Hôn lễ của Ba Mạ tôi được tổ chức vào cuối năm 1930, lúc Ba 23 tuổi,sau khi có sự tìm hiểu của gia đình hai bên và cuối cùng là sự chấp thuận của ông bà Nội, Ngoại. Trước đó, vào năm 18 tuổi, Ba ra Huế thi đậu vào ngạch Bưu điện. Sau khi tốt nghiệp, Ba được bổ dụng làm việc cho Bưu điện Pakse, Lào. Thấy nhiệm sở quá xa nên Ba tôi bỏ việc. Cùng năm đó (1927), nhân có đợt tuyển dụng nhân viên của Bộ Y Tế, Ba xin thi vào ngạch Y tá. 2 năm sau ra trường, Ba được chọn làm việc ở Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đám cưới, Ba đưa Mạ ra Huế sống cuộc sống đầm ấm của đôi vợ chồng trẻ.
<!>
Những chi tiết trên là do tôi tìm hiểu qua gia phả còn lưu lại và phần lớn do Ba Mạ tôi và các Cô Chú Bác kể lại những mẫu chuyện xưa. Tôi lớn lên theo những mẩu chuyện xưa đó và trưởng thành theo những kỷ niệm vui buồn làm hành trang cho chính cuộc đời mình. Theo thời gian, Ba Mạ tôi sinh được 10 người con gồm 7 Gái và 3 Trai. Người con thứ 6 của Ba Mạ tôi cũng là em trai kế anh Sáu là anh Bảy Phương mất rất sớm lúc chưa tròn 1 tuổi. Còn lại 9 anh chị em chúng tôi theo Ba Mạ sống không cố định nơi nào suốt dải đất hẹp miền Trung hơn nửa thế kỷ, từ Đà Nẵng ra Huế, vào Hội An Quảng Nam, Phan Rang, Bình Định, Quảng Ngãi và cuối cùng là thủ đô Sài Gòn.
Chính xác là 70 năm kể từ năm 1932 là năm sinh chị Hai Ngọc Mỹ đến năm Ba mất 2002 mới có sự chia lìa trong gia đình. Đó là ngày 18/3/2002. Ngày mà 9 anh chị em chúng tôi quỳ thọ tang Thân phụ tại Sài Gòn. Tôi nghe nhiều người quen đến dự đám tang, họ nói chuyện với nhau là gia đình tôi có phước. Tôi không dám có ý kiến với mỹ cảm của họ mà chỉ nghĩ là gia đình chúng tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nên hơn nửa thế kỷ trôi qua với 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu và tang thương trên quê nhà, gia đình tôi vẫn được bình yên không mất đi người nào. Đó là sự may mắn diệu kỳ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là thế.
2 cuộc chiến mà tôi vừa đề cập ở trên là cuộc chiến chống đế quốc Pháp xâm lược, chấm dứt năm 1954 và tiếp sau đó là cuộc nội chiến tương tàn Quốc-Cộng từ 1954 đến 1975 sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Nói cho vui, cả 9 anh chị em tôi đã chiến đấu không khoan nhượng, không mệt mỏi với thần chết và thần chiến tranh hơn nửa thế kỷ qua để tồn tại đến hôm nay là năm 2023. Cũng có phần may mắn khi anh chị em chúng tôi cũng đã vượt qua cơn đại dịch tồi tệ Covid-19 từ 2019 - 2022 với hơn 7 triệu người trên thế giới đã tử vong cùng với hơn 500 triệu người bị lây nhiễm phải chữa trị trong các bệnh viện trên toàn thế giới.
Tôi cũng xin mở ngoặc kể thêm 1 chi tiết nhỏ về việc làm Y tá lúc ấy của Ba mà tôi nghĩ đã có ít nhiều ảnh hưởng đến nghề nghiệp của anh Sáu và mấy chị gái của tôi sau nầy. Trước giai đoạn chia cắt đất nước 1954, Ba tôi có mấy năm làm Y tá tại Quảng Ngãi. Ngoài thời gian làm ở bệnh viện, ông còn là thầy thuốc riêng của nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng và đã chữa trị cho cụ Huỳnh vượt qua căn bệnh nguy hiểm lúc ấy và giúp cụ bình phục sức khoẻ sau thời gian cụ Huỳnh bị bệnh nặng do phải di chuyển liên miên từ Nam ra Bắc để truyền bá tinh thần yêu nước, đường lối đấu tranh canh tân đất nước cho dân chúng và các tổ chức chính trị. Tôi nhớ rất rõ, trong tập Gia Phả do thân phụ viết tay, có 1 tấm hình của Cụ Huỳnh Thúc Kháng tặng cho Ba tôi sau thời gian chữa lành bệnh cho Cụ. Tấm hình đen trắng cụ Huỳnh mặc Quốc phục, phía sau có ghi hàng chữ đề tặng với nội dung: “Thân tặng ông Lê Hoàng để kỷ niệm thời gian gặp gỡ và chữa bệnh cho tôi tại Quảng Ngãi.” Ba tôi rất quý tấm hình và giữ gìn cẩn thận suốt mấy chục năm qua. Hiện tại, chúng tôi vẫn còn lưu giữ trong tập ảnh gia đình. Không biết một đời làm nghề Y của Ba tôi có ảnh hưởng ra sao cho các con sau nầy. Điều ấy thì tôi không rõ lắm, chỉ biết trong nhà tôi về sau có chị Hai Ngọc Mỹ tốt nghiệp Bác sĩ Sản Khoa, anh Sáu là Bác sĩ Giải Phẫu Tổng quát và thêm 2 người chị là Nữ hộ sinh.
Người anh thứ năm trong gia đình tôi là anh Sáu. Tuy là người con thứ năm nhưng gia đình chúng tôi và nhiều người trong gia tộc vẫn thường gọi anh là anh Sáu theo cách gọi rất thân quen của người phương Nam, khác với người miền Bắc, anh Cả hoặc chị Cả dành cho người con lớn nhất trong nhà. Anh Sáu là con trai trưởng trong nhà, thành ra trong một thời gian rất dài, anh trở thành vai trò trung tâm trong sinh hoạt của gia đình chúng tôi. “Quyền Huynh Thế Phụ”, câu nói dân gian quen thuộc của người xưa vô tình làm hai vai anh Sáu của tôi ngày càng thêm nặng nề. Nhất là những khi anh phải đứng ra lo toan công việc để chu toàn bổn phận với Ba Mạ trong tuổi già và trách nhiệm với các Em. Tôi thương và kính trọng anh Sáu vô cùng. Anh Sáu lớn hơn tôi 6 tuổi, anh sinh năm Canh Thìn 1940. Tuổi cách nhau không xa nên anh Sáu và tôi có nhiều kỷ niệm với nhau từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành.
Những ngày còn thơ ấu, lúc tôi cỡ 7,8 tuổi thì anh Sáu đã 13,14 tuổi trong lứa tuổi thiếu niên và anh đã biết đàn Mandoline trong đội Văn nghệ Thanh Thiếu niên tại nhiều địa phương. Gia đình tôi lúc ấy đang ở Đồng Dài, 1 thung lũng nhỏ nằm bên bờ 1 nhánh sông nhỏ hiền hòa, cũng là 1 phụ lưu của sông Lại Giang trước khi chảy qua Hoài Nhơn, Bồng Sơn rồi tan vào biển cả Thái Bình. Đồng Dài thuộc huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định là 1 thung lũng nhỏ, nằm giữa các rặng núi già của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Từ Đồng Dài, đi về phía Tây Nam, vượt truông Cây Cầy sẽ qua An Lão. Với trí nhớ nhỏ nhoi của tuổi thơ, tôi chỉ còn nhớ chút ít về địa hình và địa danh ngày ấy qua thời gian.
Trong những giấc mơ chập chờn kỷ niệm về tuổi thơ, tôi nhớ đến những đồi sim tím bạt ngàn với trái chín mọng trên cành ở những sườn đồi chạy dọc theo con sông nhỏ. Tôi nhớ những đêm đốt đuốc báo động với tiếng mõ, tiếng phèn la, tiếng trống suốt đêm vì có tin cọp dữ (mà người dân địa phương gọi là ông 30) đang rình rập xuống đồng bằng bắt heo, bò của dân. Hình như đã có người đi đốn củi trong những cánh rừng xa bị cọp vồ mất xác. Tin dữ như vậy khiến tụi nhỏ chúng tôi rất sợ hãi trong những chiều lên đồi hái sim chín. Tôi sợ nhất mỗi lần phải theo Ba hay người lớn khác đi ngang qua truông cây Cầy vì nghe kể cây Cầy to đến mấy người ôm mà quanh thân cây đầy vết cào của móng cọp. Tin tức đó làm tôi sợ còn hơn những ngày chạy trốn máy bay Pháp rượt bắn rồi thả bom phá nát mấy cây cầu tre bắc qua 2 con sông trắng bạc ở thung lũng Đồng Dài. Nhớ nhất là những ngày theo Mạ, chị Ba hoặc anh Sáu ra chợ chiều trên bãi cát ven sông xem Mạ bán hàng trong đôi thúng nhỏ. Thế nào chiều về cũng có kẹo bánh để ăn.
Lại nhớ những buổi chợ phiên đêm trăng rằm mỗi tháng, tôi theo anh Sáu ra chợ chơi đùa. Tôi nhớ gian hàng nào cũng có vài ngọn đèn dầu dừa thắp sáng chập chờn dưới ánh trăng. Bình Định với xứ dừa Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Phù Cát nổi tiếng cả nước với những rừng dừa bạt ngàn, cao vút xanh tươi. Ngày ấy, đèn dầu dừa được làm từ những chai lọ bằng thủy tinh trong suốt, hoặc màu nhạt. Chai được cắt đôi, lấy phần dưới đổ nước lạnh pha màu cho đẹp, dầu dừa được đổ trên lớp nước, đèn được thắp sáng bằng một sợi vải nhỏ làm tim nhúng trong dầu. Mỗi khi có còi báo động máy bay Pháp xuất hiện từ rất xa, có khi âm thanh còn rất nhỏ, tất cả đèn đuốc trong ngoài chợ đều phải tắt hết, mọi người ngồi yên tại chỗ, không được di động qua lại để tránh máy bay Pháp phát hiện. Cho đến khi có tiếng còi giải tỏa, đèn mới được thắp sáng và sinh hoạt chợ mới trở lại như cũ.
Thời gian đó (1952), chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam đã lên đến cao độ vì là giai đoạn cuối trước khi Pháp thua ở mặt trận Điện Biên Phủ, phải cuốn cờ Tam Tài đưa quân viễn chinh về nước. Ba tôi nghỉ làm việc ở Bệnh viện, đưa gia đình vào Bồng Sơn, lên Thiết Đính, rồi lên Đồng Dài để tránh bom đạn chiến tranh.
Một buổi chiều cuối thu, tôi đang học trong 1 lớp tiểu học gần 1 triền đồi nhiều cây xanh bóng mát ngụy trang để che giấu tầm quan sát của máy bay Pháp.Đột nhiên, anh Sáu vào lớp nói với tôi là Mạ vừa sinh em bé gái, anh xin phép thầy giáo dẫn tôi đi nhanh về nhà để xem em gái Út mới sinh (em gái Ngọc Hoa hiện nay).
Khoảng thời gian nầy, Ba tôi thường đi chữa bịnh cho đồng bào ở Thiết Đính, Đồng Dài, Mỹ Thành, An Lão, An Thường nên quen biết nhiều người. Từ những giao tiếp thân mật ban đầu, dần dần Ba làm quen với nàng tiên nâu (thuốc phiện) khi chơi với ông Thìn ở MỹThành bên kia sông và mê uống rượu sau thời gian chơi với mấy người quen gần xa. Mạ tôi ngăn cản hoài nhưng không tới đâu. Anh Sáu ngày ấy rất nhiều lần phải bơi qua sông để mua rượu cho Ba. Rượu đựng trong một chai dẹp và cong mà người Pháp hay để gọn trong mình, ép sát vào ngực hoặc bụng. Mỗi lần đi mua rượu cho Ba, anh Sáu phải cột chai vào bụng để bơi qua sông cho dễ và nhất là để tránh tai mắt của mật thám và công an địa phương lúc đó.
Đây cũng là thời kỳ Việt Minh đang thắng thế trên chiến trường Việt Pháp nên họ (Việt minh) cho áp dụng chính sách “đấu tố” trên toàn quốc để triệt hạ tầng lớp tư sản, điền chủ mà họ gọi là Tư Sản, Địa chủ, Cường hào, Ác bá. Cái chính là họ muốn tịch thu toàn bộ tài sản của tầng lớp nhà giàu để có tiền nuôi dưỡng chính quyền việt minh và bộ đội kháng chiến trong thời kỳ mới hình thành, còn nghèo nàn và thiếu thốn. Mặt khác, họ muốn trấn áp phong trào đấu tranh của quần chúng và các tổ chức đảng phái chính trị đối lập trong nước. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, không trực tiếp thấy những hình thức đấu tố nhưng nghe người lớn kể nhiều vụ “đấu tố” lớn nhỏ trong cả nước cực kỳ dã man và tàn bạo. Nhưng đó cũng chỉ là cái nhìn và nhớ của tuổi thơ.
Sau nầy lớn lên, được đọc nhiều qua sách vở, học được những điều khôn với thiên hạ, tôi cũng có thời gian nghiên cứu qua sách vở mới thấy người cộng sản trong giai đoạn đi làm “cuộc cách mạng giải phóng”, họ sợ nhất là phải đối đầu với giai cấp “tiểu tư sản”. Vì sao? Và đây là câu trả lời theo suy nghĩ của cá nhân tôi. Tiểu tư sản là thành phần trung lưu tự phát trong xã hội, không có khuôn mẫu định chế nào nhất định, sống lưng chừng, giàu không ra giàu, nghèo không ra nghèo nhưng đa số đều có học thức nên họ là thành phần có văn hóa đông nhất trong xã hội. Họ thường im lặng để phân tích đối phương, lượng giá khả năng đối tượng và thường né tránh việc tranh cãi để giữ hòa khí. Họ biết tỏng anh cộng sản chỉ giỏi tuyên truyền rỉ tai nhưng tâm địa luôn dối trá, bí mật thủ tiêu đối thủ như 1 sách lược khủng bố để làm người khác phải hoảng sợ không dám ra mặt chống đối.
Khi phát động phong trào “đấu tố” những người giàu có, tư sản, điền chủ, Việt minh dựng chiêu bài lấy tài sản tịch thu của nhà giàu, điền chủ, cường hào để chia cho dân nghèo, nông dân làm thuê và công nhân. Vì là chiêu bài nên giai cấp công nông đáng thương trong thời kỳ đó đã bị tuyên truyền rồi hưởng ứng và ủng hộ phong trào việt minh vì tưởng mình là lực lượng tiền phong trong sứ mệnh tiêu diệt thực dân Pháp và giải phóng đất nước sau gần trăm năm bị Pháp đô hộ.
Mùa Hè năm 1954, sau ngày đất nước bị chia cắt làm đôi mà ranh giới là sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị, Ba tôi thấy không thể ở mãi trong vùng Hoài Ân là vùng “bị chiếm”, mọi sinh hoạt bị co cụm, giới hạn và các con sẽ không có tương lai. Do đó, ngay sau ngày đình chiến tháng 7/1954, Ba tôi quyết định đưa gia đình xuống Bồng Sơn là vùng quốc gia, an ninh tốt và mọi sinh hoạt đều bình thường. Anh Sáu theo học Trung học Tăng Bạt Hổ tại thị trấn Bồng Sơn được 2 năm thì Ba đổi về làm Trưởng phòng Giải phẫu Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi. Anh Sáu tiếp tục học hết Trung học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi thì ra Huế học Y Khoa (1960-1967) sau 1 kỳ thi tuyển rất cam go. Anh Sáu tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa với Học vị Tiến Sĩ Quốc Gia sau ngày trình Luận án trong năm cuối. Riêng phần tôi, mùa Hè năm 1966, tôi từ Quảng Ngãi ra thi Tú Tài Toàn Phần (Bac.2) tại trường Quốc Học Huế. Tôi đậu ngay trong lần thi nầy. Tôi sống với anh Sáu mấy tháng ở gần Bến Ngự, Huế, vui chơi bên dòng Hương giang, thành Nội. Thấy Huế buồn vì mưa suốt, hơn nữa, không có gì quyến rũ, đam mê, tôi quyết định vào Sài Gòn học Luật tại Đại học Luật Khoa Sài Gòn trên đường Duy Tân cũ, gần Hồ Con Rùa ngày nay. Anh em tôi tạm xa nhau từ đó.
Trong cái nhìn chủ quan của tôi, cuộc chiến tranh đẫm máu 21 năm trên 2 miền Nam Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975 là cuộc chiến tranh ý thức hệ tồi tệ nhất, tàn nhẫn nhất và đau thương nhất. Cuộc chiến gây tổn thất cho cả 2 bên và gây đau thương cho nhiều gia đình có bối cảnh từ cuộc phân ly Nam Bắc và cho cả dân tộc Việt Nam vì tham vọng quá cao của lãnh đạo chính quyền 2 phía. Một bên là Cộng sản miền Bắc với sự viện trợ của khối Cộng sản quốc tế mà đứng đầu là Nga sô, Trung cộng, muốn thôn tính Miền Nam Việt Nam để thống nhất thành 1 nước Việt Nam Cộng Sản theo ý đồ của họ. Một bên là Cộng Hòa Miền Nam, với sự viện trợ của Hoa Kỳ, muốn xây dựng 1 Miền Nam Tự Do Dân Chủ để làm tiền đồn ngăn chận chủ nghĩa Cộng Sản đang có tham vọng bành trướng.
Một bên là cuộc di cư của hơn 1 triệu người từ Bắc vào Nam tìm cuộc sống mới tự do và dân chủ. Một bên là cuộc tập kết từ Nam ra Bắc do Cộng sản miền Bắc phát động, cài người để nuôi dưỡng chiến tranh lâu dài, tiến tới chiến thắng bằng mọi giá. Mình làm dân, đứng ở giữa, chịu sự chi phối của cả 2 bên đối nghịch. Cuộc nội chiến tương tàn, vô nghĩa đè nặng trên vai tuổi trẻ chúng tôi. Dân chúng 2 miền đều phải chịu áp lực của chiến tranh trong cuộc sống thường nhật. Máu đổ, xương tan vẫn là người Việt Nam chung dòng máu và cội nguồn dân tộc. Vì thời cuộc, nhận thấy sự phi lý và vô nghĩa của chiến tranh, sự hiếu chiến của miền Bắc, sự đau thương của đồng bào miền Nam, tháng 10 năm 1968, tôi tình nguyện vào quân ngũ và trở thành Sĩ quan Hiện dịch của Quân Đội Việt Nam Cộng hòa thuộc chính quyền miền Nam. Ra trường đầu năm 1971, tôi phục vụ tại Quân Đoàn 3 và đóng quân ở các tỉnh ven Đô Sài Gòn. Trước đó, vào cuối năm 1967, anh Sáu ra trường Y Khoa và được trưng tập vào Quân đội VNCH, về làm Đại Đội Trưởng Quân Y của 1 Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 22 Bộ binh, trách nhiệm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Pleiku, Kon Tum.
Cuộc tương phùng anh em trong Tổng Y Viện Cộng Hòa tháng 2/1972:
Ngày 8 tháng 2 năm 1972, tôi bị thương nặng vì 1 trái mìn của du kích cộng sản trong 1 lần hành quân gần mật khu Hố Bò, Bời Lời (khu vực ranh giới Hậu Nghĩa- Bình Dương). Trực thăng cứu thương đưa tôi về Tổng Y Viện Cộng Hòa (Bệnh viện Quân Y 175 hiện nay) để cứu cấp và giải phẫu. Nghe tin tôi bị thương nặng, anh Sáu đang ở chiến trường Tân Cảnh, Pleiku, lấy lý do cần có mặt ở Sài Gòn để nhập học khóa Bác sĩ Giải Phẫu Tổng quát của Cục Quân Y, anh Sáu đã xin về gấp Tổng Y Viện Cộng Hòa để kịp khai giảng khóa học và cũng để thuận lợi cho việc trông nom, săn sóc tôi. Nếu như anh Sáu không vào kịp, có lẻ tôi đã chết do 1 mảnh đạn pháo của địch, lớn cỡ 2 ngón tay còn nằm sót 7 ngày trong màng phổi chưa kịp lấy ra, làm phổi bị tràn dịch khiến tôi không thở được trong nhiều ngày.
Mấy tháng sau, Ba Mạ và em gái Ngọc Hoa cũng vào ở luôn Sài Gòn. Gia đình tôi lại có dịp sống đoàn tụ được mấy năm dài cho đến ngày 30/4/1975, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản miền Bắc thôn tính. Cuộc sống gia đình tôi lại bắt đầu đảo lộn theo nếp sống mới trong 1 chính quyền mới. Không phải chỉ mỗi gia đình tôi mà hầu như cả xã hội miền Nam sống chao đảo trong nổi đau của người thua cuộc, nổi đau của người thất thế, sa cơ. Bỗng chốc "được" đổi đời theo cơ chế “tem phiếu” thời bao cấp của chính quyền mới xã hội chủ nghĩa sau mấy đợt đổi tiền và đuổi dân đi Kinh Tế Mới!
Ngày 30/4/1975, anh Sáu đang là Đại Úy Bác sĩ, Trưởng Khoa Ngoại Quân Y Viện Dã Chiến Bình Dương. Chiến tranh như 1 cơn lũ tràn về nhận chìm tất cả. Anh Sáu bỏ tất cả tài sản lại Bình Dương, bỏ nhà, bỏ xe hơi riêng mang bảng số dân sự mà anh vẫn thường lái đi làm. Anh lội bộ về Sài Gòn trong tâm thức 1 sĩ phu bại trận và mất nước. Tôi cũng chịu chung số phận giống như anh. Lúc ấy, cả 2 anh em chúng tôi đều còn độc thân. Ngày 29/4/1975, tôi nhận được lệnh đưa đơn vị di tản từ Hậu Nghĩa về Sài Gòn. Dẫn quân di tản nhưng tự thâm tâm, tôi đã biết đây là lần rút quân cuối cùng. Đạn dược, quân trang, lương thực đã hết. Đồng minh Hoa Kỳ đã cắt hoàn toàn viện trợ thì còn biết đánh đấm với ai khi 20 năm nay phải dựa vào họ mọi mặt. Cả hệ thống quân đội bị tê liệt và tan rã.
Sáng 30/4/1975, tôi về nhà trong vai 1 kẻ thua trận sau lệnh đầu hàng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh phát đi trên hệ thống truyền thanh Sài Gòn.
Hơn 1 tháng sau, anh Sáu và tôi cùng đi trình diện để đi tù cộng sản. Cũng may là các Bác sĩ trong “phe thua trận” được “bên thắng cuộc” nhìn nhận như là tài sản quý giá của xã hội, cần sử dụng chuyên môn nên cho ra tù sớm để làm việc cho các bệnh viện đang thiếu trầm trọng chuyên viên Y Tế. Anh Sáu ở tù hơn 2 năm tại Long Giao thì được về và được bố trí làm việc ở Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định gần nhà. Nghe tin anh Sáu được ra tù, tôi rất mừng. Hơn nữa, anh có việc làm ổn định, sẽ chăm sóc cho Ba Mạ tuổi già và các em, các chị. Tôi thì vẫn còn lê lết qua nhiều trại tù từ Trảng Lớn Tây Ninh qua Bù Gia Mập Phước Long, về Suối Máu Biên Hòa, trại tù cuối là Gia Trung Pleiku trước khi được thả tù vào năm 1981.
Thập niên 1980, chính xác hơn là từ năm 1985, nền kinh tế cả nước được cởi trói một phần sau thời gian dài 10 năm đóng cửa, cấm chợ, ngăn sông làm cho toàn bộ đất nước bị tê liệt trong đói nghèo. Nhiều ngành nghề được phục hồi hoạt động. Anh Sáu ngoài thời gian làm Trưởng Khoa Ngoại ở Bệnh viện X, anh cũng là Giảng viên Y Khoa của Trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Ngoài ra anh cũng có mở thêm 1 phòng khám bệnh tư ở Quận 8. Dân miền Nam lúc ấy có 1 cá tính rất đặc biệt là sau ngày Sài Gòn sụp đổ, họ chỉ đi khám bệnh với các Y Bác Sĩ tốt nghiệp trong chính quyền cũ trước 30/4/1975. Họ hầu như không tin tưởng những Bác sĩ từ Hà Nội đưa vào. Anh Sáu là bác sĩ có tiếng tăm trong Y giới và trong Quân đội VNCH lúc xưa nên phòng khám bệnh của anh rất đông bệnh nhân.
Trong đường đời, lối đi nào cũng có nhiều ngã rẽ, đường đời anh Sáu cũng không ngoại lệ, anh Sáu cũng có ngã rẽ. Anh Sáu lập gia đình với chị Ngọc Lan, quê Long An và sinh được 1 bé trai nhưng vì lý do riêng, chưa thể thưa với Ba Mạ ngay được và cũng chưa thể thổ lộ với ai. Tôi thương anh Sáu lắm, vì là cánh đàn ông với nhau nên tôi rất hiểu tâm tư của anh lúc ấy nhưng cũng chỉ biết câm lặng chờ thời gian vì Mạ tôi rất khó trong vấn đề hôn nhân của con cái. Đã mấy lần vợ chồng tôi có thưa với Mạ để xin đón chị và cháu về, nhưng mấy năm đầu khi nghe tin, Mạ chỉ làm thinh. Mấy người chị cũng có xin nhưng cũng không xong. Mấy năm sau, tôi nhớ là năm 1991, anh chị Sáu mua nhà, dời phòng mạch về nhà mới gần nhà Ba Mạ. Chị Lan và cháu trai cũng thường xuyên về nhà thăm Ba Mạ. Từ đó về sau, tôi mới thấy Mạ thường nói chuyện với chị Ngọc Lan và có phần nguôi ngoai chuyện đã qua vì thương các cháu.
Tháng 8 Năm 2012, tôi từ Hoa Kỳ về thọ tang Thân Mẫu. (Mạ tôi mất tháng 8 năm 2012, đại thọ 102 tuổi). Trong một đêm mát trời, 2 anh em ngồi uống rượu trên sân thượng nhà anh Sáu. Ánh sáng đèn đường xuyên qua bóng lá những chậu kiểng trên sân, hòa trong ánh sáng đèn xe hắt chiếu từ khu ngã tư Bình Hòa khiến sân thượng thêm lung linh. Trong lúc vui chuyện, vô tình tôi có hỏi anh Sáu vì sao khi trưng tập vào Quân Y, anh lại xin chọn về Sư đoàn 22 ở miền Trung mà không làm việc ở Tổng Y Viện Cộng Hòa hoặc các Sư Đoàn quanh Thủ đô Sài Gòn. Anh nói, lúc gia đình mình còn sống ở Hoài Ân, chú (LTD, người viết) còn nhỏ nên chắc không có nhiều kỷ niệm ở đó. Anh thì khác, lúc đó anh đang tuổi thiếu niên nên có rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ với Hoài Ân, Thiết Đính, Đồng Dài, Bồng Sơn. Anh xin về Sư Đoàn 22 là muốn có dịp về lại nơi xưa để xem có gì khác với hình ảnh kỷ niệm còn lưu trong ký ức. Tôi hỏi sau gần 20 năm, anh thấy có gì thay đổi so với lúc xưa không. Anh Sáu ngậm ngùi nói không thay đổi gì nhiều, dân ở đó vẫn sống khổ giữa 2 làn đạn, ban ngày là quốc gia, ban đêm là cộng sản, làng xóm vẫn hoang tàn vì chiến tranh do tham vọng của mỗi bên. Con sông xưa vẫn còn nhưng những đồi sim lúc xưa của chú, những dãy núi xanh lơ anh thường đi chặt củi cho Ba Mạ ngày ấy đã trơ trọi những dãy đồi hoang trọc vì bom đạn 2 bên.
Trong đoạn trước, tôi có đề cập đến vai trò con trai trưởng của anh Sáu trong gia đình. Tôi rất thương anh tôi vì vai trò đó nặng nề lắm mà tôi không chia sẻ được nhiều cho anh. Anh Sáu chăm lo cho Ba Mạ rất kỷ lưỡng và chu đáo, anh Sáu chia sẻ và lo lắng mọi việc với các em. Và dĩ nhiên Anh Sáu là trụ cột của tiểu gia đình của riêng anh. Về sau, Ba Mạ tôi lần lượt ra đi trong tuổi già. Ba tôi mất ở tuổi 96 (năm 2002), Mạ tôi ra đi ở tuổi 102 (năm 2012). Tôi nghĩ Ba Mạ tôi sống thọ chính là nhờ bản thân của Ba Mạ trước, nhưng bên cạnh đó, một phần lớn là do có sự chăm sóc hàng ngày của các con và sự chăm sóc đặc biệt của anh Sáu Bác sĩ. Ba Mạ qua đời, hiện nay anh Sáu và em út Ngọc Hoa lại tiếp tục việc chăm sóc hàng ngày cho người chị thứ ba của chúng tôi là chị bốn Ngọc Xuân đã bước vào tuổi 87 (1936- 2023), chị sống độc thân trong căn nhà cũ mà vợ chồng tôi từng ở nhiều năm lúc Ba Mạ tôi còn sống.
Hiện tại, đang là năm Quý Mão 2023, 9 anh chị em chúng tôi chưa có ai đi theo Ba Mạ để hầu 2 cụ, mặc dù ai cũng đã già. Chị Hai Ngọc Mỹ đã 91, em gái Út cũng đã vào tuổi 70. Anh Sáu đang 84 tuổi và tôi vừa bước qua tuổi 78. Trong nhiều giấc mơ chập chờn những đêm không ngủ, đôi lúc tôi nghe thoang thoảng bên tai, Ba Mạ tôi nói chưa cho phép đứa nào đi theo vì ông bà đang bận đi du lịch đâu đó ngoài địa cầu. Lịnh đã ra hôm nay thì đành chịu vì phải vâng lời Ba Mạ mà thôi. Chuyện ngày mai đâu ai biết ra sao. Ngày tốt nghiệp Bác Sĩ, Anh Sáu đã từng thề trước Đấng Hippocrates và Hải Thượng Lãng Ông, 2 vị tổ sư của ngành Y thế giới và Việt Nam, là suốt một đời sẽ hành xử đúng câu nói của người xưa “Lương Y Như Từ Mẫu”. Anh Sáu luôn làm tròn câu nói đó.
Gánh thêm trên vai trách nhiệm nặng nề với gia đình từ mấy chục năm nay nhưng vẫn chưa được dịp theo cụ Nguyễn Công Trứ để đóng vai kẻ Sĩ trong thiên hạ.
“Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt.
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.”
Anh Sáu tôi từ sau ngày Sài Gòn bị đổi tên, đã không còn tha thiết với hai chữ “kỳ liệt” thì đâu màng hai chữ “chi tiên”.
Lê Tấn Dương
Tháng 2/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét