Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Loanh quanh với sắc không - Điền Tâm


Đối với Phật tử, trong bất cứ khóa lễ nào, kinh Bát nhã cũng đều được đọc tụng, trong đó câu nổi bậc nhứt là: «sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc», thoạt nghe thì có vẻ quá mâu thuẫn, thử tìm hiểu. Theo ý nghĩa phổ quát thì sắc có nghĩa là những gì nhìn thấy bằng mắt thường như con người, súc vật, cỏ cây, núi rừng, … nói chung là những gì có hình tướng đều thuộc pháp hữu vi, ngược với không là những gì không thể thấy bằng mắt thường nhưng biết chắc là có qua nhận định hay quán chiếu đều thuộc pháp vô vi như không thấy gió nhưng biết là có khi nghe lá cây xào xạc, tà áo mơn man, như không thấy kiến thức nhưng không ai phủ nhận là con người có kiến thức, 
<!>
Nhờ đó mà loài người sớm biết là trái đất là một tinh cầu bình bồng giữa hư không, mặt trời mọc lặn là do hiện tượng trái đất vần xoay, ngày nay thì ai cũng biết làn sóng truyền thanh và truyền hình lan tỏa khắp không gian, chỉ cần phương tiện thích hợp để «nắm bắt» là có thể nghe thấy, … như vậy tuy không nghe thấy nhưng biết chắc là có hiện diện, từ đó có thể suy ra là còn vô vàn sự vật luôn hiện hữu quanh ta nhưng chưa được biết như không ai thấy thời gian trôi như thế nào nhưng sáng trưa chiều tối là những biểu trưng rõ rệt, như không gian mênh mông nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến sự thiết yếu của nó, nhìn một ngôi nhà thường mọi người chỉ chú mục cái dáng dẻ bên ngoài (nhà cao, cửa rộng, …) nhưng ít ai để ý đến nhu yếu của cái khoảng không trong ngôi nhà, vì thiếu cái khoảng trống không đó (như toàn gách đá bên trong) thì ngôi nhà hoàn toàn vô dụng, tương tự như làn sóng truyền thanh truyền hình chỉ có thể phát tán trên các khoảng không, trái ngược lại có những điều không thật mà tưởng là thật như thấy hoa đốm giữa hư không, như thấy đầm nước giữa sa mạc (ảo giác), như mộng mị, …cũng có những điều thấy thật nhưng biết chắc là giả như bóng trăng đáy nước, hình ảnh trong gương, như hiện tượng mặt trời mọc mặt trời lặn không phải là do mặt trời lên xuống mà do trái đất vần xoay, ánh sáng mặt trăng không tự phát mà do phản chiếu ánh sáng mặt trời,…, biên giới sắc không như vậy thật là mong manh đối với thế nhân, nhưng đối với bậc giác ngộ thì rõ ràng là sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc.

Qua các dẫn chứng trên, chúng ta thấy có hai quan niệm đối nghịch nhau trước mọi sự vật, lối nhìn qua hình thức bên ngoài bằng nhục nhãn là hiện tượng luận, danh từ phật học gọi là tục đế, lối chiêm nghiệm những tìm ẩn bên trong ngoại hình bằng tuệ nhãn là bản thể luận, gọi là chân đế, còn gọi là đệ nhứt nghĩa đế.

Ngày nay, nhờ khoa học giải mã mà con người mới biết nhiều sự kiện tưởng là huyễn hoặc, gán cho là do thần linh giáng họa hay ban phúc như mê tín hay một số giáo điều qui định, nên chi triết gia đức Nietzsche (1844-1900) mới dám cả tiếng là Thượng đế đã chết.

Nhiều biểu tượng về sắc không thường thấy trong kinh kệ thơ phú như trong kinh Kim cang: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán (Tất cả pháp hữu vi, như chiêm bao, ảo thuật, bọt nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp, rất cần phải có cái nhìn như thế), hoặc khẳng định là «phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng» (Những gí có hình tướng đếu là không thật.) Thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Dịch :

Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.

Nhà thơ Cao Bá Quát trong bài thơ Uống rượu tiêu sầu 2:

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,
Ðem mộng sự đọ với chân thân thời cũng hệt.

Như vậy, việc vạn vật thay đổi không ngừng là điều dễ nhận ra, đó là tính «vô thường» của vạn hữu, nhưng chắc khó xóa tan thắc mắc là tại sao những sự vật sờ sờ trước mắt, sờ mó được sao lại nói toàn là hư vọng, là không?

Thiển nghĩ đó chẳng qua là mắt thường không nhận ra sự thay đổi nội tại trong mọi sự vật, như không nhìn qua kính hiển vi thì sao thấy được bao nhiêu vi sinh vật sống trong bát nước, không nhìn qua viễn vọng kính thì sao thấy được sự vận hành của vũ trụ thiên hà, chưa kể khoa học đã chứng minh các cấu trúc của vạn vật lớn nhỏ đều là một tập họp các nguyên tử, mà nguyên tử (đại khái gồm một hạt nhân dương và nhiều hạt điện tử âm xoay quanh với một tốc độ cực kỳ lớn) thì luôn chuyển động, nói một cách cụ thể là những gì mình hiện thấy tưởng là đứng yên nhưng đều thay đổi liên tục, tức không còn nguyên là vật thật mà mình đã thấy ngay trước đó, chẳng hạn chúng ta thường chỉ nhận ra sự thay đổi của một người thân lâu năm không gặp, tương tự như nhìn lại các tấm hình của chính mình (thời ấu thơ, tiểu học, trung học, …), kỳ thật tính ra mỗi giây có khoảng 3,8 triệu tế bào (trên tổng số 70 ngàn tỷ tế bào) thay đổi (lặng lẻ chết đi và sanh ra), như vậy sanh diệt diễn ra liên tục, con người sống được là nhờ thực dưỡng giống như một ngôi nhà được bảo trì thường xuyên mà tuổi thọ được kéo dài.

Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, tác giả Ôn Như Hầu đã nhận thấy sự huyễn hóa của kiếp nhân sinh:

«Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.»

Dưới nhãn quan của người thấu hiểu lẽ huyền vi thì nhận ra sự biến chuyển của vạn vật là nhận ra sự sống động của cuộc đời, ý thức mọi sự thay đổi còn mất là điều tự nhiên như bốn mùa luân chuyển nên tâm có thể an nhiên tự tại như lời khuyên bảo đệ tử của Thiền sư Vạn Hạnh (Thị đệ tử):

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thích Mật Thể dịch:

Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.
Sá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Nhìn ra vũ trụ bao la thì cảnh cũng chẳng khác, nhiều hành tinh cách xa trái đất tính ra hàng chục năm ánh sáng (tốc độ là 300 ngàn cây số/giây), như vậy nếu nhìn qua viễn vọng kính một tinh tú cách trái đất một năm ánh sáng có nghĩa là ta nhìn tinh tú ấy cách nay hai năm, tức chỉ còn thấy ảo ảnh của vì tinh tú ấy, từ đó suy ra là mọi vật nhìn thấy dầu khoảng cách xa gần (đo bằng m, cm hay nanom [1/tỷ m]) đều là ảo ảnh, chẳng qua mắt thường chẳng phân biệt được là do quá gần mà thôi, khi nói đến khoảng cách quá xa, các nhà thiên văn học thường diễn tả tóm gọn bằng năm ánh sáng, tức cách kết hợp hai yếu tố thời gian và không gian (thời không), điều này dẫn đến một điều kỳ diệu khác, đó là thời gian không chuyển động đồng nhất như ta tưởng mà thay đổi tùy theo từng địa điểm, nhờ vào chiếc đồng hồ nguyên tử được phát minh hiện nay (độ chính xác tính bằng nano giây), các nhà khoa học cho biết là ở núi cao thời gian đi nhanh hơn ở đồng bằng, điều này cũng có nghĩa là mỗi địa điểm có một thời điểm khác nhau.

Tóm lại, nếu nhận ra qui luật vận hành của vạn vật theo trình tự sanh trụ dị diệt thì chúng ta không quá ngạc nhiên trước mọi cảnh tang thương hay đối với con người (sanh lão bịnh tử), việc muốn trẻ mãi không già, già mà không hề bịnh hoạn là điều phản tự nhiên, sự hiểu biết này có thể giúp tâm ta an nhiên tự tại, «nhậm vận thạnh suy vô bố úy» hay như Cao Bá Quát nực cười trước cảnh phù du: «Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.».

Điền Tâm

Không có nhận xét nào: