Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Người Việt Khắp Nơi Đã Rộn Ràng Đón Tết Trung Thu 2023! Và Kính Chuyển Tin Nóng Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Khắp Nơi Có Cộng Đồng Việt, Đều Đang Sửa Soạn Rộn Ràng Đón Tết Trung Thu 2023!-Theo truyền thống, Tết Trung thu được Mừng, tổ chức hằng năm vào ngày 15/08 (Rằm tháng 8) âm lịch. Trung thu năm nay 2023, rơi vào Thứ Sáu, ngày 29/09/2023 dương lịch. (Thứ Sáu tuần sau!) Tết Trung Thu còn có các tên gọi khác như Tết Thiếu nhi, Tết Nhi đồng, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên.
<!>

Trong nước, Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, được công nhận là “Tết thiếu nhi”, nên vào dịp này, trên đường phố người ta thường thấy rất nhiều đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ, đầu sư tư… đều là những món đồ chơi dành cho trẻ em.


Bên cạnh đó, Trung thu cũng là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Trong đêm Trung Thu người ta thường mua bánh, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau


Vào dịp lễ Trung thu, các trẻ con sẽ được nghe về sự tích Chị Hằng, Chú Cuội Cây Đa của Việt Nam. Cùng với đó, các con sẽ nô nức vui đùa, tham gia nhiều hoạt động trăng rằm, vui chơi như rước đèn, múa lân, nhận quà bánh,...Tuy nhiên, dịp Tết Trung thu còn là dịp để gia đình có thể quây quần bên nhau, trao yêu thương, cùng nhau có những phút giây hạnh phúc. Bởi vậy, trong dân gian mới truyền tai nhau “Trung Thu là Tết Đoàn Viên!”


Ngày xưa, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng và tiên đoán về mùa màng sắp tới cũng như vận mệnh quốc gia theo quan niệm của người xưa. Chẳng hạn, trăng tròn, sáng và có màu vàng thì năm đó ắt hẳn sẽ trúng mùa tằm tơ. Còn nếu trăng tròn, sáng và có màu xanh (hoặc lục) thì năm đó có thể sẽ xảy ra thiên tai. Hoặc nếu trăng tròn, sáng và có màu cam thì là dấu hiệu của một đất nước thịnh trị, người dân ấm no và hạnh phúc trong năm đó.


Ra Hải Ngoại, nơi nào có Cộng Đồng người Việt, đều có những sinh hoạt Mừng Tết Trung Thu rộn ràng, vui vẻ, không kém khi còn trên quê hương, Bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn, múa lân, đủ cả! không thiếu một thứ gì!



Lời Mời 2 Sinh Hoạt Mừng Tết Trung Thu 2023 Tại San Jose:


Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Bắc Cali:

Xin kính mời quý vị và các anh chị trên miền Bắc Cali, tham dự chương trình Hội Chợ Tết Trung Thu do CLB Tình Nghệ Sĩ chi nhánh Bắc Cali (San Jose), phối hợp với Hội Vietnamese American Organization tổ chức tại Lion Plaza vào Chủ Nhật, ngày 24 tháng 9, 2023 lúc 3:00 pm. Tham dự miễn phí!


Tưng Bừng Mừng Tết Trung Thu
Tại: Trung Tâm Văn Hóa Vietnamese & American
2072 Lucretia Ave, San Jose, Ca 95122
Thứ Bảy, 23 tháng 9/2023
Từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối

Với rất nhiều tiết mục dành cho trẻ em.
Vào cửa tự do! (xin xem thêm chi tiết trong flyer đính kèm).


Tin Việt Nam Hôm Nay

Sáng hôm qua, Thủ tướng CS Phạm Minh Chính đã đến San Francisco, Mỹ! Việc đầu tiên, là “ve vãn” tiếp xúc ngay với “Khúc ruột ngàn dặm!”

-Sáng 18-9 chuyên cơ chở Thủ tướng CS Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã đến San Francisco, bắt đầu 7 ngày công tác dày đặc hoạt động tại Mỹ.


Sau chuyến bay hơn 13 tiếng vượt Thái Bình Dương, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính đến sân bay San Francisco lúc 16h46 theo giờ địa phương.

Đón đoàn tại sân bay có đại diện chính quyền thành phố San Francisco, bang California. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn và một số cán bộ tổng lãnh sự quán cũng ra đón đoàn.

Mặc dù trải qua chuyến bay dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn dành sự quan tâm đến bà con Việt kiều ở Mỹ.

Theo lịch trình, ngay sau khi đến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dành hoạt động đầu tiên trong chuyến công tác lần này tại Mỹ, cho kiều bào để lắng nghe các chia sẻ, mong muốn của bà con.

Thủ tướng cũng sẽ gặp đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt kiều tại San Francisco một ngày sau đó.


San Francisco nằm ở bờ Tây của nước Mỹ, nổi tiếng với Cầu Cổng vàng. Thành phố thuộc bang California, là nơi có nhiều Việt kiều sinh sống, học tập và làm việc.

Chuyến công tác Mỹ lần này của Thủ tướng nhằm tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York nằm ở bờ Đông nước Mỹ, kết hợp các hoạt động song phương.

Trong 7 ngày ở Mỹ, Thủ tướng CS Phạm Minh Chính sẽ có một loạt hoạt động từ bờ Tây sang bờ Đông, ở San Francisco, New York và thủ đô Washington D.C.

Khu vực vùng vịnh San Franciso không chỉ là nhà của "Thung lũng Silicon", San jose mà còn là nơi đặt bản doanh của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

Dự kiến Thủ tướng sẽ dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ về công nghệ và đổi mới sáng tạo, thăm các tập đoàn lớn như NVIDIA, Meta, Synopsys tại San Francisco và tiếp một số lãnh đạo địa phương.

Chuyến công tác đến Mỹ diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden "có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm vừa qua", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định trong cuộc họp báo ngày 14-9.


Phạm Minh Chính đến San Francisco, không bỏ phí thời gian ‘ve vãn’ ngay cộng đồng người Việt tại đây! Xin mọi người , nhất là “cộng đồng người Việt tại Mỹ, đồng hành cùng đất nước!”
(NV)

– Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính đến San Francisco hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Chín và có buổi gặp gỡ “cộng đồng người Việt tại Mỹ” hôm 18 Tháng Chín, với lời lẽ ve vãn “đồng hành cùng đất nước” dù CSVN đàn áp nhân quyền ngày càng tệ hại.

Báo Điện Tử Chính Phủ của nhà cầm quyền CSVN tường thuật bằng những lời hoa mỹ rằng, ông Chính “gặp gỡ đại diện cộng đồng 2.2 triệu người Việt Nam tại Hoa Kỳ – một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ.”


(Hình: Ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính chào hỏi một số “đại biểu Việt kiều” Mỹ.)

Ông Chính “đề nghị bà con tiếp tục đồng hành cùng đất nước và đóng góp cho quan hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” mà CSVN mới ký với Mỹ khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội ngày 10 và 11 Tháng Chín vừa qua.

Các lãnh đạo CSVN khi đặt chân đến Mỹ luôn luôn chỉ được guồng máy tuyên truyền của chế độ đưa tin sau khi sự việc đã diễn ra để tránh bị biểu tình chống đối.

Ông Chính đến Mỹ để dự cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và nhân chuyến đi này, ông ta sẽ gặp một số dân cử, Phó Thổng Thống Kamala Harris, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan một số thành viên nội các của chính phủ Hoa Kỳ, theo bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).

Tại cuộc tiếp xúc kể trên, ông Chính tuyên truyền rằng năm 2022 Việt Nam “tăng trưởng trên 8%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên $732 tỉ”. Ông ta che giấu tình trạng khó khăn thật sự của nền kinh tế được giới chuyên viên quốc tế phân tích, mà tuyên truyền ngược lại là “trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế xã hội có nhiều điểm sáng trên các lãnh vực với xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.”

Như tất cả những lần quan chức cấp cao hay lãnh đạo chóp bu của chế độ tiếp xúc với “cử tri” ở trong nước, các “đại diện cộng đồng” người Việt ở Mỹ được đưa ra đều là những người không ai biết và được chọn lọc để phát biểu, đăng báo tuyên truyền. Họ không phải là những người mà cộng đồng người Việt tại Mỹ được biết qua các sinh hoạt tại địa phương.


Ông Chính được thuật lời ve vãn “khẳng định đảng, nhà nước luôn luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Hoa Kỳ nói riêng.”

Nó là những lời đường mật lâu nay từ khi có cái “Nghị Quyết 36” hai chục năm trước gọi Việt kiều là “bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.


Tuy nhiên, khi người Việt khắp nơi biểu tình đòi hỏi thả tù chính trị, bãi bỏ điều 4 Hiến Pháp giành độc quyền cai trị cho đảng CSVN, đòi trả lại các quyền tự do căn bản cho dân, thì “khúc ruột nghìn dặm” của bộ phận “không thể tách rời” bị chửi là lũ “phản động,” “thế lực thù địch,” “bám đít đế quốc để lấy bơ thừa sữa cặn.”

Khi ông Phạm Minh Chính tuyên truyền ở San Francisco, tại Hà Nội, Bùi Văn Cường, chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội “con dấu cao su” loan báo những người được quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được “lấy phiếu tín nhiệm” tại khóa họp cuối năm diễn ra từ 23 Tháng Mười tới đây. Ông Chính là một trong những người được phê chuẩn làm thủ tướng hồi năm 2021.


(Hình: Một số “đại biểu Việt kiều” được đưa ra phát biểu).

Kinh tế nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu 6.5% đề ra từ đầu năm, nhiều tai tiếng nhất là tai tiếng dính tham nhũng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ nhân công ty AIC, ông Phạm Minh Chính đang có nhiều nỗ lực trình diễn để khỏi bị phiếu “tín nhiệm thấp.” Những lời hô hào người Việt ở Mỹ “góp phần xây dựng quê hương” của ông không biết góp thêm được bao nhiêu tác dụng.

Trong thời gian ông Chính làm thủ tướng, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế tố cáo nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ, số ngưới bị bỏ tù nhiều hơn trước dù người ta chỉ sử dụng các quyền tự do được ghi rõ ràng trong bản hiến pháp của chế độ


Facebooker Hoàng Khương Bị Án 6 Năm 6 Tháng Theo Điều 331 - "Lợi Dụng Quyền Tự Do Dân Chủ"


(Hình: Ông Hoàng Khương tại tòa án ở Đồng Nai hôm 15/9/2023.)

-Vào ngày 15/9/2023, ông Hoàng Khương (41 tuổi) ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, bị tòa tuyên 6 năm 6 tháng tù với cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự CSVN.

Truyền thông nhà nước loan tin dẫn bản án do Hội đồng Xét xử Tòa Sơ thẩm huyện Thống Nhất tuyên cho ông Hoàng Khương như vừa nêu. Ông này bị cho đã sử dụng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, xúc phạm cá nhân, tổ chức.

Cáo trạng nêu rằng từ năm 2019 đến tháng 5/2023, ông Hoàng Khương dùng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook và Twitter đăng những thông tin như cáo buộc vừa nêu.

Tin không nêu rõ những thông tin nào mà ông Hoàng Khương đăng tài khoản Facebook và Twitter cá nhân sai sự thật, xuyên tạc chủ trương của đảng, Nhà nước; và những cá nhân, tổ chức nào bị xúc phạm.

Vào ngày 8/7 vừa qua, cũng tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, một người khác bị tuyên án 5 năm tù với cùng tội danh theo Điều 331 như ông Hoàng Khương là ông Hoàng Văn Vương.

Các tòa án ở Việt Nam thường sử dụng Điều 331 để kết án tù những người bất đồng chính kiến. Đây là điều luật đã bị quốc tế lên án là mù mờ và thúc giục Hà Nội phải xóa bỏ khỏi Bộ luật Hình sự. Theo thống kê của Ðài Á Châu Tự Do (RFA), từ đầu năm đến nay, có ít nhất 8 người đã bị kết án tù với điều luật này


Cơ Quan Chức Năng Tổng Kiểm Tra Sau Vụ Cháy Làm Chết 56 Người ở Hà Nội


(Hình: Chung cư mini ở Hà Nội bị cháy hôm 13/9/2023.)

-Ngày 15/9/2023, hai ngày sau vụ cháy chung cư khiến 56 cư dân chết, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổng kiểm tra loại hình nhà nhiều căn cho thuê (thường gọi là chung cư mini) và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thủ đô Việt Nam.

Truyền thông nhà nước loan tin ngày 15/9 dẫn kế hoạch ban hành; theo đó cơ quan chức năng sẽ tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn về phòng cháy-chữa cháy và cứu nạn đối với toàn bộ các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ….

Thống kê cho thấy trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini. Các quận tập trung nhiều nhất chung cư mini là Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ….

Sài Gòn có con số hơn gấp đôi Hà Nội là hơn 4.200 chung cư mini đang cho người thuê trọ.

Đối với loại hình nhà nhiều căn cho thuê được gọi là chung cư mini, Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, ông Hoàng Anh Tuấn, ngày 15/9 nói với mạng báo Tiền Phong rằng trên danh nghĩa pháp luật không có loại hình chung cư mini tồn tại; mà đây là một dạng "biến tướng".

Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật & Môi trường thuộc Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, cũng đồng tình với ông Hoàng Anh Tuấn, và nói thêm dù chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư; nhưng các chung cư mini lại vận hành hoàn toàn như một chung cư mà lại không được thiết kế an toàn cháy theo quy định.

Riêng chung cư mini bị cháy làm 56 người chết bị hàn kín như chuồng cọp.

Thực tế "chống trộm" như thế lại khiến khi phát hỏa, người gặp nạn không thể thoát thân.


EVN Kiểm Điểm Các Cá Nhân và Tập Thể Vì Để Thiếu Điện Trong Dịp Hè


(Hình: Đèn đường gần Nhà hát lớn ở Hà Nội bị cắt vì thiếu điện hôm 30/5/2023.)

-Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tiến hành kiểm điểm các cá nhân và tập thể, bao gồm Ban Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng Thành viên và lãnh đạo các công ty con trực thuộc của EVN vì đã để xảy ra tình trạng thiếu điện trong tháng 5 vừa qua gây đình trệ sản xuất ở nhiều khu công nghiệp trong nước.

Kết luận thanh tra của Bộ Công thương công bố hồi tháng 7 nhận định, EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023.

Trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu điện thường xuyên khiến một số khu công nghiệp bị luân phiên cắt điện, đèn công cộng tại Hà Nội phải ngừng thắp sáng. Nguyên nhân được xác định là do lượng điện tiêu thụ trong các tháng hè tăng cao trong khi thuỷ điện, một trong hai nguồn cung chính điện tại Việt Nam bị sụt giảm do hạn hán.

World Bank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua khoảng 1,4 tỉ Mỹ kim, tương đương 0,3% GDP.

EVN cho biết đã tổ chức hai hội nghị kiểm điểm để xem xét trách nhiệm liên quan do Hội đồng thành viên EVN và Tổng Giám đốc EVN chủ trì tổ chức.

Các đơn vị đã thực hiện kiểm điểm gồm: Tập thể Ban Giám đốc và Giám đốc các đơn vị trực thuộc Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Công ty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, một số tập thể lãnh đạo ban và trưởng ban EVN. Kiểm điểm, xem xét trách nhiệm với tập thể Hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc của các đơn vị. Bao gồm: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Phát điện 1; tập thể nhóm người đại diện phần vốn của EVN, lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2, 3.


Khởi Tố Nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Phú Yên Vì Sai Phạm Trong Quản Lý Đất Đai


(Hình: Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Đình Cự.)

-Vào ngày 14/9/2023, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đình Cự (sinh năm 1956) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên tống đạt quyết định khởi tố bị can vì những sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thoát hơn 10 tỉ đồng của Nhà nước.

Theo truyền thông nhà nước, những sai phạm của ông Cự xảy ra trong sự việc Công ty cổ phần Pymepharco được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Kinh doanh Dược, Mỹ phẩm-Dịch vụ Y tế Phú Yên từ năm 2005-2007, nhưng không triển khai thực hiện, mà chuyển nhượng đất để hưởng lợi.

Sự việc bắt đầu từ tháng 9/2007, khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thửa đất nêu trên có diện tích 1.183 mét vuông để giao cho Công ty cổ phần Pymepharco triển khai thực hiện dự án trong thời hạn 70 năm. Doanh nghiệp được ưu ái giao đất không thông qua đấu giá với số tiền gần 3,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi được cấp đất, Công ty cổ phần Pymepharco đã lần lượt thế chấp vay vốn ngân hàng, rồi góp vốn bằng giá trị đất với Công ty cổ phần Xuất-nhập cảng dược Phú Yên để kinh doanh.

Năm năm sau khi được cấp đất, Công ty cổ phần Pympharco vẫn không xây dựng hạng mục công trình nào trên miếng đất được giao. Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên đã có ăn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chấm dứt dự án nhưng ông Phạm Đình Cự - khi đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh - đã không chỉ đạo thực hiện; Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng không kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất của chủ đầu tư dự án để kiến nghị thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Không những thế, vào tháng 11/2012, ông Đỗ Duy Vinh, Giám đốc Sở Tài chánh vẫn ký văn bản tham mưu, đề xuất để ông Phạm Đình Cự ký thông báo cho phép công ty bán toàn bộ thửa đất tại dự án treo cho Ngân hàng Vietcombank với giá 16 tỉ đồng để tổ chức tín dụng này xây dựng trụ sở làm việc trong thời hạn 50 năm.

Cơ quan chức năng xác định ông Phạm Đình Cự hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí", gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 10,1 tỷ đồng.

Trong cùng vụ án, vào ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí" đối với ông Đỗ Duy Vinh (SN 1956, trú ở khu phố Chu Văn An, phường 5, thành phố Tuy Hòa), cựu Giám đốc Sở Tài chánh tỉnh Phú Yên.


Nhóm Học Viên Cai Nghiện Phản Đối Trại Cai Nghiện Tại Trà Vinh Bị Khởi Tố


(Hình: Công an bắt giam người tham gia phản đối ở Cơ sở Cai nghiện Ma túy tỉnh Trà Vinh.)

-Vào ngày 15/9/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thi hành lệnh khởi tố và bắt giam nhóm học viên cai nghiện bị cho "gây náo loạn" tại Cơ sở Cai nghiện Ma túy tỉnh Trà Vinh hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Các lệnh vừa nêu thực hiện theo quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, khởi tố vụ án hình sự về tội "chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự CSVN.

Truyền thông nhà nước loan tin nhắc lại sự việc vào ngày 30/8 khi 36 học viên tại Khu A thuộc cơ sở vừa nêu leo tường rào trốn ra ngoài. Số còn lại tại Khu A hò hét, đập phá, dùng gạch đá ném vào cán bộ quản lý học viên để ngăn cản việc truy bắt nhóm bỏ trốn. Những học viên tại Khu A còn kêu gọi học viên Khu B làm theo.

Tin cho biết sau đó có 25 học viên leo được ra ngoài để trốn đã bị Công an huyện Châu Thành và Cơ sở Cai nghiện truy bắt được và đưa về nhốt tại khu xử phạt kỷ luật. Lúc đó, các học viên Khu A tiếp tục hò két, một số dùng gạch đá ném về phía cán bộ, đập phá cửa sổ, cổng rào. Một học viên dùng bình chữa cháy dồn cán bộ ra khỏi Khu A; một số khác phá khóa phòng kỷ luật giúp 9 học viên tiếp tục thoát ra khỏi cơ sở.

Tình trạng học viên cai nghiện ma túy bỏ trốn từng nhiều lần xảy ra tại Việt Nam. Đơn cử vào tháng 11/2019, hơn 100 học viên tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh Tiền Giang trốn chạy trong giờ lao động; trước đó vào tháng 8/2018 cũng tại trung tâm này hơn 220 học viên bỏ trốn. Khi bị bắt lại họ nói do cưỡng bách lao động và đánh đập khi có sai phạm.

Vào tháng 10/2016, chừng 600 học viên tại Trại Cai nghiện Đồng Nai tràn ra ngoài gây hoảng loạn cho cư dân địa phương. Lý do trốn tập thể được cho biết vì trung tâm quá tải khiến điều kiện sinh hoạt tồi tệ.


Mỹ Rà Soát Thuế Chống Bán Phá Giá Với Ống Thép, Đinh và Lốp Xe Vận Tải Việt Nam


(Hình: Mỹ rà soát hành chính với đinh thép, ống thép và lốp xe vận tải hạng nhẹ của Việt Nam.)

-Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính đối với ba sản phẩm xuất cảng của Việt Nam gồm đinh thép, ống thép và lốp xe vận tải hạng nhẹ.

Đây vốn là 3 sản phẩm đang chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ.

Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương cho truyền thông hay tin trên trong ngày 15/9/2023.

Đại diện Cục Phòng vệ cho biết, theo quy định pháp luật của Mỹ, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất/xuất cảng có tên trong danh sách rà soát tại thông báo khởi xướng nhưng không có hoạt động xuất cảng trong thời kỳ rà soát, doanh nghiệp phải thông báo cho DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 11/10/2023).

Trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 16/10/2023), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các sự việc dựa trên lượng xuất cảng của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).

Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 10/12/2023).

DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 31/7/2024. Trong thời gian tới, DOC sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin để chọn nước tính giá trị thay thế cho Việt Nam, ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị và bản câu hỏi dành cho các bị đơn bắt buộc.

Mỹ là thị trường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất cảng của Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, Mỹ đã điều tra 52 sự việc phòng vệ thương mại đối với hàng Việt, chiếm khoảng 23% tổng số sự việc ngoại quốc điều tra với hàng xuất cảng của Việt Nam.


Mỹ Giảm Thuế Chống Bán Phá Giá Với Cá Tra Việt Nam


(Hình: Tại một doanh nghiệp xuất cảng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.)

-Mức thuế chống bán phá giá cá tra đông lạnh của Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ vừa được công bố giảm.

Theo đó, hai doanh nghiệp xuất cảng cá tra Việt Nam bị đơn bắt buộc gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và Công ty cổ phần Xuất-nhập cảng Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 Mỹ kim/kg và 0,14 Mỹ kim/kg.

Các bị đơn tự nguyện khác là Công ty cổ phần đầu tư-phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty cổ phần Hùng Vương cùng mức thuế 0,14 Mỹ kim/kg.

Trong ngày 15/9/2023, tạp chí Công thương loan tin trên, dẫn xác nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Thủy sản Việt Nam (VASEP) rằng thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022.

Cũng theo VASEP, mức thuế sơ bộ lần này giảm so với kết quả cuối cùng trước đó. Mức thuế chống bán phá giá hồi tháng 9/2022 được áp cho phần lớn doanh nghiệp Việt là 2,39 Mỹ kim/kg. Một số khác chịu mức thuế từ 0 đến 3,87 Mỹ kim/kg.

Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ, tức vào khoảng ngày 31/12/2023.

Giá xuất cảng cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ dao động ở mức 2,97-3,45 Mỹ kim/kg trong 6 tháng đầu năm 2023. Việt Nam xuất cảng chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Hoa Kỳ.

Tính đến giữa tháng 8 năm 2023, xuất cảng cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu Mỹ kim, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP cho biết nhóm 3 doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về xuất cảng cá tra sang Mỹ bao gồm: Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông, Vạn Đức Tiền Giang chiếm tỷ trọng giá trị lần lượt là 51%, 18%, và 11%.

Tuy nhiên, VASEP cho rằng nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đang ấm dần lên. Kết quả sau đợt thanh tra của Mỹ giúp tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất cảng trong thời gian tới.

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất cảng cá tra lớn thứ hai của Việt Nam với tỷ trọng 22%, sau Trung Quốc.


Tin Cộng Ðồng

Hàn Gắn Vết Thương Chiến Tranh: Cơ Chế Khác Biệt Khiến Không Ai Tìm Hài Cốt Binh Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Mất Tích


Hình: Phiên toàn thể ở Hội nghị về hòa giải và di sản chiến tranh tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ hôm 13/9/2023.)

-Hôm 13 và 14/9/2023, Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một cơ quan trực thuộc Quốc hội Mỹ, tổ chức hội nghị "Đối thoại về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam" lần hai. Nhân dịp này, Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, Giám đốc Chương trình Hòa giải và Di sản Chiến tranh Việt Nam tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, về các hoạt động của Viện cũng như của hai phía Việt Mỹ trong vấn đề này.

RFA: Xin ông cho biết tại sao sau gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc thì đến gần đây Viện Hòa bình Hoa Kỳ mới có chương trình về hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam?

Andrew Wells-Dang: Trước hết tôi xin giới thiệu về Viện Hòa bình Hoa Kỳ. Viện được thành lập năm 1984. Trong những người thành lập Viện, có nhiều người là các cựu chiến binh lúc đó đang là Nghị sĩ Quốc hội. Họ nghĩ là Mỹ nên có một Bộ sau đó chuyển thành Viện, tập trung vào việc xây dựng hòa bình, phòng chống và giảm nhẹ các xung đột bạo lực trên thế giới.

Viện đã làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau ở các lĩnh vực liên quan đến chiến tranh trên thế giới. Ở Á Châu thì khoảng 20 năm gần đây, Viện tập trung vào khu vực Nam Á như A Phú Hãn. Nhưng mấy năm gần đây thì Viện đi về phía Đông nhiều hơn, quan tâm đến Ấn Độ-Thái Bình Dương nhiều hơn, trong đó có Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Việt Nam.

Chương trình mà tôi đang làm là về sự hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh trong cuộc chiến Đông Dương, gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt nhưng chủ yếu là Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu từ 2021, đến giờ đã hai năm. Quốc hội Mỹ đã từng góp ý là Viện Hòa Bình nên có một chương trình như vậy. Hội thảo đầu tiên về Việt Nam diễn ra vào năm 2019. Đến năm 2021 thì tôi mới chuyển đến làm việc ở vị trí này.

Đúng thực ra chỉ sau một thời gian dài thì Viện Hòa bình Hoa Kỳ mới vào cuộc về vấn đề hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh của cuộc chiến Việt Nam. Nhưng điều đó cũng hợp lý vì gần đây mới có nhiều cơ hội cho việc đó.

Hai năm gần đây, Mỹ có chương trình hỗ trợ tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Trong cuộc thảo luận bàn tròn tại USIP hôm 14 tháng 9 thì có rất nhiều thảo luận về chương trình đó cũng như về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Quan điểm của phía Mỹ cũng như của Viện Hòa bình Hoa Kỳ là chúng ta cần tìm kiếm tất cả mọi người đã mất tích trong chiến tranh, gồm cả những người lính và người dân thuộc tất cả các phía khác nhau trong cuộc chiến.

Có rất nhiều thách thức về kỹ thuật, thông tin, chính trị cần giải quyết để thực hiện điều đó. Phải làm nhanh vì nếu không làm nhanh thì mất hết các nhân chứng và nhất là thời tiết có thể làm mất hết hài cốt của những người mất tích. Đó là một ví dụ về những chương trình mà Viện Hòa bình Hoa Kỳ có tham gia như là một đối tác, góp phần giúp cả Mỹ và Việt Nam tìm kiếm người mất tích.

Ngoài ra, những hậu quả chiến tranh khác, như rà soát bom mìn còn sót lại, thì hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam cũng đang tăng lên.

Gần đây nhất, chuyến thăm của Tổng thống Biden để thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam tạo ra những cơ hội mới. Đây là kết quả của rất nhiều năm người dân ở Mỹ và Việt Nam hợp tác và làm bạn với nhau. Sau này chính phủ hai bên mới vào cuộc. Nếu đặt câu hỏi những người Mỹ và người Việt này là ai thì có thể trả lời rằng trước tiên đó là cựu cựu chiến binh. Họ thực sự có vai trò quan trọng. Những người Việt ở Mỹ cũng rất quan trọng. Họ là những người có người thân, gia đình, họ hàng ở Việt Nam. Họ thường xuyên về Việt Nam, hiểu tình trạng ở Việt Nam. Và nhóm người thế hệ hai sinh ra ở Mỹ. Họ là những người có năng lực rất lớn. Ngoài ra còn phải kể đến sinh viên Việt Nam sinh ra sau chiến tranh và du học ở Mỹ.

RFA: Xin ông cho biết những khó khăn tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh.

Andrew Wells-Dang: Khó khăn về thời gian thì tôi đã nói rồi. Càng để lâu càng khó tìm. Về kĩ thuật thì vấn đề như sau. Số lượng lính Mỹ mất tích ở Việt Nam khoảng 2.000 người. Khi tìm được một hài cốt người Mỹ để phân tích DNA thì chúng ta biết chắc họ thuộc về một trong số khoảng 2.000 người đó. Nhưng nếu tìm được hài cốt người Việt Nam thì vấn đề sẽ khác. Không ai biết số lượng cụ thể là gì.

Chính phủ Việt Nam nói họ có khoảng 200 ngàn binh sĩ mất tích. Nhưng con số này chưa bao gồm các nhóm khác như người dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu tính hết tất cả mọi người đã mất tích thì chắc chắn con số sẽ nhiều hơn. Nếu muốn sử dụng kỹ thuật DNA để xác định danh tính của những bộ hài cốt tìm được thì cần tạo ra một ngân hàng dữ liệu DNA vô cùng lớn. Cần tất cả gia đình Việt Nam có thân nhân mất tích trong chiến tranh hiến tặng mẫu DNA để làm điều đó. Đó là mới nói đến những gia đình ở Việt Nam, chưa nói đến gia đình người Việt ở ngoại quốc. Có thể Chính phủ Việt Nam làm được, nhưng họ có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và truyền thông.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong hệ thống nhà nước Việt Nam và Mỹ. Do cấu trúc bộ máy nhà nước hai bên khác nhau nên rất khó làm việc cùng nhau, vì phải xác định đúng ai nói với ai. Ví dụ ở Việt Nam, có thể cơ quan này phải xin phép cơ quan kia. Và ở đâu cũng có yếu tố cá nhân cả. Nếu có những người rất giỏi để kết nối được tất cả các bên thì có thể làm được rất nhiều việc. Nhưng nếu có người sợ hoặc không muốn làm thì việc khó trôi chảy.

RFA: Ông nói rằng Hoa Kỳ và Viện Hòa bình Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm tìm hài cốt của người mất tích thuộc tất cả các bên đã liên quan tới cuộc chiến. Quan điểm đó có được phía Việt Nam chia sẻ hay không?

Andrew Wells-Dang: Ở Mỹ thì có thể nói tất cả chúng tôi đều chia sẻ quan điểm đó. Tôi không muốn nói thay cho phía Việt Nam. Nhưng có thể nói ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau.

RFA: Đó có phải là vấn đề còn "nhạy cảm" ở Việt Nam hay còn lý do nào khác không?

Andrew Wells-Dang: Có thể hiểu là vấn đề đó vẫn còn vô cùng lớn với Việt Nam. Thứ hai là thông tin thật về cuộc chiến đó vẫn chưa được phổ biến. Dù cuộc chiến đã kết thúc, rất nhiều năm đã qua nhưng vẫn còn trở ngại đó.

Thường thì nguồn lực ở Việt Nam rất hạn chế. Khi nguồn lực hạn chế đó thì vấn đề của chính phủ là xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng nguồn lực đó. Họ phải xác định nguồn lực hạn chế của nhà nước nên được chi vào chỗ nào. Ví dụ nhà nước Việt Nam có chế độ hỗ trợ cho "những người có công với cách mạng" chẳng hạn. Mặc dù trong xã hội, các nhóm khác cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe, khuyết tật, nhưng không nằm trong nhóm "những người có công với cách mạng". Nhưng xét từ cách ra quyết định của nhà nước thì họ chỉ có nguồn lực để làm chỉ được một phần, không làm được hết thì mình chỉ nên ưu tiên cho một số nhóm nhất định trước. Nếu Mỹ hay các nước khác có nguồn lực giúp thêm các nhóm khác thì đó lại là câu chuyện khác.

Tôi muốn nói thêm một ý về bên Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh. Đây là những người Việt Nam. Theo tôi, sau khi Việt Nam thống nhất thì chính phủ Việt Nam nên có trách nhiệm cho tất cả công dân Việt Nam. Cho dù họ sống ở đâu, làm gì trước 1975 thì họ đều là công dân Việt Nam. Đó là cách nhìn cá nhân của tôi. Nhưng phía Việt Nam có quan điểm khác là những người Việt Nam Cộng Hòa là đồng minh của Mỹ thì Mỹ cần có trách nhiệm với họ chứ không phải Việt Nam. Thực ra quan điểm này có cái lý của nó chứ phải không.

RFA: Nhưng về mặt cơ chế thì rất khó để có một cơ quan nào đó trong Chính phủ Mỹ làm nhiệm vụ tìm người Việt Nam mất tích.

Andrew Wells-Dang: Đúng. Cơ quan DPAA của Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ tìm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh chứ họ không thể tìm người Việt Nam hay đồng minh khác bị mất tích. Cho nên vấn đề được nêu ra như thế thì vô cùng lớn để có thể giải quyết. Đó là một ví dụ cho thấy không chỉ là cơ chế ở Việt Nam mà ở Mỹ cũng là một vấn đề.


Họ Là Người Việt Tị Nạn Chiến Tranh Thế Kỷ 21. Đây Là Cuộc Sống của Họ.
(Hoàng Long)


(Sống để hy vọng: Câu chuyện sinh tồn của người Việt tị nạn chiến tranh Ukraine.)

-Có những ngày chị Hoàng Thị Túc muốn buông xuôi vì mệt mỏi. Ở Đức, mọi thứ rất khác so với những gì chị từng quen thuộc ở Ukraine, quê hương thứ hai của chị.

Cuộc sống sung túc của chị ở Kharkiv không còn nữa và không biết đến bao giờ chị mới có thể tìm lại được. Ít nhất chị và ba đứa con tìm được một nơi an toàn để nương náu tại Bá Linh.

Vì tương lai của các con, chị tiếp tục gắng gượng từng bước xây dựng lại cuộc đời. "Nếu mà mình kệ thì ai sẽ dắt tay con mình đi tiếp đây?" chị tự nhủ.

Đó cũng là động lực giúp anh Nguyễn Hữu Thuật nhanh chóng ổn định cuộc sống ở Munich. Anh rời Kharkiv đến đây vào tháng 3 năm 2022.

Anh chấp nhận từ bỏ công việc văn phòng chuyển sang lao động chân tay để mưu sinh hàng ngày – vì tương lai của con gái.

"Khi sang bên Đức này mình thấy nền giáo dục của Đức quá là ưu việt, quá là tốt, mà bây giờ con gái sang học được một môi trường như vậy là không gì bằng", anh nói. "Cho nên là nếu mà làm bất cứ việc gì mà để con gái học được trường tốt ở Đức thì mọi thứ tự nhiên nó nhẹ nhàng hết".


(Hình; Anh Nguyễn Hữu Thuật hiện đang tị nạn chiến tranh Ukraine tại thành phố Munich ở Đức.)

Chị Túc và anh Thuật là một trong số những người Việt Nam tị nạn chiến tranh mà VOA có dịp trò chuyện khi chúng tôi đến Âu Châu mùa Hè vừa qua để thực hiện phóng sự.

Cuộc xâm lược của Nga đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của những người Việt định cư lâu năm ở Ukraine, nếu không phải là phá tan. Hơn một năm sau khi chạy sang các nước Âu Châu lánh nạn, nhiều người vẫn đang nỗ lực bắt đầu lại từ con số không và chật vật thích nghi với cuộc sống mới.

Đó là một quá trình đầy cam go và thử thách. Dù vậy họ chấp nhận đương đầu thay vì trở về Việt Nam.


Một Người Phụ Nữ Gốc Việt Bị Khởi Tố Vì Tham Gia Vụ Bạo Loạn Tấn Công Điện Capitol


(Ảnh: Các Công tố viên liên bang Hoa Kỳ dẫn hình ảnh video cho thấy cô Nhi Ngoc Mai Le tham gia vụ tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.)

=Một người phụ nữ gốc Việt ở tiểu bang Illinois của Mỹ vừa bị nhà chức trách liên bang khởi tố vì tham gia vụ bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, làm gián đoạn việc việc chứng nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Nhi Ngoc Mai Le (26 tuổi) bị bắt vào ngày 8/9/2023 về cáo buộc xâm nhập trái phép tòa nhà bị hạn chế, có hành vi gây mất trật tự và gây rối cũng như "diễu hành, thị uy hoặc biểu tình trong tòa nhà Điện Capitol", theo hồ sơ khởi tố liên bang.

Các cáo buộc được đệ trình sau khi có tin mật báo nặc danh gửi tới Trung tâm Hoạt động Đe dọa Quốc gia của Cục Điều tra Liên bang (FBI) lưu ý nhà chức trách về Facebook của cô Lê.

Ban đầu cô phủ nhận tham gia xâm nhập Điện Capitol Hoa Kỳ, trong khi một phiên họp chung của hai viện Quốc hội đang chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, dù cô thừa nhận đã tham dự một cuộc biểu tình "Stop the Steal" ủng hộ Tổng thống Donald Trump vài tiếng đồng hồ trước đó.

Sau đó, cô thừa nhận đã xâm nhập Điện Capitol sau khi được cho xem chính những nội dung mà cô đăng lên Facebook và những tin nhắn của cô, nhà chức trách liên bang cho biết.

Trong một bài đăng trên Facebook ngày 4 tháng 1 năm 2021, cô so sánh việc những người ủng hộ ông Trump ở Mỹ tụ tập biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử mà trong đó ông thất cử, giống như việc người dân ở Việt Nam xuống đường biểu tình "chống đặc khu, bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa" và bị nhà chức trách "đánh đập".

"Nhưng giờ đây sự việc tương tự đang xảy ra tại Hoa Kỳ, thiên đường và là quê hương thứ 2 của mình. Một đất nước tự do đang bị tấn công bởi những thế lực ngầm", cô nói trong bài đăng.

"Hiện giờ chỉ góp một phần nhỏ, làm những điều tối thiểu mình có thể làm để cứu nước Mỹ. Tiền có thể kiếm lại, nhưng những giây phút như thế này chỉ có một lần trong đời thôi. Chiến đấu tới cùng - tự do hoặc chết".

Hồ sơ khởi tố dẫn ra những đoạn video từ Điện Capitol Hoa Kỳ cho thấy cô Lê ngồi trên tay vịn bên ngoài tòa nhà và kêu gọi những người bạo loạn tiến vào Điện Capitol. Sau đó cô được nhìn thấy bên trong tòa nhà.


Hồ sơ cũng nêu chi tiết các tin nhắn và video trên Facebook được gửi giữa cô và những người khác, trong đó cô nói là cô đã trèo tường để vào Điện Capitol, đi vào bên trong tòa nhà và bị xịt hơi cay. Theo hồ sơ, những video mà cô gửi trong cuộc trò chuyện cho thấy cô đang ở bên trong Điện Capitol.

Đài truyền hình địa phương ABC 7 ở Chicago cho biết khi phóng viên của họ liên lạc với cô hôm 13/9, cô nói cô không biết gì về vụ án hình sự nhắm vào mình, dù thứ Sáu tuần trước cô đã bị bắt.

Một Luật sư biện hộ công chúng liên bang được phân công thụ lý vụ án của cô không phản hồi email của ABC 7 yêu cầu bình luận.

Hồ sơ đăng ký cấp tiểu bang cho thấy cô Lê quản lý một tiệm làm móng ở Aurora nằm ở khu vực ngoại ô Chicago, theo ABC 7.

Sau sự kiện 6/1/2021, cô được nhập quốc tịch Mỹ, theo những hình ảnh mà cô đăng tải trên Facebook của mình vào ngày 3 tháng 12 năm 2021, ABC 7 cho biết.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cô Lê là một trong số hơn 1.146 bị cáo đã bị buộc tội liên quan đến vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Hơn 525 người đã tuyên có tội và hơn 65 người đã bị kết tội, bộ cho biết

Phiên tòa đầu tiên của cô qua video dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 trước Thẩm phán Sơ thẩm Robin Meriweather của khu vực thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.

Không có nhận xét nào: