Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

ĐIỂM TIN 21/09/2023 - Duke Nguyen

Gần 70 quốc gia ký kết Hiệp định về biển cả
Biển quốc tế - khu vực không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào - vốn gần như bị lãng quên trong cuộc chiến vì môi trường. Hôm qua, 20/09/2023, tại New York, gần 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký kết "Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia", còn gọi là Hiệp ước về Biển cả. Ảnh minh họa: Các rạng san hô ở biển sâu đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng thêm. © Reuters - Lucas Jackson Trọng Thành Hiệp định lịch sử đã được cộng đồng quốc tế thông qua hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến có hiệu lực từ 2025. Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York:
<!>
Tầm quan trọng của hiệp ước này đối với biển khơi được các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc so sánh với Hiệp ước Montreal cấm các sản phẩm có hại cho tầng ozone, và nhờ đó giúp cho tầng ozone tự phục hồi theo thời gian.

Vấn đề quan trọng ở đây là biển quốc tế chiếm gần phân nữa bề mặt hành tinh và 60% đại dương, nhưng hiện tại chỉ 1% bề mặt của biển này được bảo vệ bằng các biện pháp bảo tồn, phần còn lại đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tình trạng đánh bắt quá mức. Trong khi đó, đại dương cung cấp đến một nửa lượng oxy chúng ta hít thở và hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách hấp thụ một phần lượng khí thải CO2 do hoạt động của con người tạo ra.

Hiệp ước mới quy định nhiều khu bảo tồn biển hơn và bắt buộc các chủ thể có dự án hoạt động trên biển khơi, cho dù là đánh bắt hải sản, vận tải hàng hải, khai thác dưới đáy đại dương, trước hết phải thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường.

Cuối cùng, hiệp ước này sẽ cho phép các quốc gia đạt được mục tiêu được thông qua tại COP15 về đa dạng sinh học, đó là bảo vệ 30% diện tích đất liền và đại dương trên hành tinh từ đây đến năm 2030.

Tổng thống Ukraina:‘‘Quyền phủ quyết’’ của Nga khiến Liên Hiệp Quốc ‘‘bế tắc’’

Hôm qua, 20/09/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky lần đầu tiên có bài phát biểu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga. Lãnh đạo Ukraina tố cáo ‘‘quyền phủ quyết trong tay Nga’’ khiến Liên Hiệp Quốc rơi vào ‘‘bế tắc’’.


Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về khủng hoảng Ukraina tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2023. REUTERS - MIKE SEGAR
Trọng Thành
Trước mặt đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassili Nebenzia, tổng thống Zelensky nhấn mạnh, cho dù ‘‘đa số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhìn nhận sự thật về cuộc chiến tranh này’’, ‘‘một cuộc gây hấn tội phạm và không thể biện minh được của nước Nga’’, nhưng ‘‘cộng đồng quốc tế đã bất lực trong việc ngăn chận cuộc chiến tranh này, bởi mọi cố gắng đều vấp phải quyền phủ quyết nằm trong tay kẻ xâm lược hoặc những kẻ ủng hộ họ’’.

Theo TV5 Monde, một dấu hiệu cho thấy không khí căng thẳng trong cuộc họp là khi đại sứ Nga khiếu nại về việc tổng thống Ukraina được xếp phát biểu trước các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An. Đại sứ Nga lên án định chế quốc tế này bị biến thành một ‘‘sân khấu’’ cho lãnh đạo Ukraina độc diễn. Đáp lại chỉ trích của đại sứ Nga, thủ tướng Edi Rama của Albani, hiện là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, lưu ý: ‘‘Các vị hãy chấm dứt chiến tranh, thì khi đó tổng thống Zelensky sẽ không còn cần phải lên tiếng nữa’’.

Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Ukraina cũng kêu gọi cải cách Hội Đồng Bảo An. Theo ông Zenlensky, ‘‘việc hàng tỉ dân cư trên hành tinh, với Liên Hiệp Châu Phi, Nhật Bản, Đức và khối Hồi giáo, không có đại diện tại định chế này là điều bất công’’.

Ba Lan tuyên bố ngưng cấp vũ khí cho Ukraina

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm qua, 20/09/2023, tuyên bố Vacxava sẽ ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraina để tập trung củng cố khả năng quốc phòng, vào thời điểm hai nước đang căng thẳng về hồ sơ nông sản.

 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong cuộc họp báo tại Vacxava, Ba Lan, ngày 05/07/2023. REUTERS - KACPER PEMPEL
Phan Minh
Theo hãng tin AFP, thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraina vì Vacxava đang tập trung trang bị những vũ khí hiện đại hơn cho quân đội Ba Lan. Ba Lan vốn là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraina nhiệt tình nhất sau khi nước này bị Nga xâm lược hồi tháng 02/2022 và là một trong những nguồn cung cấp vũ khí chính cho Kiev.

Tuy nhiên, thủ tướng Morawiecki không nói rõ khi nào Ba Lan sẽ ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraina, cũng như không cho biết quyết định này có liên quan gì đến hồ sơ ngũ cốc Ukraina hay không. Ông chỉ nhấn mạnh cơ sở quân sự ở miền đông nam Ba Lan, nơi trung chuyển vũ khí của phương Tây viện trợ cho Ukraina, vẫn hoạt động bình thường.

Cũng trong ngày hôm qua, Ba Lan cho biết đã triệu đại sứ Ukraina để phản đối phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky tại Liên Hiệp Quốc về những tranh cãi liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc Ukraina. Ông Zelensky tuyên bố rằng một số quốc gia đã « giả vờ đoàn kết » với Ukraina, khiến Vacxava tức giận và lên án những « luận điệu không chính đáng nhắm vào Ba Lan ».

Phát biểu của lãnh đạo Ukraina được đưa ra sau khi Liên Hiệp châu Âu (EU) hôm 15/09 tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraina vào 5 quốc gia trong khối, trong đó có Ba Lan, nhưng Vacxava lại tiếp tục thực thi lệnh cấm đơn phương, khiến Kiev bất bình. Thủ tướng Morawiecki cũng cảnh báo rằng Ba Lan có thể mở rộng danh sách các sản phẩm của Ukraina bị cấm nhập khẩu.

Về phần mình, Kiev đã kêu gọi Vacxava « gạt cảm xúc sang một bên » và thi hành những biện pháp « mang tính xây dựng »trong vấn đề này.

Theo thông tin mới nhất, bộ trưởng nông nghiệp Ukraina và đồng nhiệm Ba Lan sẽ có một cuộc điện đàm trong những ngày tới để tìm ra các biện pháp giải quyết hồ sơ ngũ cốc. Ngoài ra, theo phát ngôn viên chính phủ Ba Lan, Piotr Muller, Vacxava sẽ hoàn tất việc cung cấp những vũ khí đã hứa từ trước cho Kiev.

Tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hàn Quốc tố cáo nguy cơ Nga trợ giúp quân sự Bắc Triều Tiên

Seoul tỏ thái độ cứng rắn hơn hẳn với Matxcơva sau chuyến công du Nga của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Hôm qua, 20/09/2023, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khẳng định việc Nga trợ giúp Bắc Triều Tiên về quân sự sẽ ‘‘là bất hợp pháp và bất công, vì đi ngược lại các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”. Lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định cộng đồng quốc tế “sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn” để đối phó.


Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 78 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2023. REUTERS - CAITLIN OCHS
Trọng Thành
Thông tín viên Nicolas Rocca tường trình từ Seoul :

Chỉ trong vài ngày, giọng điệu đã trở nên gay gắt hơn nhiều giữa Seoul và Matxcơva. Sau khi triệu đại sứ Nga tại Hàn Quốc hôm thứ Ba 19/09, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có một tuyên bố rõ ràng tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc : “Nếu Bắc Triều Tiên có được thông tin và công nghệ cần thiết để tăng cường kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình đổi lấy vũ khí quy ước của Nga, thì một thỏa thuận quân sự như vậy giữa Nga và Bắc Triều Tiên sẽ cấu thành một hành động khiêu khích trực tiếp đối với an ninh và hòa bình không chỉ của Ukraina mà còn của cả Hàn Quốc. Hàn Quốc và các đồng minh sẽ không đứng yên”.

Tuyên bố này ám chỉ đến việc Seoul có thể thay đổi quan điểm về cuộc chiến Ukraina. Cho đến nay, Seoul tham gia các lệnh trừng phạt Matxcơva, bán vũ khí cho các quốc gia NATO và viện trợ cho Kiev, nhưng từ chối giao vũ khí sát thương cho Ukraina. Thái độ thận trọng này một phần là do Hàn Quốc vẫn có quan hệ tốt với Nga, đặc biệt là quan hệ kinh tế, kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Do vẫn hy vọng là ảnh hưởng của Matxcơva đối với Bắc Triều Tiên có thể giúp cải thiện quan hệ liên Triều, nên Seoul không muốn làm mất lòng điện Kremlin.

Nhưng giờ đây tổng thống Yoon Suk-yeol là người ủng hộ liên kết triệt để với Washington, và hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin đã khiến mối quan hệ Nga – Hàn Quốc trở nên nguội lạnh. Tuần này, một cố vấn của tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul đã theo dõi “các trao đổi quân sự” giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng “từ nhiều tháng nay’’.

Hoa Kỳ: FED tạm ngưng tăng lãi suất chỉ đạo

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), hôm qua 20/09/2023, đã quyết định giữ nguyên lãi suất chỉ đạo ở mức cao nhất trong 22 năm qua, đồng thời cho biết sẵn sàng tăng thêm lãi suất nếu cần thiết để chống lạm phát.


Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2023. AP - Nathan Howard
Phan Minh
Theo AFP, sau 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái, lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh, nhưng vẫn chưa hạ xuống mức 2% như mục tiêu đề ra. Quyết định của FED giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 5,25 đến 5,50% giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để đánh giá nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh tăng trưởng và thị trường lao động dường như có dấu hiệu phục hồi.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
Kể từ khi bắt đầu chính sách tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát vào tháng 3 năm ngoái, đây mới chỉ là lần thứ hai FED tạm ngưng việc tăng lãi suất.

Nhưng điều này không có nghĩa là lãi suất đã đạt mức cao nhất. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thậm chí còn lưu ý rằng lãi suất có khả năng sẽ tiếp tục tăng sau một trong hai cuộc họp cuối cùng trong năm. Cơ quan do Jerome Powell lãnh đạo đang chờ xem nền kinh tế Mỹ sẽ chuyển biến như thế nào.

Một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại và thậm chí kinh tế có thể bị suy thoái : tỷ lệ thất nghiệp tăng trong tháng 8, khiến áp lực đối với việc tăng lương ít hơn, một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Sức tiêu thụ dường như đang chững lại. Đây là một trong những động lực tăng trưởng chính mà hiện giờ vẫn còn mạnh và thậm chí còn vượt quá dự báo. Lạm phát thì đã tăng trở lại vào mùa hè này, đặc biệt do giá nhiên liệu tăng. Giảm lạm phát vẫn là ưu tiên của FED

Giữa những chỉ số trái ngược này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cần thêm thời gian, đồng thời cho biết rằng chính sách tăng lãi suất có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Thượng Karabakh :Azerbaijan đàm phán với lực lượng ly khai Armenia

Dễ dàng giành thắng lợi quân sự trong chưa đầy 24 giờ, Azerbaijan hôm qua, 20/09/2023, thông báo đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Thượng Karabakh với lực lượng ly khai Armenia. Chính quyền Baku khẳng định « giành lại chủ quyền » trong vùng lãnh thổ này sau một chiến dịch « chống khủng bố ». Hôm nay, Azerbaijan bắt đầu đàm phán với phe ly khai nhằm kiểm soát toàn bộ vùng Thượng Karabakh.


Lính Nga giúp di tản dân Armenia khỏi vùng Thượng Karabah ngày 21/09/2023. via REUTERS - RUSSIAN DEFENCE MINISTRY
Thanh Hà
Thượng Karabakh là một vùng nằm trên lãnh thổ Azerbaijan nhưng đa số dân cư lại là người Armenia.

Đàm phán giữa đại diện của chính quyền Baku với phe ly khai Armenia được mở ra sáng nay tại thành phố Yevlakh của Azerbaijan trước cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo báo chí nhà nước của Azerbaijan, cuộc đàm phán đầu tiên đã kết thúc sau 2 giờ thảo luận mà chưa có kết quả gì.

Theo lời cố vấn của tổng thống Azerbaijan cuộc đối thoại này « nhằm giúp cho người Arménia tại vùng Thượng Karabakh hội nhập trở lại với Azerbaijan một cách êm thắm », đồng thời Baku tìm cách « bình thường hóa quan hệ » với chính quyền Erevan. Cố vấn của tổng thống Azerbaijan đã nhấn mạnh là Baku « hợp tác chặt chẽ với lực lượng giữ gìn hòa bình của Nga », trong lúc Matxcơva trên nguyên tắc là đồng minh của Armenia.

Cộng đồng người Armenia tại Thượng Karabakh trong khi đó lại đang tìm đường di tản.

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri từ Goris, Armenia, tường thuật :

Về tất cả những câu hỏi này, phe ly khai Arménia hầu như là không thể trông cậy vào bất kỳ một ai. Các cuộc đàm phán diễn ra trên lãnh thổ Azerbaijan. Đại diện của lực lượng giữ gìn hòa bình Nga đóng vai trò trung gian trong khi lực lượng này lẽ ra phải bảo đảm là các bên tuân thủ hòa ước đã được ký kết hồi tháng 11/2020. Thỏa thuận hòa bình đó đã tan thành mây khói kể từ khi Thượng Karabakh bị phong tỏa và nhất là sau chiến dịch quân sự chớp nhoáng vừa qua.

Cho đến tận hôm nay, theo các nguồn tin độc lập, không ai biết các bên sẽ đàm phán về những gì, cho dù những giờ sắp tới sẽ mang tính quyết định. Chỉ biết rằng theo thông cáo chính thức, quân ly khai Armenia đã buông vũ khí. Trên giấy tờ, ngay từ hôm qua, các giới chức tại Erevan đã đồng ý về thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, không có thông tin về thời điểm và thể thức di tản dân cư Arménia ở vùng Thượng Karabakh và cũng không biết là họ sẽ phải định cư ở nơi nào. Chính quyền Baku khẳng đỉnh chủ quyền trên vùng lãnh thổ này và ngay từ hôm nay, Azerbaijan trình bày cái mà họ gọi là một « kế hoạch chung sống trên lãnh thổ Thượng Karabakh với người Armenia ». Hình ảnh hàng ngàn người Armenia trong vùng trong vài giờ ồ ạt đổ về sân bay Stépanakert, vốn cũng là một căn cứ quân sự của Nga, cho thấy những người này muốn về Armenia. Mọi người tại đây không còn nghi ngờ gì nữa, nguy cơ rất lớn là khoảng 120.000 người Armenia tại đây sẽ phải di tản đi nơi khác ».

Trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, đại sứ ArméniaAndranik Hovhannisyan tố cáo Azerbaijan « phạm tội ác chống nhân loại » và đang thực hiện ý đồ « diệt chủng » nhắm vào người Armenia tại Thượng Karabakh. Về phía Baku, đại sứ Dilara Abdullayeva nhắc lại chiến dịch quân sự chớp nhoáng vừa qua nhằm « tiêu diệt quân khủng bố ».

Không có nhận xét nào: