Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Công luận chú ý đến nhân quyền Việt Nam trước chuyến thăm của TT Biden - VOA

 

Tổng thống Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống nâng cốc chúc mừng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 7/7/2015.

Giới hoạt động trong và ngoài nước đang lo ngại về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Hầu như mỗi chuyến đi của các nhà lãnh đạo hay các giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam đều là những cơ hội để các nhà hoạt động yêu cầu các cấp thẩm quyền Mỹ khi tới Việt Nam chớ bỏ qua vấn đề nhân quyền tại quốc gia nằm dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng sản trong nhiều thập niên. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10-11/9, mà qua đó quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất có thể sẽ được nâng lên thành ‘đối tác chiến lược’, cũng nằm trong thông lệ này.

<!>

Tờ Washington Post cách đây vài ngày đã đăng bài xã luận nhắc nhở chính quyền Biden về những công cụ đang có trong tay để khuyến khích Hà Nội cải thiện nhân quyền nhiều hơn nữa.

Bài báo nói kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tiến hành đàn áp trên diện rộng các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo bằng cách dùng các điều khoản mơ hồ trong luật cùng những lý do không thuyết phục như trốn thuế để đàn áp các tiếng nói phản kháng.

Hiện có 193 nhà hoạt động bị cầm tù tại Việt Nam, chưa kể tới những người bị buộc phải im lặng hoặc phải lưu vong.

Hai điều luật được sử dụng để bỏ tù những ai lên tiếng trái chiều với nhà cầm quyền là Điều 117 hình sự hóa việc “làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước” hay Điều 331 về “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

Một trong những ví dụ mà Washington Post liệt kê là trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang, người năm ngoái nhận Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng hiện đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, và kêu gọi Tổng thống Biden khi tới Hà Nội hãy yêu cầu phóng thích Phạm Đoan Trang cùng tất cả các tù nhân chính trị khác.

Washington Post cũng nhắc tới các cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội dẫn đến việc giải thể các nhóm môi trường, các nhà xuất bản độc lập, hội các nhà báo độc lập và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức, nhưng dùng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng và nạn lạm dụng tài nguyên công thì phải đối mặt với việc bị truy tố, bài xã luận trên Washington Post nêu rõ.

Vẫn theo bài báo, các biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm các hạn chế đối với giới học thuật và các hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát các tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội.

Về mặt tôn giáo, Washington Post trích dẫn phát hiện của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF về ‘những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra và có hệ thống’ ở Việt Nam khiến USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.

Việt-Mỹ thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995. Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 lập ‘quan hệ đối tác toàn diện’ với Hà Nội và việc chính quyền Biden muốn nâng cấp lên thành ‘quan hệ đối tác chiến lược’ là dựa trên căn bản về thương mại và địa chính trị. Việc này, vẫn theo bài xã luận trên Washington Post, sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận các điều kiện thương mại ưu đãi và hợp tác quân sự sâu rộng hơn. Tuy nhiên, tác giả bài báo nhấn mạnh, ông Biden không thể làm ngơ trước tình hình nhân quyền ngày càng leo thang tại Việt Nam.

Tác giả bài xã luận thúc giục Tổng thống Biden nên một lần nữa thúc đẩy sự thay đổi - và sẵn sàng hơn nữa để đạt các thỏa thuận thương mại quan trọng vừa mang đến sự thịnh vượng lại vừa cải thiện các điều kiện về nhân quyền cho những nơi như Việt Nam.

Bài xã luận của Washington Post nhấn mạnh: “Như các tổng thống khác đã làm, ông Biden chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam. Nhưng ông cũng nên nói sự thật với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: Không một kẻ cai trị nào hay một hệ thống nào trở nên mạnh mẽ hơn khi hủy hoại quyền và phẩm giá của chính người dân mình.”

Khi được hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jean-Pierre nói với báo giới hôm 28/8 rằng Tổng thống Biden ‘không bao giờ né tránh’ chuyện nêu vấn đề nhân quyền với bất kỳ lãnh đạo nào.

Hà Nội lâu nay bác các tố cáo vi phạm nhân quyền và một mực nói rằng không có tù nhân chính trị tại Việt Nam mà chỉ có những người phạm pháp bị xử lý theo quy định của pháp luật.



    Không có nhận xét nào: