WSJ: Tỷ phú Elon Musk vay SpaceX 1 tỷ USD vào thời điểm mua lại Twitter Hôm 5/9 vừa qua, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rằng tỷ phú Elon Musk đã vay 1 tỷ USD từ Tập đoàn công nghệ khai phá không gian (SpaceX) do chính ông điều hành vào khoảng thời gian ông hoàn tất thương vụ mua lại Twitter (nay đổi thành mạng xã hội X), với tổng giá trị 44 tỷ USD. Cụ thể, dẫn các tài liệu uy tín, WSJ cho biết rằng SpaceX đã chấp thuận khoản cho vay 1 tỷ USD nói trên vào tháng 10 năm ngoái. Khoản vay này được tỷ phú Musk thế chấp bằng chính cổ phiếu của SpaceX mà ông sở hữu. Theo báo cáo, tỷ phú Musk đã rút toàn bộ số tiền này trong cùng tháng – cũng là thời điểm mà ông Musk chính thức tiếp quản Twitter.
<!>
Cũng theo tờ báo trên, khoản tiền 1 tỷ USD trên có ảnh hưởng khá lớn đến dòng vốn của SpaceX khi hãng này chỉ có 4,7 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền tính đến cuối năm 2022.
Theo Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ, tỷ phú Elon Musk hiện là cổ đông lớn nhất của SpaceX khi nắm giữ tới 42% cổ phần và kiểm soát đến 79% quyền bỏ phiếu tính đến tháng 3/2023.
Hiện Space X và mạng xã hội X chưa phản hồi về những thông tin trên.
Việc phải trả thêm tiền cho thương vụ mua lại Twitter đã làm phức tạp thêm tình hình tài chính của vị tỷ phú Musk. Năm ngoái, ông đã bán một lượng cổ phiếu của mình trong hãng xe Tesla cả trước và sau thương vụ thâu tóm Twitter, qua đó nâng tổng giá trị cổ phiếu bán ra lên mức khoảng 40 tỷ USD.
Tranh cãi việc Ấn Độ đổi danh xưng quốc tế từ India thành Bharat
Năm nay, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20 summit) sẽ được tổ chức tại New Delhi – “Ấn Độ”. Thông tin gây chú ý là thiệp mời bữa ăn tối gửi các vị khách tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 (trong tuần này) của Thủ tướng “Ấn Độ” Modi cho thấy, tên nước thay vì ghi theo tên quốc tế là India như thông lệ, lại đổi thành Bharat. Động thái này được cho là phản ánh những nỗ lực của Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Hindu (Hindu Nationalist Party) của ông Modi nhằm xóa bỏ tàn dư thời thuộc địa.
Theo các nguồn tin (tiêu biểu như từ India Times, AFP và AP…), trong thiệp mời ăn tối tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu được gọi là “Tổng thống Bharat” (The President of Bharat) chứ không phải “Tổng thống India” (President of India).
Đất nước hơn 1,4 tỷ dân này có hai tên chính thức là India và Bharat, nhưng India là tên được sử dụng phổ biến nhất cả trong nước và trên quốc tế.
Bharat là từ tiếng Phạn cổ, nhiều nhà sử học cho hay cũng có thể truy nguồn từ “Bharat” trong các văn bản Hindu giáo (Ấn Độ giáo) đầu tiên, cũng có nghĩa là “India” trong ngôn ngữ Hindi [chuẩn hiện đại dùng ở miền bắc Ấn Độ].
Việc đổi tên nước của Ấn Độ được sự ủng hộ của các quan chức Đảng Bharatiya Janata (Đảng Bharatiya Janata) do ông Modi lãnh đạo, họ cho rằng cái tên India (Ấn Độ) do thực dân Anh đặt ra, là “biểu tượng của chế độ nô lệ”. Người Anh cai trị Ấn Độ trong khoảng 200 năm cho đến khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947. Đảng của ông Modi từ lâu đã tìm cách xóa bỏ những cái tên gắn liền với quá khứ thuộc địa và Vương triều Mughal của Ấn Độ.
Trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter), quan chức cấp cao bang Uttarakhand là Pushkar Singh Dhami viết: “Lại thêm cú đánh khác vào tâm thái thời chế độ nô lệ. Thiệp mời tham dự bữa tối Hội nghị thượng đỉnh G20 của Phủ Tổng thống được ghi ‘The President of Bharat’, đây là khoảnh khắc đáng tự hào đối với mọi người dân của đất nước. Tổ quốc Bharat muôn năm!” – chia sẻ được đính kèm hình ảnh thiệp mời ăn tối.
Virender Sehwag, một cựu tuyển thủ cricket nổi tiếng của Ấn Độ, ủng hộ việc đổi tên đất nước thành Bharat và kêu gọi Hội đồng Cricket Ấn Độ thêu chữ “Bharat” lên đồng phục của đội. Ông nói: “India là tên do người Anh đặt, lẽ ra chúng ta nên sớm đổi lại về tên ban đầu của đất nước: Bharat”.
Sau làn sóng phản đối từ đảng của ông Modi, đường Aurangzeb nổi tiếng của New Delhi (được đặt theo tên [cách gọi tiếng Anh] của Vua Mughal) vào năm 2015 đã được đổi tên thành đường Tiến sĩ APJ Abdul Kalam (Dr. APJ Abdul Kalam Road). Trước đó năm 2022, Chính phủ Ấn Độ cũng đổi tên một đại lộ (tên đặt thời thuộc địa) ở trung tâm thành phố New Delhi dùng để duyệt binh. Chính phủ của ông Modi cho biết việc đổi tên là nỗ lực nhằm khôi phục lịch sử Hindu giáo của Ấn Độ.
Tuy nhiên, các đảng đối lập ở Ấn Độ chỉ trích động thái đổi tên của Chính phủ Modi. Shashi Tharoor, một thành viên của Đảng Quốc đại Ấn Độ (Indian National Congress) viết trên mạng xã hội X: “Dù hiến pháp không phản đối việc đổi cách gọi India (Ấn Độ) là Bharat, đây là một trong hai tên chính thức của đất nước, nhưng tôi hy vọng chính phủ không ngu ngốc đến mức từ bỏ hoàn toàn India vì trong quá khứ India đã hình thành giá trị thương hiệu vô cùng lớn”.
Ông Tharoor cho biết người Ấn Độ nên tiếp tục dùng cả hai tên quốc gia này, không thể từ bỏ cái tên mang đầy dấu ấn lịch sử – cái tên đó đã được ghi nhận phổ biến trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh những tranh cãi xung quanh cái tên India và Bharat tiếp tục gay gắt, để hy vọng đánh bại đảng của ông Modi trong cuộc bầu cử quốc gia Ấn Độ năm 2024, tháng 7 năm nay đảng đối lập đã tuyên bố thành lập một liên minh mới mang tên INDIA.
Tờ British Times hôm 5/9 đưa tin, tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Ấn Độ dự kiến tổ chức từ ngày 18 – 22/9, Chính phủ do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đứng đầu có thể đề xuất nghị quyết đổi tên chính thức từ India thành Bharat.
Đài Loan khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự 1 năm, chi 11,6 triệu USD mua 240.000 quả lựu đạn
Vào năm tới, quân đội Đài Loan sẽ khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc 1 năm dành cho nam giới. Khi đó nhu cầu huấn luyện sử dụng lựu đạn sẽ tăng lên đáng kể. Quân đội nước này cũng dự kiến mua 240.000 quả lựu đạn từ Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (NCSIST) vào năm tới để phục vụ cho nhu cầu sẵn sàng chiến đấu.
Theo thông báo đấu thầu mới nhất từ trang “Mạng Mua sắm Chính phủ” Đài Loan, thông qua đấu thầu hạn chế, quân đội nước này sẽ chi 372 triệu Đài tệ (khoảng 11,6 triệu USD hay 280 tỷ VND) để mua 240.000 quả "lựu đạn MK2 sử dụng kíp nổ M204A2". Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn đã thắng thầu và dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2024đến ngày 30/11/2028, đơn giá quy đổi là 1.550 Đài tệ (khoảng 1,2 triệu VND) mỗi một quả lựu đạn.
Cũng từ năm 2024, quân đội Đài Loan sẽ khôi phục chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc một năm. Bộ Quốc phòng nước này ước tính rằng sau khi chính thức thực hiện vào năm tới, sẽ có 9.127 người phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc trong một năm và 69.523 người phải tham gia huấn luyện quân sự trong 4 tháng. Con số tương ứng trong năm 2027 sẽ lần lượt là 35.050 người và 32.731 người. Tới năm 2029, số người phải đi nghĩa vụ quân sự một năm sẽ lên tới 53.600 người và chỉ còn 9.309 người phải tham gia huấn luyện quân sự bốn tháng.
Ném lựu đạn là môn mà các tân binh tự nguyện và bắt buộc phải trải qua huấn luyện. Theo trang Hãng thông tấn Quân sự của Đài Loan, một tân binh cho biết gần đây đã tham gia khóa huấn luyện "ném lựu đạn thật". Sức mạnh của lựu đạn thật khiến tân bình này không thể nào quên. Trải nghiệm này có thể giúp rèn luyện tâm lý và nâng cao khả năng chịu đựng áp lực trên chiến trường cho các cá nhân.
Huawei bất ngờ công bố bán điện thoại kết nối vệ tinh đầu tiên trên thế giới
Huawei công bố bán sản phẩm Mate 60 Pro trên sàn thương mại điện tử Vmall, được quảng cáo là smartphone kết nối vệ tinh đầu tiên trên thế giới.
Huawei cho biết Mate 60 Pro là điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cuộc gọi và tin nhắn qua vệ tinh, cho phép người dùng có thể liên lạc ở những nơi không có sóng di động. Tuy nhiên, hãng không đề cập chi tiết tính năng này. Hiện tại, các mẫu smartphone trên thị trường chủ yếu hỗ trợ nhắn tin qua vệ tinh thay vì gọi điện.
Smartphone này chạy hệ điều hành Harmony 4.0 mới nhất của Huawei, tích hợp mô hình AI có tên Pangu do hãng tự phát triển. Tuy nhiên, thông tin về bộ xử lý được sử dụng trong thiết bị cũng như kết nối mạng không được đề cập trên website chính thức.
Trong thư gửi người dùng, Huawei tuyên bố doanh số dòng Mate đã vượt 100 triệu đơn vị từ khi ra mắt năm 2013. Màn giới thiệu bất ngờ của Mate 60 Pro được giới quan sát theo dõi thận trọng vì công ty đang muốn hồi sinh bộ phận smartphone.
Việc bất ngờ bán sớm khiến Mate 60 Pro rơi vào tình trạng "cháy hàng". Nhiều người cho biết họ không thể mua smartphone mới vì website đặt hàng quá tải, luôn trong tình trạng "có quá nhiều người đang chờ đợi".
Dung lượng bộ nhớ và giá bán: Huawei Mate 60 Pro đi kèm với RAM 12GB và ba tùy chọn bộ nhớ trong lần lượt là 256GB, 512GB và 1TB. Hiện tại, Huawei chỉ mới công bố giá bán của phiên bản RAM 12GB và bộ nhớ trong 512GB là 6,999 CNY (tương đương 23,2 triệu đồng), theo Hoanghamobile.
Hiện tại, chỉ có cửa hàng flagship của Huawei tại Thâm Quyến bán Mate 60 Pro trực tiếp. Dù vậy, ngay cả nhân viên bán hàng cũng bối rối vì chưa rõ đây là thiết bị 4G hay 5G do công ty chưa công bố.
Bí mật đằng sau ủy ban khoa học công nghệ mới thành lập của Trung Quốc
Sau khi Hoa Kỳ đưa ra một loạt chính sách kiểm soát chất bán dẫn và cấm đầu tư vào Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã bí mật thành lập một cơ quan kỹ thuật trọng yếu để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp quản các ngành và chính sách nhạy cảm, đồng thời giữ im lặng về các tổ chức và chiến lược khoa học có liên quan.
Hôm 4/9, tờ South China Morning Post đưa tin, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương đã lặng lẽ ra đời trong quá trình cải cách thể chế năm nay.
Ít người biết về sự ra đời của ủy ban này cho đến khi cơ quan này tổ chức cuộc họp đầu tiên và được nói đến trong bản tin ngắn đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ hồi tháng 7.
Ủy ban này ra đời trong kế hoạch cải tổ sâu rộng một số cơ quan chính phủ và Đảng từ tháng 3, với trọng tâm là mở rộng quyền kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với các chính sách ưu tiên.
Theo thông lệ của ĐCSTQ, trước đây bất cứ khi nào một tổ chức mới được ra mắt, các phương tiện truyền thông chính thống sẽ đưa tin rộng rãi. Tuy nhiên, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khoa học và Công nghệ trung ương không được đăng tải. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết họ đã tổ chức một buổi nghiên cứu hôm 10/7 để thể hiện “tinh thần” của cuộc họp ủy ban.
Vẫn chưa biết ai là người đứng đầu uỷ ban và những ai tham dự cuộc họp. Thông tin về thời gian, địa điểm và nội dung cuộc họp cũng không được công bố.
Theo các nhà quan sát, thông tin xung quanh uỷ ban này được giữ bí mật cho thấy Bắc Kinh sẽ giữ im lặng về các chiến lược khoa học và công nghệ trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng địa – chính trị và công nghệ với Mỹ ngày càng gay gắt.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng Bắc Kinh giữ bí mật này vì nhiều lý do, bao gồm lo ngại về áp lực chính sách từ Washington, hoạt động gián điệp và lo ngại về mối quan hệ tiềm ẩn giữa cơ quan này và quân đội Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Tạ Mậu Tùng (Xie Maosong) tại Viện Chiến lược đổi mới và phát triển Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh muốn tránh sự chú ý từ phương Tây trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, để giảm bớt sự can thiệp và trở ngại.
Theo các nhà phân tích, kế hoạch “Made in China 2025” được công bố năm 2015 nhằm mục đích đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khả năng tự lực trong các lĩnh vực đổi mới chiến lược, đã gây nên sự kinh ngạc trên toàn thế giới, và đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Bắc Kinh sau đó đã rút lại những mục tiêu đã nêu ra để bảo đảm tuân thủ chuẩn mực quốc tế về chính sách công nghiệp, dù rất ít người tin rằng chính sách này không còn tồn tại.
Một người biết về việc phát triển chính sách khoa học cho biết ủy ban mới có thể giám sát cơ quan khoa học và công nghệ của quân đội Trung Quốc hoặc Ủy ban Khoa học và Công nghệ trực thuộc Quân ủy Trung ương.
Nhà khoa học chính trị Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) tin rằng phong cách lãnh đạo tập trung cao độ này tương tự như những gì đã xảy ra ở Bắc Kinh vào những năm 1950, khi các nhà khoa học, đứng đầu là ông Nhiếp Vinh Trân (Nie Rongzhen/聂荣臻), lúc đó là giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước đang phát triển tên lửa, bom hạt nhân và vệ tinh nhân tạo.
Ông Trần Đạo Ngân nói: “Tình hình bây giờ cũng tương tự. Vì vậy, tổ chức này dự kiến sẽ hoạt động với mức độ bí mật cao do cân nhắc đến an ninh quốc gia và sự an toàn cá nhân của các nhà khoa học”.
Ông Michael Frank – thành viên tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tiên tiến thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho biết Trung Quốc có thể khó đạt được mức độ bí mật cao.
Theo ông Frank, việc giữ bí mật biên bản các cuộc họp của ủy ban thì dễ, nhưng việc giữ bí mật hoạt động của các nhà nghiên cứu quốc gia, các phòng thí nghiệm, các trường đại học, các công ty và nhà đầu tư thì khó hơn nhiều.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc, ông Neil Thomas, cho biết: “Việc hoạch định chính sách thiếu minh bạch hơn của Bắc Kinh sẽ làm tăng thêm sự nghi ngờ của Hoa Kỳ về mục đích nghiên cứu do Trung Quốc tài trợ, và dẫn đến môi trường chính trị cho sự hợp tác khoa học vốn đang tồi tệ sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét