ngày mai, chắc chắn tổng thống Ukraina sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Ukraina nhiều hỗ trợ hơn nữa.

Một chủ đề quan trọng khác hiện tại, đó là tình hình ở Gaza. Tổng thống Israel Herzog, thủ tướng Palestine, cũng như nhiều giới chức cao cấp trong vùng sẽ có mặt tại Munich. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cũng sẽ tham dự hội nghị Munich. Tại các hành lang của khách sạn Bayerischer Hof, nhiều cuộc thảo luận sẽ diễn ra với mục tiêu tháo gỡ tình hình tại chỗ, trước mắt là về mặt nhân đạo, và trong trung hạn là về mặt chính trị.

Theo chuyên gia về địa chính trị khu vực Trung Đông Yasmina Asrarguis, hội nghị về an ninh quốc tế quan trọng này là ‘‘một cơ hội’’ cần tận dụng. Bà nhấn mạnh ‘‘nhiều khi các cuộc đối thoại trong khuôn khổ hẹp, và những bước tiến nhỏ lại có thể tạo điều kiện cho một hội nghị hòa bình quan trọng hơn’’, và ‘‘việc chuẩn bị cho các thỏa thuận Oslo, đặt nền móng cho hòa bình giữa Israel và Palestine, đã từng được bắt đầu với các cuộc thảo luận kiểu như vậy tại Na Uy.’’

Tổng thống Zelensky ký thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraina với Đức và Pháp
Đức và Pháp lần lượt ký thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraina trong khuôn khổ chuyến công du Berlin và Paris của tổng thống Zelensky ngày 16/02/2024. Sự hỗ trợ quân sự của hai cường quốc châu Âu có ý nghĩa quan trọng đối với Kiev trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ chặn nguồn viện trợ cho Ukraina đối phó với cuộc chiến sắp bước sang năm thứ ba.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) tiếp tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelenskiy tại Berlin, ngày 16/02/2024. REUTERS - FABRIZIO BENSCH
Thu Hằng
Theo thông cáo của phủ thủ tướng Đức, được Reuters trích dẫn, tổng thống Volodymyr Zelensky gặp thủ tướng Olaf Scholz tại Berlin vào sáng nay, 16/02 và ký « một thỏa thuận song phương về bảo đảm an ninh và hỗ trợ lâu dài » cho Ukraina. Sau cuộc họp báo chung, tổng thống Ukraina gặp đồng nhiệm Đức Frank-Walter Steinmeier.

Sau đó, ông Zelensky sang Paris hội đàm với tổng thống Pháp. Điện Elysée cho biết ông Emmanuel Macron « tái khẳng định quyết tâm của Pháp, trong dài hạn và cùng với các đối tác, tiếp tục bền bỉ hỗ trợ Ukraina và nhân dân Ukraina ». Nội dung chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố trong buổi họp báo chung giữa nguyên thủ hai nước.

Thỏa thuận với Pháp được cho là tập trung vào viện trợ nhân đạo và tài chính về lâu dài, giúp tái thiết và hỗ trợ quân sự. Theo hai nhà ngoại giao nắm rõ hồ sơ, Pháp dự trù ngân sách 200 triệu euro cho các dự án dân sự do các doanh nghiệp Pháp thực hiện. Thỏa thuận có thể sẽ không có những cam kết tài chính đặc biệt liên quan đến việc giao vũ khí cho Kiev, do phải được Quốc Hội Pháp thông qua.

Sau Berlin và Paris, tổng thống Ukraina đến Munich tham dự Hội nghị An ninh và dự kiến phát biểu ngày 17/02. Đức và Pháp là hai nước tiếp theo, sau Anh Quốc, ký thỏa thuận bảo đảm an ninh với Kiev. Ukraina rất cần hỗ trợ từ các đồng minh để có phương tiện đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga, cũng như cuộc « giao tranh ác liệt » trong thành phố Avdiika, ở miền đông Ukraina.

Ngày 16/02, một sĩ quan cao cấp Ukraina cho biết quân Ukraina « dồn toàn sức lực và phương tiện để kìm chân kẻ thù » và lập những vị trí phòng thủ mới quanh Avdiika. Phía Ukraina dự kiến khả năng rút quân trong trường trượng hợp bị Nga tấn công ồ ạt. Trước đó, tổng thống Zelensky khẳng định Kiev làm « mọi việc có thể » để cứu các toán quân đang vất vả chiến đấu ở mặt trận miền đông, đặc biệt là ở Avdiika.

NATO họp chuẩn bị cho kịch bản Mỹ giảm cam kết
Trong hai ngày, 14 và 15/02/2024, bộ trưởng Quốc Phòng của 31 nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO họp tại Bruxelles. Ngoài hồ sơ Ukraina là tâm điểm thảo luận, các nước thành viên châu Âu của Liên minh chuẩn bị khả năng Washington giảm cam kết sau những tuyên bố gây sốc của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tình liên đới của khối.


Phiên họp các bộ trưởng Quốc Phòng của NATO và đồng nhiệm Ukraina, Rustem Umerov, tham dự qua video, ngày 15/02/2024, Bruxelles, Bỉ. AP - Virginia Mayo
Minh Anh
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles tường thuật :

Quyết định quan trọng nhất hôm thứ Năm này là thông báo thành lập trung tâm NATO – Ukraina ở Ba Lan để huấn luyện binh sĩ và rút ra những kinh nghiệm từ chiến tranh Ukraina cũng như các chiến thuật quân sự Nga.

Nhưng bài học chính từ hai ngày họp là các nước châu Âu trong khối NATO đã nhận thấy rằng họ phải sẵn sàng tự lo cho việc phòng thủ của mình.

Đối với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Liên minh này là bảo đảm an ninh tốt nhất cho Mỹ nhưng ông cũng nói thêm rằng nếu Washington đã chi 75 tỷ đô la cho Ukraina, các đồng minh khác tổng cộng cũng đã cung cấp khoảng 100 tỷ.

Nói điều này không nhằm chứng minh rằng NATO có thể bỏ qua Mỹ mà là châu Âu giờ có một vai trò không thể phủ nhận vào lúc chi tiêu quân sự của các nước này đã tăng lên đáng kể.

Đối mặt với mối đe dọa Nga và trước khả năng Mỹ giảm cam kết, việc xây dựng phòng thủ châu Âu đang tiến triển. Cùng lúc, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, hôm qua cho biết bà ủng hộ việc thành lập vị trí ủy viên quốc phòng châu Âu.

Tokyo thận trọng với đề nghị ‘‘mời thủ tướng Nhật thăm Bắc Triều Tiên’’
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên tỏ một số dấu hiệu muốn bình thường hóa quan hệ, nhưng con đường còn rất xa. Trong một thông báo hôm nay, 16/02/2024, phát ngôn viên của chính phủ Nhật cho biết Tokyo ‘‘sẽ lưu tâm’’ đến đề xuất mời thủ tướng Nhật Fumio Kishida đến thăm Bình Nhưỡng của Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.


Hình lưu trữ: Chánh văn phòng thủ tướng Nhật Yoshimasa Hayashi, tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 10/01/2024. AP
Trọng Thành
Hôm qua, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố thoạt nhìn có vẻ đầy triển vọng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước thủ tướng Nhật khẳng định ‘‘có một nhu cầu lớn’’ cải thiện quan hệ song phương hiện tại.

Theo hãng thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, bà Kim Yo Jong cho rằng Bắc Triều Tiên và Nhật Bản ‘‘có thể mở ra một tương lai mới trong quan hệ song phương’’, và ‘‘không có lý do nào khiến hai nước không thể xích lại gần nhau’’. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng nói rõ là hai bên chỉ có thể ‘‘cùng nhau mở ra một tương lai mới’’ với điều kiện Nhật Bản chấp nhận khép lại vấn đề người Nhật bị bắt cóc.

Một trong những bất đồng lớn giữa hai bên là Tokyo không chấp nhận quan điểm của Bình Nhưỡng, coi vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 – 1980 ‘‘đã được giải quyết’’.

AFP dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshimasa Hayashi, nhấn mạnh là việc Bắc Triều Tiên cho vấn đề bắt cóc đã được giải quyết là điều ‘‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’’. Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Masao Okonogi, giáo sư danh dự Đại học Keiko ở Tokyo, ‘‘không có gì cho thấy quan hệ song phương sẽ tiến triển trong thời gian tới’’, và Tokyo sẽ không có lợi ích gì khi tổ chức một cuộc thượng đỉnh, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục lờ đi vấn đề nói trên.

Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc tổng cộng 13 người Nhật, và buộc họ dạy tiếng và phong tục Nhật Bản cho các gián điệp Bắc Triều Tiên. Cùng năm này, Bắc Triều Tiên trả tự do cho 5 người Nhật và cho biết tất cả những người khác đã chết. Đối với phía Nhật, con số người bị bắt cao hơn nhiều. Cho đến nay, Tokyo vẫn kiên quyết đòi Bình Nhưỡng trao trả toàn bộ.

Đài Nhật NHK dẫn lời một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, tuyên bố của em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có thể nhằm mục tiêu làm sói mòn các nỗ lực của ba quốc gia đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn nhằm đưa ra các chính sách chung liên quan đến Bắc Triều Tiên.

Ai Cập lập trung tâm đón người tị nạn Palestine phòng khi Israel tấn công Rafah
Ai Cập đang cải tạo một khu vực gần biên giới với dải Gaza để có thể tiếp nhận người Palestine chạy lánh nạn trong trường hợp Israel tấn công thành phố Rafah. Một trong bốn nguồn tin ẩn danh được Reuters trích dẫn ngày 16/02/2024 cho biết đây là biện pháp phòng ngừa tạm thời dù chính quyền Cairo vẫn tin là các cuộc đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn sẽ giúp tránh được kịch bản này.


Các lều của người tị nạn Palestine chạy khỏi cuộc tấn công Israel ở dải Gaza, bị kẹt tại Rafah; sát biên giới với Ai Cập, ngày 24/01/2024. AP - Hatem Ali
Thu Hằng
Ba nguồn tin khác đề cập đến « một biện pháp khẩn cấp ». Ai Cập chuẩn bị nhiều công trình cơ bản có thể được sử dụng để đón người Palestine trong một khu vực ở sa mạc. Cụ thể là một trại tị nạn đã bắt đầu được xây cách đây 3 hoặc 4 ngày và có thể là nơi tạm trú cho những người vượt biên giới « cho đến khi tìm ra giải pháp ».

Chính quyền Cairo bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhiều lần cảnh báo một cuộc tấn công vào Rafah, nơi có 1,4 triệu người sinh sống, gây ra là sóng di tản là điều « hoàn toàn không chấp nhận được ».

Theo thông cáo ngày 15/02 của Nhà Trắng, tổng thống Mỹ điện đàm với thủ tướng Israel Netanyahu và nhắc lại phản đối một chiến dịch quân sự ở Rafah nếu không bảo đảm được an toàn cho người dân. Israel cho biết đang triển khai kế hoạch sơ tán thường dân khỏi Rafah đến các khu vực khác ở dải Gaza. Tuy nhiên, kế hoạch này bị điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths đánh giá là « hão huyền » khi nghĩ rằng người dân có thể được đưa đến một nơi an toàn ở dải Gaza.

Ngày 15/02, Úc, New Zealand và Canada đã ra thông cáo chung cảnh báo một chiến dịch « thảm họa » ở Rafah. Trước đó, Nam Phi đã viện đến Tòa Án Công Lý Quốc Tế để đưa ra những biện pháp khẩn cấp về kế hoạch tấn công thành phố miền nam dải Gaza. Israel đã lên án đơn kiện của Nam Phi là « ghê tởm về mặt đạo đức », đồng thời khẳng định tôn trọng luật pháp quốc tế được « thể hiện rõ qua lời nói và hành động ».

Không có nhận xét nào: