Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

VÀI SUY NGHĨ VỤN VẶT NHÂN NGÀY SANH NHỰT - Võ Kỳ Điền


Tôi vượt biên đến Canada năm 38 tuổi, năm nay đúng 83. Số thì giống hệt nhau nhưng vị trí trước sau đảo ngược, y như trong mấy vở hài kịch diễn viên hay nói tới nói lui. Nhớ lại quá khứ thì đời sống diễn biến như mộng. Thường đêm ngủ một giấc mê man giựt mình thức dậy, vui mừng vì thấy thực và mộng là hai! Đời quả có lúc vui có lúc buồn mà hình như buồn nhiều hơn vui. Cứ trôi lăn như vậy ngày qua tháng lại, người tiếp tục múa may quay cuồng, già nua bịnh hoạn yếu ớt đến hồi nào không hay không biết. Thời gian qua mau, loay hoay cứ thấy sanh nhựt tới. Hồi nhỏ sanh nhựt đến thì vui mừng, về già sanh nhựt đến thì thảng thốt lo sợ giựt mình, đất đã gần lên tới ngực!
<!>
Tuổi già tôi thường hay nhớ về quá khứ, cũng không biết để làm chi. Mà làm gì có tương lai mà nói! Cái quá khứ của thời chiến tranh, khó khăn gian khổ. Thấy người ta sống kèn cựa, ích kỷ, tranh giành, hơn thua, ganh ghét, đố kỵ, quả tình không ưa. Thiệt ra đời là vậy, sống là vậy, đâu có gì lạ mà ngạc nhiên. Tôi vốn thuộc mẫu người tầm thường an phận, sống êm ả trôi theo phận nước như dề lục bình trên sông, lênh đênh sớm chiều không có gì đáng nói hết.

Biến động lớn nhứt đời là ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau đó là cuộc vượt biên gian nan vất vả thảm khốc hãi hùng của cả một dân tộc, miền nào cũng có đủ. Nhạc sĩ Văn Vĩ mù tự nhiên sáng mắt, cây cột đèn bên đường tiếc nuối vì không có chưn để đi. Thời đó, từ đầu làng tới cuối xóm, đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn chuyện vượt biên lén lút xầm xì. Tôi cày cục xin tách hộ khẩu về miệt Bình Tuy - Long Khánh, trên đơn viết tự nguyện xin đi kinh tế mới về quê làm ruộng xây dựng tổ quốc giàu mạnh, công an khu vực cứu xét xong không chấp thuận. Như vậy là tôi để lộ một sơ hở lớn, khá nguy hiểm vì nó đoán được tôi chuẩn bị cho việc vượt biên...
****
Đã trên bốn mươi năm nay, tôi ít khi nào dám nhắc lại chuyện vượt biên ngày đó, cũng vậy thấy có người viết trên báo không dám đọc, thấy trên phim không dám coi. Nhớ lại một giai đoạn đau buồn của đất nước mà vẫn còn run sợ khiếp hãi, vẫn còn mường tượng thấy trên mặt đại dương bao la sóng gió cuồng nộ gầm thét, biết bao nhiêu thảm cảnh kinh hoàng đã xảy ra. Thế hệ chúng tôi đã sống, quả là một thế hệ bất hạnh.

Có một số người đã bình thản nhận định, vượt biên chết chóc, thê thảm, khổ đau cùng cực như vậy, tại sao không chấp nhận ở lại sống an phận, trốn bỏ đất nước ra đi làm chi. Tôi là một trong những người đã quyết định ra đi, chỉ vì một điều thật đơn giản, chim bị nhốt trong lồng, cá bị rộng trong chậu, vật bị giam trong chuồng... con nào cũng cố vùng vẫy để mong sống còn, tìm mọi cách hầu thoát cũi sổ lồng. Con người cũng vậy thôi, đâu có ngoại lệ. Thế mới biết hai chữ tự do quí giá ngần nào, nếu phải đánh đổi thì tự do của con người so ra quí hơn cả mạng sống. Sống mà không tự do thì... chết sướng hơn! Cũng vậy có lần tôi đã viết -có mắt không được nhìn, có tai không được nghe, có miệng không được nói, đó là điều đau khổ nhứt đời người. Đó cũng là lý do hằng triệu triệu đồng bào đã liều chết, bỏ nhà bỏ cửa để ra đi.

Thời đó dân Sài Gòn thường lưu truyền câu nói cửa miệng -"một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con". Chuyện gì mà ai phải nuôi tới nuôi lui vậy? Đó là thiên hạ đã tổng kết ba kết quả của chuyện vượt biên, cũng là nuôi mà có tới ba cách khác nhau. Nếu vượt biên may mắn qua đến được đệ tam quốc gia, con sẽ đi làm gởi tiền về nuôi má. Còn nếu không thành công, bất hạnh mà chết trên biển cả thì con chấp nhận lấy thân xác nầy làm mồi cho cá. Còn nếu xui xẻo bị bắt lại chịu cảnh tù tội giam cầm, thì má phải khổ sở vất vả chịu khổ nuôi con.

Hiện tại trí óc già nua, tôi cũng đâu còn sức lực để làm gì nữa, vả lại chuyện xưa đã là quá khứ, những kỷ niệm chợt biến chợt hiện, lòng xúc động của một ông già sống trong Viện Dưỡng Lão thấy lại chuyện gần nửa thế kỷ trước như cơn ác mộng. Rồi cố gắng chắp nối các dữ kiện lại thử làm một tổng kết vụ vượt biên ngày trước coi sao. Chi vậy, cho qua những lúc rảnh rỗi, dư thừa.

Tôi suy nghĩ kỹ rồi, một người tổ chức thành công hay thất bại, là tùy thuộc vào trí thông minh và nghị lực của họ. Người nào giỏi thì dễ thành công, người nào dở thì dễ thất bại. Dĩ nhiên rồi và phải thêm yếu tố tình cờ may mắn hay xui xẻo xảy ra bất chợt nữa. Yếu tố tình cờ nầy rất quan trọng, chết sống là do nó. Tôi vẫn hằng tin mỗi người đều có định mạng chi phối, là số phận mỗi con người, do Trời Đất sắp đặt. Phật giáo cho là do luật nhân quả kiếp người, các nghiệp quả mình đã tạo tác, nối tiếp nhau trải qua bao kiếp luân hồi vay trả trả vay. Tin hay không tin mà thôi. Điều nầy không thể nghĩ bàn!

****
Trở về chuyện vượt biên. Cái khó khăn nhứt của vượt biên là chuyện trốn lánh công an khi đến bãi đáp. Cái khó khăn thứ hai là tàu ghe bị hư máy, thiếu dầu mỡ, gãy láp gãy chân vịt. Cái khó thứ ba là gặp hải tặc, lạc đường, phong ba bão táp, thiếu hụt nước uống cùng thực phẩm.

Tôi đã lục lọi trong các sách báo, phim ảnh, tài liệu, tìm đọc lại hằng trăm câu chuyện, rồi đúc kết lại những kinh nghiệm đã qua, thấy trong ba cái khó kể trên, hai cái đầu tương đối dễ tránh hơn, có thể tạm khắc phục được, tuy cũng phải len lỏi trốn lánh nhưng đỡ vất vả và lo sợ, vừa tránh bớt được việc bị bắt bớ giam cầm khi đáp bãi, vừa khỏi phải sợ thiếu dầu mỡ, máy móc hư hỏng, các tai nạn mà nhiều ghe thuyền vượt biên gặp phải, không có máy nào mà phải chạy liên tục ngày nầy qua ngày kia lâu trên cả tuần mà không hư.

Điều lo sợ đầu tiên là lúc từ bãi đáp lên ghe lớn. Đa số người mình khi tổ chức vượt biên thường lựa các địa điểm gần sông, gần biển làm bãi đáp. VN mình có trên ba ngàn cây số bờ biển, từ Bắc vô tới Nam. Mình biết vậy thì công an cũng biết vậy, công an VC đâu có ngu. Mà khi vượt biên thì đâu phải chỉ có năm ba người, một ghe phải chứa cả mấy chục hoặc mấy trăm, dân thành phố lại quen quần là áo lượt, làm sao mà không bị lộ, làm sao mà không bị bắt!

Muốn tránh việc nầy, hay nhứt là đi đường bộ kết hợp với đường thủy. Tôi đọc được một câu chuyện của ông Dương Hoài Nam như vầy, có tổ chức sắp xếp đi ngã lên Châu Đốc, tìm cách vượt biên qua Campuchia. Biên giới ở đây dễ qua lắm, chuyện canh gác lỏng lẻo, chỉ có một đoạn sông nhỏ và vài cánh rừng chồi. Lính cảnh sát Miên đen đúa coi bặm trợn nhưng hiền và dễ hối lộ. Sau đó đi ghe lên Nam Vang. Đến xứ Miên tuy cũng phải trốn lánh nhưng tương đối dễ dàng hơn, đàn ông ăn mặc quần áo nón mũ bộ đội đi chơi ngoài phố không ai xét hỏi, không nguy hiểm khó khăn như bên VN mình. Từ Nam Vang tổ chức đưa người xuống tỉnh Kampot bằng ba xe bộ đội Molotowa do một trung úy giả chỉ huy qua các trạm xét, đi tới hải cảng Sihanoukville rồi từ đó lên ghe qua Thái Lan, đoạn đường gần lắm chỉ một đêm một ngày là tới. Tuy là đi ngã Campuchia nhưng sau đó lên ghe vượt biên qua Thái thì dễ hơn đi đường bộ nhiều.

Đi đường bộ ngã Campuchia để đến biên giới Thái Lan là cực kỳ khổ sở và nguy hiểm vì đoạn đường đầy chông gai trắc trở, năm phe bảy phái các cứ từng vùng miền, cướp bóc, hãm hiếp, cái chết lúc nào cũng kề cận, bọn lính tráng miệt nầy coi mạng người trốn lánh như cỏ rác....

Điều lo sợ thứ hai là máy móc ghe tàu hư hỏng. Các chuyến vượt biên bị máy hư thì nhiều lắm. Mười ghe thì hư máy phải chịu cảnh gió dập sóng dồi trên biển tới năm, sáu. Đi trên một tuần thì dễ bị hư máy. Cứ hình dung ra thì sẽ thấy ngay. Máy dầu tốt cách mấy mà phải chạy liên tục ngày nầy qua ngày kia, thì liệu chạy được mấy ngày. Rồi khi trốn lánh lén lút có đem theo đủ dầu, đủ nhớt không mà chạy mãi. Máy hư, thiếu dầu, thiếu nhớt, chết máy là lẽ đương nhiên. Có một vị sĩ quan hải quân ở Saigon được nhờ lái chiếc ghe vượt biên nhỏ, ông dặn chủ tàu nhớ đem xăng dầu, nước uống, thực phẩm, thuốc men đầy đủ cho chuyến đi cùng vài cây tre lớn và dài, vài tấm poncho nhà binh... Đến khi ghe ra khơi, ông hỏi ông chủ tàu, sao không thấy tre cùng tấm poncho. Ông chủ tàu nói mấy thứ đó ông không thấy cần thiết lắm nên không để ý làm chi. Vài ngày sau, ghe chết máy thả trôi dập dềnh trên sóng nước. Mọi người trên ghe chỉ biết niệm Chúa, niệm Phật. Vị sĩ quan từng lái tàu sắt lớn vượt đại dương, có đủ hải bàn, hải đồ, hiện tại chỉ một ước ao nhỏ phải chi có tre làm cột, có poncho làm cánh bườm cũng giải quyết được chút ít gì trong lúc khó khăn, giờ thì cũng đành chịu bó tay, mòn mỏi chờ tàu Ile de Lumière hoặc tàu Cap Anamur đến cứu vớt nhân đạo!

Như vậy để giải quyết cái rắc rối máy móc nầy, cách dùng thuyền buồm như ngày xưa là tương đối ổn nhứt. Bà Nguyễn Ngọc Mai gốc người Cam Ranh đi từ Phước Tỉnh, với chiếc thuyền buồm ra cửa biển Vũng Tàu trong 5 ngày 6 đêm, tất cả đến được trạm tỵ nạn Pulau Bidong Mã Lai khỏe mạnh an lành. Trên ghe chở được 157 người, mỗi ngày được ăn cháo lõng và uống ba nắp chai nước ngọt. Đi thuyền buồm thì không phải lo sợ chuyện hư máy hoặc thiếu dầu. Khoang thuyền lại rộng rãi sạch sẽ có đủ chỗ mà chứa nước, chứa thực phẩm... Chỉ cần có người biết cách lái ghe, đổi hướng buồm khi trời trở gió. Các ngư phủ ngày xưa miệt Móng Cái, Quảng Ninh, Hải Phòng rất quen thuộc việc nầy.

Trong hằng trăm câu chuyện mà tôi đọc được, tôi thích nhứt chuyện vượt biên bằng xuồng của người bạn trẻ tên Phước Canada. Nếu không coi và nghe thấy chính bạn trình bày trên youtube thì tôi không thể nào tin được. Cho vàng tôi cũng không dám đi như vậy. Làm sao mà tin cho nổi, chuyện vượt biển lớn bằng xuồng tam bản của sông rạch miền Nam. Tôi coi đi coi lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng thì phục bạn Phước Canada và năm bạn kia... sát đất!

Thuở đó, bạn Phước còn đi học, độ chừng 17, 18 tuổi, đã qua Miên vượt biên đường bộ một lần, thất bại trở về. Gia đình nghiêm cấm và kiểm soát không cho đi nữa, trong túi lại không có tiền nhưng trong bụng lúc nào cũng ước ao được đi ra nước ngoài, sẽ đứng cạnh xe hơi đẹp chụp hình để khoe lối xóm.

Một hôm đứng bên quán nước thấy anh bạn lái chiếc xuồng bán nước đá, nước ngọt ở các kinh rạch miệt sông nước, ghé ngang. Phước bèn vọt miệng rủ anh bạn dùng chiếc xuồng tam bản nầy để vượt biên. Anh bạn nghe xong khoái chí, đồng ý liền, không cần biết chiếc xuồng của mình có ra nổi tới cửa biển hay không. Chuyện kinh thiên động địa sống chết như vậy mà hai ông thần nói như nói chuyện giỡn chơi. Mà thực sự là như vậy. Bạn Phước cũng kỹ lưỡng kêu bạn Nhẫn chủ ghe dặn dò, nhớ mua thêm một máy Kolher 4 mã lực để gắn thêm trên xuồng... cho đủ sức mạnh! Trời đất ơi, thông minh hết biết! Như vậy là chiếc xuồng nầy sẽ vượt biển bằng hai cái máy đuôi tôm như xuồng buôn bán miệt chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp chúng ta thường thấy. Khi Phước và Nhẫn bàn bạc chuyện ra đi thì có vài bạn lối xóm nghe được nằng nặc đòi theo. Cuối cùng thì trong chuyến đi trên ghe đếm tới sáu người. Buổi tối sắp khởi hành mới chợt nhớ ra trên ghe chưa có nước uống cùng đồ ăn đi đường. Cả bọn vội ghé chợ Vĩnh Thuận để mua ngay một mớ mì gói, vài trái dừa để uống nước và bánh lá dừa để ăn trong những ngày lênh đênh trên biển. Đâu có tiền mà mua nhiều, chỉ được chút ít thôi. Cứ như vậy mà liều mạng đi đại, vậy mà chỉ có 4 ngày 5 đêm họ đã tới được bến bờ Mã Lai bình an vô sự. Bạn thân ơi, bạn có tin được không? Các bạn có tin được không?

-Viết ngang đây khiến tôi chợt nhớ cô bạn quen biết dân Sài Gòn, gốc trường Tây, con nhà giàu học rất giỏi, vượt biên đếm đủ tất cả 19 lần đều thất bại mất hết tiền của, bao nhiêu lần vào tù ra khám, cuối cùng phải nhờ người thân bảo lãnh mới qua được đến Mỹ sau gần cả chục năm sống khổ sở gian nan. Vậy thì làm sao giải nghĩa được chuyện giỏi dở, giàu nghèo ở trường hợp nầy.

Tôi cũng thấy trong youtube có cậu bé tên Hồng Thiệu Trác 12 tuổi ở Nha Trang, có cha là đại diện Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở thành phố Nha Trang thường xuyên đi về Đài Loan, gia cảnh khá giả, trong cơn binh loạn năm 1975, khi chạy về Cam Ranh bị lạc mất gia đình, đành phải chịu cảnh nghèo khó tang thương, lang thang ở thành phố Sài Gòn. Một đêm đi lượm lon phế thải để bán kiếm sống bên bờ sông Bạch Đằng bị đám người vượt biên xô đẩy lôi kéo lên một chiếc ghe nhỏ rồi ùa nhau leo lên một tàu sắt lớn đậu ngoài khơi. Cậu ta hoàn toàn không biết lên tàu để làm gì và đi tìm tự do là tìm cái gì. Bảy tám ngày trên tàu không ăn không uống, may nhờ có một cơn mưa lớn, lấy áo thấm nước mà uống cầm cự. Vậy mà cậu bé cũng tới được nước Mỹ và sau đó một tình cờ may mắn gặp được người thân, rồi bảo lãnh được cả gia đình đoàn tụ.

Để tạm kết luận bài viết nầy nhân ngày sanh nhựt, chuyện vượt biên, chuyện đất nước, chuyện đời người, thành công hay thất bại, tốt xấu, hay dở, sang hèn, tôi đoán là tất cả là do... trời định! Thi hào Nguyễn Du cũng đã từng nói:

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

VÕ KỲ ĐIỀN
Brossard, QC, le 31 oct 2024

Phụ chú:

nguồn youtube

I -Vượt biên bằng thuyền buồm: tg Bà Nguyễn Ngọc Mai
https://www.youtube.com/watch?v=IMIDhBOiQew


II -Vượt biên bằng xuồng: tg Phước Canada

https://www.youtube.com/watch?v=rNaNSxO3qQc

 

III -Lần cuối cùng vượt biên:
1- Vượt biên qua Miên rồi lên thuyền qua Thái Lan. tg Dương Hoài Nam

https://www.youtube.com/watch?v=-e-IamqjLTM


2 -Vượt biên bằng buồm đến Pulau Bidong. tg Vũ Đoàn
https://www.youtube.com/watch?v=-e-IamqjLTM


IV -Cậu bé 12 tuổi thất lạc gia đình, vượt biên sống sót: -tg Ông Hồng Thiệu Trác
https://www.youtube.com/watch?v=6FjeeEKVTjw

Không có nhận xét nào: