Thường thì tôi thích làm thơ hơn viết văn dù là ở dạng nào nhưng mới đây tôi có đọc vài bài Thơ (Thực ra là Ca Dao) của các diễn đàn và người viết gần như lại không biết nhiều về lãnh vực này. Khi đọc làm tôi nhớ lại những môn được học thời học sư phạm văn trong đó có môn Văn Học Việt Nam (Văn học sử dưới nhiều thể loại qua nhiều giai đoạn). Có một phần của môn học này tôi không thể nào quên đó là Ca Dao. Tôi nhớ cả cái ánh mắt giương lên cười rất dí dỏm của giáo sư khi nói về nghệ thuật nói giảm trong ca dao khi cô nhấn mạnh "Cưới em chỉ cánh con gà..." Hôm nay tôi muốn nhớ lại, muốn tìm hiểu, muốn sưu tầm thêm về...Nghệ Thuật Thơ Đa Dạng Trong Ca Dao Việt Nam.
<!>
Trong đời sống tất cả đều cần có nghệ thuật, nghệ thuật làm cho mọi thứ trở nên ưu việt hơn, nổi trội hơn, tinh tế và chọn lọc hơn. Ca dao đi vào lòng người từ thế hệ này qua thế hệ khác trong dân gian lâu dần trở thành bài hát, câu hò, châm ngôn, lời ru, điệu nhạc... cái mà chúng ta nghe mỗi ngày rất quen thuộc. Đạt được điều đó nhờ đâu? Chúng ta cùng điểm qua tính nghệ thuật trong Ca Dao.
Nghệ Thuật Ẩn Dụ:
Ẩn dụ là một biện pháp tu từ dùng hình ảnh, hiện tượng của sự vật này, để trình bày diễn đạt một sự vật, hiện tượng khác. Ngôn từ thường rất gợi hình, gợi cảm, và tinh vi; ẩn chứa cảm xúc trong trừu tượng. Dù hình thức, cách thức hay phẩm giá thì các hiện tượng có lúc tương đồng nhưng cũng có khi trái ngược nhằm truyền đạt ý tưởng sâu xa, lắng đọng. Tu từ ẩn dụ được dùng nhiều trong ca dao, tục ngữ, thơ văn...
Ví dụ:
Gặp đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Nghệ thuật ẩn dụ thường là hình ảnh thân quen, gần gũi trong tâm tư được ví von qua hình ảnh vay mượn, đây là nét độc đáo mang tính nghệ thuật sắc nét, nâng tính thơ trong ca dao thêm phần ý nhị, tinh tế và kín đáo.
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi! Ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Nghệ Thuật So Sánh
Nghệ thuật so sánh là biện pháp tu từ thường được dùng để đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác. So sánh vật với vật, người với người, hiện tượng với hiện tượng...có tác dụng làm tăng tính năng gợi hình, gợi cảm hoặc cảm xúc. Ngôn từ dùng thường như là, giống như, tựa, ngỡ, hơn, kém .v.v
Ví dụ:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Hoặc
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Nghệ Thuật Nhân Cách Hóa
Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ miêu tả hình ảnh để diễn đạt hoạt động, tính cách, suy nghĩ của con người qua hình ảnh của đồ vật, sự vật hoặc con vật.
Ví dụ:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi vẫn là núi non
... Núi cao bởi có đất bồi,
Núi chê đất thấp, núi ngồi ở đâu
Nghệ Thuật Nói Giảm Nói Tránh
Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng để diễn đạt ý rất tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác nặng nề; tránh thô tục và thiếu lịch sự.
Cưới em có cánh con gà,
nửa mâm xôi nếp,
nửa vò rượu tăm...
Hoặc:
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta
Nghệ Thuật Nói Quá:
Nói quá là biện pháp tu từ sử dụng các từ ngữ mang ý nghĩa phóng đại từ quy mô đến tính chất và cả hiện tượng của sự vật so với đặc tính thật của chúng.
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối
Hoặc:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Nghệ Thuật Điệp Từ
Điệp từ là biện pháp tu từ dùng diễn đạt sử dụng lặp đi lặp lại một cụm từ hoặc một từ để có thể nhấn mạnh ý nghĩa, cảm xúc của nội dung muốn truyền đạt.
** Có 3 dạng điệp từ: Điệp từ nối tiếp, điệp từ cách quãng, và điệp từ chuyển tiếp.
* Điệp từ nối tiếp:
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
* Điệp từ cách quãng và điệp từ chuyển tiếp:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Trèo lên tới đỉnh ta cao hơn đèo
Tính Nhạc
Ca dao là thơ, là nhạc, là tiếng nói từ trái tim diễn đạt qua ngôn từ giản dị nhưng rất ngọt ngào sâu sắc. Ca dao là tình cảm, tình yêu, là vui buồn, sướng khổ, là lạc quan là mong đợi. Giai điệu trong ca dao phong phú đa dạng, cũng ray rứt nhớ nhung chạm đến rung cảm. " Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất...Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ không yên..."
và có lúc than vãn, giọng điệu càng du dương, não nề
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Hay những cuộc tình nghèo đến xót xa nhưng vẫn mặn nồng, hạnh phúc
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Ca dao mang tính nghệ thuật cao, ca dao là tổng hợp thơ đa dạng, bình dị đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ hiểu, thấm lâu và thấm sâu. Ca dao mộc mạc mà da diết trữ tình, ca dao mỹ miều du dương như dân ca, như câu hò, điệu ví. Ca dao mang đủ sắc thái đồng quê của mọi miền đất nước, ca dao mang nét chung duyên dáng bình dị thân thương của người Việt, của quê hương dân tộc Việt từ ngàn xưa tới ngày nay và mãi sau này.
9-22-2023
Hồng Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét