Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Hôm Nay, Cả Nước Mỹ Mừng Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ! Dâng Hương Cho Các Tử Sĩ VNCH, Tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa VN. Và Vài Tin Cộng Đồng - Lê Văn Hải


Sinh Hoạt Lạ! Nhiều Ý Nghĩa! Dâng Hương Cho Các Tử Sĩ VNCH, Tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa VN. Nhân Ngày Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Ngày 11 Tháng 11/2024 (Minh Bang) Kính tường trình đến: Các Chú, Các Bác trong Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali. -Ngày 11 tháng 11 là ngày Lễ Cựu Chiến Binh, cũng là dịp Nhớ Ơn Người Chiến Sĩ VNCH, nhưng vì rơi vào ngày thứ 2, nên buổi dâng hương tưởng nhớ Tử Sĩ, được thực hiện vào ngày Chủ Nhật 10 tháng 11/2024.
<!>
Nhờ sự đóng góp của Ân Nhân hải ngoại, các chú, bác bên Liên Hội yểm trợ, nên mới có cơ hội tổ chức buổi thắp hương này. Các TPB, các CQN đại diện cho binh chủng HQ, KQ, TG, BB, ĐPQ, BĐQ, DÙ, QGNT, và Hậu Duệ đã tề tựu bên Nghĩa Dũng Đài, dâng hoa quả, thắp nhang, và cầu nguyện các Tử Sĩ được siêu thoát.
Không ngờ có nhiều các Tình Nguyện Viên đến trợ giúp. Lần dâng hương này rất ý nghĩa vì đủ đại diện cho mọi binh chủng QLVNCH. Ý nghĩa nhất là có 2 anh, một anh bên Dù và một anh bên BĐQ đã nhận lời mời, đi dự buổi lễ dâng hương tại NTQĐ BH sau hơn 50 năm. Lý do các anh không quay lại là, vì dĩ vãng đau thương, các anh đã từng ôm xác đồng đội, đưa về NT, ký ức quá đau buồn nên các anh không muốn trở lại NTQĐ BH nữa. BTC có mời hai ba lần, hai anh không chịu đi, nhưng mời đến lần thứ tư, các anh nhận lời, cứ nghĩ các anh hứa suông, nào ngờ các anh đi thật, có lẽ hương hồn Tử Sĩ phù hộ.

Trong lúc dâng hương, tụi an ninh chìm 6 người vòng quanh các anh chị, chúng theo dõi từng cử chỉ và chụp hình tất cả mọi ngươi dâng hương. Mọi người lờ đi như không biết và còn nhờ tụi nó chụp hình dùm cho cả nhóm!
Sau đó tất cả mọi người đến dâng hương mộ tập thể, cũng gặp mấy đứa an ninh đi theo sát nút, trước kia chưa từng có như thế bao giờ. Mấy người trợn mắt nói nó, cũng qua tới đây hả, nó nói qua để giữ an ninh cho mọi người!....
Mừng Lễ Cựu Chiến Binh năm nay, có phái đoàn hùng hậu chưa từng thấy thăm mộ, thắp hương cho các Chiến Sĩ VNCH nằm xuống, chắc Hương Linh, những người Lính VNCH, cũng thấy ấm lòng, nhân ngày lễ đặc biệt này!


Hôm Nay, Cả Nước Mỹ Mừng Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, Những Người Lính, Sẵn Sàng Hy Sinh Thân Mình, Phục Vụ Tổ Quốc!


Nhớ Tham Dự Buổi Diễn Hành Tại San Jose!


-Ngày 11 tháng 11, người Mỹ kỷ niệm Ngày Cựu chiến binh. Ngày lễ này không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ—hầu hết các quốc gia tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất đều kỷ niệm ngày này. Đó là vì vào lúc 11 giờ 11 phút, ngày 11 tháng 11 năm 1918, một hiệp định đình chiến được ký kết bởi các cường quốc Đồng minh và Đức có hiệu lực, chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu mà vào thời điểm đó được gọi là "Cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến."
Bất chấp tình cảm lạc quan đó, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, không một thập kỷ nào trôi qua mà không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Cho dù đó là xung đột ở Triều Tiên và Đông Dương, ở Nam Á hay Balkan, các trận chiến ở Bắc Phi và Trung Đông hay cuộc xung đột lớn nhất, đẫm máu nhất trong số đó — Chiến tranh thế giới thứ hai — những người lính Mỹ đã chiến đấu và hy sinh, sát cánh cùng các đồng minh của chúng ta, để bảo vệ quê hương chung, nhân dân của chúng ta, lý tưởng của chúng ta.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm trên 80 năm Chiến dịch Overlord. Đó là khởi đầu của cuộc giải phóng Tây Âu và là hoạt động quân sự quan trọng nhất của thời kỳ hiện đại: cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy, cuộc tấn công đổ bộ lớn nhất trong lịch sử.
“Từ dưới biển và trên không, gần 160.000 quân Đồng minh đã đổ bộ Normandy,” Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Colleville-sur-Mer, Pháp. “Nhiều người, như chúng ta đều biết rất rõ, đã không bao giờ trở về nhà. Nhiều người đã sống sót sau ‘ngày dài nhất’ đó, tiếp tục chiến đấu trong nhiều tháng cho đến khi chiến thắng cuối cùng đã giành được.”
“Những người chiến đấu ở đây đã trở thành anh hùng không phải vì họ là người mạnh nhất hay kiên cường nhất hay bất khuất nhất — mặc dù họ là vậy — mà vì họ được giao một nhiệm vụ táo bạo và hiểu rằng — mỗi người trong số họ đều biết khả năng tử vong là có thật, nhưng họ vẫn làm. Họ biết, không còn nghi ngờ gì nữa, có những điều đáng để chiến đấu và hy sinh.”
“Tự do là điều đáng giá. Dân chủ là điều đáng giá. Nước Mỹ là điều đáng giá. Thế giới này đáng giá — trước đây, bây giờ và mãi mãi,” Tổng thống Biden phát biểu.
“Nền dân chủ không bao giờ được đảm bảo. Mỗi thế hệ phải gìn giữ, bảo vệ và đấu tranh vì nó. Đó là thử thách của thời đại,” Tổng thống Biden phát biểu.
“Để tưởng nhớ những người đã chiến đấu ở đây, đã hy sinh ở đây, thực sự đã cứu thế giới ở đây, chúng ta hãy xứng đáng với sự hy sinh của họ.”
Vào ngày này, chúng ta cảm ơn tất cả các cựu chiến binh, quá khứ và hiện tại. Chúng ta tôn vinh họ và chúng ta luôn ghi nhớ những gì họ đã hy sinh cho nhân dân, cho đất nước, cho toàn thế giới.


Ngày Cựu Chiến Binh 11/11, Hoa Kỳ ghi ơn các cựu quân nhân!


-Hôm nay là Ngày Cựu Chiến Binh, ngày người dân Hoa Kỳ tôn vinh tất cả những người phục vụ đất nước trong quân lực. Dịp kỷ niệm được tổ chức vào ngày 11 Tháng Mười Một hàng năm vì vào sáng ngày này năm 1918 (vào lúc 11 giờ sáng ngày 11 Tháng Mười Một), các nước Đồng Minh và Đức ký hiệp định đình chiến chấm dứt giao tranh trong Đệ Nhất Thế Chiến.
Ngày nay, hơn 18 triệu cựu quân nhân còn sống ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng 6% dân số người trưởng thành. Dưới đây là những chi tiết về những người Mỹ từng phục vụ trong quân đội và thành phần dân số này đang biến động như thế nào, dựa trên dữ liệu từ Bộ Cựu Chiến Binh (VA), Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ và khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew.
Các cựu quân nhân phục vụ trong 30 năm qua chiếm số lượng cựu quân nhân còn sống lớn nhất, theo ước tính từ mô hình dân số từ VA. Cựu quân nhân từ thời Chiến Tranh Vùng Vịnh, kéo dài từ Tháng Tám 1990 tới nay, vượt qua số cựu quân nhân thời Việt Nam năm 2016. (Cựu Quân Nhân phục vụ ở nhiều thời đại chỉ được tính tại thời điểm sớm nhất.)


(Cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến 102 tuổi phục vụ trong Lục Quân Hoa Kỳ Roy J. Caldwood chào quan khách trong buổi vinh danh ông nhân Ngày Cựu Chiến Binh tại Gracie Mansion hôm 9 Tháng Mười Một, ở New York City, do Thị Trưởng Eric Adams tổ chức)
Ước tính dân số năm 2024 cho thấy:
7.8 triệu cựu quân nhân Hoa Kỳ còn sống, hay 43%, từng phục vụ trong thời kỳ Chiến Tranh Vùng Vịnh.
5.6 triệu cựu quân nhân còn sống (30%) phục vụ trong thời kỳ Việt Nam từ 1950 tới 1973.
Khoảng 767,000 cựu quân nhân từng phục vụ trong xung đột Nam Bắc Hàn những năm 1940 và 1950 vẫn còn sống cho tới nay. Họ chiếm 4% tổng số cựu quân nhân còn sống.
Ngày nay, có ít hơn 120,000 cựu quân nhân Đệ Nhị Thế Chiến còn sống, chưa tới 1% tổng số cựu quân nhân còn sống.
Tính tới 2023, khoảng ba phần tư (78%) cựu quân nhân phục vụ trong thời chiến và 22% phục vụ trong thời bình. (Cựu quân nhân phục vụ cả hai loại quân ngũ chỉ được tính vào thời chiến.)

Dữ kiện từ Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ dân Hoa Kỳ có kinh nghiệm quân sự đã giảm. Năm 1980, khoảng 18% người Mỹ trưởng thành là cựu quân nhân, nhưng tỷ lệ đó giảm còn 6% năm 2022.
Điều này xảy ra cùng với sự suy giảm nhân lực tại ngũ sau khi quân dịch kết thúc vào năm 1973. Số lượng quân nhân tại ngũ giảm từ 3.5 triệu năm 1968, trong thời kỳ quân dịch, xuống còn khoảng 1.3 triệu trong lực lượng tình nguyện ngày nay. Các thành viên phục vụ tại ngũ hiện chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số người trưởng thành ở Hoa Kỳ.


(Phù hiệu trên áo một cựu quân nhân phục vụ trong Chiến Tranh Việt Nam dự buổi diễn hành Ngày Cựu Chiến Binh ở New York City hôm 11 Tháng Mười Một)
Bộ Cựu Chiến Binh VA dự đoán số cựu quân nhân còn sống sẽ tiếp tục giảm trong 25 năm tới. Cơ quan ước tính số lượng cựu quân nhân sẽ giảm từ 18.3 triệu hiện nay xuống còn 12.1 triệu vào năm 2048 – giảm khoảng 34%. Đến lúc đó, các cựu quân nhân thời Chiến Tranh Vùng Vịnh được dự đoán sẽ chiếm phần lớn số cựu quân nhân còn sống.
Mô hình dân số VA cho thấy khi số lượng cựu quân nhân giảm trong 25 năm tới, nhân khẩu học của họ sẽ thay đổi. Phụ nữ, dân gốc Hispanic và Da Đen cũng như người lớn dưới 50 tuổi đều sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng số cựu quân nhân.

Giới tính: Tỷ lệ nữ cựu quân nhân sẽ tăng từ 11% trong năm nay lên 18% vào năm 2048. Tổng số nữ cựu quân nhân dự trù cũng tăng, từ khoảng 2 triệu lên khoảng 2.2 triệu. Mặt khác, số lượng cựu quân nhân nam được dự đoán sẽ giảm từ khoảng 16.2 triệu vào năm 2023 xuống chỉ còn dưới 10 triệu vào năm 2048.
Chủng tộc và sắc tộc: Tỷ lệ cựu quân nhân Da Trắng không phải gốc Hispanic được dự đoán sẽ giảm từ 74% xuống 63%. Tỷ lệ cựu quân nhân gốc Hispanic dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi từ 9% lên 15%, trong khi tỷ lệ dân Da Đen dự kiến sẽ tăng từ 13% lên 15%. Xu thế này phù hợp với dự đoán về dân số Hoa Kỳ nói chung.
Tuổi tác: Ngày nay, 28% cựu quân nhân dưới 50 tuổi, so với con số dự kiến là 34% vào năm 2048, ngay cả khi tỷ lệ dân Mỹ lớn tuổi nói chung dự kiến sẽ tăng lên.
Ít thành viên Quốc Hội có kinh nghiệm quân sự hơn trước, theo một phân tích của Trung Tâm thuộc Đại Hội lần thứ 118 được thực hiện sau cuộc bầu cử quốc hội 2022. Trong Quốc Hội hiện nay, 18% dân biểu và 17% thượng nghị sĩ là cựu quân nhân, giảm mạnh chỉ sau vài thập niên.

Tỷ lệ thượng nghị sĩ là cựu quân nhân đạt mức cao nhất sau Chiến Tranh Nam Bắc Hàn là 81% vào năm 1975, trong khi tỷ lệ giữa các thành viên Hạ Viện đạt mức cao nhất vào năm 1967 ở mức 75%.
Trong các cuộc bầu cử gần đây, cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều nỗ lực phối hợp để tuyển mộ các cựu quân nhân cho các cuộc đua vào Quốc Hội. Trong Quốc Hội hiện nay, 18 nhà lập pháp mới hành nghề đều là cựu quân nhân.


Ngày Cựu Chiến Binh không chỉ là dịp nói lời cảm ơn suông với các quân nhân


– “Xin nghiêng mình cảm tạ vì đã phục vụ quốc gia,” nói ra lời này với một cựu quân nhân Hoa Kỳ thật dễ dàng.
Nhưng việc giúp các cựu quân nhân gắn kết với cộng đồng và ý nghĩa thực sự về lâu về dài của việc đó thì sao?
Trong Ngày Cựu Chiến Binh năm nay, một công ty tiếng tăm hy vọng rằng người Mỹ, bất kể họ ở đâu hay làm công việc gì, sẽ làm những việc ý nghĩa hơn chứ không chỉ nói lời “cảm ơn” đơn thuần và “bày tỏ lòng biết ơn dành cho các quân nhân phục vụ quốc gia” thông qua một hoạt động kết nối lành mạnh, theo Fox News.
-Hiệp hội USAA, công ty tài chánh phục vụ hơn 13.5 triệu quân nhân Hoa Kỳ, cũng như các cựu quân nhân khác cùng gia đình của họ, đang kêu gọi tổ chức một “ngày ghi ơn quốc gia” vào Thứ Hai, 11 Tháng Mười Một, lúc 11 giờ sáng giờ Hoa Kỳ.
Đây là một trong các nỗ lực của chiến dịch “Đừng Chỉ Nói Cảm Ơn” quy mô lớn được công ty đặt trụ sở tại Texas tổ chức. Ngày càng có nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ phải dằn vặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nên “việc tạo mối liên hhệ với các cựu quân nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết,” USAA nói với Fox News.


Và với các cựu chiến binh có tuổi đời chưa cao nói riêng thì họ thường cảm thấy không thoải mái hoặc kỳ cục khi người ta chỉ nói “cảm ơn,” theo những gì USAA tìm hiểu được.
Matt Shifrin, một cựu quân nhân Lục Quân có 20 năm phục vụ, giám đốc điều hành kiêm chánh văn phòng cho tổng giám đốc USAA, nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “Hiện nay, có hơn 17 triệu cựu quân nhân còn sống tại Hoa Kỳ. Và mặc dù nghe thì tưởng là nhiều, nhưng ngẫm lại thì thấy Hoa Kỳ có tới hơn 300 triệu dân. Cho nên, đôi lúc giữa cựu quân nhân và người dân có một khoảng cách nhất định.”
Để giúp các cựu quân nhân hòa nhập hơn, “chúng tôi đang kêu gọi công chúng ‘đừng chỉ nói lời cảm ơn’ trong Ngày Cựu Chiến Binh năm nay mà nên tiếp xúc với các cựu chiến binh trong cộng đồng,” Shifrin nói — “cho dù bây giờ họ có là thầy cô giáo, cảnh sát hay những người đồng nghiệp của chính quý vị.”

Một trong những cách để làm điều đó, Shifrin gợi ý, là lắng nghe một cựu quân nhân kể tường tận về quá trình chinh chiến của họ.
Đổi lại, vị cựu quân nhân đó có thể tham gia đối đáp, Shifrin nói, bằng cách hỏi những người khác về công việc, cuộc sống, những đóng góp của họ ở cả cấp độ địa phương lẫn quốc gia, bất kể những đóng góp đó to lớn hay nhỏ bé, “thậm chí chỉ cần hỏi vì sao lại gặp tình trạng mất ngủ,” ông nói.
Một cách khác để bày tỏ lòng biết ơn: Viếng thăm và cùng sinh hoạt tại một chi nhánh Quân Đoàn Hoa Kỳ hoặc Tổ Chức Cựu Chiến Binh Chiến Trường Ngoại Quốc VFW địa phương. Viếng thăm một bệnh viện trực thuộc Bộ Cựu Chiến Binh. Dự phần các sinh hoạt dành cho cựu quân nhân tại các trung tâm cộng đồng. USAA cho biết đó là trong trường hợp người dân tham gia trực tiếp.
Vẫn còn nhiều cách khác, chẳng hạn như gửi tin nhắn, gọi điện thoại hoặc ghé qua thăm hỏi trực tiếp một cựu quân nhân.
Dù có là cách nào đi chăng nữa, mục tiêu là “tạo ra mối tương quan có ý nghĩa cũng như giúp đỡ các cựu quân nhân.”


Shifrin nói thêm, “Nước Mỹ không thể có ngày hôm nay nếu không có những người quyết định xả thân vì nước và những người hăng say lao động ở quê nhà, tạo ra nguồn tài lực kinh tế giúp tất cả chúng ta ai nấy cũng đều có năng lực, giúp đỡ cựu quân nhân và giúp họ xích lại gần nhau hơn. Chúng ta là đồng đội, và nỗ lực này có thể giúp chúng ta đoàn kết với nhau như một quốc gia.”
Việc tương giao và gắn kết có thể giúp chữa lành “những vết thương vô hình” mà nhiều cựu quân nhân vẫn day dứt cả đời, Shifrin cho biết.
Thiếu Tướng Không Quân đã nghỉ hưu Bob LaBrutta, phó chủ tịch đảm trách cựu quân nhân còn sống và các khiếu nại tại USAA, cho biết thêm: “Khi các cuộc diễn hành và hoạt động tưởng nhớ Ngày Cựu Chiến Binh dần dần thưa thớt so với những năm trước, ngoài việc cảm ơn chúng tôi cũng như giảm giá hàng hóa, chúng tôi thấy rằng nhiều người Mỹ không biết cách bày tỏ lòng biết ơn mà họ muốn dành cho các cựu quân nhân,” ông lưu ý trong một tuyên bố.

LaBrutta cho biết dù bận rộn cách mấy, người ta vẫn có thể nhín chút thời giờ cho các cựu quân nhân quên mình vì tổ quốc.
Người dân có thể xem thêm chi tiết về chiến dịch trên nhiều mạng xã hội khác nhau bằng cách nhập #GoBeyondThanks để tìm hiểu.
Một liên minh do USAA sáng lập, Face the Fight, cũng có nhiệm vụ giúp người dân hiểu rõ hơn về cựu quân nhân cũng như hỗ trợ công tác phòng ngừa tình trạng tự tử trong thành phần cựu quân nhân.
Thành lập năm 1922, USAA là nhà cung cấp giải pháp bảo hiểm, nhà băng và hưu trí hàng đầu tại Hoa Kỳ.


Tin Cộng Ðồng
Cảnh Sát Nhật Bản Phát Giác "Làng" Người Việt ở Quá Hạn Visa


(Hình AFP / Brooks - minh họa: Đường phố ở Shinjuku, trung tâm thủ đô Tokyo của Nhật Bản hôm 20/10/2024.)
-Cảnh sát Nhật Bản vừa phát giác một nhóm hơn 20 người Việt - phần đông là các thực tập sinh học nghề - lưu trú quá hạn tại một số các nhà nghỉ không còn hoạt động.
Báo Japantoday mới đây cho biết, cảnh sát đã lục soát một nhóm các nhà nghỉ này ở thành phố Bando, cách thủ đô Tokyo khoảng 50 cây số về phía Đông-Bắc và phát giác nhóm người Việt này bao gồm cả nam và nữ. Họ sống trong một cộng đồng có cả một quán ăn và một quán karaoke.
Báo Nhật Bản dẫn lời một điều tra viên giấu tên cho biết "có thể là nhóm người này không có nơi nào khác để đi".

Những người Việt Nam này sau đó đã bị trục xuất về nước.
Theo báo Nhật Bản, các nhà nghỉ này do một người Việt Nam 40 tuổi làm chủ. Người này vào cuối tháng 10/2024 vừa qua đã bị truy tố về tội giúp đỡ cho người khác lưu trú trái phép.
Người này khai với cảnh sát là bà đã cho thuê nhà theo đề nghị của một nhóm người có liên quan đến những người lưu trú trái phép. Hai người được ở trong một nhà nghỉ và trả 40.000 Yen (tương đường 262 Mỹ kim) một tháng.
Báo Japantoday dẫn lời các nguồn tin của bên điều tra cho biết, phần lớn những người bị phát giác đến Nhật Bản theo diện visa thực tập sinh với niềm tin rằng họ có thể kiếm tiền ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, họ đã bỏ việc tại Nhật Bản vì lương thấp hoặc bị chủ hành hạ, các nguồn tin này cho biết. Những người này tìm đến các nhà nghỉ này qua nguồn tin trên mạng xã hội.
Theo Japantoday, con số những thực tập sinh nghề nghiệp ngoại quốc ở Nhật Bản bỏ việc vì điều kiện làm việc không tốt vào năm 2023 đã lên mức kỷ lục là 9.753 người. Việt Nam đứng đầu danh sách này với 5.481 người, tiếp theo là các nước Miến Ðiện với 1.765 người, Trung Quốc với 816 người.


Dạ Tiệc Mừng Tổng Thống Donald Trump Tái Đắc Cử Tuần Tới:


Tiệc Mừng Tân Giám Sát Viên Đầu Tiên Người Việt Hạt Santa Clara Thành Công Tuyệt Vời, Số Khách Tham Dự Đông Nghẹt, Hơn Gấp Đôi Mà BTC Đã Dự Tính!

-Chiều hôm qua, tại Nhà hàng New Samkee, bữa tiệc mừng chiến thắng, gần 50 năm, Chức Giám Sát Viên Quận Hạt Santa Clara, đã vào tay một phụ nữ Việt, đó là Cô Betty Dương.
Bữa tiệc vui mừng thân mật, tràn ngập tiếng cười mừng vui. Tiệc có rất nhiều những kỷ lục, ít có tiệc nào có: Nâng ly nhiều nhất, tiêu thụ trên 4 thùng rượu vang! Ngày tổ chức kỷ lục ngắn nhất! Loan báo chưa đầy một tuần lễ, mà có trên hàng trăm khách tham dự, nhà hàng phải mở thêm, hết bàn này, đến bàn khác!


Khách chỉ phải trả 20 đô, mà được ăn 8 món! Men say thì tự do, hổng say hổng dzề! Ca hát tưng bừng, nhiều ca sĩ góp mặt nhiều nhất! Ít có tiệc nào có không khí vui mừng như thế! Chúc mừng BTC, là Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali.


California: Michelle Steel Vẫn Đang Dẫn Trước Derek Trần Trong Cuộc Đua Vào Hạ Viện Liên Bang

(Hình: Các ứng cử viên Michelle Steel và Derek Trần.)
-Bà Michelle Steel, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đang dẫn trước ông Derek Trần, đối thủ bên phía đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử Dân biểu liên bang Mỹ tại Địa hạt 45, tiểu bang California, theo kết quả kiểm phiếu tính đến thời điểm tối 6/11/2024.
Nữ Dân biểu Steel, đang bảo vệ chiếc ghế bà nắm giữ tại Hạ viện liên bang, nhận được hơn 123.300 phiếu bầu, tương đương 52,1% số phiếu đã được kiểm, chênh hơn 4 điểm phần trăm so với các con số hơn 113.000 phiếu, tức gần 48% của ông Derek Trần. Đã có tới 70% tổng số phiếu bầu được kiểm đếm.
Bà Steel, người gốc Hàn, là Dân biểu liên bang từ năm 2020 cho đến nay với 2 nhiệm kỳ đại diện cho 2 địa hạt khác nhau. Bà từng giữ chức giám sát viên cấp quận trước khi trở thành Dân biểu.

Vào tối 5/11, khi việc kiểm phiếu mới bắt đầu, ông John Coach, ủng hộ viên của bà Michelle Steel, nói với phóng viên của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ông thấy vui vì đảng Cộng hòa của ông đang giành thắng lợi, cả ở cấp độ bầu Dân biểu lẫn bầu Tổng thống, sau khi họ đã bỏ nhiều công sức cho các hoạt động tranh cử.
"Rốt cuộc, ứng cử viên Michelle Steel sẽ thắng ở Địa hạt 45", ông Coach thuộc thành phố Los Alamitos nói đầy tự tin.
Trong khi đó, khác với đối thủ của mình, đây là lần đầu tiên ông Derek Trần, một Luật sư về lao động, ứng cử vào Hạ viện liên bang. Đây cũng là lần đầu cộng đồng người gốc Việt ở California có một thành viên Dân chủ tranh cử để có một ghế Dân biểu cấp liên bang.

Joseph Nguyễn, ủng hộ viên của ông Derek Trần, ca ngợi việc ông ấy ứng cử có tính lịch sử mà nếu giành chiến thắng sẽ là Dân biểu đại diện cho cộng đồng người gốc Việt đông nhất trên thế giới. Ông Derek Trần cũng "thể hiện sức mạnh của cộng đồng này trong nền chính trị Mỹ ở tầm quốc gia", vẫn Joseph Nguyễn chia sẻ suy nghĩ với VOA hôm 6/11.
Tuy nhiên, nếu ông Derek Trần thua, Joseph Nguyễn nói anh sẽ thấy thất vọng về việc cộng đồng người gốc Việt không chọn một ứng cử viên sinh ra và lớn lên trong cộng đồng, gần gũi và hiểu hoàn cảnh cũng như nhu cầu của những người tỵ nạn gốc Việt.

Địa hạt 45 gồm Quận Los Angeles và Quận Cam, nơi có 3 thành phố đông cư dân gốc Việt sinh sống nhất tại Nam California là Garden Grove, Westminster, và Fountain Valley.
Theo dữ liệu của tiểu bang California, khoảng 37% cử tri đăng ký là người theo đảng Dân chủ, 33% theo đảng Cộng hòa và 24% không thiên về đảng phái nào.
Cuộc đua Derek - Steel được xem là một trong những cuộc tranh cử gay cấn nhất trong khu vực để đoạt một ghế tại Hạ viện Liên bang. Theo bản tin của KABC, một đài truyền hình địa phương, thì các nhóm chính trị độc lập chi rất nhiều tiền cho ứng viên của mình; nhiều hơn cả số tiền các ứng viên gây quỹ được. KABC nói tiền do các nhóm chính trị độc lập chi cho cuộc đua này vào khoảng 34 triệu Mỹ kim.
Về tổng thể, California lâu nay là một tiểu bang "xanh", đồng nghĩa tiểu bang này chủ yếu ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ. Nhưng riêng quận Cam, với khoảng 1 triệu 870 ngàn cử tri ghi danh bỏ phiếu, lại là quận "đỏ" truyền thống, hay nói cách khác, thường bỏ phiếu cho người của đảng Cộng hòa.
Kết quả chính thức của cuộc tranh cử sẽ được chứng thực vào ngày 13 tháng 12, 2024.


Vì sao gần 80% độc giả Việt bình chọn Trump làm Tổng thống Mỹ; họ kỳ vọng điều gì?


-Trên VietnamNet, 79% trong số những người tham gia bình chọn nghĩ rằng ông Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, 5/11/2024.
Từ 70 đến 79% độc giả Việt bình chọn cho ông Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11, theo khảo sát trên các báo mạng lớn của Việt Nam, thể hiện mức chênh lệch hàng chục điểm phần trăm so với nữ ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ Mỹ.
Bức tranh kể trên khác xa mức chênh nhỏ hơn nhiều trong cuộc bỏ phiếu thực sự diễn ra ở Mỹ. Một số người ở Việt Nam nói với VOA họ ủng hộ ông Trump vì ông thân thiện với Việt Nam, ngoài ra là quan điểm của ông về hòa bình thế giới, cứng rắn với Trung Quốc và thúc đẩy kinh tế.
Trên trang VietnamNet, trả lời cho câu hỏi "Bạn nghĩ ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ 2024", có tới 79% trong số gần 1800 độc giả đã bình chọn cho ông Trump.

Trên trang Tuổi Trẻ, câu hỏi tương tự mang lại 76% trong số các câu trả lời là sự ủng hộ dành cho ông Trump. Cùng thời gian, 70% số người tham gia khảo sát trên trang Thanh Niên bình chọn cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Tuổi Trẻ và Thanh Niên không cho biết có tổng cộng bao nhiêu lượt bình chọn.
Cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười ở Hà Nội, một người ủng hộ ông Trump, đưa ra quan sát cá nhân với VOA về các lý do mà độc giả báo chí Việt Nam bỏ phiếu tượng trưng cho ông ấy với tỷ lệ áp đảo, trong đó, đứng đầu là thái độ "rất thân thiện với Việt Nam" và "các phát biểu ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt" của ông Trump khi ông nắm chức Tổng thống Mỹ và thăm Việt Nam hồi năm 2017.
Tiếp đến là những hành động của ông Trump đối với Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ được xem là vừa là bạn vừa là thù của Việt Nam. Ông Mười nói:
"Người Việt Nam có nhận xét là ông có thái độ chống Trung Quốc khá mạnh, điều đó rất phù hợp với tâm lý của nhiều người. Họ cảm thấy Việt Nam là nước nhỏ lại có nước lớn ủng hộ lập trường như vậy thì rất là tốt".

Một ủng hộ viên nữa của ông Trump, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang có mặt ở Mỹ, đồng ý với luận điểm nêu trên của ông Mười. Bà nói với VOA:
"Cái mà tôi nghĩ rất quan trọng là người Việt Nam rất thích khi ông Trump tuyên bố đánh thuế Trung Quốc rất là mạnh. Tôi nghĩ hầu hết người Việt Nam đều không thích Trung Quốc".
Vẫn theo bà Hoài Anh, niềm tin của nhiều người Việt rằng khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ, thế giới không có chiến tranh là một lý do khác để họ ủng hộ ông ấy.
Bên cạnh đó, người Việt "thèm khát tự do ngôn luận", khi họ thấy ông Trump có thêm đồng minh là tỷ phú Elon Musk, người đã mua lại mạng xã hội Twitter, đổi tên thành X và tuyên bố ủng hộ tự do ngôn luận, họ càng ủng hộ ông Trump, bà nói.
Ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nay là Tổng thống đắc cử, còn được nhiều người Việt tín nhiệm trong vấn đề kinh tế, nữ doanh nhân Hoài Anh nhận xét.
Ở một khía cạnh khác, ông Mười nói cá nhân ông và nhiều người Việt cho rằng ông Trump "bị đối xử rất bất công ở bên Mỹ" trong thời gian dẫn đến chiến dịch tranh cử là một trong số các lý do làm họ thông cảm và ủng hộ ông ấy. Ông Mười hàm ý về một loạt các cuộc điều tra, truy tố ở cấp bang và liên bang về một loạt vụ việc của ông Trump bị xem là vi phạm pháp luật Mỹ.

Từ Vinh, Nghệ An, ông Lê Quý Hoàng, chia sẻ với VOA rằng ông "không thích chủ nghĩa xã hội" trong khi ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất cách đây 4 năm đã nhiều lần chỉ trích chủ nghĩa này, vì vậy, ông thấy đồng quan điểm và ủng hộ ông Trump.
Ông Hoàng nói thêm ông cũng thích phong cách của ông Trump là nói thẳng thắn và lời nói nhìn chung đi đôi với việc làm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, một nhà bình luận thời cuộc nhận được nhiều sự chú ý lâu nay, đưa ra phân tích với VOA rằng sự ủng hộ đông đảo của người Việt dành cho ông Trump, một chính trị gia gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, chứa đựng một nghịch lý.
Trước hết, theo bà Ánh, Việt Nam cũng như một số nước châu Á nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng tử, văn hóa Trung Quốc:
"Chúng ta đều có khuynh hướng thích một nhà độc tài tốt. Nếu hỏi người Việt họ ngưỡng mộ lãnh đạo nào nhất, họ nói họ ngưỡng mộ Lý Quang Diệu, sau đó đến Putin chẳng hạn".
Cả hai nhà lãnh đạo này đều có những chính sách hoặc cách hành xử mà bà Ánh gọi là "độc ác", "khắc nghiệt", "không coi ra gì" đối với người Việt Nam ở Singapore và Nga trong quá khứ, thậm chí cho đến gần đây, nhưng người Việt "không thấy có vấn đề gì" hoặc "không để ý".

Sở dĩ họ có nếp tư duy như vậy vì yếu tố về văn hóa, hiểu biết. Bà Ánh đưa ra quan sát rằng nhiều người Việt "không thích" những việc sâu sắc, lớn lao như tìm hiểu, phân tích chính sách hay đóng góp vào cải cách, canh tân, xây dựng nhà nước…, và bà bình luận:
"Người ta mong mỏi cứ ngồi yên ở đấy và có một nhà độc tài nào đó sẽ bao thầu tất cả những chuyện đó cho họ và họ chỉ việc nghe lời xong rồi hưởng thụ, thì Trump đáp ứng được điều đó. Người ta vẫn chỉ ngưỡng mộ hình mẫu một nhà độc tài quyết định tất cả, lo liệu mọi chuyện".
Ở một khía cạnh khác, bà Ánh chỉ ra rằng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, lâu nay bị ông Trump và đồng minh mô tả là đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, như vậy, lẽ ra bà ấy phải được nhiều người ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ủng hộ, song các cuộc khảo sát trên các báo mạng Việt Nam vào ngày bầu cử Mỹ 5/11 lại cho thấy điều ngược lại.
Đó là một nghịch lý được PGS.TS. Ánh lý giải như sau:
"Theo tôi hiểu, người Việt Nam phục tùng nhà nước nhưng thật lòng không ủng hộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà lại không dám nói điều đấy ra. Ở một chỗ nào đấy họ có thể xì ra cái tư tưởng là họ không thích cách làm ăn của chủ nghĩa xã hội và không bị phạt gì cả thì đấy là cái giải tỏa cho họ".

Từ góc nhìn của một nhà trí thức lâu nay phản đối, chỉ trích nhiều quan điểm và cách hành xử gây tranh cãi của ông Trump, và dẫn ra việc ông "đảo lộn, hủy bỏ" nhiều thỏa ước quốc tế và chính sách đối nội của Mỹ, cũng như thường xuyên đưa ra các lời đe dọa trong nhiệm kỳ lần trước, bà Ánh dự báo về nhiệm kỳ hai của ông:
"Sẽ là thời kỳ cực kỳ bất ổn, khó lường. Mọi người kể cả giới làm ăn và học thuật sẽ rơi vào tâm lý rất bất an vì không biết ngày mai sẽ thế nào. Về dư luận xã hội cũng là thời kỳ cực kỳ bất ổn vì các bên chửi mắng nhau, đời sống xã hội cũng trở nên rất bất an, xã hội phân hóa, nghi ngờ nhau, sự thù nghịch tăng lên, cảm thấy là cả thế giới bị đầu độc. Tôi không thể ủng hộ được. Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng toàn thế giới theo một nghĩa tiêu cực".

Nữ phó giáo sư-tiến sĩ cảnh báo rằng hình mẫu của ông Trump - nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới mà bà cho là có phong cách không tôn trọng các khuôn khổ, các giá trị - sẽ được giới lãnh đạo ở các nước "học theo", mang lại những hệ quả khó lường.
Trái với bức phác họa u ám của bà Nguyễn Hoàng Ánh, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh và cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười cho rằng tỷ lệ bình chọn cao của người Việt dành cho ông Trump không chỉ là sự ủng hộ mà cũng thể hiện kỳ vọng về ông.
Đó là dưới thời ông lãnh đạo, quan hệ Việt-Mỹ bao gồm cả lĩnh vực kinh tế sẽ được đẩy mạnh, tiến triển tốt đẹp, mang lại lợi ích cho hai bên; dân chủ và tự do ngôn luận sẽ tốt lên và ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam; và thế giới sẽ hòa bình, ổn định.

Ngoài ra, bà Hoài Anh nói thêm:
"Chúng tôi cũng mong với những trừng phạt của ông Trump đối với Trung Quốc, bằng chính sách thuế, sẽ có thể kìm hãm sự lớn mạnh của Trung Quốc, vì khi Trung Quốc lớn mạnh, Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng và dã tâm đối với đất nước chúng tôi, đối với Biển Đông. Chúng tôi rất kỳ vọng vào nhà lãnh đạo mà có thể làm cho Trung Quốc phải bớt tham vọng của mình lại".
Khi còn tranh cử, ông Trump đã đưa lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc lên thành trọng tâm trong chiến dịch vận động cử tri, tuyên bố rằng ông sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng ông Trump cũng làm cho nhiều người phải thắc mắc khi mô tả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "tài giỏi" vì cai trị bằng "nắm đấm sắt".

Không có nhận xét nào: