Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Chiếc cầu ngăn cách - Đỗ Vĩnh Khanh

Thân tặng Nguyễn Xuân Tùng, hiện định cư tại Santa Ana, California. (ĐVK)
Nhà của Hằng ở cuối làng Yên Hạ, chỉ cách nhà tôi 15 mét, có con kênh đào Ông Hảo chắn ngang, một chiếc cầu tre hai nhịp nối liền qua hai bờ đê, nằm trên con đường đất đỏ xuyên qua cánh đồng Bầu Đế. Lối đi vào nhà Hằng có hai hàng cau già, nắng chiều soi nghiêng nghiêng bóng ngả xuống sân nhà tôi. Nhà tôi ở đầu làng Tân Phong, có dãy núi Rồng Vàng che khuất, lúc mặt trời vừa nhô lên khỏi núi, những cây xoài, cây táo vàng, cây quế chi vườn nhà tôi ngã bóng mát trên mái hiên nhà Hằng. Hình ảnh nên thơ đó, hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt sắc, nó đã trải dài trong trí nhớ tuổi thơ tôi và vóc dáng của Hằng vẫn mãi ám ảnh trong tâm khảm tôi một thời sách vở, đoạn đường đời chinh chiến, lưu đày cũng như năm tháng lạc loài trên đất khách.
<!>
Thú thật, tôi chưa bao giờ viết về Hằng, sợ rằng khơi dây nỗi đau mà tôi cố giấu kín đã hơn 40 năm. Nhân dịp đầu mùa Xuân năm 2015 Hội Quảng Ngãi Nam California tổ chức một cuộc họp mặt Đồng hương đón mừng Xuân Ất Mùi, đồng thời tôi cũng nghe tin Hằng từ Quảng Ngãi, miền Trung VN được con trai bảo lãnh sẽ đến tham dự Tết Đồng hương. Nhân đây, tôi viết bài nầy ghi lại toàn bộ một cuộc tình lãng mạn lẫn đau buồn… nhờ anh chủ bút (Đào Đức Nhuận) đảm trách Đặc san Xuân Quảng Ngãi Nam Cali đăng tải, may ra Hằng trực tiếp nghe đọc, để nhớ về một hoài niệm xa xưa, nhớ về ngôi trường Mẹ thời áo trắng và nhớ về một dĩ vãng không vui của một mối tình ngang trái mà tôi cố chôn vùi vào quên lãng với niềm đau đớn vô bờ.

Những năm còn học bậc Tiểu học tôi thường chờ Hằng bên nầy chiếc cầu tre làng Yên Hạ, cùng nhau đi đến trường Tiểu học Mộ Đức, thỉnh thoảng tôi xách cặp vở cho Hằng để Hằng vén hai ống quấn khỏi ướt bởi sương mù vào những buổi sáng. Cái tuổi hồn nhiên, áo trắng, đôi chân trần có biết gì đâu. Nắng sớm mưa chiều cởi áo che cho nhau, mỗi lần trời giông tố, mây đen vầng vũ trên bầu trời Hằng hoảng sợ ôm chặt lấy tôi, tôi cũng sợ có khác gì, nhưng vẫn đứng lặng yên, đưa hai cánh tay ôm đầu Hằng che chở trong lúc cơn mưa giông đổ xuống xối xả.

Thế rồi, tôi và Hằng cũng dần dần lớn lên theo tiếng chày giã gạo của trai gái thôn trang, theo những đợt gió mùa thổi rì rào qua cánh đồng lúa chín vàng. Vào thời gian ấy, nơi làng Yên Hạ chỉ có hai bóng nhỏ đi kề nhau, so vai qua chiếc cầu tre đi học, chăng bao giờ nghĩ đến chuyện ngày mai.

Ngày tháng qua mau, có đôi lúc Hằng nhảy cò cò hai chân hát cho tôi nghe bài ca Tuổi Hồng: “Con chim non trên cành tre, hót véo von, hót véo von. Em yêu chim, em mến chim, vì mỗi lần chim hót em vui…”.

Tôi nhìn Hằng say đắm, lặng nghe giọng ca cao vút bay vào không gian tuổi thơ, lúc ấy tôi thấy nàng đôi mắt mơ buồn, nụ cười xinh xinh e ấp hồn nhiên.

Trường Trung học Nguyễn Công Trứ cách xa làng Yên Hạ khoảng 6 km đương chim bay, nên tôi và Hằng phải dùng xe đạp đến trường thay vì đi bộ. Không may, năm 1960 Hằng thi trươt Trung hoc Đệ nhất cấp, còn tôi được vào học Đệ tam trường Trung học công lập Trần Quốc Tuấn tại Thị xã Quảng Ngãi. Hằng buồn khóc nhiều, có một lần tôi đến bên Hằng, tìm lời an ủi, nước mắt Hằng chảy ướt vai tôi. Thế là tôi phải xa Hằng từ đó. Tưởng cũng nên nhắc lại, những năm học đệ nhị cấp tôi nhớ rõ vào giai đoạn ấy, có ba người thầy dạy nổi tiếng của trường Trần Quốc Tuấn là: thầy Bùi khắc Lạc dạy môn toán, đặc biệt thầy đến lớp không bao giờ mang theo sách giáo khoa, quần áo thì dính đầy bụi phấn, tóc thì rối bù, đứng trên bục giảng thầy giảng bài nói thao thao bất tuyệt. Những bài toán Lượng giác, những đạo hàm của hàm số hữu tỉ, vô tỉ, thầy chỉ gõ lên trán hai hoặc ba cái là viết ngay đáp số trên bảng đen, thầy cũng chẳng bao giờ hỏi lại các học sinh có hiểu, thắc mắc gì không? Đặc biệt hơn nữa, những giờ triết, có 2 thầy Bửu Tôn, thầy Nguyễn Bé dạy môn Tâm lý học, Đạo đức học, mỗi lần thầy giảng một đề tài nào, thầy dẫn chứng bằng phương pháp qui nạp, đưa ra những luận điểm của các nhà Tư tưởng như Aristote, Henry Miller, Pascal v.v… để dẫn giải nghe rất hấp dẫn. Mỗi khi đến giờ dạy môn triết, thấy Thầy bước vào lớp là những tràn pháo tay vang dội của học sinh chào đón (rất tiếc thầy Bé và thầy Tôn đã bị VC bắt và chôn sống trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế).

Vào đầu mùa Thu 4 năm sau, tôi rời khỏi ngôi trường Mẹ, giả từ thầy và bạn học lên đường nhập ngũ. So đi tính lại, đợi đến ngày cuối cùng tôi mới đến báo tin cho Hằng biết tôi phải đi làm nhiệm vụ người trai trong thời chiến. Tôi vừa bước vào ngõ nhà Hằng thì thấy Hằng và Thố (em gái Hằng) đang đứng dưới hàng cau già hong nắng đùa cợt với nhau, bỗng thấy tôi, đều reo lên: “chào anh Thức” với ánh mắt trìu mến lạ thường, Thố mỉm cười và vội vàng leo lên cây ổi xá lỵ hái trái, mời tôi ăn và hỏi:
- Tại sao hôm nay anh có vẻ buồn và ít nói?

Đáng lẽ ra, tôi âm thầm ra đi như một lãng tử, tựa như nhân vật Nam trong chuyên “Đẹp” của Khái Hưng được Phượng Giang xuất bản năm 1952, nhưng tôi không thể nào quên nên đến đây chia tay hai cô em gái nhà bên: Đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày mai tôi phải giã từ mẹ già, xa làng Yên Hạ lên đường nhập ngũ. Hằng nghe tôi nói, giọng nói cách khoảng âm thanh hơi lạc lõng nghẹn ngào, dường như Hằng mất bình tĩnh, đôi mắt buồn nhìn xa vời vợi, rồi cúi mặt nói khẽ:
- Sự việc hệ trong như vậy mà anh báo tin cho Hằng quá trễ!

Thố thì hất ngược mái tóc về phía sau lưng nói như đùa cợt, lạnh lùng
- Cái thằng khờ ngu ngơ… mà chị trách cứ làm gì!

Thố nói chưa dứt lời thì bỗng có tiếng động, giọng tằng hắng sau lưng, Ông Đội Tể xuất hiện (Cha của Hằng và Thố) tay phải thì cầm sẵn cây gậy sậy, vừa đi vừa nói lớn:
- Ê! Cậu kia đến đây làm gì? Có phải đến gạ gẫm con gái nhà tao hả? Cậu phải cút đi ngay! Nếu chần chừ “ông già nầy” sẽ cho cậu ăn gậy ngay bây giờ!

Tôi đang cầm trái ổi chưa kịp ăn, trái ổi nó rơi xuống đất tự bao giờ, còn Hằng vội vàng đứng dậy, chạy nhanh như tên ra đến kênh đào Ông Hảo, đứng thẳng vươn mình trên bờ lề chiếc cầu tre, gieo mình xuống giòng nước đang cuộn cuộn chảy. Tôi hốt hoảng thấy dòng nước lũ mùa Thu kéo phăng Hằng nhận chìm, Hằng uống nhiều nước, giã gạo vài cái rồi chìm lỉm, chỉ còn thấy tóc nàng nổi trôi lờn vờn trên mặt nước. Không còn có cách nào hơn, lập tức tôi nhảy xuống dòng nước màu đục sẫm, nín thở chui đầu giữa hai chân của Hằng xốc mạnh đưa vào bờ. May thay, có ông Cựu đi thăm ruộng nghe tiếng kêu cầu cứu của em Thố, ông vội vã chạy đến cùng giúp tôi làm phương pháp hô hấp nhân tạo cứu sống Hằng. Giữa cái chết và sự sống chỉ là đường tơ kẽ tóc. Hằng liều lĩnh chọn một con đường cùng khi mà trái tim tình cảm nóng cháy, lẫn sự tự ái dâng cao tột độ. Còn tôi thì cõi lòng xáo trộn không phân biệt đâu là hư thực, “ngu ngơ” tựa như con đà điểu lang thang trên sa mạc hoang dã! Mà Thố đã không ngần ngại gán cho cái tên “thằng khờ ngu ngơ”. Hành động can đảm khác thường trong khi tôi cứu sống Hằng, vô tình tôi đã viết nên trang tình sử đậm nét vào trái tim người con gái chớm tuổi hai mươi.

Cuộc chiến ý thức hệ của hai miền Nam Bắc VN đã đưa tôi đi làm bổn phận của người trai khắp mọi nơi trên quê hương Miền Nam, từ căn cứ Ái Tử, Quảng Trị, thung lũng Khe sanh, rồi lại dừng chân trên cao nguyên Trung Việt, băng qua ngã Tam biên, Daksut, Dakto, Tân Cảnh rồi đến Buôn Mê Thuột. Đã hơn sáu năm tôi không về thăm Mẹ, thăm Hằng nỗi nhớ nhung tràn đầy. Sương khói chiều lên, giòng suối Eakar chảy quanh co dưới bóng sương mù của núi rừng cao nguyên kỳ vĩ. Bỗng một người lính trẻ của đơn vị đến báo tin cho tôi, có hai người con gái đến thăm ông Đại bàng...

Chiều Buôn Mê vào mùa Thu trời trở lạnh, cái rét miền núi cóng buốt khi nắng chiều sắp tắt, đối với 2 người con gái đang mặc bộ đồ dài trắng mỏng. Tôi sững sốt lẫn ngạc nhiên khi thấy hai chị em (Hằng và Thố) lặn lội từ Quảng Ngãi đến thăm tôi. Hằng thì gầy hơn lúc trước, nhưng đôi mắt hiền dịu sáng long lanh, nụ cười tươi rạng rỡ. Tôi không kiềm chế được nỗi vui mừng chạy đến ôm nàng, vô tình không quan tâm đến Thố, Thố đứng một mình, ngoảnh mặt nhìn về hướng những dãy núi chập chùng xa xa. Tình cảm của người lính chiến rất mộc mạc đơn sơ nhưng rất chân thành ẩn chứa trong trái tim của họ qua mỗi nẻo đường đi chinh chiến, giữ gìn biên cõi, sông hồ:

Về đâu giữa núi rừng se sắt lạnh
Áo sương trời không vá nỗi nhớ thương.

Chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt, quân đội CS Bắc Việt ồ ạt tấn công căn cứ chiến lược Eakar, tôi bị thương, căn cứ thất thủ, bị VC bắt làm tù binh. Hơn 3 năm ở trại tù tại Lao Kay miền thượng du Bắc Việt bị bọn cai quản trại tù tra tấn đánh gãy ba cái răng cửa, hơn 5 năm ở các trại tù tại Thanh cẩm, Hàm Tân, Cuối năm 1983 mới được tạm tha ra khỏi trại giam. Tôi trở về làng Yên Hạ thăm mẹ, thân thể tôi gầy còm như que sậy, bước chân đi xiêu vẹo phải dùng chiếc gậy, dò dẫm trên con đường xưa, tôi không thấy có lá me bay như ngày còn đi học, đi ngang qua trường Nguyễn Công Trứ cố tìm lại chút dư âm ngày tháng cũ, nhưng chỉ thấy lá phượng vỹ lả tả rơi, chiếc cầu tre qua kênh đào Ông Hảo đã mục nát dưới bóng nắng chiều nhạt nhòa:

Em có bao giờ vương kỷ niệm
Một thời sách vở, sân trường xưa
Ta say… tiếng gió reo tà áo.
Tóc mùi hương bưởi ngan ngát đưa…

Mẹ tôi lom khom quét lá rụng cuối vườn, thấy dáng tôi đi xiêu xiêu, tay cầm chiếc gậy, Mẹ nửa mừng nửa tủi reo lên: ”thằng Thức con trai tôi còn sống trở về”. Núi muôn đời vẫn đứng chờ mây, biển đời đời sóng vẫn hát lời buồn, Mẹ không ngờ tôi vẫn còn sống sau cuộc chiến. Mẹ mừng rỡ ôm tôi chặt vào lòng nước mắt chảy ràn rụa, mọi người ở chung quanh, bà con lối xóm thấy vậy chạy đến vây quanh tôi thăm hỏi. Tôi đảo mắt cố tìm trong đám đông nhưng không thấy hai chị em Hằng và Thố. Mẹ tôi đoán biết tâm lý tôi nên người bảo: Con nên an tâm, thay bỏ bộ đồ tù, vứt nó vào thùng rác, vì nó chính là chứng tích, một vết chém oan khiên của đời con, con phải ăn uống, nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai mẹ sẽ dẫn con đến nhà bác Đội Tể thăm Hằng và Thố.

Con chó mực thấy mẹ tôi và tôi đi vào sân nhà bà Đội Tể sủa vang, chạy vòng vòng, Thố mở cửa bước ra, thấy tôi vội lùi lại hai bước luống cuống, sau vài giây lấy lại bình tĩnh, Thố cười có vẻ tinh nghịch và nói. Ố, cái “thằng khờ ngu ngơ” chưa chết, sống nhăn kia mà! Mẹ tôi nghe Thố vừa nói vừa cười chọc tức, bà chau mày đứng lại bèn kéo tay tôi, ý muốn là nên trở về. Hiểu được ý mẹ, tôi lên tiếng:
- Hằng có ở nhà không em Thố?
- Chị ấy đã… Thố ngập ngừng… một lát, rồi đổi giọng, kính mời Bác và anh Thức bước vào nhà, hầu chuyện với mẹ cháu.

Màn đêm bắt đầu phủ xuống vùng trời thôn dã, nơi nầy tôi xa hơn 16 năm, nơi nầy đã cho tôi nhiều kỷ niệm êm ái đầu đời. Từ cõi xa xăm của tâm thức, tôi nghe lòng mình thổn thức, nghe cả trái tim dường như xốn xang, dâng trào lên nỗi đau đớn của người trai chiến bại. Linh tính báo trước, thời gian như chừng dừng lại, Thố tần ngần một vài phút, không đắn đo suy nghĩ kỹ những gì sẽ xảy ra, vội vàng báo tin cho Hằng:
- “Anh Thức còn sống, hôm nay đến thăm chị đây nè!”.

Bỗng từ phía sau nhà ngang Bà Tể tiến vế phía Mẹ tôi và nói:
- Xin chào chi Lương (mẹ tôi), mời chị và cậu Thức ngồi.

Tiếng nói nặng nề, đanh thép, mặt bà Tể lạnh như tiền tuy bà ta đã ngoài 70 tuổi. Bà Tể trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi gọi Thố vào nhà trong: đưa chị Hằng ra phòng khách. Dưới ngọn đèn néon mờ nhạt, tôi thấy Hằng dáng đi quờ quạng, đôi mắt lờ đờ, tôi không kiềm chế được nỗi xúc động bản thân, vì tôi đã xa nàng hơn 10 năm dài, tiếng sét tình cảm từ cõi lòng, tôi vội vàng đứng dậy, nhưng bà Tể nhanh hơn giơ cánh tay trái chặn tôi dừng lại:
- Nầy cậu Thức, hãy bình tâm nghe tôi nói: Tôi cấm cậu không được chạm tới thân thể Hằng con gái tôi lúc nầy, nó đã tàn phế vì cậu, nó có xác nhưng tâm hồn dường như đã tan nát…Chị Lương ạ! Tôi cố giấu kín cái sự thật của gia đình tôi trong suốt 10 năm dài, bởi vì tôi đã nghe tin cậu Thức con trai của chị tử trận, cái đau của gia đình chị hơn gia đình tôi nhiều, nhưng hiện nay thì hoàn cảnh khác hẳn. Cách đây hơn 10 năm, cái định mệnh oái ăm phủ lên thân phận của hai đứa con gái tôi. Bởi vì nó mù quáng chỉ biết đề cao giá trị “tình yêu” mà liều lĩnh, bất chấp mọi sự nguy hiểm. Nói dối với vợ chồng tôi đi thăm Ông bà Ngoại tại Phù Cát, Bình Định, không ngờ chúng nó tự ý đến Buôn Mê Thuôt gặp cậu Thức. Chúng nó dám vượt vòng cương tỏa của gia đình nên lãnh hậu quả khủng khiếp. Lúc đi đến Cao nguyên, trên Quốc lộ 21 thì không có chuyện gì xảy ra, khi trở về Quảng Ngãi bằng một chiếc xe đò chở khoảng 25 hành khách bị cán mìn VC, xe lật nhào xuống hố, kẻ chết, nhiều người bị thương trong số đó có 2 đứa con gái tôi là Hằng và Thố. Gia đình tôi phải chứng kiến một hoàn cảnh rùng rợn, Hằng bị thương nặng, chấn thương não bộ, máu rỉ ở hai lỗ tai, bị hôn mê suốt 3 ngày đêm, còn Thố thì bị gãy một chân trái. Nhận được hung tin khẩn cấp từ bệnh viên Qui Nhơn gửi đi, cha của chúng nó (ông Đội Tể) đến bệnh viện chạy chữa cho hai đứa con gái cưng duy nhất. Ngày cuối cùng rời bệnh viện đa khoa Qui Nhơn Bác sĩ gặp Cha chúng nó nói lên một sự thật quá đột ngột: “Cô Hằng đã mang thai, đôi mắt của cô ta được hội đồng y khoa chúng tôi trắc nghiệm thì có triệu chứng không tốt, ông nên theo rõi. Ngoài ra, chân trái của cô Thố không nguy hiểm lắm, đã bó bột kỹ lưỡng, thời gian sau sẽ lành hẳn. Có chừng ấy chia xẻ với ông, ông yên tâm đưa hai cô rời khỏi bệnh viện”. Từ ngày đó về sau, ông Tể mỗi ngày gầy hẳn lên, gương mặt buồn rũ rượi, ít nói, thường mỗi buổi chiều mắt ông mãi nhìn về hướng chiếc cầu tre làng Yên Hạ và lắc đầu. Một thời gian sau, tôi không nhớ rõ là ngày giờ nào, ông Tể gọi tôi đến ngồi bên cạnh, nghiêm sắc mặt nói với tôi những lời như khẩn cầu tha thiết: “Nếu mai nầy tôi chết, bà hãy làm theo ý tôi là không bao giờ gã con gái mình là Hằng cho thằng Thức (nếu nó còn sống) con của bà Lương bất cứ hoàn cảnh nào”. Sở dĩ tôi không nói điều nầy với Hằng bởi vì tin tức cho biết cậu Thức đã từ trận tại chiến trường Ban Mê Thuột, cũng là một mất mát lớn của gia đình chị.

Bà Tể dừng lại có lẽ bị tác động tâm lý. Bỗng có đứa bé trai chừng 10 tuổi từ trong phòng ngủ chạy ra nũng nịu la lớn:
- Má Thố ơi, con đói bụng đây nè!

Giọng nói đơn đớt nửa chừng chưa dứt câu, cậu bé đứng khựng lại khi thấy Thức có hai dòng nước mắt chảy:
- Ô! Chú nầy là ai, tại sao lại khóc tại nhà mình hả má Thố?
- Con còn nhỏ không nên hỏi vu vơ, vô lễ như thế! Nhưng Thố bỗng đổi ý, “có thể Chú nầy là người thân con đó!”.
- Má bảo Ba con đã tử trận rồi mà! Người thân nào nữa hả Má?
- Không phải vậy! Con hãy đến cúi đầu chào ông ấy…

Hằng đứng phắt dậy:
- Khoan đã, Kiệt! Con hãy dừng lại nghe Mẹ nói: Mẹ chính là mẹ ruột sinh ra con, bây giờ mẹ nói thật trước mặt Nội và Ngoại con; chỉ có một đêm trong căn hầm chống đạn pháo kích ở căn cứ Eakar thuộc địa phận phố núi Cao nguyên Trung Việt, Mẹ đã trao thân cho một người lính chiến, không ngờ đêm ấy mẹ đã mang thai. Người lính đó là ông nầy. Từ chiến trường Tây nguyên họ báo tin cho Nội (bà Lương) Ba con đã tử trận tại căn cứ Eakar, Mẹ hốt hoảng đã rú lên! Trời ơi! trong lúc cưu mang con chỉ được hai tháng. Nỗi đau đớn vô bờ, mất Ba con, mối tình yêu êm đẹp của mẹ chưa trọn vẹn, từng đêm, mẹ khóc ướt nhòa gối lẻ, cái tuyệt vong đến với người con gái vào lứa tuổi hai mươi, vĩnh viễn mất người yêu, ảnh hưởng tình cảm lớn lao đó đè nén sâu vào lòng mẹ, mẹ khóc ngày lẫn đêm, không ngờ trạng huống ấy đã liên đới đến đôi mắt mẹ. Từ đó, mẹ cam chịu cái bóng đêm dài thăm thẳm, mẹ đành chấp nhận nổi bất hạnh của người đàn bà xấu số. Mẹ đã tâm sự, khẩn xin với dì Thố giúp đỡ mẹ những điều khó khăn sau đây: Con sinh ra đặt tên là Kiệt lấy họ Cha, dì thay thế Mẹ, làm Má con, hãy thương yêu, đùm bọc dạy dỗ con nên người, giấu kín với con nỗi buồn riêng của Mẹ. Giờ đây Thức (Ba con) còn sống trở về, mẹ nói ra hết sự thực để Nội, Ngoại của con may ra tha thứ cho Mẹ. Chị rất cảm ơn em Thố, em đã hy sinh cả quãng đời con gái thay chị làm Má, nuôi bé Kiệt trong lúc chị mù cả đôi mắt. Lại đây đi con! Mẹ đã mù không thấy được vóc dáng con, nhưng mẹ suy đoán lẫn hình dung con sẽ giống Ba con người trai hùng cùa thế hệ, một Sĩ quan ưu tú của đất nước miền Nam Việt Nam. Lại đây đi dì Thố, chị ngưỡng mộ em, em rất can đảm đi trên đoạn đường khó xử, vui vẻ nhận làm Má của bé Kiệt, nhận làm vợ hờ của Thức, một thứ tình cảm đay nghiến mà chị gán ép cho em, bất chấp dư luận, tai tiếng dồn dập đối với xã hội bên ngoài. Lại đây cùng em đi anh Thức! Xin phép anh, cho em sờ mặt anh một lần thôi, chỉ một lần cuối cùng rồi hai chúng ta phải vĩnh viễn xa nhau.

Hằng quỳ xuống chân Bà Tể:
- Lạy Mẹ cho con làm đúng lời di chúc của người Cha đáng kính: “Từ nay đến cuối đời con, chẳng bao giờ lấy Thức làm chồng”.

Thức thét lên “Cho phép anh nói…”

Hằng ậm ừ cắt lời: “tuy em đã bị mù hai mắt, nhưng trái tim em thấy rõ nỗi thổn thức của người khác; anh nên im lặng để cho không gian chìm xuống trong sâu lắng, anh không quyền được nói điều gì ở đây: Im lặng để cùng nhau chôn vùi một kỷ niệm, đưa nó đi xa hơn vào tận cùng của tâm thức, trái tim em đã băng lạnh từ lúc biết tin anh vẫn còn sống”.

Con kênh đào Ông Hảo thuộc làng Yên Hạ nước vẫn chảy êm đềm qua năm tháng thăng trầm của mệnh nước, sương khói quyện dưới màn đêm, cánh đồng Bầu Đế hình cánh cung rộng bao la vắng lặng, chiếc cầu tre ngắn bắc ngang qua kênh đào sao mà vẫn mãi mãi ngăn cách nghìn trùng.

Mùa Đông năm 2014.
Đỗ Vĩnh Khanh

Không có nhận xét nào: