Tin Quốc Tế Đó Đây
Libya: Tiếp Tục Tìm Kiếm Nạn Nhân Bão Daniel Tại Derna
(Hình: Tình nguyện viên của tổ chức Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Libya tham gia cấp cứu sau trận bão, lũ. Địa điểm không xác định. Ảnh được công bố trên mạng ngày 13/9/2023.)
<!>
-Theo thông tấn xã AFP, hôm 14/9/2023, tại thành phố Derna miền Đông, Libya, số người chết do bão Daniel tiếp tục tăng. Các thi thể được quấn trong chăn vẫn nằm rải rác trên đường phố và những thi thể khác được chất thành đống trên đường đến nghĩa trang.
Theo phát ngôn viên Bộ Nội vụ của chính phủ miền Đông, Trung úy Tarek al-Kharraz, tính đến nay đã có 3.840 người chết được ghi nhận trong thành phố vào giai đoạn này, trong đó 3.190 người đã được chôn cất vào thứ Ba. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có ít nhất 400 người ngoại quốc, chủ yếu là người Sudan và Ai Cập. Khoảng 250 thi thể đã được tìm thấy hôm 13/9, trong khi hơn 2.400 người vẫn đang mất tích. Chính quyền lo ngại con số thiệt hại nhân mạng sẽ nặng nề hơn nhiều và lo ngại sự xuất hiện của một dịch bệnh từ các thi thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát của thành phố.
Các tổ chức trong và ngoài nước đang chung tay để giúp đỡ các nạn nhân.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã cấp khoản viện trợ ban đầu 500.000 Euro và Vương quốc Anh thông báo trước mặt viện trợ 1,16 triệu Euro để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Libya. Jordan đã điều một máy bay viện trợ nhân đạo đến, còn Ý Ðại Lợi thông báo huy động một tàu và hai máy bay vận tải quân sự để vận chuyển chuyên gia và thiết bị hậu cần. Một chiếc máy bay của Pháp chở khoảng 40 nhân viên cấp cứu và hàng tấn thiết bị y tế cũng bay đến Libya. Về phần mình, Ai Cập sẽ dựng lều trại ở phía Tây Libya để làm nơi trú ẩn cho những người sống sót sau lũ lụt.
Số Người Chết Vì Bão ở Libya Dự Báo Sẽ Tăng Cao Khi Các Thi Thể Dạt Vào Bờ
(Hình AP: Bão quét ở Libya.)
-Các thi thể dạt vào bờ biển phía Đông Libya hôm thứ Tư (13/9/2023), làm tăng thêm số người chết vì một cơn bão quét toàn bộ một khu dân cư ra biển, với hàng ngàn người được xác nhận đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác vẫn mất tích, theo thông tấn xã Reuters.
Các khu vực của thành phố Derna ở Địa Trung Hải bị xóa sổ bởi giòng nước lũ sau những cơn mưa lớn từ một trận bão mạnh làm vỡ đập nước trong khu vực vào tối ngày 10/9. Nhiều tòa nhà cao tầng bị cuốn trôi toàn bộ với những gia đình đang ngủ bên trong.
Ông Hichem Abu Chkiouat, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng của chính quyền miền Đông Libya, nói với thông tấn xã Reuters qua điện thoại: “Sóng biển liên tục đẩy dạt hàng chục thi thể vào bờ”.
“Chúng tôi thống kê được hơn 5.300 người chết cho đến nay và con số này có thể còn tăng đáng kể, thậm chí có thể tăng gấp đôi vì số người mất tích cũng lên tới mấy ngàn người”, ông nói thêm.
Ông nói hàng chục ngàn người đã mất nhà cửa, đồng thời kêu gọi viện trợ quốc tế và nói thêm rằng Libya không có kinh nghiệm để giải quyết hậu quả của một thảm họa như vậy.
Các viên chức cho biết ít nhất 10.000 người có thể đã mất tích hoặc thiệt mạng, mặc dù số người chết được xác nhận cho đến nay vẫn còn khác nhau. Ông Tariq Kharaz, phát ngôn viên của chính quyền miền Đông, cho biết 3.200 thi thể đã được tìm thấy và 1.100 trong số đó vẫn chưa được xác định danh tính.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cơ quan di cư của Liên Hiệp Quốc, cho biết ít nhất 30.000 người đã phải di tản ở thành phố cảng Derna.
Ông Lutfi al-Misrati, Giám đốc nhóm tìm kiếm, nói với hãng tin Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Thứ mà các đội tìm kiếm đang cần nhất hiện nay là túi đựng thi thể”.
Cứu Trợ Nạn Nhân Lũ Tại Libya: Pháp Khai Triển Khẩn Cấp Một “Bệnh Viện Dã Chiến”
(Hình: Một khu nhà dân bị bão Daniel tàn phá, tại Derna, Libya. Ảnh chụp ngày 12/9/2023.)
-Đợt lũ lớn tại Libya sau trận bão Daniel tối thứ Hai (11/9/2023) khiến số người mất tích lên đến ít nhất cả chục ngàn, và hơn 2.300 người chết. Tại thành phố ven biển miền Đông Derna, khoảng 7.000 người bị thương, khoảng 30.000 người phải di tản. Nước Pháp quyết định hỗ trợ khẩn cấp.
Theo thông tấn xã AFP, tối 12/9, chính quyền Pháp khai triển một bệnh viện dã chiến trong vòng từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ. Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin nhấn mạnh: Các nhân viên đầu tiên khởi hành ngay trong buổi tối. Phủ Tổng thống Pháp cho biết cụ thể là khoảng 50 nhân viên bệnh viện dã chiến có thể giúp cứu chữa cho khoảng 500 người một ngày.
Trước đó trong ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, Anne-Claire Legendre, bảo đảm Pháp sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của phía Libya. Một Cố vấn của Tổng thống Macron cho biết, ưu tiên hiện nay là tìm kiếm những người bị nước lũ cô lập. Theo thẩm định của một giới chức Hội Hồng Thập tự Quốc tế (ICRC) và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế hôm 12/9, ít nhất 10.000 người hiện bị coi là mất tích.
Ngoài hỗ trợ nói trên của Pháp, nhiều nhóm cứu nạn đã được Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cử đến miền Đông Libya. Jordan hôm 13/9 thông báo điều đến Libya 1 máy bay viện trợ nhân đạo, mang theo lều bạt, chăn đệm, và thực phẩm. Ý Ðại Lợi điều 1 chiến hạm và 2 máy bay quân sự hỗ trợ chuyên gia và các vật tư thiết yếu. Algérie và Ai Cập hôm 12/9 cho biết cũng tham gia vào chiến dịch trợ giúp. Hoa Kỳ thông báo hỗ trợ tài chánh và dự kiến phối hợp với chính quyền Libya và Liên Hiệp Quốc cung cấp các hỗ trợ bổ sung.
Liên quan đến vụ động đất ở Ma Rốc, hôm 8/9 tuần trước, khiến ít nhất 2.800 người chết, hiện tại chính quyền Ma Rốc chưa chấp nhận trợ giúp của Pháp. Trên mạng Twitter hôm 12/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích “những tranh luận, bàn tán không đáng đưa ra” về chủ đề này. Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh: “Quốc vương và chính phủ Ma Rốc có toàn quyền quyết định về việc tiếp nhận hỗ trợ quốc tế, và nước Pháp sẵn sàng đóng góp nếu được Ma Rốc yêu cầu”.
Theo truyền thông Pháp, 48 tiếng đồng hồ sau thảm họa, Ma Rốc chấp nhận trợ giúp từ 4 quốc gia, gồm Tây Ban Nha, Anh Quốc, Qatar và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tổng Thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, Sẽ Thăm Quốc Hội Mỹ
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ.)
-Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy sẽ đến thăm Quốc hội Mỹ vào tuần tới, theo tin tức từ truyền thông, sau khi một viên chức Mỹ trước đó cho biết Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Biden vào ngày thứ Năm (21/9).
Tờ Punchbowl News hôm 15/9/2023 cho biết chuyến thăm của ông Zelenskiy tới Quốc hội Mỹ dự kiến được lên lịch vào ngày thứ Năm (21/9). Washington Post cũng đưa tin ông Zelenskiy dự kiến sẽ đến Quốc hội Mỹ vào ngày 21/9, và tờ Wall Street Journal cũng nói ông sẽ gặp các nhà Lập pháp Mỹ.
Đại diện của ông Zelenskiy và các lãnh đạo Quốc hội không bình luận ngay lập tức về các tin tức này.
Ông Zelenskiy dự kiến sẽ tới Hoa Thịnh Ðốn vào tuần tới sau khi dừng chân ở New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, viên chức Mỹ nói với thông tấn xã Reuters hôm 14/9.
Chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden thuộc Đảng Dân chủ gây sức ép lên các nhà Lập pháp Mỹ để họ cấp thêm 24 tỉ Mỹ kim cho Ukraine và các nhu cầu quốc tế khác trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vẫn đang diễn ra.
Bất kỳ khoản viện trợ nào cũng cần phải được Quốc hội thông qua. Đảng Dân chủ của ông Biden đang kiểm soát Thượng viện, nhưng đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với thế đa số mong manh và đã đánh tiếng phản đối việc viện trợ thêm cho Ukraine.
Nga: Xưởng Đóng Tàu ở Crimea Bốc Cháy, 2 Tàu Bị Hư Hại Trong Vụ Tấn Công Phi Đạn của Ukraine
(Hình: Nhà máy đóng tàu Sevastopol trên Bán đảo Crimea đã bốc cháy vào sáng sớm ngày 13/9/2023.)
-Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nhà máy đóng tàu Sevastopol trên Bán đảo Crimea đã bốc cháy vào sáng sớm thứ Tư (13/9/2023) và hai tàu bị hư hại sau khi Ukraine phóng 10 phi đạn và tấn công bằng tàu cao tốc vào cảng, theo thông tấn xã Reuters.
Trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 7 phi đạn đã bị phòng không của Nga bắn hạ và cả 3 chiếc thuyền đều bị tàu tuần tra phá hủy.
Bộ này cho biết: “Do bị phi đạn liên lục địa của đối phương bắn trúng, hai tàu đang được sửa chữa đã bị hư hỏng”.
(Ảnh: Tàu Tarantul-III tại cảng Crimea, Sébastopol, ngày 1/4/2014.)
Ông Mikhail Razvozhayev, Thống đốc thành phố Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea và là cảng lớn ở Biển Đen, cho biết trên Telegram rằng ít nhất 24 người bị thương.
Ông Razvozhayev nói: “Tất cả các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc tại hiện trường, không có mối nguy hiểm nào đối với các cơ sở dân sự trong thành phố”.
Nhà máy đóng chiến hạm lược này, nằm trên bán đảo mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, đóng và sửa chữa các tàu và tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen của Nga. Hạm đội này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và phi đạn vào Ukraine.
Ukraine gần như chưa bao giờ công khai tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga hoặc trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine, nhưng trong những tháng gần đây nói rằng việc phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Nga sẽ giúp ích cho cuộc phản công của Kyiv.
Ukraine: Tổng Thống Zelensky Kêu Gọi Giới Chức Chính Quyền Minh Bạch Tài Sản
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, ngày 8/8/2023, tại Kyiv, thủ đô của Ukraine.)
-Hơn 80.000 người Ukraine ký tên vào kiến nghị yêu cầu Tổng thống Volodymyr Zelensky phủ quyết một đạo luật vừa được Quốc hội nước này thông qua, giới hạn “tính minh bạch” trong lĩnh vực công.
Nỗ lực chống tham nhũng của xã hội dân sự Ukraine mang lại kết quả. Hôm 12/9/2023, Tổng thống Zelensky khẳng định đã phủ quyết đạo luật nói trên và kêu gọi giới chức chính quyền ngay lập tức khai báo tài sản. Thông tín viên Pierre Alonso của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Kyiv:
Chỉ cần ít ngày để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra quyết định này sau một kiến nghị lấy chữ ký, được tung ra hồi thứ Tư tuần trước, yêu cầu nguyên thủ Ukraine gửi trả Quốc hội văn bản luật vừa được Quốc hội thông qua.
Trong đạo luật này, giới tranh đấu chống tham nhũng phản đối một điều khoản sửa đổi cho phép hoãn lại 1 năm việc kê khai tài sản của các giới chức chính quyền. Theo giới tranh đấu, biện pháp kê khai tài sản là một công cụ chống tham nhũng rất hiệu quả. Họ nhắc lại rằng nghĩa vụ khai báo này đã có trước cuộc xâm lăng của Nga, nhưng bị đình chỉ do luật thời chiến.
Trong một đoạn video ngắn được phổ biến sáng 13/9, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Việc khai báo tài sản phải được thực hiện ngay lập tức. Không thể trong 1 năm nữa”. Sau nhiều bê bối tham nhũng, đặc biệt là việc Bộ trưởng Quốc phòng phải thôi chức, Tổng thống Zelensky đang đứng ở tuyến đầu: 78% người Ukraine cho rằng ông có trách nhiệm trực tiếp trước tình trạng tham nhũng hiện nay. Dưới áp lực của công luận, người ta có thể hiểu rõ hơn vì sau lãnh đạo Ukraine lại sốt sắng tỏ ra gương mẫu như vậy”.
Trả lời thông tấn xã AFP, người chủ trì của kiến nghị nói trên, ông Oleksandre Iabtchanka, một thành viên của nhóm “Những con sói Da Vinci”, cho biết “rất vui mừng” về quyết định của Tổng thống, cho thấy “công luận trong một quốc gia dân chủ có tiếng nói quan trọng”. Theo một thăm dò dư luận của Viện Xã hội học Quốc tế ở Kyiv (KIIS), 89% người Ukraine coi tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng thứ hai của đất nước, sau cuộc xâm lăng của Nga.
Đức Không Nhận Người Di Cư Từ Ý Ðại Lợi "Cho Đến Khi Có Thông Báo Mới"
(Hình: Tại Trung tâm Tiếp nhận Ban đầu dành cho Người xin Tị nạn (ZABH - Central Initial Reception Facility for Asylum Seekers) ở tiểu bang Brandenburg, Đức. Ảnh chụp ngày 6/10/2021.)
-Theo hãng tin AFP, hôm 13/9/2023, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết chính phủ Bá Linh từ chối tiếp nhận di dân từ Ý Ðại Lợi được phân bổ theo "Cơ chế đoàn kết tự nguyện", do nước Đức đang chịu một "áp lực di cư mạnh mẽ" và do chính phủ Ý Ðại Lợi thiếu hợp tác.
Từ nhiều năm qua, Ý Ðại Lợi vẫn là điểm đến đầu tiên của người di cư từ Bắc Phi sang Âu Châu. Theo số liệu của chính phủ Roma, số người đến lãnh thổ Ý Ðại Lợi kể từ tháng 1 năm nay đã lên đến gần 124.000 người, so với 65.500 người trong cùng kỳ năm 2022. Thủ tướng Giorgia Meloni tuyên bố các trại tị nạn của Ý Ðại Lợi đã không còn khả năng tiếp nhận và liên tục yêu cầu hỗ trợ từ Liên Hiệp Âu Châu và các nước thành viên.
Từ Bá Linh thông tín viên Pascal Thibaut của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Theo cơ chế này, 10.000 di dân đến các bờ biển những nước nam Âu, Hy Lạp, Ý Ðại Lợi, Tây Ban Nha, sẽ được chuyển sang các nước khác dựa trên cơ sở tự nguyện. Đức đã tiếp nhận quá nửa trên tổng số 3.500 di dân, nhiều hơn so với các nước khác.
Nhưng đối với Bá Linh, cơ chế "đoàn kết tự nguyện" này phải đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng di cư bất hợp pháp sang Đức và phải tuân thủ Quy định Dublin, theo đó quốc gia nơi người di cư đến đầu tiên phải giải quyết đơn xin tị nạn của họ. Nếu đương sự đến một quốc gia Âu Châu khác, họ phải được gửi trở lại quốc gia đầu tiên, nơi có thẩm quyền quản lý hồ sơ của họ.
Bá Linh đã yêu cầu gửi lại Ý Ðại Lợi 12.000 người trong 8 tháng đầu năm, nhưng chỉ mới có 10 trường hợp được Roma chấp nhận. Đức đang phải đối mặt với áp lực di cư đáng kể, với 200.000 người nộp đơn xin tị nạn kể từ đầu năm. Chính phủ Đức lấy làm tiếc về sự thiếu hợp tác của Ý Ðại Lợi và do đó dừng việc tiếp nhận tự nguyện những người di cư khác đến từ Ý Ðại Lợi.
Al Qaida Dọa Tấn Công Khủng Bố Pháp và Thụy Điển
(Hình: Biểu tình trước Tòa Lãnh sự Thụy Điển tại Istanbul phản đối một công dân Thụy Điển đốt kinh thắng Coran. Ảnh ngày 21/1/2023.)
-Theo nhật báo Pháp Le Figaro hôm 14/9/2023, tổ chức Al Qaida ở bán đảo Ả Rập (AQPA) dọa sẽ đánh vào trụ sở một bộ của chính phủ Pháp và phá hủy hoàn toàn một Tòa Ðại sứ Thụy Điển.
-Lời đe dọa này được đưa ra trong số mới nhất của tạp chí Sada al-Malahim do AQPA phát hành. Tạp chí này viết: "Kể từ nay rõ ràng là Thụy Điển đã chọn đi đầu các nước Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc chiến chống Hồi Giáo và những người Hồi Giáo, tranh đua với Pháp, Đan Mạch và các nước khác để giành vị trí số một trong việc chống lại Thượng Đế và sứ giả của Thượng Đế.
Tổ chức Al Qaida ám chỉ đến các vụ báng bổ kinh Coran của Hồi Giáo xảy ra gần đây tại Thụy Điển.
Bộ Nội Vụ Pháp không bình luận gì khi được báo Le Figaro đặt câu hỏi về những lời đe dọa nói trên. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã báo động về mối đe dọa Hồi Giáo cực đoan trở lại ở châu Âu, nhất là càng gần đến ngày diễn ra Thế Vận hội Paris 2024.
Trả lời tờ Le Figaro, ông Jean-Charles Brisard, chủ tịch Trung tâm Phân tích Khủng bố (Centre d'Analyse du Terrorisme), đánh giá là những lời đe dọa của AQPA cho thấy nguy cơ khủng bố Hồi Giáo vẫn còn đó, nhất là trong bối cảnh hiện nay với việc Bộ Giáo dục Pháp cấm các nữ sinh mặc trang phục abaya của người Hồi giáo trong các trường công, chiếu theo đạo luật năm 2004 cấm thể hiện các biểu tượng tôn giáo trong các trường học ở Pháp.
AQPA là một tổ chức khủng bố Hồi giáo chủ yếu hoạt động ở Yemen. Tổ chức này đã nhận là tác giả vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris vào tháng 1/2015, khiến 12 người chết, trong đó có 8 phóng viên và 11 người bị thương.
Tổng Thống Nga Putin Nhận Lời Mời Thăm Bắc Hàn
(Hình; Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un (P) thăm Phi trường không gian Vostochny, vùng Viễn Đông Nga, ngày 13/9/2023.)
-Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/9/2023 đã nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm Bắc Hàn, theo hãng tin AFP trích dẫn hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA hôm nay.
Đến nay, vẫn chưa có thông cáo chính thức nào về khả năng Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Nga chống Ukraine. Thế nhưng, hôm qua 13/9, lãnh đạo Bắc Hàn đã lạc quan khẳng định Nga sẽ "đại thắng" trước kẻ thù.
Từ Hán Thành, thông tín viên Nicolas Rocca của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Chương trình làm việc của Kim Jong Un cho thấy nhiều điều về các khả năng hợp tác giữa hai nước: Lãnh đạo Bắc Hàn đã đi thăm nhà máy chế tạo chiến đấu cơ, cách phi trường không gian hơn 1.000 cây số và thị sát hạm đội Hải quân Nga ở Vladivostok. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các cuộc thảo luận có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, "khả năng" hợp tác quân sự đã được nói đến. Trước đó, Tổng thống Nga cho biết sẵn sàng hỗ trợ chương trình không gian của Bắc Hàn.
Việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn pháo, Nga chuyển giao kỹ thuật, hai nước tập trận Hải quân chung, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Trái lại, có rất nhiều chi tiết được đề cập trên báo chí Bắc Hàn và Nga về bữa tiệc và sự gần gũi giữa các nhà lãnh đạo, dường như xưng hô với nhau là đồng chí.
Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao Động Bắc Hàn, khẳng định là chính trong bữa tiệc, lãnh đạo Kim Jong Un đã mời Tổng thống Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng. Ðiện Cẩm Linh chưa xác nhận thông tin, nhưng nếu Tổng thống Nga nhận lời thì đây sẽ là chuyến công du thứ hai của ông Putin đến Bắc Hàn. Ông Putin từng gặp cha của lãnh đạo Kim Jong Un hồi năm 2000.
Hoa Thịnh Ðốn và Hán Thành đã phản ứng trước sự hồi sinh của mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn, nêu lên khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới. Nhưng thật khó tưởng tượng rằng điều đó có thể răn đe Bắc Hàn, từ nhiều năm nay đã quen với việc đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc".
Thông tấn xã AFP trích các hãng tin của Nga cho biết, để củng cố quan hệ song phương, Mạc Tư Khoa hôm qua đề nghị với Bình Nhưỡng là Nga sẽ đưa một phi hành gia của Bắc Hàn lên không gian.
Kim Jong Un: Tăng Cường Quan Hệ Với Nga Là “Ưu Tiên Tuyệt Đối” của Bắc Hàn
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại phi trường không gian Vostochny, vùng Viễn Đông Nga, ngày 13/9/2023.)
-Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại một phi trường không gian ở vùng Viễn Đông Nga hôm 13/9/2023, lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn, ông Kim Jong Un đã tuyên bố việc tăng cường quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng là “ưu tiên tuyệt đối”.
Theo thông tấn xã AFP, sau khi đi thăm các cơ sở của phi trường không gian Vostochny, trong đó có xưởng lắp ráp phi đạn Angara thế hệ mới, lãnh đạo Bắc Hàn và Nga đã mở cuộc hội đàm với sự hiện diện của phái đoàn hai nước, trước khi hai ông gặp riêng. Theo các hãng thông tấn Nga, tham dự các hội đàm song phương có các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại Giao và Công Nghiệp của phía Nga. Trước cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đã nêu lên khả năng Nga sẽ giúp Bắc Hàn chế tạo các vệ tinh nhân tạo.
Từ Hán Thành, thông tín viên Trần Công của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Phi trường không gian Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga là nơi mang tính biểu tượng cho tham vọng của Nga về thăm dò không gian. Trước khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong Un đã đi tham quan các cơ sở của phi trường không gian. Một video từ Nga cho thấy ông Kim Jong Un rất quan tâm đến kỹ thuật phi đạn của Nga. Ông không rời mắt khỏi cơ sở, thậm chí còn ra hiệu bằng tay để đặt câu hỏi về các bộ phận phi đạn cũng như cách chúng hoạt động.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng ủng hộ các quyết định của Nga và Tổng thống Putin trong cuộc chiến Ukraine mà ông gọi là cuộc chiến “chống chủ nghĩa đế quốc”. Chủ tịch Bắc Hàn kỳ vọng rằng cuộc gặp này sẽ nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Advertising
Cuộc gặp ở phi trường không gian Vostochny được chia ra làm hai phần, bao gồm cuộc họp mở rộng với sự tham dự của đại diện hai nước trong khoảng 90 phút. Sau đó là cuộc gặp riêng giữa hai lãnh đạo chỉ có phiên dịch viên trong khoảng 30 phút. Tại cuộc gặp này, ông Putin và ông Kim Jong Un dự kiến sẽ thảo luận về các kế hoạch hợp tác quân sự, trong đó có việc buôn bán vũ khí, cho dù điều này vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Kết thúc cuộc họp, Ðiện Cẩm Linh cho biết: Hai nước hiện không có kế hoạch ký bất kỳ tài liệu nào sau hội nghị thượng đỉnh”.
Trong bữa ăn trưa sau hội đàm, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un khẳng định với Tổng thống Vladimir Putin là Nga sẽ giành được “một chiến thắng to lớn” trước các kẻ thù, chủ yếu là phương Tây. Theo các hãng tin Nga, ông Kim Jong Un còn ca ngợi quân đội Nga “anh hùng” trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bắc Hàn Thử 2 Phi Đạn-Đạn Đạo Ngay Trước Thượng Đỉnh Kim-Putin
(Hình: TV đưa tin về phi đạn-đạn đạo của Bắc Hàn. Ảnh chụp tại nhà ga Hán Thành ở thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, ngày 13/9/2023.)
-Vào trưa 13/9/2023, Cộng sản Bắc Hàn đã phóng 2 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Nhật Bản, đúng vào lúc lãnh đạo nước này là Kim Jong Un có mặt ở Nga và chuẩn bị họp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.
Theo quân đội Nam Hàn, “hai phi đạn-đạn đạo tầm ngắn đã được bắn đi từ khu vực Sunan (Bắc Hàn) về phía Biển Đông (tên Nam Hàn đặt cho Biển Nhật Bản) trong khoảng thời gian từ 11 giờ 43 đến 11 giờ 53 phút sáng hôm nay”.
Lực lượng võ trang Nam Hàn, theo nguồn tin trên, đã tăng cường giám sát và cảnh giác đề phòng các vụ phóng khác, đồng thời sẵn sàng can thiệp với sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Tại Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, cho rằng các phi đạn “dường như đã rơi xuống biển ngoài Vùng đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản”.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã đến Nga từ hôm 12/9, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/9.
Hoa Thịnh Ðốn cho rằng cuộc họp Kim-Putin có thể dẫn đến một Thỏa thuận bán vũ khí để hỗ trợ cuộc tấn công của Nga ở Ukraine. Theo giới chuyên gia, Mạc Tư Khoa đang tìm cách có thêm nguồn cung cấp vũ khí từ Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Bắc Hàn đang tìm cách hiện đại hóa các trang thiết bị đã lạc hậu của mình.
Mỹ, Nhật Quan Ngại Về Hợp Tác Quân Sự Bắc Hàn-Nga
(Hình: Cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Vladimir Putin tại Nga trên màn hình TV ở một ga xe điện ngầm ở Hán Thành, Nam Hàn, ngày 13/9/2023.)
-Sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un hôm qua, 13/9/2023, Tổng thống Nga trong cuộc họp báo đã nêu lên khả năng hợp tác quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng cho dù Bắc Hàn đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt do phát triển vũ khí nguyên tử. Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ và Nhật Bản, cảnh cáo Mạc Tư Khoa về việc vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực từ 2017.
Tân Ngoại trưởng Nhật Bản, bà Yoko Kamikawa, được thông tấn xã AFP trích dẫn, nêu lên viễn cảnh Nga "vi phạm" lệnh cấm xuất - nhập cảng vũ khí Bắc Hàn. Đây là một biện pháp mà Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc đã ban hành để trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng về việc phát triển vũ khí nguyên tử.
Về phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby chiều qua bày tỏ "quan ngại" về việc Nga và Bắc Hàn hợp tác quân sự. Theo viên chức này, "mọi hợp tác nhằm tăng cường khả năng quân sự của Bắc Hàn đều đáng quan ngại". Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt chú ý đến hợp tác giữa Bình Nhưỡng với Mạc Tư Khoa trong lĩnh vực phát triển vệ tinh. Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Matthew Miller khẳng định Hoa Thịnh Ðốn sẽ "không ngần ngại" ban hành lệnh trừng phạt mới trong trường hợp Nga và Bắc Hàn liên kết với nhau về mặt quân sự. Theo Hoa Thịnh Ðốn, việc chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin "thắt chặt quan hệ với Bắc Hàn cũng như là với Iran, chủ yếu là để sử dụng drone do Iran chế tạo, cho thấy Mạc Tư Khoa đang tuyệt vọng trong cuộc chiến ở Ukraine".
Đáp lại phản ứng nói nói trên, Ðại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoli Antonov tuyên bố Mỹ "không có quyền lên giọng dạy bảo nước Nga (…), Hoa Thịnh Ðốn cung cấp vũ khí (cho Ukraine) nhưng lại coi mọi hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa Mạc Tư Khoa với các đối tác ngoại quốc là bất hợp pháp".
Trong khi đó tại Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres thận trọng kêu gọi mỗi quốc gia tôn trọng lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên Carrie Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York tường trình:
"Hoa Thịnh Ðốn tin chắc là như vậy: Kim Jong Un đến Nga lần này không chỉ để tham quan cơ sở không gian của Nga với mục đích chuẩn bị hợp tác song phương. Theo chính quyền Biden, chuyến công du lần này có thể đạt được thỏa thuận cho phép Bình Nhưỡng cung cấp trang thiết bị quân sự cho Mạc Tư Khoa, hỗ trợ Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, mọi trao đổi về vũ khí với Bắc Hàn đều bị cấm, chiểu theo lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc ban hành.
Khi được báo chí hỏi về phản ứng của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres thận trọng cảnh cáo Nga, khi ông cho rằng 'mọi hình thức hợp tác giữa bất kỳ một quốc gia nào với Bắc Hàn đều phải tuân thủ lệnh trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ban hành. Đương nhiên điều khoản đó cũng liên quan đến trường hợp mà quý vị đang đề cập đến ở đây'.
Trước mắt chưa có một thỏa thuận về vũ khí nào được chính thức công bố, nhưng Tổng thống Nga đã nâng ly chúc mừng 'mối quan hệ hợp tác được củng cố trong tương lai' với Bắc Hàn. Đồng thời ông Vladimir Putin đánh giá đôi bên có thể hợp tác về mặt quân sự bất chấp lệnh trừng phạt. Đạn dược của Bắc Hàn có thể sẽ có tác động đáng kể trong xung đột Ukraine và dường như một số đạn pháo của Bắc Hàn đã được sử dụng trên trận địa".
Liên Hiệp Âu Châu Mở Điều Tra Về Việc Trung Quốc Bảo Hộ Ngành Xe Hơi Điện
(Hình: Xe hơi điện của công ty Trung Quốc NIO được trưng bày tại Bá Linh, thủ đô của Đức. Ảnh chụp ngày 17/8/2023.)
-Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, bà Ursula Von Der Leyen, hôm 13/9/2023, thông báo mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho ngành chế tạo xe hơi chạy bằng điện. Theo Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, cuộc điều tra của Brussels là biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp Âu Châu trước "giá thấp giả tạo" của xe hơi điện Trung Quốc.
Thông báo điều tra chống bảo hộ được đưa ra trong bài phát biểu thường niên của bà Ursula Von Der Leyen trước Nghị Viện Âu Châu tại Strasbourg, Pháp. Bà lưu ý xe hơi điện giữ vai trò then chốt trong chiến lược của Liên Hiệp Âu Châu giảm phát thải khí carbon. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu tuyên bố: "Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập xe hơi điện giá rẻ của Trung Quốc, giá được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ các khoản tài trợ công khổng lồ".
Thông báo của Chủ tịch Ursula Von Der Leyen đương nhiên nhận được sự hưởng ứng của ngành xe hơi điện Âu Châu, vốn chỉ trích sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Đang công du Bá Linh, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng hoan nghênh quyết định của Ủy Ban Âu Châu, gọi đó là "một tin tốt lành".
Sau cuộc điều tra, nếu Ủy Ban Âu Châu phát giác hành vi vi phạm các quy tắc thương mại, Brussels có thể áp thuế nhập cảng trừng phạt nhắm vào hàng Trung Quốc và khi đó cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có nguy cơ sẽ nổ ra. Thông tấn xã AFP nhắc lại là trong những tháng qua, Pháp đã thúc đẩy Brussels có biện pháp mạnh để đối phó với việc Trung Quốc bảo hộ ngành xe hơi điện, cho dù Đức và một số nước thành viên khác của Liên Hiệp Âu Châu lo ngại làm Bắc Kinh phật lòng.
Về phản ứng của Trung Quốc, hôm 14/9, Bắc Kinh lưu ý là cuộc điều tra của Brussels sẽ gây phương hại cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu và "tác động tiêu cực" đến chính các doanh nghiệp của Liên Hiệp Âu Châu. Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích ngành xe hơi điện nước này có "lợi thế cạnh tranh" nhờ những nỗ lực và sáng chế, phát minh kỹ thuật liên tục.
Trên mạng X (trước đây là Twitter), ông Vương Lỗ Đồng, viên chức đặc trách Âu Châu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, xem cuộc điều tra của Brussels chính là "sự bảo hộ thuần túy" cho ngành xe hơi điện của Liên Hiệp Âu Châu và chỉ trích rằng nhiều nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu cũng bảo hộ ngành xe hơi điện trong nước.
Báo Chí Anh: Trung Quốc Đang Điều Tra Về Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Lý Thượng Phúc họp với các đồng cấp trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tân Ðề Ly, Ấn Độ, ngày 28/4/2023.)
-Theo tiết lộ của nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 15/9/2023, trích dẫn 3 quan chức Mỹ, Hoa Thịnh Ðốn tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) hiện đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra và đã bị cách chức.
Thông tin nói trên được đưa ra vài giờ sau khi Ðại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel tuyên bố trên các mạng xã hội là từ 3 tuần qua không còn nghe hay nhìn thấy bộ trưởng Trung Quốc. Ông Lý Thượng Phúc đã đi thăm Nga vào giữa tháng 8 và rồi đi Belarus. Sau đó, người ta thấy ông phát biểu tại một diễn đàn an ninh với các nước châu Phi ngày 29/8/2023. Nhưng từ đó đến nay, bộ trưởng Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt.
Hãng tin AFP cho biết, từ hai tháng qua, các giới chức Mỹ vẫn nghĩ là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã bị cách chức sau khi Bắc Kinh bất ngờ thay thế tư lệnh Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc vào tháng 7 mà không nêu lý do. Báo chí Trung Quốc thì có nói đến một cuộc điều tra về tham nhũng nhắm vào cựu tư lệnh của lực lượng này.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, trích dẫn 3 quan chức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không dự một cuộc họp với các lãnh đạo Quốc phòng Việt Nam vào tuần trước. Theo dự kiến, ông Lý Thượng Phúc dự cuộc họp thường niên về hợp tác quốc phòng Trung Quốc-Việt Nam, do Việt Nam tổ chức tại vùng biên giới giữa hai nước trong hai ngày 7 và 8/9. Nhưng cuộc họp đã bị hoãn lại vì trước đó vài ngày Bắc Kinh thông báo với Hà Nội là Bộ trưởng Quốc phòng "có vấn đề về sức khỏe".
Ông Lý Thượng Phúc chỉ mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3 và là một trong 5 ủy viên Quốc vụ, tức là hàm cao hơn một bộ trưởng bình thường.
Một ủy viên Quốc vụ khác là ngoại trưởng Tần Cương đã bị cách chức vào tháng 7 vừa qua sau một thời gian không còn xuất hiện trước công chúng. Nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị, người tiền nhiệm của ông Tần Cương, được bổ nhiệm trở lại chức vụ này. Cho tới nay chính phủ Bắc Kinh vẫn không nêu lý do của việc thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc Trừng Phạt 2 Công Ty Mỹ Vì Bán Vũ Khí Cho Đài Loan
(Hình: Lockheed Martin là một trong hai tập đoàn Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt.)
-Hôm 15/9/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ áp lệnh trừng phạt lên các công ty hàng không-không gian và quốc phòng Mỹ là Northrop Grumman và Lockheed Martin do hai công ty này cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Các biện pháp trừng phạt được ban hành trong khuôn khổ Luật chống cấm vận nước ngoài của Trung Quốc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc trên thực tế... chấm dứt liên lạc quân sự Mỹ-Đài Loan và ngừng vũ trang cho Đài Loan, nếu không sẽ phải hứng chịu sự trả đũa kiên quyết và mạnh mẽ của Trung Quốc", bà nói.
Bà Mao nêu ra chi nhánh của Lockheed Martin Corp ở Missouri là nhà thầu chính trực tiếp tham gia bán vũ khí cho Đài Loan vào ngày 24/8 và cho biết Northrop Grumman đã nhiều lần tham gia bán vũ khí cho Đài Loan.
Trung Quốc nhiều lần trước đây đã áp dụng các biện pháp chế tài nhằm vào các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và ngay lúc này chưa rõ chúng hoạt động như thế nào hoặc mục đích của chúng là gì vì cả hai công ty này đều không bán vũ khí cho Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước đã phê duyệt chuyển giao số tiền lên tới 80 triệu Mỹ kim cho Đài Loan trong khuôn khổ chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài, theo thông báo gửi tới Quốc hội.
Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh có các hoạt động quân sự nhộn nhịp xung quanh hòn đảo này trong một tuần qua, trong đó đội hình Hải quân Trung Quốc do hàng không mẫu hạm Sơn Đông dẫn đầu đã đi vào bên trong phạm vi 60 hải lý về phía Đông-Nam của Đài Loan.
Đài Loan cũng đã báo cáo hàng chục chiến đấu cơ, máy bay ném bom và các máy bay khác của Trung Quốc bay vào khu vực phòng không của họ trong tuần này.
Đạo luật chống lệnh trừng phạt nước ngoài trên diện rộng của Trung Quốc đã có hiệu lực vào năm 2021, trong động thái rõ ràng là nhằm hợp pháp hóa hành động trả đũa ăn miếng trả miếng đối với các biện pháp trừng phạt của nước ngoài. Nó có phạm vi vượt ngoài lãnh thổ Trung Quốc và nằm trong một chùm luật Bắc Kinh đưa ra trong những năm gần đây mà các nhà phân tích cho rằng có thể cho phép Trung Quốc canh chừng hành vi của các nước đối với họ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc Trở Thành Nước Đầu Tiên Bổ Nhiệm Đại Sứ Mới Tới A Phú Hãn Dưới Thời Taliban
(Hình: Cờ Taliban trên đường phố Kandahar, Nam Kabul, thủ đô của A Phú Hãn, 15/8/2023.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 13/9/2023, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên chính thức bổ nhiệm tân Đại sứ tại A Phú Hãn kể từ khi Taliban lên cầm quyền, sau khi phái viên của nước này trình ủy nhiệm thư tại một buổi lễ ở Kabul.
Taliban chưa được bất kỳ chính phủ ngoại quốc nào chính thức công nhận và Bắc Kinh không cho biết liệu việc bổ nhiệm hôm 13/9 có báo hiệu bất kỳ bước tiến xa hơn nào hướng tới sự công nhận chính thức đối với Taliban hay không.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Đây là sự luân chuyển bình thường của Đại sứ Trung Quốc tại A Phú Hãn và nhằm tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và A Phú Hãn”. Tuyên bố nói thêm: “Chính sách của Trung Quốc đối với A Phú Hãn là rõ ràng và nhất quán”.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của chính quyền Taliban nói với thông tấn xã Reuters rằng tân phái viên Zhao Xing là Đại sứ đầu tiên của bất kỳ quốc gia nào đảm nhận chức vụ này kể từ tháng 8/2021, lúc Taliban tiếp quản khi các lực lượng ngoại quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo rút khỏi A Phú Hãn sau 20 năm.
Ông Bilal Karimi, phó phát ngôn viên của chính quyền Taliban, cho biết trong một tuyên bố rằng ông Mohammad Hassan Akhund, quyền Thủ tướng trong chính quyền Taliban, đã nhận ủy nhiệm thư của đặc phái viên mới trong một buổi lễ.
Văn phòng phát ngôn viên của chính quyền Taliban công bố những bức ảnh về buổi lễ tại dinh Tổng thống A Phú Hãn hôm 13/9, trong đó các viên chức đã tiếp đón Đại sứ, bao gồm Akhund và quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi.
Trung Quốc Đồng Ý Chuyến Thăm Hiếm Hoi của Đặc Phái Viên Giáo Hoàng Để Bàn Thảo Về Ukraine
(Hình: Hồng y Matteo Zuppi.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 13/9/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hồng y Matteo Zuppi, đặc phái viên của Giáo hoàng, sẽ đến thăm Trung Quốc để bàn thảo về việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, bất chấp việc Bắc Kinh và Vatican chưa thiết lập quan hệ song phương chính thức.
Bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Li Hui sẽ tiếp ông Zuppi.
“Về vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”, Bà Mao nói. “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các bên và tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giảm leo thang và hạ nhiệt tình hình”.
Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Trung Quốc tránh chỉ trích đồng minh Nga, dù nước này nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Việc tiếp đón một đặc phái viên cấp cao của Giáo hoàng được coi là có ý nghĩa đặc biệt, xét đến mối quan hệ không mấy tốt đẹp của Bắc Kinh với Vatican.
Vatican có quan hệ song phương với Đài Loan chứ chưa có quan hệ song phương với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Mối quan hệ Trung Quốc-Vatican cũng vẫn còn rạn nứt do những khác biệt trong việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra thông tin chi tiết về lịch trình của ông Zuppi hay cho biết ông sẽ gặp ai, nhưng tờ La Repubblica của Ý Ðại Lợi cho biết ông có khả năng gặp “các nhà lãnh đạo thể chế hàng đầu” ở Bắc Kinh, bao gồm cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Hồng y Zuppi sẽ có mặt tại Trung Quốc từ 13/9 đến 15/9 như một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình ở Ukraine, Vatican cho biết hôm 12/9.
Trung Quốc Đề Xuất Một Loạt Biện Pháp “Mới” Nhằm Hội Nhập Đài Loan Vào Tỉnh Phúc Kiến
(Ảnh: Một khu vực ở Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, ngày 3/12/2022.)
-Ngày 12/9/2023, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy việc hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến, thông qua một số kế hoạch phát triển chung.
Tài liệu do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cùng công bố bao gồm hơn 20 “ý kiến” nhằm vạch ra “con đường mới hướng tới phát triển hội nhập” giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến trên đại lục.
Theo hãng tin Pháp AFP, nội dung các đề xuất bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Đài Loan làm việc, học tập và kinh doanh tại Phúc Kiến, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh thuê nhân viên Đài Loan. Tài liệu cũng kêu gọi thành phố Hạ Môn ở ven biển tăng tốc hội nhập với Kim Môn và Mã Tổ, hai nhóm đảo do Đài Loan quản lý nhưng chỉ cách bờ biển Hoa Lục vài cây số.
Văn kiện cũng nhắc lại rằng “giải quyết vấn đề Đài Loan” và “thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc”. Theo nhận xét của thông tấn xã AFP, việc công bố tài liệu kể trên cho thấy là Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với hòn đảo tự trị vốn từng bị cắt đứt trong đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và quan hệ hai bên đã xấu đi đáng kể từ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Quan hệ càng xấu đi thêm khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế về Covid-19, làm gián đoạn hoạt động thương mại và các hoạt động trao đổi khác trong thời kỳ đại dịch.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục cho Không quân và Hải quân thị uy gần hòn đảo tự trị.
Vào hôm 13/9, chính quyền Đài Bắc cho biết đã phát giác 35 máy bay quân sự của Trung Quốc bay quanh Đài Loan trong vài tiếng đồng hồ, với một số phi cơ hướng tới Tây Thái Bình Dương để đến hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc tham gia một “cuộc tập huấn hỗn hợp trên biển và trên không”.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay chiến đấu và drone Trung Quốc đã bị phát giác từ 6 giờ sáng giờ địa phương, khoảng 28 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan, và một số máy bay chiến đấu “vượt qua Kênh Bashi để đến Tây Thái Bình Dương”.
EU Điều Tra ‘Hàng Loạt’ Xe Hơi Điện Trung Quốc, Xem Xét Tăng Thuế Suất
(Hình: Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 13/9/2023, Ủy ban Âu Châu (EC) mở cuộc điều tra về việc có nên áp dụng thuế quan trừng phạt để bảo vệ các nhà sản xuất của Liên Hiệp Âu Châu (EU) trước hàng nhập cảng xe điện (EV) rẻ hơn của Trung Quốc mà họ cho rằng đang được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước hay không.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện EU: “Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập xe hơi điện rẻ hơn. Và giá của chúng được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước”.
Ủy ban này sẽ có tới 13 tháng để điều tra chống trợ cấp để giúp đánh giá xem có nên áp dụng mức thuế cao hơn mức tiêu chuẩn 10% của EU đối với xe hơi hay không.
Căng thẳng chính trị và thương mại giữa Trung Quốc và EU gần đây gia tăng và nhiều thành viên EU đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu nhận ra rằng họ đang phải nỗ lực sản xuất xe điện giá rẻ hơn và xóa bỏ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển các mẫu xe rẻ hơn, thân thiện với người tiêu dùng hơn.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, từ BYD dẫn đầu thị trường đến các đối thủ nhỏ hơn Xpeng và Nio, đang tăng cường nỗ lực mở rộng thị trường ngoại quốc khi cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nước và tăng trưởng trong nước giảm bớt. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), xuất cảng xe hơi của Trung Quốc đã tăng 31% trong tháng 8 sau khi tăng 63% trong tháng 7.
Giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe hơi điện thương hiệu Trung Quốc ở Đức thấp hơn 29% so với mức trung bình của các mẫu xe điện không phải của Trung Quốc, chưa tính các ưu đãi hay giảm giá, theo Jato Dynamics, thấp hơn tới 32% ở Pháp và 38% ở Anh.
Trung Quốc và Venezuela Nâng Cấp Quan Hệ Lên ‘Đối Tác Chiến Lược Kiên Định’
-Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Venezuela hôm thứ Tư (13/9/2023) rằng Trung Quốc và Venezuela sẽ nâng mối quan hệ của họ lên thành “Đối tác Chiến lược Kiên định”, theo thông tấn xã Reuters.
Ông Tập nói với Tổng thống Nicolas Maduro tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẵn sàng củng cố và tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với Venezuela trong nhiều lĩnh vực.
Mỹ Có Thể Được Cho Tiếp Cận Thêm Nhiều Căn Cứ ở Phi Luật Tân
(Hình: Quân đội Phi Luật Tân và Mỹ tham gia tập trận bắn đạn thật.)
-uân đội Mỹ có thể được cho tiếp cận thêm nhiều căn cứ hơn ở Phi Luật Tân theo thỏa thuận phòng thủ chung giữa hai nước, người đứng đầu bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hôm 14/9/2023 cho biết sau khi họp với lãnh đạo lực lượng vũ trang Phi Luật Tân.
Trung Quốc có thể sẽ phản ứng tiêu cực. Hồi đầu năm nay Bắc Kinh đã cáo buộc Hoa Thịnh Ðốn 'thổi bùng ngọn lửa' khi Phi Luật Tân tăng số lượng căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận lên chín căn cứ.
Bốn căn cứ bổ sung được phê duyệt nằm gần các điểm nóng khả dĩ đối với Trung Quốc, vì ba trong số này nhìn hướng bắc về phía Đài Loan và một căn cứ nằm gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Manila và Bắc Kinh mới đây đã va chạm xung quanh một bãi san hô tranh chấp.
Đô đốc Mỹ John Aquilino cho biết ông và Tư lệnh quân đội Phi Luật Tân, Trung tướng Romeo Brawner, đã thảo luận về gia tăng hơn nữa số căn cứ mà quân đội có thể tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) và đã đưa 'đề nghị lên cho các lãnh đạo hai nước'.
Mối quan hệ quốc phòng gắn bó hơn giữa Mỹ với Phi Luật Tân sau thời gian đi xuống đã gây lo ngại ở Trung Quốc.
Mỹ cho biết họ có kế hoạch củng cố liên minh với Manila vốn đã mạnh mẽ và cải thiện khả năng phòng thủ của Phi Luật Tân.
Tướng Brawner cho biết mục đích của EDCA là các cuộc diễn tập huấn luyện, ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo, những trụ cột chủ chốt của liên minh hàng chục năm giữa hai nước, và không liên quan đến các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Ông Aquilino, vốn đang ở Manila để tham dự cuộc họp thường niên về hợp tác quốc phòng song phương, cũng cho biết hai nước đồng minh đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.
Cuộc gặp diễn ra khi bộ chỉ huy phía Tây của Phi Luật Tân hôm 14/9 bày tỏ quan ngại về việc các tàu đánh cá Trung Quốc 'tràn ngập' trong vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, bên trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân.
Tân Thủ Tướng Cam Bốt Hun Manet Công Du Trung Quốc
(Ảnh: Tân Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại Nam Vang, ngày 13/8/2023.)
-Chiều 14/9/2023, tân Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho biết Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều viên chức hàng đầu khác của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, trong cuộc họp báo thường nhật, thông báo Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet có chuyến thăm 3 ngày, từ 14 đến 16/9, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của tân Thủ tướng Cam Bốt kể từ khi ông nhậm chức, nếu không kể đến chuyến đi dự thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta (Nam Dương), hồi tuần trước. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, điều này cho thấy Nam Vang đề cao tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Đối với bà Mao Ninh, chuyến công du của Thủ tướng Hun Manet sẽ "có lợi cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện trong tương lai giữa Trung Quốc và Cam Bốt", trong bối cảnh năm 2023 là tròn 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nam Vang và Bắc Kinh.
Trả lời truyền thông tại phi trường quốc tế Nam Vang hôm nay, Meas Sophorn, phát ngôn viên của Thủ tướng Cam Bốt, cho biết ông Hun Manet sẽ đến chào xã giao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Thủ tướng Lý Cường và Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế. Theo dự kiến, ông Hun Manet sau đó sẽ tới thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, dự Triển lãm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20.
Thông tấn xã AFP nhắc lại là hồi tháng 8, mới nhậm chức Thủ tướng, khi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Nam Vang, ông Hun Manet đã tái khẳng định "quan điểm không thay đổi" của chính phủ Cam Bốt về chính sách một nước Trung Hoa duy nhất và cam kết không can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Hun Sen (cha của ông Hun Manet), Cam Bốt là đồng minh chính của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á. Trong gần 40 năm Hun Sen điều hành đất nước, Cam Bốt đã tiếp nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc.
Ông Pita, Lãnh Đạo Đảng Tiến Lên của Thái Lan, Từ Chức
(Hình VOA: Ông Pita đã thất bại trong 2 lần bỏ phiếu bầu thủ tướng Thái Lan.)
-Hôm 15/9/2023, ông Pita Limjaroenrat đã từ chức lãnh đạo của đảng Tiến lên của Thái Lan, vài tháng sau khi đưa đảng này đến chiến thắng ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử với cương lĩnh cải cách chống các định chế vốn đe dọa đảo lộn hiện trạng chính trị.
Giành được sự ủng hộ mạnh mẽ ở các đô thị và của giới trẻ, Đảng Tiến lên là bất ngờ lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm khi họ đè bẹp các đảng phái được quân đội hùng mạnh và giới bảo hoàng kỳ cựu hậu thuẫn, trước khi nó bị các nhà lập pháp bảo thủ ngăn không cho thành lập một chính phủ.
Đảng Tiến lên hiện đại diện cho phần lớn phe đối lập trong quốc hội và vẫn sẽ giữ ảnh hưởng chính trị đáng kể sau khi giành được đa số ghế ở trong và xung quanh thủ đô Vọng Các và giành lấy các trung tâm đô thị quan trọng và một số thành trì bảo thủ.
Ông Pita, 43 tuổi, tốt nghiệp Harvard, bị Quốc hội bác bỏ hai lần tranh cử chức thủ tướng, do các thượng nghị sĩ được quân đội hậu thuẫn nắm tay nhau ngăn Đảng Tiến lên vì đảng này có kế hoạch bãi bỏ luật khi quân.
"Tôi sẽ tiếp tục làm việc với Đảng Tiến lên và đồng bào với tất cả sức lực của mình để thúc đẩy thay đổi mà chúng ta mong chờ", ông nói.
Nghiệp Đoàn Ngành Xe Hơi Mỹ Đe Dọa Bãi Công Lớn: Thiệt Hại Ước Tính 5 Tỉ Mỹ Kim
(Hình: Công nhân kêu gọi đình công tại tổ hợp lắp ráp xe hơi Stellantis Toledo, bang Ohio, Mỹ, từ sáng sớm ngày 15/9/2023.)
-Bãi công trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã không thể tránh khỏi.
Sau nhiều tháng thương lượng, nghiệp đoàn chính của nhân viên ngành sản xuất ô tô Mỹ United Auto Workers (UAW) và "ba đại gia" Ford, General Motors và Stellantis, không đạt được một thỏa ước mới, trong bối cảnh thỏa ước trước đó hết hạn vào ngày 14/9/2023.
Nghiệp đoàn UAW đã chính thức khởi động cuộc bãi công "chưa từng có", đồng loạt diễn ra tại 3 nhà máy, thuộc 3 tập đoàn nói trên. Thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Hoa Thịnh Ðốn :
"Cuộc bãi công trong ngành sản xuất xe hơi có thể gây thiệt hại 5 tỉ Mỹ kim, theo nhiều chuyên gia. Vào nửa đêm ngày thứ Năm này, thỏa ước tập thể giữa người lao động và giới chủ hết hiệu lực. Văn bản này về cơ bản có từ cuộc khủng hoảng 2008, khi nghiệp đoàn của những người lao động ngành xe hơi chấp nhận nhiều nhân nhượng lớn để bảo vệ các công ty xe hơi, vốn đang kiệt quệ về tài chính.
Các nghiệp đoàn, đại diện cho gần 150.000 người lao động, giải thích rằng giờ đây họ không còn chấp nhận một thỏa hiệp như trên. Giới nghiệp đoàn muốn đàm phán lại về quyền lợi của người lao động trong bối cảnh các công ty nhận được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Giới nghiệp đoàn yêu cầu tăng lương với mức hơn 40% trong 4 năm, và tuần làm việc giảm xuống còn 32 giờ nhưng vẫn được hưởng lương như 40 giờ, cùng với các chương trình ưu đãi đối với người về hưu, và quyền lập tổ chức nghiệp đoàn tại khoảng mươi doanh nghiệp sản xuất bình điện.
Đáp lại các đòi hỏi của nghiệp đoàn, ba công ty Ford, General Motors và Stellantis, đã đưa ra các đề xuất ở mức thấp hơn, nhưng "hào phóng nhất từ 80 năm nay", theo ông chủ tập đoàn Ford.
Giới nghiệp đoàn dự kiến tổ chức bãi công tại một số ít các nhà máy, được xác định một cách có trọng điểm, để hy vọng duy trì cuộc bãi công kéo dài, nhờ quỹ hỗ trợ bãi công với hơn 800 triệu Mỹ kim. Tổng thống Biden, người luôn khẳng định là tổng thống thân nghiệp đoàn nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng là người yêu ô tô. Nguyên thủ Mỹ cổ vũ các bên thương lượng, bởi 5 tỉ Mỹ kim tổn thất cho nền kinh tế Mỹ sẽ gây hậu quả nặng nề, đặc biệt vào giữa chiến dịch tranh cử tổng thống".
Nhật Bản Cử Viên Chức Đương Nhiệm Làm Việc Tại Văn Phòng “Tùy Viên Quốc Phòng” Trên Thực Tế ở Đài Loan
(Ảnh: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tiếp Phó Chủ tịch đảng Tự do Dân Chủ Nhật Bản, ông Taro Aso (phải), ở Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, ngày 8/8/2023.)
-Theo một nguồn tin của thông tấn xã Reuters, lần đầu tiên Tokyo bổ nhiệm thêm một viên chức chính phủ “đương nhiệm” vào văn phòng tùy viên quốc phòng trên thực tế tại Đài Loan. Theo giới quan sát, quyết định nói trên có thể khiến Trung Quốc tức giận. Việc Nhật Bản cử viên chức đương nhiệm được đưa ra tiếp theo yêu cầu của phía Đài Loan.
Hãng tin Anh Reuters hôm 12/9/2023, dẫn lại 4 nguồn tin, cho biết Nhật Bản quyết định “nâng cấp quan hệ” về an ninh với Đài Loan. Nhật Bản vốn không có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức ở Đài Loan. Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản-Đài Loan (Japan-Taiwan Exchange Association) là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Tokyo tại Đài Bắc. Trước đây, để tránh bị Trung Quốc phản đối, vai trò tùy viên quốc phòng trên thực tế do một sĩ quan Nhật Bản nghỉ hưu phụ trách. Hồi năm 2022, sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ việc cử viên chức quốc phòng “đương nhiệm”, Tokyo đã đình chỉ kế hoạch do lo ngại Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin nói trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử một viên chức đương nhiệm đến làm việc cùng với tùy viên quốc phòng hiện tại để cải thiện việc thu thập thông tin và trao đổi với quân đội Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã từ chối bình luận khi được hỏi về việc Nhật cử “tùy viên quốc phòng” mới, nhưng cho biết Đài Bắc “sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác có cùng quan điểm như Nhật Bản”.Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng khẳng định chỉ theo đuổi các mối quan hệ “phi chính phủ” với Đài Loan, không vi phạm tuyên bố chung năm 1972, công nhận Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Trả lời thông tấn xã Reuters trong cuộc họp báo hàng tuần, phát ngôn viên các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Trần Bân Hoa (Chen Binhua) hôm nay cho biết Bắc Kinh phản đối “bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và khu vực Đài Loan của Trung Quốc” và “Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản rút ra bài học từ lịch sử, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, và thận trọng trong lời nói cũng như hành động về vấn đề Đài Loan”.
Sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh xung quanh đảo Đài Loan, cách lãnh thổ Nhật Bản, khoảng 100 cây số, khiến Tokyo lo ngại. Tháng 7/2021, Sách trắng Quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định Đài Loan “ổn định” là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, công bố hồi cuối tháng 7/2023, nhấn mạnh đến “tính cấp bách” của việc Nhật – Mỹ hợp tác nhằm đối phó với kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 cảnh báo “khoảng cách” về năng lực quân sự trên không và trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng, nghiêng mạnh về phía có lợi cho Trung Quốc.
Thông tin về việc Nhật Bản cử một viên chức đương nhiệm tới văn phòng tùy viên quốc phòng tại Đài Bắc được đưa ra đúng vào ngày Quân đội Đài Loan công bố Báo cáo Quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Theo hãng tin Đài Loan CNA, Báo cáo Quốc phòng Đài Loan khẳng định quân đội nước này đang rút các bài học từ cuộc kháng chiến của Ukraine chống xâm lược Nga, nhằm sẵn sàng đối phó với một đối thủ mạnh hơn gấp bội, trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp, “bao gồm can thiệp quân sự và các thách thức phi truyền thống khác, như chiến tranh mạng và chiến tranh tâm lý”.
Lần đầu tiên kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu công bố báo cáo 2 năm một lần từ năm 1992, một phiên bản “sách nói” của Báo cáo Quốc Phòng cũng được phổ biến để văn bản này đến được với nhiều đối tượng hơn, bao gồm những người “khiếm thị”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét