Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Về Với Dòng Sông - Nguyên Nhung


Ngày Hà chào đời ở đó đã có dòng sông, ngay trước mặt, cách một con đường mà nơi mé sông người ta trồng đầy hoa phượng. Mỗi độ hè về nắng lên rực rỡ, hoa đỏ ối soi mình dưới dòng sông lung linh như một tấm lụa đào. Vào mùa thu, cơn mưa dầm miền Nam làm rớt xuống hàng hiên những bong bóng nước phập phồng, cuốn theo những chiếc lá nhỏ rớt xuống lòng sông, trôi theo những giề lục bình hoa phớt tím, lang thang không biết đâu là bờ, là bến. Năm 1954, bố Hà trôi giạt theo đoàn người di cư từ Bắc vào Nam. Hà nghe nói bố vào Nam chỉ có một mình với người bác ruột, ông bà nội Hà không đi vì sợ nơi xứ lạ quê người, phần tiếc vườn rau ao cá. 
<!>
Miền Bắc khi ấy vừa tiếp thu, không khí chính trị sùng sục như nồi nước sôi, ông bà nội cho bố đi trước, hy vọng một vài năm đất nước yên ổn, cả nhà lại đoàn tụ. 

Ai ngờ chuyến đi ấy là chuyến đi không có ngày trở về, hai miền Nam Bắc thực sự phân ly từ nhịp cầu Hiền Lương trên dòng sông Bến Hải, bố Hà chỉ có một thân một mình bơ vơ ở miền nam
Người bác dâu không tử tế như bố nghĩ, lại thêm anh chị họ đông nên dần dần bố thấy lạc lõng như chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Cố học xong mảnh bằng Tú Tài, ông nhập ngũ ngay, ra trường là một sĩ quan tốt nghiệp trường Trừ Bị Thủ Ðức. Từ đấy đời sống của ông trôi nổi theo những đơn vị và những chuyến xe nhà binh, đâu cũng là nhà. Mãi đến khi về Trà Vinh, thị xã buồn với tiếng lá reo của hàng sao già trong ngôi chùa Khờ Me cổ kính, gặp mẹ Hà, người tình đầu tiên và cũng là vợ hiền của ông.



Cuộc tình của bố mẹ Hà là cuộc tình "Tình Bắc, duyên Nam". Mẹ Hà lúc ấy là giáo viên dạy Tiểu Học, sống với gia đình người dì thứ Năm có chồng là công chức cao cấp ở Tỉnh. Ông bà ngoại Hà ở miền quê, trong một cuộc đất ven sông rộng hằng mấy mẫu, trồng toàn dừa nước để lấy lá bán cho người ta lợp nhà, và vườn cây ăn trái đủ thứ ổi, mãng cầu, cam, quýt và dừa xiêm.


Ngày mẹ quyết định lấy bố cũng gặp phải trở ngại dữ dội phía bên ngoại, dù hai người cùng là người Việt Nam, nhưng hai chữ "Bắc Kỳ" vẫn mơ hồ như là người khác nước. Bà ngoại Hà e sợ cảnh về làm dâu nhà người Bắc, khi biết bố Hà chỉ có một mình, bà lại ngại thứ con đường con chợ. Cả hai mẹ con khóc lên khóc xuống nhiều phen, sau phải nhờ ông dượng có uy quyền nhảy vào can thiệp, màn kỳ thị Bắc Nam mới chấm dứt. Bố Hà tập nói tiếng Nam, giọng miền Bắc cứng đơ là những tràng cười mua vui cho gia đình bên vợ, nhưng tính ông hiền lành, lại tốt bụng, khéo cư xử nên dần dà ai cũng thương.



Bố Hà tập ăn canh chua miền Nam, mắm kho nấu với tép bạc, lươn vàng, cá lóc và cà tím. Tập ăn cọng bông súng, rau dừa và rau giấp cá, canh củ mài nấu với tôm bóc vỏ có rắc ngò gai, dưa mắm thay cho cà bát ngâm tương, lâu ngày ăn quen nên đi đâu cũng nhớ hương vị miền Nam. Chợ Trà Vinh nằm ven bờ sông, tấp nập ghe thuyền từ các nơi chở đến nên tôm cá tươi nhảy soi sói, cây trái miệt vườn còn thơm hương đồng cỏ nội, dân chúng lại mộc mạc ấp lẫm tình người. Món đặc biệt nhất của Trà Vinh là bún nước lèo đầy ắp những tôm, thịt và cá lóc.Tuy vậy, bố vẫn thèm món riêu cua đồng miền Bắc, những tháng chợ nhiều cua đồng, bố bày cho mẹ nấu riêu cua miền quê nội. 


Những con cua đồng miền Nam trước kia chỉ để luộc ăn chơi với muối tiêu, nay được mẹ giã nhỏ lọc lấy nước, rồi phải biết bí quyết nấu, thịt cua nổi lên từng mảng thật đẹp trên mặt nồi canh, ăn với cây chuối non thái mỏng và rau kinh giới, thêm chút mắm tôm của người Bắc. Thỉnh thoảng ngoại ra thăm, mẹ lại trổ tài nấu món bún riêu cua đồng miền Bắc, ai ăn cũng khen ngon. Bởi vậy sau này khi Hà được bố mẹ cho về quê thăm ngoại, đã thấy món canh cua đồng được phổ biến rộng rãi nơi những nhà bên ngoại.




Bố mẹ lấy nhau hơn một năm thì Hà ra đời. Bố đặt tên cho cô con gái đầu lòng là Thanh Hà vì con sông xanh trước cửa nhà, tuy con sông nước lờ lợ đục ngầu phù sa. Vào mùa khô, nước kém, nước biển tràn về làm nước sông lờ lợ. Người ta không uống được nước sông như những nơi khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đã có nước giếng. Ngay nước giếng cũng đầy phèn, mỗi khi giặt giũ xong, Hà thấy trên móng tay bám một lớp trắng xoá. Vài hôm, mẹ Hà lại kêu chị người làm gọi những xe nước uống vào đổ đầy mấy cái lu lớn, mỗi cái xe chở nước được phủ lên mặt những cành lá dứa. Sau này Hà mới biết muốn có thứ nước để uống, người ta phải tìm những mạch nước ngọt, nằm gần ngôi chùa Phướn ở ngoại ô đào thành những cái giếng vừa to vừa rộng, người lấy nước có thể đi xuống lòng giếng và múc nước về chứa trong thùng, lóng trong rồi mới đem đổi cho người dùng. Người ta không gọi là "bán nước", để tránh hai chữ oan nghiệt mà bất cứ người Việt Nam nào cũng lờ mờ hiểu là chẳng hay ho gì.

Nhà của bố mẹ Hà là một căn nhà ngói được xây theo kiểu mới, xen lẫn với những căn nhà cổ ẩn sau vườn cây xanh có từ thời Pháp thuộc, nằm bên này bờ sông gần phố chợ. Trước nhà là một giàn bông giấy màu hồng tím, chiếc cổng sắt sơn màu vàng nhạt. Từ trong nhà bước ra, trước mặt là dòng sông, đi về phía tay trái là khu nhà ở, phong cảnh thật là thơ mộng với nhiều vườn cây ăn trái nằm dọc ven con đường mé sông, không chen chúc chật chội như những khu khác. Nhưng những năm về sau cuộc chiến lan rộng hơn, Hà thấy ở mé bờ những con rạch nhỏ đã có đám người từ trong quê chạy ra thành phố lánh bom đạn. Họ làm nhà bằng cây tràm, gỗ tạp và thiếc mỏng, lợp lá, nằm chen chúc nhau trên bờ rạch, rác rưởi và bao nhiêu thứ xú uế được đẩy xuống dòng sông, phong cảnh đã không còn thơ mộng .




Ði về phía tay mặt là con đường dẫn ra chợ, chỉ một con đường mà hai cảnh sống đã khác nhau. Ðấy là một khu phố chợ phồn thịnh, tràn đầy sức sống, có những vựa củi, tiệm tạp hoá, cửa hàng chạp phô của người Hoa và cả quán ăn nữa. Cả một khu chợ nằm ven sông, chen chúc những chiếc ghe xuồng từ miền quê chở rau cỏ, tôm cá từ quê ra chợ, người ta lên xuống những chiếc đò máy đi về hai ngả của dòng sông. Hà chỉ biết lờ mờ ngả bên phải dẫn về quê ngoại của mình, và ngả bên tay trái đi về những làng mạc ngoài sông Cái, từ đấy có một cửa sông rộng, nước chảy xuôi ra biển. 

Cũng trên dòng sông ấy, gần khu chợ là một chiếc cầu sắt bắc từ bờ bên này sang bờ bên kia, gọi là cầu Long Bình. Bên này là phố chợ an ninh và bên kia, chỉ cách một nhịp cầu mà đêm đêm, người ta có thể nghe thấy tiếng súng nổ vu vơ. Mẹ Hà chập tối đã lùa lũ con vào nhà, nét âu lo thoảng trên khuôn mặt dịu hiền, khi thấy bố Hà vì bận công tác vẫn chưa về nhà ăn cơm chiều. 



oOo

Những năm còn bình yên, dòng sông vẫn hiền hoà đưa những chuyến đò về quê ngoại ăn Tết. Con đò lướt đi trên dòng sông mênh mông, hai bên bờ là những rặng dừa nước, những cây bần, bình bát, bằng lăng hoa tím như đan thành một bóng râm mát rượi, làm đẹp thêm không khí an bình cho dòng sông miền quê ngoại. Suốt năm ở thành phố, chị em Hà chỉ mong Tết hay hè được đi đò về quê ngoại, rón rén đi trên chiếc cầu khỉ bắc trên con mương ven bờ sông, để thấy căn nhà của ngoại có khoảng sân rộng trồng đầy cây kiểng, nhìn con bò mẹ đứng yên cho con bú, và chị em Hà được ăn thoả thích những thứ cây trái trong vườn nhà ngoại. Buổi chiều, trên chiếc tam bản, người chị họ đưa mấy chị em đi chơi dọc theo dòng sông, thỉnh thoảng lại có chiếc đò máy phăng phăng lướt sóng, chiếc tam bản bị nhồi lên nhồi xuống theo làn sóng trong nỗi sợ hãi của chị em Hà.



Ngày Hà lớn dần lên là những năm chiến tranh càng ngày càng lan rộng, mẹ Hà không dám đưa con về quê ngoại như những năm trước, bố Hà lại càng vất vả vì những cuộc hành quân nguy hiểm. Mãi sau này, lần đầu tiên Hà theo lũ bạn thời Trung Học qua chiếc cầu sang bên kia sông vào một ngày nắng đẹp, Hà mới thấy quê hương sao đẹp đẽ vô ngần. Ngồi với bạn trên một bờ cỏ non của Xóm Ðầu Bờ, con đường này kéo dài về những vùng xa như Giồng Rùm, Bàng Ða, Cầu Ngang rồi sẽ đưa du khách đến Ba Ðộng "biển xanh cát trắng". Chiến tranh đã giết dần mòn những khung cảnh nên thơ của đất nước, chỉ qua đến Ðầu Bờ, Hà đã được nhìn đàn cò trắng xoải cánh bay trên những thửa ruộng, người nông dân quần xắn cao trên đầu gối đang cấy mạ trên thửa ruộng săm sắp nước. Hà không hình dung nổi ở vùng đất ấy, bóng đêm cùng với thần chết rình rập lên trên thân phận con người.

Chuyện ấy xảy ra đã lâu nhưng với Hà là một ám ảnh khôn nguôi, trước cái chết hãi hùng cha của người bạn cùng lớp. Ông chỉ sang sông để làm công tác bình dân học vụ, và vài hôm sau, người ta thấy ông nổi lên với cái xác cụt đầu. Hà không hiểu nổi sự hận thù nào có thể có được trong những công việc tốt đẹp như thế. Ðể rồi nhiều năm sau, tâm hồn cô bé đã bớt ngạc nhiên khi thỉnh thoảng nhìn thấy xác người trôi trên dòng sông, tấp vào phố chợ, những người sống ven bờ sông hãi hùng hàng mấy ngày không dám tắm tát, giặt giũ, bơi lội nữa.

oOo

Năm 75, lúc ấy Hà đã mười sáu tuổi. Ðáng lẽ là thời kỳ bắt đầu tuổi mộng mơ thì Hà đã già dặn hơn, chỉ vì là chị lớn trong nhà, trong lúc bố một sáng một chiều bỗng dưng trở thành người không chỗ đứng . Bố kể lại cái cảm giác kỳ lạ của bố những ngày sau chiến tranh, khi đất nước được lãnh đạo bởi những người anh hùng áo vải, chân đất. Sự suy nghĩ của họ thật đơn giản là đánh đổ những cái cũ, nhưng cái mới thì lại trống trải, do đó chẳng phải bố bị đưa đi tẩy não, mà cả những người trí thức cũng tự nhiên phải công nhận là mình chưa đủ trí tuệ. 

Căn nhà của bố mẹ nay đã cũ kỹ, hình như nó cũng buồn theo khi bố Hà từ giã vợ con lên đường ra Bắc. Chuyến về quê vẫn chỉ có một mình như chuyến vào Nam cũng chỉ có một mình, nhưng lần này bi thảm hơn. Chuyến đi thăm bố ở miền Bắc là lần cuối cùng Hà được gặp bố, bố dặn Hà thay bố về quê cũ tìm lại ông bà nội và các chú bác trong nhà. Ông bà nội đã mất, chỉ còn lại hai nấm mồ được xây bằng những tảng đá ong. Sau đó về Nam, mẹ quyết định cho Hà và hai đứa em kế theo chị đi vượt biên như lời bố dặn dò.

Khi bước chân ra đi, Hà không hề nghĩ có ngày mình sẽ trở lại quê nhà có một mình, sau chuyến vượt biên kinh hoàng bi thảm đó.

 Hà mất một lúc hai đứa em. Chuyến đò chuyển người lên tàu lớn để ra khơi bị rượt đuổi, giữa một đêm tối trời đã đụng vào ghềnh đá. Ðêm rất lạnh, con đò bị lật xuống bất ngờ, hai đứa nhỏ đang ngủ chìm nghỉm trong tấm chăn ướt không vùng vẫy ra được. Hà may mắn bám vào được chiếc thùng nước rỗng, giữa những người bị nạn lóp ngóp, lặn hụp giữa đợt sóng dữ và bóng tối, sau đó được dân trong vùng mang xuồng ra tiếp cứu, may mắn mới còn sống sót.

 Lúc bước thấp, bước cao trong bộ quần áo ướt sũng, theo đám người đồng cảnh hoạn nạn đêm ấy về trại giam, Hà chưa nghĩ nổi là mình đã mất hai đứa em, và không biết tại sao mình còn sống. Hai đứa em trai tuổi mới lớn, tính còn trẻ con, mỗi buổi chiều vẫn bơi lội bì bõm nơi dòng sông trước nhà, mới đó đã không còn. Những ngày trong tù, Hà vẫn hoảng loạn nghĩ là hai đứa đi chơi đâu, và mỗi bữa cơm, Hà lại thảng thốt gọi em về ăn cơm, trong nỗi thương cảm, đau sót của những người đồng cảnh ngộ.


Phải một thời gian lâu lắm Hà mới tạm quen sự vắng mặt của hai đứa em, khi một người bạn tù đã nghĩ ra cách nói dối là hai đứa đã được cho về với mẹ. Mãi mấy tháng sau khi được thả, mẹ đưa Hà đến nơi chôn cất hai thằng em trai, hai nấm mộ đất cắm hai mảnh gỗ mỏng, nằm trên một vồng đất ven con sông cái.

 Hai nấm mộ nằm bên nhau, cỏ mọc lún phún trong khu đất của một ngôi chùa miền quê, nơi ấy Hà còn thấy vài nấm mộ nữa. Tất cả là những nạn nhân xấu số mà người ta vớt được xác vài ngày sau cái đêm kinh hoàng đó. Một bên là vồng đất cao trồng rẫy, một bên là hàng dừa xanh lả bóng ven sông, tạo thành một khoảng bóng lớn che trên những nấm mộ đất đơn sơ. Hai đứa em nằm đó, hai thằng bé dễ thương vẫn chị chị em em hôm nào, nay chỉ còn là hai nấm mộ lặng lẽ nằm ven bờ sông, ngày ngày nghe tiếng sóng âm vang dội vào bờ cát.

Chưa thấy bến bờ tự do, gia đình Hà đã đánh đổi lấy một giá quá đắt cho hai chữ tự do, để cuối cùng lại quay về chốn cũ với bao nhiêu mất mát. 

Sau ít lâu, hai thằng nhỏ được gia đình bốc mộ đem tro cốt về quê. Hai cái hũ đựng hình hài được đem gửi trong một ngôi chùa gần nhà, cũng nằm ven dòng sông. Ðôi khi Hà nghĩ về thế giới bên kia, liên tưởng như hai đứa em vẫn ngày ngày bơi lội trên dòng sông, vẫn nhìn thấy những chuyến đò đưa khách từ bờ bên này sang bờ bên kia mỗi buổi chợ. Chắc hẳn những ngày sau đó, hai linh hồn thơ dại kia, mỗi ngày đã có tiếng kinh, tiếng mõ xoa dịu chút nào những mảnh hồn lạnh lẽo. Những ngày trước đó, không mấy đêm mà Hà không thấy hai đứa em trở về, lần nào cũng như lần nấy, hai đứa nhỏ người ướt sũng như vừa từ bến nước lên, lần nào chúng cũng than lạnh. Bao nhiêu lần trong giấc mộng, giữa đêm khuya, Hà hoảng hốt choàng dậy đi lấy quần áo cho em. Cũng ngay lúc ấy, Hà như nhìn thấy chập chờn hai chiếc bóng trắng, tan đi như sương, phả vào căn phòng một luồng hơi lạnh ngắt.



oOo
Sau này, Hà lại một lần nữa thử thời vận với biển khơi, chuyến đi thập phần sinh tử nhưng cuối cùng cũng đến được bến bờ tự do, năm ấy Hà đã hơn hai mươi tuổi. Bố Hà vẫn chưa về, chỉ có mẹ và đứa em nhỏ nhất ở nhà. Làm sao nghĩ nổi rằng hạnh phúc lại có thể mất đi một cách quá dễ dàng như thế, sự tan nát của một gia đình. Lớn lên , Hà chưa kịp yêu thì cuộc đời đã giáng xuống bao thảm cảnh, khiến mỗi lúc nhớ về dĩ vãng thì chỉ là những hình ảnh mơ hồ trong mênh mông cuộc đời. Con đường đến trường rợp lá me bay, hàng phượng vĩ ven sông in xuống đáy nước rung rinh màu hoa đỏ thắm. Chuyến đò đêm từ quê ngoại về thành phố, sông bao la lấp lánh ánh trăng vàng, hai ven bờ là những thôn xóm rải rác, cây lá mập mờ dưới bóng đêm, chiếc cầu sắt nằm vắt ngang dòng sông. Hà mang theo hình ảnh ấy vào tâm khảm khi có những tháng ngày sống một mình đằng đẵng chốn quê người. . .

Cuối cùng thì bố cũng trở về với mẹ, với căn nhà bên dòng sông mà lúc bố vào Nam đã nhận đấy là quê hương. Những lá thư của bố viết sang không hề than thở, nhưng nhìn dòng chữ yếu ớt run run của bố, Hà hình dung ra sự đổ vỡ của tâm hồn lẫn thể xác. Phải một thời gian khá lâu, Hà mới mang được bố mẹ và đứa em út sang Mỹ. Hai đứa em chết năm xưa bố mẹ vẫn để trong chùa, sang đến xứ người Hà thấy bố vẫn không vui hơn, hình như bố cứ u uẩn nỗi nhớ quê và bao điều không làm được.

oOo

Từ ngày xa quê hương, Hà không nghĩ là mình sẽ trở lại. Về với dòng sông nơi những năm tháng xa xưa, Hà có lúc đã đắm hồn theo những giọt mưa giăng giăng mịt mùng, khi bóng chiều đã ngả xuống mặt sông, có những chiếc xuồng lướt qua như đi về cõi hư vô. Mưa từ trời đổ xuống, nước từ dưới sông dâng lên hoà vào nhau một chút sầu vời vợi.


Vậy là Hà vẫn trở lại, về với dòng sông, thăm căn nhà xưa, thăm miền quê ngoại, và cũng là để mang cốt hai đứa em về với dòng sông như ý muốn của bố mẹ. Nếu một mai không ai còn trở về, hai đứa em cuối cùng cũng đã hoà tan vào dòng sông chốn quê nhà, như thân phận con người rồi cũng trở về với tro bụi.

 Chiếc tam bản buổi sáng hôm ấy chỉ có Hà với cô gái chèo thuyền có khuôn mặt thuần hậu, đó cũng là hình bóng Hà trong những năm tháng cũ. Nhìn dáng vẻ mảnh mai với đôi tay chèo của cô con gái miền lục tỉnh trong chiếc áo bà ba, Hà biết chắc muôn đời sẽ không bao giờ quên nổi hình bóng dòng sông quê hương trong tâm khảm.

 Ôm khư khư chiếc xách tay có đựng tro cốt của hai đứa em, nước mắt Hà giàn giụa khi nhớ đến ngày xưa, hai thằng em được chị đưa đi tìm tương lai nơi xứ người, có biết đâu lần ấy là lần cuối cùng biền biệt cõi thiên thu.

Hà tụng kinh nho nhỏ, chiếc xuồng cứ thế lướt êm trên dòng sông gờn gợn sóng, hướng về phía cù lao có rất nhiều vườn cây ăn trái. Giữa khoảng trời nước mênh mông ấy, Hà đã chọn là nơi êm đềm nhất để hai đứa em, một lần cuối cùng được an nghỉ nơi dòng sông quê mẹ. 

Khi đổ nốt nhúm tro tàn xuống lòng sông, nước mắt Hà cứ tuôn như mưa. Cô gái chèo xuồng cũng không dấu được đôi mắt đỏ, cái miệng xinh xinh cũng đang lâm râm niệm Phật.

Ôi! Những giọt nước mắt của kẻ tha hương một lần trở lại chốn quê nhà, đã rớt xuống làm mặn thêm cái mặn mà của dòng sông quê mẹ, nơi đã từng sinh ra, đã từng lớn lên, đã có biết bao kỷ niệm đầm ấm.

 Còn một ngày cuối cùng trên quê hương để ngày mai trở lại nước Mỹ, Hà tìm đến căn nhà xưa nơi Hà đã mở mắt chào đời, đã ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm một thời nay được bán lại cho người khác. Chiếc cổng sơn vàng vẫn rợp bóng cây bông giấy màu hồng tím, cây mận đỏ của mẹ trồng trước sân vẫn còn đó, tự nhiên Hà rưng rưng muốn khóc.

Ðứng nép vào bờ tường phía bên ngoài của căn nhà xưa, Hà dõi mắt nhìn theo đám trẻ con vẫn lội bì bõm dưới bến sông, bập bềnh từng mảng rác bẩn tấp vào mé cầu và giề lục bình hoa phớt tím lênh đênh trên sông chiều. 

Bóng chiều đã nhập nhoà in xuống dòng sông một mảng mây tím lúc hoàng hôn, cuộc sống dường như có quá nhiều thay đổi, nhưng dòng sông vẫn mãi mãi là dòng sông năm cũ. Bỗng trong một giây phút ngắn ngủi, Hà có cảm tưởng mình mơ ngủ, khi rõ ràng nhìn thấy hình ảnh hai đứa em lẫn trong đám trẻ con, đang vùng vẫy bơi lội dưới mé sông. Hai cái đầu hụp lên hụp xuống trong dòng nước, rồi tan đi như bong bóng.



Không có nhận xét nào: