Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Hôm Nay, 16 Tháng 9, Sống Với Giây Phút Lịch Sử: Quân Lực VNCH, Tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị! Và Kính Chuyển Tin Nóng Việt Nam Qua Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Hôm Nay, 12 Giờ 45 Trưa Ngày 16-9-72, Sống Với Giây Phút Lịch Sử: Quân Lực VNCH, Tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị! “Cờ Bay! Cờ Lại Bay Trên Thành Phố Thân Yêu!” Trận Chiến Dài Nhất, (81 Ngày Đêm) Ác Liệt Nhất! Chiến Thắng Vinh Quang Nhất! Trong Cuộc Chiến Việt Nam! (Bài của phóng viên chiến trường ngoại quốc John D. Howard, Đinh Yên Thảo dịch) Tìm hiểu lịch sử
Cờ vàng ba sọc đỏ lại tung bay trên mặt cổ thành Quảng Trị.
<!>

Lời người dịch: Trận đánh tái chiếm cổ thành Quảng Trị kéo dài 81 ngày trong mùa Hè đỏ lửa 1972 là một trong những trận đánh dài và khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Trong tạp chí tháng Tư trên trang mạng khảo cứu lịch sử historynet năm nay, Thiếu Tướng hồi hưu John D. Howard, một sĩ quan West Point và cựu cố vấn tại chiến trường Việt Nam vào năm 1972 đã kể lại diễn biến toàn bộ chiến dịch và trận tái chiếm lịch sử này. Xin giới thiệu lại bài viết này nhân kỷ niệm 50 năm trận tái chiếm cổ thành kết thúc vào ngày 16 tháng 9 năm 1972.


Chiến Dịch Phục Sinh

Nằm gần các mật khu phía Bắc khu phi quân sư (DMZ) và giáp Lào, Quảng Trị là một chiến trường đụng độ liên tục trong chiến tranh Việt Nam. Các ủy viên Bộ Chính Trị Bắc Việt gọi đây là "mặt trận rực lửa" và Lê Duẩn xem Quảng Trị là “thành phố cách mạng anh hùng” khi tái thiết lại cổ thành này vào năm 1980. Các hướng dẫn viên du lịch tại đây thường giới thiệu với du khách ngoại quốc và ca ngợi sự anh hùng của những người cộng sản trong cuộc Tổng tấn công Xuân-Hạ 1972. Nhưng họ không hề nhắc đến rằng, quân cộng sản đã chiếm được cổ thành này vào ngày 1 tháng 5 năm 1972 và lính Thủy Quân Lục Chiến của miền Nam Việt Nam đã tái chiếm lại sau đó năm tháng.


Cuộc tấn công mở màn của Bắc Việt diễn ra vào ngày 30 tháng 3, tức ngày thứ Năm trước lễ Phục Sinh. Nó thường được gọi là Chiến Dịch Phục Sinh (người dịch: The Easter Offensive, theo cách gọi của sách báo Mỹ, và Mùa Hè Đỏ Lửa của VNCH), là chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến. Quân cộng sản tấn công bằng các đơn vị chủ lực trong mục đích giành chiến thắng quyết định, không đánh du kích và dùng các đơn vị nhỏ làm tiêu hao lực lượng khiến quân Mỹ mệt mỏi và rút quân như trước kia. Chiến lược đánh dai dẳng bị loại bỏ để Bắc Việt dốc một canh bạc “được ăn cả, ngả về không” (go-for-broke) nhằm đánh bại quân lực Việt Nam Cộng Hòa và lật đổ chính phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.


Quân Bắc Việt tràn qua khu phi quân sự (DMZ) và băng qua Lào dọc theo Quốc lộ 9, hướng đến cố đô Huế, khởi đầu chiến dịch bằng ba cuộc tấn công vào các vùng khác nhau của Nam Việt Nam. Rạng sáng ngày 3 tháng Tư, cộng quân tấn công vào các căn cứ hỏa lực vùng cao nguyên, mở màn với trận đánh vào Kontum với mục tiêu tiêu tối hậu là cắt đôi Nam Việt Nam ở trung lộ. Ở phía Nam thì bốn ngày sau, tại khu vực quanh Sài Gòn, cộng quân tràn qua Lộc Ninh, một khu vực tiền đồn được phòng thủ chắc chắn tại vùng biên giới Campuchia và bao vây An Lộc, chỉ cách Sài Gòn khoảng 60 dặm.


Lực lượng tấn công của quân Bắc Việt có khoảng 30,000 đến 40,000 quân từ ba Sư Đoàn thiện chiến là 304, 308 và 325C, đã cùng với 200 chiến xa và các khẩu đội phòng không, tấn công vào một Lữ Đoàn mong manh của quân đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3 quân lực VNCH. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, người đứng đầu Quân đoàn I đóng tại Đà Nẵng đã bỏ qua các báo cáo tình báo cho thấy kẻ thù đã tập trung lực lượng lớn khắp DMZ và ra lệnh chuyển quân giữa hai căn cứ hỏa lực của Sư đoàn 3 vào ngày 29 tháng 3. Mệnh lệnh sai thời điểm của ông đã góp thêm vào tình trạng hỗn loạn khi cộng quân tấn công vào ngày hôm sau.


Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3 ở ngay phía Nam DMZ và ở chân đồi phía Tây đều bị tấn công dữ dội vào Chủ nhật Phục Sinh ngày 2 tháng Tư. Trung tá QLVNCH Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3, đã đầu hàng toàn bộ đơn vị của mình cùng căn cứ Carroll, một căn cứ hỏa lực cũ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Trung Tá Đính cũng không cho phá hủy kho đạn lớn hoặc vô hiệu hóa hơn 20 khẩu pháo, trong đó có 4 khẩu 175 mm.


Các cố vấn Mỹ là Trung tá Bill Camper và Thiếu tá Joe Brown đã gửi một tin vô tuyến ngắn gọn cho biết họ sẽ rời khỏi căn cứ. Vì lý do an ninh, họ không cho biết Trung đoàn 56 đã đầu hàng hàng loạt. Một Trung tá Mỹ mới được thuyên chuyển đến gởi ra một mệnh lệnh "Không được rời căn cứ!" Camper và Brown bất chấp mệnh lệnh nhằm tránh bị bắt sống và đã rời trên chiếc trực thăng Chinook CH-47 do Đại úy Harry Thain lái, người về sau đã nhận được huân chương cho cuộc giải cứu táo bạo này.


Việc mất căn cứ Carroll dẫn đến một cuộc triệt thoái quân về các vị trí gần thị xã Đông Hà. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giúp làm chậm bước quân Bắc Việt. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm thiết lập một hàng phòng thủ liên hoàn đã bị thất bại bởi Tư Lệnh Quân đoàn I liên tục ra các lệnh thiếu sự phối hợp. Ngày 28 tháng 4, Đông Hà thất thủ. Ba ngày sau thành Quảng Trị tan hoang, quân đội triệt thoái.


Tình trạng hỗn loạn đã diễn ra. Thủy Quân Lục Chiến VNCH giữ vững kỷ luật và chặn đứng đường tiến quân của cộng quân bằng một tuyến phòng thủ kiên cố dọc theo sông Mỹ Chánh, cách Huế 15 dặm.


Những thành công ban đầu của phe cộng sản đã củng cố sự lạc quan của những lãnh đạo diều hâu trong Bộ Chính trị Bắc Việt và gạt qua những thành viên muốn có sự thận trọng. Lê Duẩn, thủ lĩnh của phe chủ chiến, cương quyết cho rằng môi trường chính trị tại Hoa Kỳ sẽ ngăn cản Tổng thống Richard Nixon có phản ứng mạnh mẽ vì năm 1972 là năm bầu cử tổng thống và công chúng Hoa Kỳ bị xem là đã mệt mỏi với chiến tranh. Đó là một suy đoán hoàn toàn sai lầm về tổng thống Hoa Kỳ.


Cuộc tấn công của quân đội cộng sản đã gây làn sóng di tản của dân Quảng Trị đổ vào Huế. Ai nấy gồng gánh bồng bế nhau chạy loạn.


Tuy nhiên, vào thời điểm này trong cuộc chiến, các chọn lựa đáp trả mạnh mẽ từ Hoa Kỳ bị hạn chế. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1972, có 68,100 lính Mỹ ở Việt Nam, giảm từ mức cao nhất là 543,100 quân vào tháng 4 năm 1969. Năm đó, chính quyền Nixon khởi xướng chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, rút dần quân đội Mỹ để chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho miền Nam Việt Nam. Chỉ còn lại hai lữ đoàn chiến đấu của Mỹ, một ở phía Bắc Nam Việt Nam và một ở khu vực Sài Gòn với nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các căn cứ không quân và cơ sở hậu cần của Hoa Kỳ.


Nixon loại trừ việc điều quân bộ binh mà tấn công bằng không quân. Ông điều động thêm phi cơ đến Đông Nam Á, tiếp tục ném bom ra mạn Bắc và ra lệnh thả mìn phong toả các cảng của Bắc Việt. Không Quân Hoa Kỳ và các chiến đấu cơ trên các hàng không mẫu hạm, với 206 phi cơ B-52 ném bom và hơn 800 phản lực chiến đấu đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Vào đầu tháng Năm thì tình thế tại miền Nam Việt Nam bị xem là lâm vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.


Việc mất Quảng Trị và hỗn loạn tại Huế đã dẫn đến quyết định từ Tổng Thống Thiệu là tướng Lãm phải bị thay. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh vùng đồng bằng sông Mekong và được xem là một trong những tướng tài nhất của miền Nam Việt Nam sẽ thay thế. Tướng Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng bay ra vùng Một trong vòng 24 tiếng. Quân lực VNCH chuẩn bị phản công.


Những cuộc giao tranh đẫm máu

Súng 40 ly M42A1 gắn trên chiến xa M41 của quân lực VNCH đang nã đạn vào các vị trí của cộng quân Bắc Việt trên Quốc lộ Một.


Trung tướng Ngô Quang Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng thân tín bay ra Quân đoàn I trong vòng chưa đầy 24 giờ sau lệnh bổ nhiệm từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vị tân tư lịnh thể hiện một phong cách riêng khi chuyển bộ chỉ huy chính của Quân đoàn I từ Đà Nẵng ra Huế, nơi chỉ là một sở chỉ huy tiền phương nhỏ do một số sĩ quan và cố vấn Hoa Kỳ chỉ huy nhưng ông vẫn bay về Đà Nẵng đánh tennis và ăn tối ở nhà.

Tuyến quân tại sông Mỹ Chánh cần được tăng viện. Tướng Trưởng đề nghị Tổng Thống Thiệu cho bổ sung quân số. Ngày 8 tháng 5, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đến tăng viện và củng cố lại tuyến đường mặt biển. Hai tuần sau, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và bộ chỉ huy sư đoàn Dù bay đến Huế. Các đơn vị thiện chiến nhất bao gồm sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, sư đoàn Dù và sư đoàn 1 QLVNCH lúc này xem như đã nằm dưới quyền chỉ huy của tướng Trưởng.


Trung tướng Ngô Quang Trưởng tại Bộ Chỉ huy Lữ đoàn TQLC/VNCH, phía Bắc Huế.

Bày binh bố trận tốt cho phép vị tướng trở nên quyết đoán táo bạo hơn. Lữ đoàn 369 của Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở màn cuộc tấn công vào hậu cứ cộng quân ngay phía Nam thị xã Quảng Trị với hai tiểu đoàn phi đội. Hai ngày sau, vào ngày 15 tháng 5, Sư đoàn 1 QLVNCH tái chiếm được căn cứ hỏa lực cũ của Mỹ là Bastogne, củng cố phía mạn Tây dẫn vào Huế. Trong khi quân đội VNCH tiếp tục chiến đấu với địch quân thì các cố vấn Mỹ đã điều các cuộc không kích đầy hữu hiệu.


Cuộc phản công của Quân đoàn I mang mật danh là Chiến Dịch Lam Sơn 72 nhằm đẩy lùi địch quân qua khỏi khu vực phi quân sự DMZ. Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng tái chiếm cổ thành Quảng Trị, là thành phố tỉnh lỵ duy nhất nằm trong tay địch, trước khi tiến quân xa hơn ra phía Bắc. Thị trấn này không có giá trị chiến lược và tướng Trưởng muốn bỏ qua nó vì ông muốn tiêu diệt các đơn vị Cộng quân và chiếm lại các vùng đã mất trước, nhưng lệnh của tổng thống Thiệu đã buộc các sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến đi vào một cuộc đụng độ đẫm máu trong nội đô với quân địch.


Một kế hoạch tinh vi nhằm đánh lừa địch quân về thời gian và địa điểm của cuộc tấn công được vạch ra. Đó là cho "lộ bí mật" về một cuộc nhảy dù và một cuộc đổ bộ vào hậu cứ của địch quân. Tuy nhiên, cú lừa này không tạo ra hiệu quả đặc biệt gì vì bộ chỉ huy quân cộng sản trong khu vực đã nhận được thông tin chi tiết về cuộc tấn công thật sự từ một điệp viên của họ cài vào trong ban tham mưu Quân đoàn I.


Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu vào ngày 28 tháng 6 khi Thủy Quân Lục Chiến và lính Dù mở cuộc tấn công trong đêm qua sông Mỹ Chánh. Mặc dù kế hoạch đã bị lộ, họ cũng gặp sự kháng cự giới hạn từ địch quân. Các sĩ quan cao cấp đầy tự tin của QLVNCH hy vọng sẽ tái chiếm được cổ thành Quảng Trị trong chín ngày nhưng dự tính này đã thiếu chính xác.


Quân tiến công được hỗ trợ bởi các cuộc oanh kích của B-52, có sự yểm trợ mạnh trên không cùng hỏa lực của hải quân Hoa Kỳ với hai tiểu đoàn lính Dù và hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH đổ bộ vào phía sau tuyến kháng cự chính của địch quân. Dù vậy, sư đoàn Dù cũng phải mất một tuần mới đến được vòng ngoài của thị xã. Tốc độ tiến quân chậm đã giúp phía địch quân có được thời gian để củng cố trong cổ thành.

Được xây dựng vào năm 1824, bốn mặt của cổ thành có chiều dài 1,640 feet (khoảng 500 mét) và tất cả đều được bảo vệ bởi một con hào rộng. Những bức tường gạch dày cao gần 30 feet (hơn 9 mét) với một tháp pháo đài ở mỗi góc thành.


Tư lệnh Sư đoàn Dù là Trung tướng Dư Quốc Đống ra lệnh cho Lữ đoàn Dù 2, gồm ba tiểu đoàn với hơn 2,000 lính dù, đánh chiếm thị xã. Đại tá Trần Quốc Lịch cam đoan với tướng Đống rằng Lữ đoàn của ông sẽ chiếm lại nhanh chóng và đã chuẩn bị rượu champagne để ăn mừng chiến thắng. Dù vậy, Đại Tá Lich vẫn cho tấn công khá thận trọng.

Thiếu tá Lê Văn Mễ, một sĩ quan có năng lực xuất chúng chỉ huy đơn vị chủ lực của lữ đoàn là Tiểu đoàn Dù 11, biết sự thận trọng của Đại Tá Lịch đã khiến tiểu đoàn của ông mất phần chủ động. Cố vấn Hoa Kỳ của Thiếu tá Mễ là Đại úy Gail “Woody” Furrow, nói với một cố vấn khác rằng: “Họ đã trên đường bỏ chạy! Chúng ta nên bỏ qua thị xã Quảng Trị và tiến thẳng đến DMZ”.


Tư lệnh quân Bắc Việt tại chiến trường này là Trung tướng Trần Văn Quang, biết Tổng Thống Thiệu sẽ cho thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để tái chiếm thị xã. Biết là một cuộc chiến đẫm máu sẽ diễn ra, ông ta đã chuyển một số trung đoàn bộ binh vào trong cổ thành và sử dụng một trung đoàn khác để xây dựng các công sự bên trong thị xã. Súng cối và đại bác, đặc biệt là pháo hạng nặng 130 ly do Liên Xô chế tạo đã được tái bố trí để hỗ trợ tối đa hỏa lực. Các đại bác 130 ly đã phóng những quả đạn nặng 70 pound đi xa khoảng 17 dặm, vượt xa tầm bắn của các loại pháo 105 và 155 ly của phía VNCH. Pháo binh và súng cối của cộng quân đã gây ra phần lớn thương vong cho lính VNCH.

Cuộc tấn công của Lữ đoàn 2 Nhảy Dù bắt đầu vào ngày 10 tháng 7. Hai tiểu đoàn 6 và 11 tấn công từ phía Nam, trong khi Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù thực hiện cuộc tấn công chính từ phía Đông Bắc. Các tiểu đoàn 5 và 6 Nhảy Dù, tăng viện vào ngày 25 tháng 6, không đủ quân số chiến đấu do thiệt hại từ chiến trường An Lộc kéo dài từ tháng Tư đến giữa tháng Sáu. Đại úy Earl Isabell, cố vấn của Tiểu đoàn 5, sau đó cho biết: “Chúng tôi được chỉ định là mũi tấn công chính nhưng không được bổ sung thêm quân số. Chúng tôi cần thêm vài đại đội. Các tân binh thì hầu như chưa được huấn luyện còn các chỉ huy dày dặn kinh nghiệm tử nạn tại An Lộc vẫn chưa được thay thế”.


Các Tiểu Đoàn 6 và 11 Nhảy Dù đã giành được ưu thế vành ngoài thị xã, nhưng quân Bắc Việt đã chiến đấu ở mỗi góc nhà. Cuộc xung kích được tính từng mét và mỗi tòa nhà chiếm được. Tiểu Đoàn 1 của sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã mở một cuộc tấn công bằng đường không ở cách thị xã Quảng Trị khoảng một dặm về phía Đông Bắc vào sáng ngày 11 tháng 7 để ngăn chặn giao thông trên đường 560, song song với sông Thạch Hãn là tuyến tiếp tế chính của quân cộng sản phòng thủ. Tiểu đoàn được chở trên 34 chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và 6 trực thăng tấn công Cobra của Quân đội Hoa Kỳ hộ tống.

Cuộc đổ quân được yểm trợ bởi hỏa lực Hải Quân và các cuộc oanh tạc của B-52 nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Súng tự động và hỏa tiễn địa-không SA-7 bắn lên như mưa. Một chiếc CH-53 Sea Stallion và hai chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight chở Thủy Quân Lục Chiến bị bắn hạ. Một chiếc trực thăng vô tình hạ cánh gần một chiếc xe tăng T-54 của cộng quân được ngụy trang khá kỹ nhưng chiếc Cobra hộ tống có trang bị phi đạn chống tăng nên đã tiêu diệt được chiếc xe tăng này.


Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 và cố vấn của ông là Đại úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Lawrence Livingston đã dẫn đầu các cuộc xung phong vào ngày 11 tháng 7 nhằm phá hủy các công sự của cộng quân đang chặn đường tiến quân lính VNCH. Livingston đã được tặng thưởng bội tinh vì sự anh dũng của mình. Trận đánh tiếp diễn trong ba ngày. Đến ngày 14 tháng 7, đường 560 đã bị cắt đứt. Quân Bắc Việt phải tìm đường khác thay thế để tiếp tế cho quân của mình tại Quảng Trị.

Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã thực hiện cuộc tấn công chủ lực vào đêm ngày 11 tháng 7. Hỏa lực pháo binh được bắn trước và 18 cuộc xuất kích của Không quân Hoa Kỳ đã làm yếu các công sự phòng thủ của tòa thành. Tuy nhiên, quân phòng ngự của địch quân đã chặn được Tiểu đoàn 5 ngay sát chân tường thành. 25 lính bị tử nạn và hơn 100 lính bị thương.


Lệnh cấm Không Quân Mỹ không kích vào bên trong thị xã được ban hành vào ngày 15 tháng 7 vì Tổng Thống Thiệu muốn tái chiếm Quảng Trị mà không cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Ông bối rối trước các báo cáo rằng Không Quân Hoa Kỳ đã cứu được An Lộc và Kontum. Trước sự phản đối của tướng Trưởng, một vòng tròn tưởng tượng đã được vẽ xung quanh thị xã. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã bị cấm trong khu vực đó.

Khúc khải hoàn viết bằng máu!


Chiến đấu trong thành phố Quảng Trị, có cả những lần cận chiến xáp lá cà đẫm máu.

Quân Bắc Việt vẫn mở các cuộc tấn công nhằm phá vỡ những cuộc hành quân phối hợp của phía VNCH. Họ tấn công Tiểu Đoàn 5 vào ngày 15 tháng 7 và gần như chiếm được trạm chỉ huy tiểu đoàn. Vì một lý do không giải thích được, cuộc tấn công đã bị dừng lại khi chiến thắng nằm trong tầm tay của cộng quân. Hai ngày sau, một cuộc tấn công tương tự vào Tiểu Đoàn 6, hai bên đánh xáp lá cà trước khi quân Bắc Việt rút lui.


Lính Dù của quân lực VNCH tấn công nhưng kết quả giới hạn và thương vong tăng lên. Những người cộng sản nướng quân cho chuyện cầm cự vì việc giữ được Quảng Trị là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Mặc dù đường 560 đã bị chặn, các chuyến phà trên sông Thạch Hãn vẫn chuyển quân, hàng tiếp liệu và khí cụ thay thế vào cổ thành, cố duy trì ưu thế về quân số của mình. Trong khi đó, phía chính quyền Sài Gòn đã gặp khó khăn để đáp ứng kịp nhu cầu thay quân.


Bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù 2 nhận mệnh lệnh mở một cuộc tấn công khác. Lần này Tiểu Đoàn 5 được tăng cường thêm hai Đại Đội từ Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù thiện chiến và một Trung Đội xe tăng. Trước cuộc tấn công vào đêm 23 tháng 7, một chiếc F-4 Phantom của Không lực Hoa Kỳ đã được phép thả một quả bom đạn đạo laser nặng 2,000 cân Anh xuống thành lũy phía Đông Bắc của tòa thành để Tiểu đoàn 5 đột kích vào pháo đài. Khi trời rạng sáng, lệnh hạn chế không lực Hoa Kỳ lại bị áp đặt và Không Quân VNCH được ra lệnh thay thế. Một phi cơ đã vô tình thả ba quả bom 500 cân vào giữa lính nhảy dù, gây thiệt mạng 45 lính và làm bị thương nặng 100 lính khác.Tiểu đoàn 5 buộc phải rút lui, chấm dứt cuộc tấn công.


Cuộc chiến đấu kéo dài hai tuần gần như xoá sổ cả Lữ đoàn 2 Nhảy Dù. Tiểu đoàn 5 bị thiệt hại nặng nề nhất. Đơn vị có 600 quân bị tử trận hết 98 lính và 400 lính bị thương. Hai tiểu đoàn còn lại cũng không khá hơn. Bốn trong sáu cố vấn Mỹ bị thương và phải chở vào bệnh viện. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH tiếp viện cho Sư đoàn Dù vào ngày 27 tháng 7. Một cố vấn Thủy quân lục chiến Mỹ đã phải giật mình trước những gì nhìn thấy tại Quảng Trị.

Quảng Trị là hình ảnh của Berlin vào năm 1945. Hố bom khắp mọi nơi. Mọi cấu trúc hầu như đã bị phá hủy, chỉ còn những tòa nhà trơ trọi vách.


Quang cảnh đổ nát của thành phố sau trận chiến.

Hầu hết lính Thủy Quân Lục Chiến tin rằng họ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế nếu lính Dù chưa làm được. Sự lạc quan của họ nhanh chóng tụt xuống khi cuộc tấn công ban đầu bị chao đảo sau khi đối đầu với một lực lượng phòng vệ vượt trội về quân số phía địch quân. Thiếu tướng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là Richard Rothwell, cố vấn cho Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến VNCH, đã đổ lỗi một phần điều này cho Sư đoàn Dù đã không bảo vệ được sườn trái của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến. Nhiều pháo đài cũ ở phía Tây Quốc lộ Một do cộng quân chiếm giữ đã nã pháo vào các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang tấn công. Trước đó thì Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù đã cho rằng các pháo đài nằm quá xa để có thể cản đường tiến công dọc theo trục mà Thủy Quân Lục Chiến sử dụng.

Bất kể là gì, bộ tham mưu Quân Đoàn I đã không giao trách nhiệm về các pháo đài và thiết lập ranh giới chính xác giữa hai sư đoàn. Đây là một sơ suất tác chiến quan trọng của bộ tham mưu trong chiến tranh quy ước vì chỉ từng tác chiến đơn vị nhỏ mà hiếm khi chỉ huy phối hợp trong môi trường chiến thuật.


Cuộc tấn công vào ngày 3 tháng 8 cũng bị sa lầy. Tổng Thống Thiệu buộc phải gỡ bỏ các hạn chế các cuộc oanh tạc của Mỹ vào Quảng Trị, nhưng quyết định đó cũng không thay đổi được gì khi trận chiến đã trở thành các cuộc đọ sức giữa pháo binh VNCH và các cuộc oanh tạc của Không Quân Hoa Kỳ đối đầu với pháo binh cộng quân. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đơn giản là không đủ lực lượng để thắng được đông đảo địch quân. Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến cần được tăng quân.

Trong suốt tháng 8, các cuộc giao tranh tại từng mỗi góc nhà và pháo binh liên tục gây ra nhiều tổn thất hơn cho binh lính VNCH. Kể từ ngày 30 tháng 3, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến hùng mạnh với 15,000 quân đã thiệt mạng hết 1,358 lính và 5,500 lính bị thương. Các cuộc giao tranh cũng đã gây ra một thiệt hại tương tự cho các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn. Vào đầu tháng Bảy, đơn vị Cố vấn Thủy Quân Lục Chiến đã phải yêu cầu khẩn cấp chín sĩ quan thay thế những sĩ quan Mỹ tử nạn.


Những lời yêu cầu lặp đi lặp lại của tướng Lân về việc tăng thêm quân đã được đáp ứng vào ngày 8 tháng 9. Ba tiểu đoàn của Liên đoàn 1 Biệt Động Quân đến thay cho Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 147 ở phía Bắc thị xã, nhằm giúp Thủy Quân Lục Chiến dồn thêm các tiểu đoàn cho cuộc tấn công. Lúc này tướng Lân đã có trong tay sáu tiểu đoàn, gồm bốn tiểu đoàn ở hướng Nam và hai tiểu đoàn ở hướng Bắc để thực hiện nhiệm vụ. Ông vẽ sơ đồ giáp công đến giữa thành, bố trí Lữ đoàn 147 ở hướng Bắc và Lữ đoàn 258 ở hướng Nam. Tiểu đoàn 6 được ra lệnh tấn công từ hướng Đông Nam.

Để kéo đối phương ra khỏi Quảng Trị, Hạm Đội 7 của Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ giả. Lữ đoàn đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến số 9 đã thực hiện tất cả kế hoạch này, bao gồm tung sóng vô tuyến giả, trinh sát các bãi đổ bộ và đưa 400 lính Biệt Động Quân VNCH lên các tàu đổ bộ của Hoa Kỳ. Vào ngày 9 tháng 9, các cuộc pháo kích của Hải Quân, các cuộc không kích chiến thuật và một cuộc tấn công bằng bom B-52 đã dội xuống bãi biển phía Đông thị xã Quảng Trị. Khi trận ném bom ngưng lại, quân Bắc Việt xông ra khỏi các hầm boong-ke để xáp chiến với lực lượng đổ bộ. Họ bị kẹt trong làn pháo của Hải Quân và bị tổn thất nặng nề. Thiết giáp lội nước và trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã vào đến bờ biển nhưng lại quay lưng lại không tham chiến.


Trong khi Lữ đoàn 9 cầm chân đối phương, cuộc tấn công vào cổ thành mở màn. Phía Cộng quân tái bố trí một số pháo binh của họ trước mối nguy từ Hạm đội 7 đã làm giảm hỏa lực trước các lữ đoàn tấn công. Nhưng Thủy Quân Lục Chiến VNCH vẫn phải đối mặt với một trận đánh khốc liệt. Những đống gạch đổ nát do pháo kích đã tạo ra những vị trí phòng thủ tuyệt vời và hệ thống hầm công sự của cộng quân đã chống đỡ được phần nào hỏa lực phía Thủy Quân Lục Chiến.


Đêm 9 tháng 9, Trung tá Đỗ Hữu Tùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 6 Thần Ưng TQLC cho một mũi thám báo đột nhập thành. Nhóm này báo lại là đã gặp sự kháng cự ít ỏi, vậy là Trung Tá Tùng phát lệnh tấn công ngay tối hôm sau. Rạng sáng đầu ngày 11 tháng 9, một chốt đại đội đã cắm vào được vào bên trong góc Đông Nam của tòa thành. Trung Tá Tùng tung thêm lính TQLC vào. Đồng thời, các Tiểu đoàn 1 và 2 chiếm được phía sông Thạch Hãn, chặn đường hoạt động của phe địch. Cộng quân phản công nhưng Thủy Quân Lục Chiến giữ vững được chiến tích xương máu của mình.

Về phía Bắc, các Tiểu đoàn 3 và 7 đã quét sạch khu vực đóng quân cộng sản. Sáng ngày 15 tháng 9, Tiểu đoàn 3 xông vào thành. Cộng quân bắt đầu một trận pháo kích dữ dội để cắt Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 ra nhau, nhưng cả hai đơn vị này vẫn giữ được đội hình tác chiến vào xế chiều.


12:45 trưa ngày 16 tháng 9, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa phất phới tung bay trên Tây môn cổ thành, xem như chấm dứt 138 ngày lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt.

Tin chiến thắng đi khắp thế giới. Với miền Nam Việt Nam, việc chiếm lại được tỉnh lỵ cuối cùng trong tay địch là một điều hết sức vui mừng. Ngày 20 tháng 9, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra ủy lạo Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, chúc mừng bộ tham mưu, các sĩ quan và binh sĩ. Việc thăng cấp và trao huân chương đã được thực hiện cùng khắp.


Thiếu tướng Lục Quân Hoa Kỳ Howard Cooksey, Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy Viện Trợ Quân Sự Vùng Một còn đề nghị tặng Huân chương Tổng thống Hoa Kỳ, một anh dũng bội tinh cho lính Mỹ hay đồng minh đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường, cho toàn bộ chiến sĩ Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH, dù điều này không có dấu hiệu đã diễn ra.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Sau Khi Nâng Cấp, Bắt Tay Với Mỹ, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm Vội Sang Trung Quốc!


(Hình: Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng.)

-Bộ trưởng Công an CSVN, ông Tô Lâm, hiện có chuyến làm việc tại Trung Quốc. Hoạt động này của người đứng đầu ngành an ninh của Chính phủ Hà Nội diễn ra sau chuyến công du cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam hôm 10 và 11/9/2023.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin ông Tô Lâm chính thức thăm Trung Quốc từ ngày 12/9 cho đến ngày 16/9.

Tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Công an CSVN Tô Lâm đến chào ông Thái Kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông này nhắc lại mối quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Bắc Kinh- Hà Nội theo phương châm 16 chữ vàng và bốn tốt.

Đoàn Việt Nam do ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu còn tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng về Phòng/Chống Tội phạm lần thứ tám giữa công an hai nước. Mục đích hội nghị lần này được cho biết hai phía khẳng định tiếp tục khai triển các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, buôn người; đấu tranh chống hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép; chống tội phạm lừa đảo qua mạng…

Đoàn Bộ Công an Việt Nam sang Trung Quốc lần này ngoài ông Bộ trưởng Tô Lâm, còn Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Giám đốc công an một số tỉnh/thành khác trong nước.


“Sông Liền Sông, Núi Liền Núi!” Lễ Vận Hành Thí Điểm Tour Du Lịch Thác Bản Giốc-Đức Thiên


(Hình AFP, minh họa: Khách du lịch Việt Nam ở Thác Bản Giốc hôm 12/3/2017.)

Truyền thông nhà nước loan tin ngày 14/9/2023 cho hay Lễ vận hành thí điểm du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc) sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng Hà Nội ngày 15/9 tại Trạm Kiểm soát khu vực mốc 864/1.

Vào ngày 28/8 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam chính thức loan tin tour du lịch thí điểm thăm Thác Bản Giốc-Đức Thiên tại biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc sẽ được bắt đầu từ ngày 15/9 và kéo dài trong một năm.

Quy định tham gia các tour thí điểm Bản Giốc-Đức Thiên là du khách từ cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc cần phải đăng ký trước theo nhóm lên đến 20 người. Họ phải có sổ thông hành hoặc giấy phép xuất/nhập mới được vào khu thắng cảnh của thác.

Thời gian thăm cho các nhóm đến thác của phía nước bên kia là không quá năm tiếng đồng hồ. Việc nghỉ qua đêm tại khu vực thác bị cấm.

Du khách Việt sang thăm thác phía Trung Quốc không phải mua vé vào thăm; tuy nhiên họ phải mua bảo hiểm.

Du khách Trung Quốc vào thăm thác phía Việt Nam phải mua vé với giá 2,9 Mỹ kim cho mỗi lần, gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào ngày 13/7 trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhân Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 ở Jakarta, Nam Dương, đưa ra đề nghị phía Trung Quốc "sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (phía Việt Nam)- Đức Thiên (phía Trung Quốc) vào vận hành thí điểm".

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn với hai phần thác chính và phụ. Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong những điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi Hà Nội và Bắc Kinh hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào năm 2008.

Thỏa thuận giữa hai phía quy định phần thác phụ thuộc chủ quyền Việt Nam; còn phần thác chính cả hai phía cùng khai thác. Phần thác chính được phân chia bằng cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19, sau khi Chính phủ Pháp lúc bấy giờ và Nhà Thanh ký kết Hiệp định phân chia biên giới Việt Nam- Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu gốc Việt Trương Nhân Tuấn ở Pháp vào đầu năm 2008 trong một trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do khẳng định rằng Việt Nam bị mất phân nửa thác Bản Giốc mà trước đây nằm sâu trong lãnh thổ nước này ít nhất 2 cây số.


Thanh Toán Nội Bộ? Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh Qua Đời Hôm 14/9 Vì "Mắc Bệnh Hiểm Nghèo!"


(Hình: Ông Nguyễn Chí Vịnh đến Trung Tâm Hội nghị Quốc gia ngày 28/1/2016.)

-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng qua đời hôm 14/9/2023 vì "mắc bệnh hiểm nghèo", theo truyền thông nhà nước loan tin nhưng không cho biết là bệnh gì.

Lần gần nhất ông Vịnh xuất hiện là trên chương trình thời sự lúc 7 giờ tối 31/8/2023 của Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV1 với vẻ mặt tiều tụy, khuôn mặt có nhiều vết nám, tóc rụng gần hết và môi có vết bầm khác hẳn với hình ảnh thường thấy.

Trong chương trình này, ông Vịnh ca ngợi cuốn sách vừa ra mắt của của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới".

Báo Tuổi trẻ cho biết, "sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù được Đảng, Nhà nước, quân đội, các Giáo sư, Bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ trần rạng sáng nay 14-9 tại nhà riêng".

Theo đó, ông Vịnh sinh năm 1959 tại Hà Nội, tuy nhiên trong giấy tờ lý lịch chính thức ghi ông sinh năm 1957 bởi ông từng khai man thêm 2 tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ.

Hồi tháng 9/2018, Chủ tịch nước khi đó là ông Trần Đại Quang cũng đột ngột qua đời sau khoảng thời gian xuất hiện với vẻ ngoài sa sút, một số báo nói ông mắc bệnh hiểm nghèo nên từ trần, có báo cho rằng ông mắc phải virus hiếm và độc hại.


3 Người Chết và 7 Người Mất Tích Vì Lũ Quét ở Miền Bắc Việt Nam


(Ảnh: Một vụ sạt lở vì lũ quét ở miền Bắc Việt Nam.)

-Lũ quét do mưa lớn gây ra ở tỉnh Lào Cai đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 7 người vẫn còn mất tích.

Theo Cổng thông tin chính phủ (VGP News), mưa lớn kéo dài từ tối 12/9/2023 tới sáng ngày 13/9 ở tỉnh miền núi phía Bắc đã gây ra “mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to”.

Tin cho hay, hiện khu vực xảy ra lũ quét vẫn tiếp tục có mưa lớn, nước lũ tiếp tục dâng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu “gặp nhiều khó khăn”.

Theo VGP News, Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 13/9 đã ra chỉ đạo khẩn, yêu cầu chính quyền tỉnh Lào Cai “tổ chức rà soát, di dời, di tản ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu”.


(Hình: Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 250 tỉ đồng.)

Công điện cũng yêu cầu tỉnh miền núi phía Bắc này “tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, gia đình nghèo, khó khăn”.

VnExpress dẫn lời một nhân chứng tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, nơi nước lũ dâng cao cuốn trôi nhiều trại cá tầm, cá hồi, nói rằng “nước lên nhanh như cơn sóng thần cuốn trôi mọi thứ”.

Báo điện tử này dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết rằng lượng mưa tính từ 7 giờ tối hôm 12/9 đến 3 giờ sáng hôm 13/9 tại Lào Cai “cao nhất miền Bắc”.

Theo dự báo thời tiết, các ngày 13 và 14/9, Bắc Trung Bộ có mưa 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.


Hơn 90 Người, Gồm Du Khách Ngoại Quốc, Bị Ngộ Độc Bánh Mì “Phượng” Tại Hội An


(Hình: Bánh mì “Phượng” là một thương hiệu được nhiều người Việt trong nước, ngoại quốc và du khách ngoại quốc biết đến.)

-Hơn 90 người phải nhập viện do bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì “Phượng” tại Phố cổ Hội An hôm 11/9/2023. Trong số này có hàng chục du khách ngoại quốc.

Truyền thông nhà nước ngày 13/9 dẫn xác nhận của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Bác sĩ Mai Văn Mười, về số nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì “Phượng” như vừa nêu.

Sự việc được xác minh từ khoảng 8 giờ sáng ngày 11/9, một số người dân và du khách ngoại quốc đã ăn bánh mì mua tại tiệm “Phượng”. Bánh mì có pa-tê, thịt xá xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo.

Tiệm bánh mì “Phượng” cho cơ quan chức năng địa phương biết trong ngày 11/9 bán ra tổng cộng 1.920 ổ bánh mì.

Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người ăn bánh mì “Phượng” mua trong sáng đó bị sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy…. Tin cho biết đến ngày 13/9, có 32 ca xuất viện; còn 1 ca phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng; 3 ca điều trị tại Bệnh viện Thái Bình Dương, thành phố Hội An; 4 ca tại Bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức.

Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Việt Nam vào chiều ngày 13/9 gửi công văn cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì “Phượng” để kiểm tra.

Bánh mì “Phượng” là một thương hiệu được nhiều người Việt trong nước, ngoại quốc và du khách ngoại quốc biết đến.


Ủy Ban Khoa Học-Kỹ Thuật và Môi Trường của Quốc Hội Đòi Giải Quyết Nguồn Đưa Tin Phá Rừng Tự Nhiên Để Làm Hồ Ka Pét

-Vào ngày 12/9/2023, trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Kỹ thuật và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Phương Tuấn lên tiếng kêu gọi xử phạt những nguồn tin phản đối dự án hồ chứa nước Ka Pét vì phá rừng nguyên sinh.

Truyền thông nhà nước dẫn nguyên văn lời ông Nguyễn Phương Tuấn: “Từ ngày 4/9 đến 6/9 một số bài báo liên tục đăng thông tin liên quan cho rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận phá 600 hecta rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét (trong khi đây là hoạt động khai thác rừng để thực hiện dự án) đã gây ra phản ứng dư luận xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ”.

Ông Tuấn cho rằng kẻ xấu lợi dụng đưa tin không chính xác, không đúng sự thật. Tình trạng này cần được giải quyết nghiêm.

Vào ngày 7/9, tại cuộc họp báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh này báo cáo Hồ Ka Pét có dung tích hơn 51 triệu mét khối, tổng mức đầu tư 874 tỉ đồng. Khi dự án hoàn thành hồ cấp nước tưới cho hơn 7.700 hecta đất nông nghiệp tại huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu Công nghiệp Hàm Kiệm; tạo nguồn thô để cấp nước sinh hoạt cho chừng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và Thành phố Phan Thiết….

Luồng ý kiến phản biện cho rằng tại huyện Hàm Thuận Nam đã có 14 hồ thủy lợi chứa nước nằm trong phạm vi bán kính chừng 20 cây số của hồ dự kiến xây Pa Két. Số hồ hiện có vào mùa khô không có đủ nước để trữ; nhưng vào mùa mưa bão lại phải xả lũ để tránh vỡ đập. Bên cạnh đó tổng diện tích rừng đặc dụng bị phá để làm hồ Ka Pét chiếm khoảng một phần năm diện tích toàn dự án một diện tích phá rừng quá lớn….


Nguyên Cục Trưởng Đăng Kiểm Đặng Việt Hà Bỏ Ra 100.000 Mỹ Kim Để Chạy Án


(Hình: Ông Nguyễn Văn Chung bị cáo buộc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.)

-Vào ngày 11/9/2023, Cơ quan chức năng về tố tụng tại Tp. HCM phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt giam 2 người dính líu vụ chạy án 100.000 Mỹ kim của nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm, ông Đặng Việt Hà.

Hai người bị áp dụng các lệnh vừa nêu là nguyên Phó Chánh Văn phòng Cục Đăng Kiểm Lại Thái Phong và Nguyễn Văn Chung. Ông Lại Thái Phong bị cáo buộc tội “môi giới hối lộ” và Nguyễn Văn Chung tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Diễn biến sự vụ được cho biết trong quá trình điều tra vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm ở Tp. HCM và một số tỉnh/thành phía Nam, Cơ quan Công an phát giác nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà trước khi bị bắt đã thông qua Lại Thái Phong đưa cho Nguyễn Văn Chung 100.000 Mỹ kim để tìm cách chạy án cho ông Đặng Việt Hà.

Công an cho biết ông Nguyễn Văn Chung không thể thực hiện được việc chạy án và chiếm đoạt số tiền 100.000 Mỹ kim của ông Hà.

Nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà bị bắt vào tháng 1/2023 với cáo buộc “nhận hối lộ”.

Từ tháng 10/2022 đến nay, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã khởi tố và bắt giam hơn 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm.

Riêng Công an Tp. HCM khởi tố hơn 200 bị can.

Bảy tội danh khởi tố gồm: Môi giới hối lộ; đưa hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng các công cụ, thiết bị nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tình viễn thông hoặc mạng điện tử của người khác; che giấu tội phạm.


Gia Lai: Cựu Giám Đốc Sở Nội Vụ Cùng Thuộc Cấp Lĩnh Án Tù


(Hình TPO: Ông Tâm (đeo kính) tại phiên tòa.)

-Cựu Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai cùng hai thuộc cấp bị tuyên phạt án tù liên quan đến sai phạm tại dự án phần mền, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 13/9/2023, nêu rõ, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt Hồ Quang Thi (Kế toán trưởng Sở Nội vụ) 9 năm tù về tội “ Tham ô tài sản”; ông Huỳnh Văn Tâm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo và Nguyễn Đình Trúc (Phó chánh văn phòng Sở) 18 tháng tù, cũng cho hưởng án treo cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo cáo trạng, Sở Nội vụ được cấp 2 tỉ đồng để thực hiện “Dự án Xây dựng nhu liệu điện toán và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” vào năm 2016. Sau khi hoàn thành, dự án khi lắp đặt vào cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ Gia Lai lại không sử dụng được, nhưng ông Tâm vẫn chỉ định Nguyễn Đình Trúc thực hiện nhập dữ liệu với số tiền 575 triệu đồng. Kiểm tra máy điện toán cơ quan, ông Trúc biết nhu liệu điện toán không có dữ liệu nên hoàn trả lại.

Sau khi nhận số tiền trả lại, ông Tâm ký 16 ủy nhiệm chi chuyển tiền ngân sách vào tài khoản cá nhân của ông Hồ Quang Thi. Ông Thi sau đó chiếm đoạt số tiền 575 triệu đồng rồi nghỉ việc cơ quan, rời khỏi nơi cư trú.

Quá trình điều tra, Công an cho biết đến năm 2021, khi Thanh tra tỉnh Gia Lai thanh tra thì ông Tâm đã tự nộp lại số tiền hơn 575 triệu đồng; ông Thi đã nộp lại gần 4,4 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa, cả ba đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.


Phú Yên: Khởi Tố Cựu Giám đốc Sở Tài Chánh Do Gây Thất Thoát Hơn 10 Tỉ Đồng


(Hình: Đại diện cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Phú Yên đọc lệnh khám xét nhà đối với bị can Đỗ Duy Vinh.)

-Cựu giám đốc Sở Tài chính Phú Yên, ông Đỗ Duy Vinh bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong ngày 13/9/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Phú Yên cho truyền thông hay đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành khám xét chỗ ở, cấm đi khỏi nơi cư trú đối ông Đỗ Duy Vinh để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí 10 tỉ đồng, xảy ra vào năm 2013 tại thành phố Tuy Hòa.

Theo cơ quan điều tra, năm 2012, ông Đỗ Duy Vinh đã tham mưu và ông Phạm Đình Cự - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên - đồng ý cho phép Công ty cổ phần PYMEPHARCO chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 76, thuộc ô phố A2, đường Hùng Vương (thành phố Tuy Hòa) thuộc trường hợp phải thu hồi đất là trái quy định pháp luật.

Công an cho biết việc làm đó của ông Vinh và ông Cự đã gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền hơn 10,1 tỉ đồng do thửa đất trên, theo hồ sơ, có diện tích 1.183 mét vuông, vốn thuộc quy hoạch đất y tế.

Ngoài ra, sau 5 năm được giao đất, Công ty cổ phần PYMEPHARCO không xây dựng các hạng mục công trình chính nên Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chấm dứt hiệu lực dự án để có cơ sở thu hồi đất theo quy định. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh không chỉ đạo thực hiện.

Ông Vinh lúc bấy giờ đã ký văn bản của Sở Tài chính, tham mưu để ông Phạm Đình Cự ký thông báo số 13/TB-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất cho phép Công ty cổ phần PYMEPHARCO chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh và giá trị tài sản trên đất lô A2 đường Hùng Vương cho một chi nhánh ngân hàng, với thời hạn giao đất là 50 năm. Đến tháng 7/2013, Công ty cổ phần PYMEPHARCO đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ thửa đất trên cho chi nhánh ngân hàng với giá 16 tỉ đồng.


Dự Án Cao Tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Truy Tố Loạt Cán Bộ Gây Thiệt Hại 460 Tỉ Đồng


(Hình: Những đoạn đường trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi hư hỏng.)

-Hai mươi hai người liên quan đến sai phạm trong thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn 2) đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng truy tố.

Dự kiến ngày 25/9/2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xét xử Sơ thẩm 22 bị cáo trên liên quan vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỉ đồng tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Truyền thông nhà nước trong ngày 13/9 cho biết trong số các bị cáo trên có ông Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Trần Văn Tám, cựu Tổng Giám đốc VEC; Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, cùng cựu Phó tổng Giám đốc VEC; Hoàng Việt Hưng và Nguyễn Tiến Thành, cùng là cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi….

Các bị can Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào từng bị xét xử ở giai đoạn 1, cả hai lần lượt lĩnh mức án 7 năm tù và 6 năm tù.

Theo cáo trạng, trong vụ án này, ông Mai Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc VEC từ năm 2015 đến ngày 1/6/2017, Trần Văn Tám làm Tổng Giám đốc từ ngày 1/6/2017 đến khi kết thúc dự án, đã buông lỏng quản lý, không kiên quyết chỉ đạo để kịp thời khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án, gây thiệt hại tài sản nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi của hai cựu Tổng Giám đốc VEC đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Những người này cùng với đồng phạm còn bị cáo buộc trong quá trình xây dựng đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công. Lúc nghiệm thu, họ không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án.

Sai phạm của nhóm này khiến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi không bảo đảm chất lượng vẫn được đưa vào vận hành giai đoạn 2 cây số dài 74 cây số và sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỉ đồng.

Cùng vụ án, cơ quan tố tụng xác định có 27 đối tượng là công dân các nước Trung Quốc, Nam Hàn, Anh Quốc, Úc Ðại Lợi và Phi Luật Tân đã thực hiện phạm tội liên quan các gói thầu. Dù đã gửi yêu cầu tương trợ Tư pháp đến cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia trên nhưng đến nay chưa có kết quả. Do đó, với 27 người ngoại quốc, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ, chờ giải quyết sau.


Xuất Cảng Gạo của Việt Nam Tăng Mạnh Trong Tháng Tám


(Ảnh: Công nhân đang bốc dỡ gạo xuất cảng ở cảng Kakinada Anchorage thuộc tiểu bang Andhra Pradesh, trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất cảng gạo.)

-Trong tháng 8/2023 vừa qua, Việt Nam đã xuất bán 921.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 546 triệu Mỹ kim, tăng 40% về lượng và 51% về giá trị so với tháng 7.

Theo VnExpress, tính từ đầu năm tới nay, Việt Nam xuất cảng gần 6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 3,2 tỉ Mỹ kim, tăng 21% về lượng và 35% về giá.

Báo điện tử này đưa tin, Phi Luật Tân vẫn là khách hàng lớn nhất, đạt gần 1,23 tỉ Mỹ kim, tăng 16%, chiếm 38,9% tổng kim ngạch xuất cảng mặt hàng này. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 452 triệu Mỹ kim, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tin cho hay, ngoài 2 quốc gia trên, Nam Dương từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt với mức tăng trưởng kỷ lục. 8 tháng qua, quốc gia này nhập 718.266 tấn gạo, đạt 361,2 triệu Mỹ kim, tăng 1.505%.

VnExpress dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết rằng nhiều quốc gia trên thế giới tăng nhập gạo Việt là do nguồn cung từ thị trường thế giới thiếu hụt.

Hiệp hội này cho biết rằng trong 3 tháng gần đây, lượng gạo xuất cảng tăng cao hơn so với đầu năm sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất cảng gạo từ hôm 20/7.

Thêm nữa, tin cho hay, ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, hạn hán, mưa lũ khiến sản lượng gạo sản xuất của nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi đầu tháng trước, giới chức Việt Nam muốn tăng cường xuất cảng gạo để tận dụng thời cơ thế giới đang đổ xô mua trong bối cảnh một số nước đã ra lệnh cấm xuất cảng, nhưng cũng có những lo ngại về an ninh lương thực trong nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hôm 15/8 rằng Việt Nam có 7 triệu đến 8 triệu tấn gạo để xuất cảng trong năm nay, sau khi dự trữ đủ cho an ninh lương thực quốc gia.

Không có nhận xét nào: