Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử - Nguyễn Quang Dy

Nếu “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” (theo Clausewitz) thì đối ngoại “là cánh tay nối dài” của đối nội. Điều đó càng đúng đối với Mỹ, vì hệ thống bầu cử rất phức tạp, mà nếu không hiểu được thì rất khó lý giải và dự báo về chính sách đối ngoại. Cứ bốn năm một lần, người Mỹ bầu lại Tổng thống, và chiến lược an ninh – quốc phòng lại được điều chỉnh. Nhiều nước đang theo dõi sát sao cuộc bẩu cử Tổng thống Mỹ để tránh bị động và bất ngờ trước điều chỉnh chính sách của chính quyền mới, đặc biệt là nếu Donald Trump thắng cử.
<!>
Tuy đó là đặc thù của nền dân chủ Mỹ, nhưng người Mỹ có xu hướng ngày càng ít quan tâm đến chính trị. Thường chỉ có khoảng 60% người Mỹ đi bầu. Nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này đang làm dư luận quan tâm hơn, vì kết cục sẽ tác động rất nhiều đến tương lai nước Mỹ và thế giới. Ứng cử viên của Đảng Dân chủ (Kamala Harris) và Đảng Cộng hòa (Donald Trump) có nguồn gốc xuất thân rất khác nhau với triển vọng “chưa từng có”. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đến ngày cuối vẫn bất ngờ và kịch tính, sát nút và khó đoán.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù ứng cử viên nào làm Tổng thống Mỹ thì chính sách đối ngoại với khu vực Đông Nam Á cũng khó thay đổi, vì yếu tố cạnh tranh Mỹ-Trung. Nhưng dư luận đang lo ngại nếu Donald Trump thắng thì nhiệm kỳ mới của ông càng khó lường và dễ rủi ro. Nếu Kamala Harris thắng thì chắc không có thay đổi đáng kể so với chính quyền Biden. Bài này tóm tắt một số dự báo về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới chính quyền Harris hoặc Trump, chủ yếu về khu vực Đông Nam Á, liên quan trực tiếp đến Việt Nam.

Yếu tố Trung Quốc

Khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) Tháng Mười 2023, dư luận ngạc nhiên vì phản ứng của Trung Quốc không quá mạnh như trước. Có thể lý giải Việt Nam đã khéo léo lấy lòng Trung Quốc bằng nhiều thỏa thuận với “ngoại giao cây tre” nên cái giá phải trả “rẻ hơn nhiều” so với cái đạt được. Cách lý giải đó đúng nhưng không đủ, vì Trung Quốc không ngây thơ. Dư luận cho rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn về cả kinh tế và chính trị. Nếu làm căng quá với Việt Nam có thể sẽ “già néo đứt dây”.

Gần đây, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy chỉ số kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, một phần do hệ quả của đại dịch, một phần do những bất cập của hệ thống làm điều hành kinh tế kém hơn. Vị thế của Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng XX, và nhất là sau Hội nghị Trung ương 3, không mạnh như người ta tưởng. Tập càng củng cố quyền lực cá nhân thì càng làm suy yếu bộ máy điều hành. Tập càng tìm cách hạ thấp vai trò của Đặng Tiểu Bình nhằm nâng cao vai trò của mình, thì nội bộ càng phản ứng mạnh. Đó là một nghịch lý.

Tuy Mỹ đã “xoay trục sang Châu Á” (Asia Pivot) dưới thời Obama, và đề xướng chiến lược “Ấn Độ dương-Thái Bình dương Tự do Rộng mở” (FOIP) từ thời Trump, nhưng các nước ASEAN cho rằng Mỹ vẫn không coi trọng khu vực này. Tổng thống Mỹ thường không đến dự họp Cấp cao ASEAN. Gần đây, cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông càng làm cho Mỹ bị chi phối bởi các khu vực khác. Theo Joshua Kurlantzick (Council on Foreign Relations) “có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chiếm ưu thế” ở khu vực này.

Ngay khi vừa lên cầm quyền (2017) Trump đã quyết định rút khỏi TPP, tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy. Ví dụ, các dự án BRI như đường sắt Trung Quốc-Lào, đường sắt Trung Quốc-Thái Lan, và đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Biden khởi xướng tiến triển chậm. Theo Kurlantzick, trong bốn năm qua “Mỹ thiếu một chính sách thương mại thống nhất với châu Á”. Nếu Trump thắng cử, ông có thể rút khỏi IPEF như TPP.

Theo một khảo sát của Viện ISEAS (Tháng Tư 2024), có 50.55% người dân ASEAN được hỏi đã chọn Trung Quốc chứ không chọn Mỹ. Đây là lần đầu tiên từ 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ. Dư luận nghi ngờ tổng thống mới của Mỹ (từ sau 2025) có thể đảo ngược được xu hướng này. Trong khi đó, 79% người Việt được hỏi lại ủng hộ việc ngả theo Mỹ. Tuy Đông Nam Á được coi như trụ cột quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà ASEAN là trung tâm, nhưng Washington cần thuyết phục ASEAN bằng hành động cụ thể.

Theo Benjamin Sacks (Rand Corporation) “Bất kể là Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền, Biển Đông vẫn là một trong những mặt trận được ưu tiên của chính phủ Mỹ, tuy mức độ ưu tiên của hai ứng cử viên tổng thống có thể khác nhau”. Trong khi Harris có thể kế thừa chính sách của Biden nhằm duy trì khuôn khổ hợp tác đa phương, Trump có thể tập trung vào quan hệ hợp tác song phương. “Còn quá sớm để nói liệu bà Harris sẽ theo đuổi cách tiếp cận mạnh hơn hay yếu hơn so với ông Biden”. (BBC News, October 31, 2024).

Theo Joshua Kurlantzick (Council on Foreign Relations), “Nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump có thể khiến căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, tới mức các chính phủ Đông Nam Á, vốn khôn khéo trong việc giữ vị thế trung lập lâu nay, cũng khó có thể tránh khỏi sức ép phải chọn phe”. Đồng thời, nếu Donald Trump lên cầm quyền, Washington có thể áp thuế quan lên các nước xuất khẩu lớn tại Đông Nam Á, vì khả năng ông Trump giành được sự ủng hộ từ các quốc gia này là khá thấp” (Japan Times, May 8, 2024).

Theo các chuyên gia, có hai lý do khiến phản ứng của Trung Quốc không quá hung hăng dưới thời chính quyền Trump. Thứ nhất, Trung Quốc sợ tính cách khó lường của Trump, tuy điều đó có thể gây khó khăn cho cả đồng minh và đối tác của Mỹ. Thứ hai, Đảng Cộng hòa có nhiều chuyên gia quân sự hiểu biết về Trung Quốc. Với tính cách thực dụng của Trump, dư luận cho rằng chính quyền mới của Trump có thể yêu cầu Đài Loan, Philippines, và Việt Nam mua nhiều hơn vũ khí của Mỹ, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.

Benjamin Sacks cho rằng chính quyền Dân chủ hay Cộng hòa đều phải đối phó với Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan, Philippines, Việt Nam. Hà Nội sẽ giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam có lịch sử phức tạp với hai nước lớn, đang tìm cách hợp tác để phát triển kinh tế và củng cố địa chính trị. Hà Nội có vẻ thích Harris hơn, nhưng dù ai làm tổng thống thì Hà Nội cũng phải tăng cường quan hệ với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi tìm cách định vị Việt Nam như một cường quốc khu vực.

Cây tre Việt Nam

Theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) bà Harris sẽ tiếp tục những gì mà ông Biden đã và đang làm. Với cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác có thể được Washington quan tâm trong thời gian tới. Ông Trump không đánh giá cao vị thế trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. “Rất có thể ông Trump sẽ coi trọng cán cân thương mại hơn” (BBC News, 21 Tháng Mười 2024).

Nếu Việt Nam có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ, Trump sẽ có hướng tiếp cận thiên về thương mại. “Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần mọi thứ có thể thay đổi nếu ông Trump được bầu làm tổng thống. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không có hiệp ước có thể bị thay đổi theo ý muốn của tổng thống”. Thái độ cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc cũng có thể tác động tới chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Theo Nguyễn Khắc Giang (Fulcrum, 22 July 2024) sự gia tăng quyền lực của ông Tô Lâm có thể mở đường cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người đàn ông cứng rắn. Ông Trump chắc sẽ tiếp tục xu hướng tăng cường quan hệ mà ông Biden đã thiết lập với Việt Nam, đặc biệt là đối tác chiến lược toàn diện. “Hà Nội sẽ phải suy nghĩ kỹ về cách tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt thương mại tiềm tàng của chính quyền Trump.”

Trong khi Biden coi trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trump có thể không dễ như vậy. Kurlantzick đề cập tới khả năng Trump có thể áp thuế quan cao lên các nước Đông Nam Á vì tin rằng họ đều giao dịch “không công bằng với Mỹ”. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 97 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ đạt 13,82 tỷ USD, thặng dư 83,18 tỷ USD, gấp khoảng 2-3 lần so với 2018.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc và áp mức thuế đồng loạt từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu. Robert Lighthizer đã nói với các nhà đầu tư rằng Trump có thể công bố mức thuế 60% với Trung Quốc và mức thuế 10% sau khi nhậm chức. Nếu Việt Nam không cung cấp đủ bằng chứng đã tạo ra giá trị gia tăng ở mức 35% trở lên, Mỹ có thể áp dụng mức thuế cao hơn với Việt Nam.

Theo Rana Mitter (chuyên gia về Trung Quốc), “đánh thuế 60% lên mọi hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ”. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng bà Harris và ông Trump đều cứng rắn. Tuy nhiên, nếu Harris thắng thì quan hệ có thể sẽ phát triển một cách tuần tự và có trật tự như hiện nay, không có thay đổi lớn hay đột ngột. Nếu Trump thắng, đó sẽ là “một kịch bản khó đoán hơn”.

Lời cuối

Cách đây tám năm, trong loạt bài viết về “hiện tượng Trump”, tôi có nhận xét rằng dù Trump thắng hay thua thì chủ nghĩa Trump (Trumpism) vẫn tồn tại trong lòng nước Mỹ. Không có Trump này thì sẽ có Trump khác. Vấn đề là bối cảnh nào và nguyên nhân gì đã dẫn đến hiện tượng đó. Nói cách khác, đó là “nguồn gốc của chủ nghĩa Trumpism” (sources of Trumpism). Điều đó lý giải vì sao một nửa nước Mỹ vẫn bầu cho Trump. Nếu Trump thua thì những người ủng hộ Trump có thể phản ứng như vụ bạo động 11 Tháng Một 2021.

Bốn năm trước, những người ủng hộ Trump đã dùng bạo lực để lật lại kết quả bầu cử. Rút kinh nghiêm, lần này an ninh được xiết chặt, nhưng không loại trừ hành động quá khích của những người ủng hộ Trump nếu ông thua. Tuy hàng triệu cử tri đã bầu cử sớm, nhưng phải đợi sau ngày 5/11 mới biết kết quả. Ngoài bầu Tổng thống, tất cả 435 ghế tại Hạ viện và 34 trong số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Sẽ là điềm xấu cho Đảng Dân chủ nếu Nhà Trắng cũng như đa số Thượng viện và Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tướng bốn sao nổi tiếng của Mỹ từng giữ trọng trách trong chính quyền Trump (như Mark Milley, Jim Mattis, John Kelly, Stanley McChrystal, William McRaven) và người đứng đầu các cơ quan an ninh-tình báo của Mỹ, đều cho rằng Trump là phát xít đầy nguy hiểm. Các bác sỹ tâm thần hàng đầu cho rằng Trump là một tội phạm bệnh hoạn. Nhưng một nửa nước Mỹ vẫn bầu cho Trump, không phải một lần, mà là ba lần. Đó không chỉ là vấn đề về tổng thống Mỹ, mà còn là vấn đề về cử tri Mỹ.

Nguyễn Quang Dy 

Không có nhận xét nào: