Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :16/09/2023 - Duke Nguyen


Khủng hoảng di dân châu Âu: Đức quyết định tiếp nhận trở lại người di cư đến Ý Hai ngày sau khi tuyên bố đình chỉ thỏa thuận tiếp nhận người di cư, theo cơ chế ''đoàn kết tự nguyện'' của Liên Âu, Đức hôm qua, 15/09/2023, thông báo sẵn sàng tiếp nhận trở lại người di cư, tị nạn đến từ Ý.Di dân trên đảo Lampedusa của Ý, ngày 14/09/2023, chuẩn bị lên tàu đến thị trấn Porto Empedocle, Sicilia AFP - ALESSANDRO SERRANOTrọng Nghĩa Trả lời kênh truyền hình ARD Đức, bộ trưởng Nội Vụ Nancy Faeser, “Lý do chúng tôi phải tạm dừng thủ tục là Ý đã tỏ ra không muốn tiếp nhận di dân đúng đúng theo quy trình’’. Theo bộ trưởng Nội Vụ Đức, sự xuất hiện gần đây của hàng ngàn người di cư tại hòn đảo nhỏ Lampedusa của Ý có nghĩa là nước Đức cuối cùng sẽ tiếp tục chào đón những di dân mới.
<!>
Đảo Lampedusa bớt căng thẳng sau khi hàng ngàn di dân bắt đầu được sơ tán
Kể từ Thứ Hai 11/09/2023, đã có một con số kỷ lục 10.000 người di cư đến từ hai nước Bắc Phi Tunisia và Libya vượt Địa Trung Hải, cập bến đảo Lampedusa, miền nam nước Ý. Sự kiện này làm dấy lên một cuộc khủng hoảng nhập cư mới tại Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, trong những ngày qua, chính quyền Ý bắt đầu cho sơ tán cả nghìn người từ Lampedusa qua đảo Sicilia gần đó cũng như lên đất liền, giúp cho áp lực dần dần giảm xuống.

Dù tình hình bắt dầu bớt căng thẳng, nhưng Hội Chữ Thập Đỏ đang quản lý trung tâm tiếp đón người di cư trên đảo đã bị bão hòa, vẫn không lơ là cảnh giác như trong phóng sự sau đây của đặc phái viên RFI Blandine Hugonnet được cử đến Lampedusa:

“Chân đi dép, trong một bầu không khí cực kỳ huyên náo, hàng chục người đàn ông và một vài phụ nữ cố dẹp những đống rác thải vương vãi trên sân qua một bên để đặt những chiếc giường xếp bên trong cũng như bên ngoài khuôn viên trung tâm tiếp cư Lampedusa.

Số người còn lại ở đây lên đến 2000 người, vẫn vượt quá sức chứa của cơ sở, vốn chỉ có 400 chỗ trong một tòa nhà màu trắng nằm ở cuối một con đường kệt giữa hai ngọn đồi.

Con số 2000 người này thấp hơn rất nhiều so với đám đông kỷ lục trong những ngày gần đây, nhưng đối với bà Francesca Basile, lãnh đạo bộ phận quản lý người di cư của Hội Chữ Thập Đỏ Ý, đảm bảo việc chăm sóc cho mọi người vẫn là những thách thức hàng ngày.

Bà nói: “Chúng tôi đã thực hiện mọi thủ tục cần thiết cho những trường hợp khẩn cấp. Tình hình ở đây thực sự đặc biệt và nguy cấp. Ở đây, chúng tôi có khoảng một hội viên và tình nguyện viên để tiếp xúc với những người di cư đề nghị hỗ trợ họ”.

Thế nhưng làm sao quản lý được mọi thứ, khi có đến 7.000 người đổ bộ lên đảo trong vỏn vẹn 2 ngày, và với những chiếc thuyền và người di cư vẫn tiếp tục cập bến Lampedusa. Trong bối cảnh đó, nhiều người di cư đã phải lang thang tìm ăn trên các con đường của hòn đảo ...

Hàng trăm người đã đổ xô đến cửa nhà thờ vào giờ ăn trưa để tìm thứ gì đó để ăn. Chỉ riêng vào buổi ăn trưa qua, đã có 5.000 bữa ăn được chuẩn bị và phân phát.

Cư dân trên đảo đã lên tuyến đầu tham gia công việc cứu trợ, nhưng không trên khỏi bực tức vì có cảm giác đang phải sống lại những ngày tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng di cư những năm trước đây''.

Iran: Một năm sau cái chết của Mahsa Amini, chính quyền gia tăng trấn áp

Ngày 16/09/2023 là đúng một năm ngày thiếu nữ Mahsa Amini, 22 tuổi, gốc người Kurdistan qua đời trong khi bị giam giữ. Vụ việc đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong năm 2022. Gần đến ngày tưởng niệm một năm ngày mất của Mahsa Amini, nhiều nhà đấu tranh tố cáo chính quyền Teheran gia tăng trấn áp.


Ảnh minh hoạc : Sinh viên Đại học Delhi tổ chức tưởng niệm cô Mahsa Amini, New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/09/2022. REUTERS - ANUSHREE FADNAVIS
Minh Anh
AFP nhắc lại lời thuật từ gia đình cho biết Mahsa Amini đã chết vì bị đánh đập vào đầu trong thời gian giam giữ vì bị quy chụp là vị phạm luật trang phục Hồi giáo đối với phụ nữ. Cái chết của cô đã làm bùng nổ phong trào phản kháng quy tụ đông đảo phụ nữ tham gia, làm lung lay chế độ thần quyền.

Những cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài nhiều tháng trong năm 2022, bị trấn áp đẫm máu khiến gần 600 người thiệt mạng, trong đó có gần 70 trẻ em và 49 phụ nữ bị lực lượng an ninh bắn giết. Hơn 22 ngàn người bị bắt theo số liệu từ tổ chức Amnesty International. Trong số này, có 7 người đàn ông bị xử tử hình vì có liên quan đến biểu tình.

Gần sát đến ngày tưởng niệm một năm, chính quyền Teheran gia tăng đàn áp nhắm vào gia đình của những người bị giết chết trong các cuộc biểu tình. Theo tổ chức Human Rights Watch, trong tháng Tám vừa qua, thân nhân của khoảng ít nhất 36 người bị giết chết hay bị hành quyết trong các cuộc trấn áp năm 2022, đã bị thẩm vấn, bắt giữ, bị truy tố hay bị kết án tù nặng.

Về phần mình, chính quyền Teheran hôm nay cũng lên án phương Tây « đạo đức giả » khi ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào giới chức và truyền thông Iran hôm thứ Năm 14/9. Theo ghi nhận của Siavosh Ghazi, thông tín viên đài RFI tại Teheran, những trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây đang gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Lạm phát tăng đến 50% mỗi năm khiến cuộc sống của tầng lớp trung lưu Iran trở nên khó khăn hơn.

Ô tô điện: EU không ngại xung đột với Trung Quốc

Nhiều lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) vào hôm qua khẳng định rằng kinh tế EU có thể ''đứng vững trước bất kỳ hành vi trả đũa nào từ phía Trung Quốc'', sau khi Bắc Kinh cảnh báo rằng quan hệ thương mại song phương sẽ bị tổn hại với cuộc điều tra mà Bruxelles tung ra nhắm vào các hành động trợ giá ô tô điện của Trung Quốc.


Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tham dự Đối thoại Kinh tế và Tài chính Trung Quốc-Pháp, Bắc Kinh, ngày 29/07/2023. REUTERS - THOMAS PETER
Trọng Nghĩa
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nhiệt tình bảo vệ sức mạnh của EU khi bác bỏ các cáo buộc về chủ nghĩa bảo hộ. Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ Bloomberg TV tối hôm qua, 15/09/2023, ông Le Maire khẳng định: “Chúng tôi không phải sợ bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi là EU… Chúng tôi là một trong những lục địa kinh tế hùng mạnh nhất”.

Đức, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, tỏ ra lưỡng lự hơn trước các đe dọa từ Trung Quốc vì các thương hiệu lớn, nổi tiếng của Đức có mặt trên thị trường Trung Quốc nhiều hơn các nhà sản xuất Pháp. Về phía chính quyền, mặc dù Berlin có những lo ngại, nhưng bộ trưởng Tài Chính Đức Christian Lindner hôm qua vẫn ủng hộ cuộc điều tra của Liên Âu. Theo ông, “Thương mại thế giới dựa trên các quy tắc và tất nhiên chúng cũng áp dụng cho xe điện”.

Mọi việc bắt nguồn từ tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm 14/09 vừa qua, cho biết quyết định mở cuộc điều tra chống Trung Quốc trợ cấp cho ngành xe hơi chạy bằng điện, cáo buộc Bắc Kinh về việc giữ giá ô tô "thấp một cách giả tạo bằng các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước". Cuộc điều tra có thể dẫn đến việc Liên Hiệp Châu Âu bảo vệ các nhà sản xuất ô tô châu Âu bằng cách áp đặt mức thuế trừng phạt đối với ô tô, mà họ cho rằng được bán không công bằng với giá thấp hơn giá sản xuất thực. Cuộc điều tra được mở ra sau khi Pháp yêu cầu Bruxelles hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một ngày sau thông báo của bà von der Leyen, Bộ Thương Mại Trung Quốc đã tố cáo “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trắng trợn” của EU và cho biết các biện pháp này "sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU".

Trung Quốc “bất ngờ” điều tàu sân bay Sơn Đông trở lại Biển Đông

Trong một động thái bất thường, Trung Quốc đã cho nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông trở lại Biển Đông từ ngày hôm qua, 15/09/2023. Theo thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản, Bắc Kinh đồng thời điều năm trong số tám chiến hạm đã tiến vào Biển Philippines hôm thứ Hai (11/09) trở lại Biển Hoa Đông.


Chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong một đợt tập trận xung quanh đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc, ngày 19/04/2023. © AP - An Ni. Ảnh Tân Hoa Xã cung cấp.
Trọng Nghĩa
Trong bản thông cáo công bố hôm qua, Văn Phòng Ban Tham Mưu Liên Quân thuộc Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc, mang theo 40 chiến đấu cơ J-15 và 20 trực thăng Z-18 đã từ vùng Biển Philippines bắt đầu di chuyển về phía Biển Đông ngay từ Thứ Năm (14/09).

Nguồn tin trên không nêu chi tiết chiến hạm nào tháp tùng theo chiếc Sơn Đông vào Biển Đông, nhưng trong một thông cáo trước đó, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết là tàu sân bay Trung Quốc đi cùng với hai khu trục hạm Quế Lâm (Guilin) - 164 và Trường Sa (Changsha) - 173, hai hộ tống hạm Hàm Ninh (Xianning) - 500 và Hứa Xương (Xuchang) - 536, cùng với tàu tiếp liệu Tra Can Hồ (Chaganhu) - 905.

Theo trang mạng Mỹ USNI, sự kiện nhóm tàu sân bay Trung Quốc sớm rời khu vực Biển Philippines gần đảo Guam và Nhật Bản để trở lại Biển Đông khá bất thường. Vào tháng 4 vừa qua, tàu sân bay này cũng đến vùng Biển Philippines, nhưng hoạt động ở đó tổng cộng 19 ngày. Lần này, chiếc Sơn Đông tiến vào Biển Philippines hôm thứ Hai (11/09) và đã rời đi hôm thứ Sáu (15/09) để vào Biển Đông.

Theo USNI, một trong những lý do khiến cuộc tập huấn của Hải Quân Trung Quốc tại vùng Biển Philippines bị rút ngắn hay hủy bỏ là tình hình liên quan đến bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đã không xuất hiện công khai từ hai tuần lễ nay.

Trong những ngày qua, truyền thông Anh-Mỹ như báo The Wall Street Journal và Financial Times hay hãng tin Anh Reuters, đều nhắc đến khả năng ông Lý Thượng Phúc bị điều tra về tội tham nhũng.

Sự kiện tàu sân bay Trung Quốc sớm trở lại Biển Đông cũng diễn ra hai ngày trước một cuộc tập trận hỗn hợp hải-lục-không quân của khối ASEAN, được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 09 ở khu vực đảo Batam (Indonesia) ở phía đông eo biển Malacca.

Với tư cách là một khối, ASEAN trước đây đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên mở ra một cuộc tập trận chỉ bao gồm các thành viên của Hiệp Hội Đông Nam Á.

Kim Jong Un tham quan căn cứ oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược của Nga

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay, 16/09/2023, được bộ trưởng Quốc Phòng Nga tiếp đón tại Vladivostok, Viễn Đông nước Nga. Đến thăm sân bay Knevichi và hạm đội Thái Bình Dương, ông Kim Jong Un tỏ ra quan tâm đến các chiếc oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược, tên lửa siêu thanh và các chiến hạm của Nga.


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (G) thăm sân bay Knevichi gần Vladivostok, ngày 16/09/2023. © AP - Hình từ video do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp.
Minh Anh
Theo Reuters, tại căn cứ không quân Knevichi, cách thành phố Vladivostok tầm 50 km, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu đã giới thiệu với lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhiều loại máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-160, Tu-95 và Tu-22M3, có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Shoigu, các oanh tạc cơ « có thể bay từ Matxcơva đến Nhật Bản và trở về » này là rường cột của sức mạnh tấn công hạt nhân của không quân Nga.

Tại căn cứ không quân Knevichi, ông Kim còn được xem một chiến đấu cơ đánh chặn MiG-31I, được trang bị tên lửa siêu thanh « Kinzhal », có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hay thông thường, có tầm bắn từ 1.500-2.000 km, và có thể di chuyển với một vận tốc nhanh gấp 10 lần âm thanh (tức khoảng 12.000 km/h).

Cũng theo hãng tin Anh, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đến tham quan tầu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tại Vladivostok và xem một màn trình diễn của hải quân Nga.

Chuyến thị sát này của ông Kim diễn ra một ngày sau chuyến thăm nhà máy Yuri Gagarin, nơi sản xuất các chiến đấu cơ Sukhoi của Nga. Các hình ảnh do Russia’s Cabinet công bố được AP dẫn lại cho thấy lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang quan sát một chiếc Su-57 và xem các màn trình diễn của Su-35.

Trước nguy cơ Nga và Bắc Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự, Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng Bắc Triều Tiên được tiếp cận nhiều công nghệ nhậy cảm của Nga. Reuters lưu ý là Matxcơva không tiếc công sức loan báo rộng rãi thông tin về chuyến thăm của Kim Jong-Un, liên tục đánh tiếng về triển vọng hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng, « trong cuộc chiến sinh tồn với phương Tây về Ukraina, việc ông Putin ve vãn lãnh đạo họ Kim còn nhằm mục đích cài bẫy Washington và các đồng minh châu Á trong khi vẫn bảo đảm được nguồn cung cấp đạn pháo cho cuộc chiến ở Ukraina ».

Không có nhận xét nào: