Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Viên đạn chót - Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác (TRE Magazine)


Năm đó tôi dự một chuyến săn đặc biệt trong cánh đồng cỏ tranh; nói là đặc biệt vì 9 tay súng chúng tôi chẳng ai phải đi bộ, tất cả đều được cưỡi trên lưng voi. Khi những con vâm này đã thuần thục thì ngồi trong bành đan bằng tre, vững chãi trên lưng con vật, giong ruổi trong rừng, ngoài nội, thực thú vị. Đàn voi dàn hàng ngang, thong thả bước một, giữa hoa đồng cỏ dại, dưới ánh nắng dịu sớm mai, trong mùi hương nồng ngát mùi thông, mùi trắc, mùi long não của cao nguyên. Đàn giẽ, đa đa, chốc chốc lại vọt lên cao kêu cheng chéc rồi là ngang ngọn cỏ, làm thành những đích tuyệt vời cho các tay súng tha hồ nhả đạn. 
<!>
10 con thỏ rừng, dăm chú cáo lưng đỏ sắc lá mùa thu, thấy động, vuột khỏi hang, chạy quàng, để rồi trúng đạn nằm quay ra đó, phơi bụng trắng nõn, lấp lánh ánh nắng.

Chúng tôi băng ngang cánh đồng tới ven sông. Ở đó cỏ rậm hơn, tươi hơn, hy vọng gặp được nai, hoẵng hay báo không chừng.

Không may cho tôi, mới theo dọc sông khoảng hơn cây số, người bạn ngồi chung bành voi với tôi vô ý để súng cướp cò… Viên đạn lướt sát vành tai phải làm tôi choáng người, một bên tai lùng bùng như có người gõ trống bên trong, nhức nhối không thể tả được… Tôi độ chừng màng nhĩ bị rách mất!

Thế là suốt chuyến săn, tôi chỉ ngồi bưng tai, mong cho chóng được về nhà để vào bệnh viện.

Viên bác sĩ chuyên môn không làm gì giúp tôi được:
– Lá nhĩ nát rồi… Sợ còn làm mủ trong tai nữa. Phải đợi ít lâu xem sao… Ông chỉ cần nghỉ ngơi là đủ…

Nghỉ ngơi!… Nghề làm gỗ của tôi nghỉ ngơi là hết vốn ngay. Đã không có gì nguy hiểm, tôi cũng chẳng cần!… Tôi nghĩ vậy nên lại rời bệnh viện trở về cao nguyên ngay.

Tôi sở dĩ thuật lại chuyện này, không phải để các bạn phàn nàn cho tôi, nhưng vì cái đau tai bất ngờ ảnh hưởng sâu đậm tới chuyến săn cọp gian nan của tôi sau đây.

Về cao nguyên chưa đầy 3 bữa, tôi đã nhận thư mời của viên kiểm lâm. Ông ta ít khi giao thiệp với ai, đã đạt giấy mời là có chuyện cần. Tôi lên ngựa đi ngay… Tôi có cảm tưởng hơi mất thăng bằng mỗi khi phải trở mình hay quay người ra sau, tôi cho đó là do vết thương trong tai gây ra, nên cũng chẳng quan tâm. Viên kiểm lâm niềm nở lắm:
– Ông Kim… Việc này phải nhờ tới tài thiện xạ của ông mới xong…

Tôi đoán ra ngay việc gì rồi: Trăm lần như một, gặp hổ báo phá phách, bắt gia súc, nhất là vồ người, ông ta lại cậy tôi thanh toán giùm … Cũng có dăm tay súng khác, nhưng họ đều ít kinh nghiệm, nên thường thường bao giờ cũng đến tôi phải lội suối trèo đèo, hạ cho được con vật, mới yên.

Lần này, theo ông, con cọp cái ở Bản-then đã vồ tới ngót 40 người. Các tay thợ rừng trong vùng chẳng ai làm gì nổi nó… Viên kiểm lâm nâng ly rượu mạnh mời tôi:
– Giá ông ghi thêm con ác thú này trong bản thành tích thiện xạ của ông, thì dân chúng nhớ ơn ông lắm đấy!…

Tôi nghĩ đến cái tai đau… Biết đâu công việc săn đuổi hấp dẫn này chẳng giúp tôi quên đi ít lâu nỗi nhức nhối hành hạ tôi đêm ngày … Phải, biết đâu đấy!

Viễn ảnh tươi đẹp ấy khiến tôi chỉ từ chối lấy lệ, để khỏi mang tiếng tự phụ, và tới khi viên kiểm lâm nhấn mạnh về món tiền thưởng, tôi làm ra vẻ miễn cưỡng phải nhận vậy!

Tôi đem theo 3 người Thượng ở Bản-then ngay tuần sau.

Khu vực hoạt động của con hổ cái chạy dài hết mặt Bắc rừng núi án trước dãy Trường Sơn. Miền này vắng hoe, phải vượt khoảng 40 cây số đường rừng mới lên tới buôn Thượng đầu tiên.

Dân chúng chẳng có bao nhiêu, tập trung trong vài mươi nóc nhà sàn, chênh vênh như những tổ chim trên sườn non. Sự niềm nở thành thực của họ khiến tôi quên đi phần nào nỗi vất vả lúc đi đường. Điều này cũng không lạ: cả năm nay họ khiếp đảm vì con hổ cái mất rồi!… Mới bữa trước, con ác thú vừa vồ chết một người đàn bà cắt cỏ tranh. Xác chết còn bỏ đó, chưa ai nghĩ tới chôn cất… Vả lại cũng chẳng còn gì để ma chay; 4 trai tráng từ phía đó về, nhìn tôi, lắc đầu:
– Chỉ còn có hàm răng thôi, hà!… Cái cọp nó ăn hết hồi hôm rồi!

Tôi nghĩ thầm:
– Như vậy có thể là con cọp lớn lắm, hoặc hai ba con không chừng.

Theo kinh nghiệm của tôi, thường thường cọp chỉ ăn hai đùi, còn bao nhiêu kéo vào bụi dành cho bữa sau, trừ trường hợp cọp cái đang nuôi con… Nó tha những miếng ngon về, nếu cọp non chưa rời ổ; hoặc dẫn luôn tới đó nếu sắp nhỏ bắt đầu tập săn … Đây là cọp cái, nên tôi độ chừng có cọp non đi theo.

Dù sao, tôi cũng muốn chứng nghiệm xem mình đoán có trúng chăng; tôi bảo viên tù trưởng:
– Dẫn tôi lại đó được không?

Lão chưa biết chọn ai dẫn đường, thì một gã Thượng trẻ măng, chừng mười sáu mười bảy tuổi chạy ra:
– Để tôi đưa thầy… Tôi biết rành mà!

Lão già nhấc thanh lao gỗ mun, có mũi sắt đưa cho gã:
– Thằng Ri đi thì được rồi … Cẩn thận nghen!

Rồi lão quay lại tôi:
– Ri nó là con mụ Na… người bị cọp vồ bữa qua đó, thầy cứ theo nó.

Tôi ngắm kỹ Ri: nó vạm vỡ như người lớn, trong ánh mắt non dại của gã có chút gì cương quyết lạ lùng, nửa thách thức, nửa liều lĩnh … Mối thù giết mẹ đang nấu nung lòng gã chăng?

Dù sao, có người dẫn đường như vậy, tôi có thể yên tâm được.

Ri dẫn tôi băng qua khoảng rừng thưa, cách đó non cây số, tới chỗ sườn núi loáng thoáng cỏ tranh với ít nhiều bụi gai. Gã trỏ vào đó, mặt buồn thiu:
– Nó vồ mạ tôi dưới khóm mây kia …

Đoạn gã thủ thỉ:
– Chẳng ai thấy bóng cọp thầy ạ… Nhưng tôi biết nó còn quanh đâu đây… Ban sáng lúc xuống núi tôi nghe hoẵng kêu dữ lắm … Rồi lát sau, có tiếng vượn rú!

Gã đoán vậy là phải: tuy đôi khi hoẵng gặp người, hay thấy động bất ngờ cũng kêu, nhưng con vượn khác hẳn, nhất là loại vượn đen, có túp lông bạc phơ giữa đỉnh đầu – dân trong miền thường kêu là lọ nồi – loại này lì lắm, đôi khi gặp người không buồn chạy, nhưng thoáng thấy hổ báo là thét ré lên ngay.

Tôi nghĩ thầm: nếu quả thực Ri nghe vượn hú, có thể con hổ cái quen mùi, lại tới đây rình người không chừng … Đã vậy tôi làm một vòng rừng xem sao.

Tôi quay lại Ri:
– Chú dám đi với tôi không?
– Đi đâu, thầy?

Tôi chỉ lên sườn núi:
– Đi tìm hổ … Chú vừa nói nó còn quanh đâu đây thôi.

Ri tròn mắt:
– Thầy tính đi 2 người sao?

Tôi cười, vỗ vào cây súng khoác trên vai:
– Đây một người nữa là 3… Đủ hạ cọp rồi.

Lúc ấy tôi mới nhớ ra trong túi chỉ có 3 viên đạn, cộng với 2 viên trong nòng súng là 5. Tôi tính ra thăm nơi hổ vừa vồ mồi rồi về, nên chẳng đeo dây lưng đạn theo làm gì cho mệt.

Tôi còn lưỡng lự, Ri đã rẽ bụi gai tiến lên trước:
– Nếu vậy để tôi dẫn thầy đi…

Chỉ những ai đã sống trong một vùng có cọp ăn thịt người, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng vì những hình ảnh chết chóc ghê rợn, mới đánh giá được cái can đảm của gã Thượng trẻ măng này.

Tôi bảo gã:
– Tai tôi nghe không rành đâu … Có thấy gì khác, nhớ thì thào vào phía tai phải, nghe không!

Chúng tôi thận trọng tiến lên sườn núi, vừa đi vừa rẽ đám lá rậm rạp, đôi chỗ lẫn những khóm mây, khóm mái, cây vươn dài, đầy gai, móc vào quần áo như nhíu mình lại. Đi được non cây số, bỗng có tiếng chim cà cưỡng – một loại sáo rừng, đen như mun, có hai chiếc lông đuôi dài xòe ra như lông công – từ phía trước vẳng lại … Ri ra hiệu cho tôi đứng yên lặng, rồi lặng lẽ rạp người, trườn mình như rắn bò, luồn qua lớp cỏ tranh, biến vào trong bụi rậm.

Một lúc sau, gã mới quanh lại, vẫy tôi bò theo:
– Cẩn thận nha… Phía bên kia sườn đồi có dấu cọp đó.

Tôi nhoai theo gã tới mệt gần đứt hơi, đến khoảng rừng thưa trông xuống ngọn đồi cách đó khoảng hơn trăm thước.

Ri ghé sát tai tôi:
– Thầy nhìn kỹ đi … Chỗ có tảng đá đó … Có phải cọp nằm không?

Tôi chịu gã là tinh mắt. Nhưng vị tất đã đúng cọp, cũng có thể là khóm lá úa, hay con mang, loại nai nhỏ xíu, lông đỏ màu gạch … Muốn biết rõ, chúng tôi phải rẽ sang cánh rừng phía trái, rồi bò ngược lên vài chục thước nữa.

Khi tới sát cây lim ngoài bìa rừng, tôi mừng tới độ trống ngực rồn rập như trống làng … Ngay trên lớp cỏ xanh mướt, sau vài phiến đá lớn, một đôi cọp nằm duỗi dài, tắm nắng…

Tôi ước chừng còn cách độ trăm thước, có khi không tới nữa … Nhưng bắn con nào trước đây?

Ri ghé tai tôi:
– Thầy hạ con nằm gần, nghe tiếng súng con ngoài xa chạy tuốt vô rừng mất … Mà bắn con kia thì con này chồm lại phía ta không chừng …

Gã nói có lý… Tôi đủ thì giờ nổ hai phát mà, miễn sao chúng đừng đổi vị trí là được!

Tôi lặng lẽ tựa mu bàn tay trên mô đất, ghì chắc cây súng, nhắm thực kỹ vào giữa ngực con hổ nằm xa nhất, bình tĩnh nhả đạn … Tiếng nổ khá lớn, vang dội cánh rừng. Tôi không thấy con thú trúng đạn giãy giụa, nhưng con cọp nằm gần đó nhổm phắt dậy, chồm lên mỏm đá, ngoảnh đầu lại nhìn bạn… Nó ngạc nhiên nhiều hơn sợ hãi, nên đứng đờ ra đó, trong một dáng điệu đẹp tuyệt vời… Tôi thoáng nghĩ tới bức tranh tàu “Anh hùng độc lập” vẽ con hổ dũng mãnh trên phiến đá, dưới cội tùng già … Nhưng đồng thời tôi cũng thấy con vật đứng nghiêng người như vậy là một cái đích rất thuận tiện cho tôi.

Tôi bấm cò lúc nào không hay… Qua làn khói súng mờ nhạt tan thực nhanh như vệt sương lam, tôi trông rõ con hổ cất hai cẳng trước như muốn nhảy lên cao, khựng lại, rồi ngã vật xuống chân mỏm đá … Nỗi ngạc nhiên của tôi không sao tả nổi – không phải vì hai phát súng tài tình – nhưng vì ngay chỗ con thứ nhất trúng đạn, cỏ tranh rung lên, uốn lượn như sóng cồn: như vậy là có con gì đang rẽ cỏ chạy trốn. Tôi không trông rõ, chỉ biết con vật đang chạy ngược lên đồi … Nửa phút sau, tới chỗ đồng trống cách tôi khoảng hai trăm thước, con hổ thứ ba xuất hiện … Tôi đã theo dõi sẵn nên không để mất thời giờ, cũng chẳng rõ mình nổ súng thế nào, chỉ thấy con hổ rúm người lại, lăn ra đó.


Như vậy là 3 phát trúng cả 3.

Trong một lát, con vật nằm yên, đầu ngoẹo sang một phía. Nhưng rồi vì đồi dốc nên nó từ từ tụt xuống hai chân choãi ra trước, như lướt trên cỏ rậm… Được cái nó chỉ tụt một quãng rồi vướng vào gốc táo gai, mọc cách chân đồi vài thước. Giá không có cây táo, thế nào con vật cũng rớt xuống ngách núi liền đó.

Tôi bình tĩnh chờ đợi, ngón tay đặt trên cò súng… Nhưng con hổ không nhúc nhích chút nào, như vậy là chết tươi rồi, không hồ nghi gì nữa.

Kể ra, nhác trông, 3 con hổ có vẻ to lớn bằng nhau; nhưng với con mắt nhà nghề, tôi thấy ngay đó là 3 mẹ con. Gã thiếu niên Thượng nhổm dậy từ lúc nào, gã bảo tôi:
– Vùng này không sẵn hổ lắm đâu… Trong 3 con, thể nào cũng có con hổ cái ăn thịt mạ tôi…

Gã vỗ tay reo lên như trẻ nít, chiếc lao nhọn trong tay bay vút về phía đôi hổ chết … Tôi đoán chừng chiều nay gã tha hồ ba hoa về chuyến săn đặc biệt may mắn của gã với tôi và đám thanh niên Thượng sẽ coi gã là tay dẫn đường cừ khôi nhất vùng không chừng!

Tôi mời gã điếu thuốc:
– Ta cứ việc ngồi nghỉ một chút đã… Còn sớm mà!

Thực ra, tôi mừng chẳng kém gì gã: mới trong hai giờ đồng hồ đầu tiên vừa đặt chân tới đây, tôi đã thanh toán xong lũ hổ tác quái trong vùng từ mấy năm nay.

Ngoài cái thú say sưa của con nhà săn bắn khi nâng súng, nhả đạn, tim hồi hộp như nhảy khỏi lồng ngực, còn có cái thoải mái khỏi phải cực nhọc theo dấu một con hổ bị thương trong rừng rậm … Thứ công việc này chẳng thú vị chút nào, thợ săn lành nghề đến đâu cũng ngại… Một con hổ bị thương nguy hiểm bằng cả đàn hổ lành, họ nói vậy không ngoa.

Tôi đang khoan khoái với khói thuốc, bỗng có cảm tưởng thân con hổ vừa chết có vẻ như hơi di chuyển … Có thể máu dồn về tim, nửa thân trước nặng hơn, con vật chúi đi chăng? Tấm thân óng mượt của con vật rời gốc cây, từ từ tuột dần, tuột dần, tới sát hẻm núi. Khi nó bắt đầu rớt xuống khoảng vách đá dốc thẳng đứng, tôi bắn theo một phát … Bắn chơi cho vui, cho thỏa chút hào hứng trong lòng vậy thôi, chứ tôi thừa biết con hổ chết đứ đừ rồi… Tôi nghe tiếng cành cây gãy, rồi tiếng thân thể nặng nề rơi mạnh … Như vậy cũng tiện cho tôi kéo xác con vật về, tôi nghĩ vậy.

Hút xong điếu thuốc, tôi lững thững tiến lại chỗ đôi hổ chết. Mới bước vài bước, tôi nghe tiếng Ri gọi giật giọng:

– Thầy coi kìa… Con…con… hổ!

Tôi nhìn theo hướng tay gã, ngay phía bên kia hẻm núi, trên sườn đồi đối diện, một con hổ đang khó nhọc lết từng bước… Tôi có cảm tưởng nó què một chân thì phải, vì cứ 3, 4 bước lại dừng một chút, đầu gục xuống một cách thảm não … Phía vai phải của con vật loang rộng vệt máu đỏ thẫm… Như vậy đúng con hổ tôi vừa bắn rồi!

Chuyện xảy ra thực lạ lùng: tôi không hiểu sao con vật hồi sinh lại được. Có thể viên đạn đụng vào xương, nhưng không phá mạnh chỉ làm nó ngất lịm hồi lâu, đến khi bị rớt, nó bất ngờ tỉnh lại, gây cho tôi một ngạc nhiên chẳng thích thú chút nào. Nhưng tôi còn đủ thì giờ làm cho xong công việc dở dang này…

Tôi lặng lẽ nâng súng lên vai, tựa nòng súng vào thân cây thông kề bên, nhắm thực chính xác. Tôi chờ lúc con hổ dừng bước mới nhả đạn… Thời gian viên đạn vượt khoảng cách vài trăm thước từ tôi tới đích, tưởng chừng lâu vô tận … Cuối cùng một chút bụi đỏ tỏa lên: như vậy là tôi nhắm cao quá, viên đạn bay qua đầu con vật.

Có tiếng xuýt xoa của Ri phía sau. Tôi bật cười:
– Chú khỏi lo… Phát này không chệch đâu!

Khi điều chỉnh xong, chỉ cần viên đạn nữa là đâu vào đấy, con vật chạy đằng trời cũng không thoát khỏi tay tôi.

Nhưng viên đạn cần thiết ấy, tôi lại không có. Trong lúc cao hứng, tôi trót phí phạm bắn chơi khi con vật tuột xuống khe núi, thành thử bây giờ nòng súng trống trơn, tội chưa!

Tôi đành trơ mắt ra đó, nhìn con hổ bước một ngược sườn đồi. Con vật thủng thỉnh như dạo mát, ngoảnh nhìn tứ phía chán, rồi mới tập tễnh vào rừng.

Thực chua xót cho tôi!… Tưởng ăn chắc mười mươi, ai ngờ!

Dù sao, uy tín của tôi cũng không vì vậy mà giảm sút: tôi còn hai con hổ nằm kia! Đó là đôi hổ khá lớn, nhưng rõ ràng còn non. Vậy chắc chắn con hổ bị thương kia là mẹ chúng, là con hổ ăn thịt người cần phải diệt cho bằng được… Vậy mà tôi để nó thoát!

Dân chúng ở Bản-then tuy chưa hết lo, nhưng cũng vui mừng lắm. Viên tù trưởng hí hửng:
– Đôi cọp này có ăn thịt người rồi … Mẹ nó tha về mà sau này lớn lên lại quen bắt người thôi hà!… Thầy hạ được là may cho dân lắm … Có một con còn khổ, nữa là 3 con!

Rồi lão quay lại phía nhóm đông tụ tập bên xác đôi cọp:
– Nay mai thầy bắn nốt con hổ mẹ nữa là xong, ta lại đi rừng được rồi!… Khỏi lo!

Lão coi đó là chuyện dĩ nhiên, nhưng thực ra là cả một vấn đề cực nhọc cho tôi, như các bạn sẽ thấy trong chuyện con cọp cái ở Bản Then.

Không có nhận xét nào: