Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Đại Tướng Đỗ Cao Trí, Danh Tướng Chiến Trường - Trần Quang Khôi

Tiểu sử:
Nơi sinh Biên Hòa, Đông Dương thuộc Pháp. Nơi mất Campuchia
Binh nghiệp:
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Năm tại ngũ 1947-1971
Cấp bậc Đại Tướng (Truy phong)
Đơn vị Liên đoàn Dù Việt Nam Cộng Hòa
Quân đoàn I Việt Nam Cộng Hòa
Quân đoàn II Việt Nam Cộng Hòa
Quân đoàn III Việt Nam Cộng Hòa.
Chỉ huy Quân đội Pháp
<!>
Đại Tướng Đỗ Cao Trí (1929–1971) là Tư Lệnh Quân Đoàn 3, Vùng 3 Chiến Thuật, được đánh giá là vị Tướng chiến trường tài giỏi nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thân Thế và bước vào Binh Nghiệp:
Đỗ Cao Trí sinh ngày 20 tháng 11 năm 1929 tại làng Bình Trước, Biên Hòa, cháu của một vị quan lại triều Nguyễn và là con của một điền chủ giàu có. Sau khi tốt nghiệp Trung Học với bằng Baccalauréat Part II (Tú Tài phần Hai) tại trường Petrus Ký Saigon, gia nhập quân đội Pháp vào năm 1947 và được cử theo học khóa đào tạo sĩ quan Đỗ Hữu Vị tại tỉnh Biên Hòa. Năm 1948, ông tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan người Việt phục vụ trong quân đội Pháp, sau đó được gởi sang Pháp theo học trường đào tạo Sĩ quan Thiết Giáp Saumur và trường Sĩ quan Nhảy Dù Pau ở Pháp. Năm 1949 ông tốt nghiệp và trở về nước.
Sau khi về nước, với sự thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam, Ðại đội 1 Nhảy Dù Phòng vệ Bắc Việt được thành lập, ông được chuyển sang giữ chức vụ Trung đội Trưởng, với cấp bậc Trung úy. Năm 1953, ông tham dự khóa học Chỉ Huy và Tham Mưu tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được thăng chức Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Việt Nam 19 (BVN 19), với cấp bậc Đại úy, và là một trong những Tiểu đoàn Trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc Gia Việt Nam.
Phục Vụ Trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa:

Sau khi thất trận Điện Biên Phủ, quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam theo những điều khoản của Hiệp định Genève, 1954. Ngày 29 tháng 9 năm 1954, quân đội Pháp bàn giao lại Liên đoàn 3 Nhảy Dù lại cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam, tuy nhiên bộ chỉ huy tạm thời vẫn là người Pháp. Khi đó, ông đang là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu Tá. Ngày 1 tháng 5 năm 1955, Bộ Chỉ Huy Liên đoàn Nhảy Dù được chính thức thành lập, ông được cử giữ chức Chỉ huy Trưởng với cấp bậc Trung Tá. Tháng 11 năm 1955 ông được thăng Đại Tá. Quân đội Quốc Gia Việt Nam cải danh thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế, ông nghiễm nhiên trở thành Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Binh chủng Nhảy Dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc chưa đầy 30 tuổi.
Tháng 9 năm 1956, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu vừa mới thành lập (gồm các tỉnh (Kon Tum, Pleiku, Phú Yên, Bình Định). Năm 1958, ông được chuyển sang giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1, dưới quyền Trung Tướng Trần Văn Đôn.
Cuối năm 1958, ông sang Mỹ theo học tại Trường Chỉ Huy&Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1959, ông trở về nước, tiếp tục giữ chức vụ Tham mưu Trưởng.
Năm 1961, ông được chỉ định vào chức vụ Chỉ huy Trưởng Trường Hạ sĩ Quan Nha Trang. Tháng 7 năm 1963, ông được thăng cấp Thiếu Tướng. Tháng 9 năm 1963, ông được đề cử làm Tư Lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh, kiêm nhiệm Xử lý Thường vụ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1.
Tướng Quân Ngoài Vòng Chính Trị:

Tuy không tham gia vào cuộc đảo chính 1963 tại Nam Việt Nam lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngày 2 tháng 11 năm 1963, ông vẫn được các tướng lĩnh chủ chốt của cuộc đảo chính thăng cấp Trung Tướng và được chính thức giữ chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 1 và Vùng 1 Chiến Thuật.
Không lâu sau đó, Tướng Nguyễn Khánh thực hiện cuộc “chỉnh lý” và lên nắm quyền. Ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 2 và Vùng 2, thay cho Tướng Nguyễn Khánh.
Tuy nhiên, ngày 14 tháng 9 năm 1964, ông bị giải nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 2 và Vùng 2 vì bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc chính biến do Trung Tướng DươngVăn Đức cầm đầu nổ ra trước đó 1 ngày. Trong suốt gần 1 năm, ông không được phân công vào bất kỳ chức vụ quan trọng nào. Đến tháng 8 năm 1965, ông bị giải ngũ và được bổ nhiệm làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Hàn.
Trở Lại Quân Đội:
Trong kế hoạch loại trừ thế lực của các Tướng lĩnh ủng hộ Phó TổngThống Nguyễn Cao Kỳ, tháng 8 năm 1968, TổngThống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu hồi và bổ nhiệm Tướng Đỗ Cao Trí thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang giữ chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 3 và Vùng 3, kiêm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Việc lựa chọn tướng Trí là một sự thỏa hiệp vì ông là một tướng lĩnh có uy tín nhưng không tham gia phe phái nào. Chính sự độc lập này đã đưa ông trở lại với binh nghiệp, đồng thời cũng không chịu ảnh hưởng của tổng thống khi thực hiện các kế hoạch tái tổ chức lại binh lực dưới quyền để nâng cao sức chiến đấu, kể cả việc cách chức 2 tư lệnh sư đoàn là người thân tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày 23 tháng 2 năm 1971 ông tử nạn phi cơ trực thăng khi đang thị sát chiến trường Campuchia, sau đó được truy phong Đại Tướng. (Có tin đồn rằng ông bị mưu sát do sự tranh giành quyền lực của chính quyền Sài Gòn). Cái chết của Đỗ Cao Trí để lại một khoảng trống lớn trong cấp chỉ huy chiến trường trong một thời gian dài.

Đỗ Cao Trí được đánh giá là tướng lĩnh có tầm nhìn chiến lược sắc bén, có tài cầm quân, có mưu lược, có dũng khí, có khả năng kích thích tinh thần chiến đấu binh sĩ và không có tham vọng chính trị. Tướng William Westmoreland đã nhận định: “Tướng Trí là một con cọp của chiến trường, một Tướng George Patton (Tướng Thiết Giáp lừng danh Mỹ) của Việt Nam.” Tuy nhiên ông bị phê phán bởi lối sống xa hoa, ngang tàng và bị tai tiếng tham nhũng.
Cái chết đột ngột của Tướng Đỗ Cao Trí vì tai nạn trực thăng ở phía Bắc Tây Ninh trên đường ra mặt trận sáng ngày 23/2/1971 là bước ngoặt của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí là một tài năng kiệt xuất của Quân Lực VNCH. Thật hiếm có một tướng lãnh nào của chúng ta vừa có mưu lược vừa có dũng khí như Tướng Trí. Ông luôn chủ động đánh trúng địch vào chỗ bất ngờ nhứt và luôn xuất hiện ở điểm nóng nhứt trên chiến trường. Nếu Pháp có De Lattre De Tassigny, Mỹ có Patton, Đức có Rommel, thì VNCH chúng ta có Đỗ Cao Trí.
Là Đại Sứ VNCH ở Nam Triều Tiên, Ông tình nguyện xin trở về nước sau Tết Mậu Thân để ra trận ngày 5/8/68, Ông thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang làm Tư Lệnh Quân Đoàn III kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Lúc bấy giờ quân địch ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn. Quân chánh quy cộng sản Bắc Việt xuất hiện ngay trong các trung tâm thành phố lớn như Sài-Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa v.v... và Quân Đội Mỹ phải rút quân từng phần theo Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Tổng Thống Richard Nixon vì áp lực chống chiến tranh của nhân dân Mỹ.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí với tài thao lược xuất chúng, chỉ trong một thời gian ngắn, vừa bình định xong lãnh thổ đem lại an ninh ở nông thôn, vừa mở các cuộc hành quân tấn công liên tục các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt: Công Trường 5 ,7 ,9 , và các Trung Đoàn Địa Phương Việt Cộng ở các tỉnh Biên Hòa, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Tây Ninh, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long và Phước Long, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề buộc chúng phải rút chạy qua trú ẩn trên lãnh thổ Campuchia.

Kể từ tháng 3/1970, Ông đưa chiến tranh ra khỏi lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Ngay sau đó, Ông mở cuộc “Hành Quân Toàn Thắng 42”, phối hợp với Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ, lần lượt bứng tận gốc các căn cứ của Quân Cộng Bắc Việt dọc theo bên kia biên giới Việt-Campuchia ở khu Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu, đồng thời đẩy Cục “R” và các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt lên tận Đông Bắc Campuchia ở Đambe và Chlong.
Thừa thắng xông lên, ngày 18/2/1971, Ông trực thăng vận Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân cùng Ông xuống Chlong, đồng thời điều động LLXKQĐIII và Chiến Đoàn 333 Biệt Động Quân tấn công, chiếm và càn quét Đambe, buộc quân địch phải co về thế thủ.
Nhưng mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất trong cuộc “Hành Quân Toàn Thắng 1/71” này là Kratié, căn cứ chiến lược chủ yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông nói nếu ta chiếm Kratié, chúng ta sẽ cắt đứt con đường tiếp vận huyết mạch chính từ Miền Bắc xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông dự định sử dụng Sư Đoàn Nhảy Dù trực thăng vận xuống Kratié, đồng thời LLXKQĐIII sẽ tấn công từ Chlong lên phía Bắc giao tiếp với Dù ở Kratié. Liên Đoàn 30 Công Binh được lệnh của Ông đã đưa đơn vị cầu vào Đambe chuẩn bị bắc cầu ở Chlong yểm trợ LLXKQĐIII vượt sông.
Ngày 20/2/1971: Ông gặp tôi ở Chlong. Ông lắc đầu, mặt có vẻ buồn rầu lo lắng. Ông cho tôi hay là Sư Đoàn Nhảy Dù đã được Bộ Tổng Tham Mưu điều động ra Đông Hà (tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào), làm đảo lộn kế hoạch hành quân của Ông. Mặc dù vậy, Ông không bỏ ý định đánh Kratié. Ông ra lệnh cho tôi sẵn sàng. Ông định sẽ sắp xếp và điều động 1 trong 3 Sư Đoàn của Quân Đoàn III để thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù trong giai đoạn tấn công tới này.
Chiều ngày 22/2/1971:Vào khoảng 18 giờ, Ông còn bay trên bầu trời Đambe-Chlong gọi tôi trên máy truyền tin hẹn gặp ngày mai tại căncứ hành quân của tôi, Dambe. LLXKQDIII đã được không vận thả dù tái tiếp tế xong xuôi, hàng ngũ sắp xếp chỉnh tề chuẩn bị lên đường. Tôi biết sắp tới là những ngày chiến đấu quyết liệt nhất.

Sáng ngày 23/2/1971: Tôi và Đại Tá Lê Văn Nghĩa, Liên Đoàn Trưởng LĐ 30 Công Binh chờ đón Ông ở Đambe. Sau khi dự buổi thuyết trình sáng ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân QĐ III tại Tây Ninh, như thường lệ, Ông lên trực thăng chỉ huy bay sang Campuchia. Trực thăng vừa cất cánh bay lên hướng Bắc được vài phút thì phát nổ. Tất cả đều tử vong. Ngoài đoàn tùy tùng gồm có Trung Tá Châu, Truyền Tin, Trung Tá Sỹ, Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn, Đại Úy Tuấn, Sĩ Quan Tùy Viên, còn có nhà báo Mỹ gốc Pháp nổi tiếng François Sully và Đại Úy Thành Pilot.
Tin Đại Tướng Đỗ Cao Trí tử trận làm xúc động dư luận trong nước và thế giới. Báo Times và Newsweek loan tin ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của Ông. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu truy thăng Ông lên Đại Tướng. Đại Tướng Creighton Abrams nghiêng mình trước linh cửu Ông.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí sinh ngày 20/11/1929, ở Biên Hòa, tốt nghiệp Trường Võ Bị Coetquidan, Trường Nhảy Dù Pau ở Pháp năm 1949 và tốt nhiệp Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth năm 1959. Ông sống được 42 tuổi. Ông là vị Tư Lệnh Nhảy Dù đầu tiên của QLVNCH. Lúc 34 tuổi, Ông là trung tướng trẻ nhất của Quân Lực chúng ta. Ông đã từng là Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ ở Miền Trung và Cao Nguyên trong 2 năm 1963-64 khi còn rất trẻ, và nổi tiếng điều quân khiển tướng nghiêm minh tài giỏi. Ông vận dụng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy một cách tuyệt vời. Những đơn vị nào do Ông chỉ huy cũng đều có kỷ luật, thiện chiến và lập nhiều chiến công to lớn. Quân cộng sản rất sợ Ông. Chúng tìm cách cho tay sai len lỏi trong hàng ngũ Quốc Gia dèm pha hạ bệ Ông, nhưng vô ích, Quân Lực chúng ta vẫn kính trọng Ông. Ông vẫn cùng với ba quân xông pha trận mạc bảo vệ Tổ Quốc.
Trong buổi lễ xuất quân đánh sang Campuchia của LĐ3KB tháng 1/1971, Đại Tướng tuyên bố là Ông sẽ sống và chết với ba quân trên chiến trường. Ông đã giữ đúng lời hứa. Ông đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Quân Đội và Tổ Quốc.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí là tấm gương chiến đấu sống động nhất cho tuổi trẻ Việt Nam. Ngày nay, sách báo thế giới tự do vẫn ca ngợi Ông là một Anh Hùng Dân Tộc của VNCH. Đại Tướng sống, chiến đấu và hy sinh đúng với danh ngôn của người xưa:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Dân tộc Việt Nam mất đi một Lãnh Tụ Quân Sự vĩ đại, Quân Lực VNCH mất đi một Tướng Lãnh kiệt xuất. Còn tôi, tôi mất đi vị chỉ huy lỗi lạc chưa từng thấy và người bạn chiến đấu tâm đầu hợp ý nhất.

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi
Virginia, 1/11/1995

Không có nhận xét nào: