Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

ĐIỂM TIN 12/09/2023 - Long Đô

Tổng thống Mỹ bị cáo buộc đặt lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và Ấn Độ Ngày 11/09/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam sau khi hai nước thông báo nâng cấp quan hệ song phương lên thành « Đối tác Chiến lược Toàn diện ». Tuy nhiên, giới đấu tranh nhân quyền cáo buộc chính quyền Biden ưu tiên cho các lợi ích chiến lược, xem nhẹ vấn đề nhân quyền. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN Minh Anh
<!>
Theo Reuters, chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10-11/09 và trước đó là Ấn Độ, ngày 08 và 09/09 đã cho phép Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ với các nước, có thể giúp Washington làm đối trọng để kềm hãm đà đi lên của Trung Quốc.

Hoa Kỳ không những nâng cấp quan hệ với Việt Nam, mà còn tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao như mây điện tử, linh kiện bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nhà Trắng còn đúc kết một thỏa thuận bán 50 chiếc Boeing 737 Max cho hãng hàng không Vietnam Airlines trị giá 7,8 tỷ đô la.

Theo quan sát của giới đấu tranh nhân quyền, bản tin về chuyến công du Hà Nội của Nhà Trắng gồm hơn 2.600 từ, nhưng lĩnh vực nhân quyền chỉ chiếm có 112 từ, bao gồm cả những tựa nhỏ.

Bị báo chí chất vấn ở Hà Nội, tổng thống Biden cho biết đã đề cập chủ đề này với « tất cả những ai » mà ông gặp. Tại Ấn Độ, vấn đề nhân quyền đã không được đề cập công khai, nhưng trong cuộc họp báo ở Hà Nội, nguyên thủ Mỹ tuyên bố có nhấn mạnh tầm quan trọng việc tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí với thủ tướng Ấn Độ Modi.

Theo tổ chức Human Rights Watch, việc đề cập riêng những chủ đề này là chưa đủ vì cả Ấn Độ và Việt Nam đều bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, như nạn phân biệt sắc tộc ở Ấn Độ hay chống lại các quyền công dân và chính trị cơ bản ở Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng euro giảm năm 2023-2024

Ngày 11/09/2023, Ủy Ban Châu Âu đã hạ 0,3 điểm trong dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro - eurozone - cho năm 2023 và 2024 lần lượt xuống còn 0,8% và 1,3%. Lý do chính là Đức, đầu tầu kinh tế châu Âu, rơi vào suy thoái. Bruxelles thẩm định GDP của Đức sẽ giảm.


Ảnh minh họa : Những chiếc xe hơi trong quá trình kiểm tra chất lượng tại nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. AP - Michael Sohn
Thu Hằng
Thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin giải thích về những khó khăn tình thế cũng như những bất cập về cấu trúc của Đức :

« Gần như không ngày nào là không có chỉ số mới, chẩn đoán mới xác nhận những khó khăn về tình hình kinh tế. Tuần trước, ba viện nghiên cứu kinh tế đã hạ mức đánh giá của họ về tăng trưởng, nhấn mạnh đến suy thoái từ 0,4 đến 0,6% cho năm nay. Cách đây vài tháng, chính phủ vẫn hy vọng tránh được kịch bản như vậy. Hôm qua (11/09), chính Ủy Ban Châu Âu đã xác nhận sự suy thoái này : -0,4%. Trước đó, cũng như nhiều cơ quan khác, Bruxelles từng kỳ vọng mức tăng trưởng mang tính biểu tượng trong năm 2023.

Báo chí Đức đăng đan xen các biểu đồ so sánh cho thấy Đức là nước đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng châu Âu. Nền kinh tế hướng chủ yếu đến xuất khẩu hứng chịu những khó khăn của các nước khác, bắt đầu từ Trung Quốc. Sản xuất, cũng như đầu tư đều giảm. Các ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng phải gánh chi phí đội giá và vấn đề về sức cạnh tranh. Tiêu thụ của các hộ gia đình giảm, lạm phát cao đã gặm nhấm dần những khoản tăng thu nhập và tinh thần của người dân. Lãi suất cao tác động xấu đối với ngành xây dựng.

Chính phủ đã quyết định giảm thuế vài tỉ euro cho các doanh nghiệp nhưng việc phải thắt chặt lại ngân sách lại khiến chính phủ ít có khả năng hành động ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Nga, gặp tổng thống Putin để thảo luận cung ứng vũ khí

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đã đến Nga sáng sớm hôm nay, 12/09/2023, cho một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin. Washington cảnh báo khả năng hai nước đúc kết một thỏa thuận cung ứng vũ khí, hậu thuẫn cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina.


Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị rời Bình Nhưỡng để công du Nga, ngày 10/09/2023. via REUTERS - KCNA
Minh Anh | Trần Công
Hãng tin Pháp AFP nhận định đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Kim Jong Un kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Điện Kremlin trong thông cáo khẳng định hai nguyên thủ sẽ bàn về những « chủ đề nhậy cảm ». Theo quan sát của thông tín viên đài RFI tại Seoul, hình ảnh về thành viên phái đoàn Bắc Triều Tiên tại nhà ga được công bố có thể cho phép dự đoán vấn đề đạn dược cũng như công nghệ hải quân và không gian sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm phản ứng của Mỹ và phía Hàn Quốc :

Theo Yonhap, trích dẫn thông tấn xã Trung Ương Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un hôm qua 10/09 đã rời Bình Nhưỡng, đi tàu riêng tới Nga. Theo những bức ảnh được công bố, tháp tùng ông Kim là các quan chức chủ chốt của đảng Lao Động Triều Tiên, quan chức chính phủ và quân đội, như ngoại trưởng Choi Son-hee, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Ri Pyong-chol.

Một số nguồn tin cho biết có thể tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un trong ngày hôm nay. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh song phương đầu tiên sau bốn năm kể từ cuộc gặp tháng 04/2019 tại Vladivostok. Tuy nhiên, lịch trình và địa điểm tổ chức cuộc gặp chưa được công bố.

Hoa Kỳ và phương Tây theo dõi sát chuyến đi này vì cho rằng có thể Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga, phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Trước đó, Hoa Kỳ tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động buôn bán vũ khí nào của Bình Nhưỡng sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ có những biện pháp trừng phạt bổ sung nếu cần thiết. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller bình luận: "Việc Matxcơva yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Bình Nhưỡng cho thấy hiệu quả của các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ".

Về phía Hàn Quốc, trong cuộc họp thượng đỉnh với Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN vừa qua, tổng thống Yoon Suk-Yeol đã tuyên bố: "Các thành viên của Liên Hiệp Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên, đặc biệt là các nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An".

Trung Quốc củng cố phòng không dọc bờ biển đối diện đảo Đài Loan

Trung Quốc đã mở rộng các căn cứ không quân dọc bờ biển đối diện với Đài Loan, triển khai thường trực nhiều chiến đấu cơ và drone mới tại đó. Trong bản báo cáo hai năm một lần, được công bố ngày 12/09/2023, bộ Quốc Phòng Đài Loan nhận định Trung Quốc đang củng cố năng lực phòng không, song song với « chương trình huấn luyện và tập trận bắn đạn thật để tăng cường chuẩn bị tấn công Đài Loan ».


Tham mưu trưởng Không quân Đài Loan, tướng Tào Tiến Bình (Tsao Chin-ping) họp báo tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/09/2023. REUTERS - BEN BLANCHARD
Thu Hằng
Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, nêu rõ « Trung Quốc đã hoàn thiện việc mở rộng các sân bay dọc bờ biển trực thuộc Chiến khu Đông Bộ và Chiến khu Nam Bộ, điều các chiến đấu cơ và drone mới đến thường trú ở đó ».

Ngoài ra, các cuộc tập trận thường xuyên của Trung Quốc ở phía bắc và nam Đài Loan, cũng như ở vùng Thái Bình Dương cho thấy Bắc Kinh quyết tâm « hăm dọa » Đài Loan ở cả phía đông và tây. Các cuộc tập trận rầm rộ bao vây Đài Loan đã được Trung Quốc tiến hành tháng 08/2022 và tháng 04/2023 để răn đe « sự thông đồng » giữa chính quyền Đài Bắc và Washinton. Đầu tuần này, Trung Quốc cũng huy động vài chục chiến đấu cơ và tầu sân bay Sơn Đông tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Bắc Kinh cũng sử dụng chiến thuật « vùng xám » - phi quân sự, ví dụ các khinh khí cầu khí tượng bay quanh eo biển Đài Loan nhưng thực chất là nhằm do thám hoặc máy bay dân sự được dùng vào mục đích theo dõi.

Trước đối thủ quá mạnh, Đài Loan theo đuổi chiến lược phòng thủ bất đối xứng bằng cách cải thiện các năng lực tầm xa, chính xác, không người lái và trí tuệ nhân tạo. Vẫn theo báo cáo, ngay khi thấy có dấu hiệu Trung Quốc tấn công, quân đội Đài Loan có thể dùng vũ khí chính xác để « đánh phủ đầu các lực lượng tấn công được huy động » của Trung Quốc.

Trả lời Reuters về phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc không tấn công ngay Đài Loan, ông Huang Wen Chi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Đài Loan, khẳng định chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và Đài Bắc không thể chủ quan. Theo ông, « cho đến nay, chúng tôi không thấy bất kỳ thái độ thiện chí nào từ phía chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đối với chúng tôi ».

Trung Quốc chưa phản ứng về bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan.

Nga chuẩn bị động viên, bù đắp tổn thất nhân mạng trên chiến trường Ukraina
Ngày 11/09/2023, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho rằng « một đợt tuyển quân lớn sắp được tổ chức tại Liên bang Nga và các vùng của Ukraina bị Nga chiếm đóng. Theo các thẩm định khác, mục tiêu là tuyển từ 400.000 đến 700.000 tân binh, để bù đắp cho thiệt hại về nhân mạng trên chiến trường.


Ảnh minh họa : Những người lính Nga bị động viên chờ lên tàu hỏa ở Volgograd, ngày 29/09/2022. AP
Thu Hằng
Bộ Tổng tham mưu Ukraina không đưa ra bằng chứng nào về khẳng định trên. Theo Reuters, tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi một quan chức tình báo quân sự Ukraina cho biết hiện có khoảng 420.000 lính Nga chiến đấu ở Ukraina.

Phía Nga khẳng định hiện giờ không có bất kỳ kế hoạch tuyển quân lớn nào và Matxcơva chỉ tuyển lính chuyên nghiệp. Matxcơva và Saint-Peterburg có « rất ít » người phải tòng quân, lực lượng chủ đạo đến từ các vùng nằm ngoài hai thành phố lớn trên.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở Vladivostock ngày 12/09, tổng thống Vladimir Putin đã hoan nghênh « 270.000 người Nga tình nguyện ký hợp đồng phục vụ trong quân đội và các đơn vị tình nguyện trong 6 đến 9 tháng vừa qua » để tham chiến ở Ukraina cùng với 300.000 quân được huy động trong năm 2022. AFP trích lời ông Putin cho biết mỗi ngày có thêm từ 1.000 đến 1.500 người ký hợp đồng.

Về việc phương Tây giao chiến đấu cơ F-16, cũng như việc Mỹ giao đạn chùm cho Kiev, nguyên thủ Nga cho rằng sẽ chỉ « làm kéo dài thêm cuộc xung đột » ở Ukraina.

Tháng 08/2023, nhật báo Mỹ New York Time, trích nhiều quan chức Mỹ xin ẩn danh, thẩm định gần 500.000 lính Ukraina và Nga đã bị chết hoặc bị thương kể từ khi Matxcơva phát động cuộc chiến vào tháng 02/2022. Thiệt hại về nhân mạng là « bí mật quốc gia » của cả hai nước.


Không có nhận xét nào: