Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

ĐIỂM TIN 11/09/2023 - Long Đỗ


 Mỹ- Việt ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm
Nhân chuyến công du Việt Nam ở cấp Nhà nước của tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua 10/09/2023, hai nước đã ký kết một thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm. Theo nhận định của Reuters, đây là một phần mong muốn của Hoa Kỳ có các chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc. Ảnh minh họa chụp ngày 17/02/2023: Một bảng bán dẫn điện tử. REUTERS - FLORENCE LOThùy Dương Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành « đối tác chiến lược toàn diện », mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam. 
<!>
Điều này cho phép Mỹ hưởng lợi từ năng lực sản xuất của Việt Nam và đạt bước tiến trong chiến lược trang bị chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh những nguy cơ rủi ro từ phía Trung Quốc.

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 11/09, chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược, thuộc Trường Quân sự Pháp, nhận định :

« Năm ngoái, một cách biểu tượng, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ 7 của Mỹ, vượt qua cả Anh quốc, nên Việt Nam nay đã là nước quan trọng trong quan hệ thương mại với Mỹ. Theo chiều ngược lại, đối với Việt Nam, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Vì thế, bộ máy kinh tế của hai nước thực sự lệ thuộc vào nhau, bổ trợ cho nhau.

Mặt khác, những khó khăn thương mại mà Washington đang gặp phải với Bắc Kinh, trong cuộc chiến kinh tế hiện đang tiếp diễn, thúc đẩy Mỹ cố gắng tăng cường quan hệ đối tác với Hà Nội, thúc đẩy việc dịch chuyển cơ sở sản xuất. Mỹ cũng phải có những suy tính mang chiến chiến lược về quan hệ đối tác kinh tế, nâng cao hợp tác với Hà Nội, vấn đề chất bán dẫn được đề cập trong chuyến thăm của Biden cũng như vấn đề về đất hiếm, vốn dĩ mang tính chiến lược rất cao. Việt Nam là nước có nhiều trữ lượng đất hiếm thứ 2 trên thế giới.

Vì vậy, có điều gì đó đang thay đổi và Washington cho rằng Việt Nam có thể là một thị trường châu Á, theo cách nào đó có thể là thị trường thay thế hoặc thị trường bổ sung phục vụ lợi ích của Mỹ trong khu vực để bù đắp cho những khó khăn mà Mỹ gặp phải với Trung Quốc ».

Hôm nay 11/09/2023, trong thông cáo, Nhà Trắng hoan nghênh « một hợp đồng lịch sử » trị giá 7,8 tỉ đô la giữa Boeing và hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Chính quyền Mỹ khẳng định đơn đặt hàng, được thông báo nhân chuyến công du của tổng thống Biden đến Việt Nam, sẽ mang lại hơn 30.000 việc làm ở Mỹ.

Báo chí Trung Quốc: Chuyến thăm Việt Nam của TT Mỹ "chỉ mang tính tượng trưng" ?

Ngay khi tới thăm Việt Nam, tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào hôm qua 10/09/2023 và hai bên quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên mức « Đối tác chiến lược toàn diện » - theo xếp hạng quan hệ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại trụ sở đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/09/2023. AP - Evan Vucci
Phan Minh
Bắc Kinh đương nhiên theo dõi sát chuyến thăm Việt Nam ở cấp Nhà nước của nguyên thủ Mỹ. Và báo chí chính thức Trung Quốc giảm thiểu tầm quan trọng của sự kiện này. Theo trang mạng của Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), hôm qua 10/09, một số chuyên gia Hoa Lục cho rằng chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ chỉ mang tính tượng trưng với những kết quả hạn chế, bởi mối quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, Việt Nam và Trung Quốc, không thể được thay thế bằng mối quan hệ giữa hai Nhà nước, giữa Nhà nước Việt Nam với một quốc gia khác.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, Hoa Kỳ đang tìm cách lôi kéo Việt Nam trở thành một quốc gia « bán đồng minh » khi tuyên bố mang lại cho Hà Nội một số lợi ích về kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Việt Nam sẽ không « đi quá xa » vì nước này không đặt quan hệ Trung-Việt làm đối trọng với quan hệ Mỹ-Việt. Ngày 05/09, khi tiếp Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh luôn luôn « coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ Việt-Trung ».

Theo nhận định của các chuyên gia Trung Quốc, mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy các nước xung đột với Trung Quốc, song các nước như Việt Nam sẽ không muốn hoặc không đủ khả năng tiến hành một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Một số truyền thông của Mỹ coi chuyến đi này của tổng thống Biden là một phần trong nỗ lực của Washington chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc bằng cách mở rộng chuỗi cung ứng thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF). Thế nhưng, theo Hoàn Cầu Thời Báo, sự phát triển của khu vực cần đến sự hợp tác chặt chẽ trong chuỗi cung ứng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

TT Mỹ Biden cho rằng Trung Quốc ít khả năng xâm lược Đài Loan

Tổng thống Hoa Kỳ, hôm qua 10/09/2023, đã gặp một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc bên lề nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ, đồng thời, nguyên thủ Mỹ nhận định rằng do bị chao đảo về kinh tế Trung Quốc khó có thể xâm lược Đài Loan.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự diễn đàn “Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới”, nhân thượng đỉnh G20, New Delhi, Ấn Độ, ngày 09/09/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN
Phan Minh
Theo hãng tin Anh Reuters, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nhân thượng đỉnh G20, ông đã gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc sau chủ tịch Tập Cận Bình.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa đại diện hai cường quốc từ 10 tháng qua, kể từ khi tổng thống Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Indonesia.

Trong cuộc gặp tại New Delhi hôm qua, nguyên thủ Mỹ đã thảo luận với thủ tướng Trung Quốc về sự ổn định và tình hình của các quốc gia « Nam bán cầu ». Theo tổng thống Biden, cuộc gặp này không hề mang tính chất « đối đầu ».

Tuy nhiên, sau đó tại Việt Nam, tổng thống Biden đã miêu tả kinh tế Trung Quốc đang bị « khủng hoảng », với nhiều vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao đối với giới trẻ nước này.

Khi đề cập đến những khó khăn mà nền kinh tế của Trung Quốc phải đối mặt, tổng thống Biden nhận định rằng điều này có thể khiến Trung Quốc không xâm lược Đài Loan, hòn đảo Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho biết thêm rằng Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi khu vực Thái Bình Dương.

Đài Bắc: 39 phi cơ quân sự và 1 tàu sân bay Trung Quốc đến gần đảo Đài Loan

Đài Bắc hôm nay 11/09/2023 thông báo đã phát hiện 39 phi cơ quân sự và 1 tàu sân bay của Trung Quốc gần đảo Đài Loan. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh hôm 09/09 Trung Quốc đặt quân đội trong tình trạng « báo động cao » tại eo biển Đài Loan sau khi tàu chiến Mỹ và Canada vào cùng ngày đi qua eo biển Đài Loan.


Màn hình tại một khu thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/08/2023, chiếu cảnh tiêm kích Trung Quốc cất cánh tham gia cuộc tập trận ở gần Đài Loan. REUTERS - TINGSHU WANG
Thùy Dương
Theo Reuters, một đội tàu Trung Quốc do tàu sân bay Sơn Đông (Shandong) dẫn hành sáng sớm hôm nay đã đến khu vực cách Đài Loan 60 hải lý về phía đông nam và đi vào vùng Tây Thái Bình Dương để tập trận. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết cuộc tập trận bắt đầu lúc 5h40 sáng nay. Đài Bắc phát hiện 11 máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm cả chiến đấu cơ J-16, trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay cũng cho biết 22 trong số 39 máy bay quân sự của Trung Quốc thậm chí đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đài Bắc khẳng định « quân đội Đài Loan đang giám sát chặt chẽ tình hình, bố trí máy bay, tàu chiến và các hệ thống tên lửa trên mặt đất chuẩn bị sẵn sàng đối phó ».

Về phía Mỹ, Hải quân cho biết các tàu của Mỹ và Canada đi qua eo biển Đài Loan hồi cuối tuần qua là tàu khu trục USS RaphJohnson thuộc lớp Arleigh Burke và tàu HMCS Ottawa, khẳng định đó là hoạt động bình thường của các tàu để « bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển ở Ấn Độ - Thái Bình Dương theo luật quốc tế ».

TT Macron thăm Bangladesh để củng cố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp

Sau khi dự thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ, tối qua, 10/09/2023, tổng thống Emmanuel Macron, đã công du Bangladesh, nhằm củng cố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp, và tố cáo « Chủ nghĩa đế quốc mới » ở một khu vực mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.


Thủ tướng Banladesh Sheikh Hasina (P) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Văn phòng phủ thủ tướng Dhaka, Bangladesh, ngày 22/09/2023. via REUTERS - Prime Minister's Office of Bangl
Phan Minh
Theo AFP, trong bữa tiệc chính thức tối qua tại Dhaka, tổng thống Pháp đã nói với thủ tướng Sheikh Hasina : « Dựa trên các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, trong một khu vực đang phải đối mặt với chủ nghĩa đế quốc mới, chúng tôi muốn đề xuất những giải pháp thay thế và không có ý định bắt nạt các đối tác hoặc đẩy họ vào một cơ chế không bền vững. »

Theo nguyên thủ Pháp, Bangladesh đang dần lấy lại vị thế của mình trên trường thế giới. Ông Macron ca ngợi những « thành công to lớn » của quốc gia Nam Á này, một nền kinh tế đang phát triển mạnh và là quốc gia đông dân thứ 8 thế giới với hơn 170 triệu người.

Về phần mình, thủ tướng Hasina cho biết việc tổng thống Macron thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược phù hợp với chính sách đối ngoại của đất nước bà và nhận định rằng « ông Macron mang lại một luồng gió mát cho quan hệ quốc tế ». Một số nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại về bầu không khí chính trị ở Bangladesh trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 01/2024, nơi đảng cầm quyền thống trị cơ quan lập pháp và điều hành đất nước một cách vô tổ chức.

Hôm nay 11/09, tổng thống Macron cho biết Bangladesh đã đặt mua 10 chiếc A350 của tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, phục vụ cho hãng hàng không quốc gia, Biman Bangladesh Airlines.

Điện Kremlin: Kim Jong Un sẽ “thăm chính thức” Nga

Điện Kremlin hôm nay 11/09/2023thông báo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có “chuyến thăm chính thức” đến Nga “trong những ngày tới đây”. Tuy nhiên, phủ tổng thống Nga không nêu rõ ngày cụ thể cũng như thời điểm Kim Jong Un gặp tổng thống Vladimir Putin.



Ảnh tư liệu: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫy tay chào trước khi đoàn tàu của ông rời ga Khasan, vùng Prmmorye, Nga, ngày 24/04/2019. AP
Thùy Dương
AFP dẫn lại hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay 11/09/2023 loan báo, dường như chuyến tàu đặc biệt chở ông Kim Jong Un đã xuất phát và đang trên đường tới Nga.

Theo hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Kim Jong Un sắp tới Nga để dự “thượng đỉnh với tổng thống Putin, theo lời mời của tổng thống Nga”. Tuy nhiên, KCNA cũng không nêu rõ ngày giờ thượng đỉnh và lịch trình công du của ông Kim. Trong khi đó, đài truyền hình Hàn Quốc YTN dự báo ông Kim và Putin sẽ gặp nhau vào thứ Tư 13/09.

Tổng thống Nga hôm nay đã đến Vladivostok để ngày mai 12/09 tham gia Diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên Vladivostok. Nga và Bắc Triều Tiên có biên giới chung tại miền Viễn Đông Nga, không xa Vladivostok, nhưng phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, hôm nay nói rằng không có cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo Kim - Putin dự kiến diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn này.

Những lời đồn đoán về một chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến Nga đã xuất hiện từ khoảng 1 tuần nay. Washington nghi ngờ Bắc Triều Tiên muốn bán vũ khí, đạn dược cho Matxcơva để dùng trong chiến tranh Ukraina. Nhà Trắng đã cảnh báo là Bắc Triều Tiên sẽ phải “trả giá” trên trường quốc tế nếu cấp vũ khí cho Nga.

Ukraina hy vọng được Mỹ cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS

Báo Financial Times hôm qua 10/09/2023 loan báo tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị đưa ra quyết định về việc cấp tên lửa ATACMS (dành cho hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội) cho Kiev chống quân Nga xâm lược.


Hệ thống phóng tên lửa di động HIMARS, trong một cuộc tập trận ở Liepaja, Latvia, ngày 26/09/2022. REUTERS - INTS KALNINS
Thùy Dương
ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn 300 km dành cho hệ thống phóng tên lửa đa nòng M270 MLRS cũng như hệ thống M142 Himars. Tính đến năm 2007, có khoảng 3.700 tên lửa ATACMS đã được sản xuất.

Trên chuyến bay tháp tùng tổng thống Joe Biden từ New Delhi, Ấn Độ tới Việt Nam, Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, hôm 10/09 nói với các nhà báo : « Không có gì bị loại trừ. Chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định công bố các khả năng mới, nhưng quan điểm của chúng tôi là sẽ cung cấp cho Ukraina những khả năng cho phép họ thành công trên chiến trường ».

Thứ Bảy 09/09, trên đài ABC News, một quan chức Mỹ cho biết quyết định có thể sắp được đưa ra.

Về phía Ukraina, ông Andriy Yermak, chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraina, nói với Financial Times rằng ông tin tưởng Mỹ sẽ chấp nhận cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho Kiev.

Báo Pháp Le Monde nhắc lại là Anh và Pháp đã cấp cho Ukraina tên lửa Storm Shadow và Scalp với tầm bắn khoảng 250 km.

Tình hình chiến sự

Hôm nay 11/09/2023, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Hanna Maliar, thông báo, quân đội Ukraina trong tuần qua đã giành lại được thêm 2 km2 lãnh thổ ở miền đông và miền nam. Reuters hiện chưa kiểm chứng được các thông tin nói trên và phía Nga cũng chưa khẳng định các bước tiến của quân Ukraina. Hôm qua, tổng thống Zelensky cũng đã nhắc đến bước tiến của các đội quân ở chiến tuyến miền nam và miền đông, gần thành phố Bakhmout.

Nhìn sang nước Nga, trên Telegram, hôm nay bộ Quốc Phòng khẳng định đã bắn hạ 2 drone của Ukraina trên bầu trời Belgorod, khu vực sát biên giới hai nước.

Tài trợ tái thiết Ukraina

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết là trong một phiên họp tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Youl đã cam kết tài trợ thêm 2,3 tỉ đô la cho Kiev. Khoản viện trợ đầu tiên trị giá 300 triệu đô la sẽ được giao vào năm 2024, dưới hình thức viện trợ nhân đạo và 2 tỉ đô la còn lại là dưới dạng cho vay với lãi suất thấp thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc (EDCF) kể từ năm 2025.

Chilê tưởng niệm 50 năm cuộc đảo chính của Pinochet

Chilê ngày 11/09/2023 tổ chức tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc đảo chính cách nay 50 năm. Vào ngày 11/09/1973, tướng Augusto Pinochet đã tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống Salvador Allende, cho ném bom vào dinh tổng thống, cung điện La Moneda.


Ảnh cố tổng thống Chilê Salvador Allende được một người biểu tình giương cao tại Santiago (Chilê) ngày 10/09/2023. AP - Matias Basualdo
Phan Minh
Chế độ độc tài Pinochet kéo dài 17 năm, khiến hàng ngàn người bị lưu đày, tra tấn và giam cầm vì lý do chính trị. Có hơn 3.200 người thiệt mạng, và gần 1.200 người mất tích.

Từ Santiago, thông tín viên Naïla Derroisné cho biết thêm về bối cảnh hiện tại trong nước :

Cách đây vài tuần, một cuộc biểu tình của phe cực hữu đã diễn ra để phản đối đương kim tổng thống Gabriel Goriz. Trong số những người tham gia biểu tình, có nhiều người ủng hộ Pinochet và cả những người khác.

“Tôi không phải là người hâm mộ Pinochet, nhưng tôi thừa nhận rằng ông ấy đã làm những gì cần phải làm vào thời điểm đó, những điều cần thiết cho đất nước. »

Pedro, khoảng 30 tuổi, là một trong những người thuộc thế hệ này biện minh cho cuộc đảo chính : « Vào thời điểm đó, lạm phát rất cao, đó là một vấn đề và mọi người chán nản khi phải xếp hàng mua bánh mì, một kg đường hoặc thậm chí là nửa kg đường. »

Về chế độ độc tài đã kéo dài 17 năm, Pedro xuống giọng : « Khi xẩy ra đảo chính, có cả những điều tốt lẫn điều xấu. Đã có rất nhiều điều tồi tệ xẩy ra ở đất nước này, nhưng nó cũng dẫn đến nhiều thay đổi. Nền kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ phạm tội giảm. »

Tình hình hiện nay của Chilê cũng giúp biện minh cho việc giảm nhẹ vai trò của chế độ quân sự độc tài thời đó. Nhà phân tích chính trị Marta Lagos giải thích: « Có một mối liên hệ (giữa vai trò của chế độ quân sự) với nền kinh tế và hiện tại nền kinh tế đang bị suy yếu. Ngoài ra, còn có mối liên hệ với an ninh và hiện tại cảm giác bất an đang được thấy rõ, nên những lời hứa về an ninh của chế độ độc tài đánh thức các hoài niệm. »

Ngày nay, 2/3 người dân Chilê cho rằng sự chia rẽ do chế độ độc tài tạo ra vẫn còn tồn tại trong xã hội.

Không có nhận xét nào: