Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Cướp Giật Đồ Cúng Khắp Nơi Rằm Tháng 7 và Kính Chuyển Tin Nóng Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Cảnh VN Mừng Rằm Tháng 7, Lễ Vu Lan 2023: Hàng trăm thanh niên mang hàng nóng, nhiều người bị chém trọng thương trong những vụ tranh nhau ‘giật’ đồ cúng! *Tranh nhau “giật cô hồn”, nhóm thanh niên đã chém thương tích trầm trọng chủ nhà và 2 người khác! -Ngày 31/8, Cơ quan CSĐT Công an quận 11, TP.HCM đang tập trung truy xét nhóm thanh niên gây ra vụ việc nói trên. Trước đó, vào trưa cùng ngày, chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11 tổ chức cúng rằm tháng 7 âm lịch. Có nhóm khoảng 5 thanh niên đi trên nhiều xe gắn máy đã chực chờ sẵn để “giật cô hồn” theo phong tục.
<!>


(Ảnh: Công an phong tỏa để điều tra, truy xét vụ 3 người bị chém thương tích bởi nhóm thanh niên tranh nhau "giật cô hồn")

Trong lúc chờ gia chủ cúng xong để xông vào “giật cô hồn”, nhóm thanh niên phát sinh mâu thuẫn với 1 tài xế xe ba gác đậu trên vỉa hè. Hai bên suýt ẩu đả với nhau nhưng những người xung quanh kịp thời can ngăn.

Nhóm thanh niên bỏ đi nhưng lúc sau quay lại với hung khí trên tay xông vào tấn công người. Chủ nhà vừa cúng xong bị chém thương tích! Tài xế xe ba gác và 1 người dân gần đó cũng bị nhóm này tấn công gây thương tích.

Nhóm thanh niên sau đó thản nhiên kéo đi. 3 nạn nhân bị thương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Công an đang coi lại camera an ninh để nhận diện nhằm truy bắt nhóm thanh niên chém nhiều người bị thương.

Khắp nơi, thanh niên mang hung khí đi giật đồ cúng cô hồn ở Sài Gòn, trở thành phương tiện kiếm sống Rằm Tháng 7!

*Nay có rất nhiều băng nhóm thanh niên, trang bị cả súng, búa dao, để kiếm sống bằng nghề tranh nhau…giật cô hồn gây kinh động cả thành phố.

- Trước đây rằm tháng 7 âm lịch, trên đường phố Sài Gòn, những đứa trẻ lang thang được hưởng vật phẩm từ các mâm cúng cô hồn. Nay có những băng nhóm thanh niên, trang bị cả hung khí để kiếm sống bằng nghề tranh nhau…giật cô hồn gây kinh động cả đường phố.

Giật cô hồn…đâm chết người!


(Hình: Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn, vì tranh nhau giật cô hồn mà đâm chết người.)

Công an Q. Bình Tân, TP.HCM xác nhận, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996, ngụ Q. Bình Tân) để điều tra, xử lý về hành vi “giết người”. Tại cơ quan công an Tuấn thừa nhận, do giành giật nhau “vật phẩm” cúng cô hồn ở địa phương nên đã vung dao sát hại 1 thanh niên khác.

Theo điều tra, trưa 21/8 Tuấn cùng Trần Kim Tài (SN 1999), Nguyễn Văn Nhân, và Võ Canh Non (đều SN 1993, quê An Giang, tạm trú Q.Bình Tân) đi giật đồ cúng cô hồn của người dân địa phương. Trước nhà số 59/42 liên khu 10 – 11, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, nhóm của Tuấn chờ chủ nhà bày đồ cúng để sau đó xông vào giật đồ cúng.

Cùng lúc này, một nhóm thanh thiếu niên khác cũng phục kích trước ngôi nhà nói trên. Khi chủ nhà vừa tung “vật phẩm” là bánh trái và tiền ra trước sân thì nhóm của Tuấn và nhóm thanh thiếu niên kia lao vào giật dọc.

Nhóm của Tuấn yếu thế, ít người nên bị nhóm hơn chục thanh niên đấm đá, phải bỏ chạy thoát thân.

Về nhà trọ còn tức tối nên Tuấn rủ Tài, Non lấy 1 dao Thái Lan, 1 đoạn cây quay lại…rửa hận.

Tới gần hiện trường, nhóm của Tuấn thấy Hồ Hữu Phong (SN 1991, ngụ Q.Bình Tân) cùng 2 thanh niên đẩy xe gắn máy đi ra. Cho rằng đây là nhóm từng đánh mình nên Tuấn và đồng bọn lao vào. Thấy nhóm Tuấn có dao, Phong và 2 người bạn vội vàng tháo chạy.

Riêng Phong chưa kịp chạy bị Tuấn đâm 1 nhát thấu ngực, gục chết tại chỗ. Tuấn bị bắt giữ sau đó.

Mới đây, tại các phường P.Bình Trị Đông và P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân), lực lượng công an đã phục kích, bắt giữ cả trăm thanh thiếu niên, trong đó xử phạt hành chính khoảng 50 người về hành vi “gây rối trật tự công cộng” vì có trang bị hung khí như: dao, mã tấu, kiếm Nhật, tuýp sắt…để đi giật cô hồn.

Nếu công an không ngăn chặn từ đầu, có lẽ những băng nhóm này khi giật các vật phẩm, sẽ gây ra án mạng hoặc chí ít là đâm chém, gây thương tích nhiều người…


Mùa Xá Tội Vong Nhân: Hãi hùng cảnh cúng cô hồn! có thể nguy hiểm đến…tính mạng!

-Trong tháng 7 âm lịch có hai tập tục lớn trong dân gian là tục cúng cô hồn và lễ vu lan. Lễ vu lan báo hiếu thì có nguồn gốc từ Phật giáo, còn tục cúng cô hồn thì không liên quan gì đến Phật giáo cả.

Trong cách gọi của dân gian, cô hồn là những linh hồn cô đơn, cô độc lang bạt không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Với cô hồn, người ta chỉ có cúng thôi, không thờ. Cách cúng là người ta bày ra một số vật phẩm để cho những linh hồn cô độc ăn uống để khỏi bị đói khát.

Cúng cô hồn là một tín ngưỡng nhân văn trong văn hóa Việt Nam: Người dân bày tỏ sự thương cảm những linh hồn cô độc bơ vơ, những chiến sĩ tử vong, đồng thời dân gian ngán sợ cô hồn quậy phá nên cúng để chia sẻ với những phận neo đơn.

Cúng cô hồn thường diễn ra ở trước nhà, phẩm vật để cúng thường rẻ bèo như kẹo thèo lèo cứt chuột, cháo trắng phết trên vài chiếc lá, muối gạo, không có mâm bát… Cúng xong, những đứa trẻ con lang thang đường phố xông vào giựt.



(Hình: Em S. phải nằm điều trị tại BV Nhi đồng 1 (ảnh trên) sau khi bị một thiếu niên trong nhóm giật cô hồn rút dao bấm đâm và bị người dân bắt giữ (ảnh dưới).

Tập tục cúng cô hồn là một tập tục nhân văn nên duy trì. Để làm theo truyền thống thì cần sự hiểu biết tín ngưỡng. Trước tiên người cúng phải hiểu biết đúng ý nghĩa của tập tục này để cúng những vật phẩm không có giá trị vật chất, đơn giản nhất là muối, gạo, cháo trắng… Những vật phẩm này không gây ô nhiễm môi trường và cũng chẳng ai nhào vào đâm chém nhau để tranh giành làm gì.

Hành vi giựt cô hồn không phải “thụ lộc”, “hưởng lộc” như trong dân gian hay gọi mà hành vi đó phải gọi đích danh là cướp. Cướp chứ không phải cướp lộc vì người ta cúng cho người đã mất vất vưởng lang thang chứ có cúng cho người sống đâu mà đòi lấy lộc. Cái gì không phải của mình thì đừng nên nhúng tay vào, vì có vào thì nó cũng tự khắc đi ra.


*Từ giật cô hồn đến phạm tội không xa

Việc giật cô hồn không hề sai cho đến khi người ta thẳng tay đấm đá, đâm chém nhau để giành lấy chút đồ cỏn con.


*Bất chấp nguy hiểm để giật tiền

Ngày 26-8 (16-7 âm lịch), một nhà hàng người Hoa trên đường Nguyễn Biểu, phường 2, quận 5, TP.HCM tổ chức cúng cô hồn rất quy mô. Người tham gia đứng tràn cả lòng đường, bất chấp dòng xe đang lưu thông. Khi gia chủ rải tiền thật, cả trăm người già trẻ xông vào xô đẩy, trèo cả lên tường rào có cọc sắt để tìm kiếm tiền rơi. Do tranh giành, đám đông suýt nữa xảy ra xô xát nếu lực lượng công an không kịp thời có mặt.


*Đem mã tấu đi giật cô hồn

Trước đó, vụ tranh nhau giật cô hồn dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau trên một con đường ở quận 5, TP.HCM khiến nhiều người sợ hãi. Hai nhóm thanh niên bắt đầu cự cãi, mắng chửi nhau rồi bắt đầu truy đuổi từ vỉa hè ra tận giữa đường, dùng mã tấu chém người bị thương. Khi cảnh sát tới, hai nhóm nhanh chóng lên xe rú ga bỏ chạy, tay vẫn lăm lăm vũ khí.


*Phang nhau bằng nón bảo hiểm

Trong một buổi cúng cô hồn khác chưa xác định được địa điểm, giữa đám đông cả chục người đang giành đồ cúng, một thanh niên áo xanh, quần đỏ bị nhiều người vây đánh, chửi bới, dùng nón bảo hiểm đập tới tấp. Gần đó, những người khác vẫn tiếp tục công cuộc… tranh giành trên mảnh bạt lớn bày đồ cúng ven đường.


*Ném gạch vào nhà dân

Theo hình ảnh được ghi lại trong một con hẻm, một thanh niên vì không giật được đồ cúng cô hồn của gia chủ nên đã nổi nóng. Người này liên tiếp hai lần cầm viên gạch đỏ lớn, thẳng tay ném vào cánh cửa ngôi nhà kèm theo những lời lẽ cay cú, thiếu văn hóa trước ánh mắt sững sờ của nhiều người.

*Rút dao đâm chủ nhà trọng thương

Ngày 28-8, gia đình em THS (14 tuổi) ngụ phường 8, quận 10, TP.HCM tổ chức cúng cô hồn. Khi mâm cúng còn chưa được bưng ra thì một nhóm thanh niên đã chực chờ lao vào giật.

Em S. ngăn cản thì bị nhóm này hất tung cả mâm cúng. Sau đó, một thiếu niên trong nhóm giật cô hồn còn rút con dao bấm thủ sẵn trước đó đâm vào cổ S. khiến em bị thương nặng.

Đời Sống: Bi hài giật đồ cúng cô hồn Rằm Tháng 7!

-Vừa dọn mâm lễ ra sân, chưa kịp khấn vái thì ông Tiến bị đám thanh niên "phục kích" lao vào giật. Hoảng sợ, ông bê mâm cúng chạy vào. Đám thanh niên đuổi theo, ông hốt hoảng đứng trên cầu thang thả đồ xuống khi lễ cúng chưa kịp bắt đầu.

Sửa soạn mâm lễ với con lợn quay gần 3 triệu đồng, bà Ngọ (Bình Thạnh, TP HCM) chưa kịp đốt nhang thì có hai thanh niên chạy tới ôm lợn leo lên xe máy chạy mất, báo hại bà phải đi mua con khác để cúng. Rút kinh nghiệm, lần sau bà bắt con cháu ra đứng che chắn cẩn thận cho đến khi làm lễ cúng, đốt giấy hóa vàng xong.


(Ảnh: Thay vì đặt trước hiên nhà để "mời cô hồn" đến ăn uống thì gia chủ này phải đóng cổng cúng trong nhà, sau đó mới dám mở ra để bố thí.)

Nhằm tránh cảnh "chưa kịp cúng cho cô hồn chết hưởng thì đã bị cô hồn sống xuống tay" như những năm trước, năm nay anh Hùng, ngụ đường An Dương Vương, quận 5, quyết định đóng cổng làm lễ cúng rồi sau đó mới bưng mâm ra đường. Tuy nhiên, anh vừa đặt lọ hoa, vàng mã, sắp xếp xong mâm lễ thì có người mặc đồng phục đến xưng là "nhân viên bảo trì Internet" muốn gặp. Gia chủ vừa mở cửa thì mâm lễ đã nằm gọn trên xe của vị khách lạ và "đồng minh" đang chờ sẵn gần đó.

Cùng cảnh ngộ với anh Hùng, chủ một cửa tiệm trên đường Nguyễn Trãi cho biết năm nay ông quyết định đóng cổng để cúng. "Năm ngoái có mấy thanh niên trông rất du côn khi lao vào giật đồ cúng đã tranh thủ giật thêm điện thoại, dây chuyền của khách hàng", vị chủ tiệm giải thích. Nhưng ngoài dự kiến của ông, nhiều "cô hồn sống" đã túc trực và đòi đạp cửa vào giật. Khi mâm lễ vừa hạ, ông leo lên tầng hai rải tiền chúng sinh thì nhóm người này lao lên giành giật nhau.


(Ảnh: Dù gia chủ đã đóng kín cổng, nhiều người vẫn túc trực đợi hạ mâm lễ cúng cô hồn.)

Tục cúng cô hồn là một trong hai lễ lớn của tháng 7 âm lịch, bên cạnh lễ Vu Lan báo hiếu. Ở Việt Nam ngày nay thời gian cúng cô hồn kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào.


Cũng mang ý niệm làm phúc bố thí, nhiều người tại TP HCM đã chọn những cách thể hiện ý nghĩa cho riêng mình. Thay vì rải tiền, rải đồ cúng ra đường thì ông Thắng sống tại Bình Thạnh chọn cách phát chẩn cho người nghèo ngay sau lễ cúng cô hồn. Trước lễ cúng, người đàn ông này đã thông báo về việc phát chẩn với những người nghèo trong khu phố. Những bịch gạo, bịch quà đã được ông gói lại, đánh số cẩn thận và trao theo thứ tự cho mọi người.


Vấn đề trong đời sống, xã hội náo loạn, ‘Giật cô hồn’ Rằm tháng 7: Phong tục tốt đẹp, nay trở thành trò vui cổ động cho cướp giật?


-Họ sẵn sàng chen chúc, xô ngã và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để tấn công nhau, để giành được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Thế nhưng, thực tế nhiều năm gần đây, nhiều nơi lại đang biến ngày lễ ý nghĩa này trở thành một thứ “nghề” ngắn hạn. Cứ đến ngày này, đám đông lại vội vã chuẩn bị dụng cụ để đi cướp đồ cúng.

Nhiều người cho rằng đây chỉ là phong tục, không phải hành vi xấu như trộm cắp hay cướp giật. Thế nhưng không thể phủ nhận, hình ảnh "giật cô hồn" đang trở nên xấu xí và bị biến tướng nghiêm trọng.

Trước kia, việc “giật cô hồn” thường là trò chơi của những đứa trẻ. Người ta quan niệm rằng, các cô hồn rất yêu trẻ con, chính vì vậy khi chứng kiến đám trẻ hào hứng, vui vẻ, cô hồn sẽ không phản ứng. Vậy là đám trẻ chỉ chờ gia chủ cúng xong, khi nhang tàn, chúng sẽ có dịp để nhào tới giành giật đồ ăn.

Việc mâm đồ cúng bị trẻ con tranh giành sạch sẽ được coi như điều may mắn cho gia chủ vì họ cho rằng đã làm hài lòng các cô hồn. Nhiều người còn quan niệm, trẻ con ăn đồ cúng sẽ được mạnh khỏe, không bị bệnh.

Thế nhưng, theo thời gian, khi đời sống xã hội ngày càng khấm khá, người ta bắt đầu chú trọng hơn vào những vật phẩm xuất hiện trên mâm cúng cô hồn.

Đối với họ, việc cúng cô hồn không còn đơn giản chỉ là hành động mang tính nhân văn nữa mà xuất phát từ chính tâm lý “hám lợi” của bản thân.

Đám đông trành giành ấy giờ đây không còn là những đứa trẻ nữa, mà thay vào đó là đủ mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính. Chẳng chờ gia chủ cúng bái xong xuôi, đám đông xung quanh tập trung hai bên chực chờ lao vào vơ vét mâm cúng Rằm tháng 7.


Họ sẵn sàng chen chúc, xô ngã và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để tấn công nhau, để giành được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Trong khi đám đông tranh giành hỗn loạn, thậm chí là chửi bới, sỉ vả nhau thì chủ nhà vẫn bình tĩnh cúng vái, coi như không nhìn thấy những người xung quanh đang vây hãm. Với họ, những người xung quanh cũng chỉ là cô hồn, chỉ khác là những “cô hồn” này đang còn sống.

Đám đông “cô hồn sống” cứ thế lao vào đánh nhau để giành giật đồ ăn và những tờ tiền giá trị. Tình trạng này khiến cho vấn đề an ninh trật tự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc cho chính quyền địa phương nhiều nơi ra lệnh cấm tổ chức hoạt động cúng cô hồn để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, nhưng cảnh tượng bát nháo, hỗn độn này vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục qua các năm. Thậm chí, khi không lấy được những thứ mình cần, một số người còn đập nát đồ ăn để người khác cũng không thể lấy được.

Cúng cô hồn từ một nét văn hóa, tục lệ xuất phát từ tính nhân văn qua hàng nghìn năm, đến nay do một bộ phận vì lợi ích và tâm lý cá nhân của bản thân mà làm biến tướng nét tâm lý này.

Phải hiểu rằng, chẳng ai sống được nhờ vào giành giật đồ cúng, có chăng, đó chỉ là những quan niệm sai lầm khiến cho nhiều người dần đánh mất đi lý trí và suy nghĩ.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Vấn Đề Ngày 2 Tháng 9: Dùng Xác Chết Để Duy Trì Chế Độ, Vì Sao Di Nguyện Hỏa Táng của Ông Hồ Chí Minh Sau 54 Năm Vẫn Chưa Được Thực Thi?


(Hình AP: Cộng sản Việt Nam tổ chức lễ diễu hành nhân ngày Quốc khánh 2/9.)

-54 năm sau ngày nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thi hài của ông vẫn còn trưng bày trong lăng Ba Đình, bất chấp di nguyện được hỏa táng của ông trước khi lìa trần.

Di Chúc Hồ Chí Minh

“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thi thể của ông Hồ đang nằm đó, trong một không khí rất là trang trọng. Từng đoàn người vào viếng và tôi nhận thấy đa số đều bật khóc khi nhìn thấy thi hài thì tôi cũng xúc động theo.

Là một người nghiên cứu lịch sử, mình được chạm mặt, được thấy một nhân vật lịch sử thì cảm xúc đó nó lớn hơn là mình đọc trong sách báo”.

Ông Đinh Kim Phúc, cựu giảng viên bộ môn lịch sử, trường Đại học Mở Tp. HCM, kể về lần đầu ông được ra Hà Nội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi năm 1986.

“Những nước theo chế độ Cộng sản thì lãnh tụ rất là quan trọng. Niềm tin vào lãnh tụ và biểu tượng của lãnh tụ là sức mạnh để tập hợp cả tất cả các lực lượng để mà chiến đấu cho cái khẩu hiệu đề ra từ ban đầu.

Mặc dù di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sau khi ông mất phải hỏa táng, nhưng mà một trong những lý do khiến Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ quyết định gìn giữ thi hài của của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì đồng bào miền Nam rất nhiều người chưa gặp mặt, chưa thấy mặt tận mắt hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong di chúc của mình, ông Hồ Chí Minh nêu mong muốn về vấn đề an nghỉ sau khi qua đời rằng “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”.

Ý Chí của Đảng


(Ảnh AP: Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam các thời kỳ thường xuyên viếng lăng Hồ Chí Minh vào các ngày lễ.)

Dù ông Hồ Chí Minh có nguyện vọng được hoả táng, tuy nhiên thực tế cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ cho đến tận ngày nay vẫn chưa có ý định thực hiện điều đó.

Văn phòng Chính phủ Hà Nội, hôm 24/8/2023 ban hành Thông báo số 351 của Thủ tướng yêu cầu các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch… kết hợp làm việc, nhằm bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Lịch sử Olga Dror, chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng các nhà nước Cộng sản thường ướp xác và trưng bày thi thể của lãnh tụ đất nước họ là vì:

“Đảng và Chính phủ của họ muốn duy trì di sản của chế độ. Những nhà lãnh đạo muốn thể hiện rằng họ là trung tâm của tôn giáo chính trị ở các quốc gia đó”.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, người dân có xu hướng không còn quan tâm nhiều đến ý thức hệ Cộng sản mà đa số chỉ muốn làm việc và kiếm tiền. Do đó, bà Olga nhận định:

“Đảng phải giữ mối liên hệ giữa người sáng lập ra nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và người dân. Đây là điều là cần thiết để duy trì hệ thống Xã hội chủ nghĩa trong khi tình hình đang thay đổi.

Nhưng tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì mối liên hệ này. Chính phủ đã rất nỗ lực, họ yêu cầu các trường học, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể… tổ chức các buổi viếng thăm lăng Chủ tich Hồ Chí Minh và các tour du lịch cũng khuyến khích đến nơi này”.

Ngoài ra, theo bà Olga, một nguyên do khác khiến Việt Nam giữ gìn thi thể ông Hồ Chí Minh là một số các lãnh tụ Cộng sản khác như Mao Trạch Động của Trung Quốc, Lenin của Nga hay Kim Jong il của Bắc Hàn… vẫn đang được bảo quản; Việt Nam sẽ rất khó xử nếu là quốc gia vẫn theo chế độ Cộng sản đầu tiên chôn cất ông Hồ Chí Minh.

Đã Đến Lúc Chôn Cất?

Từ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, dư luận trong nước Nga đã bắt đầu đề cập đến chuyện chôn cất Lenin. Năm 2015, có đến hơn một nửa dân số Nga đồng thuận với ý tưởng này. Bộ trưởng văn hóa Nga thậm chí còn phát biểu rằng “Đã đến lúc chôn cất Lenin”.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân thậm chí còn không dám thảo luận về việc có nên chôn cất ông Hồ Chí Minh hay không.

Bà Olga phân tích, do Nga đã thay đổi thể chế chính trị, họ không còn là một quốc gia Cộng sản nữa nên chuyện bàn luận về lãnh đạo Cộng sản được dễ dàng hơn. Còn Việt Nam vẫn không thay đổi chế độ, ít nhất là trên lý thuyết. Do đó, theo bà Olga, sẽ không an toàn nếu một ai đó ở trong nước ủng hộ chuyện an táng thi hài ông Hồ Chí Minh vào lúc này:

“Các quy định của Việt Nam không cấm mọi người có thể nói chuyện này, nó có thể được nói đến trong không gian riêng tư nhưng thảo luận một cách công khai thì tôi nghĩ là không được”.

Dự toán ngân sách năm 2023 công bố sẽ chi khoảng 286 tỉ đồng cho việc vận hàng hoạt động Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Đinh Kim Phúc cho rằng số tiền này nó không thấm vào đâu so với số tiền mà các viên chức tham nhũng gây thất thoát cho ngân sách:

“Theo tôi suy nghĩ không nên đặt vấn đề chiếm trong bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, mà chúng ta phải thấy rằng cái việc bảo quản thi hài có giá trị gì để mà phát huy cái cái tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đất nước Việt Nam mới là quan trọng.

Tôi cho rằng trong những phát biểu, những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thì cái quan trọng nhất là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được tự do học hành…”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở vị trí giữa Quảng trường Ba Đình, được khánh thành ngày 29/8/1975. Thi hài của ông Hồ được các chuyên gia Liên Xô (sau này là Nga) qua giúp Việt Nam trong việc bảo quản hàng năm.

Theo thông tin từ báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, có khoảng 52.000 người vào viếng ông Hồ Chí Minh.


Liên Hiệp Quốc Cảnh Báo Buôn Người, Hàng Trăm Ngàn Người ở Đông Nam Á Bị Ép Làm Việc Cho Các Nhóm Tội Phạm Mạng


(Hình: Những người ngoại quốc bị ép làm việc cho công ty lừa đảo trên mạng được cảnh sát Phi Luật Tân giải cứu ở tỉnh Pampanga hôm 4 và 5/5/2023.)

-Hôm 29/8/2023, một báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiêp Quốc (OHCHR) cảnh báo rằng hàng trăm ngàn người ở khu vực Đông Nam Á đang bị các nhóm tội phạm mạng ép làm việc để tống tiền các nạn nhân tham gia vào các vụ lừa đảo về tình, đầu tư đang tràn ngập khu vực này.

Những nạn nhân này đang đối mặt với các lạm dụng và đe dọa đối với an toàn và an n ninh, bị đối xử tàn tệ, tra tấn, giam giữ trái phép, cưỡng bách lao động, báo cáo cho biết.

Báo cáo trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, ít nhất 120.000 người ở khắp Miến Ðiện đang ở trong tình trạng như vậy trong khi con số ước tính ở Cam Bốt là 100.000 người. Ngoài ra, các nước bao gồm Lào, Phi Luật Tân và Thái Lan cũng được xác định là các nước điểm đến hoặc chung chuyển cho ít nhất hàng chục ngàn người khác.

Doanh thu đến từ các trung tâm tội phạm này được Liên Hiệp Quốc ước tính lên đến hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm.

Phần lớn các nạn nhân của các nhóm tội phạm này là đàn ông, mặc dù trong số này cũng có một số phụ nữ và trẻ vị thành niên, theo báo cáo. Các nạn nhân đến từ các quốc gia thuộc ASEAN bao gồm Nam Dương, Lào, Mã Lai Á, Miến Ðiện, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Thái Lan, và Việt Nam. Cũng có những nạn nhân từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, và xa hơn là từ Phi Châu và Nam Mỹ.

Trong tuần này, Đài Á Châu Tự Do (RFA) cũng nhận được lời kêu cứu từ hai gia đình ở Kiên Giang cho biết con cái của họ bị bọn buôn người đưa sang Lào, Miến Ðiện và có thể đưa sang Trung Quốc.

Hồi tháng Sáu vừa qua, cảnh sát Phi Luật Tân đã giải cứu hơn 2.700 công dân đến từ các nước Trung Quốc, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Dương và nhiều nước khác bị ép làm việc cho các sòng bài trên mạng thuộc các nhóm tội phạm.


Liên Hiệp Quốc: ‘Hàng Trăm Ngàn’ Người Bị Buôn Bán Vào Các Trung Tâm Lừa Đảo Đông Nam Á


(Hình: Tranh truyên truyền về phòng chống mua bán người.)

-Trong một báo cáo hôm 29/8, Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm ngàn người đang bị các băng nhóm tội phạm buôn bán và buộc phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo cũng như các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp khác mọc lên khắp Đông Nam Á trong những năm gần đây, thông tấn xã Reuters đưa tin.

Báo cáo trích dẫn “các nguồn đáng tin cậy” ước tính rằng ít nhất 120.000 người trên khắp Miến Ðiện và khoảng 100.000 người ở Cam Bốt có thể bị mắc kẹt trong các hoạt động lừa đảo, cùng với các doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của bọn tội phạm ở Lào, Phi Luật Tân và Thái Lan, từ lừa đảo tiền điện tử đến cờ bạc trực tuyến.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk nói: “Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo trong khi bị buộc phải phạm tội hình sự. Họ là nạn nhân. Họ không phải là tội phạm”.

Phát ngôn viên cảnh sát Cam Bốt Chhay Kim Khoeun cho hay ông chưa xem báo cáo này của Liên Hiệp Quốc nhưng ông thắc mắc về con số trên.

“Tôi không biết trả lời thế nào, họ lấy con số (100.000) từ đâu? Họ đã điều tra chưa? Họ lấy dữ liệu ở đâu? Người ngoại quốc chỉ nói suông thôi”.

Chính phủ do quân đội điều hành của Miến Ðiện không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một trong những báo cáo chi tiết nhất về hiện tượng xuất hiện các vụ buôn người kể từ đại dịch COVID, do việc đóng cửa các sòng bạc dẫn đến sự di chuyển đến các khu vực ít được quản lý hơn ở Đông Nam Á.

Báo cáo cho biết các trung tâm lừa đảo đang phát triển nhanh chóng đang tạo ra doanh thu hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm.

Báo cáo có đoạn: “Đối mặt với thực tế hoạt động mới, các tay tội phạm ngày càng nhắm mục tiêu vào những người di cư trong những tình huống dễ bị tổn thương… để tuyển dụng vào các hoạt động tội phạm, với vỏ bọc là cung cấp cho họ công việc thực sự”.

Cáo báo cho biết hầu hết nạn nhân buôn người đến từ các nước Đông Nam Á khác cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, nhưng một số được tuyển dụng từ những nơi xa xôi như Phi Châu và Mỹ Châu Latinh.

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các chính quyền khu vực tăng cường pháp quyền và giải quyết nạn tham nhũng để “phá vỡ vòng luẩn quẩn không bị trừng phạt” vốn tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm phát triển mạnh.


Việt Nam Quyết Liệt Xử Phạt Tàu Đánh Cá Vi Phạm, Để Gỡ “Thẻ Vàng” IUU


(Hình: Ứng dụng các thiết bị hiện đại để kiêm soát chặt chẽ tàu đánh cá hoạt động trên biển.)

-Bộ Công an Việt Nam khẩn trương củng cố hồ sơ để truy tố các sự việc môi giới, móc nối đưa tàu đánh cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển ngoại quốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm đề nghị trên trong cuộc họp diễn ra ngày 29/8, chỉ còn hơn một tháng nữa, Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban Âu Châu (EC) lần thứ tư đến thanh, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Truyền thông nhà nước trong cùng ngày cho biết theo nội dung cuộc họp, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện mọi khuyến nghị của EC, đã bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất cảng sang thị trường Âu Châu và các thị trường khác truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác….

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất cảng thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu Việt Nam không gỡ được “thẻ vàng” mà bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất cảng hải sản khai thác sang thị trường Âu Châu với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu Mỹ kim/năm. “Thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất cảng vào thị trường Âu Châu cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.

Cũng theo VASEP, hiện ngoài Liên Hiệp Âu Châu (EU), một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất cảng của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tại cuộc họp, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” khiến uy tín thủy sản của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, và ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự “thẻ vàng” ở các thị trường khác ngoài EU. Do đó, ông Quang giao Bộ Nông nghiệp chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu đánh cá nào bị bắt ở ngoại quốc; trong khi đó Bộ Công an được giao nhiệm vụ củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các sự việc môi giới, móc nối đưa tàu đánh cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển ngoại quốc.

EC đã rút thẻ vàng cảnh cáo tình trạng đánh bắt cá trái phép của các tàu đánh cá Việt Nam vào tháng 10 năm 2017 và đã 3 lần đến thanh tra việc thực hiện chống IUU của Việt Nam. Nếu Việt Nam không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của EC về IUU, hải sản Việt Nam sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập cảng vào thị trường EU.


Tân Gia Ba Mở Thêm 5 Dự Án Khu Công Nghiệp Tại Việt Nam


(Hình: Thủ tướng Tân Gia Ba, ông Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 28/8/2023.)

-Tân Gia Ba vừa chính thức khởi công thêm 5 dự án khu công nghiệp tại Việt Nam vào ngày 29/8/2023, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Truyền thông nhà nước cho biết tại Hội nghị thúc đẩy khai triển các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Tân Gia Ba vào cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng nhiệm Tân Gia Ba đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam-Tân Gia Ba, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam gồm các tỉnh: Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình.

Năm khu công nghiệp mới được khởi công dịp này bao gồm: Một khu ở Cần Thơ, hai khu ở tỉnh Bắc Ninh và hai khu ở Nghệ An.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị rằng năm 2023 là thời điểm rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Tân Gia Ba, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Ông cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam 10 năm trước, ông dã dự lễ khởi công VSIP Quảng Ngãi và là VSIP thứ năm vào lúc đó. Từ đó đến nay, các VSIP đã phát triển mạnh mẽ và thu hút được tổng vốn đầu tư 18 tỉ Mỹ kim, tạo ra 300.000 việc làm.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại là trụ cột chiếm vị trí quan trọng nhất trong mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tân Gia Ba hiện đứng thứ hai trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.300 dự án và 73 tỉ Mỹ kim vốn đăng ký.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định hai nước có đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp lên tầm cao mới, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân.


Quảng Ninh: Nhiều Tai Nạn Chết Người Đã Xảy Ra Tại Các Mỏ Than của TKV


(Hình Đ.T/SK&ĐS.)

-Ít nhất 9 công nhân đã chết tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo truyền thông nhà nước, vụ tai nạn mới nhất xảy ra cách đây 3 hôm (26/8/2023) tại hầm lò của Công ty Than Vàng Danh thuộc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, khiến 4 công nhân chết.

Nguyên nhân vụ tai nạn được lãnh đạo Công ty Vàng Danh cho biết, do khu vực mỏ than Vàng Danh có nhiều trận mưa với lưu lượng từ 30 đến 70mm, dẫn đến bị ngấm nước. Quá trình nhóm công nhân làm việc đã bị bùn và than trôi từ thượng vận chuyển số 3 xuống gây tai nạn chết người.

Theo số liệu báo cáo về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2023 của Sở Lao động-Thương bình và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 282 vụ tai nạn lao động làm 289 người bị nạn, trong đó: Số vụ tai nạn lao động chết người là 9 vụ, số người chết là 12 người; số vụ tai nạn nặng là 185 vụ, số người bị thương nặng là 189 người; số vụ tai nạn nhẹ là 88 vụ, số người bị thương nhẹ là 88 người.

Riêng với các doanh nghiệp thuộc TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 6 tháng đầu năm 2023 đã để xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người.

Sở Lao động Quảng Ninh cho biết trong báo cáo nguyên nhân khiến các tai nạn hầm mỏ xảy ra là do công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa bảo đảm; chưa dự báo, phát giác kịp thời những nguy cơ mất an toàn, người lao động có trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện công việc còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn.

Liên quan đến vụ tai nạn tại mỏ than Vàng Danh khiến 4 công nhân chết, Thủ tướng Việt Nam đã có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với gia đình người bị nạn; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với TKV tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, giải quyết nghiêm vi phạm (nếu có).


Việt Nam Gỡ Bỏ Những Hạn Chế Liên Quan Đến Cỏ Kế Đồng Trong Ngũ Cốc Nhập cảng


(Hình: Cỏ kế đồng trên một cánh đồng tại Bỉ.)

-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập ngũ cốc từ ngoại quốc có lẫn cỏ kế đồng (Cirsium arvense) bắt đầu tư ngày 1/10, theo một thông tư cập nhật của Chính phủ được công bố hôm 15/8/2023.

Cỏ kế đồng rất phổ biến ở vùng Bắc Mỹ và Âu Châu. Giới chức nông nghiệp Việt Nam lo ngại khi hạt cỏ kế đồng lẫn vào các loại ngũ cốc nhập cảng vào Việt Nam có thể ảnh hưởng đến cây trồng trong nước. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hạt cỏ kế đồng có thể tồn tại 20 năm trong nước mà vẫn nảy mầm. Đại diện Bộ Nông nghiệp Việt Nam nói rằng đây là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm. Nếu trên một mét vuông cây trồng có 20 - 30 cây cỏ kế đồng sẽ làm giảm 25 - 75% năng suất của cây trồng đó.

Năm 2018, Việt Nam đưa ra lệnh cấm nhập cảng các thực phẩm có lẫn hạt cỏ kế đồng vào Việt Nam.

Nhập cảng lúa mì từ Gia Nã Ðại vào Việt Nam năm 2021 dã giảm hơn 20.000 tấn từ con số 200.000 tấn mỗi năm trước đó. Chính phủ Gia Nã Ðại đã vận động Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm này.


Giải Pháp “Cứu” Hòn Trống Mái ở Vịnh Hạ Long Trước Nguy Cơ Sụp Đổ


(Hình: Tàu khách du lịch tham quan hòn Trống Mái.)

-Các doanh nghiệp và các chủ phương tiện vận tải khách phải giảm tốc độ, giữ khoảng cách với hòn Trống Mái tại khu vực Vịnh Hạ Long.

Đó là một trong những yêu cầu được Ban Quản lý vịnh Hạ Long đưa ra để cứu hòn Trống Mái được nói đang có nguy cơ bị sạt lở trong thời gian tới.

Truyền thông nhà nước trong ngày 29/8/2023 cho biết theo kết quả nghiên cứu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hiện nay hòn Trống Mái tồn tại 40 khối đá có nguy cơ trượt lở, đổ lở cao (11 khối trên hòn Trống và 29 khối trên hòn Mái).

Một bài viết trên tờ nzherald.co.nz (25/8) cũng ghi nhận một nghiên cứu gần đây đã xác định được một số vết nứt chạy qua các cấu trúc nghiêng.

Ngoài ra, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo có nguy cơ nước biển dâng cao và xảy ra địa chấn.

Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất cho biết, các khối đá có thể bị đe dọa hơn nữa ngay cả khi có sự xuất hiện của các tàu du lịch.

“Du khách có thể nhìn thấy những tảng đá bấp bênh khi thủy triều xuống. Mực nước khi đó xuống thấp, lộ ra chân đỡ các khối đá đang dần bị xói mòn, có nguy cơ sụp đổ nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố”, ông Viện trưởng nói với Asia News Network tại Việt Nam.

Hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đưa ra bốn giải pháp công trình để giữ ổn định hòn Trống Mái gồm khoan neo, áp dụng cho các khối đá có nguy cơ trượt phẳng cao; xây tường bê-tông, áp dụng cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hóa mạnh; Trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt và giải pháp chống ăn mòn chân đảo và phun vảy bê tông trộn sợi polyme nhằm bảo vệ chân đảo.

Đại diện Ban quản lý Vịnh cũng cho biết trước đây các hệ thống đứt gãy trong khu vực chính là nguyên nhân khách quan tất yếu của những trường hợp sạt lở, đổ lở đảo đá trên vịnh Hạ Long như sạt lở hòn 649 năm 2013, sạt lở hòn Thiên Nga năm 2016, sạt lở hòn Bề Hẹn Đông năm 2019, sạt lở hòn 365 năm 2020....


Tour Du Lịch Thí Điểm Thăm Thác Bản Giốc - Đức Thiên Bắt Đầu Từ 15/9


(Hình: Du khách Trung Quốc ở Thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009.)

-Tour du lịch thí điểm thăm Thác Bản Giốc-Đức Thiên tại biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc sẽ được bắt đầu từ ngày 15/9/2023 tới đây và kéo dài trong một năm. Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 28/8.

Quy định tham gia các tour thí điểm Bản Giốc-Đức Thiên là du khách từ cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc cần phải đăng ký trước theo nhóm lên đến 20 người. Họ phải có sổ thông hành hoặc giấy phép xuất/nhập mới được vào khu thắng cảnh của thác.

Thời gian thăm cho các nhóm đến thác của phía nước bên kia là không quá năm tiếng đồng hồ. Việc nghỉ qua đêm tại khu vực thác bị cấm.

Du khách Việt sang thăm thác phía Trung Quốc không phải mua vé vào thăm; tuy nhiên họ phải mua bảo hiểm.

Du khách Trung Quốc vào thăm thác phía Việt Nam phải mua vé với giá 2,9 Mỹ kim cho mỗi lần, gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào ngày 13/7 trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhân Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 ở Jakarta, thủ đô của Nam Dương, đưa ra đề nghị phía Trung Quốc “sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (phía Việt Nam) - Đức Thiên (phía Trung Quốc) vào vận hành thí điểm”.

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn với hai phần thác chính và phụ. Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong những điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi Hà Nội và Bắc Kinh hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào năm 2008.

Thỏa thuận giữa hai phía quy định phần thác phụ thuộc chủ quyền Việt Nam; còn phần thác chính cả hai phía cùng khai thác. Phần thác chính được phân chia bằng cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19, sau khi Chính phủ Pháp lúc bấy giờ và Nhà Thanh ký kết Hiệp định phân chia biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu gốc Việt Trương Nhân Tuấn ở Pháp vào đầu năm 2008 trong một trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) khẳng định rằng Việt Nam bị mất phân nửa thác Bản Giốc mà trước đây nằm sâu trong lãnh thổ nước này ít nhất 2 cây số.


Giao Lưu Hữu Nghị Quốc Phòng Biên Giới Việt-Trung Lần Thứ 8


(Hình: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 7 hôm 23/4/2022.)

-Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung lần thứ tám sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/9/2023 sắp tới.

Vào chiều 29/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam họp báo thông tin về hoạt động vừa nêu. Cụ thể, hai Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước đồng chủ trì cuộc giao lưu lần này sẽ diễn ra tại Lào Cai, Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc.

Một số hoạt động đáng chú ý trong lần giao lưu này là tô son cột mốc biên giới giữa hai phía; sơ kết cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới; sơ kết quy chế phối hợp giữa Tiểu đoàn Biên phòng Hà Khẩu thuộc Bộ đội Biên phòng Khu Mông Tự, Trung Quốc và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lào Cai, Việt Nam….

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang của Việt Nam sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhân giao lưu lần này.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, hoạt động Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung lần thứ tám nhằm tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ký kết nhân chuyến thăm Hoa Lục của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm 2022.


Việt Nam ‘Phản Đối’ Đài Loan Diễn Tập Bắn Đạn Thật ở Trường Sa


Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng.)

-Hôm 28/8/2023, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng lên tiếng “phản đối” việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Thái Bình trên Biển Đông.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Hằng nói rằng “việc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Nữ phát ngôn viên này nói rằng việc đó cũng “đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải” đồng thời “gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn vi phạm tương tự”, bà Hằng nói, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Sau khi Việt Nam lên tiếng, trang tin Taiwan News hôm 29/8 dẫn lời lực lượng tuần duyên Đài Loan nói rằng các cuộc diễn tập được tiến hành “thường xuyên” và “nhiều lần một năm”.

Cơ quan này được dẫn lời nói tiếp: “Các cuộc diễn tập bắn đạn pháo ở quần đảo Trường Sa được tiến hành thường xuyên và thông báo này không được đưa ra một cách đột ngột”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng cuộc tập trận bắn đạn thật của họ “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. Bộ nói “hoàn toàn không thể chấp nhận được” cáo buộc này.

Bộ Ngoại giao Đài Loan khi đó nói rằng chính phủ Đài Loan có quyền “thực hiện tất cả các quyền của một quốc gia có chủ quyền đối với đảo Thái Bình và các vùng biển liên quan”, đồng thời nhắc lại “4 nguyên tắc” và “5 hành động” mà Tổng thống Đài Loan đã đưa ra năm 2016 để tìm cách giải quyết các vấn đề về Biển Đông.

Không có nhận xét nào: