Nếu người chiến binh TQLC Hoa Kỳ hãnh diện vì những chiến thắng mà họ đã đạt được trong quá khứ tại Belleau Wood, Iwo Jima, Inchon,... thì hiện tại, bất cứ người lính TQLC Việt Nam nghèo khổ nào của chúng ta cũng đều có quyền hãnh diện khi tạo được một chiến thắng vàng son nhất, lẫy lừng nhất ở Quảng Trị ngày 16 tháng 9, năm 1972. Chiến thắng của TQLC tại thành phố này vĩ đại quá, vượt hoàn toàn tầm mức của những chiến thắng từ trước đến nay tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Chắc chắn không có một ngòi bút nào dù tinh tường và tài ba đến đâu có thể lột tả hết những vẻ vang của chiến trận này.
<!>
TQLC đã chiến đấu dũng cảm, phi thường với sức chịu đựng gian khổ vô bờ bến trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt để hoàn thành mục tiêu to lớn của quân đội, của quốc gia và có lẽ của cả thế giới tự do nữa: chiếm hoàn toàn thị xã Quảng Trị vào lúc 12 giờ ngày 16 tháng 9, 1972.
Với chiến thắng đó, người lính TQLC của miền Nam đã khiến cho tướng Võ Nguyên Giáp phải bật khóc và những huyền thoại bao quanh ông ta đã tan thành mây thành khói. Bây giờ, ông là một bại tướng còn thê thảm hơn bại tướng De Castries của Pháp quốc ngày nào ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nhưng nhắc đến điều ấy làm gì ở đây cho tốn giấy mực, chỉ biết rằng canh bạc cuối cùng của Hà Nội vung ra trên chiếu đã cháy, cháy tan ra tro bụi như những xóm làng, nhà cửa của dân chúng Quảng Trị: 5 Sư đoàn chính quy CSBV đã bị TQLC đánh tan.
Đây là một trận chiến làm thay đổi hẳn bản chất chiến tranh Việt Nam đã kéo dài quá lâu trên phần đất khốn khổ này. Chiến trường rộng quá, oai hùng quá và có nhiều chi tiết quá, cần phải có nhiều cây bút mới có thể ghi lại hết được. Người viết chỉ với cố gắng cá nhân ghi lại một cách tóm lược những nét hào hùng của các đơn vị TQLC đã tham dự trận đánh để kịp lên khuôn số báo 1 tháng 10, 1972.
1. Chiếc bánh trung thu xẻ đôi
Cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị được xây dựng từ thế kỷ 19. Có lẽ khi xây thành này, các kiến trúc sư của nhà Nguyễn đã nghĩ đến hình ảnh một cái bánh Trung Thu vuông vức. Tuy nhiên, những người lính TQLC khi tiến đánh chiếm chiếc bánh Trung Thu này chưa hề nếm qua mùi vị của mùa bánh Trung Thu năm ấy.
Kể từ ngày tiếp nhận khu vực hoạt động chung quanh thị xã Quảng Trị do Sư Đoàn Nhảy Dù bàn giao lại, Lữ Đoàn 258/TQLC của đại bàng Đồ Sơn (Đại Tá Ngô Văn Định, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC) đã tiến đánh gay go, chiếm từng tấc đất trên một chiến trường kinh khiếp nhất. Ba mặt tấn kích, từ ngã ba Long Hưng tiến lên theo hướng Đông Bắc, từ bệnh viện Quảng Trị đến “Vòng Đai Xanh,” và từ phía Bắc, từ nhà thờ Tri Bưu sang đường Lê Văn Duyệt đến sát Cổ Thành. Chiến trường kéo dài giữa những cơn mưa pháo ngất trời suốt ngày đêm của địch cho đến ngày 9 tháng 9, 1972, giai đoạn “dứt điểm” bắt đầu cho một chiến thắng vinh quang trong quân sử TQLC được hoàn tất 7 ngày sau đó.
Đại bàng Lạng Sơn (Tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh TQLC) ra lệnh cho Đồ Sơn và Bắc Ninh (Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 147/TQLC) phải “tapi” trong trận đánh này. Thế là chiếc bánh Trung Thu (Cổ Thành Quảng Trị) được xẻ làm đôi. Nửa phía Nam của chiếc bánh thuộc Lữ Đoàn 258/TQLC với các Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 6/TQLC chịu trách nhiệm. Còn nửa phía Bắc thuộc Lữ Đoàn 147/TQLC với các Tiểu Đoàn 3, Tiểu Đoàn 7 và Tiểu Đoàn 8/TQLC. Nỗ lực chính để tiến đánh “biểu tượng lịch sử và chính trị” này là Tiểu Đoàn 6/TQLC ở phía Nam và Tiểu Đoàn 3/TQLC ở phía Bắc.
2. Một cuộc thăm dò
Lữ Đoàn 258/TQLC quyết định tung Tiểu Đoàn 6/TQLC của Thái Dương (Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, tiểu đoàn trưởng TĐ6/TQLC) làm nỗ lực chính để thanh toán nửa Cổ Thành phía Nam. Chỉ có nửa cái bánh thôi, nhưng bánh dai quá, dai như người đàn bà góa bụa lâu ngày. Bánh có đủ loại vũ khí AK, CKC, B40, B41, đại pháo 130 ly, 82 ly không giật, hỏa tiễn và cả tăng yểm trợ.
Thái Dương ngồi trong hầm chỉ huy sát trụ sở xã Hải Trí, sau nhiều đêm thức trắng, tính toán kế hoạch quyết ăn cái bánh cho kịp mùa Trung Thu này. Nhất định phải thăm dò xem trong ruột bánh còn có những gì nữa. Nghĩ là làm ngay. Đêm 23 tháng 8, một toán 6 người do chàng ca sĩ tân cổ giao duyên Tôn Tẩn (Trung Sĩ Trịnh Thành Tẩn) chỉ huy được Thái Dương giao nhiệm vụ thám sát góc Đông Nam Cổ Thành. Thái Dương đi một đường dặn dò Tôn Tẩn:
-Thám sát thôi, không được nổ súng nghe. Nhớ chưa? Tôi nhắc lại đây chỉ là một cuộc thám sát thăm dò tình hình địch chứ không phải là cuộc đột kích tiêu diệt địch.
-Dạ, tôi nhớ kỹ rồi.
Tôn Tẩn dạ một tiếng và ra đi. Tôn Tẩn không cưỡi trâu, không biết phép tàng hình nhưng Toán Thám Sát của Tôn Tẩn nhanh hơn những con sóc, ẩn hiện như những bóng ma, len lỏi qua những ổ chốt của địch, vượt rào, chui kẽm gai đến 21 giờ đêm thì Tôn Tẩn dẫn Toán Thám Sát trở về an toàn và báo cáo:
-Tại góc Đông Nam Cổ Thành có hai cách vào. Một cách thì chui lỗ chó, lỗ chó này do bom đục từ trước. Cách khác thì leo lên Cổ Thành đã bị sụp một mảng lớn cách lỗ chó khoảng 20 thước. Tụi nó ngồi trong hầm, thắp đèn nói chuyện suốt đêm. Chúng gác kép, đổi vào giờ lẻ và đi dưới giao thông hào.
Thái Dương ngồi nghe im lặng, lông mày nhíu lại. Đầu dây mối nhợ là đây. Được rồi, cứ để đó. Tất cả trông cậy vào mình ta. 10 năm có mặt trên khắp chiến trường, bây giờ là giây phút quyết định. Trước hết, ta phải thanh toán cho xong cái “vành đai xanh” cái đã.
Tài, đại đội trưởng Đại Đội 4, xung phong nhận lãnh nhiệm vụ này. Tài “ủi bãi” từ trường Nguyễn Hoàng xuống phía Nam rồi ngược lên phía Bắc hoàn tất công tác lẹ làng. Tài được coi như “công và thủ” vững vàng nhất. Xong rồi, bám chặt ở đó, “clear” vòng ngoài cho sạch cái đã. Sau đó, lại còn phải đặt chốt ở MACV nữa mới chắc ăn.
3. Lập một đầu cầu
Kế hoạch dứt điểm Cổ Thành Quảng Trị bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 9 tháng 9, 1972. “Song Cửu” mà, hai con số 9 thì nhất định phải tốt thôi. Chàng Hương Giang (Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1/TQLC) của đơn vị Quái Điểu xua quân ủi từ bệnh viện Quảng Trị lên chiếm Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Chốt địch tử thủ ở đây cứng ngắc, cứng hơn sắt, từ nhiều ngày qua đã gây khó khăn không ít cho Mãnh Hổ ở thời gian trước. Nhưng bây giờ sắt gặp phải kim cương cứng nhất trần gian, chốt đành phải bung ra. Quái Điểu nuốt trọn Ty Cảnh sát Quốc Gia trong khi Trâu Điên (Tiểu Đoàn 2/TQLC) vung cặp sừng nhọn hoắc nhảy vào “vòng đai xanh” thay thế cho “Đồ Sơn con” (Đại Úy Định, đại đội trưởng/Đại Đội 3/TĐ6/TQLC) để từ đó húc vào nhà thờ lớn Quảng Trị và trường Trung Học Phước Môn Teresa. Dấu vết câu chuyện tình “Love Story” bây giờ chỉ còn lại ngôi nhà lầu hai tầng đổ nát.
Liễn và Thọ ủi khu vực này nhanh quá, tuyệt vời quá! Khi Trâu Điên nổi điên lên thì phải biết, đất đá cũng không còn. 15 chiếc tăng T.54 ở làng Thanh Lê kia mà còn chưa thấm vào đâu sá chi cái lũ chốt chết đói này. Sau khi giao “vòng đai xanh” cho Trâu Điên, “Đồ Sơn con” nhận lãnh một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: xâm nhập và đánh chiếm Cổ Thành. Một là ta còn sống, bắt cái mai bạc chuyến này, Đệ Ngũ Bảo Quốc có rồi, hai là ta nằm xuống, cũng là cố Thiếu Tá nhưng cái màn gắn lon trong tư thế nằm đó, ta chẳng bao giờ ham. Nhất định ta phải hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Đồ Sơn con cương quyết như thế.
Đêm 9 tháng 9, 1972, toán thiết lập đầu cầu tại góc Đông Nam Cổ Thành là 6 quân nhân thuộc Đại Đội 4/TĐ6 gồm các anh: Trung Sĩ Trình, B1 Tải, B2 Sơn, B2 Tâm, B2 Châu và B2 Chương. Trình chỉ huy toán này. trung sĩ mà, một hạ sĩ quan bảnh nhất của Đại Đội 4. Chỉ có 6 người thôi, 6 người đi tiên phuông cho một chiến thắng lịch sử. Chiếc máy C.25 mang theo được cho vào hệ thống của Đại Đội do Đồ Sơn con chỉ huy luôn.
Cơn bão Flossie còn dai dẳng và làm trời tối nhanh hơn. Dưới hào, sát bờ tường Cổ Thành, nước dâng cao. Toán thiết lập đầu cầu bò đi như những con rắn. Đêm đen quá, chả trông thấy gì hết. Không thấy càng tốt, cứ bò, bò nghiêng, bò ngửa và bò sấp. Hào nước đen ngòm ở trước mặt, góc Cổ Thành lờ mờ trong bóng đêm. Lặn hay lội qua? Trình lưỡng lự một giây. Thôi, lặn cho chắc ăn. Trình mừng thầm trong bụng. Lỗ chó đây rồi. Ở phía sau, cách đó 50 mét, hai trung đội của Đại Đội 3 đã sẵn sàng. Thật lẹ, Trình chui đầu tiên vào lỗ chó ở góc thành. Lần lượt 5 người kia trong toán của Trình cũng chui vào theo. Trong vòng 20 giây, hàng loạt AK và B.40 nỗ ầm ầm. Trình và Tải chết ngay tại giao thông hào khi vừa lọt vào phía trong nội thành. B2 Châu và B2 Chương bị thương, chỉ còn B2 Sơn và B2 Tâm. Sơn chụp chiếc máy C.25 báo cáo về cho Đồ Sơn con:
-Vào được rồi nhưng 2 chết, 2 bị thương.
-Bám chặt, sẽ tiếp tay ngay.
Trình và Tải bị Việt Cộng lôi xác kéo vào trong. ĐM, chúng mày muốn cái gì, chơi cha hay sao mà kéo xác bạn bè ta? Sơn chửi thầm một câu và bình tĩnh giữ chặt lỗ chó. Sơn thấy thời gian chờ đợi tiếp viện thật dài. Súng địch nổ sát bên tai nghe nhức óc. Sống chết có số, Sơn quyết bám chặt lỗ chó như con hào bám cứng chân đê. Tao mà bám ở đây, bạn bè tao lên xong thì bọn mày chết hết. Sơn thì thầm một mình.
4. Một láng cuối cùng
Ở phái sau, từ khi nghe B2 Sơn báo cáo, Đồ Sơn con xua gấp hai chàng Thiếu Úy Khen và Đạo dẫn hai trung đội vượt qua hào nước tiến vào lỗ chó và leo qua bờ thành. Địch phản ứng dữ dội. Bao nhiêu hỏa lực chúng đều dồn về mặt này. Bất chấp, Thần Ưng (danh hiệu của TĐ6) điên người lên rồi, Đạo và Khen dẫn quân xâm nhập vào trong nội thành. Bắc quân đâu có ngờ rằng đánh đêm cũng là “nghề” của chàng, những chàng Cọp Biển gan lì trong những người lính gan lì trên thế giới. Và trận chiến hãi hùng nhất, kinh khiếp nhất xảy ra trong đêm từ 20 giờ 30 đến 7 giờ sáng hôm sau giữa Cộng quân và hai trung đội của Tiểu Đoàn 6/TQLC.
Thiếu Úy Khen đã bị thương cùng 9 người khác và 9 người hy sinh. Đó là cái giá mà Đại Đội 3/TĐ6/TQLC phải trả trong đêm 9 tháng 9 để đổi lấy 100 thước vuông đất tại góc Đông Nam Cổ Thành. Đất đắt giá quá, đất được cấu tạo bởi xương máu của các anh chiến sĩ Thần Ưng dũng cảm. Đất ở đây quý hơn đất trên cung trăng. Còn lại một trung đội bám chặt ở đó, có Trời xuống gọi cũng không nhả ra sá gì lựu đạn, đại pháo 130 ly và CKC bắn tỉa. Ai ở đâu ở đó, không thể nào tải thương được. Tải thương làm sao được ở giờ phút ấy. Thái Dương tuy có đau lòng nhưng vẫn phải quyết định tàn nhẫn hơn. Đêm 10 tháng 9, toàn bộ đại đội phải vào theo. Xâm nhập theo vết dầu loang và theo cái lối “đeo kính râm” (đánh đêm).
Thái Dương và Sông Hương theo dõi từng giây phút một các đứa con trong trận đánh để đời này. Lâu lắm rồi, chàng ta không tài nào ngủ được, bây giờ tựa lưng vào hầm thở phào một phát. Coi như xong được 60% công tác.
- Đẽo từng hố một nghe. Chạm chốt nào thì đẽo ngay chốt đó. Đẽo hết.
Sông Hương nói máy, mặt lạnh như tiền. Chốt gan lì quá, chỉ có 3 thước thôi. 3 thước thì đẽo theo 3 thước, 1 thước thì đẽo bằng lưỡi lê. Quy luật đã quá rõ ràng. Đánh xong trận này để lừng danh một thủa.
Đêm 13 tháng 9, Tài điều động Đại Đội 4 tiếp tục xâm nhập vào được hết trong Cổ Thành. Thái Dương thở ra một hơi dài nhưng rồi khựng lại, chỉ thở được có nửa hơi thôi. Cổng Nam và cổng Tây của Cổ Thành còn sờ sờ ra đó, chưa thanh toán xong thì chưa thể nào thở thoải mái được. Láng bạc cuối cùng được tung ra.
Ngày 14 tháng 9, Thái Dương tung đại đội của Trung Úy Đức đánh cổng chính Nam Cổ Thành. Trước đó, Liễn của Trâu Điên cũng đã đánh bật được chốt ra khỏi trường Phước Môn Teresa rồi. Sừng Trâu Điên mài kỹ quá nên Cộng quân đành đội nón cối từ giã mái trường đi về ngủ với Bác và Đảng của chúng. Thế là bên hông trái đỡ lo, suốt ngày 14 tháng 9, Đại Đội 2 đã diệt lần diệt mòn các toán chốt địch để tiến lên cửa Nam.
-Đem mụ đàn bá góa (chiến xa M.48) thổi ngay vào cái hầm kia.
Một người lính Thần Ưng bật cười khan. ĐM, đàn bà góa đái hay thật. Đái đâu cháy đó. Đái bằng máy điện tử mà không “khai,” không chính xác sao được. Rồi M.113 phun lửa tiếp tục nhào lên. Cả bờ thành phía Nam khói lửa ngất trời. Đến 16 giờ 15 trong ngày, một trung đội của Đại Đội 2 đã bám xong bờ phía Nam, diệt từng hầm, từng hố một. Suốt đêm hôm ấy, Đại Đội 2 đã chiếm trọn góc Tây Nam Cổ Thành.
5. Khi Sơn Dương trở về mái nhà xưa
Mặt trận ở phía Nam Cổ Thành thế là coi như đã xong được 80% rồi. Đại Bàng Đồ Sơn của Lữ Đoàn 258/TQLC chỉ mừng thầm trong bụng thôi. Mặc dù không nói ra nhưng ông đã nắm chắc phần thắng trong tay. Ngược lại, bên Lữ Đoàn 147/TQLC hai Đại Bàng Bắc Ninh và Phúc Yên (Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Đoàn Phó) lòng nóng như lửa đốt. Nóng nhất vẫn là anh Năm Robert lửa (biệt danh của Tr/Tá Phúc). Mà không nóng sao được dẫu rằng ông đánh giặc rất “phong thái.” Vừa đánh giặc vừa uống la-ve mà, lại vừa ngâm thơ nữa.”Say sưa nghĩ cũng hư đời. Hư thời hư vậy, say thì cứ say.”
Chương Thiện (Thiếu Tá Cảnh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3/TQLC) và Kiến Hòa (Thiếu Tá Kim, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 7/TQLC) cũng nôn nao không kém. Mẹ kiếp, bánh Trung Thu gì mà phía Nam là hai cái “trứng vịt,” còn phía Bắc thì trơ ra “khúc lạp xưởng,” khó nuốt quá đi thôi. Robert lửa còn khôi hài đen một phùa trước khi Bắc Ninh xua Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 thanh toán vùng đất đã định. Chương Thiện tuy còn mới nhưng rất ngon lành. Làm nỗ lực chính chiếm nửa cái bánh Trung Thu ở phía Bắc mà không ngon lành sao được. Chương Thiện quyết sống mái phen này. Thạch Sanh, Sơn Dương và Nhân nên chọn thằng nào để dứt điểm đây? Chương Thiện gọi Dương (Trung Úy Dương, đại đội trưởng Đại Đội 4) lại hỏi:
-Quê anh ở Quảng Trị, phải không?
-Dạ đúng như vậy.
-Anh và Thạch Sanh ủi ngay vào chỗ này.
Chương Thiện đi một màn dặn dò chiến thuật vượt qua “khe” chị Quý (Hào nước sát Cổ Thành). Cổ Thành chỉ là một người đàn bà góa. Tuy lúc ban đầu khó tán thật nhưng một khi đã tán được rồi thì chỉ đâm một cái là tuốt luốt. Ráng đi.
Thế là Sơn Dương trở về mái nhà xưa. Nhà của ta ở trước mặt đây này, bên phải con đường số 5 cách Cổ Thành chỉ có 200 thước. Chốt địch đã ở trong ngôi nhà thân yêu của ta từ mấy tháng qua. Chốt lì lợm quá, không lẽ thổi bay mái nhà nơi ta đã sinh ra và lớn lên? Đau lòng lắm nhưng biết làm sao hơn! Sơn Dương cho lệnh chiếc M.48 thổi một phát. Cả một vòm trời nghiêng ngả, gạch ngói vỡ tan. Dương thấy mình ứa nước mắt. Trung đội đi đầu của Dương tiến lên trám chốt của ta vào.
Trong khi đó các chiến sĩ Hùm xám của anh Tư Kiến Hòa ủi phăng phăng vào nhà thờ An Hòa kẹp cứng ngắc hông bên phải để cho Tiểu Đoàn 3 dễ dàng dứt điểm. Đánh đêm, lại phải đánh đêm. Với chiến trường bây giờ thì bóng đêm không còn là kẻ thù của ta nữa mà lại là bạn của ta. Nhưng mà khổ ơi là khổ, dọc đường tiến quân của Sơn Dương, những mái nhà tôn ngã nhào, nằm che lấp cả lối đi. Chỗ nào cũng thấy tôn là tôn, mỗi bước chân đi là một lần gây tiếng động. Cộng quân từ góc Đông Bắc Cổ Thành hễ cứ nghe tiếng động chỗ nào là nổ súng như mưa vào chỗ đó.
-Cẩn thận và nhẹ nhàng một chút.
Sơn Dương nói máy, dặn dò con cái, mặt cau lại như táo bón lâu ngày. Đêm 14 tháng 9, Dương cho trung đội của Thiếu Úy Đức băng qua đường Lê Văn Duyệt bám ngay vào bờ thành phía Bắc, diệt xong các ổ chốt và nằm tại đó nghi binh cho đến 2 giờ khuya. Đến 3 giờ sáng, Dương lại kéo Đức về bờ thành phía Đông để xâm nhập mặt này. Mỗi người 15 quả lựu đạn, vượt qua “khe chị Quý” để trèo lên bức tường mà lọt vô nội thành. Bấy giờ là 5 giờ 30 sáng, đại đội của Thạch Sanh cũng dẫn quân xông vào trong đêm đó. Lũ chuột bất ngờ quá, không kịp chống đỡ. Sơn Dương vừa đánh vừa tiếp đạn từ bên ngoài thành tiến ồ ạt từ mặt Đông sang mặt Tây của nội thành suốt trong ngày 15 tháng 9.
6. Dựng một ngọn cờ
Phải nói rằng các chiến sĩ Thần Ưng đã xâm nhập phía Nam Cổ Thành với mưu lược, tính toán kể từ đêm 9 tháng 9 để từ đó làm chủ vùng đất trách nhiệm một cách phi thường và tuyệt vời thì Tiểu Đoàn 3 cũng đã đánh chiếm nửa chiếc bánh Trung Thu mặt Bắc một cách siêu việt. Siêu việt vì chỉ trong vòng có 24 tiếng đồng hồ mà đã hoàn tất nhiệm vụ.
Trở lại đêm 15 tháng 9, sau khi chiếm được góc thành phía Nam, Đại Đội 2 của Tiểu Đoàn 6 nhận lệnh từ Thái Dương:
-Đóng cái nút lại ngay trong đêm nay (chận bít cửa Tây Cổ Thành).
Cho dù không có lệnh của Thái Dương đi nữa, Đức cũng phải làm và làm được chuyện đó. Đến 21 giờ 30 thì Đại Đội 2 của Đức đã đóng kín hoàn toàn cửa Tây. Riêng Đồ Sơn con thì từ hai ngày qua lo thanh toán trong ruột Cổ Thành. Cái nhân của chiếc bánh Trung Thu chẳng còn gì nữa, những pass bom dội xuống chỉ cách “đứa con đầu” chừng 100 thước. Vâng, chỉ có 100 thước, khoảng cách đó đối với quả bom 1,000 cân Anh đâu còn một thước nào an toàn nữa. Thế mà Đồ Sơn con vẫn đánh. Trên thế giới này có sự yểm trợ nào liều lĩnh đến thế nếu không phải là chiến trường do TQLC điều khiển? Các trận giao tranh vẫn tiếp diễn với cường độ khốc liệt suốt đêm 15 tháng 9. Đêm đó đối với Cộng quân thật dài, chúng cố níu kéo lại một vài phút giây để còn thở, còn tưởng nhớ đến gia đình, đến Bác và Đảng đang ngồi ôm mặt mà khóc ở ngoài đất Bắc xa xôi kia.
Đúng 9 giờ sáng ngày 16 tháng 9, 1972, hai Tiểu Đoàn 6 và 3/TQLC đã làm chủ hoàn toàn Cổ Thành Quảng Trị. Những người lính TQLC đã ăn xong chiếc bánh Trung Thu sau 7 ngày dứt điểm oai hùng. Tàn quân của Hà Nội như một đàn vịt chạy về phía Tây, cố vượt qua Tòa Hành Chánh Tỉnh để sang bên kia bờ sông Thạch Hãn. Nhưng đã muộn quá rồi! Trâu Điên và Ó Biển đã kẹp lại ở hai đầu Nam Bắc dọc theo đường Trần Hưng Đạo hốt gọn hết trong buổi sáng hôm ấy.
Khí thế của các chiến sĩ TQLC bừng bừng dâng cao như các đợt sóng thần phủ xuống đầu lính Bắc quân những nỗi kinh hoàng. Lời thề của tên trung đoàn trưởng Trung Đoàn 48/CSBV tử thủ Quảng Trị: “Còn Trung Đoàn 48 này thì còn Cổ Thành Quảng Trị” đã bị những lớp Sóng Thần TQLC cuốn đi nhận chìm xuống đáy bùn đen của dòng sông Thạch Hãn. Đâu còn có chiến thắng nào vượt lên trên chiến thắng này của TQLC trong ngày huy hoàng đó. Vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa để tôi phải ghi kết quả trận đánh ở đây?
Bây giờ chỉ còn là giây phút dựng cờ. “Cờ bay, ôi ngọn cờ bay.” 12 giờ 45 ngày 16 tháng 9, 1972, ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, biểu tượng của Quốc Gia được dựng lên tại cửa chính Tây của Cổ Thành Quảng Trị. 6 chiến sĩ TQLC đã làm công việc trọng đại đó là các anh Nguyễn Phúc Định, Trần Văn Vân, Bùi Đăng, Sơn Keo, Nguyễn Nho và Trần Văn Kiệt thuộc Tiểu Đoàn 6/TQLC. Cũng chính giờ phút ấy, tại cửa Đông Cổ Thành, Tiểu Đoàn 3/TQLC cũng đã dựng ngọn cờ chiến thắng lên cao.
Từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Thái Dương nhìn qua đám bụi mù của cơn mưa pháo địch từ phía Đông Hà còn rót xuống Cổ Thành Quảng Trị, lá cờ màu vàng tươi với ba sọc đỏ bay phất phới trong gió, nổi bật lên nền trời đổ nát của thành phố dấu yêu đã trở về với miền Nam. Ta chỉ cắm lá cờ khi nào lá cờ ấy bay vĩnh viễn trên trên phần đất Quảng Trị này. Thái Dương nói thầm như vậy và ông ngước nhìn một mảng trời qua khung cửa. Giờ này là giờ Ngọ, giờ của chiến thắng, giờ phút ghi nhớ đời đời. Bóng mặt trời đã đi đâu? Lá cờ chói lòa vinh quang đã che lấp tất cả những vinh quang nào có trên trái đất này.
Chiếc radio mang theo đã được người lính cận vệ mở ra từ lúc nào. Thái Dương lắng nghe tiếng người xướng ngôn Đài Phát Thanh Sàigòn đọc công điện của Tổng Thống VNCH ngợi khen các chiến sĩ TQLC:
“Tôi trân trọng yêu cầu đại tướng chuyển đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC cùng toàn thể đơn vị trưởng và chiến sĩ đã đánh tan quân Cộng Sản xâm lược ra khỏi Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị lời ngợi khen nồng nhiệt nhất đồng thời lòng khâm phục vô biên của toàn thể chính phủ tại Dinh Độc Lập sáng hôm nay 16 tháng 9, 1972. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ đã hy sinh cho Đại Nghĩa Dân Tộc và tôi sẽ đến thăm anh em.”
Thái Dương ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Và tại Cổ Thành, lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đang bay phất phới trong gió.
Quảng Trị, 22 tháng 9, 1972
Huỳnh Văn Phú
Share Người Lính Già TQLC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét