Con đường nghệ thuật là một cõi mênh mông và vô tận, nhưng mỗi bước đi của nghệ sĩ lại đầy những trắc trở, gian truân! Ngoại trừ một số ít thiên tài xuất chúng, ít có người nghệ sĩ nào mới bước vào nghệ thuật mà thành một ngôi sao tỏa sáng khắp nơi. Những nghệ sĩ chân tài thường đã có khả năng tự bay cao bằng chính đôi cánh mình. Là nghệ sĩ họ phải cố gắng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức nghề nghiệp, miệt mài, hăng say trong công việc trên bước đường văn học nghệ thuật để cống hiến cho đời bằng những sáng tác văn học, hay biểu diễn bộ môn nghệ thuật.
Tôi thường nghĩ: «Một tác phẩm ở bất cứ một thể loại nào dù là văn học hay nghệ thuật, giá trị đích thực không hẳn ở lời khen tiếng chê, mà tùy thuộc vào tác phẩm có thực đi vào lòng người hay không. ... Trong cõi vô tận của nghệ thuật, con người và thiên nhiên chỉ là tác phẩm của thượng đế. Ở cõi nhân gian, người nghệ sĩ sống cùng thiên nhiên nên hòa thiên nhiên với tâm cảnh để sáng tạo cho cuộc đời thêm ý nghĩa và muôn màu».
Ở Sài Gòn trước năm 1975 tôi có quen một số văn nghệ sĩ kẻ viết văn, người làm thơ, người vẽ tranh, người soạn nhạc, người làm ca sĩ, diễn viên điện ảnh..., trong số đó có người đã in được tác phẩm, có kẻ thì không! Có người viết nhiều ca khúc nhưng không phổ biến, có người bán tranh được nhiều nhưng chưa một lần triển lãm! Con đường văn học nghệ thuật mênh mông vô tận, người nghệ sĩ tự mình tìm con đường riêng về chân thiện mỹ để đi, từ đó mọi sự vật trong cõi đời mới có ý nghĩa tinh thần. Sau biến cố năm 1975 người Việt ồ ạt bỏ nước ra đi tìm tự do, chúng tôi là những người đến Paris chậm hơn nhưng cũng đã thành lập hội Văn Hóa VN Cergy năm 1985. Đó là một hội bất vụ lợi theo luật 1901 do chính phủ Pháp quy định, mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Ban chấp hành hội gồm: Nhà thơ Đỗ Bình, GS Trần Văn Sinh, Luật sư Nguyễn Đăng Trình, Dược sĩ Nguyễn Đình Tuấn, nhà xã hội Nguyễn Bằng v.v… Cergy nằm ở phía Tây ngoại ô Paris, lúc xưa là một làng cổ có ngôi giáo đường cổ kính từ thế kỷ 12. Hiện nay Cergy là một thành phố lớn để du lịch gồm một cảng nhỏ của những du thuyền sang trọng, Cergy còn là nơi quy tụ rất nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp.
Thuở chúng tôi đến Cergy đang lúc làng chuyển mình để thành phố lớn nên đã thu hút nhiều dân cư từ khắp nơi đến lập nghiệp. Nhằm khuyến khích sự hội nhập của cộng đồng người Việt, một sắc dân mới trong cộng đồng đa sắc dân gồm người bản xứ. Do đó hội Văn Hóa VN lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bà thị trưởng thành phố, và chính quyền địa phương nên hội được cấp một văn phòng sinh hoạt nằm trong khuôn viên tòa thị chính. Cergy ngày càng phát triển, dân cư càng đông. Để phục vụ nhu cầu tinh thần cho cộng đồng người Việt, chúng tôi đã thành lập một tủ sách nhỏ. Vì số lượng người đọc sách ngày càng nhiều nên chúng tôi đã phát triển cơ sở thành thư viện Cergy với đủ thể loại sách gồm sách Việt, sách Pháp và nhiều sách nước ngoài. Những cộng đồng bạn thuộc các sắc dân khác cũng đem sách đến gởi. Thư viện ngày càng phát triển đòi hỏi nhiều người phục vụ. Vì không đủ nhân sự quản lý thư viện nên chúng tôi đã trao lại thư viện cho tòa thị chính quản lý, hiện nay nó đã trở thành thư viện thành phố. Hội Văn Hóa Cergy cũng giải thể vì không có người tiếp nối!
Luật sư Nguyễn Đăng Trình là một nhà nhiếp ảnh đam mê, ông theo học nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, đó là một trong những người thành lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam và làm hội trưởng từ năm 1952 ở hà Nội. Ông là tác giả cuốn Việt Nam Ảnh Nghệ Thuật, nhiếp ảnh gia Phạm văn Mùi đã từng triển lãm quốc tế và được nhiều huy chương. Được sự chỉ dạy tận tình của GS Phạm Văn Mùi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình từng đoạt giải nhì quốc tế UNESCO 1984, và nhiều giải nhất do các báo chí, truyền hình... tổ chức về nhiếp ảnh tại Pháp. Luật sư Trình khi rời khỏi Việt Nam theo diện chính thức nên ông mang theo được một số âm bản phim, chụp nhiều ảnh Việt Nam trước và sau năm 1975. Qua Pháp ông làm ảnh bằng kỹ thuật mới trong phòng tối và phóng lớn.
Sau cuộc triển lãm Ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình ở viện bảo tàng Nhiếp Ảnh quốc gia ở Bièvres. Có lần tôi với tư cách đại diện Hội Văn Hóa VN Cergy, và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình được mời đến dự khai mạc cuộc triển lãm quốc tế, đó là những giây phút mà chúng tôi có chung một cảm tưởng là bỡ ngỡ vì sự mới lạ trước những kỹ thuật hiện đại quá tân kỳ, đầy sáng tạo được thể hiện trong những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia thế giới. Trong lúc nghỉ trưa, chúng tôi gọi phôn cho một người bạn quen là nhà báo người Pháp., anh ấy đến cùng chúng tôi trở vào phòng triển lãm. Với vai trò là nhà báo anh ấy đã hỏi ý nghĩa những tấm hình của một số tác giả, nhờ đó chúng tôi biết được ý nghĩa đích thực của một số tác phẩm.
Nghệ thuật nhiếp ảnh hôm nay, không phải chỉ dùng chiếc máy thật tốt và kỹ thuật phòng tối được trang bị đầy đủ là chụp ra tấm hình nghệ thuật ? Một tác phẩm ảnh nghệ thuật trong thời đại mới, ngoài tâm hồn và óc sáng tạo nghệ sĩ còn cần những trợ cụ rất tốn kém để tạo thêm cho phong cảnh được dàn dựng theo ý muốn của tác giả. Những tấm hình của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình ngoài phần nghệ thuật đường nét, bóng tối và ánh sáng có những nét độc đáo riêng như các nhiếp ảnh gia khác, ông còn có sự may mắn được những người bạn Pháp yêu con người và nghệ thuật Việt Nam. Nhất là những bức hình đó rất hiếm, dù rằng chỉ là những bức ảnh phong cảnh đẹp, những con ngõ trong xóm nghèo, hay những tấm ản chụp những bà mẹ già, những em nhỏ thân hình gầy guộc vì nhọc nhằn đói khổ được nhiếp ảnh gia ghi lại qua ống kính, và mang ra từ thế giới CS khép kín, được triển lãm trước công chúng Pháp.
Những bức ảnh đó không mang tính chính trị, không phê phán chế độ, nó chỉ là những bức ảnh nói lên sự thật của cuộc sống về một xã hội Việt Nam thời đóng cửa ! Nếu là hôm nay, Việt Nam đã đổi mới, thì những tác phẩm của ông chỉ có giá trị là những tấm ảnh lịch sử, nhưng với số hình đó để được vào triển lãm ở những Salon nghệ thuật ở Paris đã khó, vì rất tốn kém, chứ làm sao vào viện bảo tàng Nhiếp Ảnh quốc gia! Quả thật, có tài những vẫn cần dịp may.
Ngày trước, năm 2000, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Nauy sang Paris triển lãm tranh, ngày đó qua sự giới thiệu của chúng tôi, ông được sự giúp đỡ của ông giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tê Paris đã cho mượn miễn phí một phòng phòng triển lãm và dụng cụ treo ảnh trị giá 20.000 Euros vì qúy tài năng của họa sĩ nghèo.
Năm 1986 hội Văn Hóa VN được mời tham dự Ngày Quốc Tế Văn Hóa Symbiose nhằm giới thiệu văn hóa dân tộc VN với các dân tộc khác sống trên xứ Pháp. Nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Trình được mời làm khách danh dự triển lãm tại Đại Hội Nhiếp ảnh Vương Quốc Bỉ ở Charleroi. Năm 1987 vào triển lãm 2 tháng liền trong Musée Français de la Photographie, Bièvres, do Association Culture Vietnam chủ tịch là Giáo sư Phạm Mậu Quân đỡ đầu bỏ tiền ra in 10.000 tấm bích chương quảng cáo, với chủ đề : Khung Trời Việt Nam. Đây là một vinh dự lớn cho những nhà nhiếp ảnh được trình bày tác phẩm của mình trong viện bảo tàng Nhiếp ảnh. Những người được trúng tuyển đều là những nhà nhiếp ảnh quốc tế, và do quốc gia đề cử, giới thiệu. Chúng tôi được viện bảo tàng nhận cho đem ảnh vào triển lãm vì lúc đó Việt Nam hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới tự do bên ngoài. Những hình ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình mang theo là một không gian Việt Nam nhỏ, thu hẹp, nhờ đó đã mở cánh cửa cho chúng tôi đem hình vào viện triển lãm. Năm 1988 chúng tôi còn được mời sang tận Museum Volkenkude Rotterdam và Museum Groningen Hoà Lan triển lãm 4 tháng liền.
Năm 1988 nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình sang định cư ở Montréal. Ở Canada ông vẫn bấm máy nhưng không còn triển lãm. Thỉnh thoảng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình vẫn sang Âu Châu và ghé Paris thăm tôi bất chợt, có khi vào nửa đêm, có lúc gần sáng. Ông lái xe từ các nước Đức, Bỉ, Hòa Lan đến Paris để mời chúng tôi đi ăn. Có lần ông đến nhằm lúc chúng tôi được mời nói chuyện trong một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật chủ đề: "Chiều Thơ Nhạc Paris" vào ngày chủ nhật 02-06-2013, do Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris tổ chức trong một hội trường nằm trên đại lộ Choisy, quận 13 Paris. Xin trích một đoạn của nhà thơ Nguyễn Mây Thu đăng trên tạp chí Cỏ Thơm ở VA, Hoa Kỳ số 64 Thu năm 2013: “Khai mạc là nghi lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm. Hội trưởng Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris, chị Trần Thúy Phượng cũng là MC ngỏ lời chào quan khách, nói qua về ý nghĩa buổi sinh hoạt chiều nay. Mở đầu diễn giả, nhà thơ Đỗ Bình sẽ nói chuyện về đề tài Những Giai Điệu Vàng. MC cũng giới thiệu những khách tham dự gồm những khuôn mặt nổi tiếng ở Paris. Đặc biệt có khách ở xa về tham dự là Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình, ông là một khuôn mặt nổi tiếng một thời ở Paris và Âu Châu. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng Âu Châu và Quốc Tế”.
Gần cuối chương trình ông được mời lên phát biểu:
“Chúng tôi ở cách đây xa một đại dương hơn mười ngàn cây số, hôm nay được sinh hoạt lại với không khí đầy tình thân ái trong tinh thần văn nghệ sống động. Thật là một duyên may cho chúng tôi, được thấy lại, được sống lại một khoảng thời gian trước kia khi chúng tôi cùng với nhóm anh Đỗ Bình đã triển lãm ở Musée Français de la Photographie, ở Rotterdam, ở Charleroi bên Bruxelles... Tôi xin cảm ơn Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris đã tạo cơ hội cho chúng tôi được sống lại không khí sống động như ngày hôm nay mà ở Montréal chúng tôi không có được như vậy”.
Vào mùa hè năm 2014 tôi được lời mời của anh chị Nguyễn Đăng Trình và nhạc sĩ Lê Dinh ở Montréal, nhưng vì sức khỏe của tôi kém nên ra tới phi trường Charles De Gaulle huyết áp tăng quá cao không thể lên máy bay! Ngày đó tôi thường viết bài cho báo Nghệ Thuật do nhạc sĩ Lê Dinh làm chủ nhiệm kiêm bút. Thuở ấy có lần anh chị Lê Dinh, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, nhạc sĩ Trường Sa qua thăm Paris đã họp mặt cùng chúng tôi: Nhà thơ Đỗ Bình, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên (Trăng Mờ Bên Suối), nhạc sĩ Trịnh Hưng (Lối Về Xóm Nhỏ), nhạc sĩ Mạnh Bích (Thôn Trăng)... Một thời gian sau nghe tin LS Nguyễn Đăng Trình mất! Trước đó hai tuần anh còn phôn nói chuyện với tôi và cho biết sức khỏe của anh rất kém, anh vừa mới ở nhà thương về không biết có thể sống được không! Anh cho biết đã liên lạc và nói chuyện được với nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, hiện anh đang viết dở trên ordinateur về chuyện cuốn bản thảo 5000 câu Lục Bát của Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật. Anh và Nguyễn Hữu Nhật đã quen nhau từ lúc còn trẻ, thuở anh dạy học ở Đà Lạt. Đầu tháng 4 năm 1975 nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đến nhà LS Nguyễn Đăng Trình gởi toàn bộ tập bản thảo Động Đình Hồ gồm 5000 câu thơ Lục Bát cho Nguyễn Đăng Trình nhờ bỏ tiền in giúp. Nhưng những ngày tháng tư tình hình chiến sự ở Miền Nam rất biến động, làm xáo trộn mọi sinh hoạt. 30 tháng tư năm 1975 Sài Gòn đứt phim, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và tôi đi tù. LS Nguyễn Đăng Trình sợ cất giữ tập thơ Tình của «phản động» nên đã gởi cho người cháu gái. Người cháu cũng sợ bị vạ lây vì lưu trữ văn hóa đồi trụy nên đã thiêu hủy! Trong năm ngàn câu thơ lục bát đó, sau này ra hải ngoại nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật còn nhớ ít bài đưa vào tập thơ Đã Đời. Riêng số ảnh triển lãm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình ông tặng tôi mấy bức, tôi còn giữ nhưng ảnh trắng đen đã bạc màu. Tôi còn giữ một ít tranh trên bìa cứng của họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật Sau khi thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật qua đời, ở Nauy nhà văn Trương Kim Anh có gọi phôn cho tôi nói về những bức tranh sơn dầu khổ 2 m của anh, và hỏi tôi có nhờ được ai đến lấy và cất giữ, nhưng số phận của những bức tranh cũng hẩm hiu, cô đơn như tác giả! Vì khổ tranh quá lớn nên không có ai muốn giữ!
Nguyễn Đăng Trình, Nguyễn Hữu Nhật có một thời là những người nổi tiếng, Thơ, Tranh, Ảnh của họ đều được giải thưởng, nhưng thời gian đã làm phai mờ những vì sao năm xưa. Họ đã thành thiên cổ, và những tác phẩm lừng lẫy năm xưa chỉ còn lại những câu chuyện kể.
"Sương mai vướng kiếp bụi trần,
Long nanh trong nắng, hóa, trân châu ngời.
Phù du, một thoáng, chơi vơi,
Vỡ ra trăm mảnh, chắp lời thơ say."
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét