Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

TIN 08/09/2023 - Long Đỗ

Tổng thống Mỹ Biden đề ra những ưu tiên trước thượng đỉnh G20
Thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (gồm 19 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu) sẽ khai mạc tại Ấn Độ ngày mai, 09/09/2023. Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự thượng đỉnh và cũng không có bài phát biểu trực tuyến như năm ngoái. Còn Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Auburn, bang Maine, Hoa Kỳ, ngày 28/07/2023. © AFP / BRENDAN SMIALOWSKI Minh Anh
<!>
Thông báo này của Bắc Kinh khiến tổng thống Mỹ Joe Biden thất vọng. Dù vậy, trước khi lên đường đến Ấn Độ, nguyên thủ Mỹ cho biết một số ưu tiên của Mỹ trong kỳ họp này.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tường thuật :

« Điều trước tiên mà tổng thống Mỹ thể hiện trước khi đi dự G20 là nỗi thất vọng. Ông thất vọng vì không thể gặp trực tiếp nhân vật số một Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ không đến dự cuộc họp. Như vậy, sẽ không có một cuộc gặp giống như năm ngoái ở Bali và như vậy, bớt đi một cơ hội để cố gắng làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc tổng thống Vladimir Putin vắng mặt 2 năm liên tiếp, đối với ông Biden, là một cơ hội để trình bày mô hình của ông trước các nước dự thượng đỉnh. Các cố vấn của ông giải thích rằng tổng thống tin tưởng vào cơ chế của G20, dù rằng nhiều tác nhân quan trọng đang xa lánh nhóm này và hiện giờ thì không chắc là thượng đỉnh sẽ ra được một thông cáo chung.

Tổng thống Mỹ muốn tán dương Bidenomics, tức là chính sách kinh tế của ông và nhấn mạnh đến phương pháp đầu tư của ông vào cơ sở hạ tầng và tập trung vào các thách thức về khí hậu và công nghệ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ ủng hộ cải tổ Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Điều này sẽ được bắt đầu từ nước chủ nhà Ấn Độ. Một cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Narendra Modi dự trù diễn ra trước thượng đỉnh. Nhà Trắng cũng vui mừng chào đón Liên Hiệp Châu Phi lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức của nhóm. »

Trước thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ Biden gặp thủ tướng Ấn Độ Modi

Chưa đầy 3 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước ở Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 08/09/2023, đến New Delhi. 
Trước khi thượng đỉnh G20 khai mạc ngày mai 09/09, theo dự kiến, hôm nay hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn có cuộc gặp trực tiếp tại phủ thủ tướng ở New Delhi.


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hội đàm tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/06/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN
Thùy Dương
AP nhắc lại là tổng thống Mỹ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ, và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có tư tưởng dân tộc Hindu bảo thủ, hầu như không có điểm chung về hệ tư tưởng, nhưng cả hai nhà lãnh đạo ngày càng xích lại gần nhau do các hoạt động quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Kể từ năm 2021, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có hơn chục cuộc gặp, trực tiếp hoặc trực tuyến, để thắt chặt quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trong bối cảnh có những mối lo ngại lớn chung.

Nhà Trắng rất kín tiếng về những thông báo quan trọng có thể sẽ được đưa ra trong cuộc đàm phán mới nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn. Nhưng chính quyền Biden dường như muốn tiếp tục bước tiến đã đạt được từ chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 06/2023 của thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ, trong các lĩnh vực khí hậu, y tế, không gian và một số dự án lớn trong khu vực tư nhân.

AP nhận định cuộc họp hôm nay của tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như khó có thể mang lại nhiều thỏa thuận quan trọng. Tuy nhiên, theo Richard Rossow, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, thủ tướng Ấn Độ Modi muốn chính quyền Biden tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương khi Washington điều chỉnh lại chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.

Nhà Trắng đã tìm cách làm giảm mức độ khác biệt trong quan điểm của Biden và Modi về chiến tranh Ukraina. Còn Ấn Độ hiện có mối lo ngại về an ninh do « Mỹ tập trung quá mức vào Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông và các đảo Thái Bình Dương, nên không chú ý đủ nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương », theo chuyên gia Rossow.

Kiev thông báo đã dùng cảng Croatia để xuất khẩu ngũ cốc Ukraina
Phó thủ tướng Ukraina kiêm bộ trưởng Kinh Tế Ioulia Svyrydenko, vừa thông báo ngũ cốc Ukraina đã được xuất khẩu từ các cảng của Croatia.


Ảnh minh họa : Dòng xe tải vận chuyển ngũ cốc dài 4 km đang xếp hàng vào kho ngũ cốc ở cảng Constanta, Rumani, ngày 31/07/2023. AFP - IONUT IORDACHESCU
Thùy Dương
Báo Pháp Le Monde, hôm nay 08/09/2023, cho biết thông báo của phó thủ tướng Ukraina Svyrydenko được đưa ra tại cuộc họp cấp cao Sáng kiến Ba Biển tại Bucarest, Rumani, với sự tham gia của đại diện 12 nước thành viên Liên Âu nằm ở khu vực giữa Biển Baltic, Biển Đen và Biển Adriatic, và các đối tác. Tuy nhiên, phó thủ tướng Ukraina Svyrydenkokhông cho biết đã có bao nhiêu ngũ cốc của Ukraina được xuất khẩu qua các cảng của Croatia.

Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua ngả Biển Đen vào tháng 07/2023, các cảng của Ukraina ở vùng biển này bị phong tỏa, Kiev đã tích cực tìm kiếm các giải pháp mở rộng các tuyến chuyên chở ngũ cốc để xuất khẩu lương thực an toàn. Reuters nhắc lại là hồi tháng 07/2023, trong chuyến thăm Zagreb, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cho biết Ukraina và Croatia đã đồng ý về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và Biển Adriatic để xuất khẩu ngũ cốc Ukraina.

Trong khi đó, đại sứ Ukraina tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vasyl Bodnar, cho biết Kiev đã đề nghị Ankara khai thác một “hành lang ngũ cốc” ở Biển Đen mà không có sự tham gia của Nga. Hôm 04/09, cuộc gặp của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã không mang lại kết quả tích cực như Ankara trông đợi : Ông Putin vẫn kiên quyết chỉ khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina với điều kiện phương Tây đáp ứng các yêu cầu của Matxcơva về xuất khẩu nông sản Nga.

Về phía Liên Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, hôm qua 07/09, xem việc Nga phong tỏa và tấn công các cảng Ukraina sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là “quá đáng” và đề nghị Nga chấm dứt việc này để các tàu chở ngũ cốc được di chuyển an toàn ở Biển Đen.

Mỹ viện trợ thêm 600 triệu đô la cho Ukraina

Theo hãng tin AFP, hôm qua 07/09/2023, Lầu Năm Góc thông báo một khoản viện trợ mới trị giá 600 triệu đôla cho Ukraina, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn và các loại đạn dược khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của Ukraina trên chiến trường và thể hiện sự hỗ trợ không ngừng của Mỹ.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Kiev, Ukraina, ngày 06/09/2023. AP - Brendan Smialowski
Thanh Hiếu
Khoản viện trợ mới được công bố tiếp theo sau chương trình viện trợ 1 tỷ đôla đã được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố hôm qua trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraina. Tuy nhiên, viện trợ mới sẽ không được triển khai ngay lập tức vì nó thuộc Chương trình Hỗ trợ An ninh cho Ukraina. Washington sẽ mua thiết bị và vũ khí mới từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hoặc từ các đối tác, thay vì lấy trực tiếp từ kho vũ khí của mình.

Hoa Kỳ vẫn đứng đầu liên minh quốc tế yểm trợ Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga và đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng hơn 43 tỷ đô la cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 02/2022.

Trong khi đó, Bỉ vừa thông báo quyết định không giao chiến đấu cơ F-16 cho Kiev như đã hứa, vì các máy bay của họ đã quá cũ để có thể được chuyển giao cho Ukraina.

Bỉ nằm trong liên minh 11 quốc gia châu Âu tham gia huấn luyện các phi công Ukraina lái những máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ. Nhưng một đại diện của bộ Quốc Phòng Bỉ cho biết : « Chúng tôi rất muốn làm điều đó, nhưng chiến đấu cơ của chúng tôi đã bay quá nhiều giờ, và chúng tôi không thể gửi các máy bay đó đến Ukraina khi chính chúng tôi không thể sử dụng được nữa.»

Bắc Triều Tiên hạ thủy "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật" đầu tiên

Theo hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 08/09/2023, Bình Nhưỡng vừa hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên, mang tên « Anh hùng Kim Gun Ok », có khả năng tấn công hạt nhân dưới nước. Đây là một bước mới của Bắc Triều Tiên nhằm tăng cường lực lượng hải quân của nước này.


Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự buổi lễ hạ thủy tàu ngầm “Anh hùng Kim Gun Ok” tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, ngày 06/09/2023. AFP - STR
Trần Công
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

"Tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên, mang số 841 đã được hạ thủy vào ngày 06/09/2023, với sự hiện diện của chủ tịch Kim Jong Un và các quan chức quân sự của Bắc Triều Tiên. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) viết : “Chúng tôi đã chế tạo một tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật và tặng nó như là một món quà cho mẹ và quê hương của chúng tôi, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập”.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới mà Bắc Triều Tiên chế tạo được cho là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Romeo (3.000 tấn). Những hình ảnh được truyền thông Bắc Triều Tiên công bố cho thấy tàu được trang bị ống phóng có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM).

Các nguồn tin cho rằng tàu ngầm này sẽ có khả năng phóng ngư lôi hạt nhân cùng với các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong buổi lễ hạ thủy tàu ngầm, chủ tịch Kim Jong Un cho biết Bình Nhưỡng sẽ chuyển đổi các tàu ngầm cỡ trung bình thành tàu ngầm tấn công có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, và đề xuất tăng cường lực lượng hải quân bằng cách bổ sung cho đầy đủ và cải thiện kho vũ khí của binh chủng này."

Microsoft hôm qua, 07/09/2023, cho biết Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong thời gian qua đã sử dụng những bức ảnh được tạo bằng trí thông minh nhân tạo để lừa cử tri Mỹ, khiến họ chống đối lẫn nhau, nhất là về các vấn đề gây chia rẽ về chính trị, như bạo lực súng đạn, bôi nhọ các nhân vật và các biểu tượng chính trị của Hoa Kỳ.

Pháp : Nắng nóng kỷ lục trong tháng 9

Tuần này, nước Pháp lại phải hứng chịu đợt nắng nóng cao độ chưa từng có vào thời điểm tháng 9. Cơ quan khí tượng Pháp Météo France đặt mức báo động cam về nắng nóng (màu đỏ là cao nhất) đối với 14 tỉnh từ trưa hôm nay08/09/2023.


Ảnh minh họa : Một người đàn ông cởi trần ở đài phun nước Trocadéro, đằng trước tháp Eiffel, Paris, Pháp, ngày 07/09/2023. AP - Thomas Padilla
Thùy Dương
Tính từ năm 2004, đây là lần đầu tiên tại Pháp tình trạng nắng nóng cấp độ màu cam được ghi nhận trong tháng 9 tại 14 tỉnh của hai vùng Ile-de-France (Paris và phụ cận) và Centre-Val de Loire. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 36-37 độ C. 37 tỉnh khác được đặt ở mức báo động vàng về nắng nóng.

Riêng tại Paris, từ hôm thứ Tư 06/09, nắng nóng góp phần gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. AFP nhắc lại là nhiệt độ cực cao và ánh nắng mặt trời, kết hợp với khí thải từ các loại xe cơ giới và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tạo ra khí ozone. Ở độ cao thấp, đây là loại khí độc hại gây ra các vấn đề hô hấp và cơn hen suyễn. Chính quyền thành phố Paris từ hôm thứ Tư đã triển khai các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm phí thải.

Tối hôm nay, trận khai mạc Cúp bóng bầu dục thế giới sẽ phải diễn ra tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, trong cái nóng 28 độ C và không khí ô nhiễm sau cả tuần Paris nóng trên 30 độ C.

Trong khi đó, tuần này, Hy Lạp lại hứng chịu những trận mưa như trút, cũng được ghi nhận là ở mức « chưa từng có » từ nhiều thập kỷ nay. Lũ lụt đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, theo tổng kết mới nhất.

Không có nhận xét nào: