Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

ĐIỂM TIN 09/09/2023 - Long Đỗ

Khai mạc thượng đỉnh G20, trong bối cảnh “thế giới khủng hoảng lòng tin”
Ngày 09/09/2023, tại New Delhi, G20 khai mạc kỳ họp thượng đỉnh hàng năm, với sự tham dự của ba chục nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga vắng mặt. Nhóm nước quy tụ 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi lên cùng Liên Hiệp Châu Âu có hai ngày làm việc để cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, từ ứng phó với biến đổi khí hậu, gánh nợ cho các nước nghèo, thương mại cho đến chiến tranh tại Ukraina.
<!>
Thủ tướng Narendra Modi chủ trì thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 và 10/09/2023tại thủ đô New Delhi. AP - Evan Vucci
Anh Vũ
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại New Delhi, sau khi đón tiếp các quan khách tại trung tâm hội nghị tại thủ đô vừa được khánh thành dành cho sự kiện, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Với tư cách chủ tịch luân phiên G20, thủ tướng Narendra Modi muốn chứng tỏ với thế giới rằng Ấn Độ, nước đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, có thể là nơi tập hợp sự đồng thuận của các quốc gia trong một thế giới đang trải qua một “cuộc khủng hoảng lòng tin”, như ông tuyên bố.

Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh: “Chiến tranh đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lòng tin này. Nếu chúng ta có thể đánh bại Covid, chúng ta cũng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng lòng tin lẫn nhau ”.

“Một trái đất, một gia đình, một tương lai” là khẩu hiệu được Ấn Độ rất tâm đắc đề ra cho thượng đỉnh lần này, trong khi mà thực tế, chưa bao giờ sự chia rẽ trong nhóm các nước G20 lại lớn như bây giờ. Biểu hiện rõ nét là sự vắng mặt của nguyên thủ hai nước lớn Nga và Trung Quốc.

Các nước không chỉ chia rẽ trên vấn đề chiến tranh tại Ukraina mà còn cả trong các chủ đề thảo luận ngay trong sáng nay đó là các cam kết về khí hậu. Ấn Độ, quốc gia tiêu biểu cho chủ nghĩa đa phương, cùng với Nga, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đang cản trở các mục tiêu do phương Tây đề xuất, cụ thể là từ nay đến năm 2035 giảm 60% lượng khí thải. Mục tiêu tăng gấp ba năng lực của năng lượng tái tạo cũng là một chủ để bất đồng.

Dự kiến, kết thúc hội nghị ngày 10/09, các nhà lãnh đạo G20 sẽ ra một Tuyên bố chung, tập hợp các thỏa hiệp đồng thuận của khối. Bên lề thượng đỉnh G20 tại New Delhi, còn có nhiều cuộc họp song phương của các nhà lãnh đạo các nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm nay đã đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Nguyên thủ Pháp đến trễ hơn không có mặt tại phiên khai mạc vì tối hôm qua ông có chương trình dự lễ khai mạc Cúp thế giới bóng bầu dục, tổ chức tại Pháp.

Theo tin mới nhất, hãng tin Anh Reuters ghi nhận trong bản thông cáo chung, G20 tránh nêu đích danh Nga nhưng lên án các hành vi "sử dụng vũ lực tại Ukraina để chiếm lĩnh lãnh thổ" .

Cuộc gặp Biden - Modi :Lãnh đạo Mỹ - Ấn ngợi ca « quan hệ đối tác vững chắc và lâu bền »

Đến New Delhi hôm 08/09/2023, tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc họp kín với thủ tướng Modi tại phủ thủ tướng Ấn Độ, một hôm trước khi thượng đỉnh G20 được khai mạc.


Tổng thống Mỹ, Joe Biden (trái) họp riêng với thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi trước khi G20 chính thức khai mạc tại New Delhi. Ảnh ngày 08/09/2023. AP - Evan Vucci
Thùy Dương
Theo AFP, sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn đã ngợi ca « quan hệ đối tác vững chắc và lâu bền » giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Biden cũng khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm chi tiết về nội dung cuộc họp của hai nhà lãnh đạo :

« Vắng mặt lãnh đạo số 1 của Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định giữ khoảng cách với Bắc Kinh về công nghệ, đồng thời nhắc lại ông ủng hộ chương trình Rip and Replace của Hoa Kỳ, vốn cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ Trung Quốc về mạng di động 5G, một biện pháp từng được Ấn Độ áp dụngkhi công nghệ này được tung ra.

Tiếp theo, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn đã đề cập đến việc triển khai hai nhóm làm việc chung để nghiên cứu và phát triển công nghệ 5 và 6G mới, được gọi là Open RAN, cho phép giảm lệ thuộc vào thiết bị của các nhà sản xuất trong ngành viễn thông. Sau đó, họ thảo luận về sự phát triển của ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Ấn Độ, trong bối cảnh hai công ty Mỹ đã thông báo đầu tư hơn một tỷ euro để mở các nhà máy và trung tâm nghiên cứu ở Ấn Độ.

Cuối cùng, tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng thủ tướng Narendra Modi về chuyến hạ cánh thành công của robot Ấn Độ lên mặt trăng hồi tháng trước, đồng thời khẳng định NASA mong muốn hợp tác với Cơ quan Không gian của Ấn Độ về một chương trình chung đưa phi hành gia lên không trung ».

Trong thông cáo ngày 08/09/2023, Nhà Trắng cho biết đã đạt được một thỏa thuận với New Delhi để giải quyết xung đột thương mại song phương gần đây nhất liên quan đến việc Ấn Độ nhập khẩu nông phẩm của Mỹ.

Mỹ đề xuất một dự án cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc ?

Mỹ thúc đẩy dự án « hành lang » giao thông nói liền Ấn Độ với Châu Âu, Trung Đông. Ả Rập Xê Út đóng vai trò hàng đầu. Theo thông cáo của Nhà Trắng đây không đơn thuần là một thỏa thuận xây dựng các tuyến giao thông giữa các châu lục.


G20, hội nghị bàn tròn chung quanh thủ tướng Ấn Độ về một dự án để cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc. Ảnh ngày 09/09/2023. AP - Evelyn Hockstein
Thanh Hà
Thỏa thuận về nguyên tắc đã được ký kết tại New Delhi, bên lề thượng đỉnh G20 àochiều ngày 09/09/2023 giữa Ấn Độ, Mỹ Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Liên Âu, Pháp, Đức và Ý.

Trong một cuộc họp bàn tròn tổng thống Biden nói đến một sự kiện « thực sự quan trọng và mang tính lịch sử ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen xem đây « không đơn thuần là một thỏa thuận về các tuyến đường xe lửa hay liên quan đến các dự án xây dựng hệ thống cáp quang ». « Hành lang » này là một « đầu cầu về công nghệ xanh, về công nghê kỹ thuật số giữa các châu lục và các nền văn minh ».

Trong thông cáo, phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington muốn khởi động một « kỷ nguyên mới, các châu lục phải được kết nối với nhau qua ngả đường sắt, và đường biển ». Mục tiêu đề ra nhằm tạo nên những « mắt xích thương mại để khuyến khích phát triển và xuất khẩu năng lượng sạch ». Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Trung Đông với thế giới.

Theo chuyên gia về Nam Á thuộc viện nghiên cứu Wilson Center tại Washington, Michael Kugelman, được AFP trích dẫn, kế hoạch thiết lập « hành lang giao thông » giữa Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu không hơn không kém là một công cụ để làm « đối trọng với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường » của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao Pháp không vòng vo cho rằng sáng kiến của chính quyền Biden nhằm « cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa » của Bắc Kinh và thông báo được các bên đưa ra tại New Delhi hôm nay mới chỉ là « điểm khởi đầu của cả một chiến lược dài hơi ». Về phía Pháp, Paris muốn lôi kéo cả Ai Cập vào dự án này.

Cuộc phản công của Ukraina bị đe dọa do phương Tây chậm viện trợ

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 08/09/2023 lấy làm tiếc là cuộc phản công của các lực lượng Ukraina đang bị đe dọa do Phương Tây chậm trễ trong viện trợ.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đợi tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Kiev. Ảnh ngày 06/09/2023. AP - Brendan Smialowski
Thùy Dương
Theo AFP, tổng thống Ukraina thừa nhận là với ưu thế trên không, « ngay từ trên trời » Nga đang « chặn » cuộc phản công của các lực lượng Ukraina. Ông Zelensky lấy làm tiếc về quy trình chậm chạp và phức tạp của phương Tây trong việc viện trợ vũ khí cho Kiev. Nguyên thủ Ukraina đề nghị sớm được cấp thêm các loại vũ khí mới, nhất là vũ khí tầm xa.

Tổng thống Ukraina cũng đòi quốc tế có thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Matxcơva, ưu tiên nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, hạn chế giao cho « những kẻ khủng bố » chíp điện tử và tiếp tục phong tỏa lĩnh vực tài chính Nga.

Về việc thương lượng với tổng thống Nga Putin, ông Zelensky bác bỏ mọi khả năng đối thoại bởi Putin là « kẻ dối trá ». Liên quan đến bầu cử, tổng thống Zelensky khẳng định sẵn sàng cho tổ chức bầu cử tổng thống ngay trong giai đoạn chiến tranh « nếu người dân thấy cần », cho dù trước khi nổ ra chiến tranh, Kiev dự kiến sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và nghị viện vào năm 2024.

Cũng trong ngày 08/09/2023, hai hôm trước khi Nga cho tổ chức bầu cử cấp địa phương ở những vùng lãnh thổ miền đông và nam của Ukraina mà Matxcơva đã đơn phương sáp nhập : Donetsk, Louhansk, Zaporijjia, Kherson và bán đảo Crimée, bộ Ngoại Giao Ukraina lên án và gọi cuộc bầu cử này là« một sự mạo danh », « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina » và « vô hiệu ».

Liên Hiệp Châu Phi, thành viên mới của G20

Tại thượng đỉnh G20 lần này, có một chủ để đồng thuận giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ, đó là việc kết nạp Liên Hiêp Châu Phi làm thành viên thường trực. Quyết định coi như được thông qua khi trong diễn văn khai mạc, thủ tướng Narendra Modi mời chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Phi ngồi vào ghế của thành viên thường trực G20. Mở rộng G20 cho Liên Hiệp Châu Phi được đánh giá là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của thủ tướng Modi.


Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Phi Assoumani (trái) chính thức được mời vào ghế các thành viên thường trực G20. Ảnh ngày 09/09/2023 tại New Delhi. via REUTERS - POOL
Anh Vũ
Đặc phái viên của RFI Dominique Baillard có mặt tại hội nghị cho biết thêm thông tin :

Thủ tướng Narendra Modi ôm tổng thống Azali Assoumani là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong phiên khai mạc. Tổng thống quần đảo Comores ngay lập tức tới ngồi vào bàn chính thức của G20 trong tiếng vỗ tay của những người đồng cấp. Việc Châu Phi gia nhập một trong những định chế lãnh đạo thế giới là một thành công không thể chối cãi đối với Ấn Độ nước chủ tịch luân phiên G20.

Một vùng rộng lớn ở nam bán cầu được chấp nhận trong một tổ chức do những nước giàu nhất hành tinh lãnh đạo. Tất nhiên đây cũng là thời khắc lịch sử đối với châu Phi. Từ trước đến nay, mới chỉ duy nhất Nam Phi là thành viên thường trực của câu lạc bộ, có thể chuyển tải các đề nghị của năm chục quốc gia châu lục này. Liên Hiệp Châu Phi từ giờ sẽ có thể tham gia xây dựng các cam kết của G20 trên các vấn đề mà họ quan tâm hàng đấu, như xử lý nợ, tiếp cận nguồn tài chính cho phát triển bền vững. Nhưng đó cũng là một thách thức. Liên Hiệp Châu Phi sẽ phải làm việc với nhau nhiều hơn ở thượng tầng để có thế trình bày và cổ vũ cho quan điểm của mình trong khối các quốc gia mà trong tương lại sẽ là G20+1.

Quan chức Nga và Trung Quốc dự Quốc Khánh Bắc Triều Tiên

Bình Nhưỡng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Phó thủ tướng Trung Quốc và đại diện ngoại giao Nga dự lễ diễu hành. Tổng thống Vladimir Putin gửi điện chúc mừng lãnh tụ Kim Jong Un và kêu gọi « thắt chặt bang giao trên mọi phương diện ».


Lãnh đạo Kim Jong Un và con gái chủ trì lễ mừng Quốc Khánh Bắc Triều Tiên. Ảnh do Bình Nhưỡng cung cấp ngày 09/09/2023. AP
Thanh Hà
Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc diễu hành trong đêm ngày 08/ rạng sáng ngày 09/09/2023 với sự tham gia của các lực lượng bán quân sự. Khác với thông lệ chính quyền không huy động quân đội và các phương tiện quân sự cho sự kiện nàynhư mọi năm. Giới quan sát tại Hàn Quốc ghi nhận « dường như Bắc Triều Tiên tránh phô trương vũ khí cấm sản xuất như tên lửa đạn đạo liên lục địa ». Lãnh tụ Kim Jong Un và con gái chủ trì cuộc diễu hành mừng lễ Quốc Khánh.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tiếp một phái đoàn Trung Quốc do phó thủ tướng Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong) dẫn đầu. Đây là lần thứ nhì trong sáu tuần lễ một quan chức cao cấp của Bắc Kinh viếng thăm Bắc Triều Tiên. Tháng 7/2023 Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) đã đến Bình Nhưỡng dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Về phía Matxcơva, hôm nay 09/09/2023 tổng thống Vladimir Putin gửi điện chúc mừng ông Kim Jong Un và bày tỏ tin tưởng đôi bên « tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương trên tất cả mọi lĩnh vực » vì « lợi ích của nhân dân », vì « an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như là tại Đông Bắc Á ». Chủ nhân điện Kremlin không quên nhắc lại Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận chế độ Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Leif Eric Easley đại học Ewha-Seoul được AFP trích dẫn lưu ý, sự hiện diện của các quan chức Nga và Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên diễn ra vào lúc ông Tập Cận Bình vắng mặt tại thượng đỉnh G20 tổ chức tại Ấn Độ càng làm lộ rõ « rạn nứt trong toàn cảnh chính trị tại châu Á ».

Động đất lớn tại Maroc, ít nhất hơn 800 người chết

Một trận động đất mạnh 7 độ Richter, đã làm rung chuyển vùng Marrakech, một trung tâm du lịch ở miền trung Maroc vào đêm 08 rạng sáng ngày 09/09/ 2023. Theo thống kê ban đầu, trận động đất đã làm ít nhất 800 người thiệt mạng và thiệt hại rất lớn về vật chất ở nhiều thành phố.


Phố cổ tại Marrakech-Maroc sau trận động đất trong đêm 08/09/2023. Ảnh ngày 09/09/2023. REUTERS - ABDELHAK BALHAKI
Anh Vũ

Những đợt rung chấn đầu tiên xảy ra chính xác vào lúc 23 giờ 11 phút, giờ địa phương đêm qua. Theo thông tin của Viện địa vật lý Hoa Kỳ (USGS), tâm chấn của trận động đất ở phía tây nam thành phố du lịch nổi tiếng Marrakech, cách thủ đô Rabat 320 km về phía nam. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật tại Rabat cho biết trận động đất có cường độ 7 độ Richter, tâm chấn được xác định trong tỉnh Al-Haouz, ở phía tây nam Marrakech.

Truyền thông Maroc đưa tin đây là trận động đất lớn nhất xảy ra tại vương quốc này. Số nạn nhân được chính quyền cập nhật từ sáng sớm tăng lên từng giờ. Đến giữa ngày hôm nay, theo Bộ Nội Vụ Maroc, đã có ít nhất 800 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Nhiều nhân chứng trong khu vực động đất cho RFI biết, rất đông người bị thương đang được đưa về bệnh viện của thành phố Marrakech. Trung tâm truyền máu của thành phố kêu gọi người dân hiến máu để cứu người bị nạn.

Các rung chấn được cảm nhận thấy ở tại khu vực Casablanca và Rabat, và nhiều nới khác cách xa tâm chấn hàng trăm km. Không khí hoảng loạn đang lan truyền khắp đất nước. Rất đông người dân ở xa tâm chấn vẫn rời khỏi nhà trong đêm qua để phòng xa.

Trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền nhiều video cho thấy cảnh khu vực Marrakech bất ngờ bị cắt điện, dân chúng hoảng loạn bỏ chạy, cùng những cảnh tìm kiếm cứu hộ nạn nhân trong đống đổ nát. Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Khachbouch ở trung tâm thành phố bị đổ sập. Những bức tường cổ Medina, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới cũng bị hư hại.

Chính quyền Maroc cho biết đang huy động tổng lực để cứu người bị nạn. Hiện tại chưa có thông tin về thiệt hại tại các vùng nông thôn gần với tâm chấn, nơi nhà của người dân chủ yếu được xây dựng theo cách truyền thống bằng gạch hay đất sét.

Sáng nay, thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi trong phiên khai mạc thượng đỉnh G20 tại New Delhi đã gửi lời chia buồn đến người thân các nạn nhân của trận động đất tại Maroc.

LHQ : Thế giới chưa tuân thủ lộ trình để đạt mục tiêu dài hạn của thỏa thuận Khí hậu Paris 2015

Liên Hiệp Quốc hôm 08/09/2023 ra báo cáo, lần đầu tổng kết mọi nỗ lực của quốc tế về thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 và mục tiêu đến cuối thế kỷ, nhiệt độ chỉ tăng tối đa 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Báo cáo đưa ra kết luận : Thế giới chưa theo đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu dài hạn của thỏa thuận Khí hậu Paris.


Khí thải CO2 nguyên nhân chính làm hâm nóng trái đất. Ảnh minh họa. © Fabrice Coffrini / AFP
Thùy Dương
Hiện nay nhiệt độ Trái đất đã tăng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra khắp nơi trên thế giới gây nhiều thiệt hại nhân mạng và vật chất. Theo AFP, Global Stocktake, báo cáo 90 trang tổng kết thế giới đầu tiên về thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 rất được trông đợi. Văn bản này cho biết những miêu tiêu quốc tế đã hoàn thành và những gì chưa đạt được và được xem như nền tảng cho các cuộc đàm phán tại thượng đỉnh khí hậu COP28 từ 30/11 đến 12/12/2023 ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Báo cáo tóm tắt : “Mặc dù các hành động đang diễn ra, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều điều cần làm trên tất cả các mặt trận”, đặc biệt “phát triển năng lượng tái tạo và loại bỏ mọi nhiên liệu hóa thạch không thu giữ khí carbon là những yếu tố thiết yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng đúng đắn hướng tới trung hòa carbon”.

Báo cáo nhắc lại là thế giới phải đạt đỉnh phát thải vào năm 2025, tức là từ sau đó việc phát thải phải diễn ra theo chiều hướng giảm và đến năm 2030 phải giảm 43% lượng khí thải nhà kính toàn cầu so với năm 2019, tỉ lệ này vào năm 2035 phải đạt 60%.

Hiện nay, than đá đang được tiêu thụ “không điều độ”. Báo cáo kêu gọi đến năm 2030 các nước cắt giảm 67-92% mức sử dụng than đá so với năm 2019 và từ nay đến năm 2050 loại bỏ nhiệt điện than, nâng nguồn điện phi carbon hoặc carbon thấp lên 90% tổng sản lượng điện. Thế giới được kêu gọi phát triển các quỹ phục vụ tăng trưởng với mức phát thải carbon thấp.

Không có nhận xét nào: