Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ.
Mưa làm nhớ Saigon xưa quay quắt. Nhớ ánh đèn vàng vọt hiu hắt ngoài đầu hẻm chiếu vừa đủ xe mì gõ của hai cha con ông Tàu già. Đêm khuya vắng chi nghe tiếng gõ lóc cóc của thằng nhỏ từ đầu hẻm đến cuối hẻm, âm thanh khô khốc, buồn như xe mì bán ế vì mưa dầm…Nhớ Saigon mỗi sáng sương chưa tan. Vội vàng ôm tập vở chạy vội đến trường. Từ nhà đi dọc đường Trần Hưng Đạo, qua Sở Cứu hỏa, tới ngã tư Cầu Kho, băng qua đường xẹt vô Cao Bá Nhạ, đi ngang phía sau nhà của cô Thanh Nga. Tới quán bánh cuốn Thanh Trì ngon trời thần. Bữa nào má cho tiền ăn sáng, chưa tới ngày báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc phát hành là ghé vô. Bánh cuốn nhân thịt với nấm mèo xào chung thơm phức.
<!>
Ngồi gần cái nồi mà bà bán giở nắp lên một cái nó thơm ngát. Rồi bả rắc lên miếng tôm khô cháy, miếng giá, cộng với ít rau thơm. Chấm nước mắm cà cuống ăn quên… đi học luôn. Bảo đảm ngon hơn bánh cuốn Tây Hồ ở Đinh Tiên Hoàng luôn!
Ăn xong đi bộ một khúc băng qua Nguyễn Cư Trinh. Tới trường Hưng Đạo, đường Cống Quỳnh.
Hồi xưa trường tư thục nhiều lắm nhưng nhờ danh tiếng thầy Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Tá dạy toán giỏi nên trường chia hai khu một bên từ đệ thất đến đệ tứ học trường lớn, từ đệ tam đến đệ nhất học trường nhỏ gần bên. Học trò rất đông, lớp 95 đứa ngồi chen chúc vì Pháp văn và Anh văn học chung, khi nào tới giờ sinh ngữ mới chia lớp học riêng.
Đông quá học trò cứ nói chuyện lào xào. Có bữa thầy bực mình vẽ nguyên bầy vịt lên bảng. Đứa nào hả họng thầy bắt được ghi tên lên con vịt. Riết một lát mười mấy con có tên. Nhìn lên bảng mắc cỡ không dám nói. Nhờ vậy mới im. Thầy dạy Vạn vật mà cũng tâm lý gớm.
Thời đó đi học cũng sướng lắm. Nhờ tài vặt vẽ khá đẹp, ngày nào vô lớp cũng có đứa nhờ vẽ hình Romeo, Juliet. Xong tụi nó dẫn đi ăn đã luôn. Trường gần chợ Thái Bình có rạp Quốc Tế hay chiếu phim Pháp.
Thứ Tư được nghỉ 2 giờ chót là dẫn nhau đi coi film.
Khóc sướt mướt với Romeo, Juliet. Rồi Love story, Docteur Zhivago, Vacance Romaine… Audrey Hepburn đóng chuyện tình lãng mạn với chiếc vespa Sissi; nữ hoàng Áo Quốc Romy Schneideur đóng tuyệt vời trong Le Roi et Moi (Quân vương và Thiếp).
Mê Charles Bronson, Jean Paul Belmondo phóng Harley ào ào, với Meurtre au soleil (Tình thù rực nắng). Mê Alain Delon đẹp trai – soái ca thời đó.
Cười ngả nghiêng với Luis de Funes, Thầy đội lên hương, Charlot, Fernandel,…
Nhiều bữa rạp chiếu phim Hong Kong Lý Tiểu Long – Tinh võ môn gì đó cả đám kéo nhau ra Vĩnh Lợi coi. Rạp nầy nhỏ được cái chuyên chiếu film Pháp.
Hết coi film. Dẫn nhau lang thang đi ăn chè đậu đỏ bánh lọt chùa Xá Lợi. Ăn phá lấu, uống nước mía Viễn Đông. Ăn bánh canh cua, xôi bắp chà góc Tạ Thu Thâu. Có bữa rủ nhau ra tuốt Hồ Con Rùa ăn kem dừa…
Tuổi trẻ thời đó sống đan xen giữa chiến tranh ngoài khắp 4 vùng chiến thuật và hòa bình ở các thành phố lớn. Saigon cũng vậy, vẫn vô tư.
Với những trào lưu nhạc trẻ, đã có một thời say Tristophe như điếu đổ nghe đến Apres toi… Au mon Amour là thuộc như cháo. Rồi Michel Paul Nareff với bài Holiday. Art Sulivan Adieu sois heures. Lobo êm ái với How can I tell her, Season in the sun do Terry Jack hát. Yesterday on more của nhóm Carpenters.
Nhạc Việt có Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Miên Đức Thắng, Nguyễn Đức Quang bên phong trào du ca. Vợ chồng Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Phạm Đình Chương, Nhật Trường,… Đủ thể loại. Rồi nhạc trẻ với nhóm The Dreamer, nhóm Mây Trắng, Trường Kỳ – Tùng Giang, Lê Hựu Hà, nhóm Phượng Hoàng, Elvis Phương…
Trường đã bắt đầu xuất hiện những chiếc jupe ngắn, áo pull, quần patte, áo tunique như đi trình diễn thời trang. Thầy giám thị điên đầu với model của lũ học trò mới lớn đua nhau ăn diện. Thế là phong trào nhảy đầm: bal, bum, party, gi gi sôi nổi. Ngày nào đi học cũng nghe tụi nó rủ ren nhảy nhót mệt cái lỗ tai. Hôm nay Queenbee, ngày mai Đêm màu hồng. Đó là bạn lớp kế, chứ lớp em ngoan hơn nhiều. Tại cái tật tài lanh hay cười hay giỡn nên em có nhiều bạn ngoài luồng.
Saigon có những đêm rực rỡ tưng bừng của mùa lễ hội Noel, Tết tây, Tết ta. Có pháo đỏ, đèn hoa giăng mắc, nhộn nhịp xôn xao.
Ngoài đường phố lớn là vậy. Trong hẻm thì từ sáng đến tối không ngớt tiếng rao. Ở Saigon không bao giờ sợ đói. Cứ chút là “bắp luộc hônggg”, “Xôi đậu đen nước dừa hônggg”, “Chí mà phủ nè pà con ôi”… Bước ra vài bước nào bún riêu, cháo lòng, cháo huyết, bánh canh, hủ tíu…
Ơi, kính thưa đủ thứ món!
Quán càfê thì đầy: sang có, bình dân có. Quán cóc có luôn!
Thú ngồi quán cóc là của mấy ông già. Sáng ngồi uống, rít điếu thuốc, coi xong mấy tờ báo bắt đầu bàn chuyện chính trị, chính em: hổm rày quân ta đánh tới đâu rồi… Bàn chuyện quốc sự xong lôi cờ tướng ra đánh. Hai ba phe nhào vô đánh phụ. Chiếu nè… Tướng nè… đập con cờ bốp bốp xuống ghế đá. Bộ đập vậy mới thắng ha ta? Sau thấy bên kia cứ lùa cả đống cờ mà đâu có đập bàn đâu ta?
Saigon với những lần mưa đổ bất chợt, chạy vội vào hàng hiên đứng đụt nhờ, có chị chủ nhà xách ghế ra mời: “Ngồi đi em, đứng mỏi chân biết chừng nào tạnh!”
Saigon với những từ ngữ bình dị dễ nói, dễ hiểu. Người miền nào vô cũng chừng vài năm là bắt nhịp. Nói giọng Saigon pha Trung, pha Bắc, thành cái tiếng đặc trưng đúng dân Saigon xưa.
Bình dị như giọng nói. Bình dị luôn cả tấm lòng chơn chất. Cả tin, ngây thơ, thật thà… nên dân Saigon luôn thua thiệt. “Thôi kệ có gì trời phạt nó…” Vậy thôi!
Nhưng sống rất nghĩa khí, thấy chuyện bất bình là không tha đâu nhé… Đúng chất anh hùng “lương sơn bạc” luôn. Dân Hà Nội, Huế… có ai dám đứng ra lập nhóm sẵn sàng rượt ăn cướp giống dân Saigon không? Sợ nó trả thù thấy… bà!
Saigon ơi, trong con mưa chiều xuân lất phất bay, nhớ những ngày giáp Tết trời se lạnh không khí tràn ngập niềm vui trong tiếng nhạc tưng bừng. Đi một vòng chợ Saigon, bánh, mứt, kẹo… đủ thứ. Ngày đó, Saigon không giăng đèn kết hoa như bây giờ. Không phố đi bộ. Nhưng không gian vẫn tràn ngập niềm vui của tiếng pháo Giao thừa rộn rã, của khói hương trầm đầu mùa xuân đi lễ, của buổi sáng Mùng 1, cả nhà quay quần chúc tết ông bà, cha mẹ, rồi hớn hở với phong bao lì xì trong tay. Những tập tục đó đang phai dần đi khi đất nước đổi thay. Con người cũng thay đổi!
Ơi buồn quá Saigon ơi!
Đêm về lặng lẽ ngồi đây ngắm trăng. Quái lạ trăng nơi nào cũng là trăng. Mà sao nhớ trăng Saigon chi lạ Saigon ơi!
Nguồn: Nguyên Anh
(Sài Gòn Trong Tim Tôi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét