Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

MỘT THOÁNG VĂN CAO - TRÌNH QUANG PHÚ


Tôi thả mình đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, rảo trên các phố, trong đầu tôi suy nghĩ lung tung. Ở bờ hồ, tôi lại gặp những người đói và rách, cả những em bé… Một câu hỏi vụt đến: làm sao hết cảnh lầm than đói rách bần hàn này? Tôi trở về căn gác nhỏ. Giữa đêm đông, đói và rét, tôi lấy giấy đốt để sưởi ấm, ngồi vào bàn và viết.Trong những năm trước ngày đất nước thống nhất 1975, công tác ở Hà Nội, tôi có may mắn được gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ lớp tiền bối như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Vân Đài, Anh Thơ, Diệp Minh Châu, Tô Hoài, Nguyễn Tuấn, Xuân Diệu… Chỉ một, hai lần gặp gỡ hoặc một chuyến công tác nên cũng ít để lại những kỷ niệm sâu sắc.
<!>
Với Văn Cao, tôi cũng chỉ có vài lần gặp và một chuyến cùng đi thực tế, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm.

Lần đó khoảng đầu xuân năm 1970, tôi cùng nghệ sĩ Võ An Ninh và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đi thăm vườn mai cụ Mài ở Ngọc Hồi, phía Nam Hà Nội. Cụ Võ đã hẹn và nhạc sĩ Văn Cao nhận lời cùng đi, khi xe đến ngôi nhà của ông ở góc ngã tư phố Thuyền Quang và Yết Kiêu thì đã thấy ông đứng chờ. Võ An Ninh bắt tay ông và giới thiệu tôi. Nhạc sĩ vui vẻ bắt tay tôi và xin lỗi vì có chuyện nhà đột xuất nên không đi với chúng tôi được. Ông nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi và đứng chờ xe chở chúng tôi lăn bánh ông mới trở lên nhà trên lầu hai. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông, một Văn Cao với vóc dáng mảnh mai, gầy, nhỏ, tóc cắt rất nghệ sĩ, dưới cằm có một chùm râu nhỏ, đôi mắt tròn đen rất cảm tình.

Sau đó ít lâu, chúng tôi được nhà văn Nguyễn Tạo, là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (trực thuộc Chính phủ) mời đi thăm Vườn quốc gia Cúc Phương. Đoàn có đến vài chục người là các anh chị em công tác ở các báo, nhà xuất bản và một số nhà văn, nghệ sĩ, trong số đó có Văn Cao, Võ An Ninh, Quang Dũng…

Tôi nhớ hôm ấy, khi lên đến động Người Xưa, sau khi tham quan, nghe thuyết minh về hang động có mộ người xưa cách đó cả vạn năm… Văn Cao ra đứng ở góc cửa hang có nhiều cây nguyên sinh, ngắm rừng già… Ông vẫy tay mời gọi cụ Võ An Ninh và tôi lại gần, hỏi: “Các ông có nghe bản nhạc của rừng không? Đó, tiếng ve kêu, tiếng chim hót, tiếng rì rào của gió và cây… đã không?” Ngừng một chút, ông nói tiếp: “Không có gì đáng thưởng cho chúng ta lúc này hơn là một ly rượu, đúng không cụ Võ?”
– Nhưng lấy đâu ra rượu bây giờ? – Võ An Ninh hỏi lại.

Văn Cao cười mỉm:
– Muốn thì ắt phải có.

Và ông luồn tay vào túi trong của áo vest, lấy ra một bình nhỏ rượu dẹp kiểu Tây bỏ vừa túi áo và móc ra một cái cốc nhỏ:
– Nào, một ngụm chứ? – Ông cười. Cụ Võ An Ninh và tôi cùng cười vui tán thưởng.
– Bái phục. Bái phục. – Võ An Ninh chắp hai tay giơ lên như trong phim chuyện cổ.

Thế là ba chúng tôi mỗi người một ngụm rượu giữa rừng già Cúc Phương. Văn Cao uống thêm một lần rót và như tỉnh ra, ông nói chuyện vui vẻ suốt quảng đường xuống núi. Và chúng tôi trở thành thân thiện như đã quen biết lâu ngày.

Chúng tôi cùng nghỉ trong căn nhà sàn rộng của Vườn quốc gia cất rất khang trang nằm giữa rừng già. Đêm xuống, trời se se lạnh, cái lạnh của núi của rừng như thấm nhanh vào da thịt hơn. Một số người quấn mền ngủ sớm. Có người đọc, viết. Mấy chúng tôi ngồi quanh bếp lửa đun nước uống trà. Văn Cao ngồi giữa như chủ xị, ông xoa tay và cất lời:
– Trà là khúc dạo đầu, có phần hai chứ?

Anh em ở Vườn quốc gia biết ý cánh văn nghệ sĩ nên đã chuẩn bị rượu gạo và thịt khô để nướng lửa hồng. Chúng tôi quây quần bên nhau, rượu vào lời ra. Đêm đó, tôi mới biết được thêm một góc khuất của Văn Cao. Thú thật, tôi cứ nghĩ ông là lớp nhạc sĩ, thi sĩ tiền chiến chắc sẽ rất lãng tử, rất mềm yếu như thân hình yếu ớt của ông. Nhưng không, thời trẻ ông tập võ, đấu võ đài, chơi thể thao, bơi lội rất mạnh mẽ. Bên cạnh một nhạc sĩ với những bài ca đi vào lòng người như: Buồn tàn thu, Thiên thai, Suối mơ… ông cũng là người đã lập ra đội Việt Minh đặc biệt – như một lực lượng biệt động hoạt động giữa nội thành mà ông gọi là đội “biệt động ngày ấy”.

Ông kể: “Trước khi viết bài “Tiến quân ca” năm 1944, tôi đã trở thành người của Việt Minh và những ngày ấy, để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8, lực lượng nội thành hoạt động rất khó bởi bọn Việt gian phản động chỉ điểm. Tổ chức giao cho tôi lập ra đội Việt Minh đặc biệt. Với tuổi thanh niên tráng kiện, được giao nhiệm vụ phiêu lưu này, tôi khoái lắm. Năm ấy tôi còn ở 45 Nguyễn Thượng Hiền. Trên căn gác nhỏ đó, tôi tập hợp được số anh em để lập ra đội “biệt động”. Tôi tập võ thuật, tập bắn súng ngắn cho anh em và kéo được cả một cậu giỏi hóa trang”.
– Như vậy là ông đã cầm súng? -Võ An Ninh hỏi.
– Không chỉ cầm súng mà còn chỉ huy người cầm súng -Văn Cao tợp một ngụm rượu và khẳng định -Không những thế, tôi đã nổ súng và… đã giết một tên phản quốc.

Câu chuyện trở nên ly kỳ. Tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào, tin, phục và bán tín bán nghi bởi vì bàn tay nhỏ bé kia là bàn tay gảy trên phím đàn, viết lên những bản tình ca, viết lên những bài ca cách mạng nhiệt huyết, viết nên những bài thơ và hơn thế, còn vẽ nên những bức tranh. Bàn tay của một nghệ sĩ và người nghệ sĩ ấy đang bị dính vào một vụ án nhân văn giai phẩm… có thể đúng không?
– Ông nói hay rượu nói đó? – Võ An Ninh hỏi.
– Ông này hay nhỉ? Rượu chỉ giúp cho người ta nói thật và làm cho người ta dễ nói ra sự thật – Văn Cao trả lời và khẳng định đó chỉ mới là một phần của sự thật.

Quả như vậy. Đội “biệt động” Việt Minh của ông đã răn đe, cảnh cáo nhiều tên Việt gian, chỉ điểm và đã làm chúng chùn tay. Ông kể lại hai vụ án rất ly kỳ hấp dẫn:

Đó là lần thực hiện chỉ thị của Xứ ủy phải trừng trị tên Võ Văn Cẩm cầm đầu tổ chức thanh niên Đại Việt, rất độc hại, thường phục kích cán bộ nội thành của ta. Sau cả tuần lễ trinh sát, lập phương án và chọn ngày hành động, Văn Cao là tổ trưởng một tổ ba người vũ trang. Hai đồng chí kia có nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ Văn Cao. Tổ Văn Cao bám theo tên Cẩm từ phố Nhà thờ, qua nhiều phố xá đến gần chợ Hôm. Tên Cẩm ngồi trên xe kéo, tên cận vệ đạp xe theo. Văn Cao phục sẵn, chỉ cần chờ tín hiệu của đồng đội là xông ra dí súng bóp cò. Nhưng hôm đó đồng đội của ông hăng hái quá, muốn lập công đã nổ súng trước, nhưng lại bắn không trúng, nên hắn chạy thoát. Tên hộ vệ quay súng đuổi theo đồng đội của ông, một đồng đội khác đã bắn hạ hắn.
– Trận ấy – Văn Cao kể – chúng tôi không giết được hắn và tôi cũng chưa nổ súng, nhưng tiếng vang rất lớn. Bọn Việt gian run sợ, co vòi…
– Anh kể vụ anh nổ súng đi, chuyện hấp dẫn quá – Một biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên đề nghị.
– Nào, tất cả làm một ly rồi muốn kể gì thì kể – Một người đề nghị.
– Ông nói chí phải – Văn Cao nói và giơ cao ly rượu. Mọi người vui vẻ hưởng ứng.

Thịt nai nướng lên thơm phức, mọi người nhâm nhi và uống rượu.

Sau một chầu rượu, Văn Cao tiếp tục:

“Lần này là việc hạ sát tên Đỗ Đức Phin ở Hải Phòng. Hắn là một tên Việt gian nguy hiểm đã phá nhiều cơ sở Cách mạng ở Hải Phòng. Cấp trên ra lệnh phải trừ khử hắn”.

Văn Cao xuống Hải Phòng, cải trang thành một ông già quê đạp xe vào thành phố. Sau khi tiếp cận cơ sở cùng với một tổ để trinh sát. Ngày G đến, Văn Cao cải trang thành một nhà thầu khoác áo măng tô, đầu đội mũ phớt, kính đen, không ai nhận ra anh. Trong ngực áo, Văn Cao giắt một khẩu Bronin và ở thắt lưng giắt một khẩu côn đạn đã lên nòng.

Văn Cao kể:
“Anh em ta biết cuối giờ chiều y thường tới tiệm hút thuốc phiện ở đường Phan Bội Châu. Chúng tôi quyết hạ hắn ở đây. Một cậu cảnh giới, một cậu đạp xe đèo mình đi. Đến góc đường, chúng mình thấy một cậu bé (là cơ sở của ta) đang nhảy cò cò một chân. Đó là dấu hiệu có tên phản động đang hút trên lầu. Tôi xuống xe đạp, đi thẳng lên lầu. Bên bàn hút có 2-3 người. Tên Phin và cận vệ của hắn đều hút, đang phê. Tôi rút khẩu côn dí thẳng vào hắn và nói to:
– Mọi người nằm im, Việt Minh đây. Chúng tôi tuyên bố xử tử tên Việt gian Đỗ Đức Phin bán dân hại nước, chống phá cách mạng.

Tên cận vệ run quá lăn xuống gầm giường. Tên Phin quay lại ngơ ngác. Tôi hét to: “Phin, mi phải đền tội!” và bóp cò. Nhưng quỷ ôn, súng côn bị hóc không nổ, tôi bình tĩnh nhét súng vào túi áo và móc ngay khẩu Bronin ra nổ luôn hai phát kết liễu đời hắn và nhanh chóng lao xuống gác, nhảy lên xe đạp của đồng đội…
– Chuyện ly kỳ quá. Không ngờ.

Mọi người thán phục người nhạc sĩ tài ba đã từng là một chiến sĩ biệt động ngoan cường… Nhưng vì lúc đó đang thời kỳ vụ án nhân văn giai phẩm còn chưa giải tỏa, nên cũng không ai dám viết về ông, chỉ thương ông và để trong lòng…


Tôi có một người bạn cùng quê Phú Yên là họa sĩ Văn Dương Thành cũng hay đến thăm ông. Văn Dương Thành là người đưa nhà làm phim nước ngoài đến quay phim người nhạc sĩ sáng tác Quốc ca Việt Nam. Văn Dương Thành cho biết: nhà quay phim muốn ông đánh đàn piano và hát bài Quốc Ca thì ông nói đàn hư từ lâu, hỏi ông có máy nghe nhạc không thì ông lắc đầu. Cuối cùng, cảnh quay là Văn Cao và những người có mặt đều hát Quốc Ca Việt Nam, hát không nhạc nhưng rất hoành tráng. Những ngày đó ông sống nghèo lắm, nhưng vẫn giữ tấm lòng thanh cao. Chính Văn Dương Thành đã gợi ý nhóm làm phim mua tặng ông cái máy nghe nhạc. Nhưng khi nghe lại những bản nhạc của mình, ông khóc… nên vợ ông phải cất đi.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Văn Cao được chính thức giải tỏa, “xóa án” nhân văn giai phẩm. Ở Thành phố Hồ chí Minh đã có những đêm nhạc Văn Cao. Tôi tìm mua mấy đĩa nhạc cũ và mới xuất bản của ông, mang ra Hà Nội để tặng ông.

Tôi đến thăm ông vào đầu giờ sáng của những năm tám mươi. Đó là lần gặp gỡ chỉ có ông và tôi. Cũng như Nguyễn Tuân, ông không đồng ý tôi gọi bằng bác, ông nói: “Anh cứ gọi tôi bằng anh cho nó văn nghệ”.

Ông rót từ trong chiếc bình kiểu rất nhỏ ra những cái cốc sứ cũng bé tí cho tôi và ông hai cốc rượu trắng, rồi mời tôi. Lúc đó mới buổi sáng sớm. Tôi ngạc nhiên xen với tò mò hỏi ông:
– Nghe nói anh bị đau bao tử nặng mà mới sáng ra uống rượu thế này có sao không?

Ông cười vui, rất vui, cười thành tiếng to và nói: “Ông này hay nhỉ, anh ăn cơm từ gạo nấu ra, các anh dạ dày tốt nó bóp tan, còn tôi dạ dày kém, tôi đem gạo cất thành nước để uống thì tốt hơn nhai có phải không?” Tôi lắc đầu chắp hai tay: “Xin chịu thua anh”.

Sau khi uống hết chung rượu nhỏ, ông nói: “Mà này, không phải dễ có đâu nhé, trước ngày đổi mới, ở cái thời bao cấp và bị cái án nhân văn, tôi sống chủ yếu vào cái nghề vẽ bìa sách và minh họa cho các báo nên nghèo lắm. Bà Băng vợ tôi chỉ cấp cho tôi mỗi ngày một đồng rượu thôi. Tôi vẽ bìa cho Nhà xuất bản, một bìa sách được 30 đến 50 đồng, đủ uống được một tháng và góp tiền rau với bà Băng. Mà đâu phải tháng nào cũng có bìa để vẽ đâu. Bây giờ đổi mới, nhất là cái vòng kim cô nhân văn giai phẩm được tháo gỡ, cuộc sống dễ hơn, tôi mới có rượu ngọt để tiếp khách thế này. Cái món mực khô miền Nam anh cho là tuyệt chiêu với rượu”.

Sáng hôm đó, theo yêu cầu tha thiết của tôi, ông kể cho tôi đôi nét về lịch sử bài Quốc Ca.
“Chuyện đó phải nói như thế này:

Những năm 1940-1943, tôi viết nhiều bản tình ca và bài hát hướng đạo. Thanh niên rất thích.

Một hôm, một người quen của tôi hỏi:
– Văn còn nhớ Vũ Quý không?- (Văn là tên gọi thân mật của Văn Cao).
– Có chứ. – Vũ Quý trước hay tập bơi, thi bơi với chúng tôi ở Hải Phòng nên tôi rất nhớ. Tôi hỏi Phạm Duy:
– Anh ấy vẫn ở Hải Phòng à?
– Không, anh ấy đang ở Hà Nội. Văn thích gặp không?
– Tớ thích anh ta, nhất là cái đoạn mật thám Pháp phục mãi mà không bắt được làm tớ rất phục.

Vậy là trưa hôm sau, tại một tiệm ăn trước ga Hàng Cỏ, tôi gặp lại Vũ Quý. Sau mới biết anh ấy là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Anh ấy hỏi tôi có thích hoạt động không. Thế là từ đó tôi đi theo cách mạng.

Một lần giữa năm 1944, Vũ Quý bảo tôi:
– Lực lượng ta thiếu bài hát, khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh soạn vài bài hát cách mạng cho quân đội ta nhé.

Vũ Quý dặn tôi viết phải hùng hồn hơn những bài hành khúc Đống Đa, Thăng Long tôi đã soạn trước đây.

Nhiệm vụ được giao. Viết thế nào đây? Tôi thả mình đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, rảo trên các phố, trong đầu tôi suy nghĩ lung tung. Ở bờ hồ, tôi lại gặp những người đói và rách, cả những em bé… Một câu hỏi vụt đến: làm sao hết cảnh lầm than đói rách bần hàn này? Tôi trở về căn gác nhỏ. Giữa đêm đông, đói và rét, tôi lấy giấy đốt để sưởi ấm, ngồi vào bàn và viết.

Tôi miệt mài mấy ngày, viết lời trước, phổ nhạc sau. Lời viết mấy lần vẫn không vừa ý. Ngày thứ ba, tôi viết xong, đang hát một mình thì Phạm Duy về. Anh ta hát và khen được. Sau đó Vũ Quý và Nguyễn Đình Thi đến, tôi và Phạm Duy hát cho hai anh nghe. Cả hai có vẻ vừa lòng. Vũ Quý vỗ vai tôi: “Được lắm Văn ơi!”. Tôi lấy đề bài ca là “Tiến quân ca”. Vậy thôi, đâu có nghĩ là mình viết Quốc ca. Sang năm 1945, tôi viết tiếp bài “Chiến sĩ Việt Minh”. Hai bài này được phổ biến lan truyền khá nhanh, nhưng họ hát bài “Tiến quân ca” nhiều hơn.

Theo Văn cao kể, trước Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16-17.8.1945, Nguyễn Đình Thi đến lấy hai bài “Tiến quân ca” và “Bài ca Việt Minh” của Văn Cao mang đi. Nguyễn Đình Thi tổ chức hát hai bài này cùng với bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi để Bác Hồ nghe. Nghe đi nghe lại xong, Bác gọi vài người nữa, trong đó có Huy Cận cùng nghe và Bác chọn bài “Tiến quân ca” làm bài hát chính thức của ngày ra mắt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tại mái đình Tân Trào. Văn Cao nói: “Lúc đó, lời bài hát theo tình hình đất nước nên khác với bây giờ, như:

Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam
Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam
Đài hạnh phúc, đắp xây tự do
Việt Nam tranh đấu, chống quân ngoại xâm

Hoặc như câu cuối là:

Tiến lên, cùng thét lên
Chí trai là đây nơi ước nguyền

Bài hát được chính thức hát làm Quốc ca trong ngày 2.9.1945, ngày khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lời bài hát này giữ mãi đến sau ngày hòa bình 1955 mới sửa lại và được Quốc hội thông qua.

Văn Cao nói một câu rất vui: “Tôi nói thật với ông, hồi đó tôi đâu biết là mình viết Quốc Ca. Ngày 2.9.1945, nghe mọi người hát chào cờ tôi sung sướng vô cùng, hồn mình như bay lơ lửng dưới ánh cờ đỏ sao vàng”.

Tôi xin ông kể vài kỷ niệm đặc biệt về bài “Tiến quân ca”. Ông trầm ngâm uống một ngụm rượu rồi nói: “Nhiều nhiều lắm. Từ ngày đó đến bây giờ nhiều lắm. Nhưng có lẽ cái phút giây xúc động nhất là lần đầu tiên là ở quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội”. Ông đưa tôi tờ tạp chí Sông Hương số tháng 7.1987. Ông lật lật và bảo tôi: “Đọc đi, hồi ký của mình đấy”. Nói vậy nhưng ông vẫn kể:

“Ngày đó, Nhật đầu hàng đồng minh. Khâm sai đại thần Phan Kế Toại (sau này được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã tổ chức cuộc mít tinh để biểu thị sự yêu độc lập. Cuộc mít tinh dưới cờ vàng ba sọc của chính phủ Trần Trọng Kim. Có lẽ Thành ủy biết nên đã chuẩn bị kỹ. Một lá cờ đỏ sao vàng to từ ban công nhà hát buông xuống phủ kín cờ vàng ba sọc. Phạm Đức ( ) một thanh niên của tổ chức đã nhảy lên bục, cướp micro để hát vang bài “Tiến quân ca”. Không biết tập khi nào, chuẩn bị khi nào, mà trên tay nhiều người đều có tờ nhạc bài “Tiến quân ca”. Cả rừng người hát, nó vang lên như quả bom nổ bùng nên. Tôi xúc động quá, không giữ nổi xúc cảm, nước mắt trào ra. Thế là bỗng chốc biến thành cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh. Đó là ngày 17 tháng 8 năm 1945”.

Qua hai ngày sau, ngày 19 tháng 8, một cuộc mít tinh cũng tại quảng trường Nhà hát lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Văn Cao bắt nhịp chỉ huy dàn hợp xướng hát bài “Tiến quân ca” và mọi người cùng hát, rồi sau đó mọi người vừa hát vừa cùng tiến về Bắc bộ phủ để cướp chính quyền. Văn Cao nói: “Đây là lần đầu tiên tôi chỉ huy dàn nhạc và vừa chỉ huy vừa khóc, nước mắt chảy trên má, trên áo. Còn niềm vui nào lớn hơn, phải không?” Ông cho rằng đó là niềm vui, niềm xúc động cách mạng đầu đời lớn nhất của ông.

Sau đó ông kể câu chuyện thứ hai: “Chuyện này không vang dội, nhưng sâu lắng”. Đó là chuyện về một ca sĩ có tên là Kim Tiêu. Anh đã hát những nhạc phẩm của Văn Cao từ những năm bốn mươi, các bài tình ca và cũng tham gia cách mạng, bị Pháp bắt nhốt ở Hỏa Lò. Trong ngục, anh vẫn cất cao giọng hát những bài tình ca của Văn Cao. Và sáng sáng anh dậy sớm, qua song sắt anh hát to bài “Tiến quân ca”. Mọi người thức dậy và hát theo vang dội cả nhà lao Hỏa Lò. Nghe tin này, Văn Cao xúc động, ông làm bài thơ gởi về thành nhờ bí mật chuyển vào tù cho Kim Tiêu. Bài thơ có đoạn:

“Hà Nội nhớ tôi, hát bài ca cũ,
Tiếng ca như buổi sớm trong,
Tiếng ca vang vang khí phách
Xà lim nổ tung, cả Hỏa Lò vỡ thành khối nhạc”

Văn Cao kể: “Tôi thương Kim Tiêu lắm. Anh ấy hát hay, rất khí phách. Ra tù, có người nghi ngờ anh ta khai báo. Anh ta bỏ đi hát dạo và chết. Anh ta hát đến khi tắt thở và vẫn hát bài của tôi. Câu chuyện ấy theo tôi nhiều năm tháng, nó khắc sâu vào tim, vào óc hình ảnh người nghệ sĩ”. Ngưng một chút, ông nói: “Cậu biết không, ga Hàng Cỏ phía sau nhà tôi đây, đó là nơi tôi gặp và đi theo cách mạng. Và đó cũng là nơi Kim Tiêu hát bài cuối của tôi và chết ở đó”.

Kể đến đây, Văn Cao chớp chớp mắt xúc động. Tôi biết những kỷ niệm xa xưa đang sống lại và trào dâng trong ông.

***

Vừa rồi, gia đình nhạc sĩ Văn Cao – Bà Thúy Băng, vợ của nhạc sĩ và các con ông đã trao tặng Nhà nước bản quyền bài “Tiến quân ca”, Quốc Ca của Tổ quốc. Tôi đọc bản tin này và nhớ lại những lần gặp gỡ ngắn ngủi với Văn Cao. Tôi lục tư liệu về ông, càng đọc càng khâm phục ông, khâm phục tài năng, khâm phục ý chí và khâm phục sự chịu đựng của ông. Nhà nghiên cứu lớn Đặng Thái Mai đã viết: “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”.

Tôi ghi lại một chút về Văn Cao với tấm lòng trân trọng đối với ông và muốn được thêm một chữ Quý trong lời của nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai. Văn Cao là một viên ngọc Quý, và viên ngọc đó vẫn đang tỏa sáng…

Ngày 20 tháng 7 năm 2016
TRÌNH QUANG PHÚ

--

Không có nhận xét nào: