Bố Già có hàm râu quai nón cỡ Hemingway, thuở đó còn xanh lắm. Mỗi lần bố Già cười là cả hàm râu rung rinh làm tụi tôi thích lắm. Có đứa hỏi tại sao bố không cạo đi. Bố Già cười cười... tại “chị bố già” thích tao để râu, cạ cạ đã lắm”. Tụi tôi ôm bụng cười lăn. Bố Già tên là Nguyễn Văn Cảnh nhưng trong đơn vị tôi ai cũng quen gọi là bố Già.Sanh và lớn lên trên đất Bắc, gia đình bố vào Nam sau ngày chia đôi đất nước và vào lính 3 năm sau đó. Bố Già lấy vợ miền Nam, con gái Bắc ở Hố Nai, Biên Hòa. Trong đơn vị hầu hết 90% độc thân mà lúc đó Bố Già đã có 6 con. Con gái đầu của Bố Già khoãng 16,17; có lẻ đây là nguyên do của tên gọi Bố Già.
<!>
Có 6,7 miệng ăn, lương lính đâu đủ, thiếu, thành ra “chị Bố Già” có mở thêm quán nước trong khu trại gia binh. Mấy lần về hậu cứ dưỡng quân, tụi tôi hay ra ghi sổ ở đây. Quán đơn sơ thôi nhưng nhờ có con gái bố già ở đó nên lúc nào cũng đông đúc đám con bà phước. Trong quán có treo mấy tấm hình dù bung, 1 thằng nào đó đặt tên: quán Đầu Mây Chân Gió.
Thường thường những người với hoàn cảnh như bố già đều đựơc làm việc văn phòng. Tôi không hiểu sao bố già lại là 1 ngoại lệ, bố già vác ba lô đi dài dài như tụi lính trẻ, đi mút mùa Lệ Thủy. Bố già coi tổ súng nặng của đại đội, đồng thời trách nhiệm công việc tiếp tế và tải thương. Rất là vui vẻ và hoạt bát, bố coi luôn chuyện văn nghệ văn gừng, và giải trí cho lính lên tinh thần.
Trong gần 2,3 năm lính, thời gian đơn vị ở căn cứ Bình Minh, đối tôi là vui sướng nhất. Lúc đó là thời gian ngưng bắn da beo, Mũ Đỏ (Nhảy Dù), Sao Vàng (quân Bắc Việt) ngưng húc nhau, nằm tại chỗ. Đại đội đóng ven sông Bồ, nhiệm vụ kiểm soát không cho địch phi phạm hiệp định, cắm cờ chiếm đất. Lúc ấy tôi đã thôi ở trung đội, về đại đội mang máy cho Tường Vi (đại đội trưởng), thành thử có nhiều gắn bó với Bố Già. Không đánh nhau, không phải trực máy 24 trên 24, tôi xin Tường Vi cho đi theo Bố Già đi làm đủ mọi chuyện. Anh Châu thường vụ nói bộ mày cũng muốn làm rễ của Bố Già sao; tao nghe nói là Bố đã gả con cho nhiều đứa lắm rồi, thằng Thùy, thằng Hiếu đứa nào cũng bố bố con con ngọt xớt.
Để cho lính có chuyện làm đỡ nhàm chán, mỗi ngày đơn vị chia làm nhiều toán đi lo nhiều công việc khác nhau. Toán lo phòng thủ, sửa sang phòng tuyến. Toán ra chợ Mỹ Chánh mua thức ăn tươi. Toán đi rừng cắt tranh, săn dã thú, và cũng đồng thời dòm ngó tình hình của Sao Vàng. Tôi thích đi theo toán đi rừng vì mỗi ngày thường hay có chuyện mới lạ.
Bố Già nắm đầu toán đi rừng, ngoài những thành viên quen thuộc của quán Đầu Mây Chân Gió, còn có Thi, Liệu, Thuận, mấy thằng khinh binh thính tai sáng mắt. Hằng ngày toán đi rừng thức dậy sớm, lo cơm nước, và bắt đầu công việc khi mặt trời lên. Tranh thường mọc trên những mảnh đất ven sông gần chân núi, không xa chỗ đóng quân của đơn vị lắm. Đến nơi toán chia thành 3 nhóm: nhóm cắt tranh, nhóm lo bó lại từng bó, và nhóm đi săn. Làm việc cho đến xế chiều cả bọn ra sông hoặc vào suối tắm rữa rồi trở về đại đội. Thỉng thoảng có được sóc nhím và heo rừng.
1 hôm lúc giữ trưa, tôi cùng Bố Già và nhóm cắt tranh đang nghỉ xả hơi thì thằng Thi (Thiên Lôi) chạy về hớt ha hớt hải.
- Bố Già ơi, tụi nó, Sao Vàng.
Thi báo cáo.
- Ở đâu, làm gì.
Bố Già ngồi bật giậy, với lấy cây M16.
- Bên kia sông. 5 đứa đang tắm rữa. Có cả con gái nữa, Bố Già!
Nhóm tụi tôi theo Bố Già đi nhanh về hướng bờ sông. Đến nơi thấy đám lính Sao Vàng đang tắm gội bên kia bờ, cách bên này khoảng chừng 50 thước. Có 2 giọng nữ, hình như là Nghệ An Hà Tỉnh. Chắc cũng quen tình hình ngưng bắn da beo, nên đám lính miền Bắc cũng tỉnh bơ khi thấy Nhảy Dù. Thằng Liệu ngứa miệng:
- Ê, Sao Vàng!
- Ê, Dù!
Tiếng bên kia vọng lại.
- Không phải. Anh chỉ là thiên thần mũ đỏ.
Thằng Thi lau chau. Bên kia sông cười, bên này sông cũng cười.
Trận đấu khẩu qua lại, tôi chỉ còn nhớ mấy câu đại khái.
Thằng Liệu:
- Có gì ăn không?
- Thiếu gì.
Giọng con gái.
Bố Già rủa nhỏ:
- Đói gần chết mà lúc nào cũng thiếu gì.
Thằng Thùy:
- Bố để con dụ nó chiêu hồi. Con làm mấy câu vọng cổ là làm gì tụi nó cũng lội qua sông.
- Thôi đừng lộn xộn. Tụi mày thấy đàn bà con gái là loạn cả lên. Đi về, tối nay tao cho coi hình Thẩm Thúy Hằng.
Toán cắt tranh ngoắt ngoắt tay rồi bỏ đi. Bố Già dặn Thi và Liệu ở lại làm tiền đồn quan sát.
Sau những ngày làm việc là những buổi tối sinh hoạt văn nghệ văn gừng. Cơm nước xong, chia canh gác xong là tụ họp ở lều tranh của Bố Già (quán Đầu Mây Chân Gió tiền phương) để ca hát, kể chuyện tiếu lâm, và nghe chương trình Dạ Lan. Đôi khi cũng có mục tìm bạn bốn phương do tôi phụ trách.
Chuyện ca hát đơn vị tôi chia ra 2 thành phần: loại thích hát và loại thích nghe hát. Mấy thằng thích hát thì hăng lắm không mắc cở gì, chưa kêu mà đã giơ tay lên rồi: “Bố Già cho tui làm 1 bản”. Có thằng thường ngày cà lăm rặn hoài mới ra 3 chữ mà khi vô Rừng Lá Thấp là nó đi nguyên bài 1 cách trơn tru. Mấy thằng thích nghe nhạc thì cũng chọn lựa lắm: nhạc phải sến, sến chừng nào tốt chừng đó. Lâu lâu lại có mấy 6 câu vọng cổ. Ưa chuộng nhất là “Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà” và “Chuyện Tình Lan và Điệp.” Có lần cao hứng Bố Già cao giọng Bắc Kỳ: “Giời ơi... bởi sa cơ trên chiến trường thọ tiển...”, làm tụi tôi cười bò lăn bò càng.
Xong ca hát là chuyện tiếu lâm của Bố Già thu nhặt trong gần 20 năm lính. Chuyện cười của lính thì chỉ để lính nghe thôi, viết ra không được (độc giả QB thông cảm). Tụi lính trẻ như tôi khoái lắm. Nghe mà nóng lổ tai và cười nức nẻ. Bố Già thường kết thúc buổi sinh hoạt bằng câu:
- Xong rồi ai về xóm đó. Thằng nào muốn xem mông Thẩm Thúy Hằng thì qua lều chuẩn úy Q., thằng nào muốn ngắm Thanh Nga thì qua lều trung sĩ B., thằng nào muốn tán Kim Cương thì... ra trung đội 2. Mấy thằng nghèo mà ham, mượn cả tuần rồi chưa trả lại cho tao.
Sinh hoạt văn nghệ xong, là đến mục tụ 3 tụ 7 viết thư cho em gái hậu phương. Mỗi lần có tiếp tế đều có thư gửi ra từ hậu cứ. Từ đại đội trưởng xuống đến hàng tân binh mới ra trường, cả đám nằm chổng “khu” cả đêm để hồi âm. Đám con bà phước thì xúm lại nghe chương trình Dạ Lan.
Nhờ có mấy năm luyện võ công ở trường PCT thành ra dạo đó tôi ăn khách lắm. Tôi lo chuyện tìm bạn bốn phương cho mấy thằng hơi nghèo chữ. Mỗi lá thư là 1 chầu cà phê và vài điếu Capstan. Hầu hết thằng nào cũng tướng dáng “không đẹp trai nhưng cũng dễ coi” muốn tìm em gái; có vài thằng thật thà hơn thì “đẹp xấu tùy người đối diện” chỉ muốn tìm người trao đổi tâm tình. Tôi hăng hái lắm, tối nào cũng viết làm được 5,6 lá thư. Có khi có thằng đem thư nhà nhờ tôi đọc giùm vì người nhận hoàn toàn mù chữ. Ôi những tờ thư... “Anh Tư ơi, em nhớ anh da diết” làm tôi rụng rời. “Anh Tư” thì sung sướng ra mặt, vui vẻ mang súng ra vọng gác.
Ngày lại ngày qua, đại đội làm nhiệm vụ của 1 đơn vị Địa Phương Quân. Ngày nào tôi cũng mang máy đi theo bố Già, cắt tranh, hái măng, tắm sông, tắm suối. Có lúc Bố Già cũng đăm chiêu.
- Bố nhớ chị Bố Già hả?
Bố Già không lưỡng lự:
- Nhớ mấy đứa con hơn. Tụi nó còn nhỏ, có gì tụi nó bơ vơ.
- Chừng nào Bố về hưu?
- Đếch biết! Về hưu lấy gì nuôi gia đình. Đời tao chỉ biết làm lính.
Tôi nhìn Bố mà thương thương cho mấy người lính già trong cuộc chiến tranh dài đăng đẳng. Ai đem hoài số mạng cho mặc với rủi may.
***
Rồi những ngày thanh bình tạm bợ cũng đến đoạn chấm hết. Bên kia vi phạm quy ước ngưng bắn liên miên. Hết tranh hết nứa, tạm ngưng văn nghệ văn gừng, đơn vị mang ba lô đi húc tiếp.
Rồi Nhảy Dù bung về Đại Lộc, Thượng Đức. Bước qua năm 74, cường độ chiến tranh bỗng trở nên tàn khốc hơn. Hiệp định Paris chỉ còn là 1 dấu vết mờ mờ trong quá khứ. Mới vào vùng, đại đội là mũi dùi của tiểu đoàn, chọc thẵng hướng đồi 383, sườn dưới của đồi 1062. Thời gian đó Bố Già rất là cực nhọc. Vừa lo tải thương tiếp tế nấu và ăn cho cả đại đội, vừa lo phòng thủ tuyến chỉ huy, khuôn mặt Bố Già trủng sâu, nhìn chỉ thấy bộ râu quai nón xanh đen rậm rạp.
Rồi Bố Già nằm xuống. Ngày N+1, sau khi đại đội chiếm được đồi 383, cả gần trăm trái pháo rớt vào vị trí đơn vị. Bố Già chạy quanh phòng tuyến kéo mấy vọng gác về; chưa kịp vào hầm thì mảnh đạn pháo ghim vào lưng Bố. Thằng Lệ đem 1 tấm thẻ bài của Bố Già về đưa cho tôi để làm báo cáo với tiểu đoàn. Nó nói Bố Già đi mà nguyên vẹn lắm.
Sau này mỗi lần nghe ai hát “đầu mây chân gió vai nặng gánh sông hồ” thì tôi bâng khuâng chi lạ.
Trung Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét