Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Mừng Xuân: Hôm Nay! Nhớ Tham Dự Hội Quốc Học Đồng Khánh Bắc Cali, Mừng Tân Niên Giáp Thìn 2024 và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

Hôm Nay: Nhớ Tham Dự! Hội Quốc Học Đồng Khánh Bắc Cali, Mừng Tân Niên Giáp Thìn 2024! -Có lẽ không có ngôi trường nào, có tình thân thiết keo sơn tuổi học trò, như ngôi trường này cả, dù qua gần nửa thế kỷ, không năm nào không có những sinh hoạt, hay những cuộc Hội Ngộ Tân Niên Mùa Xuân, tổ chức quy mô, bền bỉ bao nhiêu năm nay? Tại sao thế? Vì nữ học sinh học ngôi trường này, quá nhiều ưu điểm, nên dù thời gian có dài bao lâu đi chăng nữa, cũng không thể tẩy xóa hình ảnh ngôi trường thân yêu này trong tim!
<!>


Đồng Khánh là một trường nữ lớn nhất, thành lập sớm nhất tại Miền Trung Việt Nam. Ngôi trường được sơn sáng dễ thương, nữ sinh mặc áo dài tím, là những hình ảnh đẹp nhất, nên thơ nhất của miền Sông Hương Núi Ngự! Bóp nát biết bao nhiêu trái tim của những chàng trai khắp các miền đất nước! Nhất là những người trai, là những người Lính trong thời chinh chiến!


*Trường có chiều dài lịch sử, đã đào tạo rất nhiều nhân tài yêu nước để phục vụ cho quê hương Tổ Quốc.



*Nhớ nhé, nữ sinh một thời Đồng Khánh, Hôm nay! Nhớ tham dự Hội Quốc Học Đồng Khánh Bắc Cali Mừng Tân Niên Giáp Thìn 2024
Lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật (Hôm nay) ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122


Chút Lịch Sử Về Ngôi Trường Thân Yêu Này: Trường Đồng Khánh Huế!


-Trường Đồng Khánh Huế là niềm tự hào của cựu nữ sinh, là hành trang dành cho các thế hệ nữ sinh bước vào con đường tương lai.

Đầu thế kỷ XX, ít người phụ nữ Việt Nam, có cơ hội được đi học. Ở Huế, trường Quốc Học ra đời (1896) nhưng chỉ dành cho nam giới. Ở thuộc địa Nam Kỳ có trường Chasseloup-Laubat (tại Sài Gòn), ở đất Bảo Hộ Bắc Kỳ có trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) cũng chỉ dành cho nam sinh. Sau đó ít lâu, do càng ngày con gái những người Pháp ở Việt Nam càng đông, thì Sài Gòn mới mở một trường Nữ trung học đầu tiên, còn ở Huế không có trường nữ trung học, ban đầu chỉ có trường tiểu học Jeune Fille ở đường Paul Bert (nơi tọa lạc trường Phú Hòa A – Thượng Tứ ngày nay).
Cho mãi đến năm 1915, sau khi có sắc lệnh bãi bỏ thi hương ở Bắc Kỳ, phá bỏ ngôi trường mái tranh Quốc Học để xây dựng lại thành hai dãy lầu Quốc Học xinh xắn, chính quyền Pháp và Nam triều mới nghĩ đến việc xây dựng ở Huế một trường nữ trung học để cho phụ nữ xứ “An Nam” có điều kiện học tập, thi thố tài năng với phái nam. Suy nghĩ đúng đắn đó đã không thành hiện thực vì cuộc khởi nghĩa năm 1916 của vua Duy Tân bất thành.


(Hình: Cổng trường Đồng Khánh xưa.)
Đến năm 1917, công cuộc xây dựng trường Quốc Học hoàn thành được một nửa, vua Khải Định được sự đồng ý của toàn quyền Albert Sarraut, quyết định thành lập trường nữ trung học đầu tiên ở Trung Kỳ (tức nước An Nam). Sau lễ kỷ niệm cách mạng Pháp 1789 lần thứ 128, vua Khải Định ngự giá lên mảnh đất bên phía phải trường Quốc Học của thủy quân hoàng gia xưa, đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Nữ trung học, lấy tên Đồng Khánh (Hoàng khảo của vua Khải Định) để đặt cho trường.

Từ hôm ấy, hàng trăm người thợ Huế bắt tay làm việc dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy. Trong vòng chưa đầy hai năm, ngôi trường nữ trung học duyên dáng, khang trang đã sừng sừng soi bóng bên dòng Hương Giang, thêm một nét Huế vĩnh cửu, một nguồn cảm xúc cho biết bao thế hệ thi nhân. Nguồn cảm hứng vô tận!
Người Hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ trung học Đồng Khánh là bà Yvonne Lebris. Bà Yvonne xuất thân trong một gia đình có nhiều người đi dạy học và nổi tiếng ở Đông Dương lúc ấy. Một trong những người được người Huế kính phục là thầy Eugène Lebris, giáo viên trường Quốc Học.
Tuy được mang tên là trường Trung học (collège), nhưng trường Đồng Khánh ban đầu có cả các lớp tiểu học chuyển từ Jeune Fille bên bắc sông Hương qua.
Buổi đầu, trường Đồng Khánh là một sản phẩm của thực dân Pháp. Người Pháp lập ra trường Đồng Khánh để đào tạo nhân tài nữ làm công bộc cho chính quyền bảo hộ. Nhưng dù sao, nữ sinh Việt Nam vào học trường Đồng Khánh, cũng được tiếp xúc với văn minh văn hóa phương Tây, văn học cách mạng Pháp, phần nào đã ảnh hưởng và khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự trọng vốn có trong lòng người Việt Nam. Và người Pháp đã không ngờ rằng chính những nữ sinh học giỏi của trường Đồng Khánh lại là những người có tinh thần độc lập chống với Pháp mạnh mẽ nhất!


(Ảnh: Dưới mái trường thân thương này, lớp lớp nhiều thế hệ đã có nhiều đóng góp đáng tự hào cho đất nước!)
Gần ba mươi năm dưới thời Pháp thuộc (1917-1945), mặc dù trường Đồng Khánh do người Pháp trực tiếp điều hành và kỷ luật rất nghiêm khắc, song nữ sinh trường Đồng Khánh vẫn luôn sát cánh cùng nam sinh trường Quốc Học tham gia hoạt động bí mật và đấu tranh công khai với chính quyền Bảo hộ. Năm 1925, cô giáo (đứng đầu là bà Trần Thị Như Mân) và nữ sinh Đồng Khánh đã đánh điện yêu cầu Toàn quyền Varen phải tha bổng nhà yêu nước Phan Bội Châu! Năm 1927, cô Đào Thị Xuân Yến (Đệ tứ niên) là người cầm đầu học sinh Đồng Khánh tham gia cuộc bãi khóa chống Pháp năm 1927! và nhiều hành động chống đối khác, nói lên tinh thần đấu tranh yêu nước dũng cảm của các nữ học sinh Đồng Khánh luôn luôn bộc lộ mạnh mẽ
Nhắc đến trường Đồng Khánh là gợi lại sự trẻ trung, duyên dáng đáng yêu, dũng cảm yêu nước. Hôm nay nhìn lại lịch sử, trường đã ngót đã gần hàng trăm niên khóa. Bà Yvonne Lebris – người hiệu trưởng đầu tiên (1917) và bà Martin – người hiệu trưởng Pháp cuối cùng (1945). Từ ngày được bàn giao cho chính quyền Việt Nam, trường Đồng Khánh đã được các vị nữ hiệu trưởng kế tiếp nhau điều hành như sau: Bà Võ Thị Thể, bà Hồ Thị Thanh, bà Nguyễn Đình Chi, bà Nguyễn Thị Quýt, bà Nguyễn Thị Tiết, bà Đặng Tống Tịnh Nhơn, bà Tôn Nữ Thanh Cầm, bà Thân Thị Giáng Châu, bà Lê Thị Tường Loan, bà Phan Thị Bích Đào.
Bà Nguyễn Đình Chi (Đào Thị Xuân Yến) – Hiệu trưởng thứ 9 (1952-1955) và là người Hiệu trưởng Việt Nam thứ 3 trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế


Giáo viên chính thức của trường (thời Pháp thuộc cũng như thời tự chủ) chủ yếu là nữ. Nhưng nhà trường luôn tìm mời những giáo viên giỏi dạy giờ để tranh thủ tri thức của họ. Trải qua gần hàng trăm niên khóa không thể nào kể hết tên tuổi những thầy giáo đã góp phần làm nên truyền thống yêu nước và học giỏi của trường Đồng Khánh Huế, chỉ xin nêu một số nhỏ:
•Về văn: Cụ Lâm Mậu (người giúp cho cụ Đào Duy Anh làm Tự điển Hán Việt), cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (chú giải nhiều tác phẩm cổ văn), cụ Phan Văn Dật (một nhà văn, một trí thức uyên bác của Huế).
•Về âm nhạc: cụ Nguyễn Trung Phán, nhạc sĩ Văn Giảng…
•Về họa: cụ Tôn Thất Sa, họa sĩ Lê Yên, họa sĩ Hiếu Đệ, họa sĩ Đinh Cường…
•Ngoại ngữ: thầy Phạm Kiêm Âu (Pháp văn), Cao Xuân Duẩn (Anh văn)…
•Toán: thầy Châu Trọng Ngô…
Về giáo viên nữ, ngoài những cô dạy văn hóa, còn có nhiều cô dạy nữ công gia chánh. Các cô dạy nữ công gia chánh có một ảnh hưởng lớn đối với học sinh là bà Ngọc Lan, bà Bửu Tiếp, và đặc biệt là cô Hoàng Thị Kim Cúc. Suốt cuộc đời, bao nhiêu tâm huyết cô Cúc đều dành cho bộ môn nữ công gia chánh trường Đồng Khánh. Những giáo trình dạy ở trường, cô Cúc đã in thành sách phổ biến rộng rãi trong nước và cả cho người Việt hải ngoại.

(Ảnh: Cựu nữ sinh trường Đồng Khánh.)


(Ảnh: Dù là thế nào đi nữa, hàng năm họ vẫn về thăm lại trường xưa và ôn lại những kỷ niệm đẹp !
Trước năm 1954, trường Đồng Khánh chỉ có cấp I và cấp II, thi bằng Thành chung xong phải sang trường Quốc Học học ban Tú Tài (cấp III). Từ năm 1955 đến 1965 có thêm hai lớp đệ tam và đệ nhị (nay là lớp 10, lớp 11), thi Tú Tài bán phần xong (Tú Tài 1) qua Quốc Học học Đệ Nhất (lớp 12). Từ sau 1965 đến nay trường Đồng Khánh mở thêm lớp Đệ Nhất dạy chương trình Tú Tài II (thi Tú Tài toàn phần), có vị trí ngang hàng với trường Quốc Học.
Sau gần hàng trăm niên khóa, trường Đồng Khánh đã đào tạo cho đất nước biết bao thế hệ nhân tài nữ, trong nhiều lãnh vực: nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nhà ngoại giao… Nữ sinh Đồng Khánh dù sống trong mọi miền đất nước hay ở hải ngoại, hoạt động trong bất cứ lãnh vực ngành nghề nào, ở bờ nam hay bờ bắc sông Hương đều có chung một ý nghĩ rất tự hào mình là cựu học sinh Đồng Khánh. Cái gì đã tạo nên niềm tự hào chung ấy?


Thời Pháp thuộc, các bà hiệu trưởng và giáo viên của trường phần lớn được đào tạo từ dòng chính, có khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao. Ví dụ như trường hợp bà hiệu trưởng Boudron Damasy là một thạc sĩ sử địa. Bằng cấp và năng lực của bà con cao hơn cả học chánh trung kỳ Délétie. Những hiệu trưởng người Việt một trăm phần trăm là cựu nữ sinh Đồng Khánh, đã nổi tiếng về trình độ học vấn, về tư cách, đạo đức một thời. Các bà có nữ tính cao, tận tụy với nghề nghiệp, thương yêu học sinh, luôn giữ được truyền thống công dung ngôn hạnh của người phụ nữ phương Đông, nhất là, đậm nét phụ nữ Huế! Các thế hệ giáo viên chịu ảnh hưởng của các bà hiệu trưởng, truyền dạy lại cho các thế hệ học sinh như một dòng sông không dứt. Chính cái dòng sông ấy tạo nên niềm tự hào chung của người phụ nữ Việt, qua hình ảnh nữ sinh Đồng Khánh!
Ngôi trường thân yêu đặc biệt, nổi tiếng như thế, thì ai có thể nào Quên!
(Theo Phi Yến)


*Nhớ nhé, nữ sinh một thời Đồng Khánh, Hôm nay! Nhớ tham dự Hội Quốc Học Đồng Khánh Bắc Cali Mừng Tân Niên Giáp Thìn 2024
Lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật (Hôm nay) ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122


Tin Quốc Tế Đó Dây

Houthi Tuyên Bố Tăng Cường Tấn Công Biển Đỏ, Sử Dụng 'Vũ Khí Tàu Ngầm'


(Hình: Tàu chở dầu Marlin Luanda của Anh bốc cháy sau một cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Vịnh Aden. Ảnh do Hải quân Ấn Độ cung cấp vào ngày 27/1/2024.)
-Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác bằng "vũ khí tàu ngầm" để tiếp tục đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến ở Gaza, lãnh đạo nhóm này tuyên bố hôm thứ Năm (22/2/2024).
Các chiến binh Houthi liên kết với Iran ở Yemen đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng máy bay/xuồng không người lái và phi đạn ở Biển Đỏ, Eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden kể từ tháng 11 để yểm trợ người Palestine, trong lúc cuộc chiến Do Thái-Hamas tiếp diễn và số người chết ở Gaza lên tới gần 30.000 người.
"Các hoạt động ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập, Eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden đang tiếp tục, leo thang và hiệu quả", lãnh đạo Houthi, Abdulmalik al-Houthi nói thêm trong một bài phát biểu trên truyền hình. Ông không đưa ra thông tin chi tiết về vũ khí tàu ngầm.
Các cuộc tấn công của nhóm này đang làm gián đoạn tuyến thủy lộ chiếm khoảng 12% lưu lượng hàng hải toàn cầu và buộc các công ty phải đi tuyến đường dài hơn, đắt đỏ hơn vòng qua Phi Châu.

Bài phát biểu của lãnh đạo Houthi được đưa ra cùng ngày lực lượng này gửi thông báo chính thức cho các chủ hàng và công ty bảo hiểm về điều mà họ gọi là lệnh cấm các tàu liên quan đến Do Thái, Mỹ và Anh trong các vùng biển xung quanh, nhằm tìm cách củng cố chiến dịch quân sự của họ để hỗ trợ người Palestine.
Thông tin liên lạc của Houthis, là thông tin đầu tiên gửi đến ngành vận tải biển về lệnh cấm, được đưa ra dưới dạng hai thông báo từ Trung tâm Điều phối Hoạt động Nhân đạo mới được thành lập của Houthis gửi tới các công ty và công ty bảo hiểm vận tải biển.
Các tàu thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của các cá nhân hoặc tổ chức Do Thái và tàu treo cờ Do Thái, hoặc thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc tổ chức Hoa Kỳ hoặc Anh, hoặc đi dưới cờ của các nước này, đều bị cấm đi vào Biển Đỏ, Vịnh Aden và Biển Ả Rập, thông báo hôm thứ Năm nói.
Một viên chức cấp cao của Houthi nói với thông tấn xã Reuters hôm thứ Năm: "Trung tâm Điều hành Nhân đạo được thành lập tại Sanaa để điều phối việc di chuyển an toàn và hòa bình của các tàu không có mối liên hệ nào với Do Thái".


Trung Đông: G20 Ủng Hộ Giải Pháp 2 Quốc Gia Độc Lập Do Thái và Palestine


(Hình: Các đại biểu dự hội nghị các Ngoại trưởng G20, ngày 21/2/2024 tại Rio de Janeiro, Ba Tây.)
-Trong cuộc họp hôm 22/2/2024 tại Rio de Janeiro (Ba Tây), các Ngoại trưởng của nhóm G20 cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông là có 2 Quốc gia Do Thái và Palestine, theo tuyên bố của lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell.
Theo thông tấn xã Reuters, phát biểu với báo giới, lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu, ông Josep Borrell, đã khẳng định là ở hội nghị G20, không một ai phản đối giải pháp hai Quốc gia độc lập và việc lập Quốc gia Palestine. Ông nhấn mạnh, "đó là một sự đồng thuận" và đồng thời lưu ý cần có một "sự vận động chính trị" để giải pháp này được khai triển.

Về tình hình chiến sự ở dải Gaza, theo một phóng viên của thông tấn xã AFP, quân đội Do Thái trong đêm 22 rạng sáng 23/2 đã oanh kích thành phố Khan Younès và Rafah, ở miền Nam dải Gaza. Bộ trưởng Y tế của Hamas khẳng định tổng cộng đêm 22/2 đã có 110 người chết vì bom đạn của Do Thái.
Trong khi đó, Tổng Cố vấn của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Palestine hôm 22/2 cảnh báo rằng UNRWA đã đạt đến ngưỡng tan rã, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cho tiến hành thẩm định hồ sơ này. Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
"Theo Philippe Lazzarini, UNRWA - được thành lập từ năm 1949 và tuyển dụng hơn 30.000 người tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, tại Liban, Jordanie và Syria - nay đã "đến ngưỡng tan rã". Tổ chức này không còn có thể hoàn thành sứ mệnh do các vụ oanh kích ở dải Gaza. Quỹ của UNRWA hiện đã cạn: Những cáo buộc của Do Thái liên quan đến việc 12 nhân viên UNRWA tham gia vụ tấn công ngày 7/10/2023 đã khiến các nhà tài trợ chính bỏ đi. Dù có bằng chứng hay không, tất cả đều bị bế tắc. Liên Hiệp Quốc hy vọng sẽ tháo gỡ được tình trạng này qua việc thẩm định, đánh giá từ bên ngoài, do cựu Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna chỉ đạo.

Bà Colonna nói: "Mục tiêu của nhiệm vụ này là cho phép các nhà hảo tâm lấy lại niềm tin nếu đã mất hoặc nếu họ nghi ngờ về cách vận hành của UNRWA. Sẽ rất có ích nếu nhóm thẩm định có thể xác định tại chỗ, ở Gaza, là UNRWA hoạt động trong bối cảnh như thế nào. Tôi chưa biết liệu có thể làm như vậy hay không nhưng tôi sẽ thử đề nghị".
Từ nay đến cuối tháng 4/2024, kỳ thẩm định này sẽ phải xác định xem liệu tính trung lập của UNRWA nhìn chung có bị tác động hay không kể từ khi xung đột Gaza nổ ra, đồng thời cuộc điều tra nội bộ sẽ xác định xem 12 nhân viên bị cáo buộc của cơ quan này có dính líu đến vụ tấn công hay không?"


Mẹ của Nhà Đối Lập Alexeil Navalny Tố Cáo Chính Quyền Nga Gây Khó Dễ Về Điều Kiện Chôn Cất Con Trai


(Hình: Bà Lyudmila Navalnaya, mẹ nhà đối lập Alexei Navalny đứng trước nhà tù, thị trấn Salekhard, cực Bắc Nga, ngày 20/2/2024.)
-Sáu ngày sau cái chết không rõ lý do của nhà đối lập Nga Alexeil Navalny trong trại giam, và sau khi mẹ của ông, bà Lioudmila Navalnaya, gửi thông điệp trực tiếp đến Vladimir Poutine yêu cầu trao trả thi hài Navalny, đến hôm 22/2/2024 bà Lioudmila Navalnaya mới được nhìn thấy thi thể người con trai 47 tuổi và giấy chứng tử ghi là "chết tự nhiên".
Tuy nhiên, theo thông tín viên Anissa El Jabri, trong một video mới, mẹ của nhà đối lập Nga Alexeil Navalny đã tố cáo chính quyền dọa dẫm, gây khó dễ với bà về các điều kiện chôn cất Alexei Navalny:

"Đêm qua, họ đã bí mật đưa tôi đến nhà xác, nơi họ cho tôi xem thi thể Alexei. Các điều tra viên khẳng định đã biết nguyên nhân cái chết, họ đã chuẩn bị từ trước và cho tôi xem tất cả các giấy tờ y tế và pháp lý. Tôi đã ký vào giấy chứng nhận y tế.

Theo luật, lẽ ra họ phải giao thi thể của Alexei cho tôi ngay, nhưng họ đã không làm như vậy. Thay vào đó, họ bắt chẹt tôi, đặt ra các điều kiện về địa điểm, thời gian và cách thức chôn cất Alexei. Làm như vậy là bất hợp pháp.
Trước sự chứng kiến của tôi, họ tiếp nhận các mệnh lệnh, hoặc từ Ðiện Cẩm Linh, hoặc từ cơ quan trung ương của Ủy ban Điều tra. Họ muốn đám tang diễn ra một cách bí mật, không lời tiễn biệt. Họ muốn đưa tôi đến ven một nghĩa trang, tới một ngôi mộ mới và nói với tôi: đây là con trai của bà. Tôi không đồng ý về điều này.
Tôi muốn quý vị, những người yêu quý Alexei, những người coi cái chết của Alexei làm một thảm kịch cá nhân, quý vị phải có cơ hội để nói lời từ biệt.

Tôi quay video này bởi vì họ bắt đầu đe dọa tôi. Nhìn thẳng vào mắt tôi, họ nói nếu không đồng ý tổ chức tang lễ bí mật, họ sẽ làm gì đó đối với thi thể của con trai tôi. Điều tra viên Voropaev đã nói thẳng với tôi: "Càng để lâu thì càng không hay cho bà. Thi thể đang phân hủy".
Tôi không đòi hỏi bất kỳ điều kiện đặc biệt nào, tôi muốn mọi việc phải được thực hiện theo đúng luật pháp. Tôi yêu cầu thi hài của con trai tôi phải được trao trả cho tôi ngay lập tức".
Hôm 23/2, hơn 20 gương mặt trong giới văn hóa và truyền thông Nga, thường chỉ trích Ðiện Cẩm Linh, đã kêu gọi chính quyền trao trả thi hài người quá cố cho mẹ của ông.
Nhìn sang Mỹ, hôm 22/2, tại San Francisco, trong buổi tiếp vợ con của nhà đối lập với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã ca ngợi Alexei Navalny là "người đàn ông can đảm một cách khó tin".


Tổng Thống Nga Putin Ca Ngợi Các "Anh Hùng" Chiến Đấu ở Ukraine và Công Cuộc Tái Vũ Trang


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt vòng hoa tưởng niệm tại "Mộ Chiến sĩ Vô danh" tại Mạc Tư Khoa, ngày 23/2/2024.)
-Một hôm trước ngày tròn 2 năm xâm lược Ukraine, hôm 23/2/2024, cũng là ngày thường niên vinh danh "những người bảo vệ tổ quốc", Tổng thống Vladimir Putin ngợi ca các binh sĩ Nga chiến đấu ở Ukraine là "anh hùng dân tộc". Đồng thời, ông Putin hoan nghênh công cuộc tái vũ trang của nước Nga.

Theo thông tấn xã AFP, trong một video phát đi từ Ðiện Cẩm Linh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh những "những người tham gia chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, mà theo ông là đang "bảo vệ nước Nga...chiến đấu để bảo vệ sự thật và công lý". Tổng thống Nga gọi họ là "những anh hùng thực sự của dân tộc". Như hàng năm, ông Putin sẽ đến viếng mộ những người lính vô danh, được đặt sáttường Ðiện Cẩm Linh, Mạc Tư Khoa.
Tổng thống Nga cũng cho biết: "Trong những năm qua, các công ty của tổ hợp công nghiệp - quân sự đã nhân rộng sản xuất và giao cho quân đội những loại vũ khí được yêu cầu nhiều nhất": Phi đạn, drone, xe bọc thép, pháo và thiết bị phòng không, đồng thời khẳng định: "Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu hiện tại, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang".

Hôm 22/2, nguyên thủ Nga đã đến thăm nhà máy chế tạo máy bay tại Kazan, ở miền trung, và đã bay 30 phút trên một oanh tạc cơ nguyên tử chiến lược. Ông Putin ca ngợi độ tin cậy của máy bay này, có nhiều tính năng mới, dễ điều khiển, dễ kiểm soát hơn và phù hợp với Không quân Nga.
Oanh tạc cơ mới của Nga có thể mang 12 phi đạn liên lục địa hoặc 12 phi đạn nguyên tử tầm ngắn và có thể bay 12.000 cây số mới cần tiếp liệu. Theo Reuters, đây là một phiên bản Tupolev 160M mà trong thời kỳ chiến tranh lạnh Liên Xô đã sẵn sàng khai triển trong trường hợp có cảnh báo nguyên tử để thực hiện các vụ tấn công ở khoảng cách xa.
Theo hợp đồng ký năm 2018, Không quân Nga sẽ nhận 10 oanh tạc cơ được hiện đại hóa này trước năm 2027, với giá 15 tỉ Rúp (150 triệu Euro)/chiếc.


Hai Năm Gây Chiến ở Ukraine, Nga Tiếp Tục Oanh Tạc Cơ Sở Dân Sự


(Hình: Một địa điểm tại Odessa, năm Ukraine bị drone và phi đạn của Nga tập kích, ngày 23/2/2024.)
-Ngày 23/2/2024, một ngày trước dịp đánh dấu tròn 2 năm Nga phát động chiến tranh, Ukraine tiếp tục hứng chịu những đợt tấn công bằng phi đạn và drone. Ba người bị thiệt mạng ở thành phố miền Nam Odessa trong các trận oanh kích của Nga. Nhiều địa phương trải qua "đêm kinh hoàng".
Trong báo cáo hàng ngày công bố sáng 23/2 trên mạng Telegram, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết "Nga tiếp tục các trận oanh kích ban đêm bằng drone và phi đạn". Lực lượng Phòng không Ukraine bắn hạ 23 drone. Vùng Dnipropetrovsk (miền Đông) trải qua "đêm ác mộng", nhiều tòa nhà bị sập, "bị phá hủy hoàn toàn" trong các trận oanh kích. Ở mặt trận miền đông, Nga tuyên bố chiếm được nhiều vùng đất, trong đó có làng Pobeda và tiếp tục đà tiến quanh một số địa phương khác.

Dù ở xa chiến tuyến, thủ đô Kyiv liên tục bị đe dọa và bị tấn công. Một công ty đã phát minh ra boong-ke di động, tự lắp ráp, giúp người dân nhanh chóng có nơi trú ẩn. Đặc phái viên Nathanaël Vittrant, Jad El Khoury và Kyrylo Tiulieniev của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ghi nhận qua phóng sự:
Trong nhà kho lớn ở một khu công nghiệp bị bỏ hoang một nửa ở thủ đô, Sergei Zaharin đang bận cắt các tấm kim loại để lắp thành một kiểu két lớn có kích thước như một tủ quần áo, được ông đặt tên là "kén sinh tồn". Ông cho biết: "Trước đây tôi sản xuất thiết bị để giải quyết gỗ nhưng hoàn cảnh buộc tôi phải thích ứng".
"Kén sinh tồn" trông giống như một boong-ke lắp ghép theo kiểu IKEA, theo ông Zaharin, được làm từ các tấm kim loại dày 5 mm với những con bulông lớn. Ông khẳng định: "Chúng rất chắc, "kén sinh tồn" phải chịu được bất kỳ mảnh vỡ nào bị rơi, dù là cả ngôi nhà đổ sập lên nó".
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang cuộc nói chuyện. "Sáng nay có nhiều vụ tấn công, người ta gọi điện đặt hàng tôi", rồi ông nói thêm: "Tiếc rằng lại là như vậy". Nhưng đừng hỏi ông liệu tình hình hiện giờ có lợi cho kinh doanh không.
"Anh đừng nói như vậy. Chi phí sản xuất một boong-ke cá nhân này là 53.000 hryvna, tôi bán chúng với giá 70.000, trừ thuế đi. Với giá đó, không phải là kinh doanh mà là làm thiện nguyện".


Chiến Tranh Ukraine: Liên Hiệp Âu Châu Thông Qua Loạt Trừng Phạt Thứ 13 Đối Với Nga


(Hình: Trụ sở Ủy Ban Âu Châu, tại Brussels, Bỉ.)
-Đại sứ 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu, trong cuộc họp hôm 21/2/2024, tại Brussels, đã bật đèn xanh cho việc thông qua loạt trừng phạt mới đối với Mạc Tư Khoa.
Đây là loạt thứ 13 kể từ khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/2/2022. Liên Hiệp Âu Châu muốn nhanh chóng thông qua loạt trừng phạt nhắm vào khoảng 200 tổ chức và cá nhân ngay trước dịp tròn 2 năm cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Thông tín viên Pierre Bénazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Brussels:

Danh sách các cá nhân và các tổ chức bị trừng phạt sẽ chỉ được biết chính xác khi được đưa lên công báo, nhưng hiện tại người ta biết rằng có ít nhất khoảng 50 tổ chức bị nhắm đến. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp cung cấp kỹ thuật điện tử dùng trong quân sự và sản xuất vũ khí.
Cụ thể là các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động mua, vận chuyển và cung cấp cơ sở cất giữ cho đạn dược đến từ Bắc Hàn, đặc biệt là đạn pháo. Có ba doanh nghiệp Trung Quốc, một số doanh nghiệp gốc Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia, cung cấp hàng cho quân đội Nga, nằm trong danh sách trừng phạt. Trong số các cá nhân bị trừng phạt, cũng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và quân nhân.
Loạt trừng phạt thứ 13 đã được chuẩn bị để có thể được thông qua dễ dàng. Loạt trừng phạt này đúng là đã được chấp thuận rất nhanh chóng, vì bản Dự thảo đầu tiên chỉ mới được đưa ra hôm 8/2. Hung Gia Lợi đã yêu cầu xem kỹ lại danh sách, nhưng chính quyền Budapest đã bật đèn xanh cho loạt trừng phạt này chỉ sau vài ngày. Đã có nhiều quốc gia yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu ra thêm các trừng phạt mới, về nguyên tử, drone hay nhôm".
Ít ngày sau khi Nga chiếm được Avdiïvka, thành phố miền Đông Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, họp báo hôm 21/2, bác bỏ quan điểm cho rằng quân đội Nga đang giành được thế thượng phong tại Ukraine. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Ukraine đang có nhiều bước tiến quan trọng trên chiến trường, đặc biệt tại Hắc Hải. Ông Matthew Miller nhấn mạnh, việc các lực lượng Nga lấn sân trong những ngày gần đây chủ yếu là do Ukraine thiếu hụt phương tiện và " việc Quốc hội Hoa Kỳ chưa quyết định tiếp tục cung cấp các phương tiện cần thiết cho quân đội Ukraine là một nguyên nhân chính".


Nga Đe Dọa Các Lực Lượng Tuần Tra Pháp ở Biển Đen


(Hình: Máy bay trinh sát của Pháp AWACS đang làm nhiệm vụ của NATO trong vùng trời phía Đông Lỗ Ma Ni, ngày 9/1/2024.)
-Hôm 22/2/2024, Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu cho biết "cách nay một tháng" Nga đã "tìm cách khống chế các cuộc tuần tra trên không và trên biển của Pháp trong không phận quốc tế ở Biển Đen". Ngoài ra, chiến hạm của Nga tiến gần đến hải phận của Pháp trong vùng Vịnh Seine với mục đích "hù dọa".
Theo lãnh đạo Bộ Quân lực Pháp, Nga ngày càng có nhiều hành động "uy hiếp" nước Pháp, dưới nhiều hình thức khác nhau. Paris là một điểm tựa quan trọng của Kyiv và chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế hỗ trợ Ukraine.

Trả lời đài phát thanh tư nhân RTL, Bộ trưởng Quân lực Lecornu tiết lộ, "cách nay một tháng", trong lúc tuần tra trên biển và trên không để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đen, "nhiều phi công Pháp đã bị bộ phận không lưu Nga đe dọa".
Vẫn theo Bộ trưởng Pháp, gần đây, một chiến hạm của Nga đã thả neo trong Vịnh Seine, biển Manche ngoài khơi vùng Nordmandy, Tây-Bắc nước Pháp. Tuy tàu Nga đã dừng lại ở hải phận quốc tế, nhưng sát với Pháp và đây là hành động "hù dọa (…) và cần hiểu rằng các hành vi hù dọa đó đã có từ thời chiến tranh lạnh".
Bộ trưởng Lecornu đánh giá thái độ của Nga "rất hung hăng" và đang mở thêm nhiều mặt trận khác như "chiến tranh mạng nhắm vào một tập đoàn kỹ thuật quốc phòng của Pháp".
Hãng tin AFP nhắc lại cuối tuần qua Bộ Quân lực đã kêu gọi củng cố các biện pháp bảo vệ an ninh trước những đe dọa "phá hoại" và các vụ "tấn công trên mạng" do Nga tiến hành.

Từ đầu chiến tranh Ukraine hồi tháng 2/2022 đến nay, Paris đã đào tạo trên lãnh thổ Pháp hoặc tại Ba Lan khỏang 10.000 lính Ukraine để sử dụng trang thiết bị quân sự mà Pháp viện trợ.
Về ngoại giao, Paris chiều 22/2 thông báo, ngày 26/2, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một hội nghị hỗ trợ Ukraine sau hai năm chiến tranh. Nhiều nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng chính phủ và đại diện cấp bộ sẽ tham dự cuộc họp tại Paris.


Nông Dân Ba Lan Biểu Tình Chống Nông Phẩm Ukraine: Warsaw Nghi Nga Can Thiệp


(Hình: Biên giới Ba Lan-Ukraine ngày 9/2/2024: Nông dân Ba Lan chặn xe vận tải chở nông phẩm từ Ukraine sang.)
-Sau khi một tấm biểu ngữ "thân Nga" được trông thấy tại một cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan phản đối nhập cảng nông sản Ukraine hôm 20/2/2024, chính quyền Ukraine rất tức giận và "nghi ngờ" về tình đoàn kết của nước láng giềng. Chính quyền Warsaw đã trấn an Kyiv và khẳng định sự việc có sự dính líu của "điệp viên Nga".
Từ Warsaw, thông tín viên Martin Chabal của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Putin, ông hãy giúp tái lập trật tự ở Ukraine, ở Brussels và trong chính phủ của chúng tôi". Đó là những gì được viết trên tấm biểu ngữ gây tranh cãi, được treo ở đằng trước một chiếc máy kéo tham gia cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan, bên cạnh lá cờ Liên Xô.
Điều này đủ để chọc giận chính quyền Ukraine. Qua tấm biểu ngữ, chính quyền Kyiv nhận thấy một dấu hiệu thực sự về "sự xói mòn của tình đoàn kết" giữa hai nước, theo lời của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ba Lan đang cố trấn an đồng minh, khẳng định đây không phải là quan điểm chung trong nước. Cảnh sát đã tịch thu tấm biểu ngữ và mở cuộc điều tra hình sự.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng các điệp viên của Nga có thể đứng đằng sau sự việc này. Giả thuyết Nga gây bất ổn nhằm gieo rắc sự hỗn loạn giữa Kyiv và Warsaw đang được phía Ba Lan nghiêm túc điều tra.

Tuy nhiên, nhiều người tổ chức cuộc biểu tình ngăn chặn nông phẩm Ukraine khẳng định họ không phản đối việc viện trợ cho Ukraine, mà chỉ phê phán các định chế của Âu Châu và Ba Lan không có biện pháp chống lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh mà nông dân Ba Lan phải chịu đựng kể từ khi nổ ra chiến tranh.
Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) hôm 21/2, đã gia hạn thêm một năm quy định miễn thuế nhập cảng đối với nông phẩm Ukraine, tính từ tháng 06/2024.


Mỹ và Nam Hàn Điều Động Chiến Đấu Cơ Tập Trận Đánh Chặn Sau Các Vụ Thử Phi Đạn của Bắc Hàn


(Hình: Các chiến đấu cơ F-35A của Không quân Nam Hàn chuẩn bị cất cánh từ căn cứ ở Cheongju, Nam Hàn, ngày 23/2/2024.)
-Hôm 23/2/2024, Nam Hàn và Hoa Kỳ đã điều các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến đến tham gia một cuộc tập trận đánh chặn phi đạn chung trên bán đảo Triều Tiên, theo lực lượng Không quân Nam Hàn cho biết. Đây được xem là một phản ứng rõ ràng của Mỹ và Nam Hàn đối với một loạt các vụ thử vũ khí trong năm nay của đối thủ Bắc Hàn.

Bắc Hàn đã tiến hành sáu đợt thử phi đạn trong năm nay, hầu hết trong số đó được cho là liên quan đến phi đạn liên lục địa thường bay ở độ cao thấp để vượt qua hệ thống phòng thủ phi đạn của đối thủ. Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Bắc Hàn đặt mục tiêu sử dụng phi đạn liên lục địa để tấn công các hàng không mẫu hạm Mỹ cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Lực lượng Không quân Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tập trận hôm 23/2 có sự tham gia của các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35A của cả hai nước và các máy bay chiến đấu khác của Nam Hàn. Tuyên bố cho biết các máy bay F-35A của Mỹ đã được khai triển tới Nam Hàn hôm 21/2 từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản.

Bắc Hàn đã tăng cường thử nghiệm vũ khí kể từ năm 2022, điều mà các chuyên gia gọi là nỗ lực nhằm tăng cường đòn bẩy ngoại giao trong tương lai. Nam Hàn và Mỹ đã phản ứng bằng cách mở rộng các cuộc tập trận quân sự và huấn luyện ba bên với sự tham gia của Nhật Bản.
Bên lề cuộc họp G20 ở Rio De Janeiro hôm 22/2, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý tăng cường khả năng ứng phó chung trước các mối đe dọa nguyên tử đang gia tăng của Bắc Hàn và phối hợp để ngăn chặn Bắc Hàn tài trợ cho chương trình nguyên tử của nước này, theo Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết.
Năm nay, Bắc Hàn được cho là sẽ đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm và đưa ra những lời lẽ hiếu chiến khi cả Mỹ và Nam Hàn đều sắp bước vào bầu cử. Bắc Hàn có thể đang tìm kiếm sự công nhận quốc tế như một quốc gia nguyên tử, một địa vị mà các chuyên gia nói Bắc Hàn cho rằng sẽ giúp nước này được giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu.

Kho vũ khí nguyên tử ngày càng phát triển của Bắc Hàn có thể đã củng cố lập trường của nước này, và có những lo ngại rằng Bắc Hàn có thể tiến hành một hành động khiêu khích quân sự có giới hạn chống lại miền Nam. Các nhà quan sát cho rằng một cuộc tấn công toàn diện khó có thể xảy ra vì Bắc Hàn đang bị các lực lượng mạnh hơn của Mỹ và Nam Hàn áp đảo.
Các viên chức Mỹ và Nam Hàn đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nguyên tử nào của Bắc Hàn nhắm vào họ sẽ đánh dấu sự kết thúc của chính phủ Bắc Hàn do ông Kim Jong Un lãnh đạo.


Tổng Thống Biden Gọi Ông Putin Là 'TCĐ Điên Khùng' Trong Buổi Gây Quỹ ở San Francisco


(Hình: Tổng thống Mỹ Biden trên đường vận động tranh cử năm 2024.)
-Tổng thống Joe Biden gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "TCĐ điên khùng" trong buổi gây quỹ ở San Francisco hôm thứ Tư (21/2/2024), ông cảnh báo rằng luôn luôn có nguy cơ xung đột nguyên tử nhưng mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại vẫn là vấn đề khí hậu.
"Đây là mối đe dọa hiện hữu cuối cùng. Nó là vấn đề khí hậu. Chúng ta có một TCĐ điên khùng như Putin và những kẻ khác và chúng ta luôn phải lo lắng về xung đột nguyên tử, nhưng mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại là vấn đề khí hậu cơ", ông Biden nói với một nhóm nhỏ các nhà tài trợ.

Ông Biden trước đây từng dùng cụm từ "son of a bitch" (SOB) trong tiếng Anh, thường được dịch sang tiếng Việt là "thằng chó đẻ" (TCĐ), để nói về người khác. Hồi tháng 1/2022, ông sơ ý nói cụm từ này khi micro chưa tắt nhằm vào một phóng viên của Fox News chuyên theo dõi Tòa Bạch Ốc.
Ông có xu hướng không làm theo kịch bản trong các buổi gây quỹ bầu cử và trong những tháng gần đây ông đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc, đảng Cộng hòa và đồng minh của Mỹ là Do Thái vì nước này ném bom Dải Gaza.

Những lời nói công kích của ông Biden nhằm vào ông Putin cũng đã tăng mạnh tại Tòa Bạch Ốc và trên đường ông vận động tranh cử. Tuần trước, vị Tổng thống Mỹ quy trách nhiệm cho ông Putin và "bọn côn đồ của ông ta" về cái chết của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
"Chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng rõ mười mươi là cái chết của ông Nalvany là hậu quả của một việc mà ông Putin và bọn côn đồ của ông ta đã làm", ông Biden nói tại Tòa Bạch Ốc sau khi các viên chức nhà tù Nga thông báo rằng ông Navalny đã chết.
Ðiện Cẩm Linh đã phủ nhận chuyện có liên quan đến cái chết của ông Navalny và nói những tuyên bố của phương Tây cho rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm là điều không thể chấp nhận được.
Hai ông Biden và Putin vẫn mâu thuẫn sâu sắc về việc Nga xâm lược Ukraine hai năm trước, cũng như về việc Nga đã bị Mỹ và các quốc gia phương Tây khác trừng phạt. Phản ứng của ông Biden đã khiến mối quan hệ Mỹ-Nga vốn đã đầy bất đồng càng thêm lạnh giá.
Hôm 20/2, ông Biden nói rằng Mỹ sẽ công bố một gói trừng phạt lớn nhằm vào Nga liên quan đến cái chết của ông Navalny và cuộc chiến Ukraine.


Phi Thuyền Tư Nhân Đầu Tiên của Mỹ Đáp Thành Công Xuống Mặt Trăng Sau Nửa Thế Kỷ


(Hình: Phi thuyền của công ty Intuitive Machines.)
-Một phi thuyền không gian do công ty Intuitive Machines ở Texas chế tạo và vận hành đáp xuống gần cực Nam của Mặt Trăng hôm 22/2/2024, theo thông tấn xã Reuters. Đây là cuộc đổ bộ đầu tiên của Hoa Kỳ lên bề mặt Mặt Trăng trong hơn nửa thế kỷ qua và là lần đầu tiên khu vực tư nhân đạt được thành tựu này.
Robot đổ bộ gồm 6 chân không có người lái, được đặt tên là Odysseus, đáp xuống lúc khoảng 6 giờ 23 phút chiều ngày 22/2, giờ miền Đông Hoa Kỳ, công ty Intuitive Machines và các nhà bình luận của NASA cho biết trong một webcast chung về cuộc đổ bộ từ trung tâm điều hành phi thuyền của Intuitive Machines ở Houston.

Ông Tim Crain, Giám đốc sứ mệnh của Intuitive Machines, nói với trung tâm điều hành: "Thiết bị của chúng tôi đang ở trên bề mặt Mặt Trăng và chúng tôi đang truyền tín hiệu, vì vậy xin chúc mừng nhóm IM". Ông nói thêm: "Chúng ta sẽ xem chúng ta có thể nhận được gì nhiều hơn từ đó".
Ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, ngay lập tức ca ngợi đây là một "đại thắng" và nói rằng "phi thuyền Odysseus đã chiếm được Mặt Trăng".
Cuộc đổ bộ hôm 22/2 là chuyến đáp có kiểm soát đầu tiên xuống bề mặt Mặt Trăng của tàu không gian Hoa Kỳ kể từ khi phi tuyền Apollo 17 đáp xuống hành tinh này vào năm 1972, khi ấy phi thuyền của NASA đáp xuống đó cùng với các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt.

Cho đến nay, mới chỉ có các phi thuyền của 4 quốc gia khác đã từng đáp xuống trên Mặt Trăng - Liên Xô cũ, Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Nhật Bản vào tháng trước. Hoa Kỳ là nước duy nhất từng đưa con người lên bề mặt Mặt Trăng.
Sự xuất hiện của phi thuyền Odysseus cũng đánh dấu "việc đáp xuống êm ái" đầu tiên trên Mặt Trăng bằng một phương tiện do giới thương mại sản xuất và vận hành, và là lần đầu tiên trong chương trình Mặt Trăng Artemis của NASA, khi Hoa Kỳ chạy đua để đưa các phi hành gia trở lại vệ tinh tự nhiên của Trái đất trước khi Trung Quốc cho phi thuyền không gian của họ đáp xuống đó.
Mặc dù Odysseus là ngôi sao mới nhất trong chương trình CLPS của NASA, nhưng chuyến bay IM-1 được coi là một sứ mệnh của hãng Intuitive Machines. Hãng này do ông Stephen Altemus, cựu Phó Giám đốc Trung tâm không gian Johnson của NASA ở Houston và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hãng, đồng sáng lập vào năm 2013.

Không có nhận xét nào: