Đề Phòng Nguy Hiểm Sức Khỏe: Người phụ nữ tuổi 40, có con trai nhỏ 6 tuổi, ở San Jose, ăn cá rô phi (tilapia), nhiễm trùng Vibrio Vulnificus, nhiều tháng nằm điều trị, may mắn thoát chết, nhưng phải bị cưa cụt hết tay chân! - Theo đài truyền hình địa phương KRON 4, một phụ nữ ở San Jose, California, Mỹ đã mất toàn bộ tay chân sau hơn một tháng nằm viện, chống chọi với tình trạng nhiễm khuẩn do ăn cá rô phi. Chị Laura Barajas, 40 tuổi, mua con cá rô phi này ở khu chợ địa phương tại thành phố San Jose (tiểu bang California, Mỹ) vào cuối tháng 7 và tự nấu ăn tại nhà. Vài ngày sau khi ăn món cá rô phi chưa nấu chín, Laura Barajas cảm thấy người khó chịu, sau đó bệnh nhanh chóng chuyển nặng.
"Khi được đưa vào viện cấp cứu, Laura đã hôn mê; các ngón tay, bàn chân, môi dưới chuyển thành màu đen. Cô ấy bị nhiễm trùng huyết nặng và suy thận" - Messina, bạn của Laura, nói với truyền thông.
(Hình: Laura Barajas bị mất tứ chi sau khi ăn cá rô phi chưa nấu chin).
Barajas đã phải nằm viện hơn một tháng để chống chọi với tình trạng nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus trước khi bị cắt bỏ toàn bộ chân tay vào ngày 13/9.
Ngày 1/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra khuyến cáo về sự gia tăng các ca nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus ở quốc gia này do nhiệt độ nước tăng. Loại vi khuẩn này phát triển mạnh ở vùng nước ấm tại Vịnh Mexico, là nguyên nhân gây ra khoảng 80.000 ca bệnh ở Mỹ mỗi năm.
(Ảnh: Việc ăn cá rô phi chưa nấu chín có thể gây nhiễm khuẩn Vibrio Vulnificus)
Đầu tháng 9, một người đàn ông ở Galveston, bang Texas thiệt mạng do nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus từ món hàu sống mà anh ăn ở nhà hàng vào ngày 29/8.
CDC cho biết, các dấu hiệu của nhiễm Vibrio Vulnificus bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn và sốt. Vết thương bị nhiễm trùng có thể có biểu hiện đỏ, đau, sưng, nóng, đổi màu và tiết dịch.
(Hình: Laura Barajas và bạn trai)
Nguyên nhân nhiễm Vibrio phổ biến nhất là ăn hàu và động vật có vỏ chưa nấu chín kỹ hoặc ăn sống.
"Không nên ăn hàu sống, hàu hoặc các loại động vật có vỏ khác chưa chín kỹ, luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi xử lý động vật có vỏ", CDC khuyến cáo.
Vibrio vulnificus là một loài vi khuẩn, có khả năng di động, hình que cong (trực khuẩn), gây bệnh thuộc chi Vibrio. Chúng hiện diện trong môi trường biển như cửa sông, ao nước lợ hoặc vùng ven biển, V. vulnificus có quan hệ họ hàng gần gũi với V. cholerae, tác nhân gây bệnh của bệnh tả.
Nhiễm V. vulnificus dẫn đến phát triển nhanh chóng viêm mô tế bào hoặc nhiễm trùng huyết. Loài này lần đầu tiên được phân lập là một nguồn bệnh vào năm 1976.
Nhân bản tin trên, tìm hiểu thêm về Vi khuẩn Vibrio Vulnificus là gì? Tại sao nó có thể gây chết người nếu không cẩn thận khi ăn và tiếp xúc với hải sản?
-Trường hợp người đàn ông tử vong sau 6 ngày, khi bị tôm cứa vào tay đã gây lo sợ cho nhiều người khi ăn hải sản nếu không may bị nhiễm loại vi khuẩn sống trong nước biển có tên Vibrio Vulnificus
Vibrio vulnificus là gì?
Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn sống ở biển, được gọi là “kẻ giết người thầm lặng trong đại dương”. Chúng hay kí sinh trong các loại hải sản như tôm, ốc, cá biển,… Nếu chẳng may tiếp xúc với hải sản có Vibrio vulnificus, bạn có thể bị nhiễm khuẩn.
Được biết, loại vi khuẩn tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Sau khi nhiễm khuẩn bệnh nhân sẽ phá bệnh trong vòng 48h, tỉ lệ tử vong lên đến 50%.
(Hình: Một bệnh nhân ở Trung Quốc bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus)
Vi khuẩn Vibrio Vulnificus nguy hiểm như thế nào?
Theo Trung Tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), Vibrio vulnificus được tìm thấy trong nước ấm ở bờ biển và xuất hiện nhiều vào giữa tháng 5 và tháng 10. Mọi người có thể bị nhiễm vi khuẩn qua 2 cách:
- Tiêu thụ hải sản bị ô nhiễm.
- Có vết thương hở mà tiếp xúc trực tiếp với nước biển có chứa các vi khuẩn.
Những người ăn hải sản bị nhiễm Vibrio Vulnificus, bao gồm cả động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín, có thể bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn và sốt. Nhưng nếu mọi người có một vết thương tiếp xúc với các vi khuẩn, như trong trường hợp của ông Vương, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng da và là nguyên nhân phá hủy và loét da.
Các bệnh nhiễm trùng có thể tiến triển ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và dẫn đến các triệu chứng đe dọa tính mạng, nguy hiểm như huyết áp thấp hoặc sốc nhiễm trùng huyết.
(Hình ảnh chụp hiển vi điện tử của vi khuẩn Vibrio Vulnificus).
Khi một bệnh nhiễm trùng máu xảy ra, khoảng 50% các bệnh nhiễm trùng máu Vibrio vulnificus là tử vong. Tuy nhiên, căn bệnh nghiêm trọng từ các vi khuẩn hiếm gặp: CDC ước tính rằng trong số 80.000 người ở Mỹ, những người bị bệnh do vi khuẩn Vibrio mỗi năm có khoảng 100 người chết vì nhiễm trùng.
Tuy nhiên, căn bệnh nghiêm trọng từ các vi khuẩn hiếm gặp: CDC ước tính rằng trong số 80.000 người ở Mỹ, những người bị bệnh do vi khuẩn Vibrio mỗi năm có khoảng 100 người chết vì nhiễm trùng.
Con người có nhiều khả năng phát triển nhiễm trùng nếu họ có một hệ thống miễn dịch suy yếu, đặc biệt là từ bệnh gan mạn tính. Để ngăn ngừa nhiễm V. vulnificus, CDC khuyến cáo rằng những người có vết thương hở tránh tiếp xúc với muối hoặc nước lợ, hoặc băng vết thương với một băng không thấm nước. Để tránh bệnh từ vi khuẩn thực phẩm, CDC khuyến cáo rằng không ăn động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín.
(Hình: Đuôi tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificu nếu bị đâm vào da sẽ rất nguy hiểm)
Cách phòng tránh nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus:
Được mệnh danh là vi khuẩn “ăn thịt người” do chúng có thể lan ra khắp cơ thể nếu bị nhiễm trùng không được điều trị. Tuy nhiên, theo chia sẻ kiến thức trong lớp học Liên thông Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, vi khuẩn này sẽ không ăn da thịt nếu bạn không có vết thương hở từ trước hoặc uống rất nhiều nước bị ô nhiễm hay ăn hải sản sống ô nhiễm, bởi vi khuẩn không thể phá vỡ da bình thường lành lặn”.
Tuy hải sản là nguyên nhân chính gây ra các ca bệnh nhiễm Vibrio vulnificus nhưng chỉ cần làm sạch và chế biến hải sản đúng cách là được.
Trong cuộc sống ngày thường, để tránh nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus bạn hãy hạn chế ăn các thực phẩm tái, sống. Đặc biệt với hải sản phải nấu chín kỹ, khi làm làm sạch cũng phải cẩn thận để tránh thương. Nếu chẳng may bị thương, bạn cần rửa sạch tay, sát trùng cẩn thận.
Nếu bạn thấy các triệu chứng của nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus như sốt, nổi mụn đỏ thì phải lập tức đến bệnh viện khám và điều trị sớm nhất.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Libya: Số Chết Vì Lũ Lụt Tăng Lên Trên 11.300 Người ở Thành Phố Duyên Hải Derna
(Hình: Quang cảnh lũ lụt lớn ở Al-Mukhaili, Libya.)
-Ít nhất 11.300 người đã thiệt mạng và 10.100 người khác mất tích ở thành phố ven biển Derna, một tuần sau khi bão Daniel đổ bộ vào vùng Đông-Bắc Libya, Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm 16/9.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc trích dẫn dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết rằng ước tính có khoảng 170 người đã thiệt mạng do lũ lụt ở những nơi khác ở Libya và hơn 40.000 người phải dời cư.
Con số dự kiến sẽ tăng lên khi các nỗ lực tìm kiếm và cấp cứu tiếp tục diễn ra nhằm tìm kiếm những người còn sống sót.
Trong khi đó, lũ lụt đã phá hủy hoàn toàn ít nhất 891 tòa nhà ở thành phố Derna, hãng thông tấn chính thức của Libya đưa tin hôm Chủ Nhật, trích dẫn số liệu từ một nhóm do Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya giao phó.
Báo cáo cho biết thêm, có thêm 211 tòa nhà bị hư hại một phần và 398 tòa nhà khác chìm trong bùn, khiến tổng cộng một phần tư số tòa nhà bị hư hại tại thành phố bị lũ lụt tàn phá.
Nga Phủ Nhận Ukraine Chiếm Lại Được Làng Andriivka, Gần Bakhmut
(Ảnh: Lữ đoàn tấn công số 3 / Bộ phận báo chí của Lực lượng vũ trang Ukraine: Một chiếc xe bọc thép của Nga được cho là bị drone của Ukraine bắn gần Andriivka, vùng Donetsk, Ukraine, trong hình ảnh thu được từ video phát hành ngày 22/8/2023.)
Ngày thứ Bảy (`6/9/2023), Nga bác bỏ tuyên bố của Ukraine về việc chiếm lại làng Andriivka bị tàn phá ở miền Đông, một bước đệm trên đường tiến đến thành phố Bakhmut.
"Kẻ thù không từ bỏ kế hoạch đánh chiếm thành phố Artyomovsk [Bakhmut] của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công... cố gắng đánh bật binh sĩ Nga ra khỏi các trung tâm dân cư Klishchiivka và Andriivka nhưng không thành công", Bộ Quốc phòng Nga nói trong báo cáo hàng ngày.
Andriivka nằm ở phía Nam Bakhmut phần lớn đã bị tàn phá, một khu vực chủ yếu mang tính biểu tượng mà lực lượng Nga đã chiếm giữ vào tháng 5 sau trận chiến khốc liệt và dài nhất kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa nhắm vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Hôm thứ Sáu (15/9), Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng báo cáo "thành công một phần" gần Klishchiivka, cũng ở phía Nam Bakhmut.
Thông tấn xã Reuters không thể xác minh các báo cáo chiến trường.
Nga: Máy Bay Không Người Lái Ukraine Tấn Công Crimea, Mạc Tư Khoa, Kho Dầu
(Ảnh: Bức ảnh do Thống đốc Kursk, ông Roman Starovoit, công bố cho thấy một tòa nhà bị hư hại sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine.)
-Nga cho biết đã ngăn chặn một cuộc tấn công phối hợp của Ukraine vào Crimea vào sáng sớm hôm 17/9/2023, trong khi máy bay không người lái cũng nhắm mục tiêu vào Mạc Tư Khoa, làm gián đoạn giao thông hàng không ở thủ đô và gây ra hỏa hoạn tại một kho dầu ở phía Tây-Nam đất nước.
Ukraine trong những ngày gần đây đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự của Nga ở Crimea bị chiếm đóng, bao gồm cả các cơ sở của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, nhằm tìm cách làm suy yếu các nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa tại một khu vực quan trọng.
Các cuộc tấn công sâu bên trong nước Nga, cách xa tiền tuyến, cũng gia tăng. Thị trưởng Mạc Tư Khoa cho biết rằng ít nhất hai máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực thủ đô vào sáng sớm 17/9.
Thông tấn xã Reuters hôm 17/9 không thể xác minh độc lập các tin tức và không có bình luận ngay lập tức từ Kyiv.
Trong một bài bình luận đăng cuối ngày 16/9, ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, kêu gọi các đồng minh của Kyiv đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí, nói rằng đây là cách duy nhất để kết thúc chiến tranh.
Hôm 17/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy ít nhất 6 máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào Crimea từ các hướng khác nhau.
Báo cáo trên ứng dụng nhắn tin Telegram không cho biết liệu có bất kỳ thiệt hại hoặc thương vong nào xảy ra ở Bán đảo Crimea mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Kyiv trong một động thái bị lên án rộng rãi vào năm 2014, 8 năm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga hay không.
Tàu Hàng Đến Cảng Ukraine Lần Đầu Tiên Từ Khi "Thỏa Thuận Ngũ Cốc" Hết Hạn
(Hình: Tàu chở hàng Aroyat treo cờ Palau đến cảng biển Tchornomorsk (Ukraine) ngày 16/9/2023.)
-Tàu hàng bắt đầu trở lại cảng biển Ukraine, theo thông báo của chính quyền Ukraine hôm 16/9/2023, lần đầu tiên kể từ khi Thỏa thuận Ngũ cốc hết hiệu lực hồi giữa tháng 7/2023.
Trên mạng xã hội Facebook, cơ quan quản lý cảng Tchornomorsk loan báo sự kiện hai chiếc tàu dân sự "Resilient Africa" và "Aroyat" đã đến được cảng này, thuộc tỉnh Odessa, của Ukraine.
Trước đó, Bộ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng của Ukraine, Oleksandre Koubrakov, thông báo hai chiếc tàu này đang di chuyển trong "hàng lang tạm thời" trên Biển Đen, hướng về cảng Tchornomorsk, sẵn sàng vận chuyển khoảng 20.000 tấn lúa mì đến Phi Châu và Á Châu. Theo các thông tin của bộ Cơ Sở Hạ Tầng Ukraine, hai chiếc tàu mang cờ Palau, thủy thủ đoàn gồm công dân các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaidjian, Ai Cập và Ukraine.
Đầu tháng 8, Kyiv thông báo lập "hàng lang tạm thời" cho tàu thuyền dân sự đến và rời các cảng biển miền Nam Ukraine, theo các tuyến đường đăng ký với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI). Cho đến nay, sau hơn một tháng đi vào hoạt động, chỉ mới có năm tàu hàng sử dụng hàng lang tạm thời này, nhưng đây đều là các tàu rời cảng Ukraine.
"Hành lang tạm thời" nói trên chủ yếu bao gồm các tuyến đường đã được tàu thuyền dân sự sử dụng để đến 3 cảng Tchornomorsk, Odessa và Pivdenny kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga cho đến khi có Thỏa thuận Ngũ cốc qua Biển Đen với Nga, với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mạc Tư Khoa không chấp nhận gia hạn thỏa thuận hết hiệu lực ngày 17/7/2023.
Kể từ khi chấm dứt Thỏa thuận Ngũ cốc với Ukraine, Nga liên tiếp oanh kích các cơ sở hạ tầng cảng và ngũ cốc của Ukraine, theo cáo buộc của Kyiv. Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine tổng kết: Quân Nga đã phá hủy khoảng 270.000 tấn ngũ cốc của Ukraine trong vòng một tháng, tính đến ngày 23/8.
Gia Nã Ðại Cấp 33 Triệu Gia Kim, Giúp Mua Hệ Thống Phòng Không Cho Ukraine
(Ảnh: Lữ đoàn tấn công số 3 / Bộ phận báo chí của Lực lượng vũ trang Ukraine: Một chiếc xe bọc thép của Nga được cho là bị drone của Ukraine bắn gần Andriivka, vùng Donetsk, Ukraine trong hình ảnh thu được từ video phát hành ngày 22/8/2023.)
-Hôm 17/9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Bill Blair cho biết Gia Nã Ðại sẽ đóng góp 33 triệu Gia kim (24,5 triệu Mỹ kim) cho một đối tác đa quốc gia do Anh đứng đầu nhằm mua thiết bị phòng không cho Ukraine để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga.
Trong một tuyên bố, ông Blair nói rằng khoản đóng góp này là một phần của
khoản viện trợ quân sự trị giá 500 triệu Gia kim cho Kyiv mà Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố vào tháng 6.
Gia Nã Ðại, nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người Ukraine hải ngoại lớn nhất thế giới, là nước ủng hộ mạnh mẽ Kyiv.
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Ottawa đã cam kết viện trợ hơn 8 tỉ Gia kim, bao gồm khoảng 1,8 tỉ Gia kim hỗ trợ quân sự.
Đối tác đa quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, Hòa Lan và Đan Mạch, nhằm mục đích mua hàng trăm phi đạn phòng không tầm ngắn và tầm trung cũng như các hệ thống liên quan.
Ukraine Tìm Hậu Thuẫn của Nam Hàn Về Điện Nguyên Tử và Quốc Phòng
(Ảnh: Kiểm tra các khẩu đại bác Thunder K9 tại quân cảng Gdynia, Ba Lan, ngày 6/12/2022. Đây là đợt giao hàng xe tăng và đại bác đầu tiên của Nam Hàn cho Ba Lan.)
-Trong tuần qua, một phái đoàn Nam Hàn công du Ukraine để bàn về các dự án tái thiết quốc gia Âu Châu này. Kyiv cũng bày tỏ hy vọng thúc đẩy hợp tác về quốc phòng với Hán Thành.
Phái đoàn Nam Hàn trở về nước hôm 16/9/2023. Theo Yonhap News, các giới chức Nam Hàn cho biết Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã yêu cầu hợp tác với Nam Hàn về năng lượng nguyên tử, các kim loại hiếm, cũng như công nghiệp quân sự. Phái đoàn Nam Hàn, bao gồm đại diện chính quyền và nhiều doanh nghiệp công du Ukraine trong tuần này để bàn về khả năng tham gia của Nam Hàn trong các dự án tái thiết, với tổng giá trị ước tính 902 tỉ Mỹ kim.
Trong phiên họp hôm 13/9, Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Nam Hàn, Won Hee-ryong, Trưởng đoàn công tác, đã tái khẳng định quyết tâm của Hán Thành nỗ lực tái thiết Ukraine. Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Nam Hàn nhấn mạnh là dự án đường sắt cao tốc nối liền Kyiv với Warsaw, thủ đô của Ba Lan, "sẽ được khai triển nhanh chóng". Khai thác lithium, một nguyên liệu cần thiết cho sản xuất bình điện, có nhiều tại miền Đông Ukraine, cũng là một trọng tâm khác trong hợp tác song phương cùng với các dự án chế tạo xe hơi, khôi phục các đập nước, bị phá hủy trong chiến tranh.
Về mặt quân sự, hãng tin Yonhap dẫn lại thông tin từ phái đoàn Nam Hàn, theo đó, Tổng thống Zelensky đã đề nghị "phối hợp các kỹ thuật sản xuất vũ khí của Nam Hàn với các thông tin tình báo của Ukraine về Nga, để có thể chế tạo các vũ khí tiên tiến hơn, nhằm xuất cảng sang các nước Âu Châu".
Theo giới chuyên gia Nam Hàn, Hán Thành đang theo dõi sát khả năng Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Nga. Báo Nhật Japan Times, hôm 15/9, trích lời chuyên gia về quân sự Choi Gi-il, Đại học Sangji (Nam Hàn), "nếu trường hợp đó xảy ra, xác suất hơn 50% là vũ khí do Nam Hàn xuất cảng sang Ba Lan sẽ được khai triển để giúp Ukraine chống Nga". Vị chuyên gia này đặc biệt chú ý đến pháo tự hành K9, do công ty Nam Hàn Hanwha sản xuất. Năm 2022, Ba Lan đặt mua 212 chiếc, 48 chiếc đã được giao.
Pháo tự hành K9, nặng 47 tấn, 14 bánh, có tầm bắn 40 cây số. Theo chuyên gia quân sự Choi Gi-il, "pháo tự hành K9 nếu được đưa ra tiền tuyến sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Kyiv". Một lãnh đạo công ty Hanwha nhận định ngành công nghiệp vũ khí của Nam Hàn có một lợi thế quan trọng: Hán Thành luôn "sẵn sàng cho chiến tranh". Các công ty Nam Hàn có khả năng sản xuất hàng loạt nhanh chóng và dễ dàng bất cứ khi nào nhận được đơn đặt hàng vũ khí.
Theo hãng thông tấn AP, hôm 31/8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan và Nam Hàn họp tại Warsaw để bàn về việc tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lược Nga.
Liên Hiệp Quốc Họp Ba Bên Với Liên Hiệp Phi Châu và Liên Hiệp Âu Châu
(Hình: Logo của Liên Hiệp Quốc tại cổng vào trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), nơi diễn ra cuộc họp ba định chế Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Liên Hiệp Phi Châu ngày 17/9/2023.)
-Hôm 17/9/2023, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Phi Châu (AU) và Liên Hiệp Âu Châu (EU) có cuộc họp đầu tiên từ 4 năm nay tại New York (Hoa Kỳ). Cuộc họp 3 bên này diễn ra trong bối cảnh trong tuần tới Liên Hiệp Quốc bắt đầu tuần lễ các cuộc họp cấp cao từ ngày 19 đến 23/9/2023.
Cuộc họp 3 bên dự trù kéo dài 90 phút, với sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đại diện của Liên Hiệp Phi Châu là Chủ tịch ủy ban Liên Hiệp Moussa Faki Mahamat cùng với ủy viên cho Hòa bình và An Ninh Bankole Adeoye, đại diện của Liên Hiệp Âu Châu là Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel và người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Joseph Borrell.
Việc Liên Hiệp Phi Châu gia nhập nhóm G20, tình hình ở vùng Sahel, vùng Sừng Phi Châu hay vùng Đại Hồ Phi Châu cũng như là các vấn đề di dân, tình liên đới giữa Phi Châu và Âu Châu sẽ là những chủ đề thảo luận chính.
Trả lời ban tiếng Pháp, Giáo sư danh dự Bertrand Badie, trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris nhận định cuộc họp này cũng nằm trong nỗ lực khôi phục lại tầm ảnh hưởng bị suy giảm của Âu Châu tại Lục địa đen trước đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Ngay sau những phong trào giành độc lập trong những năm 1960, Liên Hiệp Âu Châu vốn đã đầu tư rất mạnh vào việc ký kết nhiều thỏa thuận với các quốc gia phương Nam, hiện đang nhận thấy ảnh hưởng của mình theo một cách nào đó đang bị suy giảm.
Sự thụt lùi này có thể được giải thích đồng thời bởi các thất bại và nỗi thất vọng mà sự hợp tác này đã gây ra trong nhiều thập kỷ. Nhưng đó cũng là một thất bại dẫn đến một mối quan hệ quốc tế mới, trong đó sự đoàn kết Nam-Nam nói riêng đã tước đi phần nào của Âu Châu một tầm ảnh hưởng mà họ tự cho là độc quyền.
Chính sách này đã thất bại và ngày càng thất bại nhiều hơn. Tỷ trọng đầu tư của Âu Châu vào Phi Châu và giao thương với Phi Châu có xu hướng giảm đáng kể. Vì vậy, Âu Châu đang cố theo đuổi thành tựu mà họ đặc biệt coi trọng để cố gắng khôi phục lại tầm ảnh hưởng này".
Khủng Hoảng Di Dân: Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Đến Ý Ðại Lợi, Công Bố Kế Hoạch Khẩn Cấp 10 Điểm
(Hình: Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen (áo xanh nhạt) thăm cảng nơi người di cư cập bến trên đảo Lampedusa, Ý Ðại Lợi, ngày 17/9/2023.)
-Theo yêu cầu của chính quyền Ý Ðại Lợi, hôm 17/9/2023, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen có mặt tại đảo Lampedusa, miền Nam nước Ý, tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nhập cư. Tại Lampedusa, lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu đã công bố kế hoạch 10 điểm để khẩn cấp giải quyết khủng hoảng.
Theo Cơ quan Di cư Quốc tế, trong những ngày đầu tuần này, hòn đảo nhỏ bé Lampedusa đã phải tiếp nhận 8.500 di dân Bắc Phi vượt Địa Trung Hải, vượt quá số lượng cư dân trên đảo. Thông tín viên Anne Treca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Roma của Ý Ðại Lợi:
"Nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề của Âu Châu mà chúng ta phải cùng nhau giải quyết. Đối với Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen, Âu Châu trước tiên phải tấn công vào những kẻ buôn người và ngăn chặn ngay từ đầu những cuộc khởi hành nguy hiểm và bất hợp pháp.Ủy Ban muốn đưa các quốc gia nơi xuất phát của các cuộc vượt biển, tham gia vào cuộc chiến này, thông qua ngoại giao, cũng như hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật và tài chánh nếu cần thiết.
Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu chỉ rõ cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thỏa thuận đã được ký kết vào mùa Hè vừa qua với Tunisia. Bà von der Leyen muốn mở rộng vai trò của Frontex, cơ quan giám sát biên giới Âu Châu và xem xét điều động một lực lượng của Hải quân Âu Châu đến Địa Trung Hải, một yêu cầu cấp bách từ phía Ý Ðại Lợi.
Chủ tịch Ursula von der Leyen muốn các thủ tục hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp diễn ra nhanh chóng hơn, đồng thời thiết lập các hành lang an toàn cho việc nhập cư hợp pháp và tiếp nhận người tị nạn. Bà khẳng định với các quốc gia thành viên: "Việc xác định chính sách tiếp nhận của Âu Châu tùy thuộc vào chính Âu Châu, chứ không thể để những kẻ đưa người bất hợp pháp ép buộc". Tại Lampedusa sáng nay, chúng ta đã chứng kiến sự khởi đầu cho một nhận thức mới của Âu Châu".
Thủ Tướng Hy Lạp Sẵn Sàng Huy Động Quân Đội Chống Tác Hại của Biến Đổi Khí Hậu
(Ảnh: Sau hỏa hoạn nghiêm trọng, Hy Lạp lại bị lũ nặng nề. Ảnh chụp ngày 5/9/2023.)
-Ngày 16/9/2023, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong bài diễn văn tuyên bố đất nước đang đối mặt với một hình thức "chiến tranh trong thời bình". Ông cam kết tăng cường vai trò của quân đội và nguồn quỹ tài chánh để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.
Bị chỉ trích trong việc giải quyết tình trạng lũ lụt ở miền Trung đất nước, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thừa nhận Hy Lạp đang trải qua "những đợt hỏa hoạn và lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước".
Trong bài phát biểu này, lãnh đạo chính phủ do phe bảo thủ cầm quyền cam kết tăng cường vai trò của quân đội và dành ra một nguồn quỹ đặc biệt trị giá 600 triệu Euro bắt đầu từ năm 2024 để chống lại các tác động do thiên tai gây ra.
Thủ tướng Hy Lạp đã bị phe đối lập và người dân, nạn nhân của lũ lụt, trích gay gắt là quản lý thiếu chuyên nghiệp. Nhiều người lên án sự chậm trễ trong cứu trợ và thiếu chuẩn bị trước những dự báo thời tiết xấu, cũng như là những thất bại trong sự phối hợp giữa quân đội và Cơ quan Bảo vệ Dân sự trong những giờ sau thảm họa.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, những trận hỏa hoạn trong tháng Bảy và Tám đã thiêu rụi hơn 150 ngàn hecta rừng. Hy Lạp trong tuần rồi bị thêm một đợt thiên tai mới khi phải hứng chịu những trận lũ lớn khiến 17 người chết ở Thessaly miền Trung Hy Lạp, một vùng nông nghiệp quan trọng của đất nước.
Lãnh Tụ Bắc Hàn Về Nước Sau Chuyến Thăm Nga Kéo Dài Một Tuần
(Hình: Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.)
-Các hãng thông tấn Nga đưa tin, lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn, ông Kim Jong Un đã về nước bằng xe hỏa hôm 17/9/2023, sau chuyến thăm kéo dài 1 tuần tới Nga, bao gồm các cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin về hợp tác quân sự chặt chẽ hơn.
Một đoạn video do hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga công bố hôm 17/9 cho thấy ông Kim đi dọc thảm đỏ tới toa tàu của mình ở thành phố Artyom ở vùng Viễn Đông Nga và vẫy tay chào tạm biệt trong âm thanh của một nhóm quân nhạc.
Artyom cách ga Khasan ở biên giới Nga với Bắc Hàn khoảng 254 cây số (159 dặm).
Chuyến đi của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, người hiếm khi rời khỏi đất nước, đánh dấu "một thời kỳ hoàng kim mới của tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác đang được mở ra trong lịch sử phát triển quan hệ giữa Bắc Hàn và Nga", hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn cho biết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mạc Tư Khoa muốn phát triển "sự hợp tác bình đẳng và công bằng" với Bắc Hàn bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng.
Ðiện Cẩm Linh trước đó nói rằng họ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhưng có quyền phát triển quan hệ láng giềng, bao gồm cả các chủ đề nhạy cảm.
Hoa Kỳ và các đồng minh lo lắng về mối quan hệ quân sự ngày càng nồng ấm lên giữa hai nước láng giềng, khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine và Bắc Hàn, một quốc gia Cộng sản ẩn dật, tiến hành phát triển phi đạn và nguyên tử.
Nam Hàn và Mỹ cho rằng hợp tác quân sự giữa Bắc Hàn và Nga sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng và rằng các nước đồng minh này sẽ bảo đảm có sự trả giá.
Lãnh Đạo Bắc Hàn Rời Nga Với Món Quà Biểu Tượng: 5 Drone Quân Sự
(Hình: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đến thăm một cuộc triển lãm thiết bị quân sự, quân phục và vũ khí được sản xuất tại vùng Primorye, ở Vladivostok, miền Viễn Đông Nga. Ảnh chụp từ video phát trên kênh Telegram của Thống đốc vùng Primorye, Oleg Kozhemyako, ngày 17/9/2023.)
-Ngày 17/9/2023, lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn đã đáp chuyến xe lửa riêng trở về nước, kết thúc chuyến thăm Nga kéo dài năm ngày, bắt đầu từ hôm thứ Ba 12/9. Theo hãng thông tấn TASS, ông Kim rời Nga với một món quà mang tính biểu tượng cao: Năm drone tấn công, một drone trinh sát loại "Geran-25" cất cánh thẳng đứng.
Hãng tin TASS nêu rõ, Thống đốc vùng Primorye, Viễn Đông nước Nga, còn tặng ông Kim "một bộ bảo hộ chống đạn cho những hoạt động tấn công" và "nhiều bộ đồ đặc biệt không thể phát giác bằng các camera dò thân nhiệt" khi ông đến thăm các sinh viên Bắc Hàn đang theo học tập tại trường Đại học Liên bang Nga ở Vladivostok.
Những món quà quân sự mang tính biểu tượng cao trong bối cảnh phương Tây quan ngại khả năng đúc kết một thỏa thuận cung ứng vũ khí và đạn dược từ Bắc Hàn để hậu thuẫn cho cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine.
Còn theo tường thuật từ hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA hôm 17/9/2023, lãnh đạo Kim Jong Un có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Serguei Shoigu về việc thắt chặt hợp tác quân sự song phương, "tăng cường phối hợp chiến lược và chiến thuật, hợp tác và các hoạt động giao lưu giữa quân đội hai nước, trao đổi trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia".
Lo lắng trước nguy cơ Nga và Bắc Hàn tăng cường hợp tác quân sự, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, trả lời hãng tin Mỹ AP trước khi lên đường đến New York dự phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, cho rằng "hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Hàn là bất hợp pháp và bất chính vì chúng đi ngược lại các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và nhiều lệnh trừng phạt khác của quốc tế". Theo nguyên thủ Nam Hàn, "cộng đồng quốc tế sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn để đáp trả hành động này".
Về phần mình, tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đến Na Uy dự cuộc họp của khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), trả lời giới báo chí, đánh giá rằng cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Putin vừa qua rất có thể đi đến việc Bắc Hàn sẽ cung cấp các loại pháo 152 ly thời Xô Viết cho Nga. Nhưng ông không biết rõ là chúng sẽ được cung cấp bằng cách nào, với số lượng bao nhiêu, đồng thời cũng cho rằng nguồn hậu thuẫn này có thể sẽ không làm thay đổi gì nhiều cuộc chiến hiện nay ở Ukraine.
Thượng Đỉnh G77+Trung Quốc Kêu Gọi "Đoàn Kết" Gây Áp Lực Với Các Nước Giàu
(Ảnh: Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G77 + Trung Quốc ở thủ đô Havana của Cuba, ngày 16/9/2023.)
-Ngày 16/9/2023, thượng đỉnh G77+Trung Quốc đã kết thúc ở Havana, thủ đô Cuba, và đưa ra lời kêu gọi "đoàn kết" nhằm tạo một sức ép đối với các nước giàu. Tổng thống Ba Tây Lula De Silva, nhấn mạnh đến việc gia tăng các "đòi hỏi" liên quan đến vấn đề kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng.
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, nhóm G77+Trung Quốc tái khẳng định "cam kết siết chặt đoàn kết"của nhóm để "củng cố vai trò của nhóm trên trường quốc tế". Văn bản nhắc lại "tính chất cấp thiết của việc cải tổ sâu rộng cơ cấu tài chánh quốc tế" sao cho hệ thống này mang tính "bao trùm và có phối hợp" nhiều hơn.
Nhóm G77+Trung Quốc bày tỏ "quan ngại sâu sắc rằng những vấn đề nghiêm trọng do trật tự kinh tế thế giới hiện nay gây ra một cách bất công cho các nước đang phát triển đã chạm đến cực điểm", khi liệt kê ra những hệ quả của đại dịch Covid-19, những căng thẳng địa chính trị, tình trạng lạm phát, sự diệt vong của đa dạng sinh thái, các cuộc khủng hoảng tài chánh…. Những vấn đề cho đến giờ vẫn chưa có những lộ trình rõ ràng cho phép các nước này có những biện pháp đối phó.
Thông tấn xã AFP cho biết, trong phiên họp này, Tổng thống Ba Tây lên án một nền "quản trị thế giới mất cân xứng", đồng thời cho rằng "Liên Hiệp Quốc, hệ thống tiền tệ Bretton Wood và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đang mất dần tính chính đáng". Ông Lula kêu gọi một sự đoàn kết, gia tăng các đòi hỏi về điều ông gọi là "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", hàm ý nói đến sự phát triển của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật sinh học.
Cũng theo Tổng thống Lula, thế giới đang chứng kiến hai cuộc chuyển đổi quan trọng: "Sự phát triển kỹ thuật số" và "chuyển đổi năng lượng". Và hai quá trình này "không thể được kiến tạo bởi một nhóm nhỏ các nền kinh tế giầu có, qua việc cho điều chỉnh mối quan hệ phụ thuộc giữa tâm lõi và vùng phụ cận".
WHO Kêu Gọi Trung Quốc Cung Cấp Thêm Thông Tin Xác Định Nguồn Gốc COVID
(Hình: Viện Virus học Vũ Hán.)
-Hôm 17/9/2023, tờ Financial Times đưa tin cho hay người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc của COVID-19 và sẵn sàng cử nhóm thứ hai đến điều tra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với tờ báo: "Chúng tôi đang thúc ép Trung Quốc cho tiếp cận toàn diện, và chúng tôi đang yêu cầu các nước nêu vấn đề này trong các cuộc gặp song phương – để thúc giục Bắc Kinh hợp tác".
Lời của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan y tế và các công ty dược phẩm trên khắp thế giới đang chạy đua cập nhật vắc-xin để ngăn ngừa các biến thể virus COVID mới.
Ông Ghebreyesus từ lâu đã thúc ép Trung Quốc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của COVID-19, nói rằng cho đến khi điều đó xảy ra, mọi giả thuyết vẫn cần lời giải pháp.
Loại virus này lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, và nhiều người nghi ngờ nó lây lan ở một chợ động vật sống trước khi lan ra khắp thế giới và giết chết gần 7 triệu người.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Vắng Mặt Hơn 2 Tuần Qua
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại một hội nghị về an ninh quốc tế ở Nga hôm 15/8/2023.)
-Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đột ngột không tham gia vào Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc dự định tổ chức hồi tuần trước vào khi có những câu hỏi về sự vắng mặt của ông trước công chúng suốt hơn hai tuần qua. Hãng tin Reuters trích dẫn 3 nguồn tin là các viên chức nắm rõ tình hình cho biết như vậy.
Theo dự kiến, ông Lý Thượng Phúc (65 tuổi) sẽ có mặt dự Giao lưu Quốc phòng Biên giới với phía Việt Nam vào ngày 7 và 8 tháng 9 nhưng Giao lưu đã bị hoãn lại sau khi phía Bắc Kinh thông báo với Hà Nội vài ngày trước đó rằng ông Bộ trưởng có vấn đề sức khoẻ. Thông tấn xã Reuters dẫn lời hai viên chức Việt Nam không nêu tên cho biết như vậy.
Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì trước câu hỏi của thông tấn xã Reuters về thông tin này. Thông tấn xã Reuters cho biết Tòa Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng chưa thể được tiếp cận vào tối ngày 14/9 để có lời bình luận gì.
Sự vắng mặt đột xuất của ông Lý Thượng Phúc xảy ra vào khi Trung Quốc đột ngột thay Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương hồi tháng bảy vừa qua sau nhiều ngày ông này vắng mặt trước công chúng và những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo Quân chủng phi đạn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Lý Thượng Phúc nhậm chức hồi tháng Ba vừa qua. Ông được giới ngoại giao và các nhà quan sát theo dõi rất kỹ vì cũng giống như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, ông là một trong năm Uỷ viên Quốc vụ viện, một vị trí cao hơn cả vị trí Bộ trưởng.
Một viên chức Mỹ giấu tên cho thông tấn xã Reuters biết, Hoa Thịnh Ðốn biết được việc các cuộc gặp của ông Lý Thượng Phúc với Việt Nam bị huỷ bỏ.
Lần cuối cùng ông Lý Thượng Phúc được nhìn thấy là vào ngày 29/8 khi ông có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn an ninh với các nước Phi Châu. Trước đó ông có cuộc gặp cấp cao với phía Nga và Belarus.
Trung Quốc Gửi Phó Chủ Tịch Hàn Chính Đến Dự Phiên Họp của Liên Hiệp Quốc, Khả Năng Về Chuyến Thăm Mỹ của Tập Cận Bình
(Hình: Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính dự cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh James Cleverly tại Bắc Kinh hôm 30/8/2023.)
-Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Hàn Chính sẽ tham dự phiên họp sắp tới của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York thay Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, dấu hiệu cho thấy về khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp sang thăm Mỹ và gặp Tổng thống Joe Biden.
Trang tin The South China Morning Post hôm 15/9 cho biết phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 15/9 đã xác nhận thông tin ông Hàn Chính sẽ dự họp ở Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/9 tới.
Theo bà Mao Ninh, ông Hàn Chính sẽ dự các cuộc thảo luận ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ thăm Mạc Tư Khoa vào ngày 18/9 tới và gặp người đồng nhiệm Sergey Lavrov.
Việc ông Vương Nghị sang Nga trong khi ông Hàn Chính sang dự cuộc họp của UN thay cho ông Vương Nghị đã làm dấy lên một số câu hỏi, theo The South China Morning Post.
Vị trí Phó Chủ tịch nước của ông Hàn Chính chủ yếu chỉ mang tính hình thức, thường là để đại diện cho Trung Quốc tại các buổi lễ và sự kiện quốc tế, tiếp khách ngoại quốc đến Trung Quốc.
Theo Hiến pháp Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước có nhiệm vụ giúp cho công việc của Chủ tịch nước và thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch nước giao phó.
Vì vậy, theo The South China Morning Post, chuyến thăm của ông Hàn Chính đến Hoa Kỳ có thể là một phần trong nỗ lực chuẩn bị cho việc Chủ tịch Tập Cận Bình sang dự Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tháng 11 tới và có khả năng là cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Thượng đỉnh.
Hoa Kỳ: Tư pháp Tiểu Bang California Đòi 5 Đại Tập Đoàn Dầu Mỏ Bồi Thường
(Ảnh: Logo 5 tập đoàn dầu khi thuộc diện lớn nhất trong đó có BP, Chevron, Exxon Mobil và Shell bị kiện tại California.)
-Cuộc chiến vì công lý khí hậu toàn cầu có thêm một diễn biến mới đáng chú ý. Ngày 15/9/2023, Tư pháp tiểu bang California, Hoa Kỳ, khởi kiện 5 đại tập đoàn dầu mỏ Exxon, Shell, BP, Chevron và ConocoPhillips. Theo New York Times, các tập đoàn bị cáo buộc gây thiệt hại hàng chục tỉ Mỹ kim, khi gây ra biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, đã có 7 tiểu bang nước Mỹ và hàng chục thành phố đệ đơn kiện các công ty sản xuất dầu khí, than đá đòi công lý khí hậu, nhưng vụ kiện của tiểu bang California, đông dân nhất nước Mỹ, được coi là vụ quan trọng nhất. Tường trình của thông tín viên Thomas Harms của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Houston (tiểu bang Texas):
"Đây là vụ kiện mới nhất, nhưng cũng là vụ kiện quan trọng nhất chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ. Chưởng lý California cáo buộc các tập đoàn này đóng một vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu, dẫn đến khủng hoảng hiện nay. Bang do phe Dân chủ cầm quyền hy vọng lập ra một quỹ bồi thường, mà ngành dầu khí phải chịu trách nhiệm trả tiền, để bồi thường cho các việc khắc phục các thiệt hại trong tương lai do biến đổi khí hậu tại California.
Bên khiếu kiện khẳng định là từ những năm 1950, các doanh nghiệp ngành dầu mỏ, và các thế lực vận động hành lang hậu thuẫn họ, đã đưa ra các tuyên truyền dối trá về các sản phẩm của mình, trong khi họ biết rõ là dầu mỏ gây ra các hậu quả tiêu cực, làm hâm nóng Trái đất. Cũng theo bên khiếu kiện, từ vài năm nay, các doanh nghiệp nói đến các cam kết cắt giảm khí thải, nhưng họ chỉ đầu tư các khoản tiền tối thiếu cho năng lượng tái tạo.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối kháng nghị Phúc thẩm của các công ty dầu mỏ, yêu cầu việc xét xử diễn ra trong khuôn khổ Tư pháp cấp liên bang. Đối với viện American Petroleum Institute, các cáo buộc pháp lý nói trên là "hoàn toàn không có cơ sở, và đang bị chính trị hóa với mục tiêu chống lại một trụ cột của nền công nghiệp Mỹ" (viện American Petroleum Institute, được coi là một trong các lobby hùng mạnh của ngành dầu khí).
Trong những năm gần đây, California nằm ở tuyến đầu cuộc khủng hoảng khí hậu với những đợt cháy rừng, bão tố nghiêm trọng, lũ lụt, khô hạn và nhiệt độ cao, phá hết kỷ lục này đến lục khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lý Thượng Phúc “ngã ngựa”, khai ra 8 tướng khác
(Trí Đạt)
(Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.)
-Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang rối ren bất an, các vụ bắt giữ xảy ra khắp nơi. Sau khi thông tin về lãnh đạo Quân chủng tên lửa và hai bộ trưởng quốc phòng được lan truyền, Epoch Times đã nhận được tin từ nhiều kênh rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã bị bắt và khai ra 8 lãnh đạo của hệ thống trang thiết bị quân đội, hiện nội bộ quân đội đang trong trạng thái ai cũng sợ hãi. Ông Tập Cận Bình không tin tưởng tướng lĩnh, tướng lĩnh cũng cảm thấy “đi cùng Tập như đi cùng hổ”.
Nguồn tin: Ông Lý Thượng Phúc bị bắt, khai ra 8 tướng lĩnh
Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), một người làm truyền thông bên ngoài Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng tin tức mới nhất là ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt vào ngày 1/9. Sau khi bị bắt, ông đã bị quản lý và nhiều quan chức quân sự ở các chức vụ quan trọng cũng bị bắt. “Cục Phát triển Trang bị của Quân ủy đã bắt giữ tổng cộng 8 người, trong đó có 6 người là cán bộ quân sự cấp phó bộ, còn có 2 người là cán bộ cấp cục, cả 8 người đều do chính ông Lý Thượng Phúc chỉ điểm và xác nhận.”
“Hiện tại (trong quân đội) ai cũng đều trong trạng thái sợ hãi vì hành động (bắt giữ) này diễn ra quá nhanh”.
Nguồn tin cho rằng theo quan điểm của mình, ông Lý Thượng Phúc có ý định mưu phản: “Nhiều tầng lớp đỏ thế hệ thứ hai trong đảng hoàn toàn chống Tập, và có một bộ phận lớn người hoàn toàn không hài lòng với Tập”.
Một phóng viên của Epoch Times đã gửi email tới Bộ Quốc phòng ĐCSTQ yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được phản hồi.
Tin tức từ Reuters hôm 15/9 cũng đã gián tiếp tiếp xác minh nguồn tin từ phía Epoch Times. Theo báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người đã mất tích hơn 2 tuần, đã bị chính quyền ĐCSTQ điều tra. Một quan chức an ninh khu vực và ba người có liên hệ trực tiếp với quân đội ĐCSTQ tiết lộ rằng cuộc điều tra đối với ông Lý Thượng Phúc có liên quan đến việc mua sắm thiết bị quân sự.
Theo hai người có liên hệ trực tiếp với quân đội tiết lộ, 8 quan chức cấp cao trong cơ quan mua sắm quân sự Trung Quốc do ông Lý Thượng Phúc đứng đầu từ năm 2017 đến 2022 cũng đang bị điều tra. Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết, một cuộc điều tra đối với ông Lý Thượng Phúc (người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3) và 8 quan chức đang được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật quân đội tiến hành.
Đồng thời, trên Internet cũng có tin đồn rằng danh sách các quan chức quân đội của Bộ tổng cục trang bị quân đội bị bắt, bao gồm quan chức họ Hạ, họ Nhiêu, quan chức họ Hoàng (là giám đốc trung tâm dự án), cục trưởng 2 cục khoa học và đánh giá, chủ nhiệm Văn phòng 921, chủ nhiệm họ Hác của Văn phòng Hàng không vũ trụ thuộc Bộ tổng trang bị quân sự.
Tờ Epoch Times cho biết họ đang xác minh độ tin cậy của danh sách này.
Về tuyên bố rằng “cuộc điều tra liên quan đến việc mua sắm vũ khí” này, ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận và cây bút độc lập, đã phân tích với tờ Epoch Times hôm 15/9, “Tồn tại tham nhũng là điều tất nhiên trong quá trình quan chức chứng nhận các dự án và phân bổ vốn thông qua Bộ tổng trang bị; trong khi các quan chức thường chỉ báo tin tốt không báo tin xấu cho cấp trên, nên mới có thể lấy nhiều tiền hơn, có 30% thực sự được sử dụng trong các dự án thì đã là rất tốt, phần còn lại đều sẽ bị tham ô mất.”
Tuy nhiên, ông Thái Thận Khôn cho rằng, “Chắc chắn không phải là một cuộc chống tham nhũng đơn thuần. Chống tham nhũng chỉ là một con át chủ bài dùng triệt hạ những người bất đồng với mình, mục đích thực sự thì vẫn là nhắm vào những người có lòng tạo phản, hoặc những người không tuyệt đối trung thành với ông ta.”
Sự “mất tích” của ông Lý Thượng Phúc thu hút sự chú ý của quốc tế
Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ĐCSTQ Lý Thượng Phúc “mất tích” ngày càng thu hút sự chú ý. Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông là vào ngày 29/8 khi ông tham dự phiên họp toàn thể của “Diễn đàn an ninh và hòa bình Trung Quốc – Châu Phi” lần thứ 3 tại Bắc Kinh và có bài phát biểu, sau đó không thấy ông lộ diện.
Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản
Sáng ngày 15/9, ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã đăng bài đăng trên X (trước đây là Twitter) chế nhạo ông Lý Thượng Phúc: “Như Shakespeare đã viết trong Hamlet, ‘Có gì đó đang thối rữa ở Đan Mạch’. Thứ nhất: Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã 3 tuần không có thông tin gì. Thứ hai: Ông ấy không xuất hiện trong chuyến đi Việt Nam. Bây giờ: Ông ấy vắng mặt trong cuộc gặp đã lên lịch với Tư lệnh Hải quân Singapore, bởi vì ông ấy đang bị giam lỏng???… Ở đó sẽ biến thành chật chội. Tin tốt là tôi nghe nói ông ấy đã trả hết khoản thế chấp cho Công ty phát triển bất động sản Country Garden.”
Rahm Emanuel cũng từng viết trên mạng xã hội ngày 8/9: “Nội các của Chủ tịch Tập bây giờ giống như cuốn tiểu thuyết “And Then There Were None” (Và rồi chẳng còn ai) của Agatha Christie. Đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương biến mất, sau đó là chỉ huy Quân chủng Tên lửa mất tích, và bây giờ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không lộ diện công khai trong hai tuần. Ai sẽ chiến thắng trong cuộc thi thất nghiệp này? Giới trẻ Trung Quốc hay nội các của Tập Cận Bình?”
Ngày 15/9, Reuters đưa tin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh đã hồi đáp về câu hỏi ông Lý Thượng Phúc, nói rằng bà ấy không biết về vấn đề này.
Trước khi đảm nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3, ông Lý Thượng Phúc đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị trong gần 5 năm.
Vào ngày 26/7 năm nay, Quân ủy ĐCSTQ đã đưa ra thông báo yêu cầu các nhân sự có liên quan phải báo cáo các manh mối tham nhũng trong các cuộc đấu thầu mua sắm vũ khí kể từ tháng 10/2017. Thời gian điều tra ngược bắt đầu từ lúc ông Lý Thượng Phúc kế nhiệm ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) làm Bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị Quân ủy Trung ương vào tháng 9/2017.
Phân tích: Ông Tập không tin ai và chuyện lớn sẽ xảy ra trên chính trường năm nay
Ông Triệu Lan Kiện nói với Epoch Times vào ngày 15/9 rằng từ sự việc của ông Lý Thượng Phúc, mọi người có thể thấy sự hỗn loạn trong quân đội của ĐCSTQ, nhưng cũng có thể có một số tướng lĩnh quân sự cấp cao đã nhìn thấy tình trạng khó khăn hiện tại của ĐCSTQ và muốn thay đổi, và họ có thể có một số động thái. Khi đó người cầm quyền rất có thể cảm thấy chính quyền và quyền lực của mình bị đe dọa nên bắt đầu đấu tranh nội bộ nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị dưới danh nghĩa chống tham nhũng.
Ông Thái Thận Khôn cho rằng kể từ cuộc binh biến của ông Prigozhin ở Nga, ông Tập Cận Bình hiện đang đề phòng nghiêm ngặt đối với quân đội, đặc biệt là những tướng lĩnh cấp cao.
“Ông ấy (Tập Cận Bình) đã đắc tội với toàn bộ quân đội, đắc tội với tầng cao của hệ thống chính trị và các quan chức chính trị, cho nên ông ấy biết rằng mình bị kẻ thù tứ phía bao vây. Trong tình huống như vậy, ông ấy đa nghi và ngờ vực vô căn cứ, và bất kỳ loại tâm lý nào cũng có thể sẽ xuất hiện. Chỉ cần một việc nào đó, tra đến gốc rễ thì những quan chức này sẽ có liên quan, hoặc là lòng trung thành của họ đối với ông ấy bị suy giảm nghiêm trọng, ông ấy sẽ dùng chống tham nhũng để điều tra.”
Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, sự tương tác của Bắc Kinh với Nga luôn làm dấy lên nghi ngờ trong cộng đồng quốc tế. Cuộc binh biến thất bại kéo dài một ngày của Tập đoàn Wagner tại Nga vào tháng 6 năm nay đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Nhiều nhà bình luận chỉ ra rằng thủ lĩnh cuộc binh biến, Prigozhin, là bạn thân tín của Putin trong nhiều thập kỷ, và Tập Cận Bình cũng có thể bất an về tình hình mình gặp phải ở Trung Nam Hải.
Ông Triệu Lan Kiện nói, “Nội tình của ĐCSTQ quá xấu xí, để ổn định lòng dân và ca ngợi cái gọi là hình ảnh vĩ đại, quang minh, chính xác của họ, họ phải che giấu nhiều hơn, thông tin mà họ công bố có thể chỉ là một chút.”
Ông Thái Thận Khôn cho rằng hiện tại có thể không chỉ ông Lý Thượng Phúc xảy ra chuyện, sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm ngoái, toàn bộ chính trường Trung Quốc vẫn là cảnh “tàn sát khốc liệt”, không có giây phút yên tĩnh nào cả.
“Bởi vì đối với ông Tập mà nói, xung quanh ông ấy không có ai có thể yên tâm. Ngoại trừ ông Thái Kỳ ra, thì ông Lý Cường và những người khác, trong đó có Vương Tiểu Hồng (Bộ trưởng Công an), người mà ông ấy từng khen ngợi trong quá khứ, tôi không nghĩ ông ấy có thể hoàn toàn yên tâm. Trong tình huống này, năm nay toàn chính trường sẽ liên tiếp xảy ra chuyện, rất có khả năng xảy ra chuyện lớn, còn về việc ai sẽ là người cười cuối cùng, chúng ta hãy cẩn thận xem kịch”.
Anh sắp cấm nuôi chó Bully sau các ca tấn công chết người!
(Ảnh: Chó pit bull.)
-Trước cuối năm nay, Anh sẽ cấm nuôi giống chó Bully Mỹ cỡ lớn, Thủ tướng Rishi Sunak loan báo ngày 15/9, sau khi có thêm một nạn nhân thiệt mạng tình nghi do bị loài chó ‘hầm hố, khổng lồ’ này tấn công hôm 14/9.
Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi một con Bully tấn công một bé gái 11 tuổi ở thành phố Birmingham.
Thủ tướng Sunak nói ông “chia sẻ nỗi kinh hoàng của cả nước” liên quan đến hàng loạt các trường hợp bị chó tấn công.
Ông Sunak nhấn mạnh: “Rõ ràng đây không phải là một vài con không được huấn luyện tốt, mà là một kiểu hành vi và điều này không thể tiếp tục”.
Ông cho biết một người đàn ông thiệt mạng hôm 14/9 ở miền trung nước Anh trong một cuộc tấn công liên quan đến một con chó tình nghi là giống Bully Mỹ cỡ lớn. Cảnh sát cho biết một người đàn ông bị bắt vì tình nghi tội ngộ sát.
Theo nhóm Bully Watch, tổ chức ủng hộ việc cấm bán, cấm nuôi chó Bully Mỹ cỡ lớn, thì giống chó này gây ra hơn phân nửa số vụ chó tấn công chết người ở Anh năm ngoái.
Nhóm Bully Watch cho biết giống chó này lai giống từ loài Pit Bull Mỹ và loài Staffordshire Mỹ và lần đầu tiên xuất hiện ở Anh “vào khoảng năm 2014 hoặc 2015”, với số lượng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Thủ tướng Anh ra lệnh cho cảnh sát và các chuyên gia ‘điểm danh’, xác định các con Bully cỡ lớn, bước đầu tiên mà ông nói trước khi hy vọng chúng có thể bị ‘cấm cửa’ vào cuối năm nay.
Một số tổ chức từ thiện bảo vệ động vật của Anh cho biết trong tuần này rằng lệnh cấm một số giống chó không phải là giải pháp.
Trong một tuyên bố chung, họ quy trách nhiệm cho “việc nhân giống, nuôi dưỡng và sở hữu chó một cách vô trách nhiệm” và nói rằng chính phủ thay vào đó nên tập trung vào “các quy định kiểm soát chó và thúc đẩy quyền sở hữu và huấn luyện chó có trách nhiệm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét