Ở trại, hằng ngày tù “cải tạo” đi “lao động” ngoài trại, chặt nứa, chặt cây, thường đi dọc theo con đường, có người dân đi lại, và có xe lam chở khách chạy ngang qua. Tất cả anh em tù thường tìm cách nhắn tin cho gia đình, bằng lối viết thư và “phóng” vào xe lam, nếu bọn vệ binh gác tù không trông thấy hay hành khách ai có lòng thì sẽ ra bưu điện gửi giùm hay thông cảm hơn, nếu có dịp đi Saigon thì sẽ đem đến tận nhà cho thân nhân. Nhưng Lê Đức Thịnh đã không gặp may. Buổi sáng đó, đội của Thịnh được dẫn ra đường lộ, khi gần đến một chiếc xe lam đang nổ máy, chạy cùng chiều, Thịnh vứt vội một cái thư vào xe, nhưng chẳng may tên vệ binh đi đằng sau trông thấy.
<!>
Y ngoắc cho chiếc xe lam dừng lại, nhặt cái thư trên sàn xe, cất vào túi, cảnh cáo người tài xế xe lam một hồi cũng như mắng chửi anh Thịnh, và hăm sẽ báo cáo lên trại để có biện pháp trừng phạt anh về tội chuyển thư tín một cách bất hợp pháp.
Tối hôm đó, Thịnh bị còng tay dẫn đi nhốt vào conex gần bộ chỉ huy trại, ai cũng nghĩ đó chỉ là một hình phạt bình thường cho những người “vi phạm” nội quy trại.
Không ai ngờ cái thư rơi đó đã dẫn theo bản án tử hình oan khuất cho anh Lê Đức Thịnh.
Khoảng 3 tháng sau, Ban Chỉ Huy trại loan báo ngày xử án Lê Đức Thịnh, mọi người đều khỏi đi lao động, ở nhà để theo dõi bản án. Đội trưởng của mỗi đội được cử lên hội trường của T6 tham dự buổi xử án. Sau phần ăn sáng, mọi người dưới sự điều khiển của đội trưởng ở từng nhà, cho anh em tập họp tại chỗ trong phòng, hát hết bài hát này tới bài hát khác, chờ toà án khai mạc buổi xử. Diễn tiến buổi xử sẽ được loa phóng thanh phát đi cho tất cả trại đều nghe.
“Láng” tôi ở nằm sát hàng rào kẽm gai, bên kia hàng rào là một ụ đất cao. Buổi chiều ngày trước khi xử án, tôi thấy bọn cán bộ đem chôn ở đó một cây cột để trói phạm nhân và một cái hố sâu đã được đào sẵn để chôn tử tội. Như vậy là bản án đã được sắp sẵn: tử hình cho tội phạm!
Trong lòng ai cũng lo lắng, nhưng phần đông đều tự trấn an, nghĩ là mấy ông “cách mạng” chỉ dàn cảnh để cảnh cáo, dằn mặt tù mà thôi. Thông báo của trại, ngày mai, Toà Án Mặt Trận của Quân Khu 7 với thành phần Chánh Án và Phụ Thẩm sẽ đến đây để tiến hành vụ xử án Lê Đức Thịnh.
Tiếng rè rè bắt đầu trong máy khuếch âm từ ban chỉ huy trại báo tin buổi xử án bắt đầu. Một trại viên ở đâu đó “cầm càng” cho toàn trại, ngồi trong phòng của mình, cùng hát theo bài “Như Có Bác Hồ…”
Chánh án:
- Anh có biết hôm nay Anh được ra đây xét xử về tội gì không?
- Thưa, không!
- Vậy thì bức thư này có phải của anh không?
- Phải!
- Đây là tội của anh! Toà tuyên đọc nội dung bức thư của Lê Đức Thịnh gửi về cho vợ, gồm có 2 điểm chính:
- “Chế độ Cộng Sản rất tàn ác và dã man. Em hãy đổi tên họ cho các con và gia đình tìm cách trốn ra ngoại quốc.”
- “Em cố gắng tìm hỏi xem bạn bè của anh hiện nay đang chiến đấu ở đâu, để khi ra tù, anh sẽ đi đến với họ.”
Tội chống phá “cách mạng” đã rành rành. Bản cáo trạng được đọc lên:
- “Cải tạo viên Lê Đức Thịnh không an tâm tin tưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà Nước, y đã viết thư bất hợp pháp gửi về nhà dặn vợ đổi tên họ cho con, và tìm cách đi ra nước ngoài. Bản thân Lê Đức Thịnh cũng đã nói với vợ, là khi y được tha ra, y sẽ trốn đi để tiếp tay với những thế lực phi dân tộc, chống phá Đảng và Nhà Nước tới cùng!”
Tòa lên án nặng nề hành vi được xem như phản động, chống phá, và đi đến kết luận: Tử hình.
Cho đến giờ này, anh em cũng không biết chắc nội dung bức thư anh Lê Đức Thịnh gửi về nhà nói những gì, có thực như “tòa” đã đọc! Đã biết việt cộng, thì không thể tin những gì họ nói. Là quân khủng bố, có thể họ đã dàn cảnh và dùng đó để khủng bố tinh thần tù cải tạo trước khi đưa ra Bắc!
Bộ đội Việt Cộng dẫn tử tội bịt mắt, còng tay bị trói phía sau, chúng lôi tử tội đi rất nhanh đến trói vào cây cột. Ngoài dây trói tay, chúng còn trói dây thừng quanh cổ tử tội. 6 bộ đội mang AK xếp hàng trước cây cột đã trói Lê Đức Thịnh. Sau một tiếng hô “Chuẩn bị!” Rồi “Bắn!”, không phải 6 phát đạn mà 6 tràng đạn nhã vào thân thể Lê Đức Thịnh. Những tràng đạn réo vang trong máy khuếch âm đến tai mọi người.
Bầu không khí chết chóc bao trùm toàn trại. Sau đó, một tên sĩ quan bước đến, bắn một “phát súng ân huệ” cuối cùng.
Một chiếc quan tài được mang ra, thi thể Lê Đức Thịnh được bỏ vào và đưa xuống hố lấp đất.
Hôm đó, sau khi nghe tuyên án tử hình Đại Uý Lê Đức Thịnh, chúng tôi nằm nhà, khỏi đi lao động. Kẻng báo giờ cơm đánh lên đã lâu. Phần cơm của đội đã được chia sẵn trong những dụng cụ đựng cơm cá nhân. Nhưng trưa nay, tất cả phần cơm đã được chia ra cho tù “cải tạo” đều được đổ ngược lại vào chảo.
Sau vụ xử bắn Lê Đức Thịnh, hầu hết anh em đều xuống tinh thần, ít ai ngồi túm tụm trò chuyện như ngày trước, chưa tới giờ ngủ mà nhiều người đã vô mùng. Có tiếng ai đó đọc kinh nho nhỏ, và nhiều tiếng thở dài nghe rất rõ.
Trước tình trạng này, đêm nào tôi cũng trăn trở khó ngủ. Ai cũng nghĩ đi “học tập” 5,7 ngày rồi về, bây giờ như con thú vào bẫy rồi, khó tìm đường ra. Con đường duy nhất là phải trốn ra khỏi nơi này. Ở đây, gần khu dân cư của miền Nam ruột thịt, phóng ra khỏi hàng rào, chạy độ 3 cây số là tới khu nhà dân, lúc này mà không đi thì không biết lúc nào mới có cơ hội nữa.
Trong đội tôi, có anh bạn tên Nguyễn Ngọc Giàu, tâm đầu ý hợp, tôi với nó cùng nhau hẹn trốn trại. Tối nào khoảng 8 giờ cũng có phê bình kiểm thảo, anh nào cũng tỏ ra tiến bộ, nên tranh nhau bàn cãi sôi nổi, đó là giờ dễ ra đi nhất. Vả lại sau vụ tử hình Lê Đức Thịnh, trại cho là “cải tạo” đã vào khuôn phép, trái lại anh em thì ai cũng nơm nớp lo sợ, chỉ mong “nín thở qua sông!”
Ban ngày, tôi và Giàu đã chú ý đến một lỗ hổng có thể cho một người chui lọt. Chỗ này, cán bộ trại cho cắt ra để lấy lối cho tù ra ngoài phát quang.
Chúng tôi hẹn nhau, trong khi tụi nó đang phát biểu sôi nổi thì hai đứa chạy ra hàng rào. Giàu ra trước, nấp ở đó, tôi ra sau, rồi hai đứa cùng chui hàng rào. Lần này, trốn trại, mỗi đứa chẳng mang theo gì cả, cho gọn nhẹ và không ai để ý.
Thường thì buổi kiểm thảo diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay, chắc là để kiểm soát và tìm hiểu tinh thần tù “cải tạo” sau vụ Lê Đức Thịnh, tên quản giáo đội lại xuống chủ trì buổi kiểm điểm. Thay vì thay nhau phê bình kiểm thảo cá nhân, thằng quản giáo có vẻ lười cứ bắt đội hát bài này đến bài khác. Liếc qua thì thấy Giàu ngồi dựa vào vách tường ở hàng cuối không còn nữa!
Đội hát thì phải có người cầm càng. Thế là tôi kẹt, trong lòng nóng như lửa đốt!
Đang hát nửa bài thì nghe tiếng AK trên chòi canh bắn ra mấy phát, rồi nghe tiếng la:
- Tù trốn trại! Tù trốn trại!
Chắc là Giàu chạy thoát rồi!
Sau đó là tiếng kẻng ở đầu trại. Buổi sinh hoạt thường lệ vào buổi tối chấm dứt.
- Đội nào ở yên tại chỗ, có quản giáo, vệ binh vào điểm danh!
Nguyễn Ngọc Giàu và tôi sau ngày 30/4 ngụ cùng xóm.
Trước khi bàn bạc dự định trốn trại tôi với nó đã trao đổi địa chỉ với nhau. Sau này nghe kể lại, sau khi Giàu chạy thoát về được Saigon, nó liên lạc móc nối với 2 đứa em tôi, một đứa là thiếu úy, em thứ 9 của tôi là Huỳnh Công Minh, hiện tại đang ở Houston, thằng kia là em con bà cô thứ 8, tên là Phan Minh Đức, hiện đang ở Melbourne, Úc Châu. Theo lời kể của Phan Minh Đức qua bài viết Mười Một Ngày Vô Định, viết năm 2005, họ là một nhóm 15 người, gồm “1 Đại Úy Tùy Viên thời trước, 1 Chuẩn Úy Trinh Sát, 1 Hạ Sĩ Thiết Giáp, 1 Hạ Sĩ Sư Đoàn 5, 1 Hạ Sĩ Biệt Động Quân, 1 Hạ Sĩ Nhất Y Tá, 1 nhân viên sở Mỹ lúc xưa, và 5 sinh viên giả làm “thanh niên xung phong” thuê xe xuống Lộc Ninh, vùng Đồng Xoài để từ đó, tìm đường trốn qua Miên rồi qua Thái. Họ băng rừng già, vượt đầm, vượt sông, bị vắt cắn ra máu đầy người đến ngày thứ 10, khi đến khu rừng cao su thuộc xã Bù Nho, cách biên giới Việt Miên 4 cây số thì bị bộ đội biên phòng chận bắt, định đem về trụ sở xã. Em trai của anh Giàu là Dũng đi cùng trong nhóm đã rút khẩu AK mang theo bắn chết anh bộ đội. Số bộ đội biên phòng có mặt bỏ chạy tán loạn. Nhóm 15 anh em cũng chạy tán loạn và lạc nhau. Minh, Đức và 1 người khác định ra khỏi khu rừng, tìm đường về lại Saigon. Lúc đó đói quá, họ tìm đến nhà dân để xin đồ ăn. Ăn xong, vừa đi được một quãng thì bị bộ đội chỉa AK bắt gọn. Những người còn lại trong nhóm cũng bị bắt trọn. Đại Úy Giàu bị đánh đập dã man, đầu quấn khăn vải thấm đầy máu. Tất cả bị trói chặt, chở về khám đường ở Bình Dương. Phan Đức Minh bị bắt giam và 6 tháng sau được thả cùng 5 người khác. Em ruột tôi là Huỳnh Công Minh mãi 3 năm sau mới được ra tù. Dũng, người đã bắn tên bộ đội biên phòng lãnh án chung thân khổ sai. Riêng Đại Úy Nguyễn Ngọc Giàu, đã mang tội trốn trại, tội vượt biên, bị mang ra tòa án Bình Dương và xử bắn tại đó.
Sau chuyện Nguyễn Ngọc Giàu trốn trại, bọn cán bộ trại bắt đầu tra hỏi những người trong đội xem có ai đồng lõa giúp đỡ, hay thân thiết cùng bàn bạc cho Giàu nhưng không tìm ra thủ phạm. Mặt khác cuộc trốn trại của Giàu đơn giản, không mang theo áo quần, lương thực gì nên rất khó tìm ra dấu vết chuẩn bị.
Từ đây, kỷ luật trại trở nên khắc nghiệt hơn, thậm chí ngay cả trong việc đi cầu, đi tắm hay ra ngoài đi lao động đều bị vệ binh bám sát chặt chẽ hơn.
Lúc này tôi bắt đầu rất là ân hận và thấy rằng mình quá nai tơ, đã đi trình diện để ở tù. Trong đầu ngày đêm cứ tự thầm hỏi: Tại sao? Tại sao? Quay quắt mãi không yên chút nào, tôi bắt đầu sáng tác ra ca khúc đầu tiên trong tù có tựa đề là Vì Đâu Anh Buông Súng. Bản nhạc này, sau khi qua Mỹ 3 tháng, đã được ca sĩ Hoàng Tường hát vào băng Uất Hận Ca.
Vì đâu anh buông súng?
Chẳng phải vì anh người chiến bại trước kẻ thù
Ngoài chiến trường xa đang còn say đánh giặc
Chợt lệnh buông hàng, lệnh tủi nhục ngàn thu
Vì đâu anh buông súng?
Lúc mà lòng anh là viên đạn đã lên nòng
Họng súng tự do đang còn loan máu giặc
Thì lệnh ban truyền, lệnh giao bán núi sông
30 tháng 4 ngày giao hàng của phường buôn dân bán nước
30 tháng 4 ngày tủi nhục của người Việt tự do tranh đấu
Ngày tổ quốc vấn khăn tang
Ngày Việt Nam trong đêm đen
Ngày dẫn cuộc đời anh đi vào nhà giam
Vì đâu anh đau xót
Tiếng vọng hờn căm, xiềng xích gợi những âm buồn
Vùi chôn đời anh dưới vực sâu tủi nhục
Vùi chôn nước Việt vào đêm đen mênh mông...
Không dám viết ra giấy, cứ nghĩ từng câu rồi học thuộc. Cứ như thế, hơn tháng sau thành bài hát. Có lần như muốn trút nỗi tức giận, tôi hát nho nhỏ cho anh Nguyễn Ngọc Giàu nghe, cùng với một anh nữa tên là Minh. Đó có lẽ là lý do anh Giàu thân và rất tin ở tôi nên sau này hai anh em mới rủ nhau trốn trại. Còn anh Minh cũng vậy, anh tình nguyện mang đồ đạc cho tôi khi bị đưa ra Bắc, không may bị tách rời, đi mỗi người mỗi ngả. Anh qua miệt Sơn La, còn tôi đi Tháp Bà, Hoàng Liên Sơn.
Trong thời gian này, tôi với Chánh, 2 anh em ở chung với nhau (sau này mới bị tách rời), có lệnh cán bộ trại: “Anh nào tình nguyện đào giếng thì miễn được đi lao động, nhưng điều kiện là giếng phải có nước!”
Lúc đó tôi cũng còn khá khỏe, nên tình nguyện đi đào giếng và rủ luôn thằng em đi theo. Tuy khỏi đi lao động, nhưng đào giếng cũng vất vả, giếng sâu hàng chục thước, nước yếu chỉ chảy ra ri rỉ, mỗi ngày kéo hằng trăm thùng cát đá lên miệng giếng!
Sau khi đào giếng xong, cả đội tù rất mừng vì từ nay khỏi lo thiếu nước. Phần Chánh, nó rất phấn khởi, vì nghĩ theo lời cán bộ hứa, là khi giếng đã có nước, thì anh em chúng tôi được miễn đi lao động cho đến ngày “mãn khoá” được tha về (!)
Được chừng 5 ngày sau, 2 đứa tôi được lệnh xếp hàng đi lao động như mọi người, tôi cảm thấy quá chán nản, còn Chánh thì chửi thề tùm lum, về cái tội dễ tin lời việt cộng.
Lúc này, tôi trở phát bệnh sốt rét, gần như kiệt sức, tinh thần bị xuống trầm trọng, nhất là sau vụ Lê Đức Thịnh bị xử bắn, rồi lại đến vụ Giàu trốn trại, sau nữa là lời hứa của cán bộ trại về việc đào giếng.
Thời gian trước khi tù bị đưa ra Bắc,khoảng hơn 1 tuần là tôi đã ngã bệnh. Nằm mê man, nhớ đêm ấy anh em đã xúm lại,họ bỏ than vào trong 1 cái nón sắt, họ hơ tay chân tôi để cho thẳng vì lúc ấy nóng quá, tay chân đã cong queo, co quắp. Mắt tôi mở lớn, nhìn, biết mặt mọi người nhưng miệng tê cứng không mở, nói được. Tôi cố la lớn lên và kêu họ phải phủi giùm các đàn kiến bò từ khắp đầu ngón tay, ngón chân tôi. Chúng từng đàn bò ngược lên ngực tôi. Tức quá! Sao cả đám ngồi hỏi, nói tùm lum mà không phủi giùm kiến. Sau này mới biết được rằng đó là máu đã lần lượt chạy về tim. Tôi còn nhớ, ngồi trên đầu sạp nằm có 2 ông sư, họ là Đại Úy Tuyên Úy. Một ông tên là Lê Phong Ba, một ông tên là Nguyễn Thể Bình. Họ dùng cây tăm tre, vót nhọn, hai người tưới nước trên đầu để giải nhiệt vì tôi bị sốt, rồi dùng cây nhọn châm cứu trên đầu tôi. Còn một anh bạn chung tù tên là Nguyễn Văn Túy, hiện đang ở Houston, thì bóp, nắn chân tay. Anh Túy cũng đọc kinh lạy Cha kính mừng, v.v... Cũng có nhiều bạn tù xúm vào giúp bóp, nắn, tôi không nhớ hết. Tôi bắt đầu lịm dần và thiếp vào giấc ngủ, không biết bao lâu. Nhờ hai Thầy châm cứu, làm hạ nhiệt độ và máu không tụ hết về tim nên tôi được sống lại. Hai Thầy tay xoay, xâm, miệng lâm râm niệm Phật. Đó là ơn cứu mạng đầu tiên từ bạn tù ở Long Giao.
Ở tù chung với tôi có Đại Úy Đào Tráng, trước là Đại Đội Trưởng, tôi là Đại Đội Phó. Về sau, Tráng chuyển về Không Quân thì tôi lên thay Tráng. Tráng thấy tôi sốt rét, ốm yếu quá nên thương tình cho tôi mấy viên Fansida và thêm một keo thịt chuột. Tráng bắt chuột, làm thịt, cắt miếng bỏ vô trong cái keo chao, ướp muối:
- Mày ăn keo thịt chuột này với uống viên thuốc này, may ra mày còn sống để về với vợ con.
Nhờ ân tình này mà tôi mới qua cơn bệnh hoạn. Sau này, Đào Tráng định cư tại Nam California.
Huỳnh Công Ánh
(trích trong Hồi Ký Vượt Tù Vượt Biên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét