Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Rừng Xưa Nhớ Đời - Nguyễn Văn Hải


Ánh nắng chói chan, chan hòa trên bầu trời Phan Rang, sáng nay. Tựa lưng vào nền gạch tháp, phóng mắt nhìn về hướng phi trường; lòng tôi nao nao sôi sục. 3 dẫy hangar trông rõ nhất, gợi lại trong trí nhớ tôi dồn dập... Cũng vào giờ này, khoảng 9 giờ sáng, 36 năm trước. Lệnh di tản ra hướng biển để chờ tàu Hải quân. 
Cộng quân bắt đầu pháo vào phi trường từ 4 giờ sáng. Liên tục và dữ dội áng chừng nửa tiếng... Nơi đặt Bộ tư lệnh mặt trận. 5 giờ sáng đơn vị đươc lệnh di chuyển đến Bộ tư lệnh. Giờ đây, đạn pháo không còn dồn dập nhưng lai rai, thi thoảng. Chúng tôi di chuyển trong tình trạng như thế. Mà cái hiện thực đang trùm phủ không chỉ lên người mà lên cả số phận. 
<!>
Như những cái máy, chân bước mà lòng không thể xua tan được cái "Mùi" khó tả của sự chết đang tán lạc quanh đây, đang phân phát, chia đều cho từng người, không sót một ai. Thứ "Mùi vị" khiến đầu óc mê mụ đi, thân xác rã rời và không có ma lực hoặc thần lực nào chấm dứt được. "Thứ trò chơi" pháo khủng bố ấy. Mỗi quả pháo là một nổi kinh hoàng, vãi xuống bung thành những cái dấu chấm hết cho nhiều số phận.
Điều lạ lùng là cho tới giờ phút này, sự phản pháo chả có. Phi trường của Sư đoàn 6 KQ không có lấy một phản ứng. Mặt trận không có pháo binh và phi cơ. Hoàn toàn bất lực và cam chịu.

Trời sáng dần, gió lồng lộng, mặt trời đỏ rực nhô lên báo hiệu một ngày hè nắng chói. Trong cái hangar nằm giữa phi trường, nơi đặt Bộ tư lệnh mặt trận, phía trước hangar trên sân, 2 chiếc trực thăng cấp Tướng đậu cùng phi hành đoàn túc trực. Hangar kế bên đậu toàn xe jeep cần câu. Đơn vị chúng tôi đươc phân công bảo vệ Bộ tư lệnh. Cộng quân lúc này vẫn duy trì pháo, thi thoảng và rời rạc. Cái lạ là bên ta không có tiếng pháo giao tranh. Sự hoạt động duy nhất mang tính trận địa là chiếc L19, phi cơ trinh sát bay vòng vòng trên phi trường. Nhưng rồi, từ phi cơ bốc ra những làn khói và rất nhanh phi cơ lao xuống bay một vòng thấp; đáp vội xuống phi trường. Đang lúc có một cuộc họp tư lệnh bên trong hangar. Chóng váng và ngắn gọn. Người ta trao đổi, báo cáo, nét mặt buồn so thể hiện trên mọi khuôn mặt. Hai dẫy lắp đặt máy truyền tin hoạt động nhộn nhịp, tất tả. Kẻ ra người vào vội vã đến va chạm, có người đã ngã chúi. Từ cửa hangar, tôi được phân công canh giữ và có dịp chứng kiến cảnh tượng diễn ra bên trong Bộ tư lệnh... Cũng giống như xem một phim câm, tôi suy đoán và ghi nhận mọi diễn tiến bên trong bằng hình ảnh chứ không thể nghe thấy bất cứ một lời nói nào từ những nhân vật chỉ huy. Nói một cách khác, tôi chỉ chứng kiến sự việc bằng vào cái tầm nhắm chỉ từ đỉnh đầu ruồi đến lổ châu mai. Ngoài kia người ta đang tiếp cứu phi công của chiếc L19 lâm nạn. Nhưng rồi, vài người lính Không quân leo vội lên chiếc xe đậu gần đó, nhìn thẳng về phía đường băng phi trường, tay chỉ trỏ; bất giác tôi nhìn theo rồi sửng sốt. Rất đông, rất đông, một đoàn quân lũ lượt ào ạt di chuyển, đúng hơn là đang chạy, tựa như con trăn khồng lồ trườn tới. Một vị Trung tá già từ trong hangar đi vội ra và ra lệnh cho 2 trực thăng cất cánh...
Không khí nơi đây sôi động hẳn lên kể từ lúc đó. Rồi đến lượt chiếc xe Không quân nổ máy biến dạng. Quang cảnh hỗn loạn, tất tật của mọi người, vội vã, câm nín... Sự giống nhau biểu lộ trên mọi khuôn mặt mà hơi hướng làn gió thất trận đang quất thẳng vào từng người, không chừa môt ai, kể cả những người kiêu hãnh nhất.
Người ta chỉ kịp truyền nhau câu lệnh tìm đường ra bãi biển, sẽ có tàu Hải quân đến đón. Và rồi không ai bảo ai nhịp chân cứ thế nối đuôi nhau tiến bước. Sự hòa đồng quan cũng như quân bỏ lại những chiếc xe jeep tội nghiệp cùng xác người chết và bị thương, chờ địch quân chôn và chữa dùm!!!!

Ra khỏi dẩy hangar, trên bải sân rộng, 2 chiếc trực thăng võ trang đang nổ máy trên chất đầy người.Và rồi, một cảnh tượng như xiếc, 2 trực thăng bốc ngược lên khá cao, rồi mới chịu bay đi. Từ trực thăng, ai đó đã làm rơi cái nón sắt xuống sân.
Thế là phi trường đang bị bỏ lại. Chiến thắng của cộng quân sau 6 tiếng đồng hồ tấn công chỉ là cái phi trường trống rỗng, bởi người ta đã di chuyển mọi quân thiết bị từ những ngày trước. Tôi rùng mình tưởng tượng nếu vào thời điểm này, địch quân theo thông lệ trong chiến thuật, pháo đánh chặn thì không biết bao nhiêu máu đổ và sự điêu tàn hãi hùng tức khắc ào chụp xuống đoàn quân thất trận.
Khen thay cái ông tổng đạo diễn, mà chẳng ai muốn hỏi và biết tên ông. Nhưng thầm cám ơn ông về sự sắp xếp để có những thiệt hại rất ít nhân mạng. Cũng như số phận của những vị Tướng tư lệnh... 2 trực thăng của các ông đã bay đi nhưng không có chủ..Quả thật người ta đã toan tính và định đoạt trên thân phận mọi người, bằng một trò chơi chiến tranh siêu thị, cũng như bóp cổ quân lính bằng chính khả năng của họ. Bất chợt tôi liên tưởng đến đại thần Vi tiểu Bảo cùng trò chơi quân sự danh xưng Lôc đỉnh ký...Và một người Mỹ, sáng nay tại Bộ tư lệnh, không võ trang, phục sức nửa dân sự, nửa quân đội với áo giáp, nón sắt, mang giày lính, quần jean, áo pull. Phải chăng miếng mỡ đã được đưa vào mồm mèo, chờ mèo nuốt. Để cáo chung đi cái hiệp định Paris bất lợi và khởi đầu cho cái Việt Nam hóa chiến tranh.
Đến được cổng vào phi trường hạn mức cuối cùng để phân định khu quân sự. Nắng đã chếch trên đầu, tỏa rọi cái nóng nực và nắng chói chan của một ngày hè rực nắng. Trước mặt ngọn tháp Chàm, màu gạch nung trên ngon đồi, âm thầm chứng kiến. Quay nhìn lại phía sau đoàn người vẫn lũ lượt tiến tới. Con đường độc nhất, lối vào phi trường giờ phải oằn lưng chịu đựng cái sức nặng của đoàn quân, có lẽ đây là lần đầu tiên nó phải gánh chịu, kể từ khi người ta tạo ra nó... Hẳn rằng cái nhớ đời là cùng một lúc tiếp nhận nhiều binh chủng đã in dấu giày và mãi lưu dấu trên nó.
Đoàn quân mỗi lúc một đông, chật kín cả một vùng bãi biển. Trước mặt, con tàu ngoài xa vẫn bình thản đối diện. Ánh nắng chói chan đã chếch trên đầu, đẩy lùi cái lạnh của cát và gió liên tục xóa mờ những dấu giày ngang dọc. Dưới tàn cây rừng cạnh cây phi lao, tựa đầu vào ba lô, gió biển cùng âm thanh từ cây phi lao khích thích giấc ngủ. Giật mình vì tiếng ai đó hát ông ổng, đúng hơn là gào lên "Người ta đã bỏ tôi rồi bạn ơi, bây giờ đi sớm về trưa một mình".
Nhìn toàn cảnh mà lòng quá đỗi thất vọng cùng ê chề quấn quít quanh đây. Mọi người đã lục tục đi tìm bóng mát để tránh nắng. Giờ con tàu chiến ngoài xa cũng đã bỏ đi, kéo theo sư phẫn uất cực độ của người ở lại.
Tiếng súng nổ ở phía làng chài, cùng đoàn người dơ tay đầu hàng. Đó là đoàn quân quyết định đi theo dọc bờ biển để đến mũi Cà Ná. Trong tuyệt vọng họ đang tìm cái hy vọng.

Cộng quân đã chiếm làng chài trước mặt, con đường duy nhất để thoát. Gọng kìm đang từ từ xiết lại. Rủ Trung úy Ân, mới tìm gặp sáng nay, leo lên ngọn đồi cát sau lưng để quan sát. Đúng vào lúc này, tiếng súng lại nổ kèm theo giọng hét đầu hàng đi. Phản ứng tự nhiên tôi vội lao vào một bụi rậm gần đó và rồi nhìn thấy Trung úy Ân theo hiệu lệnh của tên du kích thiểu não đi vào đám người đang được tập trung. Nằm yên trong bụi rậm, chứng kiến cảnh tước vũ khí, rồi rồng rắn theo nhau dưới sự canh giữ của những tên du kích ăn bận theo kiểu nông dân áp tải về hướng làng và trong đoàn cái dáng lêu khêu, gật gù như con bửa củi của Trung úy Hưng thảm thương mà trước lúc ra đi, còn ngoái lại chỗ tôi ẩn nấp. Bất giác nghẹn ngào, tôi bật lên tiếng khóc.
Trên bầu trời, từ hướng mũi Cà Ná, đoàn trực thăng xuất hiện bay cách bờ biển hơi xa, dễ chừng cả vài chục chiếc. Đã có những người lính bất chấp địch quân đang rình rập, chạy ra bờ biển đưa tay vẫy vẫy. Nhưng rồi, giống như bay thực tập. Đoàn trực thăng lạnh lùng quay ngoắt bỏ đi. Đám người lếch thếch lại tìm nơi ẩn nấp. Một ông Thiếu tá Quân cảnh đưa tay lên gỡ cặp lon trên cổ áo vất tung về phía sau.
Ngoài tít mù khơi, một con tàu giữa biển cả, sau lưng nó, mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên. Hình như con tàu bất động, trong lời cầu mong tha thiết, gấp rút giải cứu. Vì sau lưng mọi người, địch quân đang dần tiến đến.
Giống như con trăn đang bò, bỗng quay ngoắt trở lại. Bị ùn tắc ở phía trên, đoàn quân buộc phải dạt ra hai bên, mọi gương mặt với cử chỉ ngơ ngác hỏi han nhau và rồi tin tức cũng đươc nhanh chóng loan truyền. Trên quốc lộ, quân xa của Việt cộng đang án ngữ với loa kêu gọi đầu hàng... Đã có những tốp quân xé lẻ di chuyển dọc theo quốc lộ dựa vào địa hình rậm rạp và nhà dân. Trung úy Hưng, cạnh tôi hỏi:
- Sao Hải, làm thế nào bây giờ?
Lẳng lặng kéo hắn ngồi xuống:
- Kệ mẹ nó, ngồi ăn cái đã.
Ánh nắng trong ngày đã lịm vào dãy núi, từ mặt đất, cát bỗng nhanh chóng dịu lạnh và ngọn gió nhẹ êm mát se se trên khuôn mặt. Trạng thái vật vờ đến với tôi, ngả đầu vào ba lô vật vờ ngủ thiếp đi. Cái đá chân của Trung úy Ân làm tôi choàng tỉnh, trời nhá nhem tối có nghĩa tôi chả ngủ được lâu. Ngước nhìn, quanh đây cũng bớt đi sự đông đảo. Người ta đã có thì giờ để theo những bàn soạn và hướng dẫn hợp lý về con đường đào thoát. Tôi, Hưng, Ân đồng ý đợi tối trời để di chuyển vì cho rằng có thể lợi dụng đêm tối và đó cũng là đoạn đường ngắn nhất để ra biển. Đồng đội trong đơn vị không biết bằng lúc nào, họ cũng đã ra đi, kể cả ông Chỉ huy trưởng Đoàn. Biểu lộ bằng cái nhún vai, nhếch mép cười, trong lòng tôi tự nhủ: Giá mình ở vào địa vị ông ta, thì đã làm khác hẳn và xem ông ta như một người chỉ huy chưa làm tròn trách nhiệm.

Trời tối hẳn, bóng đêm dầy đặc. Đã có chuyển động trong đoàn quân, lợi dụng đêm tối, từng tốp nhỏ lẻ đã vượt qua quốc lộ. 3 chúng tôi đang ở vào vị trí giữa đoàn người, di chuyển chậm vì sắp sửa đến cánh đồng trống song song với quốc lộ. Nghĩa là mọi người phải lộ nguyên hình. Di chuyển chẳng được bao lâu. Bất chợt, từ trên quốc lộ ánh đèn pha chiếu thẳng vào đoàn quân kèm theo hiệu lệnh, hàng thì sống, chống chết, hai tay bỏ lên đầu. Ngay lập tức, đoàn người đi sau ùn ùn tẽ ngang chay thục mạng vào những bụi tre hoặc nhà dân. Đúng lúc này, về hướng phi trường bầu trời sáng rực rỡ bởi rất nhiều trái hỏa châu cùng lúc được bắn lên... Việt cộng đang mừng chiến thắng. Quay nhìn về phía sau, từng tốp người cam chịu tay vẫn trên đầu lầm lũi theo ánh đèn pha đi vào nơi bất định. Còn những người chúng tôi men theo dọc quốc lộ và rồi cũng qua được và nhắm thẳng hướng biển. Trung úy Ân đã thất lạc, chẳng hiểu đi vào với tốp nào.
Mùi tanh nồng nồng, đặc trưng của biển, theo gió se lạnh ào ạt thổi, khi mà chúng tôi bỏ lại sau lưng dẩy phi lao xen kẽ cây rừng. Trời bắt đầu sáng, mệt quá hai đứa tôi nghỉ vội trên một đụn cát và ngắm nhìn không gian bao la biển núi và biển lọt thỏm vào trong với ba phần tư núi rừng bao bọc.
Chỉ có thế, chả thấy tàu bè gì cả. Thất vọng, buồn rầu hiện trên khuôn mặt mọi người và chán chường, phờ phạc của cơ thể mệt nhoài. Mọi hy vọng ban đầu dần tan theo sóng biển. Kế hoạch giải cứu đã không thực hiện... Hay là một sự gian dối bắt buộc. Đoàn quân mỗi lúc một đông, chật kín cả một vùng bãi biển. Trước mặt con tàu ngoài xa vẫn bình thản đối diện. Ánh nắng chói chan đã chếch trên đầu, đẩy lùi cái lạnh của cát và gió liên tục xóa mờ những dấu giày ngang dọc. Dưới tàn cây rừng cạnh cây phi lao, tựa đầu vào ba lô, gió biển cùng âm thanh từ cây phi lao khích thích giấc ngủ. Giật mình vì tiếng ai đó hát ông ổng, đúng hơn là gào lên "Người ta đã bỏ tôi rồi bạn ơi, bây giờ đi sớm về trưa một mình". Nhìn toàn cảnh mà lòng quá đỗi thất vọng cùng ê chề quấn quít quanh đây. Mọi người đã lục tục đi tìm bóng mát để tránh nắng. Giờ con tàu chiến ngoài xa cũng đã bỏ đi, kéo theo sư phẫn uất cực độ của người ở lại. Tiếng súng nổ ở phía làng chài, cùng đoàn người dơ tay đầu hàng. Đó là đoàn quân quyết định đi theo dọc bờ biển để đến mũi Cà ná. Trong tuyệt vọng họ đang tìm cái hy vọng. Cộng quân đã chiếm làng chài trước mặt, con đường duy nhất đê thoát. Gọng kìm đang từ từ xiết lại. Rủ Trung úy Ân, mới tìm gặp sáng nay, leo lên ngọn đồi cát sau lưng để quan sát. Đúng vào lúc này, tiếng súng lại nổ kem theo gọng hét đầu hàng đi. Phản ứng tự nhiên tôi vội lao vào một bụi rậm gần đó và rồi nhìn thấy Trung úy Ân theo hiệu lệnh của tên du kích thiểu não đi vào đám người đang được tập trung. Nằm yên trong bụi rậm,chứng kiến cảnh tước vũ khi, rồi rồng rắn theo nhau dưới sự canh giữ của những tên du kích ăn bận theo kiểu nông dân áp tải về hướng làng và trong đoàn cái dáng lêu khêu, gật gù như con bửa củi của Trung úy Hưng thảm thương mà trước lúc ra đi,còn ngoái lại chỗ tôi ẩn nấp. Bất giác nghẹn ngào, tôi bật lên tiếng khóc.Trên bầu trời,từ hướng mũi Cà ná.Đoàn trực thăng xuất hiện bay cách bờ biển hơi xa,dễ chừng cả vài chục chiếc.Đã có những người linh bất chấp địch quân đang rình rập,chạy ra bờ biển đưa tay vẫy vẫy.Nhưng rồi,giống như bay thực tập.Đoàn trưc thăng lạnh lùng quay ngoắt bỏ đi.Đám người lếch thếch lại tìm nơi ẩn nấp.Một ông Thiếu tá Quân-cảnh đưa tay lên gỡ cặp lon trên cổ áo vất tung về phía sau
Trong gió biền chiều nay, tôi cô đơn bên những tiếng thở dài cho những vật dụng không cần thiết được chôn giấu dưới cát. Chợt nhớ đến đồng đội, sao lúc này cần thiết lạ, biết sao trong tình cảnh toán loạn. Sáng nay, thấy bóng dáng Trung úy Thương, nhưng rồi chả biết biến vào đâu, chỉ thấy đi vội về phía làng chài... Hay cũng đã vào tay địch.

Lợi dụng vào bóng đêm và lúc thủy triều đang xuống, lộ ra một khoảng cách khá xa bờ biển. Tôi đi tới mép nước sau cùng, tự đào cát, chôn vội cây súng CAR15. Người bạn thân thiết đã cùng tôi sinh tử, cộng hưởng mọi vui buồn đời linh, đằng đẵng 6 năm trong chiến đấu. Khởi đầu từ trại CCN nằm bên bờ biển Non nước (China beach) để rồi giờ đây cũng tại bờ biển, dấu chấm hết mang địa danh Tháp chàm Phan Rang. Sự ngẫu nhiên đến từ biển và rồi ngậm ngùi chia tay cũng tại biển, mãi mãi mong rằng CAR15 ngươi an tâm yên nghỉ khi mà nước biển sẽ dâng lên xóa sạch dấu vết tủi hờn và cát sẽ bồi đắp, để rồi muối mặn hóa kiếp thân ngươi. Trong tuyệt vọng, cùng đường ta chẳng muốn cả hai phải rơi vào tay kẻ thù... Ôi! định mệnh.
Sự túng cùng đã làm lòng người bỗng chai đá, không biết sợ. Mục đích tìm lẽ sống là trên hết. Như một làn gió thổi tận tim gan, đem sức mạnh bồi đắp cơ thể. Đoàn tàn quân lặng lẽ, cương quyết bước đi hy vọng ẩn nấp vào bóng đêm cùng khoảng cách xạ trường tốt tạo ra bời thủy triều giúp mọi người yên tâm hơn khi phải vượt qua cái làng chài sinh tử.
Mọi hy vọng đã đổ xụp và quấn quít dưới chân khi mà trên bờ biển tiếng hô đầu hàng vòng vọng xuống kèm theo vài tiếng súng nổ. Cảnh hỗn loạn lại lập lại theo những ánh đèn pin, đoàn người đi trước lũ lượt đầu hàng. Tức khắc tôi chạy trở lui theo linh tính... Cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Chả biết bao lâu, thấy mệt tôi nghỉ lại.
Đêm cũng đã về khuya, gió biển vẫn hú từng chập trên hàng phi lao. Sương đêm thấm lạnh, biển sóng vẫn vỗ êm đềm. Một làn gió nhẹ như có hương hoa. Ngửa mặt, trời đêm ánh sao lung linh huyền hoặc. Cơ hội thoát thân đã không thể, đoàn người đang bị bao vây chờ ngày nạp mạng. Vẩn vơ suy tính, giải pháp trở lại đường cũ, tìm nhà dân tá túc, kiếm cơm nước rồi tính sau. Quả là thiết thực khi mà cái đói và khát đang hoành hành cơ thể. Đứng lên bước đi với đôi chân nặng trĩu, dù rằng mọi đồ đoàn đã từ loại bỏ, chỉ còn thân xác và tâm hồn mang nặng tính âu lo.

Xuyên bóng đêm, chân bước mà lòng bất định, cứ nhắm hướng sau lưng, bỏ biển. Giờ đã thấm mệt, có tiếng chó sủa và ngôi nhà lờ mờ trong đêm, ánh đèn leo lét chao gió khi tỏ khi mờ. Bụng đói tay chân đã có dấu hiệu bủn rủn, tôi cố lần bước tới và rồi nằm phịch trên hè nhà ai.... Cùng lúc hai con chó bu vào sủa oẳng quanh... Mặc kệ, hết sức rồi, tôi cứ nằm lăn ra.
Chủ nhà là hai ông bà khoảng trung niên, sống với hai cô con gái cũng đã có tuổi. Sau những giây phút ban đầu ngượng ngập, e dè, bà chủ nhà đã cho cơm ăn, nước uống, tôi tạm qua được khó khăn, chỉ còn mệt và buồn ngủ lạ kỳ. Trời đã sáng rõ, cảnh yên bình tràn ngập, như không đang trong chiến tranh, đem lại cho tôi cảm giác thanh bình tại miền quê khi còn thơ ấu và quên hết những gì mới xảy ra.
Trong sự trao đổi, hỏi han lúc ban đầu, giờ tôi mới có dịp để ý và nhận xét về những người mình mới quen và thừa nhận tình cảnh thất trận để xin được tá túc, nhất là một bộ quần áo để cải trang, trà trộn vào làm người dân với hy vọng tìm đường thoát thân.
Bộ đồ lính của tôi đã được mang chôn dưới đất sau nhà. Tủi nhục trước tình cảnh bi thương của chính mình và ngậm ngùi trở về với thực tại, lòng tôi như ai cắt, cố tiếc những quá khứ binh nghiệp đã qua và nhủ thầm đây có phải là bước tàn cuộc... Hai con chó cứ mãi quanh quẩn hít hà chỗ đất chôn quần áo, đuổi mãi nhưng lại đến.
Yên tâm với bộ đồ, giờ chỉ còn thiếu cái cuốc trên vai là tôi có thể nhập vai. Điều cần thiết lúc này là một giấc ngủ và tôi xin phép chủ nhà mượn cái võng, dù gì cũng đã hai đêm thức trắng.
Vừa nằm xuống võng, tôi chột dạ, cảm thấy nhột nhạt trong người khi nghĩ đến ánh mắt khác thường, lạ lùng của ông chủ nhà ít nói, hay nhìn tôi rồi lại quay đi. Bằng con đường nào đó trong tâm cảm, tôi đã nhận ra điều ấy và bất an trước giấc ngủ.
Giật mình thức giấc, có ai đó lay gọi và tiếng chó sủa gấp gáp ngoài sân. Mở mắt tôi đã thấy ngay tào tháo mà mấy ngày nay tôi trốn chạy. Hai tên bộ đội Bắc việt và một du kích đang đứng trước tôi. Thầm nghĩ thế là xong, cuộc đời đã có lối rẽ... Lúng túng trong bô dạng cố trấn an để lấy lại bình tĩnh. Tôi bị đẩy đi trong sự áp tải của địch mà chẳng kịp nói lời cảm ơn với gia đình chủ nhà. Chỉ có thể thể hiện bằng đôi mắt, tận đáy lòng với cái nhìn đầy trìu mến, tha thiết biết ơn tôi gửi lại gia đình, sự xúc động trong tôi bằng một tình nghĩa thân thương. Khi ánh mắt tôi chạm đến ông chủ nhà, không hiểu sao ông vội quay đi.
Căn nhà tôn thấp lè tè nằm trên đồi cát làng Sơn hải, không một bóng cây, nắng hè dội xuống biển cát trắng rực nóng.Trong điều kiện như thế cộng thêm sự chả mấy rộng rãi của căn nhà, những tù binh chúng tôi chen chúc, mồ hôi luôn nhễ nhại. Ngoài kia người ta đang gỡ bỏ và vất đi cái bảng văn phòng ấp. Một sự trùng hợp hay ngẫu nhiên hoặc định số: Toán thám sát Hải Sơn được thành lập từ bãi biển Non nước, Đà Nẵng, cùng với chiến trường trải qua nhiều trận địa trong suốt thời gian hơn 6 năm. Nay dấu chấm hết được an bài cũng là bờ biển mang danh Sơn Hải.... Sự đảo ngược của từ ngữ gần như là một điềm báo hiệu một định mệnh tất nhiên mà tôi tin là có thể.

Chiều đến, một chiếc xe tải xuất hiện và sau đó dồn chúng tôi lên. Hẳn rằng đây là chuyến thứ bao nhiêu vì tôi chẳng thấy Hưng, Ân và Thương.Nửa tiếng xe chạy, đã đến nơi phải đến. Một đoàn người chừng 10 bộ đội, mà cái lạ là quần áo mới tinh đứng đợi sẵn. Cửa sau xe được mở, đứng bên dưới tên bộ đội dáng vẻ xếp, tay cầm cuốn sổ đọc to: Chuẩn tướng Nhật, sau đó một tràng những sĩ quan cấp tá. Trên xe im phăng phắc, tôi nhủ thầm vậy là Bộ tư lệnh đã bị bắt, vì không gọi tên Tướng Nghi và Sang... Còn Tướng Nhật... ô hô, ông ta đã ra đi từ trong đêm, vì ông còn 2 Trung đoàn ở Bình Tuy. Bỏ lại một vị đại tá và một Trung đoàn Bộ binh.
Hẳn nhiên là cộng quân đã thả hết tù nhân trong trại, để lấy chỗ giam giữ chúng tôi. Gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi ôm chặt Ân, Hưng, Long râu, Phúc mát, Đí mà lòng lâng lâng sương sướng, vì nay đã có sự chia sẻ của đồng đội. Chả được bao lâu, xếp hàng lãnh nắm cơm trưa, gói muối sả. Lòng trở về hiên thực, bi đát. Tù binh chiến tranh.
Ngày đầu trong trại, chứng kiến những chiếc xe tải cập trại mang thêm những tù binh mới. Đồng đội trong đơn vị lần lượt xuất hiện với đủ mọi trang phục. Ấn tượng nhất là ông Chỉ huy trưởng Đoàn với bộ đồ dân sự, mang danh thầy giáo dạy tiểu học, chạy về gia đình ở Phan Thiết. Ông sẵn lòng cho mọi người biết, có lẽ chỉ vì sợ tố cáo thì bể địa.... Mơ tưởng đến một giấc ngủ ngon, trong suy tư: Mọi sự đã được an bài, lo lắng chi cho thêm sầu, thêm khổ... Cười trong bụng và dỗ giấc ngủ. Quanh đây những tiếng mộng mị có cả la hét. Dưới ánh đèn vàng ệch trên những khuôn mặt, ngủ cười có, miệng há hốc chảy cả dãi, ngáy ào ào, thân co quắp... Ôi, thân phận và con người.
Tiếng ồn ào ngoài bể nước, tôi vội chạy ra xem chuyện gì... Một người lính đã luống tuổi, mang phù hiệu Sư đoàn Dù, đang nắm tay tên việt cộng can ngăn... Tôi là sĩ quan cao cấp nhất của Nhẩy dù ở đây. Tôi xin gánh mọi trách nhiệm. Xin đừng đánh lính của tôi, họ vô tội.... Tên việt cộng vẫn phùng mang trợn mắt, miệng buông lời nhục mạ, lính Dù là đồ này đồ kia... Đối diện là anh lính Dù tay ôm mặt, có lẽ đã bị đánh, chỉ vì dành nhau rửa mặt. Do hỏi người kế bên, tôi được biết người can ngăn là Đại tá Lương, Lữ đoàn trưởng Dù (Nguyễn thu Lương thì phải). Tôi thật sự khâm phục và bái phục. Trong dạ thật hả hê.
Ngồi xếp giữa sân, trong cái nắng chan chan nghe giáo huấn và điều lệ, sau đó họ phổ biến lệnh ai tố cáo một sĩ quan không khai báo sẽ đươc ưu tiên xét cho về trước. Hưng, Đí, Ân mặt buồn buồn gặp tôi cho biết đêm nay chuyển trại. Hải có về sớm, báo lại cho gia đình yên tâm. Bùi ngùi xúc động tôi nhận lời cùng cái nắm chặt tay nhau.

Sáng nay trại rộng thêm ra vì bao Sĩ quan đã được di chuyển qua trại khác... Thế rồi, vào những ngày kế cận, trại đã bắt đầu thả người. Trước hết là những địa phương đã giải phóng, rồi lần lượt vào mỗi buổi sáng, từng tốp người được thả khỏi trại. Trong đơn vị tôi, người hân hạnh đầu tiên ra về là ông Thiếu tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng Đoàn...Điều này chứng tỏ, trong chúng tôi chả ai làm cái chuyện mất dạy là đi tố cáo.
Ngày 12 tháng 5 năm 1975. Cứ như thường lệ vào mỗi buổi sáng, danh sách thả tù binh được đọc tên. Bạn bè cùng đơn vị cũng được thả về khá nhiều. Hôm nay tôi có tên, mừng phấn khởi nhất là Thượng sĩ Đệ, y tá tưởng Đoàn 1 cũng được thả cùng. Chia tay với vài người còn ở lại rồi cùng anh Đệ đến nơi tập trung làm thủ tục.
Cầm tờ chứng nhận, lãnh 3 ký gạo và ít tiền; lâu quá nay quên bao nhiêu rồi, nhưng đại khái giá trị bằng hai chai bia và 3 điếu capstan. Hai thằng dông bộ hỏi đường ra tỉnh đón xe quá giang về Sàigòn.

Ngày đầu tiên tiếp giáp với tự do. Cái dị ứng về màu sắc làm tôi rất khó chịu, chả cảm tình gì với màu đỏ, xanh, cái màu xanh đáng ghét. Ra thẳng bến xe, hai thằng chờ xe từ Nha Trang vào, đi nhờ xe của thằng bạn cậu chủ của hãng xe Phi long.
Sau 36 năm, thời gian đầu hòa nhập cuôc sống mới với trần hai bàn tay trắng, Mẹ già phải phụng dưỡng, cùng biết bao khó khăn của cuộc sống. Với mồ hôi, máu và lệ cùng sự phân biệt đối xử: Chữ ngụy mà mình vẫn còn được mang. Để tự an ủi chỉ còn cách sống gần với tâm linh cùng lao động quên thời gian và mình đã lấy lại được quân bình với thời gian sau hai bàn tay chai cứng và 10 năm dành tiền tiết kiệm để đến được cái "Rừng xưa nhớ đời" mà lòng thổn thức "Trong cái nón sắt của anh. Mặt trời vẫn có đó ban ngày và ban đêm mặt trăng cùng muôn muôn, triệu triệu vì sao vẫn còn đây..."(ca khúc).
Trong mắt nhạt nhòa, lệ tuôn trào, đứng trên bờ biển ngày nào. Hôm nay nói với dưới kia, vị trí này hơi khác xưa, nhưng đúng rồi... CAR15 ơi, ta nhớ mi vô cùng, nay ra thăm ngươi. Mong thần giao nào ứng nghiệm... Cởi bỏ áo quần, lội ra xa kia, chân luôn cùa quạng đào bới, hy vọng tìm thấy, mãi rồi chả thấy, hay tại hôm đó trời tối chăng?... Dù sao ta cũng đã mãn nguyện vì đã ở cùng ngươi cả nửa ngày rồi. Giờ thì ta phải đi lại con đường cũ, chả biết còn nhớ không, nhưng cứ mang máng lại hy vọng tìm thấy chủ nhà để cảm ơn và bộ đồ lính em mi.

Nguyễn Văn Hải CCN

(Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật) Tóan Hải Sơn / CCN (Command Control North) Chiến Đoàn 1 Xung Kích / Sở Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật

Không có nhận xét nào: