Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 1111/2024 - Loan My


Mỹ : Trump toàn thắng ở 7 bang "chiến trường", đảng Cộng Hòa tiến gần đa số ở Hạ Viện Ông Donald Trump giành chiến thắng ở bang Arizona sau khi kết quả kiểm phiếu được AP công bố ngày 09/11/2024. Với 312 đại cử tri, ứng viên đảng Cộng Hòa toàn thắng ở 7 bang « chiến trường » (swing state). Ông Trump được tổng thống mãn nhiệm Joe Biden mời đến Nhà Trắng ăn trưa thứ Tư 13/11. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa cũng đang tiến gần đến đa số ở Hạ Viện sau khi đã chiếm được Thượng Viện.
<!>
Theo AFP, trong tân chính phủ của ông Trump, ngoài bà Susie Wiles, « kiến trúc sư » của chiến dịch vận động tranh cử, được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Nhà Trắng, có thể Robert F. Kennedy Jr., cháu của cố tổng thống bị ám sát, sẽ được giao phụ trách mảng y tế và tỉ phú Mỹ Elon Musk được giao trọng trách tái tổ chức chính quyền liên bang. Tên của cựu ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu đại sứ Nikki Haley tại Liên Hiệp Quốc đã bị loại khỏi danh sách.

Cho dù kết quả ở Hạ Viện vẫn chưa chắc chắn vì hiện còn 20 ghế chờ phân bổ, nhưng đảng Cộng Hòa chỉ còn cách đa số có 5 ghế. Kết quả này sẽ củng cố thêm chiến thắng của đảng Cộng Hòa trong đợt bầu cử lần này.

Thất bại của đảng Dân Chủ do tâm trạng chán nản với chính quyền mãn nhiệm
Về thất bại của đảng Dân Chủ, có rất nhiều yếu tố giải thích nhưng về cơ bản là tâm trạng muốn bác bỏ chính quyền hiện tại, theo ghi nhận qua phóng sự của đặc phái viên RFI Aabla Jounaïdi tại Detroit, bang Michigan :

« Đúng ngày họp chợ ở Detroit. « Trời nắng và mát mẻ », thời tiết hoàn hảo cho Colson, một người Mỹ gốc châu Phi, đi bán hàng ở chợ từ vài chục năm qua. Bà Kamala Harris, cũng như những ứng viên khác, đều không có được niềm tin của ông. Ông không đi bỏ phiếu và giải thích : « Kamala Harris, lẽ ra bà ấy phải tấn công trực diện Donald Trump và kết quả của ông ấy. Lẽ ra bà ấy phải nói : « Ông đã cầm quyền 4 năm và ông chẳng làm gì cả ! Ông không nên được tái đắc cử ! » Dù sao tôi cũng không tin là người ta sẽ để một phụ nữ da đen giành chiến thắng. Chúng tôi đã may mắn có Obama, tôi rất hài lòng. Nhưng để một phụ nữ lên nắm quyền thì lại hơi quá đối với một số người ».

John, chủ một trang trại ở miền nam Michigan, nhận thấy giỏ hàng của khách ngày càng giảm đi. Ông cho rằng các mặt hàng tăng giá là do chính phủ mãn nhiệm. Ông nói : « Tôi không đi bầu cử. Tôi không thích tình cảnh nền kinh tế hiện giờ. Phần lớn là do những việc mà Kamala Harris và Joe Biden đã làm. Vì thế, tôi không nghĩ nền kinh tế sẽ tìm lại được sức mạnh trước đây nếu bà ấy làm tổng thống ».

Sabrine, một phụ nữ trẻ trùm khăn đã bỏ phiếu cho Jill Stein, ứng viên đảng Xanh, để không phải bỏ phiếu cho Kamala Harris. Cô giải thích : « Tôi không muốn liên quan đến một người nào đó ủng hộ diệt chủng, chủ yếu là vậy. Vì tôi vẫn đi thực hiện quyền của mình nên tôi đã bầu cho Stein ».

Chiến tranh của Israel ở dải Gaza và Liban, được Washington ủng hộ, đã đè nặng lên quyết định của rất nhiều cử tri Ả Rập và theo đạo Hồi ở bang Michigan ».

Trump tái đắc cử : Từ kinh tế đến đối ngoại, ảnh hưởng to lớn của Elon Musk
 
Donald Trump tiếp tục cân nhắc về chương trình hành động sắp tới của mình cũng như là về những người có thể giúp ông thực hiện chương trình hành động đó. Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong số này hiện có một nhân vật đang có tầm ảnh hưởng lớn với Donald Trump : Chủ nhân tập đoàn Tesla, ông Elon Musk. Không chỉ về kinh tế và ngân sách, tỷ phú giầu nhất nước Mỹ còn có một tiếng nói quan trọng cả trong các vấn đề quan hệ quốc tế và chiến lược.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích :

« Tầm ảnh hưởng đôi khi chỉ đơn giản là một cuộc gọi điện thoại. Giống như là điều đã diễn ra giữa Donald Trump và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Đó là hôm thứ Tư, và trong khi ông Trump nói chuyện với tổng thống Ukraina về mối hợp tác tương lai và cuộc chiến tranh mà ông ấy đã hứa là sẽ chấm dứt nhanh chóng, Donald Trump đã đưa điện thoại cho Elon Musk.

Người này là ông chủ tập đoàn Starlink, hãng cung cấp Internet qua vệ tinh cho quân đội Ukraina và Elon Musk trong quá khứ đã từng dọa ngưng cung cấp dịch vụ này cho Kiev. Dù cuộc điện đàm lần này dường như không có các lời dọa dẫm, nhưng sự việc cho thấy rõ tầm quan trọng của Elon Musk trong việc ra quyết định của Trump, ngoài cả thắng lợi bầu cử của ông ấy. Trong cuộc bầu cử này, Elon Musk đã đầu tư hơn 100 triệu đô la.

Theo New York Times, nhà tỷ phú Mỹ đã đề nghị chính phủ liên bang, kể cả trong bộ Quốc Phòng tuyển dụng nhiều quan chức cao cấp từ tập đoàn phóng tàu vũ trụ SpaceX, mà một trong những khách hàng lớn nhất của họ chính là quân đội Mỹ.

Donald Trump đã hứa trao cho Elon Musk một nhiệm vụ để nghiên cứu các hướng tiết kiệm ngân sách liên bang. Lĩnh vực này Elon Musk cũng tham gia vào bởi vì nhiều công ty của ông sẽ được hưởng lợi. Chắc chắn những cắt giảm này sẽ không là ưu tiên hàng đầu như ông đề xuất. Thị trường chứng khoán đã không nhầm lẫn. Từ khi Trump đắc cử, giá cổ phiếu các hãng Elon Musk đã tăng vọt và tài sản của ông đã tăng thêm 20 tỷ đô la trong vài giờ. »

Qatar xác nhận tạm ngừng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas
 

Ngày 09/11/2024, Qatar xác nhận tạm ngừng làm trung gian hòa giải giữa Israel và lực lượng Hồi Giáo Hamas Palestine để đi đến ngừng bắn ở dải Gaza và trả tự do cho các con tin. Ý định này đã được Qatar thông báo cho các bên liên quan vào cuối tháng 10 và nhấn mạnh « chỉ nối lại đàm phán khi các bên tỏ thiện chí và nghiêm túc ». Tuy nhiên, văn phòng của Hamas ở Doha vẫn được duy trì, theo thông cáo của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Qatar.

Khi trả lời thông tín viên RFI Alice Froussard, nhiều người Palestine ở vùng Cisjordanie cho biết thông báo của Qatar không khiến họ ngạc nhiên vì họ « không còn tin vào đàm phán » mà trông đợi vào hành động nhiều hơn, ngừng chiến để « những vụ thảm sát như này chấm dứt ». Về phía gia đình 101 con tin bị Hamas giam giữ ở Gaza từ hơn 400 ngày qua, họ vô cùng lo lắng và tiếp tục biểu tình đòi trả tự do cho các con tin vào tối 09/11, không xa tư dinh của thủ tướng Netanyahu.

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết chính phủ Israel hoan nghênh quyết định của Qatar nhưng truyền thông cho rằng chính quyền Doha vẫn có thể thay đổi quyết định :

« Trong liên minh chính phủ Israel, đặc biệt là bên phe cực hữu, người ta hoan nghênh quyết định của Qatar. Họ cho đó là một diễn biến có thể có tác động quan trong đến cuộc xung đột ở Gaza và trong toàn khu vực.

Nhưng sáng nay, các nhà bình luận nhấn mạnh rằng chính quyền Doha vẫn có thể thay đổi quyết định. Nói một cách khác, Qatar chưa hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Họ nới tay theo yêu cầu của chính quyền Biden. Nhưng còn phải chờ xem liệu các nhà lãnh đạo Hamas có rời hẳn thủ đô Qatar để đến một địa điểm khác hay không. Mục đích của hoạt động này là thúc đẩy một thỏa thuận cho phép thả một số con tin, đặc biệt là những người có quốc tịch Mỹ.

Nhiều cơ quan truyền thông ở Israel nhấn mạnh rằng các quan chức Israel sẽ không thay đổi quan điểm trước khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Và trong khi chờ đợi, thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra một đề xuất mới : trao 5 triệu đô la cho mỗi con tin được trả tự do và cho phép những kẻ bắt cóc đến tị nạn ở một nước thứ ba ».

Cùng với Mỹ và Ai Cập, Qatar đã tham gia vào quá trình đàm phán suốt nhiều tháng qua nhằm chấm dứt cuộc chiến tàn phá dải Gaza sau vụ Hamas tấn công Israel và sát hại hơn 1.000 người ngày 07/10/2023 đồng thời vẫn giam giữ hơn 100 con tin. Lệnh ngừng bắn duy nhất đạt được vào cuối tháng 11/2023 và chỉ kéo dài một tuần, cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào dải Gaza và trả tự do cho một số con tin.

Để chặn nguồn hỗ trợ của Hamas, Mỹ tiếp tục oanh kích kho vũ khí của lực lượng Houthis ở Yemen. Kênh Al-Massira của Houthis đưa tin về 3 vụ tấn công trong đêm 09-10/11 nhắm vào nhiều khu vực ở thủ đô Sanaa, Yemen. Trả lời AFP, một sĩ quan Mỹ cho biết các loại vũ khí tối tân bị quân đội Mỹ không kích vẫn thường được Houthis sử dụng để tấn công tàu dân sự và quân sự ở Hồng Hải và ở vịnh Aden.

APEC 2024 : Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
 

Hôm nay, 10/11/2024, tuần lễ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 được bắt đầu tại Lima, thủ đô Peru, với sự tham dự của đại diện đến từ 21 quốc gia trong khu vực, trong đó có sự hiện diện của nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo trang Bernama, đây là lần thứ ba quốc gia Nam Mỹ này, với khoảng 34 triệu dân, chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC. Nhân thượng đỉnh này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tại Lima và sẽ ký kết một thỏa thuận tăng cường trao đổi tự do mậu dịch và khánh thành cảng biển rộng lớn Chancay do tập đoàn Trung Quốc Cosco Shipping Port điều hành.

Tuy nhiên, thông tín viên đài RFI, Martin Chabal từ Lima ghi nhận Peru tổ chức thượng đỉnh APEC lần này trong bầu không khí bất bình ở trong nước :

« Đối với Peru, sự có mặt của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden là một sự kiện lớn. Tại đây, Trung Quốc hy vọng củng cố tầm ảnh hưởng của mình tại hai châu lục bị ngăn cách bởi đại dương. Ông Tập Cận Bình sẽ khánh thành một cảng biển khổng lồ của Trung Quốc, do một doanh nghiệp Trung Quốc ở phía bắc Lima khai thác. Một trong những cảng biển lớn nhất Nam Mỹ này sẽ cho phép Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa của mình sang khu vực.

Tại một những chuyến công du sau cùng trước khi đến Brazil dự hội nghị G20, Joe Biden chắc chắn sẽ nỗ lực trấn an Đài Loan. Thắng lợi bầu cử vừa qua của Donald Trump có thể tạo ra một động lực mới trong khu vực, không nhất thiết là có lợi cho Đài Loan trước Trung Quốc.

Cuối cùng là vai trò của Nga trong hội nghị cấp cao APEC lần này. Đây là câu hỏi lớn vào lúc sự kiện bắt đầu hôm nay. Thứ Sáu, 08/11, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, thông báo sự tham dự của phó thủ tướng Nga Alexei Overchuk mà không biết rõ là ông ấy sẽ có những chương trình gì ở đó. Người ta cũng không biết là tổng thống Nga Vladimir Putin có sẽ gởi một thông điệp gì đến đồng nhiệm Mỹ hay không.

Về phần mình, Peru – nước chủ nhà, có nguy cơ đối mặt với một cuộc biểu tình và những cuộc đình công lớn. Người dân Peru, bất bình về chính sách do nữ tổng thống Dina Boluarte tiến hành trong nước, đã kêu gọi phong tỏa đất nước nhân kỳ thượng đỉnh ».

Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Quốc


 
Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hãng TSMC của Đài Loan, ngừng vận chuyển các lô hàng linh kiện bán dẫn tiên tiến cho các khách hàng Trung Quốc, thường được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Lệnh cấm có hiệu lực ngay từ ngày mai 11/11/2024.

Reuters hôm nay, 10/11/2024, dẫn một nguồn thạo tin cho biết bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã gởi thư đến hãng Taiwan Semiconductor Manufactoring Co – TSMC, áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc đối với một số loại chip tinh vi, có thiết kế tiên tiến 7 nanomet, để cung cấp năng lượng cho bộ tăng tốc AI và bộ xử lý đồ họa (GPU).

Yêu cầu này được đưa ra sau việc cách nay vài tuần TSMC thông báo cho bộ Thương Mại biết rằng một trong số các linh kiện bán dẫn của họ đã được tìm thấy trong bộ xử ý AI của Huawei. Hãng tin Anh cho biết không thể xác định được con chip này đã xuất hiện trên chip Ascend 910B của Huawei như thế nào. Chúng được phát hành ra thị trường vào năm 2022, và đây được xem là loại chip AI tiên tiến nhất hiện có từ một công ty Trung Quốc.

Lệnh cấm mới này sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty và cho phép Hoa Kỳ thẩm định liệu các công ty khác có chuyển hướng chip sang Huawei để sản xuất bộ xử lý AI cho họ hay không. Theo nguồn tin trên, TSMC sau khi nhận thư yêu cầu từ Mỹ đã thông báo cho những khách hàng bị ảnh hưởng rằng họ sẽ đình chỉ chuyển giao các lô hàng chip bắt đầu từ ngày mai, 11/11/2024.

Bộ Thương Mại và TSCM từ chối bình luận về vụ việc. Hãng linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới này chỉ cho biết thêm rằng TSCM tuân thủ pháp luật, cam kết tuân thủ mọi quy tắc và quy định hiện hành, kể cả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện hành.
Biển Đông : Trung Quốc xác quyết ranh giới lãnh hải gần bãi cạn Scarborough
Ngày 10/11/2024, Trung Quốc tái khẳng định đường phân định lãnh hải gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines. Tuyên bố được Bắc Kinh đưa ra chỉ hai ngày sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ban hành hai đạo luật củng cố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Trong thông cáo ngày 10/11, được AFP trích dẫn, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết chính phủ đã « phân định và công bố ranh giới lãnh hải gần Huangyan Dao », tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough, còn Philippines gọi là Bajo de Masinloc. Vẫn theo thông cáo, « đây là một biện pháp đương nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý hàng hải một cách hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ chung ».

Bãi cạn Scarborough cách bờ tây Philippines 240 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 900 km. Nằm trong khu vực giàu nguồn thủy sản, bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012. Tuy nhiên, Philippines « vẫn thường xuyên điều quân đội và tàu tuần duyên, cũng như máy bay » đến khu vực và bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc cáo buộc trong một thông cáo ngày 10/11 là « thâm nhập gây bất ổn và khiêu khích ».

Hai ngày trước, tổng thống Philippines ký ban hành hai đạo luật : Luật Vùng biển (Maritime Zones Act) và Luật Đường biển của quần đảo (Archipelagic Sea Lanes Act) xác định phạm vi lãnh hải của Philippines cũng như các vùng biển mà nước này có các quyền được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Theo trang Philippines News Agency, Mỹ và Úc đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Philippines. Ngày 09/11, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Matthew Miller nhấn mạnh « Luật này xác định vùng biển nội địa, vùng biển quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ». Ông khẳng định « việc Philippines thông qua Luật Vùng biển là vấn đề thường lệ và làm rõ hơn luật hàng hải của Philippines ».

Không có nhận xét nào: