Cứu trợ nạn nhân lũ tại Libya: Pháp triển khai khẩn cấp một ‘‘bệnh viện dãchiến’Đợt lũ lớn tại Libya sau trận bão Daniel tối thứ Hai, 11/09/2023, khiến số người mất tích lên đến ít nhất cả chục nghìn, và hơn 2.300 người chết. Tại thành phố ven biển miền đông Derna, khoảng 7.000 người bị thương, khoảng 30.000 người phải sơ tán. Nước Pháp quyết định hỗ trợ khẩn cấp. Một khu nhà dân bị bão Daniel tàn phá, tại Derna, Libya. Ảnh chụp ngày 12/09/2023. REUTERS - ESAM OMRAN AL-FETORI Trọng Thành
<!>
Theo AFP, tối hôm qua, 12/09/2023, chính quyền Pháp triển khai một bệnh viện dã chiến trong vòng từ 24 đến 48 giờ. Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin nhấn mạnh: các nhân viên đầu tiên khởi hành ngay trong buổi tối. Phủ tổng thống Pháp cho biết cụ thể là khoảng 50 nhân viên bệnh viện dã chiến có thể giúp cứu chữa cho khoảng 500 người một ngày.
Trước đó trong ngày, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Pháp, Anne-Claire Legendre, bảo đảm Pháp sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của phía Libya. Một cố vấn của tổng thống Macron cho biết, ưu tiên hiện nay là tìm kiếm những người bị nước lũ cô lập. Theo thẩm định của một giới chức Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế hôm qua, ít nhất 10.000 người hiện bị coi là mất tích.
Ngoài hỗ trợ nói trên của Pháp, nhiều nhóm cứu nạn đã được Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cử đến miền đông Libya. Jordani hôm nay thông báo điều đến Libya một máy bay viện trợ nhân đạo, mang theo lều bạt, chăn đệm, và thực phẩm. Ý điều một chiến hạm và hai máy bay quân sự hỗ trợ chuyên gia và các vật tư thiết yếu. Algérie và Ai Cập hôm qua cho biết cũng tham gia vào chiến dịch trợ giúp. Hoa Kỳ thông báo hỗ trợ tài chính và dự kiến phối hợp với chính quyền Libya và Liên Hiệp Quốc cung cấp các hỗ trợ bổ sung.
Liên quan đến vụ động đất ở Maroc, thứ Sáu tuần trước, khiến ít nhất 2.800 người chết, hiện tại chính quyền Maroc chưa chấp nhận trợ giúp của Pháp. Trên mạng Twitter hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích ‘‘những tranh luận, bàn tán không đáng đưa ra’’ về chủ đề này. Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh: ‘‘Quốc vương và chính phủ Maroc có toàn quyền quyết định về việc tiếp nhận hỗ trợ quốc tế, và nước Pháp sẵn sàng đóng góp nếu được Maroc yêu cầu’’.
Theo truyền thông Pháp, 48 giờ sau thảm họa, Maroc chấp nhận trợ giúp từ bốn quốc gia, gồm Tây Ban Nha, Anh Quốc, Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Ukraina tấn công xưởng đóng tàu Sebastopol ở vùng Crimée bị Nga sáp nhập
Một cuộc tấn công của Ukraina vào sáng sớm hôm nay, 13/09/2023, đã gây hỏa hoạn tại một xưởng đóng tàu của Sebastopol ở bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập và khiến 24 người bị thương, theo thông báo của lãnh đạo chính quyền địa phương.
(Ảnh tư liệu) - Tàu Tarantul-III tại cảng Crimée, Sébastopol, ngày 01/04/2014. AFP - OLGA MALTSEVA
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, trên mạng Telegram sáng nay, thống đốc Nga của Sebastopol, Mikhaïl Razvojaïev, cho biết vụ hỏa hoạn là do một cuộc tấn công bằng tên lửa của phía Ukraina nhắm vào Sebastopol, cảng trú đóng của hạm đội Hắc Hải của Nga tại vùng Crimée bị Matxcơva sáp nhập.
Sau đó, cũng trên mạng Telegram, bộ Quốc Phòng Nga thông báo cuộc tấn công bằng 10 tên lửa hành trình của Ukraina vào Sebastopol đã làm hư hại 2 chiếc tàu đang được sửa chữa. Bộ này cho biết thêm là 3 drone hải chiến cũng đã toan tấn công vào hạm đội Hắc Hải, nhưng đã bị một tàu tuần dương của Nga phá hủy.
Từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 02/2022, vùng Crimée thường xuyên bị tấn công bằng drone từ trên không và trên biển.
Trong khi đó, vào đêm qua, các drone của Nga đã tấn công vào vùng Odessa của Ukraina, gây hư hại các cơ sở hạ tầng của hải cảng thành phố Ismail và khiến 6 người bị thương, theo thông báo của thống đốc vùng Odessa trên mạng Telegram.
Từ tháng 7, tức là kể từ khi không còn thi hành thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, Nga đã gia tăng các cuộc tấn công vào hai vùng Odessa và Mykolaiv, nơi có nhiều hải cảng và các cơ sở cần thiết cho giao thương qua vùng Hắc Hải.
Về yểm trợ của quốc tế, theo AFP, bộ Quốc Phòng Đan Mạch hôm qua thông báo nước này sẽ viện trợ thêm khoảng 780 triệu euro cho Ukraina, chủ yếu nhằm tài trợ việc mua các thiết bị quốc phòng, đạn dược và xe tăng.
Ukraina: Tổng thống Zelensky kêu gọi giới chức chính quyền minh bạch tài sản
Hơn 80.000 người Ukraina ký tên vào kiến nghị yêu cầu tổng thống Volodymyr Zelensky phủ quyết một đạo luật vừa được Quốc Hội nước này thông qua, giới hạn ‘‘tính minh bạch’’ trong lĩnh vực công. Nỗ lực chống tham nhũng của xã hội dân sự Ukraina mang lại kết quả. Hôm qua, 12/09/2023, tổng thống Zelensky khẳng định đã phủ quyết đạo luật nói trên và kêu gọi giới chức chính quyền ngay lập tức khai báo tài sản.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ngày 08/08/2023, tại Kiev, Ukraina. © UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SERVICE via AFP
Trọng Thành
Thông tín viên Pierre Alonso tường trình từ Kiev :
Chỉ cần ít ngày để tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đưa ra quyết định này sau một kiến nghị lấy chữ ký, được tung ra hồi thứ Tư tuần trước, yêu cầu nguyên thủ Ukraina gửi trả Quốc Hội văn bản luật vừa được Quốc Hội thông qua.
Trong đạo luật này, giới tranh đấu chống tham nhũng phản đối một điều khoản sửa đổi cho phép hoãn lại một năm việc kê khai tài sản của các giới chức chính quyền. Theo giới tranh đấu, biện pháp kê khai tài sản là một công cụ chống tham nhũng rất hiệu quả. Họ nhắc lại rằng nghĩa vụ khai báo này đã có trước cuộc xâm lăng của Nga, nhưng bị đình chỉ do luật thời chiến.
Trong một đoạn video ngắn được phổ biến sáng hôm nay, tổng thống Zelensky nhấn mạnh : ‘‘Việc khai báo tài sản phải được thực hiện ngay lập tức. Không thể trong một năm nữa’’. Sau nhiều bê bối tham nhũng, đặc biệt là việc bộ trưởng Quốc Phòng phải thôi chức, tổng thống Zelensky đang đứng ở tuyến đầu : 78% người Ukraina cho rằng ông có trách nhiệm trực tiếp trước tình trạng tham nhũng hiện nay. Dưới áp lực của công luận, người ta có thể hiểu rõ hơn vì sau lãnh đạo Ukraina lại sốt sắng tỏ ra gương mẫu như vậy".
Trả lời AFP, người chủ trì của kiến nghị nói trên, ông Oleksandre Iabtchanka, một thành viên của nhóm ‘‘Những con sói Da Vinci’’, cho biết ‘‘rất vui mừng’’ về quyết định của tổng thống, cho thấy ‘‘công luận trong một quốc gia dân chủ có tiếng nói quan trọng’’. Theo một thăm dò dư luận của Viện Xã hội học Quốc tế ở Kiev (KIIS), 89% người Ukraina coi tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng thứ hai của đất nước, sau cuộc xâm lăng của Nga.
Kim Jong Un: Tăng cường quan hệ với Nga là “ưu tiên tuyệt đối” của Bắc Triều Tiên
Trong cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin tại một sân bay vũ trụ ở vùng Viễn Đông Nga hôm nay, 13/09/2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố việc tăng cường quan hệ giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng là “ưu tiên tuyệt đối”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Viễn Đông Nga ngày 13/09/2023. AP - Mikhail Metzel
Thanh Phương | Trần Công
Theo hãng tin AFP, sau khi đi thăm các cơ sở của sân bay vũ trụ Vostochny, trong đó có xưởng lắp ráp tên lửa Angara thế hệ mới, lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Nga đã mở cuộc hội đàm với sự hiện diện của phái đoàn hai nước, trước khi hai ông gặp riêng. Theo các hãng thông tấn Nga, tham dự các hội đàm song phương có các bộ trưởng Quốc Phòng, Ngoại Giao và Công Nghiệp của phía Nga. Trước cuộc hội đàm, tổng thống Putin đã nêu lên khả năng Nga sẽ giúp Bắc Triều Tiên chế tạo các vệ tinh nhân tạo.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:
“Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga là nơi mang tính biểu tượng cho tham vọng của Nga về thăm dò không gian. Trước khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh, tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Kim Jong Un đã đi tham quan các cơ sở của sân bay vũ trụ. Một video từ Nga cho thấy ông Kim Jong Un rất quan tâm đến công nghệ tên lửa của Nga. Ông không rời mắt khỏi cơ sở, thậm chí còn ra hiệu bằng tay để đặt câu hỏi về các bộ phận tên lửa cũng như cách chúng hoạt động.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng ủng hộ các quyết định của Nga và tổng thống Putin trong cuộc chiến Ukraina mà ông gọi là cuộc chiến "chống chủ nghĩa đế quốc". Chủ tịch Bắc Triều Tiên kỳ vọng rằng cuộc gặp này sẽ nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Cuộc gặp ở sân bay vũ trụ Vostochny được chia ra làm hai phần, bao gồm cuộc họp mở rộng với sự tham dự của đại diện hai nước trong khoảng 90 phút. Sau đó là cuộc gặp riêng giữa hai lãnh đạo chỉ có phiên dịch viên trong khoảng 30 phút. Tại cuộc gặp này, ông Putin và ông Kim Jong Un dự kiến sẽ thảo luận về các kế hoạch hợp tác quân sự, trong đó có việc buôn bán vũ khí, cho dù điều này vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Kết thúc cuộc họp, điện Kremlin cho biết: Hai nước hiện không có kế hoạch ký bất kỳ tài liệu nào sau hội nghị thượng đỉnh.”
Trong bữa ăn trưa sau hội đàm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định với tổng thống Vladimir Putin là Nga sẽ giành được "một chiến thắng to lớn" trước các kẻ thù, chủ yếu là phương Tây. Theo các hãng tin Nga, ông Kim Jong Un còn ca ngợi quân đội Nga "anh hùng" trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraina.
Nhật cử quan chức đương nhiệm làm việc tại văn phòng ''tùy viên quốc phòng’’ trên thực tế ở Đài Loan
Lần đầu tiên Tokyo bổ nhiệm thêm một quan chức chính phủ ‘‘đương nhiệm’’ vào văn phòng tùy viên quốc phòng trên thực tế tại Đài Loan. Theo giới quan sát, quyết định nói trên có thể khiến Trung Quốc tức giận. Việc Nhật Bản cử quan chức đương nhiệm được đưa ra tiếp theo yêu cầu của phía Đài Loan, theo một nguồn tin của Reuters.
Ảnh minh họa: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tiếp phó chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ Nhật Bản Taro Aso (P), Đài Bắc, Đài Loan, ngày 08/08/2023. AP
Trọng Thành
Hãng tin Anh Reuters hôm qua, 12/09/2023, dẫn lại bốn nguồn tin, cho biết Nhật Bản quyết định ‘‘nâng cấp quan hệ’’ về an ninh với Đài Loan. Nhật Bản vốn không có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức ở Đài Loan. Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan (Japan-Taiwan Exchange Association) là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Tokyo tại Đài Bắc. Trước đây, để tránh bị Trung Quốc phản đối, vai trò tùy viên quốc phòng trên thực tế do một sĩ quan Nhật Bản nghỉ hưu phụ trách. Hồi năm ngoái, sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ việc cử quan chức quốc phòng ‘‘đương nhiệm’’, Tokyo đã đình chỉ kế hoạch do lo ngại Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin nói trên, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã cử một quan chức đương nhiệm đến làm việc cùng với tùy viên quốc phòng hiện tại để cải thiện việc thu thập thông tin và trao đổi với quân đội Đài Loan.
Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã từ chối bình luận khi được hỏi về việc Nhật cử ‘‘tùy viên quốc phòng’’ mới, nhưng cho biết Đài Bắc “sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác có cùng quan điểm như Nhật Bản”.Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng khẳng định chỉ theo đuổi các mối quan hệ ‘‘phi chính phủ’’ với Đài Loan, không vi phạm tuyên bố chung năm 1972, công nhận Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Trả lời Reuters trong cuộc họp báo hàng tuần, phát ngôn viên các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Trần Bân Hoa (Chen Binhua) hôm nay cho biết Bắc Kinh phản đối ‘‘bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và khu vực Đài Loan của Trung Quốc’’ và “Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản rút ra bài học từ lịch sử, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, và thận trọng trong lời nói cũng như hành động về vấn đề Đài Loan”.
Sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh xung quanh đảo Đài Loan, cách lãnh thổ Nhật Bản, khoảng 100 km, khiến Tokyo lo ngại. Tháng 7/2021, Sách trắng Quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định Đài Loan ‘‘ổn định’’ là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, công bố hồi cuối tháng 7/2023, nhấn mạnh đến ‘‘tính cấp bách’’ của việc Nhật – Mỹ hợp tác nhằm đối phó với kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 cảnh báo ‘‘khoảng cách’’ về năng lực quân sự trên không và trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng, nghiêng mạnh về phía có lợi cho Trung Quốc.
Báo cáo Quốc phòng rút bài học từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina
Thông tin về việc Nhật Bản cử một quan chức đương nhiệm tới văn phòng tùy viên quốc phòng tại Đài Bắc được đưa ra đúng vào ngày Quân đội Đài Loan công bố Báo cáo Quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina. Theo hãng tin Đài Loan CNA, Báo cáo Quốc phòng Đài Loan khẳng định quân đội nước này đang rút các bài học từ cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga, nhằm sẵn sàng đối phó với một đối thủ mạnh hơn gấp bội, trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp, ‘‘bao gồm can thiệp quân sự và các thách thức phi truyền thống khác, như chiến tranh mạng và chiến tranh tâm lý’’.
Lần đầu tiên kể từ khi bộ Quốc Phòng Đài Loan bắt đầu công bố báo cáo hai năm một lần từ năm 1992, một phiên bản ‘‘sách nói’’ của Báo cáo Quốc Phòng cũng được phổ biến để văn bản này đến được với nhiều đối tượng hơn, bao gồm những người ‘‘khiếm thị’’.
Trung Quốc đề xuất một loạt biện pháp “mới” nhằm hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến
\
Chính quyền Bắc Kinh ngày 12/09/2023đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy việc hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến, thông qua một số kế hoạch phát triển chung.
(Ảnh minh họa ) - Một khu vực ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 03/12/2022. © Alberto Buzzola / Getty Images
Trọng Nghĩa
Tài liệu do Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản và Quốc Vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc cùng công bố bao gồm hơn 20 “ý kiến” nhằm vạch ra “con đường mới hướng tới phát triển hội nhập” giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến trên đại lục.
Theo hãng tin Pháp AFP, nội dung các đề xuất bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Đài Loan làm việc, học tập và kinh doanh tại Phúc Kiến, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh thuê nhân viên Đài Loan. Tài liệu cũng kêu gọi thành phố Hạ Môn ở ven biển tăng tốc hội nhập với Kim Môn và Mã Tổ, hai nhóm đảo do Đài Loan quản lý nhưng chỉ cách bờ biển Hoa Lục vài cây số.
Văn kiện cũng nhắc lại rằng “giải quyết vấn đề Đài Loan” và “thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc”. Theo nhận xét của AFP, việc công bố tài liệu kể trên cho thấy là Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với hòn đảo tự trị vốn từng bị cắt đứt trong đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và quan hệ hai bên đã xấu đi đáng kể từ khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Quan hệ càng xấu đi thêm khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế về Covid-19, làm gián đoạn hoạt động thương mại và các hoạt động trao đổi khác trong thời kỳ đại dịch.
Đài Loan: Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục cho không quân và hải quân thị uy gần hòn đảo tự trị.
Vào hôm nay 13/09/2023, chính quyền Đài Bắc cho biết đã phát hiện 35 máy bay quân sự của Trung Quốc bay quanh Đài Loan trong vài tiếng đồng hồ, với một số phi cơ hướng tới Tây Thái Bình Dương để đến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tham gia một “cuộc tập huấn hỗn hợp trên biển và trên không”.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, máy bay chiến đấu và drone Trung Quốc đã bị phát hiện từ 6 giờ sáng giờ địa phương, khoảng 28 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan, và một số máy bay chiến đấu “vượt qua Kênh Bashi để đến Tây Thái Bình Dương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét